Những đứa con thất thủ của đất [18]

tranh Willie Jinks /Mỹ

 

 

 

18/   cái quá khứ đẹp và nghìn lần bi thảm ấy cứ như một thứ cột mốc thời gian luôn sừng sững trong trí nhớ tôi, người ta có thể lầm tưởng phần nhân lọai nhỏ bé ở dưới chân núi Mun, làng tôi đó, chẳng đáng để cho một chương trình thực dân to lớn của người Pháp chú ý đến, nhưng không phải, vào những tháng năm gần cuối cuộc kháng chiến ấy người Pháp bỗng tăng cường việc đánh p;há vùng quê tôi: đem máy bay oanh kích trâu bò và người cày trên đồng ruộng, oanh kích những người đi lại trên các đường làng, oanh kích cả các trường học và các buổi chợ phiên, vậy là phải đi cày đêm, họp chợ đêm, đi học đêm… có lẽ trong lịch sử dân tộc tôi, lần đầu tiên, con người phải lấy đêm làm ngày, lần đầu tiên, những đứa con của đất bắt đầu tập sống với cảnh không có ánh nắng mặt trời, cứ tưởng như vậy thì buồn bã biết bao, nhưng không phải, tối đến, lũ nhỏ trong làng vẫn họp lại để hát bài ‘‘đây thái dương hồng sáng chiếu khắp nơi’’, sáng chiếu hay sáng chói, tôi không còn nhớ chính xác, bấy giờ, cái bài hát có tính chất quốc tế của những người nhân danh chủ nghĩa quốc tế ấy vẫn cứ lung lạc thằng Cam Sành sắp sang tuổi thanh niên là tôi, vẫn là tôi, vẫn là cha mẹ tôi và anh Hai Lực tôi, nhưng đêm đến, lúc đầu cứ thấy bỡ ngỡ, giờ thì đánh bò ra đồng ruộng sao, giờ thì đi họp chợ sao, con vật còn thấy bỡ ngỡ huống hồ con ngươi, đêm đến, lũ heo gà trong chuồng thấy con người đốt đèn lên làm lụng, nhưng không thấy cho chúng ăn uống, kêu la riết thành quen, đêm đến thì lũ heo gà cũng thức với con người, cái nhịp điệu sống của đêm nó làm cho người làng tôi vốn mù tịt với lịch sử nhân loại giờ bỗng nhận ra lịch sử là một thứ gì đó chẳng có hình thù chẳng nghe nói năng chi, nhưng lại đầy quyền lực, bây giờ, những người cày ruộng ở làng tôi có chút nhảy cảm với thời cuộc thì hiểu lịch sử là thứ nó bắt con người ta phải đi cày vào ban đêm,

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
9. AM   10.2.2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨC CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]