Lại là sự đùa cợt của thời gian

 

Tôi dám nói với các bạn rằng, hắn, thằng bạn nối khố của tôi, là một tai nạn của tạo tác. Một tai nạn thảm khốc. Chẳng lẽ mười mấy năm tôi lặn lội vào cuộc đời sóng gió, để một ngày trở về quê cũ chỉ nhìn thấy bao nhiêu là thảm cảnh. Trước cái thảm cảnh thằng bạn nối khố của tôi là cái thảm cảnh tôi gặp ở chốn kinh thành hoa lệ của xứ sở tôi. Cứ cho là mười mấy năm tôi đã bị cuốn vào cuộc ngang dọc sông hồ. Nhưng không phải đi, như các nhà thuyết khách của thế giới cổ đại, để kiếm chút trọng dụng của các vị vua chúa trên mặt đất. Tôi đi là để may ra thấu hiểu được những lý lẽ   ẩn chứa trong muôn ngàn nghĩ ngợi của con người trong cuộc nhân sinh lận đận. Thì tất cả cũng chỉ là một cuộc bơi lội trong nghĩ ngợi. Ở đất nước sông Hằng, tôi đã kêu lên thế với các nhà nghiên cứu upanishad, tòa lâu đài tư duy cổ kính như ẩn chứa hết thảy trí khôn của nhân loại. Các vị chỉ cười, không hề tỏ tức giận trước một ý kiến có vẻ cực đoan. Cũng là một cách nghĩ ngợi về những nghĩ ngợi của những người đi trước. Các vị nói. Và rất mong được gặp lại tôi. Tôi còn cho là ảo tưởng, rất ảo tưởng, khi bàn về một nền dân chủ đích thực với các nhà xã hội ở miền đất từng khởi xướng những tư tưởng triết học vĩ đại. Ai chẳng biết ở đồi Acropolix ngày ấy, cái nghị viện của xứ Athens cổ kính đã khai sinh ra nền dân chủ, dẫu chỉ mới là dân chủ một nửa, hơi thở demokratia ấy đã làm mới lại mặt đất chúng ta, nhưng đồng thời cũng gây ra bao nhiêu là thảm kịch. Trong cuộc lưu ly bốn cõi, tôi luôn nói ra những nghĩ ngợi rất thật của mình. Và hết thảy đều bình yên. Vậy mà khi quay về xứ sở quê hương thì, anh là ai, hãy cút khỏi nơi này, cút ngay, các vị quát ầm lên, khi tôi cứ tưởng như những đất nước mình vừa trải qua, thưa, sao lại không nói bầu trời là vừa vô hạn vừa hữu hạn, tôi tham gia vào cuộc tranh luận, hoặc là hữu hạn, hoặc là vô hạn, đấy là hai cách nhìn đối lập trong cuộc tranh luận của các nhà thông thái ở kinh, bỗng, một thằng cha nào lạ hoắc nhảy vô, thứ quan điểm vừa là thế này vừa là thế kia của tôi giống như đương không hốt bụi tung vào bọn họ, đường ra, đường vào, mù mịt, đã nổi lên cơn điên của những nhà tri thức đương đại, hãy cút khỏi chúng tôi, cút ngay, cút ngay… các nhà thông thái thét lên, có nghĩa là tôi không thể thuộc về cái chúng tôi của bọn họ, có nghĩa là tôi là kẻ thù của bọn họ, khi nghĩ ra điều này, tôi quá hốt hoảng, lặng lẽ lui ra khỏi đám người thông thái, nhưng nào phải các vị để yên cho tôi đi. Ở đầu con đường phố tôi vừa vượt qua bỗng rộ lên những tiếng còi, thứ tiếng còi của các vị trọng tài bóng đá, sau đó là tiếng quát tháo, hãy bắt lấy kẻ nguy hiểm. Tất cả những thứ đó mách bảo tôi rằng tôi đang bị truy đuổi. Tôi chạy trối chết. Và cũng đã hiểu ra rằng, những nhà thông thái ở kinh là có thân thế rất lớn. Nếu không phải thế thì làm sao, chỉ trong tức khắc, sau cơn giận dữ của các vị, là liền có một lực lượng làm công việc bảo vệ môi trường thành phố truy đuổi tôi, như thể truy đuổi một đối tượng làm ô nhiễm thành phố. Tôi băng qua đất kinh thành. Băng qua những làng xóm ruộng đồng. Băng qua những núi đồi sông suối. Tôi chạy trốn trong niềm kinh hãi chưa từng. Bỡi đằng sau tôi luôn vang lên tiếng quát tháo, hãy bắt lấy nó, kẻ nguy hiểm. Tôi chạy. Và đinh ninh