Ở mỗi chặng dừng chân

 

 

 

 

 

ồ bọn chúa đất đang đè cổ đám dân trong xứ sở chúng 
 để cho ăn cơm uống nước theo cách thức của thời đương đại,
tôi cứ thử lấy ra vài thứ gì đó của thế giới, nhìn 
ngắm một hồi, rồi tả theo cách của tôi

 

 

 

con chim thử hót theo cách khác,

 

không phải tôi hoài cổ, cũng không phải là tôi  cố thủ trong một cách nhìn thế giới nào đó để giữ lấy một câu chuyện đã cũ, nhưng  lần dừng chân  giữa chốn đất trời đầy quyền phép ấy là lỗi lạc cả trong nội dung chứa đựng và cả trong hình thù diễn đạt của nó, chưa phải là một cuộc tình, chỉ là những bước đi chập chững, cũng không hề biết là chúng tôi đang sửa soạn bước vào một cuộc hành trình mênh mông những cỏ hoa và lời chim hót, chúng tôi không hề biết khi cùng nhau ngồi ở bờ chuối sau nhà dưới bầu trời khuya như vậy là sắp sửa bước vào cuộc thử sức lớn nhất của nhân loại [tình yêu là cách thức để cho con người coi thử năng lực của  mình ở vào lúc nào, thường, tới buổi  ấy mới biết là đang yêu] muội có sợ không, tôi hỏi, khởi thủy là lời cộng với một chút niềm sợ hãi, nỗi sợ hãi khi ý thức rằng đang bứt ra khỏi cảnh trí tuổi thơ, khi đã rủ rê ra bờ chuối sau nhà ngồi trò chuyện dưới bầu trời đêm như vậy là đã bứt ra khỏi cái lứa tuổi thường gọi là tuổi dậy thì, bấy giờ, tôi và nàng cũng vừa mới nhích ra khỏi cái ngưỡng tuổi ấy một chút cho nên vẫn còn huynh muội, kiểu xưng hô có chút gì như ruột thịt, chỉ là nó hơi có vẻ hơi ruột thịt hơn một chút, nó đang nhích gần tới cảm xúc yêu đương theo nghĩa cổ điển của từ này, sợ gì, nhưng huynh có sợ không, nàng nói trong thứ tâm trạng bất ổn, tôi biết cả tôi lẫn nàng đều đang trong tâm trạng bất ổn, những con chim trời đang thử hót một cách khác, hót bằng niềm lặng lẽ dưới trời đêm, không hề có va chạm nào, dẫu  một chút nhỏ thôi, không hề có một lời gì là thuộc về kinh điển của tình yêu, cứ trong sáng như lũ ếch nhái trên đồng làng, muội cũng thấy hơi sợ sợ, nàng nói rất nhỏ như sợ ai nghe thấy, một cõi bí ẩn như đêm thánh bao bọc lấy cuộc đời tôi và nàng, nhưng chúng tôi biết, rất rõ, là chăng bao lâu nữa là tôi và nàng sẽ bước vào chốn kinh điển của tình yêu, rồi chưa kịp bước vào chốn ấy nàng đã chết vì bom đạn của chiến tranh, tôi đau khổ cũng bằng hết thảy các nỗi đau khổ cộng lại và giữ mãi hình ảnh của lần dừng chân ấy như một miền cổ tích, thứ cổ tích như là nền tảng của hiện sinh,

 

tôi kỷ niệm nàng bằng thi ca
mấy mươi mùa thi ca làm bằng ngôn ngữ cổ điển của tình yêu
mặc bọn người quyền thế
tôi vẫn làm thứ thi ca chẳng theo luật lệ nào để tặng nàng
tôi đốt cả thời gian vô ích để không còn chỗ nào vấy bẩn
                                             cuộc tình của chúng tôi
tôi đốt cả trời chiều để gửi nàng
những ngọn lửa như những ngọn gươm đâm nát sự trống rổng
những tháng năm không có em có vẻ vô vị như nhân loại chưa có gì
bọn chúng vẫn tiếp tục nói dối em à
nói dối và tàn bạo
có những hôm buồn bã tôi phải kêu lên

ồ, sein und zeit
[cách nói của người Đức]
cái có đó và những cuộc trôi
có một thứ triết học về nỗi buồn em à
cứ như hằng thiên niên kỷ con chim cuốc gọi mưa trên trí nhớ tôi
tôi vừa đi vừa viết cho nàng
[du ký]
như thể người hát rong vừa đi vừa hát
bây giờ thì tôi có thể nắm tay em để nhảy điệu yếm hồng giai nhân
                                               thôi đừng để bận lòng   

                         

lạc vào lãnh thổ người con gái đất Bếch,

 

dòng máu họ Lã chảy đến đó thì như thể nghẽn lại, chảy ít đi, hay muốn tạo ra một sự cố chăng, sự ra đời của Lã Chi Mai là một sự cố, cả loài người đổ cả tâm tư trí tuệ vào nàng, dường đã có những cuốn sách từ lâu đã  dự đoán về một sự cố như vậy, dự đoán về một dáng vẻ như vây, nhưng không thể nói đó chỉ là dáng vẻ, mà là một miền ngoại lệ cả về ngoại trương lẫn nội hàm của nó, một thứ lãnh thổ làm náo động hết thảy các nền luân lý triết lý đông tây kim cổ [em là chúa tể của chốn trên cao/ đã có thơ viết về nàng như vậy] không phải một giai nhân để làm nghiêng đổ ái ân, mà làm nghiêng đổ những thứ khác, có thể nói là nàng đã làm nghiêng đổ tuốt hết, tôi lạc vào chốn kỳ hồ kỳ quái ấy vào một ngày mùa thu, mùa thu ở đất Bếch cứ như một gương mặt phấn son được phủ lên lớp ảo ảnh: cái cách bay của lũ chim trời như thể giống loài chúng là quan trong  nhất trong các giống loài, cứ quác mỏ ra và kêu quang quác, và cây cối trong vườn thì từ cây tầm ngưu thấp lè tè cho đến loài quất tụng cao ngút hết thảy đều làm ra vẻ buồn bã [mùa thu mà!] còn đám nhà cầm quyền của thời đại thì tay nào tay nấy cũng cố giả làm thi nhân để trích dẫn mùa thu: giữa cái cảnh thu êm đềm thế này thì đồng bào của tôi dễ nhìn ra hơn tầm cao của thời đại chúng ta tầm cao của tổ quốc chúng ta [cái cách nói cho ra vẻ có nhiều cảm xúc như vậy của một nhà kỷ trị  người ta nói là ăn theo nói leo vô liêm sỉ] nhưng Lã Chi Mai thì có cách nói của nàng: ông cho em xin một chút ý kiến về em, nàng nói, không phải ranh mảnh, mà đang khỏa ra một thứ sức hút mãnh liệt, người con gái ấy sinh ra là để hút người ta vào những cuộc máu đổ đầu rơi, phải thật lâu về sau tôi mới hiểu rõ về nàng, còn bấy giờ, tôi cột ngựa ở ven đường, bước theo nàng vào thứ lãnh thổ phải nói là các nhà huyền học, chính trị học, thời sự  học, thổ nhưỡng học…phải hợp sức lại mới tả xiết,

 

 

tôi cột ngựa ở ven đường và đi theo nàng, con đường ngoằn ngoèo qua các thứ khái niệm đã cũ về chân thiện mỹ đang bốc lên thứ mùi khó tả như những trầm tích hằng triệu năm vừa mới được các nhà khảo cổ quật lên, sông núi cứ lẻo đẻo theo ta như tà áo mỏng, nàng vừa đi vừa nói, giọng khinh bạc, tôi đã nhận ra thứ lực hút đang tiềm ẩn trong giọng nói ấy, thứ lực hút như toàn thể mặt đất rung lên khi mấy trăm triệu năm nắng hạn bỗng cơn mưa đổ xuống, cả mặt đất cả cơn mưa như thể đều lăn đùng ra giãy dụa, thứ cảm thức ngậm ngùi dấy lên trong tôi lúc bấy giờ là hậu quả của lời nói đầy thứ âm tiết đen đúa của nàng, tôi đã thực sự lạc vào một cuộc cư ngụ kỳ dị, người ta đồn rằng chỗ ở của nàng là chốn cố cung, cố cung hay cấm cung nhỉ, nơi, người ta bảo có cả các thứ mùi, sắc, niệm, tức những thứ có thể tác động đến mũi mắt và đầu óc của ta, nơi có đủ sức quật ngã bất cứ ai bước vào đó, quả tình là thứ không khí cổ quái có lẫn chút tân kỳ ấy cứ lởn vởn quanh đầu óc tôi, nhưng lẻo đẻo theo ta là như thế nào nhỉ, tôi nói, chẳng lẽ đến nước này tôi còn cố thủ, tôi nói như thể mở đường cho cuộc thám hiểm vào chốn kỳ bí rõ ràng là đang kích động trí óc tôi một cách dữ dội, nàng nằm xuống chiếc giường, không phải nạm ngọc như giường nằm của các cô gái quyền quí thường nói trong sách vở, mà bằng thứ ý niệm xưa cũ có khả năng làm dấy lên ở kẻ khác sự tuân phục [thứ ý niệm như thể niềm quyến rủ dài lâu không phải bằng vẻ đẹp mà bằng hết thảy đen tối] sao ông lại cho vào ngoặc như vậy, em chưa bao giờ thấy ai làm vậy, nàng hỏi khi nhìn thấy tôi loay hoay cho vào ngoặc thứ ý niệm nguy nàn ấy, nàng gọi tôi bằng đại từ ông và vẫn xưng em như lúc mới gặp nhau, không có gì đâu, việc cho một từ ngữ nào đó vào ngoặc chỉ là để sửa soạn cho một sức viết khác, tôi đang thử đặt giai nhân vào một chiếc lồng bằng khái niệm đó em, tôi nói ra những lời xa xôi như thể thả một cái phao chữ vào biển cả mênh mông, nhưng liệu ông có viết nổi về một người con gái như em đây hay không, nàng nói, nhoẻn cười, và tôi thì cứ có cảm tưởng khi nàng cười thì vẻ quyến rủ ấy tăng lên tới mức như thể có một góc nào đó của thế giới sắp nổ tung, eo ơi, một con người trần thế tuyệt vời em chưa từng gặp, tôi biết là nàng đang vờ ca ngợi tôi, hay là đang thử sức tôi nhỉ, là mi đang ở vào chốn cấm cung đó, tôi thầm nhắc mình, và nhìn ra bầu trời chiều, hơi buồn, lũ chim đầu đỏ mỏ xanh, lũ chim quá quen thuộc với tôi, đang bay về núi, đêm đang xuống, tôi biết có thể đêm là hang ổ sau cùng cho những quyến rủ tội lỗi, xin lỗi nhé, giờ em muốn ở một mình, ông cứ trở lại đây khi nào thấy thích, nàng nói, và vẫn nằm im trên giường, một thứ kiêu căng tôi thường thấy ở các vị nguyên thủ quốc gia: không ai có thể thay ta, hay, sau ta chẳng có ai,

 

 

Lã Chi Mai có thể là hồi âm của một niềm tham muốn khôn nguôi nào đó tích tụ tự bao thiên niên kỷ, nhưng cũng có thể là vọng âm vọng lại tự những miền đất khách, cát cứ của những thế lực hung bạo của thế giới: một mưu toan chiếm đoạt thế giới, hay một bè đảng muốn cai quản mặt đất, hay chỉ là một loại thảo khấu thích quấy nhiễu nên hòa bình của nhân loại, hay cũng có thể chỉ là miền hoang tưởng, một bọn mạt rệp lại có thứ ý tưởng ngông cuồng rằng mình là một thế giá thiên khải [bọn mạt rệp vẫn đang to mồm ở đất Bếch/thì đất Bếch là đất khách chứ còn gì] tôi gọi là đất khách bỡi nó mãi mãi không phải là của con người, mãi mãi là miền tăm tối, tôi đến chỗ Lã Chi Mai nhằm lúc nàng đang trang điểm, ông cứ giống một nhà du hành vĩ đại, em nói thật đấy, là em cứ có cảm tưởng vậy đấy, nàng nói to lên, vẫn tiếp tục chuyện phấn son, không phải phấn son đâu, mà là một thứ vật thể trông cứ giống như những ảo ảnh lầm than đang làm cho vẻ quyến rủ của nàng trở nên bạo liệt, người là non cao núi thẳm, một con chim két mặc áo lụa hồng, loài vật nuôi được con người luyện cho biết nói tiếng người, đang luôn miệng ca ngợi nàng, nhưng non cao núi thẳm là sao, tôi vờ chưa hiểu hết nghĩa của lời nói thử hỏi lại con vật biết nói tiếng người, phát ngôn viên của em đó, ông cứ tùy nghi phỏng vấn, nàng chen vào như để thông báo cho tôi biết có điều chi muốn biết về nàng thì cứ việc hỏi người đại diện của nàng, một thủ lĩnh chính trị cũng không quan trọng đến mức vậy: người con gái ấy phải huấn luyện một con vật biết nói tiếng người để làm phát ngôn viên cho mình là không còn tin tưởng vào đồng loại mình, ô, mi, một con chim két lại muốn đứng ngang hàng với nhân loại bọn ta ư, ý nghĩ ấy chợt đến với tôi, và tôi cảm thấy khủng hoảng tinh thần ghê gớm, phần lớn khách của em đều phải gặp đại diện của em trước khi gặp em ông à, nàng nói, không thèm giấu vẻ kiêu căng, có nghĩa tôi là trường họp ngoại lệ, tôi nói, vậng, ông là trường hợp ngoại lệ, nàng vừa chải lên tóc một thứ gì đó như thể là màu nắng phù sa khổ hạnh vừa giảng giải về trường họp của tôi: ngay tự phút đầu em đã có cảm tưởng ông là nhà du hành vĩ đại, em rất thích những nhà du hành ông ạ, có ngài tổng trưởng của đất Bếch tới, con chim két bỗng réo, mi cứ nói với ông ấy mai quay lại nhé, nàng nói to lên như thể để cho khách nghe thấy, tôi cảm thấy hơi choáng váng…là ta đang lạc vào miền đất mà hết thảy đang quì phục dưới chân một dáng vẻ hay sao…

 

 

cho đến hôm ấy tôi bắt đầu hiểu sự hiện hữu của nàng không phải theo cách một con người ở bất cứ ngữ cảnh nào cũng có thể nhìn thấy ngôi thứ của nó theo kiểu tôi, chúng tôi, hoặc, anh, các anh, tức, hiểu đó là những thế thân cho một vật thể con người, Lã Chi Mai không thể là một vật thể con người, nàng là kết tụ ngoại lệ, một thứ bi ca không lời, của hoàn vũ, bỗng, khơi lên  ở đó một ngọn gió [em, lả tả những cuộc vội vã đi về…] ở đó là cơn bất hoặc [ không thể là một niềm nghi hoặc dài lâu] không thể nói nhìn thấy là nhìn thấy, và có thể giải trừ, nàng là khoảng tháng năm dôi ra trong thiết lập thời gian, cổ độ, và cô liêu, khung cửa hẹp mở toang bốn phía, lồng lộng những tham muốn, những mưu toan, cuộc trù tính ở đó là được tính bằng thiên niên kỷ: đã bạc đầu còn rút gươm ngờ nhau, cuộc đua đẫm chất gươm đao không hề kết thúc, nàng là những khái niệm mơ hồ, những khái niệm liên quan đến khuynh đảo, hủy diệt, hoàn sinh với nàng chỉ là mớ viễn ảnh [nắng lên, và cái chết đã đến…] dẫu nàng bao nhiêu lần trò chuyện với tôi, nhưng những câu chuyện liền đó cứ trôi về những miền khác, cứ trôi về những miền mơ hồ nào đó trong nghĩ ngợi, thế này thì, như vầy thì, những giả định bắt đầu hình thành, cứ nhìn thấy những thứ chưa bao giờ nhìn thấy, và bắt đầu dấy lên những vấn nạn, về những nguyên nhân của hiểu biết, về những lý do của sự biểu hiện, về các cách thức nghi ngờ, tại sao, tại sao, cứ vậy, những cấu trúc của vấn nạn cứ tuôn ra từ tâm trí tôi, rốt cuộc, những cuộc chuyện trò trở thành những vật thể trống rỗng, tôi vẫn chưa nói được nàng là ai, chưa lý giải được gì, thì nó là trống rổng chư gì nữa, thì ai đó cứ thử lý giải đi, sao mỹ nhân không hề quyến rủ ái ân, nàng vẫn luôn là một thứ lực hút tỏa ra từ một vẻ đẹp kiêu dũng [em như chút hồn năm tháng…] nhưng ông có tả nổi niềm khao khát của em không đấy, vào cái buổi sáng tháng tám mùa thu ấy, mùa thu trong mắt em, tôi nghe con chim két, phát ngôn viên của nàng, vừa réo gọi có khách có khách, nàng đã xuất hiện ở cửa, ôm chặt lấy người tôi, và thốt ra những lời trên [ông có tả nổi niềm khao khát của em không đấy] tôi nghe như có ngọn lửa, không phải ngọn lửa mùa thu, mùa thu thì có ngọn lửa nào đâu, cứ gọi thẳng nó là niềm khao khát đang chảy ra từ người con gái đất Bếch, em là niềm khao khát, ông ạ,  buổi sáng hôm ấy nàng đã nói với tôi vậy,

