Rốt cuộc thì bọn họ là ai

 

                              

Và thực sự toàn bộ tiến trình của thế giới không
là gì ngoài một cảnh tiếp theo của Điên Rồ, tất
cả các diễn viên đều là những kẻ ngốc và những
kẻ điên rồ như nhau, và do đó, nếu người nào cũng
khôn ngoan thực dụng để được như là số ít/
And
indeed the whole proceedings of the world are
nothing but one continued scene of Folly, all the
actors being equally fools and madmen; and
therefore if any be so pragmatically wise as
to be singular/ERASMUS [Hà Lan, 1466-1536] /
PRAISE OF FOLLY /CA NGỢI  ĐIÊN RỒ

 

[…]

ta trốn nhà lên núi Nung là để tìm xem chiếc máy bay đã rơi xuống núi ấy hồi thế chiến thứ nhất, câu chuyện vẫn được người lớn trong làng kể đi kể lại, rằng, bấy giờ chiến tranh nổ ra khắp nơi trên thế giới, không biết máy bay phe nào đã bay ngang qua bầu trời quê ta, các vị thần  núi Nung đã dùng phép thuật giữ lại trên núi, sự tích còn được nâng lên thành cổ tích, là các vị thần núi Nung đã cứu sống các tay lái may bay, dạy cho cách làm người, rồi mang trả về quê hương bọn họ, câu chuyện như thể niềm tự hào của một vùng đất, chính là các vị thần linh của quê ta đã làm chậm lại sự lan tỏa của chiến tranh, và ta, bấy giờ đang tuổi mười lăm, vừa được hun đúc trong bầu không khì mạo hiểm của con người đương đại vừa thừa hưởng thứ trí tuệ mơ hồ của các vị thần núi Nung, chưa hiểu hết thứ nguyên tắc trần gian là con người  luôn tin vào các thế lực siêu nhiên, và phổ hệ về các vị thần linh luôn được xem như văn hiến nòng cốt trong sự tồn vong của xứ sở, việc ta lên núi để tận mắt nhìn thấy xác chiếc máy bay các vị thần đã cất giữ ở đó chỉ là thứ hiếu kỳ của tuổi trẻ, người ta có thể chế tạo ra thứ máy móc bay được trên trời như chim, và chỉ mỗi việc đi xem thứ máy móc đã bị các vị thần làm hư hỏng  ta lại không dám hay sao, ta trốn nhà ra đi vào lúc con gà cồ nhà ta mới gáy lần đầu, vừa đi vừa chạy, đến nơi mặt trời đã gần đứng bóng, thấy núi Nung không còn đơn giản như mỗi lần đứng tựa cửa nhà  nhìn thấy, ngay phút đầu tiên đặt chân lên núi ta đã là kẻ lạc rừng và bị bọn họ trói bỏ giữa rừng,        

 

 

[…]

đây có phải là núi Nung hay không, ta hỏi, bỡi cứ nghĩ mình đương nằm mơ, chứ chẳng phải lạc rừng, nói là núi Nung hay nói là ở đâu cũng được, ông ấy nói, có con chim gì tựa con kênh kênh thỉnh thoảng vẫn tạt ngang qua bầu trời làng Cù ta bay tạt qua mặt ông ấy lúc ông ấy nói, thưa, bây giờ thì làm gì nữa, một người đàn ông cũng cỡ tuổi ông ấy bước vào chỗ ta và ông ấy, thưa hỏi, hãy mang hết những cuốn sách ấy đến cho ta, ông ấy nói, có vẻ như ra lệnh, trong lúc chờ người đàn ông ấy mang sách đến, ông ấy bắt đầu gặm các bắp tay và bắp chân của mình, đúng hơn không phải gặm, mà là ăn, nhưng đúng hơn cũng không phải là ăn theo nghĩa thông thường, cho nên tốt hơn cũng chớ nói là ăn, có nghĩa ở đây chẳng phải là ăn như khi ăn các thứ thịt  cá, ăn mà chẳng cần nghĩ ngợi chi, bỡi lẽ ở đây là ăn thịt người, đây là ăn từ từ, ăn bớt, ông ấy nói, cho nên, để cho có phần chính xác hơn thì cứ bảo là ông ấy gặm, bỡi lẽ gặm cũng là một cách ăn từ từ, ăn bớt, thấy ông ấy gặm thịt của ông ấy một cách ngon lành, ta không cầm lòng được, liền trườn tới, nói vừa đủ để ông ấy nghe, bỡi cứ sợ những người khác nghe thấy lời của ta thì có thể là bọn họ lôi ta đi nơi khác, ta nói là ta muốn gặm một miếng thịt của ông ấy vì ta đang rất đói, không được, ông ấy đáp, giọng dứt khoát, ta lại trườn thêm chút nữa để nói với ông ấy rằng nếu gặm như ông ấy thì ta dư sức để làm, nhưng ông ấy bảo đấy không phải là công việc của ta, đây là chuyện của người lớn, ông ấy gắt, ta liền hiểu ra, theo cái cách hiểu bấy giờ của ta là khi muốn ăn thịt của người khác thì phải làm thế nào đó, chẳng hạn phải đánh thắng người đó, chứ chẳng phải cứ muốn ăn là có thịt để ăn, hãy để đó rồi đi làm công việc khác, ông ấy nói với người đàn ông vừa mang sách tới, con chim gì đó, khi nhìn kỹ chẳng phải con kênh kênh, lại tạt qua mặt ông ấy, hay là có chuyện gì nghiêm trọng giữa ông ấy và con chim giống như con kênh kênh, ta vừa nghĩ thế thì nghe ông ấy đọc thật to, là ông ấy  nhìn ở trong sách mà đọc, nhất định là ở  gần đấy phải có  một đám người nào đó làm công việc nhái lại những gì ông ấy đang đọc,  cứ ông ấy vừa đọc xong một điều gì đó thì lập tức có người nhái lại, cũng chẳng hiểu sao lúc bấy giờ ta lại chẳng nghĩ ra đó là tiếng dội lại của vách núi,

con người là sinh vật  duy nhất trên mặt đất vừa ra khỏi lòng mẹ đã biết mình bắt đầu một cuộc sống  khổ ải, con người là sinh vật duy nhất trên mặt đất biết rằng cuối cùng thì  mình sẽ chết, 

ăn đi, ông ấy đang đọc bỗng ngưng lại, nhìn ta, bảo, bấy giờ là ta đang  đói, ta đảo mắt nhìn, người đàn ông mang sách tới đã ra khỏi nơi ấy, bấy giờ là chỉ có sách, ngoài sách ra chẳng có thứ gì gọi là để ăn, là ta đang rất đói, nhưng chẳng dám hỏi khi nhìn thấy chẳng có gì để ăn,

con người là sinh vật duy nhất  biết nhận thức, nên khi sinh ra là con người phải  được hưởng mọi thứ quyền làm người trên mặt đất, quyền ăn cơm mặc áo, quyền đi lại, quyền làm chủ bản thân mình, và  làm chủ đất nước mình,

 

ăn đi, ông ấy lại ngừng đọc, nhìn ta, bảo, lần này thì coi như là ta đã hiểu, rằng lúc đương đói thì không phải là cứ phải chờ cho có cơm cháo mới ăn, có nghĩa chưa có cơm cháo, nhưng người ta đã kêu cho ăn, thì người ta cho bất cứ thứ gì cũng phải ăn cho đỡ cơn đói cái đã, ta biết bấy giờ thì chỉ có  những điều ông ấy vừa mới lấy từ trong sách ra, bấy giờ thì ta bắt đầu ăn ngấu nghiến, chằng chừa một chữ nào, chẳng chừa một lời nào, ta  ngấu nghiến hết những điều ông ấy vừa mới lấy từ trong sách ra, cởi trói cho nó, ta nghe ông ấy ra lệnh cho người đàn ông mang sách vừa trở lại nơi ấy, và ta đã đứng lên, từ lúc ấy là ta cứ thấy như lúc nào ta cũng thấy no,

 

 

[…]

rồi người đàn ông cấp dưới của  người đàn ông đã cho ta ăn sách dẫn ta đến nơi có biển đề “ học viện dành cho lớp người  tuổi trẻ “, lập tức các vị thần núi Nung mách bảo ta đó là điềm lành, ta vừa nhìn hình ảnh của những nhân vật treo kín cả bốn bức tường phòng vừa vặn hỏi ta có biết học viện là gì hay không, đồ ngu, học viện là học viện chứ còn là gì, ta cứ muốn bật cười khi ta lại tự mắng mình như vậy, và dường người đàn ông cấp dưới của người đàn ông cho ta ăn sách đã nhìn thấy sự giao động tinh thần ở nơi ta, chính là vào lúc ấy ta lại cho rằng ông ấy sẽ nói cho ta biết điều gì đó người đàn ông cho ta ăn sách đã không kịp nói, chẳng hạn vì sao ta chưa được ăn cơm uống nước, hay cũng có thể là chuyện cái máy bay hồi thế chiến thứ nhất, nhưng không phải, kể từ giờ phút này ta sẽ giảng cho con hiểu về sự vĩ đại của các bậc danh nhân của nhân loại, ông ấy ngồi ở chỗ chiếc bàn kê ở đầu gian phòng, nói, đến lúc ấy ta mới để ý đến việc ngay lúc vừa đến đây ông ấy đã đặt ta ngồi ở hàng băng ghế đầu trong những hàng băng ghế kê kín gian phòng, ồ đây là lớp học về các bậc danh nhân của nhân loại, một thứ niềm kiêu hãnh còn mới toanh dâng lên trong ta, nhưng danh nhân của nhân loại là gì kia chứ, ta cứ thầm hét lên như vậy trong nghĩ ngợi, chính là ông ấy, con ạ, ngài mờ tờ ngờ, con ạ, ngưới đàn ông cấp dưới của người đàn ông cho ta ăn sách nói, ta còn nhớ như in, ngài mờ tờ ngờ, những chữ đầu [m, t, n] của một cái tên nào đó, giờ thì ta thấy rõ như vậy, còn hồi đó, nghe, và cứ thấy vang lên một niềm kiêu hãnh chưa từng, ồ, ngài mơ tờ ngờ, khi trở về ta sẽ nói với người làng ta là ta đã biết ngài mờ tờ ngờ một bậc danh nhân của nhân loại,  ngài ấy mặc váy đi giày da đội mũ trụ cỡi ngựa chiến một vị tướng lừng danh đánh  nước Phồn Phồn chiếm ải Bắc đánh bại quân Thợn Thợn cưới một trăm lẻ năm bà vợ ở một trăm lẻ năm nước trên thế giới làm vua một trăm lẻ năm năm sau khi chết làm vua tiếp một trăm lẻ năm nữa con ạ,  ông ấy nằm lòng các thứ như vậy đấy, ta nghe, và thấy sướng như điên, mình mà được như ngài mờ tờ ngờ nhỉ, ta nghĩ ngợi, và cứ thấy hơi kỳ kỳ, nhưng ngài mờ tờ ngờ vừa làm vua vừa đánh giặc hay sao, ta hỏi, đúng rồi, vừa làm vua vừa đánh giặc con ạ, ông ấy nói, nhưng đã chết còn làm vua được sao, ta hỏi, chết rồi làm vua cũng được con ạ, ông ấy nói, và ra hiệu hãy đi theo ông ấy, hết thảy đều là danh nhân con ạ, ông ấy giảng cho ta nghe lai lịch hết thảy những người có ảnh treo trên bốn vách tường phòng, có điều ta cứ thấy hơi kỳ kỳ là người nào cũng có cái lại lịch giống vơi lai lịch ngài mờ tờ ngờ, người nào cũng vừa làm vua vừa làm tướng, cũng có một trăm lẻ năm bà vợ, 

 

 

[…]

ta thì sục sôi trong lòng, tri thức chẳng qua là thứ bản năng khi bị kích động cứ cuồn cuộn lên, bấy giờ ta đâu hiểu hết, cứ nghe tràn ngập thứ niềm vui không xuể, bỡi, mới sáng ra người đàn ông cấp dưới của người đàn ông cho ta ăn sách bảo là sẽ  đưa ta đến học với một nhà thông thái của xứ sở, rồi nào là cuộc cách mạng của  dế, nào là cuộc ái ân của hoàn vũ, những cuộc ái ân vụng trộm của hoàn vũ sản sinh ra các loài chim trời con ạ, trên đường đến chỗ ngài thông thái, người đàn ông cấp dưới của người đàn ông cho ta ăn sách đã giảng về cách thức tồn tại của lũ dế, cái cách ca hát của chúng là những tín hiệu thay đổi theo mưa nắng con ạ, ca hát  là làm cách mạng đấy,  và giảng về nguồn cơn của các loài chim trời,  chim trời là gì con biết không, chính là những cuộc tình vụng trộm của mưa nắng đã  để lại thứ dấu tích không thể nào xóa được là những sinh vật bay được ở trên trời, ồ, như vậy  lũ chim phải có liên quan đến những cuộc cách mạng của lũ dế chứ, ta nghĩ được vậy nhưng nào dám bày tỏ với  ông ấy, phài nói là tự lúc được ngồi lên hàng băng ghế ở “học viện dành cho lớp người tuổi trẻ” trí óc ta cứ từng lúc mở ra những khoảnh mới, rất mới, ca hát, ăn những ngọn gió mát mẻ nhất, ngủ giũa những đám mây trời đẹp nhất, ông ấy nói về nhà thông thái ta sắp đến thụ giáo, như vậy thì nhà thông thái không ăn ngủ trong nhà, mà ăn ngủ ngoài trời, ta xen vào hỏi, không phải, đấy chỉ là một cách nói về thứ kiến thức siêu việt của một nhà thông thái, nó cứ như một thứ gì đó trôi nổi giữa trời đất bao la, kiêu sa và diễm lệ, ông ấy nói, cha ơi, mẹ ơi, ta thấy nhớ cha mẹ ta ghê gớm,  cha ta mẹ ta đang nghĩ gì về ta vậy nhỉ, con đang lưu lạc giữa đất trời đây, và sắp được thụ giáo một nhà thông thái vô cùng lỗi lạc đây, ta cứ thầm nói với cha mẹ ta như vậy, bấy giờ,  núi rừng cứ như những cánh tay vô hình đang dang rộng ra và  bảo hãy ngã vào cuộc dong ruổi của người,

