Một tiếng đàn cầm[1]

tranh Ines Hildur -Đức

 

thật lâu sau, khi tôi đã vào đại học, khái niệm về sự tàn nhẫn thời tuổi thơ đã phát triển thành đám mây màu tro phủ xuống nhân gian, chỉ là cách nói ẩn dụ, thật ra, sự tàn nhẫn còn lớn hơn rất nhiều đám mây màu tro, cuộc chiến tranh trên đất nước tôi lúc ấy cũng lớn hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh thời tuổi thơ của tôi, lần này, việc oanh kích của máy bay người Mỹ không phải giết chết một con chim như tôi đã nhìn thấy trong trận oanh kích của máy bay người Pháp hồi thơ ấu, mà giết chết rất nhiều con chim và rất nhiều người làng tôi, tôi từ đại học trở về quê thì mọi cái chết ở trong làng đâu đã vào đấy, cả người lẫn đám súc vật đều đã được chôn cất xong yên, cuộc chuyện trò giữa tôi và chú tôi cứ giống như một thứ phác thảo khó khăn cho một thứ sử văn khó khăn, giữa không gian là ngôi nhà vốn đầy đủ các thành viên gia đình, giờ thì chú tôi đi lại một mình như đi giữa giấc mơ, bấy giờ, tôi biết chú tôi muốn nói với thím tôi, chẳng hạn đem trà nước cho tôi, chẳng hạn lo cơm nước cho đứa cháu mới từ trường đại học về, thay vì nói những chuyện ấy chú ấy lại đi nói về cái chết của thím tôi và các em tôi, chú cứ thấy không yên vì đã không chôn cất đầy đủ thịt xương của bà ấy và của đám con của chú, ông nói, tôi cứ mường tượng cảnh chú tôi đi gom lại những mảnh vỡ thân thể của thím tôi và các em tôi, sự tàn nhẫn còn lớn hơn rất nhiều những đám mây màu tro, đêm, tôi quyết định ở lại trò chuyện với chú tôi như để may ra có làm vơi đi chút cay đắng nào nơi chú ấy, cuộc chuyện trò cho đến giữa khuya, thực ra tôi chỉ nghe chú tôi nói, như thể có sự hỗn độn, lạnh ngắt, và phát ra những tiếng kêu cọt kẹt như ai đó đang mở những cánh cửa, trong nghĩ ngợi của tôi… không phải đâu, đó là khi sự nguyên vẹn  bị đem ra hành quyết, nó, đất đai ấy, luôn mọc lên ở trên đó những loài cây có quả, để truyền sinh, loài cây nào cũng có quả, rồi chúng ta, con người, dần dà làm cho chúng bớt hoang sơ, những cây cối dần dà mọc có hàng lối, có biên giới, bên trong những đường biên ấy là tiếng con gà con gọi mẹ, tiếng con bê con gọi bầy, tiếng con người cất lên, từng lúc cất lên, vang ra, óng ánh những giọng nói thế kỷ, cái bầy đàn người ấy là những tổ hợp thiêng liêng, nguyên vẹn, bao gòm luôn trong nó những núi non, sông hồ, cây cối, thú vật và những bài tình ca, chú tôi nói, giống như một người bật thốt lên trong cơn mơ, trong lúc tôi phải đương đầu với thứ cảm giác giá buốt, hay là chú tôi vẫn quen với việc diễn giải cho đám học trò của mình nghe, ông đang nói về khái niệm tổ quốc chăng.

giã tháng 2.2019