 

lần ấy tôi cứ ngờ ngợ nhận ra  một thứ gì đó như là đoạn khúc trần gian nghiệt ngã, hay đấy là phép thử cùa tồn tại chăng, thứ thời tính [một gương mặt hiện hữu] bỗng tách khỏi dòng tiến hóa, một bông hoa nghìn cánh ngự trị ở đó như thể hệ quả của một cuộc hóa thân tàn nhẫn nào đó, em cứ đứng đó, còn ta thì cúi xuống, tuân phục, hay run sợ nhỉ, trước quyền uy không thể mô tả như những mô tả về một sắc nắng hoàng hôn hay một cuộc phiêu lưu qua miền đất lạ, cái buổi sớm mai trời đất huy hoàng ấy tôi cứ ngờ ngợ nhận ra ở nàng, người con gái đất Bếch, một thứ uy lực, em là niềm khao khát ông ạ, nàng chỉ nói có vậy, nhưng tôi thì nhìn thấy ở đó, một khoảnh nhỏ ngôn ngữ nhưng là đằng đẵng những ý nghĩa: khao khát có thể sẽ bùng vỡ thành miền hung bạo, hay có thể là tiếng vó ngựa dẫm lên đất đai, hay cũng có thể là một thể thức điêu tàn, tiếng thở đầy mùi sắt thép,  khỏa ra từ một vị vua tàn bạo,  không phải nàng mô tả về mình, mà là một bộc lộ, cái bản ngã có tên khao khát đã để lộ ra bộ dạng của nó, không phải nàng, mà bản ngã nàng lên tiếng, em là niềm khao khát ông ạ, tôi nghe, và bắt đầu hình dung, từ trong khoảng u uẩn chưa phân biệt, từ trong buổi thoạt kỳ thủy ấy bước ra vật thể không tên, buổi ấy đã có gì có tên đâu, nhưng tri thức hoản vũ cứ khỏa vào đó, luôn khỏa vào đó  sức lực để hiển lộ ra vẻ cao sang, ồ,  rồi thì, người ta bắt đầu gọi là giai nhân, rõ ràng bấy giờ nàng là giai nhân, mấy hôm sau thì con chim két, phát ngôn viên của nàng đã đến chổ tôi, nói, ông hãy đến đó đi, tôi hiểu đó không phải quyến rủ, mà là lệnh, tôi đã nhận ra ở nàng thứ mệnh lệnh tiên thiên, văn hóa Lã Chi Mai là văn hóa thống trị,

 

ở đất Bếch thì từ ngài tổng trưởng hay ngài  thừa trưởng cho đến ngài khu trưởng ngài khối trưởng [những người đứng đầu các đơn vị hành chánh nhỏ nhất] đều mang trong mình thứ thế giới quan Lã Chi Mai đẹp như nắng sớm mùa thu: non sông như dải lụa mềm lẻo đẻo theo ta, cuộc đời, theo các vị, ngoài những hành trang thông thường: gia đình vợ con, những người tình, những cuộc chơi, còn một thứ khác, quan trọng hơn hết thảy là đất nước non sông, chứ gì nữa, họ cầm đầu là cầm đầu một đất nước, cầm đầu một châu quận, hay cầm đầu một xóm làng [ở đây gọi là trưởng khu, trưởng khối] chuyện sáng vác ô đi tối vác ô về là chuyện các viên chức cũ, cái nhìn thế giới đã cũ, giờ đây, hết thảy, từ ngài tổng trưởng đến ngài khu trưởng, luôn nghĩ mình là phương diện quốc gia, là những người đang làm công việc trọng đại: công việc trị nước, non sông như dãi lụa trải ra  suốt cuộc đời họ, ở đất Bếch không có văn hóa từ chức đâu nhé, ngược lại chỉ có văn hóa bám trụ, giờ, thì mơ ước lớn nhất của một ngài tổng trưởng, hay của một ngài khu trưởng, là suốt đời được làm công việc trị nước, này, soạn thảo một công văn bắt đầu từ ngày mai cả nước phải khai báo miệng ăn, ngài tổng trưởng lệnh cho tùy viên của mình, chẳng hạn vậy, hay, này, anh cho gọi mấy tay thanh niên từng đánh nhau đến trụ sở khu ngay hôm nay, ngài khu trưởng lệnh cho tùy viên của mình là bác lao công làm công việc quét dọn và bảo vệ trụ sở làm việc của khu, chẳng hạn vậy, thời nay, văn hóa trị nước là văn hóa tùy viên, văn hóa thuộc hạ, mãi về sau tôi mới hiểu ra, thì ra, đây là văn hóa Lã Chi Mai, nàng có thuộc hạ là con két biết nói tiếng người, mỗi lần nghe con két của nàng nói có ngài tổng trưởng đất Bếch hay ngài thừa trưởng đất Bếch đến tôi cừ tưởng có bọn họ đến thật, nhưng không phải, đây là tường trình của thuộc hạ của nàng về những viên chức nhà nước đã bị nền văn hóa của nàng mê hoặc, những hàng tướng của văn hóa thống trị Lã Chi Mai [xin nhắc lại, văn hóa Lã Chi Mai là văn hóa thống trị] mùa xuân năm ấy, ngài tổng trưởng đất Bếch cho quân triều bao vây ngôi làng ở rìa phía đông đất Bếch, nửa đêm ngài sai người đột nhập vào nhà cắt cổ lão tư tế đình làng, vì theo ngài, đây là công dân duy nhất ở đất Bếch có mưu toan chống lại cách  cai trị của ngài, tôi viết về người con gái đất Bếch Lã Chi Mai và những ảnh hưởng  to lớn của nàng đối với đất Bếch đến đây thì đuối sức, bèn ngồi xuống, chép vào nhật ký hành trình: guồng máy nhà nước ở đất Bếch là đang thống trị xứ sở theo văn hóa thống trị Lã Chi mai, nàng đã để lại cho đất Bếch những gương mặt của thời đại có thể là sẽ làm hao tổn rất nhiều giấy bút, tôi gọi hết thảy bọn họ là thuộc một thời trục gọi là văn minh hậu thuộc địa,

 

ở đất Mân,

 

lúc đầu tôi nghĩ ngợi theo chiều hướng đi lên của một miền đất, nhưng ông nghè An bảo hết thảy những gì tôi nhìn thấy chỉ là tín hiệu về sự tàn rữa tất yếu của thế giới, đất Mân cứ vậy mà trườn vào sử sách, ai bảo một câu hát ru chẳng phải là phóng chiếu mảnh đời nhỏ bé của người mẹ ru con, chỉ là nửa câu, hay chưa trọn một lời hát, nhưng nó là ẩn dụ to lớn về toàn cảnh cơ cực của những người đi chân đất [một tấc đất, nghìn năm, ai còn nhớ con chim nhỏ hót một mình… chẳng hạn vậy] tôi đến đất Mân vào mùa xuận, một nhà sử học thiển cận sẽ nhìn thấy ông Sáu Bền vác cây cày đi dưới bầu trời không mây có chim hót trên đường làng, nhân vật như là bậc thánh của bộ tộc Mân trong cách nhìn của ông nghè An, một người có chữ nhìn một người cày với lòng biết ơn, thì chỉ còn được giản lược thành một nông dân làng Mân, và, nếu như nhà sử học là sử quan của vua tất sẽ chép ông Sáu Bền là công dân tốt dưới sự trị vì của một vị vua anh minh, vua phải anh minh bề tôi mới có thể vác cây cày đi trong thanh bình như vậy chứ…’’đấy là một cách tích tụ khí thiêng sông núi như bao nhiêu tích tụ trong trời đất: vị ngọt của những trái cây rừng, hay tiếng hót của con sơn ca, hay tấm lòng to rộng của người mẹ, đêm, lần mò cài lại chiếc cúc áo cho đứa con bé bỏng, khi nó tích tụ lại ở con người ấy [ông nghè An bắt đầu nói về ông Sáu Bền] thì, trước khi gầy dựng được gia đình vợ con là phải đi làm trai cày cho bọn nhà giàu khắp chín mươi chín ngôi làng ở đất Mân, chín mươi chín ngôi làng là cách nói ẩn dụ về con số nhiều vô số kể, con số đòn roi của chủ nhiều không nhớ xuể, cái cách tích tụ ở đó là để cho con người nếm trải nỗi đau đớn trần gian, thì ra, khi chịu đựng đau đớn trần gian chính là lúc nhận được khí thiêng sông núi, cái đau đớn đã trở thành cái dịu êm của đất như mỗi một bài Madrigal của Claudio Monteverdi’’, ông nghè An chép trong trước tác của ông,

 

 

ông Sáu Bền chết rồi, có mấy đứa nhỏ ở đất Mân nói với tôi vậy, và hỏi tôi có biết chim Khưu hay không, tôi nói con chim Khưu ăn trái nhãn lồng rồi xuống uống nước suối Tiễn ngồi nghỉ chân chứ gì, mấy đứa nhỏ bỗng lau nước mắt, nói, ông nói y như ông Sáu Bền nói vậy [thật ra thì tôi cũng vừa mới nghe ông nghè An kể về con chim Khưu của ông Sáu Bền] đất Mân có núi Thoang ở phía nam và sông Mưng ở phía bắc, con người bị kẹp giữa núi sông luôn mang hoài bão vượt thoát nhưng chưa bao giờ thực hiện nổi, cuối cùng rồi con người ai cũng phải chết, ông Sáu Bền chết rồi, có mấy đứa nhỏ ở đất Mân nói với tôi vậy, tôi biết, đối với lũ trẻ con ở đất Mân thì ông Sáu Bền như một kẻ đầy quyền phép dẫn chúng đi dạo chơi tận những miền không có đâu [tôi mượn chữ trong Nam Hoa kinh của Trang] đứa nào ngồi lên lưng ông Sáu để ông Sáu cõng lên suối Tiễn coi con cá chép đẻ ra con ngựa vằn, nói là nói vậy chứ chẳng đứa nào dám ngồi lên lưng ông Sáu Bền, nhưng rốt cuộc, đứa nào, trong tưởng tượng của mình, cũng nhìn thấy được con cá chép đẻ ra con ngựa vằn, cháu nhìn thấy rồi ông Sáu à, đứa nào cũng nói với ông Sáu Bền như vậy như là một cách hưởng ứng phong trào kể chuyện đời xưa, thật ra ông Sáu Bền chỉ trích ra một vài kiến thức của một anh làm nghề rừng đã đi rừng tự hồi lên mười là có thể biến hóa thành những cảnh bể dâu theo cách nghĩ đơn sơ của ông và như vậy là có thể cống hiến cho tính hiếu kỳ của lũ trẻ nhỏ ở đất Mân, này, lũ bay phải nghe cho kỹ nghe chưa, ngày nào cũng một hai phải kể chuyện chim khưu, lũ bay là một lũ báo cô, mắng mỏ vậy nhưng ngày nào ông Sáu Bền cũng kể chuyện chim Khưu, và lũ nhỏ thì ngồi hóng mỏ nghe, ‘’ngày xưa có con chim Khưu đẻ được năm cái trứng’’, câu chuyện chim Khưu trên núi Thoang chỉ vẻn vẹn mười một từ như vậy, nhưng rồi ngày nào ông Sáu Bền cũng đem ra kể nhưng kể chưa hết là đằng khác, bỡi mỗi ngày thì ông cho con chim Khưu đẻ thêm năm quả trứng, ông kể cái cách con chim đẻ từng quả trứng [con chim Khưu rặn làm sao, đau đớn làm sao, rồi kêu lên, vui mừng khi đẻ được cái trứng làm sao…] sang hôm sau thì ông cho đẻ thêm năm cái trứng nữa, hôm sau nữa thì ông cho một đứa con của con chim Khưu mẹ đẻ ra năm cái trứng, rồi hôm sau nữa thì ông cho cháu của con chim Khưu mẹ đẻ ra năm cái trứng, coi như ngày nào lũ chim Khưu cũng đẻ, rồi lại cho nở con, rồi lại đẻ, nhưng lũ chim con có biết hót không ông Sáu, lũ nhỏ nhao lên hỏi, có chứ sao không, hót còn hay hơn chim mẹ là khác, ông Sáu Bền nói, rồi giả tiếng hót của con chim Khưu, thật ra, chuyện ông Sáu Bền nghe lũ chim rừng hót là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng cái cách giả tiếng hót lũ chim Khưu của ông Sáu Bền là kích thích được trí khôn của lũ trẻ nhỏ ở đất Mân ‘’một người phàm thôi nhưng cứ để cho tấm lòng trong suốt của mình nó tạo ra những cảnh trí cứ tưởng là đơn sơ nhưng đó là một cõi huy hoàng’’, ông nghè An nói như vậy về ông Sáu Bền, người đóng cày ở đất Mân,

 

 

với ông nghè An ở đất Mân thì những thứ cơ cấu luận, giải cấu luận, hay hiện tượng luận, hay hiện sinh luận là vô ích tuốt hết, đất Mân, mảnh giang sơn chập chùng những sử sự, con cò con vạc cũng phải ói máu ra mới kiếm được miếng ăn, ngọn gươm chưa kịp treo lên vách đã phải theo người ra trận, ở đây có quá nhiều cuộc chiến, những cuộc chiến chống các kiểu đói khát và những cuộc chiến chống các kiểu xâm lấn của bọn nước lớn, không ai, và chưa ai giải cấu được tiếng thở dài của một miền đất trùng điệp các thứ tầng mức địa kinh tế, địa chính trị, địa văn hóa, địa thuộc địa, những tầng lớp trị nước thuộc thế hệ cha ông thì hiển hách, nhân đức thấu trời cao, nhưng những tầng lớp trị nước thuộc các thế hệ hậu thế thì bất tài, ngu si, hèn mạt, lịch sử hậu thế nó là một thứ giai điệu buồn…’’ta thử gõ lên một chút quá khứ thì liền nghe thấy tiếng thét căm hờn, không phải thù địch gì ta, nhưng niềm căm tức cái thiếu hụt, căm tức cái lẽ ra không nên xảy ra, căm tức cái đen tối của lịch sử đang nằm trong tay đám người cai trị nói dối và tàn bạo, những căm tức đã trở thành thứ trầm tích hẩm hiu nhất’’ ông nghè An phát vẽ cho tôi thấy nét quá khứ đậm chất bi ca như thế, nói chung, đất Mân là một cuộc ngoi lên từ những điều kiện coi như chưa có điều kiện nào, mảnh giang sơn chạy dọc theo chân núi Thoang, thuộc khí hậu nhiệt đới cực đoan, chật, cằn cỗi, sự ngu muội luôn đi kèm sự đói khát, nhưng cho đến lúc tôi cột ngựa ở ven đường bước vào chốn ấy thì ông Sáu Bền cũng đã biết kể chuyện chim khưu cho lũ trẻ trong làng nghe, và ông nghè An cũng đã nhìn thấy sự vô ích của một số hệ thống tri thức của nhân loại đối với một vùng đất chỉ có thể được soi sáng bằng những lý lẽ của con tim, nói theo kiểu thi ca thì ta phải nhảy tỏm vào nó mới mong hiểu nó,

 

 

một người trồng sắn ở đất Mân nói với tôi: ông không biết đó thôi, cây sắn đó, nhờ nó mà sống được cho tới hôm nay [câu nói không chủ thể, thay vì nói nhờ nó mà con người sống được, chỉ nói, nhờ nó mà sống được] tôi cứ thấy trong câu nói thiếu chủ thể ấy hàm xúc sự diễn giải dân tộc học một cách vô tình: sự tồn tại của một dân tộc là gì nếu không có sự đồng biến giữa thức ăn và tìm kiếm thức ăn [nền kinh tế hái lượm thời sơ sử đầy gian truân bỡi không có sự đồng biến nào giữa thức ăn và tìm kiếm thức ăn, khi trái rừng thôi, không còn rụng, con người sẽ chết] sự tồn vong của một giống nòi đôi khi lại phụ thuộc vào những yếu tố thực phẩm có vẻ không có tính quyết định chút nào, cây sắn là trường hợp ấy, trong những năm khó khăn của đất nước tôi, cây sắn hóa ra là cây lương thực quí gía [nhưng văn chương đi ca ngợi cây sắn lại là một sự cường điệu vô duyên] nó, cây sắn ấy đã làm một cuộc đồng hành với dân tộc tôi trong thứ khả năng tuyệt vời của nó, một cuộc trường chinh vĩ đại chẳng cần sự cổ võ của thi ca: cứ lấy ‘‘một chút mảnh’’ thân sắn [chỉ bằng đầu ngón tay cũng được] vùi xuống đất là ta lại có được một cây sắn khác, một loài thực vật không phải truyền sinh bằng hạt, mà bằng thân, cái cách truyền sinh cứ giống như một phép thử đối với con người [thì bạn cứ làm thử coi] thay vì gọi khoai sắn, giờ, chỉ gọi là sắn, một từ đó thôi, sắn, là người ta thấy ngay ở trước mắt một danh mục thực phẩm: sắn xắc lát phơi khô, bột sắn khô, tinh bột sắn ướt, bún sắn, sợi sắn, vân vân, tính hiện đại của thực phẩm sắn là khiến cho nó không còn giống thuở ban đầu của nó [ khoai sắn] nhưng vẫn là nó, đất đai cứ xấu đi [cằn] và sắn cứ dần ít khoai đi, một người trồng sắn ở đất Mân nói với tôi vậy, đó là sự nghịch biến giữa đất đai và những gì lấy được từ đất đai, tôi cứ mường tượng ngày mặt đất này sẽ sản sinh ít đi những gì con người ăn được, và cho đến lúc nó không còn sản sinh một thứ gì cả thì con người sẽ làm thế nào nhỉ,