 

 

[…]

hay người chỉ thoáng qua cuộc đời ta và để lại vô số những âm vang cay đắng, về sau, khi mọi thứ đã lắng lại, và ta thì đã trưởng thành, ta thường nghĩ vậy về rừng núi Nung ngày ấy, bấy giờ, không còn những đám mây màu lá giăng lên trí tưởng tượng phong nhiêu mỗi lần ta ngồi ở hiên hè nhìn về phía núi trong lòng cứ dấy lên ước mơ chỉ mỗi một lần đặt chân lên những thứ vẫn cứ là thần tiên cổ độ trong trí não của tuổi mười lăm bao giờ cũng là phía thuộc thứ lý lẽ cứ bay lên tới tận chốn chưa hề biết phía của những cuộc diện tinh khôi phía của những gương mặt của bắt đầu, như thể mọi cung bậc trong trẻo hồn nhiên trổi lên trong ta mỗi lần ngồi ở hiên hè nhìn núi đã ập đổ ngay từ phút ta đặt chân lên núi và bị bọn họ trói bỏ giữa rừng, ta không thể nói rõ ra nó là gì những thứ diễn ra ở chung quanh, chỉ thấy là nó quá khác  với những gì lúc ta còn ngồi ở hiên hè để tưởng tượng, bấy giờ, núi rừng như một thứ thế giới hoàn toàn xa lạ với chàng trai tuổi mười lăm là ta,  ngay cả tiếng gió thổi qua rừng cây, không phải là tiếng gió thổi qua làng cứ làm cho ta thấy mọi thứ đều đơn giản, sáng ra, có cơn gió thổi qua làng, cha ta vác cây cày ra ruộng, mẹ ta đi cho lũ gà heo ăn sáng, làng lại bắt đầu thứ nhịp điệu nghìn năm không mỏi, trong phút đầu tiên đặt chân lên núi ta đã nghe thấy gió trút lên những lời nặng nhọc của lá cây rừng, không phải là  rì rào như vẫn nghe thấy ở trong vườn, mà là thứ âm tiết nghe chì chiết như những lời  kể khổ, nghe khác lắm, không phải là  thổi, mà là gào, thét, về sau, khi hồi tưởng lại những phút đầu tiên đặt chân lên núi ấy ta cứ thấy như thể đang đọng lại thứ cảm thức có thể làm nhàu nát tâm can, rằng trong tiếng gió núi như thể có chứa những lời ghềnh thác, tín hiệu của suy vong và tận diệt, núi rừng là hình ảnh chân xác nhất về thế giới con ạ, chính là ông ấy đã buột nói ra những lời như vây lúc bọn ta đứng ở bờ con suối lớn, núi rừng là thế giới ư, ta nghe, và không hiểu gì cả, nhưng về sau, khi nhớ lại, ta biết là thứ tra vấn có tính bản thể luận ấy đã khắc vào tâm tư chàng trai tuổi mười lăm, người đàn ông cấp dưới của người đàn ông cho ta ăn sách đưa ta đến bờ con suối ấy thì bảo là ông phải ra đi, con cứ theo con suối đi về phía thượng nguồn sẽ thấy có một ngôi nhà lớn cất trên một ngọn đồi nhỏ là chỗ ở của ngài thông thái đó, ông nói, và nhảy xuống con suối đang chảy xiết, ta có ý chờ thử ông còn dặn dò gì thêm không, nhưng ông ấy đã ra đi thật, ông ấy từ biệt ta theo cách đó đó,

 

[…]

tuổi mười lăm của ta như cơn mơ đứt quãng, cứ nhập nhằng giữa can trường khí phách với những đam mê ngây ngô yếu đuối, một cuộc hòa trộn không có đường biên nào hết, cứ như lũ chim cu vào  mủa sóng gió mưa bão làm gãy đổ tồn sinh lại thấy do dự nửa muốn dứt áo  tìm đến một chốn xa nào đó nửa lại muốn ôm chặt những thứ vốn là gương mặt của sinh nở, chốn định vị của loài giống, lũ chúng gọi là tổ, còn con ngươi gọi đất quê, chính là nỗi can trường khí phách thứ khí chất lẫn lộn đâu đó trong ta đã lừa ta lên núi, cay đắng đã trà trộn vào niềm háo hức ngu xuẩn tự phút đầu tiên ta bước chân ra khỏi đất quê, vậy mà hôm đó, sau  khi trải qua giấc mơ cự phách, ta nằm mơ thấy mình cứu sống một con chim đại bàng bị gió bão làm gãy cánh rơi xuống khu vườn nhà ta, hãy trở lại bầu trời cao của mi, ta nói với con chim coi như to lớn nhất trong các loài chim và cứ thấy muốn làm một việc gì đó vĩ đại hơn, đích thị là giấc mơ đã làm nóng lên thứ hiếu kỳ bao la bát ngát  trong ta, cho nên vừa nghe con gà cồ nhà ta gáy lần đầu là ta dứt áo ra đi, cay đắng đã xâm nhập vào cuộc đời ta vào lúc đó đó, và ta cũng không hiểu vì sao người đàn ông cấp dưới của người đàn ông cho ta ăn sách không dẫn ta đến gặp nhà thông thái, lại bỏ ta ở giữa đường, không phải là ngôi nhà lớn trên ngọn đồi nhỏ như ông ấy nói, mà là lâu đài thành quách ngổn ngang như trong những câu chuyện cổ tích của mẹ ta, biệt phủ đờ tờ mờ [đ,t,m], lại cái cách viết làm ta rối trí, ta dừng lại trước tấm biển đề to lớn ấy, nhưng biệt phủ là gì kia chứ, cái cách đám lâu đài thành quách  một mực im ỉm nhìn ta không hề có chút động lòng trước vẻ ngờ nghệch nếu không nói là sợ hãi của chàng trai tuổi mươi lăm quê mùa khiến ta thấy tủi thân ghê gớm, làm sao để vào được cái cơ ngơi lạ lùng kia chứ, về sau, ta cứ thấy đó là người đàn ông định mệnh trong cuộc đời ta, người đàn ông đã giảng cho ta nghe bài học đầu tiên ở học viện dành cho lớp người tuổi trẻ và đã bỏ ta giữa đường, việc thực hiện lời dặn dò của ông ấy: bằng bất cứ giá nào con cũng phải đến thụ giáo nhà thông thái ấy, giờ đây như một cuộc trường chinh gian khổ, ta gục xuống chân tấm biển biệt phủ và lịm đi, khi tỉnh lại thấy mình đang trong một gian phòng lộng lẫy gấm hoa, cứ để cho trò ấy khỏe lại rồi mới bắt đầu bài học, nhà thông thái nói với người tùy tùng, ta chắc chắn ông ấy là nhà thông thái, cũng gần tuổi trăm và dung mạo y  như mô tả của người đàn ông định mệnh trong cuộc đời ta, đang diễn ra cuộc chia tay, ta đoán cô gái tuổi trên dưới hai mươi vô cùng xinh đẹp đang trong vòng tay của nhà thông thái là học trò cưng của ông ấy, ồ, khi ta thụ giáo xong cũng sẽ diễn ra cảnh chia tay này thôi, ta nghĩ ngợi, em cũng không biết chừng nào thì gặp lại thầy, cô gái nói, nhà thông thái lặng lẽ hôn lên môi hôn lên mắt cô gái và nước mắt chảy ròng, nhìn thảm cảnh ấy ta cũng thấy cay đắng trong lòng,

 

 

[…]

hay là cuộc đời ta đã đến lúc hoang tàn héo úa, từ đâu đó trong quá khứ cứ vọng lại những tiếng những lời, vết tích của khúc đời vui mà oanh liệt,  trước sau gì ta cũng làm vua thôi, ta nói theo cách  của chàng tuổi trẻ hào kiệt trong chuyện cổ tích “hòn đảo nhỏ và quả dưa hấu” mẹ ta kể, đám cùng lứa ta trong làng vẫn coi ta là chàng trai hào kiệt, con ong đã bay lạc đường, sắp kết thúc mọi thứ rồi sao, ta nằm dài ở bờ con suối ấy như kẻ thất bại thảm hại trong mưu đồ gầy dựng sự nghiệp, quá khứ gặm nhấm ta, những ánh mắt trồi sụt của ngày đêm, hết thảy những nhìn ngó, cái bóng đổ trên sân, con chuồn bay đầu ngõ,  thậm chí là một chiếc lá tre khô rơi  rụng, thế giới là cuộc hoan lạc, năm tháng luôn hòa hoãn cho những cuộc vui, ta nhắm chặt mắt nghĩ ngợi về quảng đời qua của mình, rồi lại nghĩ đến sự kết thúc, bấy giờ thì ta cho đó là tai họa, nhưng về sau, khi mọi thứ đã lắng lại, và ta thì đã trưởng thành, ta thấy sự việc phải xảy ra thế thôi, hãy sát hạch trò ấy trước khi bắt đầu bài học, nhà thông thái lệnh cho người tùy tùng rồi thong thả bước lên những bậc cầu thang làm bằng  thứ vật liệu gì đó trông  sang trọng và lạ mắt đến độ ta cứ nghĩ đó là đường lên trời, tòa lâu đài bỗng trở nên  lặng lẽ khác thường, rồi người tùy tùng của nhà thông thái mang giấy bút đến cho ta, hãy vẽ lên giấy thật đầy đủ cấu trúc trí não của bạn, ông không gọi ta là trò như nhà thông thái, mà gọi ta là bạn, ta có thấy xúc động, nhưng nỗi sợ hãi khiến ta chẳng nói được gì, cấu trúc trí não là thứ quỉ quái gì kia chứ, ta cố giữ cho khỏi run lên và cứ thầm hét lên trong nghĩ ngợi như vậy, người tùy tùng của nhà thông thái vẫn ngồi đó, uy nghiêm, bấy giờ, với ta, cuộc sát hạch là cái bẩy nhử ta vào chỗ chết bỡi ta hoàn toàn mù đặt trước thứ gọi là cấu trúc của trí não, bấy giờ ta biết nước mắt ta trước sau gì cũng chảy ra, con đang gặp hoạn nạn đây, ta thầm gọi cha mẹ ta như vậy,  rồi như thể niềm kiêu hãnh trong ta trổi dậy, ta cầm bút lên, vẽ một đường dài lên giấy, nước mắt ta nhỏ xuống, đường vạch mực trên giấy nhòe ra, đấy là gì vậy, người tùy tùng của nhà thông thái hỏi, giọng nói của ông nghe lạnh như đang trong gió rét mùa đông, thưa đó là con trùn ạ, vì ta nghĩ cái vạch mực nhòe kia rất giống một con trùn, chỉ một lúc sau đó thì có lệnh của nhà thông thái trục xuất ta khỏi tòa lâu đài, đây không phải chỗ dành cho dốt nát, người tùy tùng của nhà thông thái nói với ta như vậy, và tống cổ ta ra khỏi chốn lâu đài thành quách ấy, nếu không có con suối chặn ta lại, ta cũng không biết là mình sẽ đi đâu, đêm ta lịm đi trong giấc ngủ của kẻ mất phương hướng, nếu không có cuộc diễn xuất ấy đánh thức ta, không chừng ta nằm chết luôn ở bờ con suối ấy,

 

[…]

