Hasani Sahlehe/Mỹ
rồi người làng tôi lại trải qua những ngày không vui, cái bầy đàn người nhỏ bé chúng tôi như thể không còn giữ nổi cuộc văn hiến tổ tiên để lại: làng như thể góc nhân gian tráng lệ, ở đó là tất cả, dù có chuyện chi đó phải trải qua chín mươi chín miền hung hiểm cũng phải trở về để đêm nghe con chim ấp muỗi vỗ cánh nơi bờ rào nhà thức dậy giữa thứ trời đất thân quen đến nỗi không bước ra sân để nhìn cũng có thể mường tượng được đám sao bắc đẩu có vẻ như ở mãi bên cạnh một người cứ nghe nhắc đến sao trời thì biết là mình vẫn còn sống ở trong ngôi làng đêm vẫn nghe tiếng vạc kêu sương, trong lúc người làng tôi ai cũng nghĩ trong lúc mùa xuân cỏ cây tươi tốt thế thì chẳng bên nào trong cuộc chiến lại nỡ gây ra cuộc chết chóc thì làng lại xảy ra cuộc hận thù mới, tháng giêng, có vẻ mọi thứ trong trời đất đều đang hòa hoãn, bay chậm, và ít đảo lượn, đó là cách lũ chim buổi sáng lượn lờ trên bầu trời đồng làng, tôi đứng ở sân nhìn ra cánh đồng làng trước nhà, những cơn mưa tháng chạp còn để lại nước lênh láng ruộng đồng, gốc rạ lúa trì đang nẩy mầm xanh ngát, cái cách xanh tươi nhẩn nha của chúng như thể chẳng cần biết sau đó thì người ta sẽ cày đất lên để gieo xuống những hạt lúa trì khác, từ hôm thôi dạy học, sáng sớm nào tôi cũng tha thẩn trên sân, con ngỗng lẻ đôi của nhà tôi sáng sớm nào thấy tôi tha thẩn trên sân thì kêu lên mấy tiếng quoác quoác rồi lại cùng tha thẩn với tôi, sáng ấy, nghe tiếng kêu của con ngỗng, mẹ tôi từ trong nhà vói ra: cho ngỗng ăn đi Đàn, tháng giêng, mẹ tôi còn nghỉ ngơi, chưa chạy chợ, nhưng cha tôi thì đã chụm rượu tự hôm hết tết, tôi đi lấy lúa cho ngỗng ăn, tôi vãi lúa xuống bìa sân, và ngồi xuống, chờ, con ngỗng đi một vòng quanh tôi, rồi bắt đầu rỉa lúa, tôi vỗ vỗ lên lưng con ngỗng, và nói ở trong lòng: nếu như tôi còn dạy học thì sẽ mua một con ngỗng mái để làm bầu bạn với nó, tôi như đọc thấy niềm cô độc của con ngỗng của tôi trong cách rỉa lúa của nó, xin nhắc lại, trong một đêm tối trời, chẳng biết lực lượng chiến tranh nào đã phục kích ở vườn nhà tôi và đã bắn chết con ngỗng mái, bắn lầm, vì đã tưởng con ngỗng là con người, con ngỗng của tôi cũng cô độc như tôi, nó cô độc vì lẻ đôi, tôi cô độc vì chưa có đôi, con ngỗng đang rúc lên cánh tay áo tôi như để nói là nó đã no, thì bỗng kêu to lên mấy tiếng quoác quoác, rồi lặng đi, tôi đứng lên, nhìn ra ngõ, cứ tưởng tôi nhìn lầm, nhưng không phải, thằng Mai con thím Ba Quỳnh đang mang ba lô đi vào nhà tôi, làm cách làm sao mà mới sáng sớm em đã có ở đây, tôi kêu lên, thằng Mai ôm chầm lấy tôi, rồi cùng tôi ngồi xuống bìa sân, con ngỗng của tôi rúc lên ống tay áo thằng Mai như thể để nói với nó rằng những ngày nó chưa đi xa mỗi lần sang đây con ngỗng cũng kêu lên quoác quoác rồi im vì biết đấy là người quen, em phải gặp mẹ em trước nhất, nên đã tính tóan chuyện xe cộ để khi về đến làng lúc mặt trời đã lặn bấy giờ thì chẳng còn ai trên đường làng, thằng Mai nói, tôi vui chuyện gặp lại thằng con trai thím Ba Quỳnh mà quên mất chuyện nó đang mặc quân phục lính quốc gia, sao không phải sinh viên mà là lính, tôi hỏi, thằng Mãi đã kể cho tôi nghe hết, thì ra ở Sài Gòn về chôn cất mẹ xong nó gửi lại cho người làng chuyện nhan khói cho thím Ba Quỳnh và bảo là trở lại trường đại học, nhưng thực ra là nó đi đăng lính, với tấm bằng tú tài, học quân sự ở quân trường xong, nó được mang quân hàm chuẩn úy, xin nhắc lại, thím Ba Quỳnh bị cách mạng bắn chết vì nghi ngờ đã làm gián điệp cho đám lính Đại Hàn chỗ đồn lính trên bờ sông Tượng lúc thằng Mai đang học đại học ở Sài Gòn, xe đò về tới bến xe liên tỉnh ở Thi Nại, em thuê xe thồ riêng để về quê, cả đêm em thức với mẹ em, sáng ra em sang đây, anh là người đầu tiên trong làng biết em đã trở về, thằng Mai nói, con ngỗng của tôi lại rúc lên ống tay áo của nó như thể để nói là nó có nghe nhưng chẳng hiểu gì hết, mà sao lại bỏ học để đi lính, tôi hỏi, em cũng không biết làm thế này có đúng không, nhưng chỉ cách này mới bắn được những người đã bắn chết mẹ em, người mẹ hiền lương vô tội, thằng Mai nói, và đứng lên, như thể để cho tôi nhìn thấy nó đang trong một cách hiện hữu khác, một sĩ quan tuổi trẻ với bộ áo quần ka ki màu vàng xám chiếc quân hàm mạ vàng còn mới toanh đang dính trên cổ áo và với cây súng ngắn đeo nơi thắt lưng đang trệ xuống theo kiểu đeo gươm của các hiệp sĩ trung cổ châu Âu, tôi cứ nghe dấy lên trong lòng thứ nỗi buồn cũng ảm đạm như thứ sương mù tháng tám giăng mắc trên ngôi làng quê nghèo của tôi vào những sớm thu có tiếng lũ gà con mới sáng ra đã lạc mẹ chiu chít trong làng, làng tôi lại thêm một cuộc hận thù mới, tôi biết thằng Mai đang muốn trả mối thù nhà, nó về quê chuyến ấy là để nói cho người làng tôi biết là nó đang trả mối thù nhà, không thể làm thích khách, vì nó đâu biết ai đã giết mẹ mình mà làm thích khách, chỉ là kiếm khách của thời đương đại, tôi khuyên thằng Mai hãy bỏ đi lòng thù hận, nhưng có vẻ vô ích, nghe tôi khuyên, thằng mai chỉ mỉm cười, em đi thăm người làng mỗi nhà một chút rồi trở lại đơn vị vì em chỉ có hai ngày phép, thằng Mai nói, và từ biệt tôi, mang ba lô ra ngõ, con ngỗng nhà tôi lại buột kêu lên, quoác quoác, rồi lặng đi, kiếm khách hề, một đi không về, và những mối hận thù kiểu nhân loại như thế vẫn cứ âm thầm diễn ra nơi những đường biên lịch sử,