 

 

buổi sáng, ông Sáu Bền dàn các thứ công cụ đóng cày ra dưới gốc mít sau nhà, cứ coi như cái bóng mát cây mít sau nhà ông Sáu bền là xưởng chế tạo cày gỗ của ông, sáng ra là người ta nghe thấy tiếng dục đẽo vang lên, làng có thêm tiếng đẽo cày thì vui hơn, tôi gom hết mọi thứ công việc mọi thứ động tác chế tạo cày cày gỗ trong hai từ đẽo cày cho dễ nhớ, thật ra đấy là một câu chuyện rất dài, nói cho đủ thì phải theo thứ tự một là nguyên liệu sản xuất, hai là mô hình sản phẩm và ba là hiệu ứng của thực hành cày, cây cày gỗ là sản phẩm của một qui trình sản xuất khép kín, tức, từ việc thu nhập nguyên liệu sản xuất đến việc phát thảo mô hình sản phẩm đến việc thực hành cày là do ông Sáu Bền quản hết, lên núi Thoang chọn cây gỗ rừng nào thì đẽo được cái bắp cày, cây gỗ rừng nào thì đẽo được cái mỏ cày, con mắt trời cho ông Sáu Bền là nhìn thấy được đám cây trên núi hình ảnh cái trạnh cày, hay hình ảnh cái ách cày, trong cuộc đi của mình, khi tới đất Mân, đụng phải cây cày gỗ của ông Sáu Bền, tôi cứ băn khoăn trong lòng là không thể ký thác hết cho chữ nghĩa trong việc miêu tả một thứ nông cụ truyền lại tự thời tổ tiên lúa nước, ồ, phải có một từ điển cày gỗ để người ta tra cứu nghĩa của những mỏ cày, bắp cày, ách cày, nán cày, náp cày, trạnh cày, vân vân, cây cày gỗ là có tự thời văn minh lúa nước, nhưng truyền cho đến ông Sáu Bền thì từ hình thù cho đến kích thước từng chi tiết của nó là được thay đổi theo cách của ông Sáu Bến, cái trạnh cày phải hõm một chút nữa về phía bên trái [trạnh cày có chức năng lật đất] hay, cái náp cày phải dày thêm lên một chút [náp cày điều chỉnh độ sâu cạn của đường cày] hay, cái bắp cày phải dài thêm ra chút nữa [bắp cày là then truyền nối cây cày tới vai của lũ bò cày] hình thù cây cày gỗ là nó cứ nằm im đó, trong trí thức thô sơ của ông Sáu Bền, cho đến khi ông làm ra được nó, không biết bằng cách nào khi cày cây cày gỗ của ông Sáu Bền, người cày nào cũng kêu lên, ồ, cày rất êm, tức, đi theo cây cày gỗ của ông Sáu Bến là để lật đất lên mà cứ thấy như dạo chơi vậy, mình đi cày ruộng như con chim rừng đi ăn trái rừng vậy, ông Sáu Bền nói, đi cày của ông Sáu Bền là thuộc thứ triết học mơ pơ hơ, ông nghè An nói, mơ pơ hơ là nói tắt múa phượng hoàng, điệu múa cổ xưa của tổ tiên người đất Mân, mười tuổi ông Sáu Bền đã theo cha ra ruộng học cày, rồi theo cha lên núi học đốn gỗ rừng, bỗng tới tuổi năm mươi ông Sáu Bền nứt ra việc đóng cày, đi cày trước, đóng cày sau, cho nên cây cày gỗ của ông Sáu Bền là sản phẩm hậu nghiệm, nó là niềm tự hào của đất Mân, người ta có thể đưa cây cày gỗ của ông Sáu Bền vào một bảo tàng nông cụ lớn nhất thế giới, nhưng giờ thì chỉ những miền đất nghèo như đất Mân mới còn cày cày gỗ, cho nên, giờ, cây cày gỗ của ông Sáu Bền là một nỗi buồn,

 

tôi đi, và khi tới đất Mân thì đụng phải một nền triết học về đẻ, ‘‘đất đai còn liên tục đẻ ra lúa khoai như thế, con người mà không đẻ cho thật nhiều con cái để cày bừa thì chưa phải con người’’, đó là tôi muốn phát biểu cho đầy đủ về nền triết học ấy, còn ở đất Mân, người ta coi chuyện đẻ nhiều như chuyện thường ngày ở huyện, còn sức còn đẻ, hay, đẻ cho sạch ruột mới thôi, cái hệ thống triết học về đẻ nó đơn sơ như vậy, cái hệ thống triết học ấy nó bàng bạc trong cảnh trí buổi sớm mai nghe con gà gáy, thức dậy, ăn cơm nguội xong, vợ gánh gánh phân chạy trước, chồng vác cây cày lừa bò cày theo sau, mẹ thằng Bìm kỳ này chắc đẻ con trai, nửa buổi cày, ngồi nghỉ chân, cha thằng Bìm nói với mẹ thằng Bìm, cái hệ thống triết học ấy nó lẩn quất giữa những đêm trường nhân thế, nửa khuya thức giấc, ba thằng Rì nói với mẹ thằng Rì, rằng, khổ thì có khổ, nhưng càng đông con càng vui, chắc mẹ thằng Rì phải đẻ vài ba đứa nữa rồi mới nghỉ, cái hệ thống triết học ấy nó cứ thúc giục con người như thế, có vẻ như đã là nhân loại thì phải đẻ, đêm là niềm bí ẩn dài lâu, cũng là lúc thống nhất ý chí, cái lòng cương quyết đi tiếp con đường gian khổ, sáu thằng con trai nhà mình lớn lên cày hết nửa đồng làng cho coi, nửa đêm thức giấc, cha thằng Bò nói với mẹ thằng Bò, niềm tự hào dân tộc nó cũng nằm trong cái hệ thống triết học ấy, cách nhìn thế giới như thể lời thề quyết chiến chinh phục đất đai, con người sẽ làm được tất cả, cho nên ở đất Mân, ông Sáu Bền có cả thảy mười sáu đứa con, vừa đi cày, vừa đóng cày, vừa đẻ, tới tuổi sáu mươi, ông Sáu Bền vẫn còn có thể làm cho bà Sáu Bền đẻ được, cái triết học ấy nó đầy sức lực như thế, có những lúc đất nước tôi cũng có những quan niệm hiện đại về dân số của nước, hoặc hạn chế việc sinh đẻ hoặc là khuyến khích việc sinh đẻ, nhưng đó là chuyện của nhà nước, có vẻ như nó chẳng dính dáng chi tới đất Mân , nhà nào nhà nấy ở đất Mân con cái cũng ngút trời, mặc đất chật, đất Mân có đẻ thêm chút đất nào đâu, con người vẫn cứ được thêm lên ở dưới chân núi Thoang, ông bà Sáu Bền có cả thảy mười sáu đứa con, nhưng chỉ sắm được mười sáu cái áo và mười bốn cái quần, có nghĩa luôn luôn phải có hai đứa thay nhau ở truồng, một nhà dân tộc học có tấm lòng tất sẽ nhìn thấy cái cách bố trí chuyện ăn mặc cho con của nhà ông Sáu Bền là đầy tính nhân văn,

 

tôi đi, và khi tới đất Mân thì đụng phải một nền văn chương truyền miệng đầy khí tiết, bỡi nó, nền văn chương ấy vẫn mang dáng dấp tải đạo, ngày xưa có con chim khưu đẻ năm cái trứng, cổ tích tổ tiên truyền lại chỉ có vậy, nhưng ông Sáu Bền đã làm cho nó trở nên những tiếng những lời nguồn cơn của những cuộc trù tính lộng lẫy niềm gian truân và diễm lệ chất trù phú của đất đai, cổ tích không chỉ dừng lại ở bước luân thường, một cuộc đột phá đơn sơ làm vỡ toang thành những miền tráng lệ về cách cư trú và về cách giao lưu của bầy đàn và về cách làm sao cho những thứ lớp nhân sinh trở thành niềm lóng lánh màu nắng mặt trời, lũ bay nghe cho kỹ nghe chưa, con chim khưu ngày đi kiếm trái nhãn lồng, những trái nhãn lồng vừa mới ra khỏi nụ thì lũ con của nó mới ăn được, con là cái núm ruột của mẹ, nhưng con là để làm cho bầy đàn đông đúc, lũ bay không nghe người ta nói là đàn chim đấy sao, ông Sáu Bền giảng cho lũ trẻ nghe, đúng ra là một cuộc triển khai của chữ, văn chương là một cuộc nghìn năm tỏa sáng, văn chương truyền đến ông Sáu Bền thì nó tỏa sáng theo cách của một người đóng cày, lũ bay nghe cho kỹ nghe chưa, chip…chip, con chim con chỉ kêu chip chip mà thấu tai trời đất đó, phải thấu tai trời đất con chim con mới sống được chứ,  nghe con chim con kêu chip chip con chim cũng kêu chip chip, ông Sáu Bền giảng cho lũ trẻ nghe, tiếng kêu chip chip của lũ chim khưu truyền đến đời ông Sáu Bền thì trở thành thứ hòa âm hoàn vũ, làm sao một người đóng cày lại biết được những điều như vậy, không phải là biết theo kiểu tri thức luận của Kant hay Heghen, với ông Sáu Bền, chỉ là nói ra những điều có sẵn trong lòng, thật ra thì ông Sáu Bền đã sở hữu những thứ như vậy tự buổi ấu thơ, mười tuổi theo cha đi học cày, coi cha cày là học cày, từ lúc coi cha cày cho đến lúc cầm được cây cày theo đôi bò trên ruộng thì đó là một cuộc ấp ủ văn chương nói theo nghĩa ngiêm khắc của từ này, chứ gì nữa, nấp ở bờ ruộng vừa coi cha cày vừa coi con chim chiền chiện nó lót ổ ngay trên luống cày mới vỡ, chuyện con chiền chiện lót ổ đã chui hết vô tuổi thơ của ông, mười tuổi theo cha lên núi Thoang học chặt cây gỗ rừng, tiếng suối chảy, tiếng gió reo, và ngay cả tiếng chân của đứa con trai mười tuổi dẫm lên lá rừng đã trở nên thứ âm tiết trong niềm xúc động tuổi thơ, lũ bay nghe cho kỹ nghe chưa, con chim con ăn xong, con chim mẹ xuống suối Tiễn lấy nước, ngậm một miệng nước đầy là lấy nước đó, cho con uống nước bằng miệng như vậy thì gọi là sú, con người còn lâu mới làm được như vậy, ông Sáu Bền giảng cho lũ trẻ, ông nghè An bảo tả như vậy là theo thứ lý thuyết tiếp nhận thế giới chỉ có ở những người đi chân đất, tôi nói là cách tiếp nhận bằng trực giác, ông nghè An lắc đầu, nói, nó là chuyện của tấm lòng không thể diễn giải bằng chữ, lũ bay nghe cho kỹ nghe chưa, con chim mẹ đẻ năm cái trứng, nở năm đứa con, đến lượt lũ chim con mỗi đứa lại đẻ năm cái trứng, đến lượt con của lũ chim con mỗi đứa cũng đẻ năm cái trứng, lũ bay cứ bấm tay tính thử, chẳng phải sẽ có hàng đàn hàng đống chim khưu hay sao, ông Sáu Bền chết rồi, có mấy đứa trẻ ở đất Mân nói với tôi vậy,

 

tôi gặp ông nghè An như đụng phải một nền học thuật  đồ sộ,

 

rồi hắn cứ để cho hắn nghiêng xuống cái vùng trũng có đủ các thứ sắc hương, một con ong bay lên mang theo âm thanh trù mật của mùi đất, mùi bùn, và mùi của năm tháng, các thứ giai điệu thơm lừng như thể bao nhiêu thế kỷ của trôi đều dồn về chốn cố hương, tiếng ca trù của một thời quá vãng nặng trịch những vùng vẫy, con người thì cố thoát những xiềng xích của các thứ luật lệ được giấu trong những tên gọi đẹp đẽ , nhưng sự ngu xuẩn lịch sử cứ như những đám mây ám ảnh cả những buổi sớm mai lẽ ra những người già ngồi tựa của mìm cười nhìn nắng lên, ám ảnh cả những buổi hoàng hôn tắt nắng lẽ ra lũ chim có thể thẳng cánh bay về rừng, tiếng ca trù vốn thuộc minh triết, miền của khoáng đạt, không bao giờ chịu một trời chung với cái vùng trũng âm u, miền của lũ ma quái của hết thảy các thời đại hợp lại, người hát ca trù luôn hát về những miền núi non hẻo lánh, lũ chim rừng là những anh hùng vô danh mang lời nói đến cho những ngọn gió thổi về mọi ngõ ngách sinh tồn, người hát ca trù vẫn hát về những miền ruộng vườn hoa trái, lũ bướm là những nhà du hành tài ba tải đi khí phách của sông nước nghìn năm, khi hơi thở của vạn hữu đứt quãng thì một nghìn lời ca cũng nghẽn lại, con ong bay lên từ vùng trũng mang theo thông điệp, rằng, ở đó, ở cái vùng trũng đó, chói lòa những luận điểm cồng kềnh nửa gánh càn khôn, u tịch còn hơn nghìn năm bị đặt ở bên dưới cái chết, người ta làm gì ở đó nếu không phải là bọn ngông cuồng của thời đại úp mặt xuống đất tưởng tượng ra những đế chế, tưởng tượng ra cái cách cầm đầu đám đông hiệu quả nhất, tưởng tượng ra cái cách lột xương da kẻ khác mau chóng nhất, ở đó những khái niệm về nô lệ bị che khuất bỡi thứ ngôn ngữ có chức năng đánh lừa trí khôn nhân loại, nào là một bầu trời/một lối đi, hay, một tiếng chim/cùng nghe, hay, một lý tưởng/ cùng chia [chúng bay là đồ đểu, đồ chó lợn mặc áo người] ngôn ngữ với hiện thực là khoảng cách trăm năm nghìn năm, ở đó không phải khởi thủy là lời, mà là lời gian dối điêu ngoa, vùng trũng, hang ổ cuối cùng của lũ ngông cuồng của thời đại/NGHÈ AN/SÁCH XÁM/VÙNG TRŨNG

 

 

người hát rong đi dọc theo thời đại không còn nghe thấy  lời trần tình của đất đai về sự phân bổ mưa nắng của mùa, giấu đi băn khoăn để hỏi thử một con dế đang ngóng đợi ai  ở ven đường, bạn đang thấy thiếu hụt gì chăng, mất mát chứ thiếu hụt gì, mất mát gì ta không biết, nhưng mất mát nhiều lắm, lời của dế như thể tín hiệu về một thế giới đang quên đi nguồn cội của mình, quên, hay là đánh mất nhỉ, kẻ có sứ mệnh đánh thức thế giới, người hát rong, tự hỏi mình, và thử hát một khúc cũ về cách tra vấn lũ chim trời, bạn thấy có gì khác biệt nơi bầu trời chăng [câu hỏi mang tính tổng thể về thế giới] thoáng cái lũ chim khắp nơi tụ về, lũ chim đủ các loài và đủ các thế hệ của chim, không phải tín hiệu đâu, thế giới là đang tản mạn ra thành ra những vụn nát tơi bời, bọn ta là đang lạc giữa những cơn gió không rõ gốc gác, lũ chim nói, mây đen bỗng kéo tới kín trời như thể là hiệu ứng của những lời của chim, người hát rong quị xuống, có cảm tưởng như không còn đủ sức đánh thức thế giới, chốn cũ của thế giới nó là cuộc trăn trở, nghìn triệu năm trăn trở làm sao giữ được bản thể của mình, người hát rong nghĩ ngợi, và bước dọc theo ký ức của thế giới, chói lòa thứ danh mục tràng giang đại hải, những tầng lớp tồn tại như thể cuộc chơi những người trong cuộc chơi thay nhau làm chủ, những cuộc chơi vừa bắt đầu vừa kết thúc vừa không bắt bắt đầu vừa  không kết thúc cái cách trì hoãn theo tiếng cười đùa của những cô gái dệt lụa trên con sông làm bằng ánh bạc chảy ngang qua bầu trời nguyên sơ, hay theo tiếng hú gọi nhau trên đỉnh non thần của những vị thần lãng mạn, người đi người ở đều thấy thấy nhớ nhung, bấy giờ thế giới là bài ca mọng ướt những ngọn lửa của thần linh,  người đi hay người ở cứ nghe sông nước gọi tên mình [hãy đi đi cho tới tận chốn ấy…] trong thứ ký ức đẫm màu siêu linh ấy, thế giới là đỉnh cao của sáng tạo, có cả những câu chuyện lập quốc vĩ đại, vị hoàng tử của một đất nước cổ kính nào đó bước lên ngôi, thời của những bậc quân vương minh triết, có cả những câu chuyện tình nảy lên trong cõi trời đất vô biên, những câu chuyện tình vĩ đại ẩn giấu trong  những huyền thoại về cuộc bùng nổ của trí khôn nhân loại, chốn cũ của thế giới là cuộc thai nghén tồn tại, là chỗ bắt đầu của tất cả, khi thế giới đánh mất bản thể của mình thì từ những vật thể nhỏ nhoi, lũ muỗi mòng, hay lũ phù du, hay lũ côn trùng nấp ở bên dưới những lá mục,  hay một thoáng hơi sương, hay một chút nắng,  cho đến những vật thể lớn lao, một triều đại huy hoàng, hay một cuộc truy tìm chân lý, hay một thế giá của tín ngưỡng, hay một nền văn minh đồ sộ… hết thảy đều trở nên vô nghĩa, khi  để mất bản ngã của mình thế giới là hư vô/NGHÈ AN/SÁCH XÁM/CHỐN CŨ,