cuộc diễn xuất ta mới trông thấy lần đầu ấy là được tổ chức trên một khoảng đất rộng, có lẽ gần đó có một thị trấn hay một thành phố gì đó, vì ngồi ở  đó thì nghe thấy tiếng xe ô tô chạy, nghe thấy tiếng máy thu thanh, tiếng người rao hàng, tiếng người họp chợ, và nhìn thấy ánh  đèn điện soi sáng cả một vòm trời đêm, mọi người hãy lắng nghe, đây là xiếc rừng, ông bầu bước ra sân diễn, nói, và quay trở vào hậu trường, sân diễn bỗng im phăng phắc, ngồi cạnh ta là một người đàn ông ăn vận theo kiểu các vị hoàng đế phương đông cổ đại, cũng chòm hỏm trên đất như ta, còn nữa là những đứa con trai cùng lứa tuổi ta, chẳng biết chúng moi  đâu ra những thứ áo quần như thế, có đứa trông giống như ông thần hộ pháp  ở miếu âm hồn ở làng Cù ta, mặt mày đã đen đúa dơ dáy mà áo quần thì như vừa lấy dưới bùn lên, có đứa như vừa mới lượm được từ trong một bụi gai nào đó vì  tay chân bị trầy sước hết còn áo quần gần như chẳng còn chỗ nào lành lặn, đứa nào nhìn ta cũng hấp háy một con mắt bên trái làm như thể  bọn chúng  là cùng làng xóm với ta, dùng mắt để ra hiệu cho nhau về một điều bí mật nào đó, ông bầu đã trở ra sân diễn với một con khỉ ăn vận theo kiểu các vị hoàng đế phương tây cổ đại, con khỉ vừa bước ra sân diễn  đã nhìn mọi người nhe răng cười một cách đáng ghét, trông cái cách cười của nó thì không thể không nghĩ là ta đang có một cái gì đó trông thật buồn cười, khi ta hướng về phía nó quyết tỏ thái độ quyết liệt với nó là ta chẳng ưa gì cái kiểu cười khả ố như thế, thì nó cứ nhấc bổng hai chân trước lên, và nhe răng ra cười thành tiếng, chuyện các nhân vật  làm xiếc mặc áo gì là do sau đó ta đã lén chui vô hậu trường gánh xiếc tra hỏi lung tung, thấy ta có vẻ ham hiểu biết vậy, ông bầu đã giảng cho ta nghe về các thứ áo quần hóa trang đó, cái nào thuộc đông phương, cái nào  thuộc tây phương, ta nghe, chẳng hiểu chi cả, chỉ thấy sướng trong lòng mà thôi, còn lúc đó, khi  con khỉ mặc áo vua vừa bước ra thì  một đứa ngồi gần ta đã đứng phóc lên, a ha đồ khỉ, thằng đó la lên như vậy, này, chớ có thái độ vô văn hóa như vậy, người đàn ông  ăn vận theo kiểu các vị hoàng đế phương đông ngồi cạnh ta chợt gắt, vô văn hóa là gì nhỉ, tự dưng ta cứ thấy thằng cha ấy cũng chẳng kém gì con khỉ mặc áo vua, loại người  muốn xâm xỉa tới người khác, sao không chòm dậy nhe răng ra cười như con khỉ mặc áo vua, ta bực bội nghĩ về ông ấy như vậy, thật ra, bọn ta  chẳng phải là nể nang gì thằng cha ấy, ông ấy là ai thì  dính dáng chi với bọn ta chứ, cả ta lẫn những đứa cùng lứa với ta chẳng thèm nói tiếng nào với ông ấy, tiếp tục chòm hỏm trên sân và im lặng  chờ xem những hành tung có vẻ  khác thường của thầy trò con khỉ mặc áo vua, bỡi bấy giờ cả ông bầu  lẫn con khỉ mặc áo vua là cứ ngồi im phăng phắt ở trên ghế, hết nhìn phía trước lại quay nhìn ra sau, và mỉm cười, và lại im lặng, vẻ mặt ông bầu, và cả vẻ mặt con khỉ, đểu lộ vẻ gì đó,  khác lắm, như thể là đang muốn đùa cợt với mọi người, về sau, khi mọi thứ đã lắng lại, và ta thì đã trưởng thành, ta cũng chẳng nghĩ ra như thế là thế nào, lúc bấy giờ thì người xem đã vây kín bốn chung quanh, có cả những em bé mới sinh được mẹ ẵm trên tay, có cả những ông bà gìà được con cháu cõng tới, hình như là có đồn đại sao đó, người khắp nơi nườm nượp kéo tới, phải nói là thái độ kỳ lạ của thầy trò con khỉ mặc áo vua là có sức hấp dẫn ghê gớm, hết thảy là đang bị thu hút, hết thảy là đang chờ đợi, người xem là đông vậy, nhưng ta cứ thử  nhắm mắt lại, không nhìn, thì cứ tưởng là đang ngồi giữa chốn rừng sâu mông quạnh, bấy giờ ta cứ nhắm mắt lại và chòm hỏm trên sân để thử hình dung một cách đích xác là mình đang ở đâu, hình dung một cách chính xác xiếc rừng nó là cái gì, nhưng chẳng thể hình dung ra, chẳng thể nghĩ ra, lúc mở mắt nhìn thì thấy người đàn ông ngồi cạnh ta đã rời khỏi chỗ ngồi, đang ôm hôn con khỉ mặc áo vua, đến lúc này ta mới ngớ ra  ông ấy là cùng phe với ông bầu và con khỉ, a là cùng phe, ta cứ gào lên trong nghĩ ngợi như vậy, ta có hơi khoái chí khi phát hiện ra ông ấy là cùng phe với ông bầu và con khỉ, dưới ánh đèn làm bằng khối dầu rái là thứ vật liệu làm đèn thắp của rừng núi Nung,  ta chắc chắn là chẳng nhìn lầm, là ông ấy vừa  ôm hôn con khỉ vừa khóc, nước mắt ràn rụa, trong lúc ông ấy ôm hôn con khỉ và khóc thì ông bầu đứng lên nhắc lại lần nữa: đây là xiếc rừng,

 

[…]

cuộc diễn xuất để lại thứ thời tiết thất thường, như thể thế gian bỗng rơi vào tình cảnh quá tải về cảm xúc, hỉ nộ ái ố, buồn vui mừng giận …như thể bị khởi động lại theo cách có ai đó bỗng chêm vào cuộc sống thường nhật một cú huých chí tử, ở đây, tác nhân là những động thái đầy bí ẩn, vế sau, khi mọi việc đã lắng lại, và ta thì đã trưởng thành, ta bắt đầu nhìn biến cố ấy theo chiều hướng sử lịch, nó, thứ biến động thất thường, sự qúa tải cảm xúc ấy không phải đến lúc ấy mới xảy ra, mà đã từ rất lâu, trong quá trình chuyển động của lịch sử, đã bao nhiêu lần xảy ra trong mỗi con người lịch sử chúng ta, sự lặng lẽ gánh chịu, vết thương lâu đời nhất của nhân loại chỉ có thể giải thích bằng cách gọi tên nó là định mệnh hay số mệnh, bầu đoàn gánh xiếc  biến mất lúc nào chẳng ai biết, những gánh xiếc trong lịch sử vẫn có những hành tung bí ẩn vậy đấy, người làm xiếc đã đi hết, chỉ còn lại những người xem xiếc,  lũ trẻ khát nước khát sữa khóc la không ngớt, mà cả những ông bà lão có lẽ nghĩ đến cuộc sống của mình chẳng còn bao lâu nữa trên thế gian này cầm lòng không được, cũng khóc, từng cặp đôi ông bà lão ôm nhau hôn và khóc theo cái cách người đàn ông ăn vận theo kiểu các vị hoàng đế phương đông cổ đại ôm hôn con khỉ mặc áo vua và khóc, còn lũ cùng lứa ta thì cứ hấp háy con mắt trái ra hiệu cho ta hãy cùng bọn chúng chơi trò đứng lên ngồi xuống, đứa đóng vai ông bầu xiếc thì ngồi trên lưng đứa đóng vai con khỉ mặc áo vua, có đến mấy chục ông bầu ngồi trên lưng khỉ hấp háy con mắt trái, rồi nhìn trước nhìn sau, rồi đứng lên, ngồi xuống, rồi hô to lên đây là xiếc rừng, về sau, nhớ lại, ta gọi đó là cuộc nhái lại hùng vĩ, tức, như thể toàn thể thế giới đang chuyển động lại, còn lúc ấy ta cho là lũ cùng lứa ta bị say xiếc, ta cũng say xiếc, cứ nhắm mắt lại là thấy con khỉ mặc áo vua nhe răng ra cười cợt với ta, rõ ràng bấy giờ lũ cùng lứa ta đã kéo đi hết, những ông lão bà lão cũng đã dắt díu nhau đi hết, mọi người đã bỏ về nhà hết, rõ ràng là chỉ còn lại mảnh đất xám xịt màu tro đầy những bã trầu và tàn thuốc, nhưng hễ ta mở mắt ra nhìn là thấy ông bầu gánh xiếc ấy đứng lên hô to: đây là xiếc rừng, như thể không còn chịu đựng nối, ta gục xuống, và thiếp đi, khi tỉnh lại thấy có người đàn ông ngồi cạnh mình, thoạt nhìn thấy giống với nhà thông thái của tòa lâu đài đó, nhưng  không phải, ông ấy kéo tay ta đứng lên, nói, em  hãy đi với ta,

 

 

[…]

khi  bước vào ngôi nhà ấy ta cứ có cảm tưởng là mình đang bước vào một  phòng khám bác sĩ, tất nhiên cho đến lúc ấy thì ta cũng đã được cha mẹ ta đưa đi khám bác sĩ một đôi lần, em mới chuyển đến nên phải được chăm sóc chu đáo, ông ấy nói, ta không dám hỏi có phải ông là bác sĩ hay không, vì trông phong cách ông rất giống với những vị bác sĩ mà ta đã gặp, chỉ có điều ở đây là ông ấy không mặc đồ bác sĩ mà mặc áo đi mưa dẫu lúc ấy là trời không mưa và  đương ở trong nhà, ta có hơi sốt ruột, muốn biết đây là nơi nào, nhưng không dám hỏi, em hãy nằm xuống đó đi, ông ấy chỉ chiếc giường tre, bảo ta nằm xuống đấy, ta nằm, ông bước lại, vạch con mắt bên phải của ta ra xem, tốt quá, ông ấy lẩm bẩm, rồi chẳng hiểu sao lại bỏ ta nằm một mình trên giường, thật lâu sau mới quay lại với một cây đèn làm bằng khối dầu rái, thứ nhiên liệu của rừng núi Nung, em cứ mở hai mắt và nhìn vô cây đèn này, ông ấy dơ cây đèn khối đương cháy rừng rực lên trước mặt ta, bảo, ta sợ đến gần hụt hơi, thì ta còn lạ gì cái thứ đèn làm bằng khối dầu rái lấy ở núi Nung làng ta vẫn thắp khi có mùa gặt hay khi tết đến, cái thứ khối dầu nóng chảy ấy mà rơi xuống mặt ta thì coi như đi đời  dung nhan  trai trẻ, hai mắt của em còn tốt lắm, sau khi soi nhìn bằng thứ đèn khối chết tiệt ấy, ông ấy nói, ta vùng dậy như kẻ vừa thoát chết, ông ấy cười, đi cất cây đèn, và quay lại bảo ta ngồi lên ghế, thì ra khám tai là phải ngồi lên ghế, và cái cách khám bệnh của ông ấy là cũng dễ xảy ra cảnh người bệnh chết trước khi được khám, chẳng biết là ông quên, hay cố tình quên, hay là cái cách khám bệnh ở đây là phải theo những qui  trình như thế, có nghĩa, lẽ ra, ông phải giữ nguyên cây đèn ấy, khám mắt xong thì quay sang khám tai, đằng này là ông ấy lại bỏ ta ngồi một mình, thật lâu sau mới quay lại, cũng  với cây đèn dầu rái ấy, cây đèn chết tiệt ấy lại cháy rừng rực ở bên ta, em hãy xoay cả hai tai về phía cây  đèn, ông ấy bảo, ta bỗng cảm thấy vô cùng sợ hãi, như làm sai hướng dẫn của ông ấy thì có xảy điều chi đối với  sự sống còn của mình hay không, ta gần như sắp toát mồ hôi, bỡi hai  tai ta là ở hai bên thì làm sao xoay cả hai tai về phía cây đèn, quả tình bản năng sinh tồn của con người là quá lớn, bấy giờ thì ta đâu biết bản năng sinh tồn là cái quái gì, bấy giờ là ta chỉ thấy sợ chết, làm sai hướng dẫn của ông ấy cũng chết, mà không làm theo hướng dẫn của ông ấy cũng chết, ta nghĩ, và cứ nhắm mắt lại, hết nghiêng tai này, thì xoay sang, nghiêng tai kia, cách cộng tác của em tốt lắm, ông ấy nói, thì ta đâu cần biết sự cộng tác là cái quái gì, điều ta chờ  nghe là hai lỗ tai của ta có chuyện gì hay không, có còn nghe tốt hay không, bấy giờ  ta như đang ngồi trên lửa, tốt lắm, giờ thì chuyển sang phần khảo sát về độ co giãn tinh thần được rồi, ông nói, ta thở phào nhẹ nhỏm, rồi ông ấy  dẫn ta sang phòng kế bên, ở phòng kế bên ta chẳng còn có cảm tưởng là phòng khám bác sĩ, phòng khá rộng, cửa sổ trông ra một cánh rừng, chỉ có mỗi cửa sổ ấy thôi, ta liền hiểu đấy là nơi để ngủ nghỉ, em hãy nằm xuống đó đi, ông ấy bảo, ta nằm xuống chiếc giường có sẵn chăn chiếu, và lúc mãi mê nhìn ra cánh rừng bên ngoài cửa sổ ta đã quên khuấy ông ấy, đến chừng nhớ lại thì thấy ông ấy đang bước vào phòng tay đang cầm một chiếc áo đi mưa, xin nhắc là tới lúc ấy ông ấy vẫn còn mặc áo đi mưa,  em mặc vào đi, ông ấy bảo, ta cũng chẳng biết có phải là có những yếu tố nào đó đã ngấm vào ta từ hôm lạc rừng khiến cho ta trở nên sáng suốt hơn lúc còn ở nhà, là ta đã ngồi bật dậy và lập tức hiểu ra là ta sắp có một cuộc dạo chơi  đâu đó do ông ấy hướng dẫn, ta vừa mặc áo đi mưa vừa hỏi ông ấy có phải rừng núi ở đây là thường có mưa phải không, ông ấy nói cũng thường mưa lắm, và bảo ta hãy nằm xuống đi, ta liền làm theo lời ông ấy, vì cứ nghĩ trước một chuyến đi xa người ta thường phải nghỉ ngơi để lấy sức, sự cộng tác của em tốt lắm, ông ấy lại nhắc về sự cộng tác của ta, và bước ra khỏi phòng, cho đến lúc ấy thì ta mới ngớ ra, chẳng có đi đâu hết, mà chỉ là một cách phòng mưa, giữa lúc trời đang nắng mà mặc áo đi mưa để ngủ là một cách phòng mưa, ta ngủ cho đến trưa thì người phụ nữ ấy  mang thức ăn đến cho ta,

 

