Tiếng khèn mục tử

Jon Serl /Mỹ

 

 và con họa mi nhỏ đang tập luyện bài thuyết trình của mình bên con đường cao tốc/và bất cứ cuộc hành trình nào, bất cứ cách thức dạo chơi nào/chỉ là [thứ] chủ nghĩa thần bí cho những người mới bắt đầu/ and the little nightingale practicing its speech beside the highway/ and any journey, any kind of trip/ are only mysticism for beginners/ADAM ZAGAJEWSKY  [Ba Lan, 1945] – CHỦ NGHĨA THẦN BÍ CHO NHỮNG NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

và liệu ta có thể thoát ra được miền núi rừng như thể đang trơn tru bằng phẳng bỗng nổi lên sơn lâm chướng khí, về sau, nhớ lại, ta cứ cho rằng đấy có thể là sự trắc trở trong cách nhìn thế giới, còn bấy giờ, thì, ta vẫn bắt chước người đàn ông tự xưng là nhà rừng học đi về phía ấy, cứ đinh ninh sẽ chấm dứt những ngày lạc rừng khi đi về phía ấy, rồi bỗng như thể một cuộc đánh tráo, con ong cái kiến như thể được thay bằng những cuộc cãi vã, tiếng hót của chim thành ra những va chạm có tính thiên niên kỷ, núi rừng hiện rõ lên những khuôn mặt người, ở bên này con suối lũ nai bỏ lại những móng vuốt ngây ngô, và bên kia suối lũ côn trùng không có cánh  bắt đầu những cuộc bay, cái cách hoán đổi như thể một cuộc chơi kẻ đứng đầu cuộc chơi luôn trốn biệt giữa thinh lặng, về sau, khi ta đã có vốn liếng kiến thức,  nhớ lại cuộc lạc rừng ấy, ta cứ cho là một thứ mê cung tư tưởng, miền cổ tích nơi con vật tư duy, đã sớm hình thành ở chàng trai tuổi mười lăm quê mùa như một số mệnh, ai đã biến núi rừng thành thứ mẫu hình của thế giới đa đoan, bấy giờ, như thể có đủ các loài rắn, màu đen có, màu nâu sậm có, màu trắng màu vàng có, những con rắn bám chặt lấy rừng cây, một cuộc câu kết  làm lung lay hoàn vũ, ồ, rắn, tự buổi sơ khai đã là thứ cặn bã của thế giới, những con rắn, biểu tượng của độc ác tàn ác, ồ ạt tiến vào miền rừng núi ấy, gió cứ tràn qua thứ bóng tối vô minh, bấy giờ, toàn bộ thứ hiếu kỳ ngu xuẩn của ta trốn biệt trong ta, chỉ còn lại nỗi buồn và niềm sợ hãi, ta nằm dài gữa rừng cây biến động ngắm nhìn những con rắn đầy mưu chước trườn đi giữa thứ thế giới thương tích, nhưng còn chàng mục tử với con tha la trong câu chuyện cổ tích của mẹ ta thì sao, những con rắn hèn hạ cứ làm ta nhớ đến con tha la trong chuyện kể của mẹ ta, chàng mục tử ngồi trên lưng tha la thổi khèn, còn con tha la thì quên khuấy con đường dưới chân…”cứ nán lại đây/ những con vật tinh khôn cứ nán lại đây/ châu mục của phong sương tuyết nguyệt/ ca trù của nghìn năm cổ xúy tiếng tơ lòng/sự thật vẫn còn nguyên trên vầng trán mặt trời/ và ngực đá mòn tiếng hót của chim”, hồi ấy mẹ ta bảo đấy là tiếng khèn của chàng mục tử, bấy giờ, trí khôn ngây ngô của ta có mách bảo ta tại ta chưa biết cách đi đó thôi, và hôm sau thì có người đàn ông mặc áo da đi giày da đến gặp ta, bảo, em phải sang bên ấy để học đi,

 

 

[trong Rốt cuộc thì bọn họ là ai]