 

 

khi đến đất Nghị người vẫn giữ vẻ giản dị của một kẻ bình thường đang trên đường đi, nhưng ngài trưởng bối ở đó nghi ngờ sao đó đã ngăn người lại: ông lão muốn làm công việc truyền giáo ở đây chăng, có lẽ ngài trưởng bối thấy người có vẻ một đạo sĩ nên hỏi vậy, không, chỉ là trên đường về chốn cũ, thử ngắm cảnh ở đây một chút, người nói, mắt vẫn để ý những cảnh vật chung quanh, sao lại có chuyện chốn cũ ở đây chứ, ngài trưởng bối hỏi, vẫn con nguyên vẻ hoài nghi trong giọng nói không vui, trưởng bối là người đứng đầu trong công cuộc đổi mới ở đây, phụ tá ngài đến mấy mươi, người viết qui hoạch tổng thể gọi là trưởng hoạch, người phác thảo qui trình sản xuất gọi là trưởng sản, người trông coi an ninh và thi hành pháp luật gọi là trưởng án, vân vân, cái guồng máy trị nước ở đây đang nắm chắc trong tay một công cuộc đổi mới, chúng ta tất thắng, đó là tụng ngôn, thứ mặc định trong nghĩ ngợi của những người đang làm công việc trị nước ở đất Nghị, những nhà nghi thức học, người đất Nghị gọi những viên chức nhà nước ở đây là những nhà nghi thức học, bỡi mọi thứ ở đây đều được bọn họ đưa vào các thứ nghi thức, ví như chuyện cày, đầu tiên là phát thảo về cày [cày bằng gì, chừng nào cày, cày bằng bò hay bằng máy] tiếp đến là thảo luận tranh luận giữa người phát thảo về cày và những người cày, tiếp đến là kết luận về thảo luận và tranh luận, và cuối cùng là thực hành cày, người dẫu là hiện thân của sự vĩnh hằng, người chính  là sự vĩnh hằng, nhưng đã vào đất Nghị người cũng bị các nhà nghi thức học ở đây đưa vào các bước nghi thức: chất vấn, thảo luận, và kết thúc, trước khi bước vào các thứ nghi thức, bọn họ để người dạo chơi đất Nghị, có ngài trưởng hoạch nói là theo giúp người trong việc ngoạn cảnh, nhưng thực ra là để giám sát người, thực ra, với người, thế giới này vốn là chốn cũ, trong tâm thức người vẫn còn nguyên cái cảnh con người từ chốn  tăm tối bước ra, ngơ ngác, lũ ngươi là homosapien, người nói to lên như thể để đánh thức  một giấc ngu muội kéo dài hăng triệu triệu năm ở con vật vừa mới tập tành chuyện tư duy, bấy giờ thì lũ người nguyên thủy ấy cứ nhảy lên, hô, sự vĩnh hằng muôn năm, sự vĩnh hằng còn gọi là chốn cũ, nghe chưa, bấy giờ người giảng giải, thấy người cứ đứng trầm ngâm trước bản bố cáo quốc dân về công cuộc đổi mới của xứ sở, ngài trưởng hoạch lên tiếng hỏi: ông lão có ý kiến chi về chương trình nghị sự đó chăng, người nhìn nhà nghi thức học đất Nghị với vẻ thương hại: bạn làm ra những thứ đó chứ gì, phải, đất Nghị chúng tôi đang trên con đường đổi mới, đổi mới toàn diện, cuộc cách mạng lớn nhất thế kỷ, ngài trưởng hoạch nói, không giấu được vẻ kiêu căng vốn có của mình, người cúi xuống, ngắt một cộng cỏ ra khỏi mình mẹ của nó, nói, thật ra là các bạn đang trên con đường đẫm máu, đúng ra các bạn phải nói thế này: chúng tôi đang làm cuộc đẫm máu, hãy trở về chốn cũ đi, người ôn tồn giảng giải vì rất muốn bọn họ quay về với vĩnh hằng, đám nhà nghi thức học ở đất Nghị lập tức bỏ đi các nghi thức đã đề ra, trói người tống vào ngục, đêm nằm trong cái nhà ngục vách xây bằng đất nung người thấy lo cho nhân loại ghê gớm, cái con người gọi  cách mạng thật ra là sự tàn sát đẫm máu, sáng hôm sau ngài trưởng án mở cửa nhà ngục để thực hiện cuộc hỏi cung đầu tiên thì nhìn thấy cảnh tượng lạ lùng: ông lão đã biến mất, chỉ thấy có mỗi cuốn cổ thư đang bị trói bỏ nằm trên nền nhà ngục, ngài trưởng án mở sách xem thử thì thấy toàn những lời về sự vĩnh hằng/NGHÈ AN/SÁCH XÁM/SỰ ĐÁNH TRÁO NGÔN NGỮ,

 

khi người đến đất Lãng trong bộ dạng kẻ tị nạn: áo quần tả tơi, đầu tóc rối bù, là tị nạn thật đấy chứ, vì người vừa thoát khỏi ngục tù ở đất Nghị, một ông lão trong thôn thấy vậy liền đưa người về nhà, rồi hết thảy đám người già chúng tôi sẽ thề này đây, người đất Nghị ấy chết rồi ông ạ, ông lão nói, ngồi xuống hè, khóc, bỡi ông nhớ đến ông già hát rong ở đất Nghị cũng lang thang như ông người khách lạ này, lang thang một hồi rồi ngã xuống chết, cái cảnh ngã xuống chết hồi nào không hay trong buổi con người coi cái chết cũng bình thường như chuyện ăn cơm uống nước, buổi con người nhạt nhẽo với nhau từ lâu đã tác động tâm trí ông, khiến ông luôn cảm thấy áo não trong lòng, như thể toàn thể gương mặt của xứ sở đang bày ra hết trong thứ nắng thu không trọng lượng, nó là quang cảnh của một vùng quê đang trong tâm thế lủng cũng nhất trong lịch sử tiến hóa, buổi sớm mai đang chùng xuống, con đường vào làng có vẻ bơ vơ sao ấy, và xóm làng như đã đến buổi không còn muốn tiếp nhận bất cứ yếu tố mới mẻ nào, người hát rong ở đất Nghị luôn hát những lời buồn bã ấy chứ gì, người nói, muốn khơi lại trong ký ức ông lão những trường hợp ngoại lệ của trần gian, khi người ta không còn chịu nổi cảnh lạnh nhạt của người đời về cái muôn đời vẫn vậy thì sinh ra việc đi khắp nơi để bày tỏ nỗi buồn như vậy, người giảng giải vì sao ở đất Nghị lại có người chết vì nghiệp hát rong, ông lão tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên trước ông khách lạ, nhưng ngài là ai, cũng biết người đất Nghị ấy hay sao, ông lão hỏi, và bắt đầu thấy nể nang ông khách lạ, ông gọi người là ngài là cách biểu lộ của một người khi thấy kính phục ai đó có kiến thức rộng, hay là đã đến lúc phải để cho mọi người nhìn thấy sự vĩnh hằng, người nghĩ ngọi, mỉm cười, và vẫn giữ nguyên bộ dạng của kẻ tị nạn, để tỏ lòng ngưỡng mộ một người ông lão cảm thấy có điều gì đó ông nói ra không được nhưng cứ cảm thấy như thể người ấy đang diễn tả điều bấy lâu vẫn cứ dấy lên trong lòng mình là cái muôn đời vẫn vậy, tức, cái ông nghe người ta gọi là vĩnh hằng, ông đã đưa người đến gặp đám người có chữ ở trong thôn, đám người bấy lâu ông nghe tiếng nhưng chưa biết là những người lòng dạ ra sao, nhưng ông lão ấy là ai bác lại đưa đến chỗ chúng tôi, một người trong đám người có chữ nói, một người tị nạn lang lang trong thôn ta muốn nhờ các anh nghĩ kế giúp đỡ, ông lão giải thích việc ông đưa ông khách lạ đến gặp bọn họ, tị nạn ư, nhưng sao lại chọn nơi này để tị nạn, một người khác trong đám người có chữ nói, giọng gay gắt, đã tị nạn làm sao biết trôi dạt đến nơi nào, ông lão nói, không được, đang yên lành thế không thể để cho một kẻ lạ  xưng là tị nạn có mặt trong xứ sở, một người trong đám người có chữ đứng lên tuyên bố, ông lão như không còn giữ được sự điềm tĩnh: anh là người chỉ huy ở đây chứ gì, anh có còn là con người biết thương người hay không, ông lão nói xong lời ấy thì quay sang người: ta đã đưa ngài đến không đúng chỗ rồi, không sao đâu, biết đâu các bạn ở đây cũng là người tị nạn, người tị nạn này không thể chấp nhận người tị nạn kia là lẽ thường, người nói, lập tức đám người có chữ tống cổ người ra khỏi thôn, ông lão đứng nhìn theo người, khóc, nhưng người là hiện thân sự vĩnh hằng nên người biết rõ đám người có chữ ấy là đang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, một người mang trong mình chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì chỉ biết có minh, người ngẫm nghĩ, rồi ghi thêm vào tri thức nhân loại: những kẻ khước từ sự vĩnh hằng trái tim bao giờ cũng nguội lạnh/NGHÈ AN/SÁCH XÁM/NHỮNG KẺ KHƯỚC TỪ SỰ VĨNH HẰNG,

 

 

nhưng người cũng là tro tàn, khi người ta khước từ người thì người là tro tàn, thứ tro tàn cứ đọng lại trong từng ngõ ngách hiện hữu, ồ có  những thứ được gọi là lý thuyết, cái cách nói năng của nhân loại cho đường hoàng hơn hay chính xác hơn một chút thì được gọi với cái tên sang trọng: lý thuyết, những lý thuyết về vẻ đẹp các loài hoa, những lý thuyết về những hiện tượng của trời đất, những lý thuyết về các lý tưởng sống, thậm chí, có những lý thuyết về các cuộc chiến, [những cuộc chiến xâm lấn và những cuộc chiến chống xâm lấn]  và, khi mọi thứ đổ ập xuống, những cánh hoa úa héo, những lý tưởng không thực hiện được, cuộc lấn chiếm thất bại…người ta nghĩ ngay đến tro tàn, đã có những lý thuyết về tro tàn chưa nhỉ, nhưng khi người ta khước từ người, khước từ sự vĩnh hằng, thì người là thứ tro tàn không có bất cứ yếu tố phù du nào, tức, người chẳng hề hấn chi, người là tro tàn của một dịch chuyển mang cốt cách của một lãng tử biết sẽ có ngày có nơi dừng chân để nói cho cả thế giới biết ta là lãng tử, ta là lãng tử của một  cuộc dịch chuyển không phải chỉ để dịch chuyển, ồ những con ong thất thủ vào cuối mùa hoa nở, khi hoa hết nở thì lũ ong thôi không còn đi hút mật mà cố thủ vào các hang hốc [dường như là thế] để giữ ấm thứ cơ thể đã được tẩm bằng mật ngọt, nằm trong các hang hốc chúng trù tính về một cuộc chờ đợi, chờ, và phát họa trong tâm tưởng về một mùa hoa nở,  có một thứ triết học của chờ đợi, bỡi, thậm chí trong cả cái chết cũng có sự chờ đợi, chờ đợi sự tái sinh, có những lý thuyết về tái sinh, ồ em và cuộc tình đổ vỡ, cứ hướng mắt về quá khứ, bỗng, ký ức hóa thành nỗi ám ảnh, về một ngày khác, một ngày không còn đổ vỡ, trong sự đổ vỡ của những cuộc tình vẫn cưu mang một thứ triết học về chờ đợi, một thứ triết học hướng tới cái bền chắc, hướng tới cái vĩnh hằng, khi người ta khước từ người thì người là thứ tro tàn của vĩnh hằng, thế giá ngang tàng thâm nhập mọi ngõ ngách trần gian/NGHÈ AN/SÁCH XÁM/KHI NGƯỜI LÀ TRO TÀN,

 

lũ trẻ con ở đất Súy đâu biết người là vĩnh hằng, khi người đến đó lũ chúng đón người như một gã không lồ hay một kẻ đầy quyền phép có gốc gác từ những câu chuyện cổ tích mẹ kể, cháu cứ ở yên đó chờ ông nhé, có thể một vị thần nào đó trong những câu chuyện kể của mẹ chúng đã hứa với chúng thế, và chúng đã chờ, chúng chờ từ ngày này sang ngày khác, cứ đêm đến là chúng ra ngồi ở hiên hè  chờ, cho đến cái buổi sáng ấy, không phải là đêm, lũ chúng đâu biết người không phải  đến từ những câu chuyện cổ tích, mà từ cõi vĩnh hằng, ta chào cháu, thằng Né con ông Bảy Khê vừa lăn  xuống khỏi giường đã nhìn thấy người ở bậu cửa, cháu chào ông ạ, sao ông đến sớm dữ vậy, thằng Né  rất đỗi ngạc nhiên, bỡi trong các câu chuyện kể của mẹ, các vị thần tiên chỉ đến với bọn trẻ vào lúc đêm, ta phải đến sớm mới đủ thời gian trò chuyện với cháu chứ, người nói, thằng Né ôm chặc người như để thõa mãn lòng mong đợi bấy lâu, nó chỉ ôm chặc một vị thần trong câu chuyện mẹ kể, nhưng người thì muốn cho thằng bé biết người đến từ cõi vĩnh hằng, ồ, có ông mặt trời trong mắt ông ấy, thằng bé kêu lên khi nhìn thấy ánh mắt người lấp lánh những khái niệm vĩnh hằng, rồi thằng Cổn  con ông Tám Mật đã đến để giành lấy người, không được, đây là thần ánh sáng trong chuyện kể của mẹ tao, thằng Cổn nói, chuyện giành giật các vị thần là chuyện xảy ra thường ngày ở đất Mân giữa bọn trẻ con với nhau, chúng cứ việc tưởng tượng ra, hoặc một vị thần  làm ra thức ăn, hoặc một vị thần biết ca hát, rồi tranh giành  nhau đến sứt đầu mẻ trán, nhưng lần này là một vị thần bằng da bằng thịt [lần này đến đất Súy thì người đã hóa thân thành một người bằng da bằng thịt] hoan hô thần ánh sáng, đến giữa trưa thì hết thảy lũ trẻ con ở đất Mân đã tề tựu đông đủ ở chung quanh người, lũ chúng vừa nhìn những khái niệm vĩnh hằng lấp lánh trong mắt người, vừa hô vang, người thấy rất vui khi nghe lũ chúng gọi người là thần ánh sáng, thật ra, người là bao gòm toàn thể những thực thể mang trong mình khái niệm vĩnh hằng, trong đó có các vị thần của lũ trẻ con ở đất Mân, người biết chứ, người cũng giống như những ước mơ không bao giờ đổi trong lòng lũ trẻ, người nghĩ ngợi, rồi ghi thêm vào tri thức nhân loại: sự vĩnh hằng, thật ra, vốn là tài sản muôn đời của trẻ thơ/NGHÈ AN/SÁCH XÁM/GỐC GÁC CỦA SỰ BẤT BIẾN,