[…]

như thể là ta đang bị hút vào câu chuyện cổ tích, một vùng âm u huyễn mộng bỗng chặn ngang sức hiểu biết của chàng trai mười lăm tuổi quê mùa bỡi cho đến lúc ấy nhiều lắm ta cũng chỉ được nghe thấy nhìn thấy những thứ diễn ra nơi ngôi làng nhỏ bé của mình, nó là toàn thể cuộc chung đụng giữa con người và tự nhiên, cái bất thường của cơn mưa mùa hạ, hay cảnh lao đao lận đận cứ thấy quýnh lên của người làng khi lúa trên đồng làng mất trắng, hay là niềm háo hức của cả già trẻ lớn bé trong làng không cần và không hề được giải thích mỗi lần năm cũ hết năm mới đến, cho đến lúc ấy, sức hiểu biết của ta cũng chỉ rặt thứ màu sắc điền dã, về sau, lúc ta đã có vốn liếng kiến thức, khi nhớ lại  buổi trưa ấy, ta cũng không thể cắt nghĩa nổi, thật ra, nó là cái gì, bấy giờ, như thể một vùng trời mơ màng tơ tóc bỗng mở ra trước cái lôi thôi nông cạn của ta, chị nuôi và câu chuyện tổng cục tương lai, đó là toàn bộ cuộc ảo ảnh phủ lên buổi trưa về sau ta cứ nhắc đi nhắc lại mãi là buổi trưa cổ tích, em cứ gọi ta là chị nuôi X, đó là lời của người phụ nữ mang thức ăn đến cho ta buổi trưa hôm ấy, cũng y như những người phụ nữ làng Cù ta vậy thôi,  dung mạo cũng quê mùa như vậy, giọng nói cũng dịu dàng chất phác như vậy, cách cư xử cũng thân tình như vậy, chỉ có điều, cách hiểu biết của chị ấy cứ làm cho ta cảm thấy phập phồng trí óc y như lúc ta rơi vào những câu chuyện cổ tích kỳ bí của mẹ ta, đã đến lúc nhân loại phải  thay đổi tư duy về thực phẩm em ạ, thời con người không thể lập lại cách tìm kiếm thực phẩm thời tiền sử là cứ cậy vào những thứ có sẵn trong tự nhiên, đã đến lúc nhân loại phải có quan niệm mới về thực phẩm em ạ, bấy giờ, ta nghe, và chẳng hiểu chi cả, chỉ thấy phập phồng trí óc, ta vừa ăn vừa nghe chị ấy nói, những lời lạ lẫm như vậy khiến ta không thể không nghĩ ngợi, ta vừa nghĩ ngợi vừa nhai thức ăn một cách khó khăn như thể lũ bò cày nhà ta ăn rơm theo kiểu nhai lại chậm chạp vậy, em thấy thức ăn có ngon không, chị ấy hỏi, có lẽ do nghĩ ngợi, ta ăn hoài không thấy hết đĩa thức ăn, không phải cơm canh bình thường, quả là thứ thức ăn rất lạ, ngon và lạ nữa, chị ạ, ta nói, là sản phẩm hàng đầu của tổng cục tương lai đó em, cứ gọi ta là chị nuôi X được rồi, mọi người trong tổng cục tương lai đều vậy cả,  chủ thể sản xuất giờ đây chỉ là ký hiệu, ví dụ chị nuôi X, nhà thiết kế hình dáng xã hội Y, nhà phân phối các quyền hạn xã hôi Z, con nguời ở đây chỉ là ký hiệu, chủ yếu là làm sao  làm ra được thật nhiều những sản phẩm hiện đại, em à, chị ấy nói, hay thứ thức ăn người đàn ông đầu tiên ta gặp đã cho ta ăn hôm ấy là được làm ra từ nơi ấy, và nhà thông thái cũng đến từ nơi ấy, và cái cách khám bệnh cũng phát xuất từ nơi ấy, nơi nghe như chuyện cổ tích, tổng cục tương lai, chị ấy đi rồi mà ta cứ ngồi nhai đi nhai lại thứ thức ăn được làm ra ở cái tổng cục có vẻ kỳ cục ấy, vừa ăn ta vừa nghĩ ngợi, lại có một nhười phụ nữ như vậy và một bộ phận văn minh nhân loại như vậy sao, gần chiều tối thì người con gái ấy đến đưa ta đi,

 

 […]

đây là thông điệp, cô gái nói, và trao cho ta một tờ giấy màu xanh da trời, ta lướt mắt thật mau qua trang giấy, vì bấy giờ điều cốt yếu ta phải biết cô gái có đôi mắt màu đen long lanh là ai, chứ chẳng phải là cái thông điệp  quỉ quái ấy, bạn hãy làm theo cô ta, đó là nội dung thông điệp, nhưng thông điệp là gì kia chứ, và ai đã làm ra thông điệp kia chứ,  thì ra là bọn họ lại cử người con gái ấy đến để bày ra trò gì đó nữa đối với sự sống còn của ta, anh có thấy vui không, cô gái hỏi, ta nói là chưa thấy, cô ta bảo rồi thì sẽ thấy, đã có em chắc chắn là anh sẽ vui, cô gái nói, thẳng thắn và hồn nhiên, mới đầu là ta thấy ngượng, ở làng Cù  ta, thì ta cũng có chơi với lũ con gái cùng lứa với ta, nhưng là mày tao, lúc nào thì cũng xưng hô nhau là mày tao, mày có thích xem tao làm  trò khỉ ấy hay không, thế, là ăn nói theo kiểu  cộc cằn thế, mới đầu là ta cảm thấy vô cùng ngại ngùng trước một cô gái xa lạ, nhưng cho đến khi cô ta đặt một bàn tay lên ngực của cô ta, vừa đặt tay lên ngực cô ta vừa nhìn ta vừa nói  rằng việc ta và cô ta gặp nhau ở vùng rừng núi này là duyên nợ, anh mà nhìn thấy được mặt em ở đây là duyên nợ, cô ta nói, thẳng thắn và hồn nhiên, cho đến lúc ấy thì coi như ta đã hoàn toàn thay đổi thứ cung cách cũ kỹ của mình, phải nói là trong đời ta như ta đã biết  thì lũ con gái làng Cù là chưa có đứa nào có đủ trình độ để thể hiện trước ta những gì như người con gái ấy đã thể hiện trước ta trong cái  buổi trưa coi như là buổi trưa lịch sử trong đời ta, lần đầu tiên trong đời, ta đã nhìn thấy một người con gái cùng lứa với mình đã nghĩ ra được cái cách làm cho kẻ khác  phải chăm chú đến  mình, cô ta vừa đặt một bàn tay lên hai bầu vú  của mình, vừa nói về một chuyện gì đó chẳng ăn nhập chi với cảnh trí đó, tức là cái cách làm cho người ta chẳng hơi đâu phải chú ý tới câu chuyện chẳng ăn nhập chi ấy, tức là làm cho người ta chỉ chủ ý đến hai bầu vú nơi bộ ngực trời cho ấy, quê em có nuôi bò không, ta  hỏi, có phải là sức mạnh của vẻ đẹp trời cho của cô ta đã truyền sang ta hay không, ta buộc gọi cô ta bằng em mà chẳng  thấy ngượng ngập chút nào, nhà em  ở thôn bích la, chỉ nuôi trâu thôi chứ không nuôi bò, cô ta nói, chính là nhờ thứ kiến thức về ruộng bò hấp thu từ thuở lên năm mà ta đã có thể mở ra cuộc tình đầu tiên cho đời mình,  bấy giờ thì ta thành thực nghĩ như  bọn họ có cử cô ta đến để bày mưu mô chi  hãm hại  ta thì thứ sức mạnh vừa mới hình thành trong ta mà về sau ta mới biết nó có tên là mối tình đầu là sẽ đủ sức để đánh gục mưu mô ấy, anh có nghe nói  bích la thôn, chỉ có điều là chưa tới đó,  ta nói, là ta ba hoa nói dối để tạo thêm thiện cảm của cô ta, còn cái thôn bích la ấy ở chỗ nào thì cũng kệ xác nó, hoặc giả là nó chẳng có trên đời này thì cũng kệ xác nó, nhưng mà anh có đủ sức để chờ  em hay không, cô ta chợt hỏi, và ta cũng chợt hiểu người con gái ấy sắp chia tay ta, nhưng không phải, khi đưa ta  đến căn phòng có giường nệm sang trọng thì cô ta dừng lại bảo đây là nơi dành cho những người tuổi trẻ, ta cũng thật lòng hỏi những người tuổi trẻ là ai, cô ta chỉ cười, và lên giường nằm, cho đến lúc ấy thì coi như  mọi việc xảy ra là nằm ngoài hiểu biết của ta, ngay cả việc ta trở nên bối rối khi nhìn thấy cô gái ấy bắt đầu cởi áo quần và nằm lăn ra giường, ngay cả việc cô ta vừa lăn ra giường vừa khe khẽ  hát  bài hát gì đó mà với ta lúc ấy là của người nước khác chứ chẳng phải của người mình, ngay cả việc  cô ta bỗng ngồi bật dậy, nhìn ta, mỉm cười, và cầm lấy tay ta bảo ta hãy nằm xuống với cô ta, hết thảy mọi thứ là nằm ngoài  nghĩ ngợi của ta, có nghĩa, cuộc đời ta cho đến lúc ấy thì chưa bao giờ ta nghĩ là sẽ nhìn thấy những sự việc như thế, em đã biết là anh chẳng thể chờ em kia mà, cô gái nói, thẳng thắn và hồn nhiên, và lại lăn ra giường ôm lấy chiếc gối ôm, khóc, mà cũng chẳng thể nói một cách đích xác đó có phải là khóc hay không, bỡi cái cách khóc ấy là ta cũng mới nhìn thấy lần đầu, cũng có nghe cảm động trong lòng, nhưng quả thật là ta không thể làm được những việc nằm ngoài hiểu biết của mình, suốt đêm là ta cứ đứng cạnh  giường để nhìn người con gái như chẳng hề dấu diếm ta bất cứ  thứ gì đã được trời ban cho mình, suốt đêm là cô ta cứ ôm lấy chiếc gối và nằm im phăng phắc, mới mờ sáng hôm sau đã có người gọi cửa, mãi tới lúc ấy cô ta mới mặc lại quần áo, và đi mở cửa, công việc đã xong chưa, người đàn ông trạc tuổi cha ta vừa bước vào phòng đã hỏi, xong xuôi cả rồi, cô ta đáp, ông ta chỉ hỏi mỗi câu ấy, và quay ra, là cha của em có phải không, ta hỏi như để tỏ ra là mình vẫn rất quan tâm đến người con gái ấy, là ngài toàn quyền đó, cô ta nói, không nén được tò mò ta hỏi ngài toàn quyền là ai, rồi anh sẽ biết thôi, cô ta đáp, và cũng bước ra ngoài, đứng nhìn cảnh người con gái ấy khoác tay ngài toàn quyền đi dưới những vòm cây rừng ta cũng thấy  cay đắng trong lòng, chẳng lẽ là bọn họ đang phát động những cuộc tình không biên giới, ta thành thật nghĩ vậy, có thể là những ngày lạc rừng đã làm cho ta trở nên thông tuệ,  

 

 

[…]

ta đi, ngổn ngang trong lòng nỗi nhớ cha mẹ ta, nỗi sợ không tìm được đường về, nỗi lo chốc nữa sẽ có người đưa ta đến những nơi chốn không dễ dàng chút nào, và sẽ nói với ta những điều kỳ quặc, bấy giớ, rừng núi Nung như thể cái thế giới xa lạ, đầy rẫy những kẻ lạ, đầy rẫy những cạm bẩy, về sau, khi nhớ lại sự việc, ta vẫn cứ có cảm tưởng những gì xảy ra ở đó như những cái bẩy để nhử ta vào những nơi chốn, ở đó, bọn họ coi ta như những hòn đất ở làng Cù bọn họ nhặt được vào một buổi chiều cuối thu, bước tới chút nữa đi em, bọn họ gọi ta bằng em, thân tình, như những người cày ruộng ở làng Cù ta thân tình nói với lũ bò cày của mình, ở đó, ta là con chim lạc bầy, bọn họ nhìn ta như một lần thể nghiệm, để coi thử nó có tìm được bầy đàn của nó hay không, bọn họ nói với nhau, và cười, những nụ cười vừa bạc bẽo vừa tàn nhẫn, ở đó bọn họ coi ta như con cá bơi trong nước, để coi thử nó có biết ăn rong hay không…mùa thu thì lũ cá trang trên núi Nung bắt đầu có trứng, đi ăn rong trên suối, thỉnh thoảng lại dừng lại, trồi lên mặt nước, nhìn bầu trời đã có những đám mây xám sẫm, đã mùa thu mà, nhìn lên bầu trời trên đầu, và hớp một hớp nhỏ, lại lặn xuống, vẫy đôi cánh nhỏ ở hai bên mang, tiếp tục cuộc đi rong, những người không biết bảo là bắt mối đớp bóng, thật ra, làm như thế là để cho ánh mặt trời lọt vào chỗ ở của đàn con còn trong trứng nước, lúc đứng ở bờ con suối ấy ta lại nhớ lời kể của cha ta về loài cá trang, nhưng bấy giờ là đang mùa nắng, con suối đã cạn hết nước, con cá trang trong chuyện kể của cha ta cũng giống xác của cái máy bay hồi thế chiến thứ nhất, cũng chỉ là trong tưởng tượng gần như bất lực của ta, bấy giờ, hình ảnh của chiếc máy bay hồi thế chiến thứ nhất cứ như một thứ tai họa, vẫn cứ chập chờn trong tưởng tượng, khi thì tồn đọng trong nghĩ ngợi hình thù một con ma gió, hồi ấy ,những người lớn ở làng Cù ta đều nói máy bay là một con ma gió, con ma bay được trong gió và gây chết người, khi thì sự hiếu kỳ ngu xuẩn trong ta lại kích động ta, rằng ta mà thấy được xác của chiếc máy bay ấy thì chinh phục được toàn thể bọn cùng lứa ta ở trong làng, nghĩ tới chỗ này ta lại thấy háo hức bước xuống lòng con suối đã khô cạn, dẫm lên bóng một đám mây đang bay ngang qua bầu trời trên đầu, về sau , khi nhớ lại, ta nhớ là ta đã dẫm lên bóng một đám mây trên lòng con suối đã cạn hết nước,

 

[..]

