Những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời tôi

Hình ảnh mà một người đơn độc có thể soạn ra
là hình ảnh mà không chạm tới người nào. Có
vô vàn sự vật trên trái đất, vật này có thể đặt
ngang hàng với vật khác. Đặt ngang hàng ngôi
sao với lá cây thì không ít tùy tiện hơn đặt chúng
ngang hàng với cá và chim.
Jorge Luis Borges

( trích trong “Công cuộc nghiên cứu của Averroes )  

 

tôi thức dậy với tiếng cú kêu, và nghĩ ngợi rất nhiều về nơi chôn nhau cắt rốn   của mình, làng cù, như một lãng quên định mệnh, ngay trên tấm bản đồ quận huyện, đừng nói chi bản đồ của nước hay của thế giới, tự buổi nào là đã chẳng thấy tên tuổi ngôi làng thân yêu của tôi, nơi tôi luôn cảm thấy như một nỗi buồn, sờ vào dãy núi trước làng cũng thấy buồn, sờ vào con sông chảy qua sau làng cũng thấy buồn, ngay tự buổi ấu thơ đêm nghe tiếng cú kêu tôi đã cảm thấy có gì không ổn, còn mẹ tôi, dường không muốn cho tôi phải chủ ý đến thứ tiếng kêu của lũ chim oan khiên ấy, cứ hối   tôi ngủ đi, như thể là mẹ tôi cũng cảm thấy bất an trước thứ tiếng kêu buồn chết người ấy, vào cái đêm thức giấc nghe cú kêu buồn chết ruột ấy tôi nảy ra ý muốn là phải làm sao cho cả thế giới biết đến ngôi làng làng quê heo hút của tôi, nơi nỗi buồn luôn vươn vất trên những bờ tre   luôn chỉa cành nhánh ra đường làng, thứ nỗi buồn ẩn dấu cả trong   tên gọi của làng, khi gọi tên ngôi làng của mình là làng cù, là người làng tôi phải nghĩ đến con quái vật ấy, con cù, những trăm nghìn năm trước đã quẫy nát đất đai, rồi chẳng hiểu sao lại nằm im cho con người   dựng lên làng xóm, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là   hình thành trên ảo tưởng của một con vật quái đãn muốn đối địch với con người, tôi thức dậy với tiếng cú kêu và nghĩ ngợi rất nhiều về một thứ ràng buộc thiêng liêng như đã trở thành một phần máu thịt trong tôi, đi đâu cũng thấy nhớ những bờ ruộng đồng làng cỏ mồng gà nở trắng vào những ngày mùa đông, đi đâu cũng thấy nhớ tiếng chim trăm trâu cứ vào lúc gần sáng là bắt đầu buông những tiếng kêu da diết trên dãy núi trước làng, dường hết thảy những gì tôi thấy nhớ nhung là đều mang một nỗi buồn không diễn được, tôi biết, trong cái heo hút buồn có vẻ chết người ấy lại ẩn chứa sức lan tỏa mãnh liệt trong cuộc đời tôi, vào cái đêm như đêm định mệnh ấy là tôi bắt đầu lao vào việc đi diễn thuyết, tôi phải nói cho mọi người biết về những gì tôi có thể nói được về ngôi làng yêu quí của mình, việc diễn thuyết là diễn ra với thứ tâm trạng phấn khích kỳ dị như thể tổ tiên tôi đang truyền sức sống cho tôi, này, tôi nói cho các bạn biết, chính là những con người ấy đã làm nên thứ nỗi buồn có sức tác động lên cả cuộc đời tôi, tôi nói với những cử tọa đang chăm chú nghe tôi ở khu gò thổ mộ của ngôi làng ấy, tôi đến ngôi làng ấy vào một chiều mùa xuân vẻ trẻ trung của trời đất là còn nhìn thấy rõ trong ánh nắng cuối ngày và cả trong những ngọn cỏ màu xanh non   ở cái gò hoang chôn người chết, hoan hô nhà diễn thuyết,   đám trẻ nít, con trai có con gái có, đang chăn dắt đám bò ăn cỏ ở   khu gò thổ mộ ấy chẳng biết học hành đến đâu lại có thể gọi tôi là nhà diễn thuyết, tôi chẳng có quyền nhảy vào ngôi làng ấy để bảo người ta tổ chức cho tôi diễn thuyết, nên phải bắt đầu theo cái cách anh hát xiếc là dừng lại ở một nơi nào đó, và nổi