 

nàng,

 

tôi rời đất Mân, lại dừng lại một chút, để mình rơi vào thứ khái niệm hơi cũ, khái niệm về thời gian, đấy là một câu chuyện, rất dài, về nàng, đúng hơn là một cuộc dịch chuyển, hơi chậm chạp và  kỳ khu, từ tôi sang những phần đất ở ngoài tôi, cuộc dịch chuyển sang những nơi chốn không phải là tôi, và ngược lại, một cuộc hành trình từ trong ra ngoài, và từ ngoài vào trong, nói tóm, là một cuộc đi bằng cả đôi chân và bằng cả giấc mơ, hơi gian truân, và có phần ẩn mật, nghe con gà gáy sáng, tôi thức dậy, ra đi, đó là nói cho có hình tượng một chút, tức, tôi ra đi rất sớm [ra đi từ lúc gà mới gáy sáng] hay nói cho hình tượng hơn là ra đi từ những thiên niên kỷ trước, [một chút nắng cũ còn sót lại] quá khứ dài dằng dặc những trà trộn, những lở lói, những bất lực…hết thảy bỗng trôi tuột đằng trước tôi, sừng sững một miền cố quận, vào cái buổi sáng mùa thu đặc quánh những ảo ảnh  tôi đã nhìn thấy nàng bước ra, ồ một khu phế tích của ngôn ngữ, những tiếng, những lời, người ta đang nói gì đó, nói nhiều lắm, về chuyện nghìn năm con cuốc gọi sau hè, về chuyện vì sao có chuyện có người múc biển tưới nỗi khổ nhân gian, về chuyện kéo nhau đi tìm những của cải là những cách thức ăn nằm dưới sao trời, những cách thức đi đứng ngủ nghỉ trong các xã hội loài người cứ tưởng đã bị thất lạc hôm nào thật ra là chưa có gì cả, dường người ta đang nói về các thứ thể chế chính trị  [có nơi ca ngợi, có nơi nguyền rủa] đang nói về các thứ quyền làm người, về các thứ màu sắc của hạnh phúc, ai nói thì nói, ai lầm than thì lầm than, lũ thằn lằn đứt đuôi chạy tán loạn, ở đây là cái bãi tập trước tác, có khi được gọi là tàng thư các, hay thư viện, học viện, uyển viện, cái kho chứa chữ, ngổn ngang những phát ngôn, phát kiến, chỗ chứa cái dở chừng của tri thức nhân loại, tức, hoặc nói chưa hết, nói chưa được, hoặc nói không được, về cái phức thể bao những cung bậc, những phạm trú, nó là trầm tích của cuộc sống: tri thức, bùn, đất, và  mùi tù đọng của thế giới, em đã chờ ông ở chốn này hơn nghìn năm qua, nàng nói,

 

 

tôi thường mở các madrigal của Claudio Monteverdi [Ý, 1567-1643] để nghe, âm nhạc thường làm cho tôi có vẻ như trút bỏ được các định mức khắc nghiệt và vô lý của cuộc sống để bay lên chốn cao, cứ như thể là đã quên hết, dẫu chỉ trong thoáng chốc, phút kinh cầu, cứ gọi là thế: khi con người ta đã không còn nhớ những ngổn ngang trần thế, thật ra, âm nhạc cũng chỉ là chợt thấy lại một vùng phủ sóng trong tâm thế an nhiên, chợt nghe như ai đó nói gì đó với ta những lời thành thật về một ngày không nắng, hay, chợt nghe thấy một bài ca cứu nước thốt lên trong cơn gió núi lạnh buốt tạt ngang qua cây cối trong vườn [bỗng nghe như trong tiếng gió núi  giai điệu của một hùng ca] cứ đứng lên, bước ra khỏi tối tăm, ô trọc, đó là tư cách của tiếng chim đầu ngõ, chợt nghe trong âm sắc của tiếng cuốc gọi khuya như có ai thở than với ta về điều gì đó có vẻ lầm than, bất trắc, hoàn vũ và những âm vang của nó như cứ từng chặp đọng lại trong ta những chi tiết ngập ngụa màu sắc trần gian, là tiếng gươm khua, thật là hào sản, thời loạn, nửa khuya nghe có tiếng gươm khua, ai mài gươm giữa khuya khoắt vậy, cũng có thể là tiếng gào thét của một loài sinh vật đang trên con đường tuyệt chủng nào đó [ai biết được trong hằng vạn hằng vạn sinh vật trong hoàn vũ có bao nhiêu loài giống đang tuyệt diệt] hay cũng có thể cái màu sắc trần gian ấy là tiếng ập đổ, thứ âm vang của điêu tàn, âm nhạc của chết chóc: một triều đại đang đổ đấy [trong tiếng đổ đất đá dường có những lời hô hào của lũ phù du] như cứ đọng lại trong ta, luôn cứ đọng lại trong ta, trong từng thời khắc, những âm vang, có khi có thể gọi tên, có khi chẳng thể, hoàn vũ và các chuyển động của nó, bài thơ dài về cuộc hôn phối của âm vang và ý nghĩa, nàng sinh ra từ cuộc hôn phối vĩ đại ấy,

 

 

bấy giờ tôi chỉ có thể nhìn thấy nàng qua các giấc mơ, tôi còn đang trên con đường đi tới sự thật vòng vèo qua những đoạn khúc của thời gian, những bước đi rặt thứ thời tính, tức, tầng tầng lớp lớp ngày đêm, bấy giờ vẻ đẹp của nàng chỉ là những tia chớp lung linh được ghi bằng mẫu tự hình nêm trên những phiến đất nung trong các nền văn minh cổ kính, tôi cứ nghe như có ai đó đọc to lên những lời ghi trong quá khứ: nàng là bông hoa cung cấm, thứ đài các kết tụ từ những đêm trăng sao, con đom đóm huyễn hoặc cả một miền trời, những cái thoáng qua như vậy trong hoàn vũ cứ như những ẩn mật của tồn tại, cái kín đáo của một thứ trọng lực không thể tiếp cận bằng tri thức đơn thuần, tôi chỉ nằm im giữa các giấc mơ để lắng nghe, rốt cuộc, chỉ nhìn thấy trong tâm tưởng những thoáng mơ hồ, ồ rốt cuộc có thể chỉ là, hoặc là một hình ảnh mờ nhạt, ai đó đã bước đi tự những năm tháng cũ cứ làm tôi phải liên tưởng đến nàng, hoặc chỉ là một cái dấu phảy trong một khúc văn chương nào đó nói về một thiếu nữ nào đó, không phải là nàng, nhưng cứ làm tôi nghĩ ngợi về nàng, hoặc trong thoáng mơ hồ ấy là những chi tiết rắc rối có tính gợi mở, ai đó cứ một hai bảo là đã nhìn thấy nàng chờ tôi ở đó, chờ ở đâu, tôi hỏi, chờ trong tâm tưởng, người ấy nói, hoặc ai đó cam kết với tôi, rằng, cuối cùng thì nàng sẽ đến với tôi, những lời cam kết cứ giống như cách ai đó  ngửa mặt lên trời hỏi cho đến bao giờ thì chuyện ấy xảy ra vậy, bắt chước các truyền thuyết phương đông, tôi cho chim bồ câu đưa thư, mi hãy đến ghềnh đá phía đông hòn đảo ấy sẽ gặp một thiếu nữ mắt biếc, tôi đã tưởng tượng ra chỗ ở của nàng và tưởng tượng ra hình dáng nàng; mắt biếc và tóc phủ bờ vai, tôi nói với con chim bồ câu, chim đưa thư đi rồi tôi vẫn chưa tin là thư tới được chỗ nàng, bạn có nhìn thấy một cô gái thường đi dạo trên hòn đảo ấy hay không, tôi đã phải tưởng tượng ra  một ông Marco Polo đời nay, một nhà thám hiểm thế giới, mới có thể hỏi thăm về nàng, bấy giờ tôi chỉ có thể nhìn thấy nàng qua thuật lại của những người khác, ông Maco Polo gõ cửa nhà tôi vào một sáng mùa thu: cô gái ấy đã gửi thư cho ông đây, tôi đọc thư nàng: ‘‘em vẫn cứ thấy buồn bực hoài ông à, thế giới mênh mông đất cát vậy mà con người thì luôn chen lấn nhau, em luôn có cảm giác nghẹt thở ông à, ở nơi nào cũng thấy người ta  nhảy cỡn lên, reo, được rồi, ta nhìn thấy rồi, những ảo ảnh vẫn dày xéo sự hiểu biết của con người, ông ạ’’,  tôi gần như hụt hơi qua các giấc mơ,

 

 

nàng cứ việc ẩn mình trong khoảng thời không ẩn mật như một khúc thánh ca, a ngọn gió rặt mùi hương đất, ta làm ra núi non trong một ngày lòng ta cứ thấy cao vời vợi, lũ các người hãy đi về phía ấy, nhặt một hòn sỏi cất vào ký ức, núi non nó là cái chí của lũ các người, hãy lên đó mà nhìn…khúc thánh ca trong một sáng thế ký tôi  nhìn thấy được vào sáng hôm nay, nàng cứ ẩn mình ở trong đó, sáng thế ký là tôi viết riêng cho nàng,  có một buổi sáng mùa xuân [mùa của sự đâm chồi nẩy lộc của cây] người phán: hết thảy những vẻ đẹp cứ ở yên đó, người phán vào lúc mặt trời vẫn vần vũ trên toàn thể cảnh vật của thế giới, những bông hoa tuyết vẫn nằm lì trong giá lạnh, không dám hé nửa lời, những bản tình ca vẫn cứ ở yên trong suy nghĩ của các nhà làm văn chương, cuộc tình nào cũng dừng lại ở chỗ bắt đầu, chúng ta hãy chờ nhau ở đó, các tình nhân rỉ tai nhau [xin nhắc lại, sáng thế ký là tôi viết riêng cho nàng] lũ các người hãy nhớ đấy, vẻ đẹp chỉ là một thứ tĩnh tại, mong manh, vật thể chỉ để nghe biết trong sự cô đọng trần gian, người phán thêm, mặt trời đã xê dịch qua khỏi đỉnh núi, xế chiều rồi, có người giả làm người đốn củi để chất vấn người về chuyện vì sao lại có loài sâu bọ trong trời đất, mới đầu lũ sâu bọ ăn lá cây rồi lây sang người thành ra mới có lũ người sâu bọ, nghe người giả làm người đốn củi mô tả qúa trình hình thành sâu bọ trong nhân loại, người uống một hơi cạn một ngọn suối, rồi nói, hết thảy là biến dịch, nhà ngươi hiểu chưa, thưa chưa, người giả người đốn củi nói, loài người có kẻ lại biến thành loài sâu bọ là thuộc về lẽ biến dịch, không thể thoát ra được, nhà ngươi rõ chưa, nhưng người là tạo tác đã làm ra vẻ đẹp sao còn làm ra sâu bọ, người giả làm người đốn củi lại hỏi, người phải ngẫm nghĩ một hồi mới nghĩ ra được câu trả lời cho câu hỏi có tính bản thể luận của người giả người đốn củi: ta là tạo tác ta làm ra tất cả thành ra ta chẳng thể từ chối một tạo vật nào, giải đáp của người có mang tính bản thể luận hay không, tôi không biết,

 

 

sự ngưỡng một của người đôi khi thành ra niềm say đắm vô thức, mùa thu, người ngồi nhìn lá rụng cứ ngỡ ai đó muốn trò chuyện với người về chuyện chết chóc, không sao đâu, trong cuộc biến dịch không ngừng nghỉ này có những thứ lại tạm ẩn mình trong chốc lác, lá rụng chỉ là một thứ cách thức lãng du, cuộc đi có để lại chút dấu vết: rụng, người lại giảng cho ai đó về lẽ biến dịch, ở ngoài kia, thứ nắng không trọng lượng cứ như tấm thảm trời lấp loáng vẻ vô ưu vô tận, ồ, tạo tác bao giờ cũng rộng lượng, lũ các người đi trong nắng thu bao giờ cũng cảm thấy được sức thoáng đạt của mùa, ta cho cái giá lạnh qua đi thì cái nắng ấm đến, lũ các người không thấy sao, đó là mùa, bao giờ ta cũng để cho lũ các người vùng vẫy trong thứ chiều kích con ong bay mãi cho đến cuối cõi tìm kiếm, người lại bắt đầu ca ngợi mình, niềm say đắm của người đối với công trình tạo tác của mình cứ dài ra hằng triệu triệu năm, cái cách đắm say của hoàn vũ không phải ân điển, mà là tai họa, chẳng phải những chuyển động tàn bạo, biển đầy, hay biển lưng, hay tuyết đọng, tuyết tan, là thuộc về say đắm vô thức của tạo tác hay sao, có vẻ, bấy giờ, người cứ say sưa theo cách của người, chẳng phải có khi cả mặt đất này cứ từng mãng rã ra, và trôi đi theo hứng thú của người, cái cách người luôn ngưỡng mộ hành động của người, cái cách người ngưỡng mộ mình mà không hề biết đã lây lan sang các tạo vật của người, con chim mê cách tha rác làm tổ, con hổ mê cách vồ mồi, lũ chúa đất mê cái cách giả dối và tàn bạo của chúng, khi người ngồi yên đó đắm say những chuyển động tàn bạo của người là khi nhân gian u tối, có những nền văn minh nhân loại đã tắt giữa hai con sông Euphrat và Tigre, hay đã tan đi bên bờ con sông Nil hay bên bờ con sông Dương Tử, ồ, có những lúc người trở nên man rợ, rất man rợ, có những lúc sự man rợ của người trở nên hình mẫu của đám nhân loại ngu xuẩn, cho đến hôm chợt nhìn thấy đám hoa nở người mới nhớ ra việc làm ra vẻ đẹp, có thể giai nhân là ý nghĩ muộn mằn của người, nàng là thuộc về công trình tạo tác muộn mằn ấy,

 

 

nàng chỉ có thể bước ra từ một cuộc sinh nở đầy ẩn ý của hoàn vũ, có vẻ như là mật lệnh được phát thảo tự buổi đầu của tạo tác, người cứ nghe cay mắt, không phải khóc, chỉ là bỗng nhớ lại một thứ gì đó, ồ một ý đồ bỏ dở, nàng chỉ có thể trở nên khái niệm giai nhân  khi mật lệnh ấy đã được phát đi, được rồi, người nhắc lại, và cuộc vần vũ đã diễn ra, tôi gọi cuộc sinh nở là cuộc vần vũ, bỡi từ khi người có ý đồ để cho nàng tiếp cận thế giới cho đến khi nàng được sinh ra là một quãng cách tính bằng độ dài của do dự và hoài nghi, người không tin cái thế giới người làm ra  sẽ một mực tuân theo ý của người, một chiều tắt nắng, người tắt nắng xong ngồi nhìn đêm xuống, lũ đao phủ đang vác đao đi sát hại các bậc nghĩa khí trong trời đất theo mật lệnh của đám vua chúa tàn bạo, ồ ta biết mà, người nghĩ ngợi, thở dài, và khóc, khi nhìn thấy máu chảy nơi tạo vật của mình, người toan tính xóa bỏ đi những hình hài ấy, những triều đại đen tối, những lý thuyết sai lầm về tồn tại, những lũ người ngày ngày cứ mang cái ngu xuẩn của mình ra khoe khoang, mặt đất cứ rối lên những tiếng những lời, người biết chứ, nhưng người là tạo tác thì người không thể không để cho mọi tạo vật hình thành, rốt cuộc, hoài nghi và do dự lại trở nên tính nết [thuộc tính] của người, việc nên có giai nhân hay không nên có giai nhân giữa trầm luân lịch sử là câu chuyện triết học thú vị trong sự nghiệp tạo tác của người, về sau thì đám pharaon của Ai Cập cổ đại, rồi đám ‘‘pharaon’’ của thời cận đại và đương đại  đều coi việc ngủ trên xác thịt giai nhân, tức việc giày xéo giai nhân, là thú vui lớn nhất trong sự nghiệp đế vương của bọn họ, hóa ra, sự nghiệp tạo tác của người và sự nghiệp đế vương của các bậc vua chúa cũng là tạo tác của người lại có chút tương tác lầm than,

 

 

có khi tôi nhìn thấy người như niềm hoan lạc, người ở đó, nghĩ ngợi, có nên có những khúc ca về mùa không nhỉ, người nghĩ ngợi, rồi làm cho mùa xuân các loài cây đâm chồi nẩy lôc, mùa thu lá rụng, mùa xuân thì thêm lũ ong đi hút mật hoa, mới đầu chúng còn theo ý muốn của  người trong cách bay lượn, nhưng về sau, chẳng còn nể nang người, chúng bay loạn xạ để giành nhau hút mật hoa, nhưng người cũng để cho lũ chim ca hót, lũ chim thì mùa nào lại chẳng ca hót, phải có những khúc hát về vĩnh hằng chứ, người nghị ngợi, và nhân loại lại bùng lên câu chuyện văn chương, thật ra, đúng ra, và lẽ ra văn chương phải là những khúc ca về vĩnh hằng, một ngày nào đó người lại nghĩ ra một vẻ đẹp khác: giai nhân, nàng là thoát thai từ ý nghĩ bất chợt ấy của người,

 