chính là người đàn ông tự xưng là nhà rừng học đã đánh thức toàn bộ sự hiếu kỳ ngu xuẩn trong ta, ta đang nằm dài trên lòng con suối đã cạn hết nước mơ màng về loài cá trang đang chửa thì nghe có người nói trước sau gì bạn cũng được coi như người trở về từ thời tiền sử, lời nói nghe trong lúc nửa tỉnh nữa ngủ như thể một cú huých định mệnh vào nhận thức của ta, đúng là sau khi chụp xong bức hình ta đang nằm ngủ trên lòng suối ông ấy đã nói to lên như để đánh thức ta, ta tỉnh dậy, và mọi thứ chung quanh ta bấy giờ như một khúc hồng trần sôi nổi những kiến văn ngoại lệ, em, như một cơ duyên trong cuộc đời của một nhà nghiên cứu về rừng, cứ gọi ta là nhà rừng học em ạ, ta đi đến đây thì nhìn thấy một chàng trai trẻ như thể vừa mới bước ra từ thời tiền sử, ông nói, nhìn ta với ánh mắt khó hiểu, rồi mở máy chụp ảnh cho ta xem tấm hình ông vừa chụp ta đang nằm trên lòng suối, lần đầu tiên trong đời ta đã nhìn thấy ta trong bộ dạng một người đang nằm ngủ giữa rừng, khi con người ta bỗng thấy mê đắm chính mình thì đất trời bốn phía trở nên chốn trú ngụ đầy phép màu, ồ, ngôi làng Cù nhỏ bé của ta lại sinh ra được một  người như ta hay sao, con mới từ tiền sử trở vế đây, ta cứ muốn la to lên như thế cho cha mẹ ta nghe thấy, tiền sử là gì thì ta mù đặc, nhưng khi nghe ông ấy nói ta từ tiền sử trở về thì ta cứ thấy vô cùng sung sướng như thể cuộc đời ta đã chuyển sang một khúc khác, cứ mơ màng như như thể đang ở chốn trên cao, bấy giờ, chuyện lạc rừng của ta chẳng còn quan trọng nữa, lạc rừng thì chẳng là gì đối với một kẻ mới trở về từ thời tiền sử, ta nghĩ ngợi, vậy thì núi rừng là gì em biết không, ông ấy hỏi, ta liền bảo với ông ấy khi ngồi ở hiên hè nhà ta mà nhìn thì núi rừng ở đây cứ như một đám mây đang sà xuống mặt đất vậy, đúng rồi,  mới đầu chỉ là một đám mây, sau đó thì sà xuống mặt đất, rồi biến thành cây cối, biến thành chim chóc, các con thú hai chân bốn chân, và các suối nước, lũ thú hai chân bốn chân uống nước trên suối, còn chim chóc thì đậu trên cây, hót, ông ấy nói, ồ, một nhà rừng học thì biết mọi thứ trên rừng như vậy đấy, ta nghĩ ngợi, rồi sự hiếu kỳ ngu xuẩn trong ta lại khiến ta nhớ đến xác cái máy bay hồi thế chiến thứ nhất, nhưng đây có phải là núi Nung hay không, ta hỏi, câu hỏi ám ảnh ta  ngay từ phút đầu ta bị lạc rừng, ông ấy chợt ôm ta vào lòng, nói, một nhà rừng học với một chàng trai trẻ mới từ thời tiền sử trở về lại gặp nhau nơi núi rừng này như một cuộc hội ngộ thế kỷ, ông ấy cứ ôm chặt ta vào lòng ông ấy và tiếp tục nói về rừng núi, không hề có nửa lời về núi Nung, ta, một người cả đời gắn bó với núi rừng thì làm sao không biết lũ thú uống nước trên suối, và lũ chim thì hót ở trên cây, đang nói, ông ấy bỗng ngưng lại, có tiếng hú dài ở đâu đó, về sau, khi ta đã có vốn liếng kiến thức, thì ta cho đó là tín hiệu của những người đang có những hành động bất chính nào đó ở trên rừng, còn bấy giờ ta chỉ nghĩ đó là tiếng kêu của một con thú nào đó, giờ thì ta phải đi rồi, em ạ, ông nói, bước ra khỏi lòng con suối, đi về phía vừa có tiếng hú dài, có vẻ rất vội vã, một nhà rừng học thì lo xem xét ai là người mới trở về từ thời tiền sử hay sao, đến lúc ấy thì ta cứ thấy thắc mắc trong lòng, và bắt đầu lo lắng một cách vô cớ là  cứ sợ mình không phải là kẻ mới trở về từ thời tiền sử, người đàn ông tự xưng là nhà rừng học đã lướt qua cuộc đời ta như một cái bóng đầy bí ẩn,

 

[…]

và liệu ta có thể thoát ra được miền núi rừng như thể đang trơn tru bằng phẳng bỗng nổi lên sơn lâm chướng khí, về sau, nhớ lại, ta cứ cho rằng đấy có thể là sự trắc trở trong cách nhìn thế giới, còn bấy giờ, thì, ta vẫn bắt chước người đàn ông tự xưng là nhà rừng học đi về phía ấy, cứ đinh ninh sẽ chấm dứt những ngày lạc rừng khi đi về phía ấy, rồi bỗng như thể một cuộc đánh tráo, con ong cái kiến như thể được thay bằng những cuộc cãi vã, tiếng hót của chim thành ra những va chạm có tính thiên niên kỷ, núi rừng hiện rõ lên những khuôn mặt người, ở bên này con suối lũ nai  bỏ lại những móng vuốt ngây ngô, và bên kia suối lũ côn trùng không có cánh  bắt đầu những cuộc bay, cái cách hoán đổi như thể một cuộc chơi kẻ đứng đầu cuộc chơi luôn trốn biệt giữa thinh lặng, về sau, khi ta đã có vốn liếng kiến thức,  nhớ lại cuộc lạc rừng ấy, ta cứ cho là một thứ mê cung tư tưởng, miền cổ tích nơi con vật tư duy, đã sớm hình thành ở chàng trai tuổi mười lăm quê mùa như một số mệnh, ai đã biến núi rừng thành thứ mẫu hình của thế giới đa đoan, bấy giờ, như thể có đủ các loài rắn, màu đen có, màu nâu sậm có, màu trắng màu vàng có, những con rắn bám chặt lấy rừng cây, một cuộc câu kết  làm lung lay hoàn vũ, ồ, rắn, tự buổi sơ khai đã là thứ cặn bã của thế giới, những con rắn, biểu tượng của độc ác tàn ác, ồ ạt tiến vào miền rừng núi ấy, gió cứ tràn qua thứ bóng tối vô minh, bấy giờ, toàn bộ thứ hiếu kỳ ngu xuẩn của ta trốn biệt trong ta, chỉ còn lại nỗi buồn và niềm sợ hãi, ta nằm dài gữa rừng cây biến động ngắm nhìn những con rắn đầy mưu chước trườn đi giữa thứ thế giới thương tích, nhưng còn chàng mục tử với con tha la trong câu chuyện cổ tích của mẹ ta thì sao, những con rắn hèn hạ cứ làm ta nhớ đến con tha la trong chuyện kể của mẹ ta, chàng mục tử ngồi trên lưng tha la thổi khèn, còn con tha la thì quên khuấy con đường dưới chân…”cứ nán lại đây/ những con vật tinh khôn cứ nán lại đây/ châu mục của phong sương tuyết nguyệt/ ca trù của nghìn năm cổ xúy tiếng tơ lòng/sự thật vẫn còn nguyên trên vầng trán mặt trời/ ngực đá mòn tiếng hót của chim”, hồi ấy mẹ ta bảo đấy là tiếng khèn của chàng mục tử, bấy giờ, trí khôn ngây ngô của ta có mách bảo ta tại ta chưa biết cách đi đó thôi, và hôm sau thì có người đàn ông mặc áo da đi giày da đến gặp ta, bảo ta phải sang bên ấy để học đi,

 

[…]

những thứ lý thuyết như vậy, về sau,  khi ta đọc đã khá nhiều,  ta đã xếp vào dòng kiến thức sần sùi nhất và ảm đạm nhất, có nghĩa, đấy như thể là sự hóa thân của những thức ăn sau cuộc tiêu hóa vội vã, thứ kiến thức ngoại hạng không dễ gì xếp vào các phạm trù quen thuộc bấy lâu, không là kiến thức dân dã, cũng không là kiến thức khoa học, nào, em cứ theo ta là sẽ trở thành công dân hữu ích của đất nước, đâu phải chỉ mỗi mình em mà toàn thể tuổi trẻ của xứ sở này phải học cách đi, lời đầu tiên của người đàn ông mang giày da mặc áo da lúc ta vừa ngồi vào lớp học có vẻ như được thiết lập một cách vội vã cho kịp với tiến độ văn minh nào đó tới lúc ta đã có vốn liếng kiến thức như thế vẫn nghĩ không ra, một lớp học cấp tốc chỉ một thầy một trò, bấy giờ ta cứ ngồi nhìn đôi giày da và chiếc áo khoác bằng da bóng lộn của ông ấy mà nghĩ đến tương lai mờ mịt của mình, cho tới bao giờ thì ta mới có thể đi gìày da và mặc áo da sang trọng như thế, nhưng vì sao ông ấy lại mang giày da bận áo da kia chứ, cho đến câu hỏi giản đơn vậy mà cũng phải đợi tới khi có vốn liếng kiến thức ta mới nghĩ ra được, thì ông ấy là nhà thuyết lý của xứ sở phải ăn vận như thế chứ sao, em có biết vì đâu đã biết đi em còn phải học đi hay không, ông ấy hỏi, nhìn ta với vẻ nghiêm túc, lần đầu tiên trong đời ta đã bị người ta đối xử ngang ngược như vậy, ta vẫn đi đứng suốt mười lăm năm qua sao bây giờ còn phải học đi, thật ra, bấy giờ ta vô cùng tức tối nhưng cũng không đến mức có đủ can đãm để bỏ ra khỏi chốn có vẻ lằng nhằng không đâu như vậy, bấy giờ ta cứ ngồi im, dồn hết vốn liếng hiểu biết của mình vào một chỗ coi thử có hiểu vì sao ta phải học đi hay không, cái buổi sáng ấy cũng chẳng có biến cố gì lớn cho lắm, người ta mở một lớp học cấp tốc cho ta học đi, và ông thầy dạy ta là một người đàn ông mang giày da mặc áo da, chỉ có vậy, nhưng lại ám ảnh suốt cuộc đời ta…nhân danh chính nghĩa ta tuyên bố với toàn thế giới rằng đi là không còn ở yên một chỗ, hình thái lao động tốt nhất cho phát triển tư duy của loài người, nhưng các loài khác khi không còn ở yên một chỗ thì không thể gọi là đi, ví dụ, khi con chim dịch chuyển chỉ gọi là bay, là không dẫn tới tiến bộ mà dẫn tới hiểm nguy, và khi con người đã biết cách thức đi là lúc thuộc về chính nghĩa, ông ấy nói, ta cứ ngồi khóc ròng, những lời ông ấy nói ra như thể nhấn chìm toàn bộ trí não ta, những chính nghĩa, tiến bộ, những hình thái lao động, phát triển tư duy …cứ như lũ đốm đốm ở bờ rào tre nhà ta nhấp nháy loạn xạ trong nhận thức của ta, nhưng thế nào là biết cách đi chứ, chính thứ lý thuyết sần sùi và ảm đạm đó đã ám ảnh suốt cuộc đời ta,

 

[…]

xin chào, ngài huấn luyện viên trưởng cất lời chào khi trông thấy ta, cách đối xử đó có làm cho ta thấy vui, nhưng ta bỗng nghe có tiếng la lớn: hết đường rồi, những người đàn ông  đang trên đường quay về, la to lên như thế như để cho  mọi người nghe thấy, ai nói với các người là hết đường, ngài huấn luyện viên trưởng gắt, có nghĩa là bọn họ lại phải tiếp tục đi trở lại con đường mà họ kêu là hết đường, ta hỏi là ta có thể đi với mấy người ấy hay không, nhưng ngài huấn luyện viên trưởng bảo chưa đến lượt của ta, hết đường rồi, những  người đàn bà  đã quay  về,  bọn họ cũng la to lên như để cho mọi người cùng biết, sao lại hết đường, ngài huấn luyện viên trưởng gắt, có nghĩa những người đàn bà ấy lại phải trở lại con đường mà họ kêu là hết đường, thưa, đã tới giờ làm đường chưa, người đàn ông hơi gầy đi chưa tới nơi đã hỏi, có vẻ như thì giờ ở đây là rất hiếm, cứ bắt đầu là vừa, ngài huấn luyện viên trưởng nói, làm đường ư, người ta làm đường thêm có nghĩa là ta sẽ được luyện đi, ta còn đương nghĩ ngợi thì thấy có  rất nhiều người mang vác từ đằng  xa đi tới,  đến trước nhà làm việc của ngài huấn luyện viên trưởng thì bọn họ lần lượt đặt xuống đất  những tấm ván đang mang vác trên vai, tấm này là được đặt kế tiếp tấm kia, loáng cái, một con đường bằng ván trông như một dãi lụa hẹp trải dài trên đất, những ông  bà  lão đã quay trở về, cứ coi như bọn này sẽ  chết trước khi đến đích, bọn họ cũng la to như để cho mọi người biết số phận của mình, phải luyện lại cách đi đứng thôi, thế nào cũng nhìn thấy được điều chúng ta mong đợi, ngài huấn luyện viên trưởng nói to như để động viên những người già, và bắt đầu nhún nhảy trên con đường  làm bằng ván, cái cách đi đứng của ngài huấn luyện viên trưởng quả tình là ta mới trông thấy lần đầu, uốn lượn như  một thứ vũ điệu, mà cũng chẳng phải là  như một thứ vũ điệu,  nhìn ngài huấn luyện viên trưởng bước đi trên con đường lát ván ta cứ có cảm tưởng là ông ấy sắp bước vào một chốn thần tiên nào đó, đã đi đến đích, thấy chưa, ngài huấn luyện viên trưởng nói to khi đã đi đến chỗ cuối con đường bằng ván, và ông bắt đầu hát,

 

ta  chẳng yên lòng chút nào khi những quả cây rừng đã bị lấy đi bỡi loài sóc háu đói, nếu những quả cây rừng bị lấy đi thì khó tránh khỏi một cuộc đại hủy diệt của rừng cây, ta chẳng yên lòng chút nào khi lũ cua cá trên những con suối đầu nguồn cứ liên tục gặp nắng hạn, 

 

ngài huấn luyện viên trưởng quả là kẻ mủi lòng, ta trông thấy ông khóc, nước mắt ràn rụa trên gương mặt như đang sáng lên với những ý tưởng cao cả nào đó, cứ để cho ông ấy khóc, những ông bà già thì thào, và bắt đầu nhún nhảy bước  trên con đường đất bọn họ vừa mới trải qua, ta nhìn thấy đã có người ngã, phải nhìn thấy được nó trước khi chết, những ông bà lão đã đi thật xa nhưng ta vẫn còn nghe được tiếng gào thét của bọn họ, có nhiều người đàn ông và nhiều người đàn bà đã quay về, chẳng nhìn thấy gì hết, bọn họ có vẻ như cố la cho thật to cho những người còn lại nghe thấy,  phải luyện lại cách đi đứng thôi, thế nào cũng nhìn thấy được điều chúng ta mong đợi, ngài huấn luyện viên lại hét lên, và bắt đầu nhún nhảy  trên con đường lót ván,

