một lần gặp nhau còn mãi nghìn năm…
ng Khan đọc tới khúc sử ấy thì thấy rưng rưng trong lòng. Vị minh chủ của xứ sở Nam Hà đã để lại cho đời sau những ấn tượng quá sâu sắc. Áo vải. Giày gai. Và tầm nhìn minh triết của một bậc minh chúa. Những điều ấy làm nền tảng cho câu chuyện truyền tụng bốn trăm năm qua ở làng Cù của ông. Ông Khan gấp sách lại, và bắt đầu hình dung những năm tháng thật xa, nhưng có vẻ như mỗi ngày một rõ hơn trong tâm trí của một kẻ hậu thế có sức tưởng tượng mãnh liệt như ông. Tất cả đều là tưởng tượng. Ông Khan nhìn thấy vị minh chủ của mình đang băn khoăn lo nghĩ. Phương nam. Niềm thao thức trong đời một người. Làm thế nào để biến một giấc mơ thành hiện thực nhỉ? Giấc mơ về một sự nghiệp lập quốc. Ba mươi tư tuổi vị minh chúa bước qua phía bên kia ngọn Hải Vân hùng vĩ, mở đầu cho một khúc sử mới của đất nước. Tiếng gà Hóa Châu luôn khuấy động giấc ngủ của kẻ luôn muốn có một cơ đồ rộng lớn ở phương nam. Mười năm sau đặt bản doanh ở làng Ái Tử đất Thuận Hóa, vị minh chúa đã đặt chân lên miền đất hoang hóa dưới chân ngọn Thạch Bi. Từ Hải Vân trài dài về phương nam cho đến Thạch Bi là niềm mơ ước của một đời người đã thành hiện thực. Ông Khan nhìn thấy vị chúa trẻ tuổi có hơi băn khoăn lo lắng sau khi cột ngựa ở một gốc cây rừng. Thì ra là do con ngựa dòng Châu Ô Châu Ri cứ dậm chân hí vang trời khi nhìn thấy một đám chim rừng nhúc nhác vừa kêu vừa vỗ cánh bay lên từ những ngọn cây ở gần đó. Lũ chim làm ông nhớ đến cuộc tranh luận giữa ông và ông Luân, bạn đồng môn của ông. Cuộc tranh luận xoay quanh những ngày vị minh chủ vừa đặt chân lên miền đất hoang hóa dưới chân ngọn Thạch Bi. Lũ chim rừng ở đây là một trong những yếu tố thôi thúc vị chúa trẻ tuổi của chúng ta sớm thực hiện công cuộc tiến quân ra Bắc Hà. Ông Luân nói. Bạn ông có cách nhìn theo quan điểm của một nhà viết sử có tinh thần trung quân ái quốc. Có nghĩa, vị minh chủ của của xứ sở Nam Hà đã đặt chân đến được miền biên cương phía nam của đất nước, giờ thì chỉ còn việc quay ra Bắc Hà diệt kẻ lấn áp quyền vua. Ông Luân, bạn ông, luôn đặt vào đầu vị minh chủ của mình tư tưởng chiến tranh. Nhưng ông Khan thì nghĩ khác. “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Với ông Khan, câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có ý khơi gợi cho vị minh chủ Nam Hà về dãi đất phương nam, nơi có thể gầy dựng sự nghiệp một cách yên định. Chiến tranh chỉ là chuyện về sau, chuyện của các vị chúa tiếp theo, còn vị minh chủ sáng lập ra xứ sở Nam Hà thì chỉ nghĩ đến việc an dân. Ông luôn đặt vào đầu vị minh chủ của mình thứ tư tưởng an dân. Cho nên vị minh chủ có hơi băn khoăn lo lắng khi lần đầu đứng trước cảnh phương nam hoang hóa. Ông Khan cứ tưởng tượng ra cái cảnh hoang hóa tịch liêu: Rừng tiếp nối với núi cao, và trải rộng ra khắp muôn phương che phủ cả cuộc sống con người lẫn muông thú, những đồng cỏ, những sình lầy, những ao hồ, sông suối, hết thảy như bị che khuất bỡi rừng sâu. Phải phá bỏ rừng mới có được mọi thứ. Ông Khan nhìn thấy vị minh chúa của mình đêm cột võng nằm giữa rừng sâu mông quạnh. Đêm, lực