 

những giấc mơ quyến rủ tôi, là tôi đang viết về nàng, một trong những giấc mơ của tôi về tạo tác, sự việc có thể đơn giản hơn, có thể nàng chỉ là một điều gì đó ở tận chỗ cuối con đường, một chút hơi thừa của trí nhớ,  hoặc chỉ là một mảnh vỡ của sự cảm nhận nào đó [thời gian, chiếc gương soi mọi hình hài của hoàn vũ]  dường ở chỗ cuối của mọi con đường thời chưa có sử đã sẵn những khúc ca về các cách thức của tạo tác… hãy nán lại đây, chốc lác, vòm trời tắt ngấm sau buổi hoàng hôn, thành phố của sao nhộn nhịp những ánh mắt, người về từ tứ xứ [qua đò sông Ngân ướt áo] có nhà giả kim Ai Cập nằm vùi ba ngàn năm trong đất vẫn chưa nhìn thấy được ngôi sao minh quân, tối thui các thứ hình thù trị nước, ngày hội, về với nỗi buồn ẩm mục, có các cô gái giặt lụa ở sông Dương Tử, bảy ngàn năm vỡ mộng, đám vua chúa tàn bạo lật nhào minh triết, bảy ngàn năm con sông dậy sóng, hằng vạn kẻ tàn tật tâm trí tàn tật ngôn ngữ đến xin tị nạn ở thành phố của sao, ngày hội, thành phố của sao đầy các thứ giọng nói, các vị thần cổ đại ăn nói có vẻ nhẹ nhàng hơn các vị thần đương đại [vừa uống bia, hay vừa nhai kẹo cao su, vừa nói] mà cả đám bồi bút cũ cũng dễ tha thứ hơn đám bồi bút mới khi viết cứ xếch mắt lên, là bọn họ vừa viết vừa dòm chừng các thứ  mệnh lệnh chốn trê n cao, ngày hội, thành phố của sao chật cứng các diễn giả của các phe phái trắng đen [nát những cung đàn] người chen nhau đi xem hình thù các thứ học thuyết [các cách thức cãi vã nhiều đến nhiễu loạn thông tin] nàng gần như đổ xuống bỡi không nhìn thấy thứ hình mẫu muốn nhìn thấy, có một giấc mơ tôi nhìn thấy nàng bước ra từ ý đồ vĩ đại của  tạo tác: nàng sinh ra là để cho những trang viết của tôi,

 

 

rốt cuộc tôi cũng không biết những điều tôi nói về nàng đã chính xác chưa, bấy giờ thì nắng tháng giêng mỏng manh và có hơi hướng lãng tử, niềm hứng thú trong ngần cứ như thứ phông nền cho những nghĩ ngợi bất tận, đánh thức tâm trí tôi là thứ màu nắng mang tính thi ca, cứ nhìn thấy một miền cổ tích đậm đặc những  đổi thay, các vị thần đã rời bỏ các ngọn núi thiêng về sống với những người gieo hạt, gọi là thời ‘‘thấy ra các thứ lý lẽ’’, nàng sinh ra đã nhuốm màu thiêng thánh, các vật thể bắt đầu cưu mang tinh thần phổ quát [hồn của núi sông] các bạn không biết đó thôi, thế giới đang mở toang ra bốn phía, và các bạn đang gieo vào đó các yếu tố của sự triển nở, các vị thần xưa coi ngó các câu chuyện tương lai nói với những người gieo hạt, vẫn chưa thay đổi được ngôn ngữ uyên bác, nghe lời nói của các vị thần người ta chưa hiểu hết nhưng thấy rất vui: với những người gieo hạt thì những cư dân mới ấy là những người bạn lạ lẫm mà thân thiết, nàng cũng không biết là mình sẽ lớn lên giữa cuộc lung linh uyển động các vị thần đã mang đến cho nhân gian, bấy giờ thì các nhà chiêm tinh đã lờ mờ nhận ra mối liên hệ giữa đường đi của trăng sao với các mực nước trên các con sông chảy ngang qua mặt đất, cuộc hòa quyện vô thức giữa con người và trời đất như một cuộc tình thầm lặng, buổi sớm mai ngồi nơi hang động thấy mây bay cứ thấy vui trong lòng, đã có thi ca chưa tôi không biết, nhưng khi con người thấy vui khi thấy đất trời chuyển động chung quanh mình thì không phải thi ca là gì, loài người chưa có sử, nhưng ở các hang động, ở các vách đá, và ngay cả ở các thân cây cổ thụ  đã xuất hiện các bút ký bằng hình ảnh sơ sài nhưng rất thật, cái cách con người đứng nơi bờ suối để soi mình trên dòng nước, hay, cái cách đứa trẻ rủ rê con thỏ  đến chơi với mình, hay, cái cách quằn nhánh cây đầy trái chín xuống để ăn bằng miệng, hay cái cách người sống vào nằm chung với người chết ở nơi huyệt mộ để cùng chết với người chết, tôi đã nhìn thấy những thứ bút ký như thế, có thể, về sau, thời gian đã xóa sạch hết những dáng vẻ ấy của hoàn vũ,  may ra  chỉ còn đọng lại một chút trong dáng vẻ vô biên của nàng,

 

 

tôi tưởng tượng đủ cách, và cứ thấy nàng ngồi giữa nắng ban mai mà nhìn, thật ra, với nàng, một chút nắng ban mai cũng đủ để hội tụ hết thảy những thứ khi tỉnh ngộ ra nếu không có nó  cuộc đời này chẳng là gì cả, đẹp, và đa dạng đến nỗi phải sản sinh ra bao nhiêu cuộc trải nghiệm trải dài theo những trồi sụt của tháng năm, có phải  ai đó vừa ngang qua một khúc sử hẹp không nhỉ, thấy phương nam con nước nổi, người nghe khép nép bên khung cửa chiều hôm, hoa lục bình đang trôi trên sông và đang đồn ầm lên rằng đã đến lúc không còn tìm ra những cách thức dài lâu để bước về phía trước, như thế thì gọi là những bế tắc lịch sử, nắng ban mai vẫn cứ như một thứ huyền học của trời, khách bước thêm vào chút nữa thì thấy nhà chép sử đang bối rối, bạn là khách có thể còn nhìn ra, nhà chép sử nói, nhìn ra gì khi con người cứ để cho những lối vào lịch sử của mình bị bít kín bỡi những lời lẽ ngông cuồng, khách nói, có thể là giữa thứ nắng ban mai dịu dàng nàng lại nhìn thấy nặng trịch các thứ sự cố, hóa ra khách lại muốn dừng chân thật lâu trước khúc sử hẹp, bạn là khách có thể bạn còn có thể nói ra một điều gì đó, nhà chép sử nói, không có ai là khách cả, ngôi nhà của chúng ta đã cũ, anh phải chép ra những cũ nát ấy, khách nói, và biến mất vào đám khói đang bốc lên từ một đám cháy trong thôn,  lạ nhỉ, sao nàng không còn nhìn thấy nhà chép sử đâu cả, chỉ có con  ốc sên đang bò ngang qua đường, bạn chớ nghĩ ngợi gì cả, ta cũng chỉ là một cách thể hiện của lịch sử, buồn cười thật, lại đến lúc con người có thể sống chung với cái chết, những vết sẹo đang dần hiện lên trên lưng ta, con ốc sên nói, và nàng thì có cảm giác hơi sợ hãi,

 

 

nhưng ở phương bắc tuyết rơi dày đặc tâm can những người đi chân đất, hỡi giống dân lầm than chừng nào thì ngoi lên được với nắng mặt trời, hết thảy các rêu phong cổ kính đều lên tiếng gọi, những tiếng kêu làm nghẹt cả hệ thống sử lược, tôi mường tượng một hồi thì thấy mình lạc vào nơi đìu hiu gió cát, cho đến một hòn sỏi dưới chân cũng đầy âm khí, mi có còn đó không hỡi ngài tể tướng mặt vuông, giọng sầu não mà đầy hờn căm, tể tướng mặt vuông là ai vậy nhỉ, chẳng lẽ đã đến lúc cát sỏi cũng có thể đòi quyền sống, tôi muốn bước thật mau cho mau qua khỏi khúc thắt ruột ấy, nhưng nó là luật, âm khí là cuộc trì kéo, một hạt bụi cũng không thoát nổi, lừng lững một vùng u ám, có cả những bộ xương khô của các vị thánh từng ngậm sương giảng đạo làm người, từng ấy năm tháng là từng ấy rữa mục, mi có còn đó không hỡi ngài tể tướng mắt lươn, tiếng gọi cũng đầy bóng tối như kẻ được gọi tên, tể tướng mắt lươn là ai, kiến thức sách vở liền mách bảo tôi, mắt lươn là kẻ thích ăn máu người, nó luôn khát máu người, một con dế nhảy vào ý thức tôi đúng vào lúc tôi nhận ra tấm sơ đồ mạt vận, đã rũ xuống miền đìu hiu gió cát, hết thảy là đang rũ xuống, ta thành ra thế này kể từ khi Ur bị tiêu hủy, con dế nói, thì ra con dế vừa lạc vào ý thức tôi vốn cư ngụ nơi miền văn minh đã bị vùi lấp trên con sông Tigre ngỗ ngược, cả Ur, cả Uruk, cả Akkad, và bao nhiêu non nước cổ kính khác đã chôn vùi trong phù sa con sông ngỗ ngược, bấy giờ, với tôi, không phải con dế vô gia cư, mà là cái cách tàn lụi thê thảm của những nền văn minh nhân loại, mi có còn đó không hỡi ngài tể tướng mặt vuông, con dế trong ý thức tôi chợt gào lên, sao, hậu duệ của văn minh Ur cũng lạc vào khúc thắt ruột ấy ư, tôi mường tượng một hồi, và cứ sợ nàng lại lạc vào chốn ấy,

 

 

con dế vô gia cư thoát ra khỏi ý thức tôi ngay vào lúc chúng tôi đặt chân đến nơi bọn họ sửa soạn làm lễ động phòng cho một nền văn minh đã tắt, hẹn gặp lại vào một ngày sáng sủa nhé, lập tức, ảo ảnh lại ùa đến, một cõi không tưởng là đang mở ra, nhưng con dế vô gia cư cứ tưởng nhìn thấy được lối thoát, hứa bừa với tôi về một ngày vui tôi biết không bao giờ đến với nó, thật ra tôi chẳng mấy hứng thú với câu chuyện bọn họ muốn bày ra cho cả thế giới biết, nhưng một phần vì con dế cứ ỉ ôi với tôi một hai phải đưa nó đến đó, một phần cứ sợ nàng lại rơi vào biến cố đó,  muốn vực dậy một nền văn minh đã tắt từ lâu, chuyện chỉ vậy, nhưng đám to mồm ở xứ sở ấy đã cố làm cho trở nên một sự cố lịch sử: lễ động phòng cho một nền văn minh đã tắt, sao không nói khôi phục, mà nói là động phòng nhỉ, nhưng là động phòng với ai, với những con người trong một xứ sở vẫn được xem như những đồ vật ư, cái cách lập lờ đánh lận vốn là thủ thuật chính trường của đám to mồm xứ sở ấy, đường đi cứ nghe khúc khuỷu như thể có muôn nghìn ghềnh thác dưới chân, dư ảnh của một nền văn hóa mấy nghìn năm ăn cỗ đầu người ư…’’những khúc thức cứ bừng lên vào những ngày con chim núi Mu thay áo mới, người về trên đỉnh Pa  Lư mang theo kế sách, ồ,  các vị thần mưu toan cho một nhân loại không còn bóng tối, nhưng thế giới lại ập đổ xuống cùng với ảo ảnh của những dòng nghĩ ngợi mông lung‘’ tôi nghe những lời trác việt vọng xuống từ chốn trên cao, linh hồn quá khứ ư, những tinh anh trù mật của các giống dân cứ đọng lại như vậy trong thứ thời gian vô tận ư, tôi còn đang bối rối với thứ hiện trạng có vẻ quá lẫy lừng thì nghe thấy những tiếng quát tháo của đám vệ binh mù đang đứng gác ở hai bên đường, cứ đi về phía trước, rẽ trái, là nhìn thấy…trước mặt tôi, trên đường đi, đám dân chúng đông lắm, già có, trẻ có, hết thảy như đang bị một thứ thế lực nào đó đẩy về phía trước, cái biến loạn có vẻ qúa phù vân khiến nhận thức của tôi không kịp trở tay: nó là thuộc về dòng chảy nào trong quá khứ vậy, cứ đi về phía trước, rẽ trái, thì nhìn thấy nơi hành lễ, ngài tể tướng sắp đọc tuyên ngôn rồi đó, lại vang lên tiếng quát tháo của đám người mù là đám quân lính canh giữ trật tự của xứ sở, từ phút giây đó tôi cứ có cảm tường như đang bước vào một cõi đời khác, man rợ, và tàn bạo, 

 

 

ồ em, vẫn lồng lộng sắc nước hương trời, những biến loạn phù vân của con người vẫn không làm được chi vẻ tráng lệ tiên thiên trường cửu của hoàn vũ, nó là cái có sẵn, có đấy, và mãi mãi ở đấy, cho đến tận cuối của hết thảy những vô biên vô tận, một lời nhắn của con suối mùa xuân, cái tiếng nước đậm đặc lời chim, chỉ có vậy, nhưng thấm đẫm hết thảy các thư văn chương của nhân loại, hay, có những hoàng hôn vắng lặng, ngồi ở cái quãng giữa của ngày và đêm, cái quãng giữa của sự phân chia theo tiêu chuẩn có nhiều ánh sáng/có ít ánh sáng lại khiến ta cứ thấy nhớ nhung một cái gì đấy, chỉ là cứ thấy nhớ nhung một cách mơ hồ, rất mơ hồ, nhưng tha thiết, dấy lên trong nhận thức vào những lúc như thế nếu không phải ký ức bầy đàn thì là gì, cuộc hồi tưởng, bản địa của tri thức, cái buổi hoàng hôn buồn bã lại có thể làm ta thức đậy giữa cuộc bầy đàn ư, ồ, trong trí tưởng tượng tuyệt vời của con vật có tư duy tôi lại nhìn thấy nàng băng qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, những cái đỉnh cao của sự mong muốn đã trở thành ảo ảnh, nhưng ông đang đi tìm ai, lại là một con dế chận đường tôi, hỏi, một con dế không phải của văn minh Ur mà của văn minh núi Sếch, tôi nói tôi đang đi tìm người con gái đang bị ảo ảnh quyến rủ…đường dài…đường dài, có ai là không bị ảo ảnh quyến rủ đâu, con dế hát xong những lời đó thì biến mất vào nền văn minh núi Sếch đang tàn rữa, cuối cùng tôi cũng đã gặp nàng ở cuối con đường có hoa đá đỏ,

 

 

tôi khá vất vả ở xứ sở chỉ toàn giấc mơ, một mièn đất mới, chẳng phải sơn nhai hải giác gì đâu, mà là một thứ hoang vu quá mới mẻ bỗng trồi lên giữa cuộc tuần hoàn vốn đã phù sinh đến tận gốc rễ, ở chỗ này, dày đặc lũ bướm, lũ bướm cứ sà xuống, đồng ruộng, làng xóm, phố phường đầy dẫy lũ bướm, thì ra bướm là bọn đưa tin cho bọn dâm ô quyền lực, tôi đọc thử một tờ rơi: ‘‘rồi ra vương quốc  của chúng ta sẽ trở thành cường quốc  của đức hạnh, trung với nước hiếu với dân không phải đức hạnh là gì, chúng ta nhất định thắng, và địch nhất định thua, đức hạnh muôn năm/lời  của ngài tể tướng, và ở chỗ kia là một thứ khí hậu [hay thời tiết nhỉ] quá dịu mát, cứ như một lời ru, sự hợp sức của lịch sử vô trùng và văn chương vô trùng nếu không làm ra thứ khí hậu ấy thì làm ra gì nào [chữ vô trùng, về sau tôi hiểu, có nghĩa khoa học lịch sử và văn chương tuyệt đối trung thành với đường hướng trị nước của xứ sở] ồ tôi đang bước đi dưới thứ vòm trời vô cùng dịu mát, không phải dịu mát theo nghĩa thông tục, gió dịu mát, hay nắng dịu mát, mà là thứ cơ cấu từ  tư duy của những nhà nghiên cứu lịch sử và văn chương luôn tuyệt đối trung thành với ngài tể tướng, ngay ở đầu con đường vào kinh đô của xứ sở, tôi đụng phải một giấc mơ lớn, trên nóc đại sảnh đường, nơi làm việc của chính phủ liên bang, một con chim Mư bằng xi măng cốt sắt đang sãi cánh bay, tôi gọi là giấc mơ lớn bỡi theo truyền  thuyết phương đông chim Mư là tượng trưng cho sự cường thịnh, nhưng ông lão hát rong lại nói ra những điều không vui, không phải ông nói về buổi bình minh chim hót, mà về buổi bình minh của  tri thức mù lòa: ‘‘ngông cuồng choán hết chỗ trong nghĩ ngợi, thì ra cái chết là đang chuyện trò cùng những nhà kỷ trị’’, lời hát như sấm ngôn, tôi nghi ông lão đến tự thời trước thời văn minh của lý trí, thời người ta ăn nói dè dặt và đầy tính tiên tri, rốt cuộc tôi cũng tìm ra chỗ ở của nàng, người ta nhốt nàng trong thứ vòng tròn bằng chữ, chỉ có định nghĩa với định nghĩa, những định nghĩa về tư do, hạnh phúc, những định nghĩa về vinh quang, sung sướng, khi thoát khỏi các thứ giấc mơ ấy nàng có vẻ kiệt sức, 

 