 

ta chẳng yên lòng chút nào khi phía trước còn có nhiều những khu rừng gai góc, 

 

ngài huấn luyện viên trưởng vừa nhún nhảy trên con đường lót ván, vừa  hát, đã đi tới đích rồi, thấy chưa, khi đến cuối con đường lót ván ông ấy dừng lại, nhìn mọi người, nói, và lau nước mắt đương ràn rụa trên gương mặt của mình, thưa, đã có người chết, người đàn ông chưa đến nơi đã nói lớn, có vẻ như thì giờ ở đây là rất hiếm, chết ở đâu, ngài huấn luyện viên trưởng hỏi, thưa, ở trên đường đi, phải chôn cất cho thật chu đáo, ngài huấn luyện viên trưởng nói, hóa ra những người đàn ông làm đường cũng là những người chuyên chôn  người chết, phải luyện lại cách đi đứng thôi, ngài huấn luyện viên trưởng lại nói to lên cho mọi người nghe thấy, và bắt đầu nhún nhảy bước trên con đường lót ván,

 

ta khóc khi còn có người chết trên đường đi,

 

bấy giờ là người ta bắt đầu đi đi về về như điên, có thể nói không phải đi, mà là chạy, mọi người là cứ cắm đầu cắm cổ mà chạy, có quá nhiều những người đàn ông và đàn bà đã lên đường, tiếp tục đi, và cũng có quá nhiều những người đàn ông và đàn bà đã quay trở về, đến trưa thì có nhiều người chết, thưa, chết vì kiệt sức cũng có, mà  vì thất vọng cũng có, ta nghe người đàn ông chuyên chôn người chết nói với ngài huấn luyện viên trưởng, đến xế chiều thì dường như có nhiều người chết hơn lúc trưa, tuy là có nhiều người chết, nhưng vốn được hun đúc trong bầu không khí mạo hiểm của con người thời đại, giờ lại đứng trước một quang cảnh bi thương mà oai hùng như thế, ta cứ muốn đi thử một chuyến cho biết, nhưng ngài huấn luyện viên trưởng nói là chưa đến lượt ta, tối hôm ấy thì có người đến nói với ta: em hãy chuẩn bị tinh thần  để gặp các vị ca trưởng các gánh hát lớn ở bên thương trường,

 

[…]

nhưng ca trưởng các gánh hát lớn là cái quái gì, người đàn ông ấy xuất hiện đúng vào lúc cơn tức giận đang tràn lên đầu óc ta, em hãy nắm chặt tay ta, người đàn ông nói, trong thứ bóng tối đậm đặc của núi rừng ta cứ cố nhướn hai mắt về phía trước coi thử có phát hiện ra chút hình tích nào về các vị ca trường các gánh hát lớn hay không, dần dà em sẽ biết, dường hiểu tâm trạng ta, người đàn ông nói như để an ủi, ta nói thà các ông cứ nói thẳng với ta rằng ta là đứa chẳng được tích sự chi, và trả ta về lại làng Cù, đằng này, hết trường luyện đi, giờ lại thương trường, có phải  các ông muốn  đem ta ra làm trò cười hay không, ta lại hét lên, dần dà em sẽ biết, người đàn ông lại an ủi, căn phòng la liệt bao nhiêu thứ là thuộc về thứ thế giới thần tiên mẹ ta đã kể cho ta nghe hồi ta lên năm lên bảy, đèn ngũ sắc nhấp nháy trên đầu, là có quá nhiều hoa, hoa mắc trên trần nhà, mắc nơi bậu cửa sổ nơi bậu cửa lớn, mắc ở các lối đi, phải nói đưa tay ra là đụng phải hoa, nhưng tại sao bọn họ lại đưa ta sang nơi có tiếng hát của đám con gái chết tiệt nào đó khiến ta cứ thấy bồn chồn nhớ đến làng Cù của mình, là tại làm sao vậy, ta lại hét lên, em sang đây là để cùng ta lo việc trà nước cho các vị ca trưởng các gánh hát lớn, đến lúc ấy người đàn ông mới nói cho ta biết lý do ta sang chỗ thương trường chết tiệt ấy, bấy giờ, vấn đề không phải việc trà nước, mà là việc thương trường nó là cái gì, có mười mấy vị ca trưởng của mười mấy gánh hát lớn trên mặt đất đó, người đàn ông nói, và bắt đầu mang những  phù hiệu bằng đất gắn lên những chiếc ghế dựa to lớn  đã được kê sẵn ở trong phòng, ta cứ có cảm tưởng hai tròng mắt mình như sắp tuột ra khỏi mắt khi đứng trước những cái phù hiệu kỳ quái đã được mắc lên các thành ghế: cái mũi tên là đang ghim vào con mắt người trong phù hiệu, cái nắm đấm là đang đấm vào mặt người ở trong phù hiệu, và  con kênh kênh là đang lao đi trong phù hiệu, bấy giờ thì vị ca trưởng ấy bỗng nhìn ta, và ta cảm thấy rợn cả người, rõ ràng là ông ấy chỉ nhìn ta nhưng ta thì cứ thấy như con kênh kênh trong phù hiệu gắn nơi chiếc ghế của ông ấy là đang lao về phía ta, thưa, đấy là người làng Cù, người đàn ông nói với vị ca trưởng có phù hiệu con kênh kênh, tốt quá, vị ca trưởng khẽ gật đầu, nói, ta liền hiểu là người đàn ông lo việc trà nước với ta đã giới thiệu lai lịch của ta với vị ca trưởng ấy, xin chào, ta thấy mười mấy vị ca trưởng đã lần lượt ngồi vào ghế và bắt đầu chào hỏi nhau, bây giờ thì mang trà nước đến cho các vị ấy, người đàn ông lo việc trà nước với ta nói khẽ vào tai ta, phải nói đấy là những giờ phút sung sướng nhất trong đời ta, bao nhiêu thứ kiến thức ta chưa hề gặp trên đường đời là đang bày ra ở trước mắt ta, vị ca trưởng có phù hiệu con cá sấu đương ngủ đem trải ra ở giữa gian phòng một tấm vải rộng đủ màu sắc, hôm nay thì ông ấy là vị chủ trì buổi họp, người đàn ông lo việc trà nước với ta rỉ tai ta, đừng cho chúng nó bán ra, vị ca trưởng có phù hiệu con cá sấu đương ngủ chỉ tay vào một nơi nào đó trên tấm vải nhiều màu sắc đương trải ở giữa phòng, và thét to lên thế, lập tức, các vị ca trưởng còn lại đều đứng lên khỏi ghế của mình, cùng thét lên: nhất định là không cho,  nhưng chúng nó là ai thì ta chẳng hiểu, và bán ra là bán ra thứ quỉ quái gì, ta rỉ tai người đàn ông cùng lo việc trà nước với ta, rồi em sẽ hiểu, ông ấy rỉ tai ta, nhưng nếu như  chúng nó cứ bán ra thì sao, vị ca trưởng có phù hiệu con thằn lằn nửa đuôi chợt đưa ra thứ ý kiến mà ta biết trong lúc ấy là chẳng mấy tốt đẹp, cái đám con gái chết tiệt nào đó là đang chuyển sang cái cách hát ỏng a ỏng ẻo làm như thể là bọn chúng vừa ôm vật nhau với ai đó vừa hát, những khi căng thẳng là các vị ưa nghe như thế, người đàn ông lo việc trà nước với ta rỉ tai ta, bấy giờ dường như  ta cũng bị thứ căng thẳng quỉ quái ấy lây lan, căng thẳng là căng thẳng cái gì, ta cứ hét lên ở trong đầu, xóa chúng nó khỏi bản đồ thế giới, vị ca trưởng có phù hiệu con cá sấu đương ngủ chợt đưa tay phủi đi một vật gì đó nơi tấm vải nhiều màu sắc đương trải ở giữa phòng, và nói, là coi như xong rồi đó, người đàn ông lo việc trà nước với ta rỉ tai ta, tất cả là diễn ra ở trước ta, ta thấy cả, nghe cả, các vị ca trưởng là đã ra khỏi phòng, người đàn ông lo việc trà nước cùng ta cũng đã ra khỏi phòng, cứ tưởng là những giờ phút sung sướng  nhất trong đời ta, tất cả là diễn ra ở trước ta, những giờ phút sung sướng nhất trong đời, nhưng là ta chẳng hiểu gì cả, bấy giờ, một thân một mình đứng giữa cái đám kênh kênh, cá sấu, thằn lằn, ta cứ hét lên là  ta chẳng hiểu gì cả, vừa nhìn đám quái vật, ta vừa hét lên, khi tỉnh lại [ ta đã gục ngã lúc nào chẳng hay] thì thấy mình đang nằm  ở một nơi nói  là núi rừng cũng được mà nói là xóm làng cũng được, có nghĩa ở đó có cả rừng cây, suối đá, có cả ruộng lúa tươi tốt, lũ bò là đang gặm cỏ,  

 

[…]

con thấy mệt phải không, người đàn bà trùm kín nửa người vừa nâng ta dậy, vừa nói, nhưng đây là đâu, ta hỏi, có lẽ là do gào thét quá nhiều nên  giờ ta nghe  rát ở cổ họng, ta hỏi, và nghe rát ở cổ họng, kể từ giây phút này con cứ gọi ta là mẹ của làng, người đàn bà trùm kín nửa người nói, rõ ràng là bà ấy vừa đỡ  ta đứng lên, nhưng vừa đứng lên thì ta đã thấy bà ấy lủng lẳng ở trên đầu mình, lúc bấy giờ thì cái cách bà ấy treo tay đứng ở giữa trời cứ khiến ta có cảm tưởng là mình đã lạc vào một cõi bờ yêu ma quỉ  quái nào đó, như vậy là coi như ta cũng đang bị treo lủng lẳng ở trên mặt đất, bấy giờ thì hai chân ta như đang dính chặt vào mặt đất, ta cứ nhắm chặt cả hai mắt đứng im trong tư thế hai chân bị dính chặt vào mặt đất, và run, có phải là em mới chuyển tới hay không, chính là cái câu hỏi của người đàn ông gầy nhom như đã đói khát từ lâu ấy làm cho ta thấy hơi yên lòng, có người hỏi tức là nơi có người ở, thật ra là ta cũng chẳng biết  ông ấy đến bằng cách nào, khi nghe hỏi ta mở mắt nhìn thì thấy ông ấy đã đứng ở trước mặt ta với bộ dạng như là kẻ sắp chết, ta cố giữ cho hai chân đừng run và nói bừa là mình vừa mới chuyển đến, vừa nói ta vừa nhìn chừng bà mẹ của làng vẫn còn treo tay đứng ở giữa trời, ta dám nói bừa thế là vì suốt cuộc  lạc rừng, cứ mỗi lần bọn họ đưa ta đến một nơi nào đó thì lập tức có người đến hỏi là ta mới chuyển đến phải không, được chuyển tới đây là phước lắm, người đàn ông  gầy guộc nói, rồi đi mở cửa, lập tức ùa vào chỗ ta những đàn ông đàn bà những con trai con gái  và cả những em bé vừa mới sinh còn đỏ hỏn trên tay những bà mẹ, hết thảy là cũng giống như người đàn ông gầy guộc kia, là cũng có vẻ mệt mỏi thiểu não như chẳng còn sống được bao lâu vì đã  đói khát quá lâu, là chúng nó đang có mưu mô hại mẹ, có một giọng nói phụ nữ cất lên trong bọn họ, bấy giờ chỉ trừ những em bé còn ẵm trên tay, còn hết thảy bọn họ là khoanh tay ngồi thành từng cụm năm bảy người, tiếp theo sau giọng nói của người phụ nữ  là những tiếng thở dài, dường để tỏ đồng tình với cái ý kiến chẳng mấy tốt đẹp kia là mọi người đều buông tiếng thở dài, tự dưng ta thấy nỗi sợ hãi đã dừng lại ở trong ta, đã có kẻ lập mưu làm hại bà ấy thì quả tình là người đàn bà treo tay đứng ở giữa trời ấy cũng chẳng phải là kẻ đáng sợ, là chúng nó đã qua khỏi nơi giáp ranh  giữa hai bên, người đàn ông đã trò chuyện cùng ta  giờ mới lên tiếng, ông ấy vừa nói xong lời ấy thì những gì tựa như  khói bếp bắt đầu túa ra từ người đàn bà trùm kín nửa người, cháy, bấy giờ ta cứ nghĩ cái kẻ đang có mưu mô hại bà ấy đang đốt cháy bà ấy, nhưng là ta đã lầm, mẹ là tất cả và tất cả là mẹ, tựa một dàn đồng ca, hết thảy bọn họ là cùng cất lên thứ giọng trầm buồn nhưng lại có vẻ rất nhiệt thành, tất cả là mẹ và mẹ là tất cả, cái dàn đồng ca ấy cứ đảo đi đảo lại như thế, cái lời ấy rõ ràng là chỉ gòm có mấy tiếng, nhưng cứ đảo đi đảo lại theo cái cách ấy khiến ta có cảm tưởng là một bài ca dài vô tận,  bấy giờ, người đàn ông đã trò chuyện cùng ta đã đến ngồi bên ta, còn ta thì cũng đã ngồi vào với bọn họ, là mẹ của chúng ta đang tức giận đấy, người đàn ông đã trò chuyện cùng ta rỉ tai ta, và ta cũng đã liền hiểu ra như thế là mình đã mặc nhiên được coi như bè bạn của bọn họ, cho đến lúc ấy thì ta mới có bình tĩnh để xem xét các thứ, chỉ trừ những em bé còn ẵm trên tay, còn hết thảy bọn họ là ngồi khoanh tay và úp mặt lên gối, hết thảy là vừa úp mặt lên gối vừa lắc lư người như thể là đang trong mơ, một thứ giấc mơ chung, ta cứ nghĩ là bọn họ đang rơi vào một thứ giấc mơ chung nào đó, còn người đàn bà trùm kín nửa người thì cứ để cho cơn giận dữ của mình tiếp tục tuôn ra ở bên ngoài, những ngọn khói giận dữ là cứ tiếp tục vần vũ ở trên đầu  mọi người, trong lúc cơn giận dữ của mẹ của làng tiếp tục tuôn ra bên ngoài thì bọn họ cứ tiếp tục đảo đi đảo lại cái lời ngắn ngủi ấy, vừa ngồi lắc lư người, vừa đảo đi đảo lại lời ấy như là để làm dịu bớt nỗi giận dữ của mẹ của làng, là chúng nó đã qua khỏi nơi giáp ranh của hai bên rồi đó, người  đàn ông đã trò chuyện cùng ta chợt kêu to lên, lập tức hết thảy như trở nên những thứ bất động, mẹ của làng là không còn lủng lẳng nữa, người đàn  bà trùm kín nửa người ấy cứ treo tay đứng im  bất động, và hết thảy bọn họ là thôi không lắc lư nữa, hết thảy là ngồi im bất động, hãy bắt lũ chúng nó biến khỏi mặt đất, là mẹ của làng nói ra đấy, ta có cảm tưởng lời ấy như một trận gió thổi tạt qua bọn họ, hết thảy bọn họ đã bật đứng lên, ùa ra ngoài, ta cũng ùa ra cùng bọn họ, chứ chẳng lẽ ngồi lại để làm mồi cho cơn giận dữ của người đàn bà trùm kín nửa người đang trở nên giận dữ hơn trước, lúc ùa theo bọn họ thì ta hiểu ra khi người đàn bà trùm kín nửa người nói ra lời ấy là cơn giận dữ của bà ấy đang trở nên ghê gớm, ta cũng chỉ hiểu là cơn giận dữ của bà ấy đang trở nên ghê gớm, còn hãy bắt lũ chúng nó biến khỏi mặt đất là sao thì sau đấy ta mới hiểu, chỉ mỗi tiếng khóc của lũ trẻ sơ sinh cũng đã đủ làm cho quang cảnh trở nên náo động, hóa ra là  bọn họ ai nấy đều mang sẵn đao kiếm ở trong người, hóa ra là lũ người có mưu mô hại mẹ của làng cũng mang sẵn đao kiếm trong người, cái lũ người có mưu mô hại mẹ của làng quả là dân chơi đàn điệu, chúng biết ta chẳng phải là người thuộc mẹ của làng, nên đã chừa ta ra, cuối cùng là chỉ còn mỗi mình ta đứng giữa  cảnh chết chóc, hết thảy những người của mẹ của làng và hết thảy những người có mưu mô hại mẹ của làng là đều chết cả, già trẻ gì cũng chết, là do hai bên quyết cứa cổ nhau, nên cả hai bên chẳng còn người nào, nhưng chẳng lẽ chuyện bọn họ chết như thế nào là do người đàn bà trùm kín nửa người ấy định đoạt, khi nghĩ đến chỗ đó ta thấy hoảng quá, toan trốn đi, nhưng bà ấy đã xuất hiện ở trước ta, giờ thì kẻ thù các con không còn, nên cứ thủng thẳng mà đi,