lượng hộ giá vị chủ tể xứ sở Nam Hà là đám muỗi vắt đang thèm máu người. Từ hoang hóa tịch liêu trở thành miền đất có ruộng đồng tươi tốt có xóm làng đông vui với cuộc sống sung túc là phải tốn bao nhiêu là máu và mồ hôi nước mắt của vị minh chủ, của đám người bản địa, và của những lưu dân phương bắc đã từng theo vị minh chúa vào nam. Không phải chỉ ông Khan mới thấy công lao to lớn ấy, mà những thế kỷ sau đó, cả vị đại quan học giả của guồng máy chính trị đối địch Bắc Hà cũng phải thừa nhận sự giàu có của Nam Hà được tạo dựng bỡi tầm nhìn của một vị minh chúa. “Các xứ Cò Đen, Kẻ Dã phủ Qui Nhơn thì sản xuất ngựa, ngựa sinh ở trong hang núi thành đàn hàng trăm hàng ngàn con, có con cao tới hai thước rưỡi, ba thước. Người địa phương tập dạy cho thồ chở hàng hóa sang phủ Phú Yên. Cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa cũng cỡi ngựa là thường” ( Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục). Cứ mỗi lần đọc tới khúc sử này ông Khan lại thấy rưng rưng trong lòng. Nó là dấu vết của một cuộc tình lớn. Cuộc tình của vị minh chủ và con dân Nam Hà. Khi nghĩ đến tình tiết này, ông Khan lại nhìn thấy người thiếu nữ làng Cù bốn trăm năm qua vẫn tồn tại trong ký ức của người làng ông. Nàng mang dáng dấp của một cô gái được lịch sử giao cho thứ trọng trách vừa cao quí vừa lãng mạn. Lãng mạn như những câu chuyện ở trên trời. Và ông Khan đã nhìn thấy vị minh chúa của mình đi ngựa vào ngôi làng hẻo lánh dưới chân núi Voi Nằm có tên làng Cù. Mãi về sau thì ngôi làng ấy mới trở nên đông vui. Còn lúc vị minh chúa đi vào làng thì tre làng vừa mới mọc. Những con người bản địa hiền như đất phương nam. Và một cuộc tình đã khởi lên giữa lúc chưa có tiếng ếch nhái trên đồng làng.
Em yêu bước chân ngang dọc của chàng, đã dẫm lên sự hoang hóa, dẫm lên trắc trở. Nhưng ta như con chim đại bàng chưa mỏi cánh, vẫn còn muốn bay xa, chắc gì còn gặp lại. Không sao đâu, một lần gặp nhau còn mãi nghìn năm. Đêm tháng tám. Mưa thu. Người con gái trồng rau sắn dưới chân núi Voi Nằm.Và vị minh chủ của xứ sở Nam Hà. Nhưng vì sao đêm lại phải nằm lại nơi đây? Để ngăn bước chân lũ nai lũ gấu trên núi. Đêm, chẳng có con thú nào ở trên núi xuống phá rau sắn.Chỉ có vị chủ tể xứ sở Nam Hà làm khuấy động con tim người con gái làng Cù. Một đêm mưa thu hay nghìn đêm mưa thu cũng thế. Chỉ là sự làm dài ra phút giây trọng đại của cuộc ân tình thế kỷ. Chàng đến vào mùa thu. Và cũng ra đi vào mùa thu. Ta sẽ trở lại để đón em về kinh vào một ngày nào đó. Vị minh chúa Nam Hà đã mất giữa lúc chưa kịp đón người con gái mình yêu. Nhưng cũng chẳng sao,bỡi chàng đã để lại cho em giọt máu minh triết của một kẻ ngang dọc đất trời. Người con gái tự nhủ.
Ông Khan cho rằng câu chuyện tình truyền tụng qua các thế hệ ở làng Cù có được sửa sang cho tân kỳ cũng chỉ để làm sang trọng lịch sử đất nước mà thôi. Đã bốn trăm năm trôi qua, ông Khan nghĩ, giọt máu của vị minh chúa không thể không còn lưu lại trong ai đó ở làng Cù của ông. Hay đã lưu lại trong ông? Ông thấy ý nghĩ của mình đẹp như giọt nắng buổi sớm mai hồng.
Giã, tháng 1/2015