 

cứ mỗi lần gặp nàng là tôi lại thấy như thể thế giới đang lâm vào cảnh khủng hoảng về các nguyên tắc của sống, lần này là sự cạn kiệt lòng trắc ẩn, làm sao người ta lại coi như chẳng có gì xảy ra trong khi hằng ngày vẫn nhìn thấy một người con gái yếu đuối luôn bị nhốt trong cái vòng tròn của chữ, tôi gọi là vòng tròn của chữ toàn bộ cuộc văn hiến [một cuộc văn minh đã được định đoạt trước qua các nguyên tắc sống] đang ồ ạt phủ xuống toàn bộ cư dân nơi xứ sở ấy, như thể, ở đây, người ta muốn mọi người nhất nhất phải tề tựu đông đủ ở bên dưới thứ ánh sáng đang hừng hực tỏa ra từ cuộc văn hiến ấy [tôi viết đậm mấy từ hừng hực để cho thấy những nguyên tắc sống ấy như ngọn lửa] tất cả hãy cùng tiến lên, đó là phần vĩ thanh, thứ âm tiết thiêng liêng không bao giờ được thiếu đi, như điều cốt tử của cuộc sống, cứ vang lên mỗi lần kết thúc một diễn giải, tức, bất cứ lúc nào, hay ở đâu, cứ mỗi diễn giải, được trình bày bằng lời nói, hay bằng chữ viết, đều phải kết thúc bằng những lời ấy [tất cả hãy cùng tiến lện] như thể không phải khởi thủy là lời, mà kết thúc là lời, cái vĩ thanh ấy, hồn cốt của cuộc văn hiến, không phải duy lý, cũng không duy linh, cũng không duy thực, tôi không thể hình dung viễn cảnh của nó, cuối cùng thì cuộc văn hiến ấy nó là gì, hay cứ nói bừa, nó là cái vòng tròn của chữ, hằng ngày, nàng phải ngồi hóng mỏ nghe ở cái hành viện rộng lớn ấy, tôi gọi nơi thực hành việc hòa nhập vào cuộc văn hiến ấy là hành viện, các bạn đã nghe rõ chưa, có khi là ngài tể tướng đích thân giảng dạy, ông giáo sĩ của xứ sở ấy lại trích dẫn thi ca nhân loại để minh họa cho cái vòng tròn của chữ của ông, tôi đứng chờ nàng ở góc nhà hành viện, lũ chim đã trở về núi, đêm, hết thảy hãy cùng tiến lên, ngài tể tướng kết thúc bài giảng vào lúc giữa khuya, tôi giả tiếng cú cầm canh rúc lên mấy bận: cú…hù…cú…hù [ám hiệu chúng tôi thường dùng là tiếng ù be của con nghé con lạc mẹ vào lúc ngày và tiếng cú cầm canh vào lúc đêm] người nghe thuyết giảng đã tản về cả, hết thảy như đang lặng đi trong nỗi nhọc nhằn của thế kỷ, chỉ còn mỗi mình nàng nằm sóng soài giữa màu đêm buồn bã,

 

 

tôi không thể hình dung nổi hình ảnh ngày mai của tôi và nàng, tương lai, nó là thứ viễn ảnh mang màu sắc của những đám mây mùa đông buồn bã, đi đâu, ở đâu, và làm gì, trong khi, ở chỗ này người ta muốn biến thế giới này thành nơi thể nghiệm những đau thương mất mát, và ở chỗ kia người ta đang tiến hành việc thiết lập danh sách của những cái chết, một khoa dân số học qúa mới mẻ đang được triệt để áp dụng trong hoàn cảnh cái chết mỗi ngày một gia tăng, điều cốt tử của khoa học này là tính chính xác đến mức không còn thể chính xác hơn nữa về cái tỉ số như một gương mặt của tồn sinh: tỉ số giữa số người chết và số dân có thật, một tỉ số vàng, tức, cái không ai có thể bác bỏ được, và một điều cốt tử nữa là cái cô đọng không còn thể cô đọng hơn nữa là kẻ xấu số, chết đi, không còn được nêu danh tánh, mà chỉ được ghi bằng con số, ca tử vong số 5, ca tử vong số 7, ca tử vong số 1000, vân vân, cách số hóa người chết này cũng gần giống với cách làm trong những cuốn thông sử cũ: ngày ấy quân ta tiến chiếm được kinh đô X, bắt sống được 1 vạn quân binh và giết đươc 5 vạn quân bình của giặc, nếu loại bỏ đi lòng trắc ẩn, thì cách cô đọng này giúp cho trí nhớ giữ được lâu những con số cụ thể, ô những linh hồn số hóa sẽ về đâu, nhưng đấy là chuyện người chết, coi như cũng yên xuôi, trong khi những người còn sống lại mưu toan làm lại bầy đàn, một trong những cách muốn biến thế giới này thành chỗ thể nghiệm cho những đau thương mất mát, tôi và nàng lại thất lạc nhau, bầy đàn không còn là cách tụ hội như buổi cổ xưa, không phải gần lại nhau để tránh sự đe dọa của lũ thú dữ, hay đế bớt cô độc trong một thế giới rộng lớn, bây giờ, bầy đàn là một thứ hình thái chính trường, cốt để tranh nhau chỗ đứng nơi mặt đất, những phe phái, và những cãi vã nhau,  ẩu đả nhau, bây giờ, cuộc hành tẩu của bầy đàn nó là một thứ lầm than, tôi lại đứng chờ nàng giữa một cuộc tháo chạy,

 

 

tôi chờ nàng suốt mùa đông, mùa đông các thứ văn bản đều ẩm ướt, nhưng những lời tiên tri của các bậc hiền nhân cổ xưa thì như thể nhòe ra thành những bài đồng dao cho lũ trẻ con hát, con cò con cỡi con cò mẹ bay qua các tầng trời/ cứ rũ xuống đồng làng nhưng tiếng kêu, ai đã lén phổ thơ kiểu nôm na vậy nhỉ, lũ trẻ con hát, và chúng  thấy mình bay qua được bầu trời ở trên đầu, trong khi những người lớn lo phơi phong những chữ nghĩa khó hiểu trong văn bản trị nước của ngài tể tướng: ‘‘mùa đông, nhất thiết người dân không được tự ý bận áo tơi mưa chằm bằng lá núi khi ra đường, bỡi việc mặc quần áo gì khi ra đường là thuộc về gương mặt quốc gia, là thuộc về lòng yêu nước’’, lời răn dạy của ngài tể tướng cũng tỉ mỉ chỉn chu chẳng kém lời các bậc vua chúa ngày xưa được ghi trong những cuốn sử cũ, mùa đông các thứ văn bản đều ẩm ướt, cứ dứt cơn mưa thì mặt trời lại ló ra [mặt trời lại hiện ra] người ta lại lo phơi phong những chữ nghĩa khó hiểu trong văn bản trị nước của ngài tể tướng, nhưng có phơi phong mấy, những người đi chân đất cũng chẳng hiểu tại sao bận quần áo gì khi ra đường là thuộc về lòng yêu nước, và gường mặt quốc gia nó là như thế nào, có phải như gương mặt của người cày ruộng, mùa lên, được thóc, thì vui, ngược lại, lúa mất trắng, thì buồn, không biết, thật ra, với những người đi chân đất thì chữ nghĩa của ngài tể tướng cũng mơ hồ như thể bỗng nghe thấy có tiếng sấm mùa xuân, mùa xuân thì sao lại có giống sấm nhỉ, mùa đông tôi thấy những người cày ruộng đem chữ nghĩa khó hiểu của ngài tể tướng ra phơi, có người sợ bị ghép vào tội phản bội đất nước đem dấu cái áo tơi chằm lá núi vào góc nhà, và khóc, tôi biết thời tôi theo bò ra gò thổ mộ của làng, mưa đổ, ngồi trong chiếc áo tơi chằm lá núi như ngồi trong nhà đã hết, ngài tể tướng đang muốn hiện đại hóa những người đi chân đất, chắc vậy, tôi nghe ngài tể tướng nói rất nhiều về lòng yêu nước, nhưng tại sao mặc quần áo gì khi ra đường là thuộc về lòng yêu nước thì tôi không biết, tôi chờ nàng suốt mùa đông, mùa đông tôi thấy những người đi chân đất mang chữ nghĩa của ngài tể tướng ra phơi,

 

 

tôi cứ muốn gọi đó là tinh thần biệt lệ, cái huyền mật riêng tư: tôi và nàng cứ thất lạc nhau, và cứ đợi chờ nhau, thất lạc, và đợi chờ, sự thể như thể một thứ nhịp điệu buồn, và hiểm nguy, hai con người như thể hai vật thể được sinh ra cho một cuộc thể nghiệm về kết hợp và tan rã, chủ nhân của cuộc thể nghiệm là ai tôi không biết, chỉ là cứ phải thất lạc nhau,  ở đây là cái giá phải trả của một hiện thực chỉ chờ sự rạn nứt, chỉ mỗi sự thay đổi nhỏ trong tham vọng của một vị chủ nước lớn nào đó cũng đủ làm thay đổi gương mặt thế giới, hệ quả của nó ư, có thể là sự tan rã của một số liên minh cố cựu và kéo theo hàng loạt những kết hợp mới, thế giới là cuộc chơi của những kết hợp, cái kiểu kiến tạo bầy đàn không phải theo kiểu nguyên sơ: bầy đàn là yêu cầu sống còn của loài giống, mà theo kiểu các bên cùng có lợi, ồ, người ta tuyên bố ấm ĩ về một nhân loại chung, nhưng trong men rượu thời đại, thứ rượu không làm cho chếnh choáng say, mà làm cho tỉnh ra, người ta vừa chuyện trò nhau vừa rút gươm ngờ nhau, cứ thử gõ lên ký ức là sẽ nhìn thấy hàng loạt những cuộc tháo chạy khỏi bầy đàn diễn ra trong quá khứ, lịch sử là cuộc thất lạc lớn, mới hôm qua có người đến nói với  tôi, rằng, còn lâu tôi mới gặp được nàng, bỡi thế giới là một thứ thế tục lầm than rối rắm cho đến vô tận,

 

đường dài…đường dài…

 

đó là tên của một bài thơ dài, một bài tụng ca của Lư, Phạm Lư, thằng bạn nối khố của tôi, Lư và tôi sinh ra trong cùng một làng, học cùng một lớp, đỗ đạc, ra trường cùng một khóa, mày là cái đuôi của tao, chúng tôi thường đùa nhau thế khi còn học ở trường làng, chứ gì nữa, sáng ra là tôi đã đứng chờ Lư ở sân nhà anh ta, hay ngược lại, không thể mỗi mình tôi hay mỗi mình Lư đi đến trường, thì hai đứa đó dính nhau như đĩa đeo vậy, lũ cùng lớp chế nhạo chúng tôi, con đĩa khi đã đeo vào da thịt con người thì khó rứt ra, tôi và Lư bấy giờ cũng khó rứt ra lắm, lúc đó là mày/tao, cách xưng hô thân thiện của những đứa cùng làng quê với nhau, và bây giờ, khi đứa nào cũng đã có một cách tư duy về thế giới, thì ông/tôi, cách xưng hô có khác thời thơ ấu, nhưng vẫn là cuộc nối dài của một thứ tình bạn như cơn giông, hay như thể hoàn vũ nhìn thấy một thứ gì đó rồi không ngủ được, cứ thức mãi thức mãi, Lư gõ đầu trẻ và làm thơ, hai công việc có vẻ chẳng ăn nhập gì nhau, nhưng với Lư nó là một, làm văn chương với Lư chỉ là một cách tập nói, ông thấy đấy, hằng ngày tôi vừa tập nói cho tôi vừa tập nói cho lũ trẻ trong làng, Lư nói, hằng ngày cứ nghe vang lên từ ngôi nhà bên sông ấy thứ âm vang ngọng nghịu mà quyến rủ: bờ  a…ba, bờ ô bô nờ…bốn, lần này thì tôi tập nói bằng một bài thơ dài, Lư nói, anh  viết tụng ca, ông sắp sửa đưa thế giới này vào lò nung đó, tôi đọc một câu trong bài tụng ca đang viết của Lư và kết luận như vậy: sau những nghìn năm trôi nổi con người là được nằm lên ở bên trên giá buốt, những chu kỳ băng giá như những người tình có mái tóc ướt đẫm mùi chết và được nghe thấy những lời trầm mặc thứ hồn cốt diễm lệ như những nỗi niềm biệt lệ toát ra từ những thiết kế của những niềm tin được đặt trên những mặc định về sống chết và được ngâm trong những định chế như những triết học về màu về mùi về các thứ âm tiết và về cách thức biết nằm im ở bên dưới những thối rữa [trích đường dài…đường dài đương viết của Lư] và thằng bạn nới khố của tôi như thể đang chờ tôi nói thế, rồi làm như chẳng có gì xảy ra, sáng nay trời tốt, chúng ta đi câu thôi, Lư nói, sáng ấy Lư không có giờ dạy lũ trẻ, chúng tôi ra bờ sông Giăng, ông chưa trả lời câu hỏi của tôi, tôi nhắc, về cái lò nung chứ gì, nhưng ông thấy đấy, thế giới vẫn đang diễn ra như nó diễn ra, chẳng có cái nào nung cái nào cả, Lư nói, 

 

 

đến bọn mạt rệp là đám côn trùng có vẻ không mắt không mũi trốn chui trốn nhủi bên dưới những lớp lá mục cũng thèm muốn một cuộc đãi lãn như thế, nó là cuộc vội vã đi về [em về bên ấy thì sẽ thành hoa trái…] một cuộc lui tới vĩ đại luôn đặt trên tình yêu vĩ đại của hòan vũ, một dòng chảy vô tận vô biên, một thứ mật ngọt, luôn ẩn mình giữa những góc tối, từ trong thân thể cây lá luôn ẩn giấu một thứ lực cho những trùng phùng [về sau thì em thành ra hoa trái…] hay nói theo tinh thần thông diễn học, nó là nhựa nguyên [sức chứa của những nguyên sinh] các khoa học đều nói nó là nhựa nguyên, nhưng ta [Phạm Lư] thì nói nó là một cuộc vội vã đi về, đến bọn mạt rệp là đám côn trùng  không mắt không mũi không tai cũng ao ước một cuộc đi về như thế, tháng giêng, ta áp tai lên em, thấy bối rối, bỡi vì em là một cuộc vội vã đi về, tháng giêng, em vẫn ở đó, thì là cuộc nghìn năm chuyển mình của đất, nghìn năm chảy, đất cứ lặng lẽ chảy, đất chuyển lên ở bên trên, và em là giấc mơ của cành lá, giấc mơ của hoa trái, và  của cả lũ chim chóc sẽ đâu lên cành lá, các khoa học đều nói em là nhựa nguyên, nhưng ta [Phạm Lư] thì nói em là cuộc vội vã đi về, tháng giêng, những cuộc trùng phùng được tính bằng những khái niệm sinh tồn, khi em không còn là giấc mơ nữa, khi em đã trở thành những gì không còn là em nữa, là khi có sự hiện hữu của cây lá, của hoa trái, và của cả  lũ chim chóc ăn hoa trái, hóa ra cả cành lá cả hoa trái và cả lũ chim chóc ăn hoa trái chỉ là cái chết của những giấc mơ [TRÍCH ĐƯỜNG DÀI…ĐƯỜNG DÀI/TỤNG CA CỦA LƯ]

 

 

như thể thằng bạn nối khố của tôi chợt dừng chân đâu đó nhìn thấy điều chi hơi lạ rồi không thèm hô hoán lên như buổi ấu thơ mỗi lần nhìn thấy một đám mây đương không  đổi hướng hay nghe thấy tiếng con gà cồ bất chợt gáy giữa trưa cứ giữ im thế những điều thấy khác lạ cho đến hôm viết tụng ca, văn chương của Lư là cách học nói về thế giới ư, ông có thấy lũ trẻ con đang học nói về cách thế giới  làm cho chúng thấy hứng thú không, Lư nói lúc chúng tôi ngồi ở bờ sông Giăng, tôi nói lũ trẻ mới bập bẹ từng từ thì biết gì về cách thức của thế giới, Lư bảo tôi hãy nhìn ra dòng sông, đừng tưởng nó là thứ vật thể vô ngôn, chúng ta ngồi đây nhìn nó, và chẳng phải là ông luôn nghe thấy nó trò chuyện với ông hay sao, thi ca là cuộc chuyện trò giữa ta và thế giới, và trong cuộc trò chuyện ấy ta đã học được ở thế giới điều như thể hồn cốt của tồn sinh, niềm hứng thú ông có được ấy chẳng phải giống như một thứ sức lực khiến ông  có thể đứng lên hô hoán rằng ông không thể từ bỏ cuộc sống này, cái cách thức của thế giới là khiến ông hứng thú không thể từ bỏ cuộc sống này, Lư nói như một nhà triết học nói về tự nhiên, tôi nói đó là chuyện văn chương, chuyện lũ trẻ học nói thì chẳng dính dáng chi đến chuyện văn chương, ồ, ông đã quên đứa trẻ ở trong ông, Lư kêu to lên như thể anh đang đánh mất một thứ quí báu gì đó khiến tôi cũng thấy rúng động, thật ra, bấy giờ, tôi cũng lờ mờ nhận ra một chút tinh túy nào đó của tuổi thơ của mình, quả tình là tuổi thơ tôi vô cùng hứng thú khi nhìn thấy một đám mây đương không đổi hướng, nhưng không chắc là lúc bấy giờ có biết đó là thứ cách thức của thế giới hay không, tôi với Lư là cuộc nối dài của một thứ tình bạn như thứ âm vang đều đặn và dai dẳng của giọt nước mái tranh, chỉ có điều, giờ đây, khi nghe Lư nói về những thứ đang trôi đi trong cuộc sống tôi cứ thấy hoang mang, có phải là anh đã nhìn thấy một thứ giấc mơ mà tôi không nhìn thấy,