trống lên, tôi đã dừng lại dưới tàng cây đa chỗ đầu   gò thổ mộ ấy, cẩn thận cột ngựa vào gốc cây, và nổi trống lên, biết tỏng đám trẻ chăn bò ấy chẳng phải là những cử tọa mong đợi của mình, nhưng tôi cứ phải nổi trống lên và bắt đầu theo cách ấy vì chẳng còn cách nào hơn, buổi diễn thuyết mở đầu của tôi như   cuộc tập dợt định mệnh, có nghĩa sau đó là tôi sẽ phải đối mặt   với cả thế giới, đối mặt với những người sẽ nghe tôi nói về ngôi làng của mình, này, tôi nói cho các bạn biết, đó là một con người kỳ lạ, một thời, cả một miền quê cúi đầu kính phục, không hiểu sao, trong cơn phấn khích   tôi lại bắt đầu nói về cha tôi như một danh nhân của làng, là tôi nói về ông sáu đẽo cày, buổi ấy người ta gọi cha tôi là ông sáu đẽo cày, một cuộc đời thầm lặng như sự thầm lặng của đất đồng làng, mẹ nó coi bán ít lúa mua vải may áo cho con, hay, mẹ nó chớ nên lo lắng quá chuyện no đói, cha tôi nói rất ít, chỉ đủ để cho mẹ tôi và lũ con của ông hiểu ra những điều cốt lõi của cuộc sống, rồi bỗng nổi lên giữa sự thầm lặng ấy là những lời   trân trọng hàm ý ngợi ca, cả những cày ruộng trong làng, cả những người cày ruộng ở những làng khác, đều ngợi ca cha tôi, này tôi nói cho các bạn biết, cầm cây cày của ông sáu để theo đôi bò trên ruộng người ta có cảm tưởng như chẳng phải đi cày, là người ta đã nói về ông sáu đẽo cày thế đấy, này, xin nói các bạn biết, giữa ngôi làng quê đang bị thế giới lãng quên bỗng nổi lên một kẻ kiệt xuất, tôi nổi trống lên giữa lúc hoàng hôn sắp phủ xuống khu gò thổ mộ, và say mê nói về cha tôi, hoan hô ông sáu đẽo cày, hoan hô kiệt xuất, lũ trẻ chăn bò cứ nhảy đổng lên hô to giữa những tiếng trống   của tôi, dường lũ bò cũng cảm thấu được sự phấn khích bất thường đang diễn ra trong tình cảm của những đứa trẻ đang chăn dắt chúng, hết thảy lũ chúng kéo đến vây quanh tôi và lũ trẻ, hoan hô kiệt xuất, hoan hô lũ bò, lũ trẻ chăn bò lại nhảy đổng lên, la ó, và con ngựa của tôi thấy lũ bò bỗng kéo đến vây quanh, cũng nhảy đổng lên, hí vang, và tôi như đang rơi vào cơn mê sảng, tôi lại bắt đầu nói về mẹ tôi, này các bạn biết không, có hai con ma trơi trên mặt đất, một trên núi, và một trên đồng làng, tôi không thúc trống nữa, chỉ nói, tôi thấy mẹ tôi dắt tôi ra sân vào một đêm tháng bảy, sao không vào một đêm nào khác mà vào đêm tháng bảy nhỉ, tháng bảy, nắng như đổ lửa, lúa trên đồng làng chết, mẹ tôi nói chắc đói, cha tôi đã lên núi Voi Nằm từ lúc gà gáy lần đầu, đi với những người đàn ông khác trong làng, có rất nhiều đóm lửa trên núi Voi Nằm, các bạn biết không, mẹ tôi nói đấy là ma trơi, đêm, cứ nhìn thấy những đóm lửa lập lòe trên núi thì biết là còn có rất nhiều ma trơi trên mặt đất, mẹ tôi nói, nhưng lũ chúng có nhà cửa trên núi phải không, bấy giờ tôi hỏi mẹ tôi thế, bấy giờ thì những đóm lửa trên núi vụt ẩn vụt hiện như thể những ngọn đèn trước gió, là lũ chúng vốn sống trong làng, do thiếu cơm áo nên phải lên núi tìm cái ăn, con biết không, ma trơi là cách gọi tên của sự khốn khổ, mẹ tôi nói, nhưng phải mãi những tháng năm sau đó, khi cùng với cha lên núi đốt than trộm, tôi mới hiểu một cách tường tận về lũ ma trơi trên núi, nhưng các bạn biết không, vào một đêm đông mưa gió, mẹ tôi lại dắt tôi ra hiên hè, từ hiên hè tôi nhìn thấy lũ ma trơi trên đồng làng, có phải là lũ chúng thích đi trong mưa