Giữa những khoảng lặng của gió [5]

 

Đã đăng Giữa những khoảng lặng của gió IIIIII, IV

 

không biết tiếng biển buổi sáng mùa xuân, êm, sâu lắng, có ảnh hưởng lũ ve trên hàng keo hay không, tiếng kêu của chúng bỗng chuyển sang kiểu khác, một con kêu to lên, rồi là cả đàn  cùng kêu, một kiểu concerto trong tiếng ve, kìa, đã bắt đầu rồi đấy, ông già gác cổng bỗng kêu giữa lúc tôi đang nghĩ ngợi về tiếng ve, ở thành phố chim én này có ai còn lạ gì cứ mỗi sáng, từ cái ca đoàn như không gì lay chuyển nổi ấy, lại vang lên những giảng thuyết về thế giới, tôi nói, nhưng là phải nghe chú à, phải nghe để biết cái cách làm chậm lại thế giới của bọn họ, ông già gác cổng nói, tôi và ông ấy vẫn ngồi nơi ghế đá chỗ cổng vào để nghe những âm thanh quen thuộc đang tuôn ra từ những ngôi nhà cổ kính trong dãy giảng đường và  ký túc xá của ca đoàn, hình như một nhà thông thái nào đó đang ứng khẩu nói về loài ve đang kêu trên hàng keo dọc theo bờ rào ca đoàn…các bạn cứ tin tôi đi, lũ ve là một xã hội có tổ chức cao, có thể là cao hơn xã hội con người, nhưng, chúng ta là những sinh vật có trí tuệ, chúng ta  sẽ nghiên cứu hết thảy các xã hội của các loài, ngay cả các loài chúng ta chỉ nghe tiếng kêu của chúng và chưa bao giờ nhìn thấy chúng, ngay cả các loài chỉ nghe tương truyền, có nghĩa là các loài sinh ra từ trí tưởng tượng của con người…tôi vẫn ngồi lắng nghe, không sót từ nào, cứ hình dung những khách du lịch trên những chiếc xe ngựa  qua lại trên con đường ngang qua ca đoàn, nếu nghe chuyện nghiên cứu cái chưa hề tồn tại thì bọn họ sẽ nghĩ thế nào nhỉ, một nỗi lo sợ, có vẻ vô cớ, đang thâm nhập trong tôi, có phải đấy là tri thức đương đại không nhỉ, hay chỉ là một cách tự phong của đám người ưa nổi tiếng [bọn họ vẫn tự coi mình là  những nhà thông thái của thời đại] những giảng thuyết  vẫn cứ tiếp tục chảy ra từ những ngôi nhà cổ kính, trung tâm đầu não của một nền văn hóa vừa mới phác thảo bằng chữ, lần này thì một nhà thông thái nào đó đang nói về đám con cháu của lũ khủng long: thằn lằn và rắn mối…nếu như các nhà tiền sử học và các nhà khảo cổ học xếp thằn lằn rắn mối vào hàng con  cháu  khủng long  theo tiêu chuẩn khoa học thì chúng tôi lại xếp chúng  theo tiêu chuẩn triết học, tức chúng tôi muốn nhìn loài giống chúng qua những tư duy hoàn toàn mới mẻ, một thời, loài giống khủng long là chủ tể mặt đất, rồi bỗng dưng biến mất, kỷ Triat, mở đầu đại Trung Sinh, cách nay khoảng  từ 250 đến 200 triệu  năm thì cha ông lũ thằn lằn rắn mối xuất hiện, một thế hệ  thú oanh liệt, thế hệ bò sát khủng long,  bò sát mà bay được trên trời lội được dưới nước và chạy nhảy được trên mặt đất, từ một con bò sát dài vài mươi xăng ti mét, vụt một cái tiến hóa thành con khủng long dài vài chục mét, nặng hằng chục tấn, có một con khủng long có cái tên gòm 24 chữ cái: Micropachycephalosaurus, xuất hiện vào kỷ Triat, thống lĩnh mặt  đất ở kỷ Giura, và biến khỏi mặt đất ở kỷ Crêta, cách  nay khoảng 150 triệu đến 65 triệu  năm, một cuộc đời một con bò sát xấp xỉ trên dưới 100 triệu năm thì cũng giống một con người  sống thọ vậy thôi, nhưng điều đáng bàn là câu chuyện về lũ thằn lằn rắn mối, các nhà khoa học coi đây là sự thoái hóa từ đám bò sát to lớn là khủng long, các vị  bảo đây là một cuộc thoái hóa thảm hại, nhưng chúng tôi thì nghĩ khác, không phải thoái hóa, mà là một cách  tiến hóa kiểu khác, tiến hóa  ngược, các vị cứ thử nghĩ, một khối thực phẩm một nghìn con thằn lằn ăn trong một năm không hết, thì một con khủng long chỉ xơi trong một ngày, cho nên đám khủng long từng ăn nhau là phải, chẳng phải ngày nay đám thằn lằn rắn mối sống hòa bình hơn cha ông chúng hay sao, hóa ra tiến hóa ngược lại có vẻ văn minh hơn tiến hóa xuôi…tôi vẫn lắng nghe, không sót từ nào, cứ hình dung những giọt nước mắt tức giận, sầu não, tuyệt vọng, cũng có thể là sự im lặng khủng khiếp bỡi chẳng còn từ nào để nói, sự phản ứng của tất cả những người nghe khi nghe thấy cái triết học về tiến hóa ngược các nhà thông thái thời đại đang rao giảng, này, chú thấy tôi nói có đúng không, mà sao các ông ấy lại nghĩ ra được những chuyện như thế chú nhỉ, ông già gác cổng chợt kêu, những tư tưởng đương đại chỉ là sự kết họp và biến hóa tùy tiện những nghĩ ngợi của quá khứ, thứ văn hóa có vẻ mới mẻ ấy tồn tại khắp nơi trên mặt đất đang tạo ra những khung cảnh kỳ dị, quái đãn,  những khung cảnh dở khóc dở cười, nếu không nói là sự khủng hoảng gần như không thể khắc phục được là bằng chứng cho sự mù lòa của thế kỷ, nếu 2500 năm trước là thời trục tư tưởng, thì giờ đây là thời của mù lòa bác ạ, tôi nói, và những giảng thuyết từ những ngôi nhà cổ kính vẫn tiếp tục vang ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published.