 

 

vào một ngày mùa thu buồn bã Lư đến chỗ tôi, ông có nhìn thấy một lối mòn con người cứ bước đi trên đó, đi tìm, từ khởi thủy cho đến đương đại, cứ dừng một chút, lại  đi, như thể cứ đi mãi đi mãi như vậy cho tới tận bao giờ không biết, Lư nói như trong cơn say, tôi nói ông định nói về sự lặp lại của lịch sử chứ gì, không phải, sự lặp lại của lịch sử là chuyện khác, ông không thấy tự hồi nào tới giờ con người cứ mãi miết đi tìm đó sao, cái phía trước ấy, cái gọi là lý tưởng ấy nó chỉ là một khái niệm chung: điều tốt đẹp, lý tưởng phải là điều tốt đẹp chứ, không hề biết mặt mũi cái gọi là lý tưởng, cái không bao giờ có định mức ấy,  nhưng suốt tiến trình lịch sử con người có bao giờ dừng lại cuộc tìm kiếm ấy đâu, khi tìm mãi không thấy, con người quay ra tra vấn sự tồn tại  của mình: vậy thì cuộc sống của ta  nó là cái gì, ví dụ thế, Lư nói, tôi biết khi một nền dân chủ sụp đổ, hay một nền hòa bình bị phá vỡ, thậm chí một vụ mùa mất trắng,  hay chỉ là một cái chết vì tai nạn xe cộ, thì lập tức người ta  nghĩ đến vấn nạn vậy thì cuộc sống nó là gì, chúng tôi lại ra bờ sông Giăng, mùa thu như thế cứ làm cho mọi thứ trở nên ảm đạm,  tôi nói mùa thu là mùa dễ làm cho người ta rơi vào cảm giác về sự tàn rữa, không phải đâu, chẳng phải khi  câu được một con cá thì  người ta liền nghĩ đến sự chiến thắng hay sao, Lư nói khi có con cá cắn câu, chiếc phao câu giật liên hồi trên mặt nước sông, mùa thu lũ cá thích đi dạo trên sông, đấy cũng là cách dự đoán của Lư  sau những năm tháng vác cần câu ra sông Giăng, nhưng ông nghĩ chiến thắng nó là gì, tôi hỏi, cũng chỉ là  cách ta đặt ra để nâng ta lên một thứ niềm vui nào đó, bỡi quan niệm thắng thua như thế thì cả cuộc đời chúng ta là một cuộc thất bại, ông cứ thử tổng kết lại cuộc đời của ông, từ cuộc tìm kiếm một người tình cho đến cái hoài bão lớn lao nhất, không có gì cả, hết thảy cứ diễn ra như nó diễn ra bất chấp vô vàn ý nghĩ của chúng ta, thế giới thì cứ vẫn vậy, Lư nói, Lư với tôi vẫn là cuộc nối dài của một thứ tình bạn như âm vang của hết thảy các dòng chảy của hết thảy các con sông chảy ngang qua mặt đất, nhưng cái cách tư duy về thế giới như thế khiến tôi lại nghĩ đến một thứ thời gian bằng cách nào đó đang ngừng lại ở Lư,

 

 

ta đang ngang qua miền hoang tưởng, và thử tạt vào chỗ lũ chim mư đang hót, cứ thấy ngờ ngợ như có thứ gì đó đang dấy lên trong nhận thức của ta, niềm nghi hoặc, không phải, hay là một gương mặt nào đó đang nuôi dưỡng ý đồ thoát ra khỏi dòng tiến hóa, ông cứ thư thả bỡi đây là cuộc chuyện trò bất tận, giọng nói phát ra từ một cảnh trí như thể được dựng lên từ nhiều thiên niên kỷ trước, tôi cứ có cảm tưởng bằng cách nào đó thời gian đang ngưng lại cho một bản tình ca vĩ đại, có cả những người chết đời não đời nào vẫn cứ nằm đó, thanh thản, xương cốt đã khô nhưng vẫn cứ toát lên vẻ thân thiện, có cả những rừng cây ngã xuống tự buổi xa xưa nhưng những hóa thạch của chúng vẫn cứ ánh lên vẻ thanh thoát như thể đó là niềm tự hào của những già cỗi, có cả những tiếng những lời toát ra từ những trang viết trong muôn nghìn kiểu thư tịch nằm chất đống đây đó, những tuyễn ngôn của những trào lưu chính trị trào lưu văn chương trào lưu triết học, những thuyết giảng cao sang của những bậc cao nhân và cả những thuyết giảng dài dằng dặc và đầy âm khí của đám ngụy thuyết, có ai đó nói với ai đó về thời ảo ảnh luôn ám ảnh con người, có ai đó nói với ai đó về thời người ta công bố cái chết hằng ngày như một thứ tiêu chí của sống, quả là ta đang bước vào một cuộc chuyện trò bất tận, ồ lũ chim mư đang ca ngợi màu của cây lá màu của những khúc rong ca của các con suối rừng, ông cứ thư thả bỡi đây là cuộc chuyện trò bất tận, giọng nói phát ra từ cảnh trí những giây phút trước đó ta đã thấy đọng lại thành những giọt nắng tương tư, một giọng nữ, ta tương tư, hay người ấy tương tư, chỉ biết mỗi lúc giọng nữ mỗi thấm đẫm hơn, ta thấy bầu trời cứ nới rộng ra thành một cái phểu, hết thảy đang chảy vào đó, ngưng lại thành niềm u uẩn, em đang lấp các dòng chảy, ông cứ thư thả, đừng vội, mỗi lúc giọng nữ mỗi gần ta hơn, nhưng ta chỉ thấy mơ hồ đến cả nửa tiếng hót của chim mư, nó sẽ hót mãi như vậy và thành ra vĩnh cửu, ông cứ tin em đi, nhưng nhịp điệu ấy cứ làm cho đôi chân ta như đang dẫm lên thi ca cổ kính, đấy là vẻ đẹp của toàn thể sức vóc phù vân đang ngưng đọng thành ngôn ngữ hư vô, ông cứ tin em đi, nhưng những ảo ảnh ấy cứ làm cho đôi mắt ta như thể đang chạm vào một khoảnh trời lạ, lạ chứ sao không lạ, ông cứ tin em đi, bỡi đấy là cuộc hoài thai của hoàn vũ theo cách: chỉ một cõi đến hết mực phù hoa, cuối cùng nàng cũng xuất hiện trước ta như thể giải đáp cho sự ngưng tụ của thời gian/TRÍCH ĐƯỜNG DÀI…ĐƯỜNG DÀI/ TỤNG CA CỦA LƯ,

 

 

tôi đứng ở bên ngoài lắng nghe, ở bên trong, cuộc gõ đầu trẻ của Lư cứ giống như một khu rừng tuổi thơ, tôi muốn nói đến toàn thể những thứ tạo nên một đoạn khúc trong cuộc đời một người: những nhịp điệu, hình ảnh, mùi vị, khu rừng tuổi thơ là toàn thể những gì chưa biết hết, nhưng lại nhìn thấy rất rõ bằng thứ giác quan cứ giống một thứ tín ngưỡng, một niềm tin, tuổi thơ là một thứ niềm tin không cần có cuộc bảo hộ của bất cứ tôn giáo nào, nhưng nó minh bạch, rất minh bạch, gần như khẳng định, rằng, thế giới nó là như vậy, bờ a ba, bờ ô bô nờ bốn, tôi nghe ở bên trong, cuộc gõ đầu trẻ của Lư cứ vang lên những âm thanh như vậy, như những khẳng định, con cò mà đi ăn đêm…cất lên trước nhất là giọng của Lư, con cò mà đi ăn đêm…đụng phải cành mềm, và tiếp theo, giọng ngân nga của lũ trẻ, như đang có một sự ứng lên và sự đáp trả của hoàn vũ, bài học vỡ lòng của lũ trẻ như thể cuộc ứng đáp vô điều kiện của thế giới, bài học nghe i a lục cà lục cục ấy nó chân thành đến ngây ngô và diễm lệ, tôi đứng ở bên ngoài lắng nghe, ở bên trong, thầy trò Lư như đang rơi vào một cuộc chấn động càn khôn, diễn đạt lại thế giới bằng âm thanh, giọng của Lư [thằng bạn nối khố của tôi] như thể không còn là  khuôn mẫu của một người thầy đang dạy học trò, mà cứ như ngọng nghịu đi, một cuộc rơi, vô thức, và bề thế như có sự xếp đặt bí ẩn nào đó, bờ a ba, bờ ô bô nờ bốn… thằng Bỉn nó đọc bơ a ba thành bờ ô bô, thầy ạ, bỗng, cuộc rơi ngưng lại, một hòn sỏi đang rơi xuống giữa cái quãng âm vang ngây ngô diễm lệ, nhưng đó là hòn sỏi chân thành, sự ngọng nghịu của trẻ thơ chỉ là một thứ biến cố kỳ tuyệt bỗng làm nghiêng ngửa một thứ thế giá nghiêm cẩn, thế giới là một thứ thế giá nghiêm cẩn, tôi đứng ở bên ngoài lắng nghe, ở bên trong, cuộc gõ đầu trẻ của Lư có thứ gì đó như thể một thế giới mới mẻ đang hình thành ở trong đó, không phải đâu, đó chỉ là một cách vô thức Lư đã để cho thời gian ngưng lại  trong anh,

 

 

như thể vào một ngày vui vẻ nào đó tạo tác muốn có một hành vi khác thường là tách ra khỏi mình một hiện hữu mới lạ, cuộc phân thân phiêu lưu và mạo hiểm, hay Lư là thuộc về cái ý muốn càn khôn loạn lạc ấy của tạo tác, bỗng, thằng bạn nối khố của tôi bước ra khỏi những tri thức thông thường, Lư nói anh viết tụng ca, nhưng tôi đọc thấy ở đó những lời lẽ không phải là những lời lẽ của Lư khi chúng tôi còn học chung trường, ngôn ngữ trong tụng ca đầy ắp nỗi ám ảnh về một sự thể nào đó chưa diễn ra, cái hôm sau qua cách nhìn lãng tử của Lư chăng [người ta nhìn thấy nó từ thứ cảm thức thẳm sâu như một bông hoaang nở nhìn thấy tiếng cựa mình của đất, tín hiệu về một cuộc thất lạc nào đó của mùa/trích Đường dài… đường dài/tụng ca của Lư] như thể thằng bạn nối khố của tôi bất ngờ nhận ra điều còn được dấu kỹ đâu đó: ý đồ bất chính của một loài ong, hay, cái cách nát ruột gan của con cuốc kêu đêm khi biết trước sau cũng mửa máu ra chết, hay, niềm bơ vơ ùa đến sau những trù tính lớn lao là bước vào nơi thâm nghiêm nhất của tinh thần nhân loại, hay, cố cựu hơn, những thầm muốn dịch chuyển của trăng sao, có vẻ như toàn bộ trước tác của Lư nhằm đến những điều còn được dấu kỹ, nhưng ông định bao giờ thì kết thúc bài thơ dài ấy, chính là tôi muốn biết thông điệp Lư muốn gửi gắm vào tụng ca, nhưng tác giả của nó cứ làm ra vẻ lưỡng lự là có kết thúc nổi hay không, hay là anh không thể kết thúc như cái tựa đề đường dài…đường dài đã báo trước, tôi đọc tụng ca của Lư thấy thế giới như đang trong cơn chấn động chưa từng, lả tả những phù vân, các thứ nhỏ nhen tồi tệ đang bức ra khỏi cái đại ngã, tự thối rữa thành hư vô, cuộc hành trình hoành tráng ngoài mọi sức tưởng tượng, người ta bắt đầu nói về các biến thể khôn lường của những đại tự sự còn thơm mùi mực, ai gặp ai ở bờ con sông lớn ấy, ai nói về cách thức sắp đặt lại trật tự của các loài giống, ai nói về phép hoán dụ để cho thế giới luôn mới mẻ, ai dẫn đầu trong cuộc hành quân tiến về phía chân lý [con thiêu thân hoảng hốt rời khỏi ánh đèn, ai đã mách bảo mi về cái khe hở để cho mi thoát khỏi trầm luân, ta không biết, vào một đêm tối trời ta mò mẫm đi tìm một chút lưỡng lự về cái hồi kết bất khả của một chuyến đi/trích Đường dài…đường dai/tụng ca của Lư] tôi cứ thấy ở tụng ca của Lư niềm do dự lớn lao của thế kỷ, tôi đọc, như bị cuốn vào con thác chữ, và cuối cùng, thấy mình như lạc vào giữa trăng sao, cứ cho đó là điều bí ẩn khi con người chạm vào thi ca, ở bờ sông Giăng Lư đã tỏ ra bối rối trước tôi, trong tình bạn như cuộc nối dài của một thứ âm vang của hoàn vũ, cả tôi cả Lư đã xảy ra bao nhiêu lần bối rối như vậy khi không tìm thấy được một tiếng nói chung, cứ cho là không kết thúc được, và bài thơ biến thành giấc mơ, cuối cùng, thằng bạn nối khố của tôi cũng để lộ ra thứ cảm thức mơ hồ,

.

 

nhưng cái cách đang trưa Lư gõ cửa nhà tôi, vừa thấy tôi, hỏi liền, ông có tin là con người ta có thể sở hữu mọi hiểu biết hay không, thì tôi không thể không nghĩ đến một điều gì đó, một cái hố thẳm nào đó, hay một khúc ngoặc khắc nghiệt nào đó, đang diễn ra trong dòng suy nghĩ của thằng bạn nối khố của tôi, buổi trưa hè ở làng tôi như thể thứ khoảnh khắc vàng, chỉ bọn có chữ chúng tôi mới lãng phí như thế, giấc ngủ trong buổi trưa hè của những người cày ruộng ở làng tôi là thứ khoảnh khắc thần tiên, bỡi, ngoài ban đêm ra, ban ngày cũng phải có một khoản nghỉ xen vào như thế con người mới có thể trụ nổi trong suốt cuộc cần lao của mình, chuyện gì nữa đây hở thằng bạn nối khố của tôi, mới hôm qua bạn tôi đã gần hụt hơi trong truy đuổi thơ ca, những con chữ đôi khi không còn cưu mang ngữ nghĩa, mà như thể một thứ dấu vết, một cuộc trượt dài một cách vô thức của hồn cốt con người, bút mực không ngờ lại ghi được lên trang viết ý nghĩ của ta, ông biết không, khi thấy mình nằm sóng soài trên trang viết, tôi mới hiểu ra, chính nó, những con chữ là dấu vết ý thức của tôi, Lư nhắc chuyện hôm qua, rồi bắt đầu mô tả bầu trời ở trên đầu mà như thể nói về một sự kiện nào đó chưa hề xảy ra, nó, cũng là một cuộc trượt dài đấy, một cuộc trượt dài ngoài tầm kiểm soát của ý thức, Lư bắt đầu nói về bầu trời trên đầu mình bằng cách bắt đầu với vấn nạn ‘‘vậy thì con người ta có thể sở hữu mọi hiểu biết hay không’’ và tự tách ra từ thứ tri thức bầy đàn ấy sự hiểu biết của anh ta, mới đầu tôi nghe anh ta nói về bầu trời với những nét quen thuộc của nó [cao, rông, nơi chứa đựng hết thảy các giấc mơ…] một chặp thì thấy thấp thoáng bóng các vị thần đang khăn gói ra đi [anh ta gọi là cuộc đổ vỡ đầu tiên nơi thượng giới] tiếp đến là những yếu tố mới lạ: có một ngôi sao xuất hiện vào buổi sớm mai, bầu trời rực lửa, nhưng ngay chiều hôm đó thì chết, xác sao rã ra thành lũ ngông cuồng của thời đai, các ngôi sao còn lại dãn ra, bầu trời nguội đi, hết thảy rơi vào giá buốt, thứ giá buốt chưa từng, và những cánh tay bắt đầu mọc ra từ những thân thể đầy lông lá của đám hậu duệ của ngôi sao chết, thế hệ X xuất hiện, ông không nhìn thấy đâu, nhưng tôi thì trông thấy rất rõ, lửa, lòng thù hận, và chết chóc, Lư nói, thở dài, ở trong làng có tiếng chó sủa, chắc là có khách vào làng, mới đầu chỉ có mỗi con sủa, tiếp theo tất cả lũ chó trong làng đều sủa, rồi hết thảy đều im bặt,

 

 

có một sáng không thấy Lư thức dậy, ông bà Lục, cha mẹ của Lư,  phát hiện là anh ta đã chết, hai ông bà lập tức nhớ đến trong một cuộc trò chuyện Lư bảo rằng cuộc sống chẳng qua là cái chết của một giấc mơ nào đó, ông bà Lục quả quyết với mọi người là con trai của họ mơ thấy gì đó và đã chết trong giấc mơ đó, có phải là thằng bạn nối khố của tôi chết để được tồn tại hay không, tôi không biết,

 

 

hãn mã mi có chở nổi ta?

 

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei
tháng 10.2021
tháng 12.2021