 

[…]

và vui ơi là vui, làng thì bé nhỏ mà có đến ba vị muốn ra làm trưởng làng, đây là buổi trọng dân,  một trong ba vị nói, nhưng ông là người thấp bé nhất làng lại muốn đứng đầu trong làng thì trọng dân nỗi gì, một người khác trong ba vị  nói, đấy là một người đàn ông to mập ra vẻ ăn chơi đàn điệu có vẻ ra mặt khinh bỉ người đàn ông thấp bé nhất làng, nhưng chưa ra trị nước thì cũng chưa biết ai khinh ai trọng, một người khác trong ba vị nói, giọng to lớn thô bạo như nạt vào mặt người khác, cho đến lúc ấy  ta mới hiểu sở dĩ cả ba đều tranh làm trưởng làng bỡi các vị đều là những người có phần đặc biệt  nhất làng: thấp bé nhất làng, to mập nhất làng, và nói lớn tiếng nhất làng, một cuộc chơi dường chỉ ở cái ngôi làng heo hút ấy mới nghĩ ra được, cứ thấy mình có những thứ đặc biệt nhất làng là có thể  làm trưởng làng, em chẳng phải người làng này nên đứng ra làm chứng cho bọn ta là tốt nhất, bọn họ đề nghị, làm người làm chứng thì cũng tốt thôi, ta nghĩ, và vui ơi là vui, tự  dưng ta lại trở thành kẻ có quyền lực, em là người làm chứng nên phải có một chỗ ngồi đường hoàng trong xã hội, người đàn ông to mập đem chiếc ghế dựa đặt ở giữa phòng và mời ta ngồi, ta ngồi vào ghế, và bắt đầu thể hiện thứ quyền lực tự dưng mà có của mình, vị nào muốn nói thì đưa tay lên, ta hỏi, cả ba đều đưa tay lên, ta cho người đàn ông to mập nói trước, ghế là ghế của làng chứ chẳng phải của nhà nó đâu, người đàn ông lùn thấp và người đàn ông nói lớn tiếng cùng lên tiếng phản đối, ý các vị ấy là ta đã vị nể người đã mang ghế cho ta ngồi, với ta, bấy giờ thì tất cả chỉ là chuyện qua đường, nhưng với bọn họ là một cuộc quyết đấu có tính chất sinh tử, xin hẹn gặp lại quí vị, ta bước xuống khỏi ghế, nói, thì hết thảy bọn họ thiếu chút nữa đã quì xuống trước ta, xin em đừng đi, là cả ba cùng công kênh ta trở lại ghế, từ phút ấy ta đã hiểu ra tầm quan trọng của mình trong câu chuyện qua đường, nhưng cũng từ phút ấy ta phải chứng kiến một cuộc bới móc nhau, từ chuyện người đàn ông to mập nhất làng rượu chè be bét, chuyển qua chuyện người người đàn ông thấp bé nhất làng ngủ với một phụ nữ góa chồng ở trong làng, rồi chuyển qua chuyện người đàn ông to tiếng nhất làng đã đánh chết một con trâu của một người trong làng chỉ vì con trâu dẫm lên ruộng lúa của ông ta, đã đến lúc bọn họ chẳng còn dùng lời lẽ nữa, từ việc dùng lời lẽ bọn họ đã chuyển sang dùng nước bọt mà nhổ vào mặt nhau, phải nói lúc bấy giờ thì ta cũng sợ bọn họ bất chấp lý lẽ mà nhổ vào mặt kẻ làm chứng là ta, nhưng là rất may, giữa lúc ta đang chuẩn bị đón lấy tai nạn [thì nếu như bọn họ có nhổ vào mặt ta thì ta cũng phải rán chịu chứ biết làm sao] giữa lúc hiểm nguy như thế, thì dường như trời đất xui khiến sao đó bọn họ chợt ôm nhau mà khóc, vừa khóc, vừa thế thốt chẳng bao giờ bỏ nhau, hóa ra là bọn họ đã thõa thuận nhau để cùng giữ ghế trưởng làng, và, vui ơi là vui, tự dưng ta lại được chuyển sang làm người làm chứng cho việc chia ghế trưởng làng, là bọn họ đã thõa thuận nhau để thay nhau mà làm trưởng làng, người làm trưởng làng buổi sáng, người làm trưởng làng buổi chiều, người làm trưởng làng buổi tối, việc còn lại là bốc thăm, mỗi ngày bốc thăm một lần để biết  ai làm trưởng làng buổi nào, em chẳng phải người làng này nên đứng ra làm chứng cho việc  này là tốt nhất, bọn họ cùng nói, tự dưng ta lại trở thành người làm chứng cho việc bốc thăm, cuộc bốc thăm lần đầu có kết quả là người đàn ông lớn tiếng nhất làng làm trưởng làng vào tối hôm ấy, là dân làng chưa quen đến nhà họp vào ban đêm nên vị trưởng làng mới đã nổi cơn thịnh nộ, ông ấy đi khắp làng la ó  vì sao dân làng không đến nhà họp của làng để trình báo việc nọ việc kia, là ông ấy đã đi khắp làng suốt đêm ấy mà hò hét chửi rủa, lũ chó thức suốt đêm để sủa, dân làng cũng thức suốt đêm để nghe thử vị trưởng làng mới có đưa ra điều gì mới mẻ đối với dân làng hay không, thì đến lũ chó ngu ngốc mà còn không ngủ được huống hồ là dân làng biết suy nghĩ, nằm ở cái nhà họp tối đen tối ngắt ấy ta cũng chẳng ngủ được, là người làm chứng cho việc trị dân của các trưởng làng thì làm sao ta dám rời nơi làm việc của trưởng làng, ta đã bắt chước  cha ta  nằm gác tay lên trán mà nghĩ ngợi lúc gặp rắc rối, nếu ở lại đây để tiếp tục làm người làm chứng cho chuyện bốc thăm của bọn họ chắc ta chết mất, giữa lúc lũ chó còn đương sủa inh ỏi trong làng ta đã trốn khỏi căn  nhà chết tiệt ấy [lũ chó còn làm inh ỏi trong làng tức là vị trưởng làng mới vẫn còn lẩn quẩn trong làng] bấy giờ  ta cảm thấy như mình đang mọc thêm chân để chạy, có nghĩa, bình thường  chẳng thể chạy nhanh như thế, chẳng hiểu sao lúc ấy ta lại chạy nhanh đến thế,  nhưng cái số ta là chưa thoát khỏi kiếp nạn ở chốn ấy, giữa lúc ta đang chạy thì ở đầu kia con đường rừng có người đang tiến về phía ta, tất nhiên không phải vị trưởng làng mới vì ta đã ra khỏi làng và đang đi vào một khu rừng cây cối um tùm, trong bóng tối của đêm ta đã nhận ra không phải một người mà là có nhiều người đang ngược về phía ta, bấy giờ thì trí khôn của ta  mách bảo với ta rằng phải trốn bọn người ấy, ta chui xuống bên dưới lớp lá ủ ở bên đường mà trốn, và cái số ta là vẫn chưa thoát được  kiếp nạn, bọn họ không đi nữa mà dừng lại ở gần chỗ ta nằm, ở bên dưới lớp lá ủ ta nghe thấy cả, để chống lại nỗi sợ hãi ta bắt đầu đếm ở trong đầu số người làng Cù ta còn nhớ tên nhớ mặt, […]

ta đếm đến người làng Cù thứ năm mươi mốt thì có người đến vén quần đái lên chỗ ta nằm,

có ai ức hiếp thì cứ bảo đại ca đây vốn là anh hùng núi Nung, 

người vừa đái lên người ta nói với những người khác, ta đoán đấy là một bầu đoàn rất ác chiến nào đó, cái máu con trai bọn ta là thích nghe chuyện mạo hiểm đồng thời cũng thích lao vào chuyện mạo hiểm, thì hồi lên bốn lên năm bọn ta đã lập bè lập đảng đi bắt gà  trộm ở trong làng để nấu cháo ăn còn gì, ta đoán đấy là một bầu đoàn ác chiến vì kẻ đứng đầu là một vị anh hùng của ngọn núi coi như tự bấy lâu đã hút hồn đám con trai mười lăm mười bảy bọn ta ở làng Cù, ta phải trốn chui trốn nhủi ở bên dưới đám lá ủ ấy để cho người ta đái lên người cũng là tại cái ngọn núi có tên là núi Nung  ấy, bấy giờ là ta cứ muốn đội đám lá ủ mà đứng lên để xin đứng vào cái bầu đoàn có vẻ rất ác chiến ấy để biết núi Nung là núi ra sao, nhưng rồi ta cũng đã  giữ được mình, hiền dữ ra sao chưa biết thì ta chưa thể gặp bọn họ, ta rán nằm im bên dưới đám lá ủ để rán nghe thử, rán nhìn thử  bọn họ đích xác là những ai, bấy giờ thì hết thảy bọn họ  đã ngồi xuống đường huyên thuyên đủ thứ, cả vị anh hùng núi Nung, cả đàn em của ông ấy, đều rất lớn tiếng trong cuộc chuyện trò, làm như thể bấy giờ bọn họ là những ông chủ của chốn núi rừng ấy,

hết thảy các vị thần núi Nung thuở ấy đều là bạn bè của đại ca, bạn bè chí thân là khác, nhưng rồi do về sau các vị làm điều không tốt, thành ra trở thành đối địch với đại ca, 

ta cố kiềm chế bằng cách cứ cắn chặt hai hàm răng lại mới không đội lá ủ đứng lên, bỡi bấy giờ là vị anh hùng núi Nung kể cho đám đàn em nghe cuộc đời oanh liệt của ông ấy, sao cái cuộc đời oanh liệt ấy không xảy nơi khác mà lại xảy ra ở núi Nung, và sao ông ấy không kể vào lúc khác mà lại đem kể vào lúc ta đang trốn chui trốn nhủi bên dưới lá ủ như thế, phải nói đây là nỗi uất ức lớn nhất trong đời ta, nhưng đã là thần  sao còn đi làm chuyện  không tốt,

thưa, có phải là đại ca đã đánh nhau ác liệt với các vị thần núi Nung hay không,

phải nói đám đàn em ông ấy đã làm cho ta uất ức thêm, tra hỏi về các vị thần núi Nung là chuyện của ta, chứ không phải là chuyện của đám đàn em ông ấy, ta cứ nằm cắn chặt hai hàm răng lại mà nghe,

các vị thần núi Nung đương đêm  mò xuống làng, bọn em phải biết những  anh hùng hảo hán trong thiên hạ  gan dạ cũng đến thế là cùng, đêm đầu tiên phác hiện có người lạ vào làng mình, đại ca liền bám theo, biết có người bám theo thì liền biến mất, đêm nào đại ca cũng phát hiện có kẻ lạ vào làng của mình, cũng bám theo, và cũng biến mất, nhưng đám con gái mới lớn  lên ở trong làng đứa nào cũng kêu ầm lên  là mình đã bị mất trinh tiết là sao, đại ca thấy tức ói máu khi thấy có một sự liên quan nào đó giữa những kẻ đêm lén vào làng với chuyện đám con gái mới lớn lên ở trong làng bị mất trinh tiết, phải chặn ở đằng đầu, chứ không chặn  ở đằng đuôi nữa, có nghĩa là đại ca phải lẻn vào nằm trước ở trong nhà  bọn con gái mới lớn lên ở trong làng, quả thị là tóm được tại trận, là chỉ có đại ca biết, chứ bọn con gái ấy làm sao mà biết, là do chỗ bạn bè thân thiết, nên chỉ trông thoáng qua đã biết kẻ làm cho bọn con gái mất trinh tiết ấy là các vị thần núi Nung, đại ca thì nhìn thấy rõ mọi chuyện xảy ra, còn bọn con gái mới  lớn lên ấy thì sau khi mọi chuyện xảy ra mới biết là mình bị mất trinh tiết, phải đánh đám thần dâm ô thôi, đại ca đã chặn đường, nói thẳng vào mặt các vị, 

ta cứ muốn đội lá ủ đứng lên để đấm vào mặt bọn đàn em vị anh hùng núi Nung ấy, khi nghe ông ấy nói là đã chặn đường đánh  các vị thần núi Nung thì bọn chúng nhao lên, xin đại ca hãy giúp cho bọn em trở thành những anh hùng núi Nung, chúng cứ gào lên thế, việc trở thành anh hùng núi Nung là chuyện của ta chứ chẳng phải là chuyện của bọn chúng,

