Những đứa con thất thủ của đất [6]

Hans Krüsi /Thụy Sĩ

 

 

 

6/ tôi nói núi  Voi Nằm [trong đoạn trên] là nói đến một ngọn núi nhỏ trong dãy núi Mun, cái dãy hoành sơn ấy bỗng tách khỏi dãy Trường Sơn to lớn kéo ngang qua đất quê tôi như một thứ sự tích mang tính vũ trụ luận ngẫu nhiên [ngẫu nhiên lại nghĩ ngợi chuyện trời đất] để cho tôi có thể viết được một cuốn sách, Những Đứa Con Thất Thủ Của Đất,  là tôi đang viết về cái bầy đàn người ông Thông Thống lập ra dưới chân núi Mun, làng tôi, phải nói là tôi đem cả cuộc đời mình ra để nói về nó, nhưng nói không hết, bỡi nó, cái bầy đàn người  ấy như thể một thứ phép mầu cứ khuấy lên trong tôi  niềm vui to lớn, rằng, tôi là cha mẹ tôi sinh ra, nhưng là sinh ra ở cái ngôi làng trải dài dưới chân núi Mun, ngôi làng bao giờ cũng là cố quận, cố quận cả trong nghĩa nhân chủng học, dân tộc học, cố quận cả trong nghĩa thi ca, có nghĩa, nó là thứ nền tảng qui mô lồng lộng các thứ ý nghĩa về một cuộc trường tồn [có đi cho hết mặt đất này tôi cũng luôn muốn quay về chốn ấy]   con người và đất đai cứ quyện lấy nhau như một cơ thể đa phức mà tròn đầy, đất đai vẫn cứ  im lặng, mãi mãi im lặng, và con người thì tra hỏi, đôi khi như thể một tri âm, chứ gì nữa, buổi ấu thơ  theo cha ra ruộng để học cày, thỉnh thoảng tôi lại thấy cha tôi dừng cày, đứng nhìn trời đất, hồi ấy tôi không biết, chứ giờ thì tôi biết rất rõ, con người có lúc cũng muốn hỏi trời đất một điều gì đó, tri âm thì đâu cần nói gì, bấy giờ, tôi thấy cha tôi chỉ đứng lặng lẽ nhìn trời đất như vậy, cái ngôi làng trải dài dưới chân núi Mun ấy luôn khuấy lên trong tôi thứ nhận thức có tính hồi cố, chuyện cũ cứ như thứ mãnh lực, vô hình, mà  cuộn sóng, chỉ mỗi hình ảnh ngôi đình làng thân yêu của tôi sụm xuống trong cuộc đốn hạ truyền thống ngu xuẩn ấy cũng đủ dựng ngọn bút của tôi lên, làng, cứ như một thứ bó buộc siêu hình bắt trí nhớ tôi phải nhớ lại những gì có thể nhớ lại, tôi nhớ là mẹ tôi rất lo khi mùa đông đến, cái thú mùa đông cỡi trần ra để  chạy trong mưa, giờ, trong cuốn sách này, tôi gọi là ‘‘lễ hội mùa đông’’, cứ thấy mưa  đông đổ xuống là đám trẻ nít chúng tôi nháo nhào lên, cõng nhau chạy trong mưa, đuổi bắt nhau trong mưa, hay ,  cả đám cứ nằm dài ra ở trong mưa mà la hét, thì là lễ hội mùa đông chứ còn gì, thằng Cam Sành đâu, coi chừng ướt hết quần áo đó, mẹ tôi nhắc chừng tôi bỡi chốc chốc lại thấy tôi lao ra trong mưa, thay cái quần khô xong, tính ở nhà, nhưng thấy mưa nặng hạt hơn, tôi lại lao ra trong mưa, lũ trẻ chúng tôi rất thích những cơn mưa nặng hạt [hay đấy là cái cách giao hòa giữa con người và trời đất có tính tiên thiên/tôi không biết] một ngày tôi chạy trong mưa năm bảy bận, nên rốt cuộc, đêm ấy, tôi không còn quần khô để mặc, thằng Cam Sành đâu sao không đi ngủ, mẹ tôi gọi tôi, đêm nào mẹ cũng vạch sẵn bầu vú của mẹ để chờ tôi, thì tôi đã tuyên bố với lũ cùng lứa ở trong làng, rằng, lũ bay sao, không biết, chứ tao, mười tuổi tao mới thôi bú mẹ, tôi nhớ khi xảy ra sự cố ngủ truồng ấy [ngủ không mặc quần, và chỉ mặc áo]  tôi mới tám tuổi, đêm ấy, sợ mẹ tôi đánh đòn vì ham tắm mưa đêm không còn quần để mặc, tôi phải ngủ với anh Hai Lực tôi, anh Hai con nói sợ ma nên con phải ngủ với ảnh, tôi nói dối với mẹ tôi, gọi anh Hai cho oai vậy thôi, chứ bấy giờ thì anh Hai Lực tôi cũng chỉ là đứa trẻ mười tuổi, đêm ấy, thằng Cam Sành tám tuổi là tôi theo năn nỉ  ông anh mười tuổi đừng mét mẹ việc tôi ngủ truồng, còn mẹ tôi thì cứ tưởng đứa con lên mười của mẹ là còn sợ ma,  cái đêm tôi ngủ truồng đó, giờ nhớ lại, thấy nó có vẻ Liêu Trai lắm,

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
10.30 AM   7.1.2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]