gió như thế hay không, bấy giờ tôi hỏi mẹ tôi thế, từ hiên hè tôi nhìn thấy những ngọn lửa di chuyển chầm chậm trên đồng làng tựa hồ chúng biết đi, mẹ tôi nói do đói cơm đói mắm phải mò ra đồng ruộng trong mưa gió như thế, con biết không, ma trơi trên đồng   là cách gọi tên của sự lầm than, dường bấy giờ không phải mẹ tôi muốn giải thích cho tôi hiểu, mà đang muốn diễn đạt một điều gì đó thật hệ trọng đang diễn ra trong lòng bà, mãi những tháng năm sau đó, khi mưa đông đổ xuống, cùng với cha đốt đuốc ra đồng làng soi ếch nhái để làm thức ăn, tôi mới hiểu thấu một hình ảnh khác của cuộc sống lầm than, các bạn biết không, mẹ tôi cũng là kẻ kiệt xuất, mẹ đã làm thức dậy trong tuổi thơ tôi những hình ảnh về thế giới, hoan hô thế giới, hoan hô lũ ma trơi, hoan hô mẹ tôi, lũ trẻ chăn bò lại nhao lên, đến lúc ấy tôi mới giật mình nhớ ra là tôi vừa trải qua một khúc hồi ức tuổi thơ, bóng đêm đã bắt đầu phủ xuống khu thổ mộ của làng, tôi nghe thấy có rất nhiều tiếng người đang đổ về nơi tôi đang diễn thuyết, hoan hô thế giới, hoan hô kiệt xuất, tiếp tục diễn thuyết nữa đi, dường chẳng thèm để ý tới việc có nhiều người làng kéo đến, lũ trẻ cứ nhao lên đòi tôi tiếp tục diễn thuyết, thì ra không thấy cả lũ bò và cả lũ trẻ coi bò trở về nhà, cha mẹ chúng đã đổ xô tới nơi này, tôi cứ thấy như là thời cơ đã đến, đã đến lúc toàn thế giới biết đến làng Cù của tôi, thưa quí vị, những nỗi buồn là vương vất cả trong tiếng chim gù, vương vất cả trong bước chân lũ bò gặm cỏ, nhưng nỗi buồn cố cựu ấy là thứ vật thể thiêng liêng làm cho người làng Cù tôi yêu mến hết thảy những gì vương vất nó, hoan hô nỗi buồn, hoan hô chim cu, lũ trẻ lại nhảy đổng lên la ó, và áp sát vào tôi, lũ bò cũng kéo áp sát vào tôi, con ngựa của tôi lại dậm chân hí vang, là vẫn núp trong những bờ tre làng, núp trong mối u hoài, vẫn mơ ước một cuộc sống tươi đẹp, tôi nói, say sưa, cứ nghĩ sau đó là toàn thể thế giới sẽ kéo đến để nghe tôi nói về ngôi làng thân yêu của tôi, nhưng bỗng có ai đó chen vào đám người và đám bò nói lớn : hãy thu dọn chiêng trống   theo ta về trụ sở của làng, thì ra là vị sứ giả của ngài trưởng làng đã đến bắt tôi đi, tôi chỉ còn biết lặng lẽ thu dọn hành lý, dắt ngựa đi theo ông ta, lũ trẻ đã kéo hết theo tôi, chúng tiễn tôi đến tận trụ sở của làng, hãy vào đó nghỉ ngơi chờ sáng mai gặp ngài trưởng làng giải quyết việc anh tự tiện gây náo loạn trong làng, vị sứ giả nói, và đẩy tôi vào căn phòng tối om, tôi nghe có tiếng khua ổ khóa phía bên ngoài, nên biết là mình đã bị giam giữ, nằm trên sàn nhà trụ sở làng ấy, tôi bắt đầu hoạch định chương trình hành động tiếp theo, tất nhiên là ngài trưởng làng chẳng thể ăn thịt tôi, nhiều lắm là phạt tiền và đuổi tôi ra khỏi ngôi làng của ông, nhất định là tôi phải gầy lại những cuộc diễn thuyết khác, ở những ngôi làng khác nữa, khác nữa, nhất định là tôi phải làm cho cả thế giới biết đến ngôi làng thân yêu của tôi, khi nghe tiếng chim trăm trâu kêu tôi giật mình trở người, thì thấy mình không phải nằm trên sàn nhà trụ sở làng ấy, mà đang nằm trên giường ở nhà mình, phải nói bấy giờ tôi rất đỗi phân vân, không biết là tôi đang mơ tưởng đến một cuộc diễn thuyết, hay chuyện diễn thuyết là thật sự đã xảy ra.

 

 

giã,
tháng   4/2014
tháng 1/2015 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.