Những ám ảnh màu tro than

Summer Wheat/Mỹ

 

 

 

những thứ lý thuyết như vậy, về sau,  khi ta đọc đã khá nhiều, ta đã xếp vào dòng kiến thức sần sùi nhất và ảm đạm nhất, có nghĩa, đấy như thể là sự hóa thân của những thức ăn sau cuộc tiêu hóa vội vã, thứ kiến thức ngoại hạng không dễ gì xếp vào các phạm trù quen thuộc bấy lâu, không là kiến thức dân dã, cũng không là kiến thức khoa học, nào, em cứ theo ta là sẽ trở thành công dân hữu ích của đất nước, đâu phải chỉ mỗi mình em mà toàn thể tuổi trẻ của xứ sở này phải học cách đi, lời đầu tiên của người đàn ông mang giày da mặc áo da lúc ta vừa ngồi vào lớp học có vẻ như được thiết lập một cách vội vã cho kịp với tiến độ văn minh nào đó tới lúc ta đã có vốn liếng kiến thức như thế vẫn nghĩ không ra, một lớp học cấp tốc chỉ một thầy một trò, bấy giờ ta cứ ngồi nhìn đôi giày da và chiếc áo khoác bằng da bóng lộn của ông ấy mà nghĩ đến tương lai mờ mịt của mình, cho tới bao giờ thì ta mới có thể đi gìày da và mặc áo da sang trọng như thế, nhưng vì sao ông ấy lại mang giày da bận áo da kia chứ, cho đến câu hỏi giản đơn vậy mà cũng phải đợi tới khi có vốn liếng kiến thức ta mới nghĩ ra được, thì ông ấy là nhà thuyết lý của xứ sở phải ăn vận như thế chứ sao, em có biết vì đâu đã biết đi em còn phải học đi hay không, ông ấy hỏi, nhìn ta với vẻ nghiêm túc, lần đầu tiên trong đời ta đã bị người ta đối xử ngang ngược như vậy, ta vẫn đi đứng suốt mười lăm năm qua sao bây giờ còn phải học đi, thật ra, bấy giờ ta vô cùng tức tối nhưng cũng không đến mức có đủ can đãm để bỏ ra khỏi chốn có vẻ lằng nhằng không đâu như vậy, bấy giờ ta cứ ngồi im, dồn hết vốn liếng hiểu biết của mình vào một chỗ coi thử có hiểu vì sao ta phải học đi hay không, cái buổi sáng ấy cũng chẳng có biến cố gì lớn cho lắm, người ta mở một lớp học cấp tốc cho ta học đi, và ông thầy dạy ta là một người đàn ông mang giày da mặc áo da, chỉ có vậy, nhưng lại ám ảnh suốt cuộc đời ta…nhân danh chính nghĩa ta tuyên bố với toàn thế giới rằng đi là không còn ở yên một chỗ, hình thái lao động tốt nhất cho phát triển tư duy của loài người, nhưng các loài khác khi không còn ở yên một chỗ thì không thể gọi là đi, ví dụ, khi con chim dịch chuyển chỉ gọi là bay, là không dẫn tới tiến bộ mà dẫn tới hiểm nguy, và khi con người đã biết cách thức đi là lúc thuộc về chính nghĩa, ông ấy nói, ta cứ ngồi khóc ròng, những lời ông ấy nói ra như thể nhấn chìm toàn bộ trí não ta, những chính nghĩa, tiến bộ, những hình thái lao động, phát triển tư duy …cứ như lũ đốm đốm ở bờ rào tre nhà ta nhấp nháy loạn xạ trong nhận thức của ta, nhưng thế nào là biết cách đi chứ, chính là thứ lý thuyết sần sùi và ảm đạm đó đã ám ảnh suốt cuộc đời ta,

 

[trong Rốt cuộc thì bọn họ là ai]