Những ngọn gió thổi về từ quá khứ/âm vọng nguyên sơ

 

Vẻ đẹp của các sự vật nằm trong trí tuệ  đang chiêm ngắm chúng.
David Hume

 

 

Kể từ hôm biết được nguồn gốc tổ tiên của người làng mình, ông Khan như rơi vào một cuộc tồn tại khác. Có vẻ như hết thảy những hiểu biết bấy lâu của ông về thế giới đã bị gãy đứt khỏi chỗ bắt đầu. Nó là bể cả bao la, chứ chẳng phải là cái gì khác: Tổ tiên người làng ta từ nước ngoi lên vào một ngày đám cây cối đã mọc tràn lan nơi mặt đất. Lời ấy vừa như sự khai minh vừa như thứ hỏa mù tác động một cách mãnh liệt lên ý thức ông. Vị tư tế đình làng Cù, cha của ông, có vẻ như muốn giữ bí mật ấy đến muôn đời. Lý do vì sao thì ông Khan vẫn không thể xác định được. Nhưng ông biết chắc là cha của ông không muốn công khai sự việc ấy với người làng Cù. Cha của ông, vị tư tế đình làng, người am hiểu đông tây kim cổ, thông thạo chữ Hán chữ Nôm và quốc ngữ, suốt đời làm tư tế đình làng, nhất định phải hiểu rõ tính chất quan trọng của bản văn ấy. Đình làng Cù bị đập phá, vị tư tế của đình làng mang về nhà cất giữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ về thần tích, gốc tích của làng, về những qui định tế lễ, và những phong tục tập quán truyền lại từ các đời. Vị tư tế của đình làng chết, cái gia tài văn hiến của làng cứ việc nằm yên trong chiếc hòm gỗ. Năm mươi năm, kể từ ngày cha của ông mất, bỗng như có sự đánh động tâm linh nào đó, ông Khan muốn xem thử mớ hồ sơ giấy tờ được cha của ông cất giữ bấy lâu. Ông Khan mở cái hòm gỗ vào một ngày cuối thu. Tất cả những nội dung hồ sơ giấy tờ ấy lướt qua trí óc ông như những kiến thức ông vẫn thường tiếp xúc qua sách vở, chỉ trừ mỗi văn bản, ông đã dừng lại ở đó, thật lâu, và cái vật thể chữ nghĩa ấy như đã làm đảo lộn tình cảm và trí tuệ ông một cách nghiêm trọng. Ông đọc đi đọc lại bản văn ấy đến mấy mươi bận. Và mơ hồ nhìn thấy trong quá khứ xa xăm, chẳng thể đóan được là những sinh vật gì, thứ sinh linh không tên tuổi không tiếng nói không hình dạng rõ ràng đang trườn lên khỏi bể cả bao la, rừng cây nơi mặt đất phủ bóng lên bước chân những vị khách vừa mới bước ra khỏi cái thế giới lạnh lẽo và ẩm ướt. Ông Khan nhìn thấy những vị khách lạ ấy có vẻ hơi ngơ ngác giữa nơi cư trú mới. Ngoài vườn nhà ông, lũ trẻ đang chơi trò chuồn chuồn cắn rốn. Mùa thu đang sửa soạn ra đi. “Bọn chúng ta bay vào cõi trời cao”… Ông nghe lũ trẻ hát. Và thấy động lòng. Con người ta khi bước vào tuổi xế chiều thì cứ thấy luyến nhớ buổi ấu thơ. Buổi ấu thơ ông cũng từng để cho chuồn chuồn cắn rốn để bay vào cõi trời cao. Sao không đến từ cõi trời cao, mà từ bể cả bao la nhỉ? Ông bắt đầu tự chất vấn mình về cái nguồn gốc có vẻ hơi mơ hồ của tổ tiên người làng ông: Tổ tiên người làng ta từ nước ngoi lên…Cơn mưa cuối thu xảy ra tự ba hôm trước. Nhưng trên đồng làng, lũ ếch nhái vẫn còn mừng nước. Tiếng ếch nhái gợi lên trong nghĩ ngợi của ông về một giả định làm ông thấy phiền lòng hơn là phấn khởi. Con nòng nọc rụng đuôi, lên bờ thành ếch nhái. Rồi làm sao ếch nhái lại có thể tiến hóa lên thành con người có