lần này chắc chết. Cứ thấy thấp thoáng ánh mắt căm thù của các nhà thông thái ở kinh. Tôi đinh ninh là tôi sẽ bị giết chết. Và quyết định là phải chết ở quê nhà, có đủ mặt cha mẹ anh em tôi. Nhưng khi gần đến làng tôi, chắc là những người trong lực lượng bảo vệ môi trường thành phố không quen đường sá đã tụt lại đằng sau xa, khi không còn nghe thấy tiếng quát tháo, tôi hơi nhẹ nhỏm trong lòng, và liền đổi ý. Nhất định là tôi phải sống. Và quyết định không về nhà mình. Mà đến tị nạn ở nhà thằng bạn nối khố của tôi. Mười mấy năm xa quê, tôi vẫn luôn có tin tức ở quê. Tôi biết thằng bạn nối khố của tôi đang giữ chức trưởng làng. Cái chức tước chẳng to tát gì, nhưng tôi tin với tình bạn cũ, thằng bạn tôi sẽ che chở cho tôi. Đã quá nửa đêm. Tôi gõ cửa nhà hắn. Ai còn gọi vào giờ này? Nghe giọng nói có vẻ kẻ cả, chẳng giống chút nào với giọng nói thằng bạn nối khố của mình, tôi vô cùng ái ngại. Nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục gọi cửa. Là tao đây, thằng bạn nối khố của mày đã trở về. Đèn đã được thắp sáng ở trong nhà. Cửa mở. Tôi cứ đứng tần ngần trước một kẻ lạ. Mày làm cái đếch gì trở về quê vào giờ này? Hắn hỏi. Thì là hắn chứ còn ai vào đây. Tôi lại khẳng định trong nghĩ ngợi. Tôi đang bị lực lượng bảo vệ môi trường ở kinh thành truy đuổi, anh à. Tôi đâu còn dám mày tao với một kẻ mình cứ thấy có vẻ xa lạ làm sao ấy. Truy đuổi cái con khỉ ! Hắn nói, há mòm cười. Tôi bị truy đuổi vì đã bất đồng ý kiến trong cuộc tranh luận với các nhà thông thái ở kinh thành. Tôi nói vắn tắt về lý do tị nạn của mình. Tranh luận cái con khỉ ! Hắn nói. Và lại há mòm cười. Cứ ở lại đây, bọn chúng nó chẳng làm đếch gì mày vì đã có trưởng làng ! Hắn nói. Chẳng thấy có chút dấu vết nghĩ ngợi nào nơi vầng trán hắn. Một cái trán tròn và nhẵn thín, đâu phải là vầng trán của   bạn tôi ngày xưa, vầng trán như lúc nào cũng có niềm vui   hiện ra ở đó. Chẳng thằng nào dám đụng tới mày vì đã có trưởng làng. Hắn lại quả quyết. Và đi lại trong phòng. Cho đến lúc đó thì tôi đã có đủ thì giờ để nhìn thấy toàn bộ hệ thống cơ thể của hắn. Cái di sản thể chất tổ tiên để lại cho bạn tôi đã hoàn toàn biến đổi, chẳng còn chút gì là của bạn tôi ngày ấy. Hắn không còn có cổ, hai vành môi thì dày lên, hai gò má thì bạnh ra, tất cả những thứ này là thuộc về cái đầu nhỏ xíu dính chặt trên một thân mình to lớn. Tôi cảm thấy sợ hãi, bỡi chính xác là mình đang đứng trước một sự biến đổi kỳ dị. Là do chức trưởng làng? Hay là do môi trường xứ sở? Môi trường thế giới? Tôi không biết. Chỉ cảm thấy sợ hãi. Bỡi rõ ràng là tôi đang đứng trước một tai nạn của tạo tác. Cái tai nạn thảm khốc ấy sao lại đi xảy ra với thằng bạn nối khố của tôi! Lợi dụng lúc hắn đi ra nhà sau, tôi lẻn ra khỏi cửa, chạy trối chết. Đừng để nó trốn thoát! Những người trong lực lượng bảo vệ môi trường thành phố đã vào đến làng tôi. Đã nghe thấy tiếng quát tháo của bọn họ ở phía đầu làng. Tôi chạy trối chết. Tôi băng qua làng xóm tôi. Băng qua xứ sở đất nước tôi. Tôi chạy. Và không biết, ở ngoài kia, có bao nhiêu cuộc trốn chạy như tôi. Tôi chạy trối chết. Tôi băng qua ngày đêm. Băng qua trăng sao. Băng qua ký ức…Từ đó tôi không còn hy vọng ước mơ nào nữa hết.

 

 

Giã,
tháng chạp 2010
tháng mười 2017

 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.