trí tuệ nhỉ? Ông Khan có phân vân với cái giả định nguồn gốc tổ tiên người làng ông là ếch nhái. Nhưng suy đi tính lại thì mọi thứ đều có thể xảy ra dưới gầm trời này. Ông cứ thấy có vẻ tả tơi trong nghĩ ngợi thế nào ấy khi nghĩ tới cảnh tổ tiên người làng ông lại là ếch nhái. Ở ngoài vườn nhà ông, lũ trẻ đã chuyển sang trò chơi khác, trò chơi rắn cắn đuôi. Lũ chúng, đứa sau nắm đuôi áo đứa trước làm thành một vòng tròn khép kín, như thể con rắn cắn lấy đuôi của mình. Thứ hình ảnh gợi ông nhớ đến một quan niệm về thời gian không có khởi thủy và chung cục. Nhưng ở đây lại là bắt đầu từ bể cả bao la. Nếu không phải con nòng nọc nhảy lên bờ, rụng đuôi, thì là gì nhỉ? Giả định ấy có làm ông thấy hãi, nhưng thật oái oăm, mỗi lúc một hiện rõ trong tâm trí ông ( bỡi ông đã đọc rất nhiều sách vở nói về tổ tiên lũ bò sát hung bạo, loài khủng long, cũng từ nước ngoi lên ): tổ tiên người làng ông với tổ tiên loài khủng long là một. Cho đến khi nghĩ đến điều này thì ông không còn thể xóa nó khỏi đầu óc mình. Những hành vi tàn bạo của người làng ông, không nhiều lắm, nhưng đã từng xảy ra, có vẻ như muốn biện minh cho cái giả định tổ tiên người làng ông với tổ tiên lũ khủng long là một. Ông nghĩ ngợi. Và cảm thấy buổi chiều cuối thu như có vẻ ảm đạm hơn. Đêm, ông vẫn nằm trằn trọc với những giả định về cội nguồn tổ tiên của người làng mình. Vừa thiu ngủ thì ông nghe thấy tiếng hát ru của mẹ ông. Tiếng hát gợi đến một thế giới bao la huyền nhiệm.“Một mai con cá hóa rồng”… Nếu tổ tiên người làng Cù là cá thì sao nhỉ? Ngoi lên từ nước, loài cá bắt đầu một giai đoạn tiến hóa khác, tiến đến loài rồng. Ông nghĩ. Mà treo truyền thuyết, dân tộc ông lại là con cháu của rồng . Điều này thật phù họp làm sao với cái giả định tổ tiên người làng ông là cá. Ông nghĩ. Và cảm thấy rất phấn chấn, không còn muốn ngủ nữa. Ông thức cho đến sáng. Vào lúc tinh mơ, ông đọc lại bản văn về nguồn gốc tổ tiên người làng mình một lần nữa: Tổ tiên người làng ta từ nước ngoi lên vào một ngày đám cây cối đã mọc tràn lan nơi mặt đất, cái thế giới khô cạn ấy thiếu chút nữa đã giết chết tổ tiên ta, nhưng là nhờ trời, vẫn cứ còn sót lại giữa những cuộc thù hằn ngút lửa, đã rơi rụng hết những hành trang cố cựu của loài giống đem từ nước lên, và một hôm bỗng trở nên một hình hài khác, hoàn toàn khác, giữa chốn nước non xa lạ, đêm nghe con vượn hú   trên ngàn, mang thứ hình hài khác xưa, tổ tiên ta thấy nhớ nhung biết bao cõi sông nước ngàn trùng, nơi cắt rốn chôn nhau, nhưng đã lỡ một cuộc ra đi, đã lỡ một cuộc chuyển hóa nghìn năm ngẫu nhĩ, cứ âm thầm mà sống, rồi cũng đã trở thành con người có trí khôn đứng lên giữa mặt đất để làm ra một xứ sở, mà đám con cháu này, những người lập ra bản văn này, mới đặt tên cho nơi trú ngụ tiền nhân để lại là làng Cù. Và quyết định ngay trong hôm ấy sẽ công bố sự việc cho người làng biết. Nhưng liền sau đó ông đã hủy bỏ quyết định ấy. Bỡi ông không muốn làm kẻ bất hiếu đối với người cha yêu kính của mình.

 

Giã
tháng 1/2015

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.