 

nhưng việc cuối cùng của bọn chúng ta là phải có một trời đất riêng,

vị anh hùng núi Nung nói, và đám đàn em ông ấy bỗng lặng đi như thể bọn chúng nó đã biến khỏi mặt đất, tất cả là bỗng lặng ngắt như tờ, ta cũng thấy hãi lắm, chuyện gì là đang xảy ra trên cái khoảnh mặt đất ta chưa hề quen  biết đó, giữa lúc ta đang tính tới tính lui là có nên đội lá ủ đứng lên hay không, thì vị anh hùng núi Nung bắt đầu rì rầm, ta nói ông ấy rì rầm bỡi nghe giọng nói ông ấy là rất giống với giọng nói của cha mẹ ta vào cái đêm chẳng biết đã xảy chuyện chi ở trong nhà nên hai người đã thức dậy vào lúc nửa đêm ta cũng vô tình nghe hai người rì rầm trò chuyện nhau như vô tình nghe vị anh hùng núi Nung rì rầm trò chuyện với bọn đàn em ông ấy,

kể từ đây đại ca với bọn em là bắt đầu một cuộc đời mới, hoàn toàn mới, là cùng sống chết có nhau, bỡi chúng ta đã cùng bưng chén rượu máu đưa lên miệng uống,

vị anh hùng núi Nung nói,

nội trong đêm nay là bọn em sẽ hạ chúng xuống hết, đốn chúng xuống hết, chẳng chừa cây nào, và  ngày mai là bọn chúng ta sẽ có tiền bạc trong tay,

bọn đàn em ông ấy nói,

có tiền bạc là sẽ có đường để bọn chúng ta đi, có nơi để bọn chúng ta đến, có tiền bạc là bọn chúng ta sẽ có một trời đất riêng,

 

vị anh hùng núi Nung nói, nằm ở bên dưới lớp lá ủ ta nghe cả, như thế là bọn họ mới vừa uống máu ăn thề để lập ra trời đất riêng, nhưng trời đất riêng là cái quái gì ta nào biết, như thế là bọn họ sẽ chặt hết rừng cây, nơi ta đang nằm trốn, chặt hết rừng cây để có tiền bạc làm ra con đường để đi, làm ra nơi để đến, làm ra trời đất riêng, nằm ở bên dưới lớp lá ủ ta nghe cả, nhưng chẳng hiểu gì cả, nhưng chuyện trước mắt là bọn họ sắp phá hết rừng cây, nơi ta đang trốn, nếu đội lá đứng lên có thể là bọn họ sẽ giết chết ta trước khi kịp thoát thân, còn như cứ nằm im dưới lá ủ như thế thì rất có thể là bị cây rừng đè chết, giữa lúc ta đang chờ đợi cái chết [nằm im cũng chết mà đội lá đứng lên cũng chết thì chẳng phải là đang chờ cái chết là gì] giữa lúc tình hình đen tối thế thì bỗng thấy có ánh sáng gì như là ánh đèn chui qua lớp lá ủ rọi vào mắt ta, khi nói về thứ ánh sáng  thình lình rọi vào mắt thì phải nói cho đầy đủ thế, thực sự là chỉ lóe lên ở trước mắt tựa có con đom đóm nào đó bay xẹt qua, và ta còn chưa kịp nghĩ ra đó là ánh sáng gì thì nghe có nhiều tiếng chân đang chạy về phía ta nằm cũng có, mà đang chạy ra xa chỗ ta nằm cũng có, những tiếng chân có vẻ gấp gáp lắm như thể là đang xảy ra điều chi hệ trọng lắm, chẳng lẽ là sắp có đánh nhau giữa cái bầu đoàn ấy với một bầu đoàn nào khác, nhưng  nếu là đánh nhau với các vị thần núi Nung thì ta chết ở chốn này là cái chắc, giữa lúc ta đang lầm thầm nói lời vĩnh biệt với cha mẹ ta thì ai đó đã chạy dẫm lên người ta và hô hoán lên là có người chết, ta lập tức đội lá ủ đứng lên chẳng cần  nghĩ ngợi gì nữa cả, là ta phải đứng lên để nói cho người ấy biết là ta chưa chết, bỡi trong lúc sắp sửa xảy chuyện sống chết như thế thì việc phân biệt giữa ta chết và ta chưa chết là vô cùng quan trọng, nhưng em nằm ở đây đã trông thấy những gì, người đàn ông vừa hô hoán có người chết, hỏi ta, ta nói là mình trốn ở bên dưới lá  ủ nên chẳng trông thấy gì cả, nói xong lời ấy ta lo lắng vô cùng, vì cứ nghĩ ông ấy biết là ta đã nói dối, em biết không, đây chính là những tư liệu lịch sử, người đàn ông ấy nói và rọi đèn cho ta nhìn, ta thấy ở gần chỗ ta  nằm trốn có những rìu, rựa, là những dụng cụ dùng để chặt cây, bửa củi, nhưng dẫu gì thì em cũng là nhân chứng của lịch sử,  người đàn ông ấy nói,

 

[…]

và vui ơi là vui, từ việc trốn chui trốn nhủi ở bên dưới lá ủ, đương không ta trở thành nhân chứng của lịch sử, có điều, vui thì vui thật, nhưng là ta chẳng hiểu nhân chứng lịch sử là cái quái gì, lại còn thứ quỉ quái khác là tư liệu lịch sử, em sang bên ấy thì sẽ biết, người đàn ông ấy nói, và đưa ta đến một nơi  có nhiều người đang tụ tập ở đó, ai nấy cũng có vẻ  như  đang háo hức chờ đợi điều gì đó, ta thấy bọn họ đứng lên, ngồi xuống, đi qua, đi lại, rồi lại đứng lên, ngồi xuống,

ngay từ bây giờ là bắt đầu cuộc diễn thuyết,

bỗng có ai đó hô to lên thế, và người đàn ông vừa đưa ta đến nơi đó liền dắt ta lên ngồi ở cái sàn gỗ dường như người ta cũng vừa mới vội vã dựng lên, vì lúc mới sang ta chẳng nhìn thấy cái sàn gỗ ấy,

nhân chứng lịch sử đâu,

đám người háo hức ấy chợt gào lên, vừa gào lên, vừa xua  tay về phía sàn gỗ như để tỏ ra chẳng bằng lòng về sự có mặt của ta, hay có sự không minh bạch nào đó của người đàn ông ấy, có thể là cái bầu đoàn đã bỏ lại những rìu rựa ấy là nhân chứng lịch sử, và chính là ông ấy đi tìm  bầu đoàn ấy, nhưng bọn họ đã bỏ đi  nên ông ấy đã bắt ta thay thế cho cái bầu đoàn chết tiệt ấy, vì nếu như ta là nhân chứng lịch sử như ông ấy nói thì tại vì sao đám người háo hức ấy lại chẳng bằng lòng về sự có mặt của ta, trong lúc đám người háo hức ấy tiếp tục la ó hỏi nhân chứng lịch sử đâu thì ta cứ thấy kinh hãi  trong lòng, nếu quả ta là nhân chứng lịch sử thật, như ông ấy nói, thì chuyến này ta chết dưới tay đám người háo hức ấy là cầm chắc, bỡi nhân chứng lịch sử là sao, với diễn thuyết là sao, thì thật tình tự lúc cha sanh mẹ đẻ tới lúc ấy ta chưa hề nghe nói tới những thứ ấy, nhưng là trời đã cứu ta, có thể nói là người đàn ông đầu hói ấy là do trời sai xuống để cứu ta, khi nói về một  người bỗng xuất hiện trong giờ phút nguy khốn nhất trong đời ta, như thể một vị thánh thần nào đó đến cứu ta thoát khỏi nguy khốn, thì  phải nói  một cách trọng vọng như thế, thực ra thì cái ông đầu hói ấy lững thững bước đi giữa đám người háo hức, vừa bước đi, vừa chắp hai tay lại để vái chào người này người kia, làm như thể là thân thiết với hết thảy mọi người ở đây, khi đến sát cái sàn gỗ thì bước lên sàn gỗ với vẻ hiên ngang tự đắc, và khi đã đứng ở bên trên  sàn gỗ thì bắt đầu đưa mắt nhìn xuống đám người đang la ó với vẻ thương xót, thằng cha ấy là ai lại có vẻ cha thiên hạ như vậy, ỏng  xuất hiện như thế là có cứu ta thật, nhưng cái máu của ta là không chịu được cái cách làm cha thiên hạ như thế, bấy giờ thì ta đã bớt lo sợ và cũng thấy háo hức lắm vì tới lúc ấy là ta vẫn chưa rõ những sự việc  đang diễn ra ấy nó là cái quái gì,

xin nói cho mọi người biết, người diễn thuyết  hôm nay là một  nhà sử học có nhiều năm nghiên cứu về xứ sở của chúng ta, 

thì ra người đàn ông đưa ta đến nơi ấy, đã nhảy lên sàn gỗ để nói cho đám người háo hức biết người đàn ông cứu nguy ta là một nhà sử học, tới lúc ấy ta mới hiểu ra khi bầu đoàn của ông nhà sử học ấy đến khu rừng ấy thì bầu đoàn của người anh hùng núi Nung bỏ đi, việc bầu đoàn này đến và bầu đoàn kia bỏ đi là có ta biết, nếu gọi kẻ  biết chuyện này là nhân chứng lịch sử thì  quả tình ta là nhân chứng lịch sử,

 

khi chúng tôi tới đó thì mọi chuyện  đã thuộc về quá khứ, những tiền nhân  khai sơn phá thạch dựng lên xứ sở của chúng ta, kẻ còn ghi tên  trong sử sách, kẻ đã thành những bậc tiền bối vô danh, nghìn triệu năm trôi qua, đã xảy ra biết bao cuộc binh đao, có khi là chỉ xảy ra trong xứ sở chúng ta, có khi là một cuộc thế chiến, những cuộc thế chiến đã tràn lan trên mặt đất này, có bao nhiêu dấu chân chiến mã đã in lên mảnh đất nghìn đời yêu quí của chúng ta, có bao nhiêu kẻ thù đã dẫm lên xứ sở của chúng ta, và biết bao nhiêu là vì vua, bao nhiêu là anh hùng đã ngã xuống vì nền tự chủ của xứ sở chúng ta,

 

ông nhà sử học, tức người đàn ông đã cứu nguy ta, chợt ngưng cuộc diễn thuyết để nhìn ta, tới lúc đó ta mới hiểu một cách đại khái diễn thuyết là thế, ông ấy chợt ngừng việc diễn thuyết và  nhìn ta như muốn nói gì đó, hay là cứ liều mạng hỏi chuyện cái xác máy bay các vị thần đã kéo xuống núi Nung hồi thế chiến thứ nhất, bỡi ta vừa nghe ông ấy nhắc đến những cuộc thế chiến, ta định liều mạng hỏi điều mình ao ức  bây lâu, thì người đàn ông đã đưa ta đến nơi ấy lại nhảy lên sàn gỗ nữa,

đây là tư liệu lịch sử,  ngay tự  lúc vừa đặt chân đến xứ sở của chúng ta, đoàn nghiên cứu  chúng tôi đã sưu tìm được những thứ ấy,

ông ấy nói xong lời ấy thì mang những rìu rựa đặt ngay trước mặt ta, rồi bước xuống khỏi sàn gỗ, ông nhà sử học bất chợt kéo ta đứng lên, một tay  kéo ta đứng lên, một tay cầm những rìu rựa dơ cao lên, ta thấy hoảng lắm, tự dưng  bắt ta đứng lên cái sàn gỗ cao lều nghều ở ngay trước một đám đông lạ hoắc đương la ó, như thể đem ta ra biêu riếu, thì làm sao ta không hoảng,

đây là nhân chứng lịch sử, khi chúng tôi tới đó thì đây là kẻ duy nhất trở thành nhân chứng lịch sử, 

là ông  nhà sử học nói cho đám người háo hức biết khi bầu đoàn của ông ấy đến khu rừng ấy thì chỉ có mỗi mình ta đương ở đó, nỗi hoảng sợ trong ta lập tức chuyển thành niềm kiêu hãnh, bấy giờ ta chưa hiểu nhân chứng lịch sử là cái quái gì, nhưng  ông nhà sử học đã nói thế, thì ta cứ lấy làm kiêu hãnh cái đã, ta kiêu hãnh không phải vì hiểu nhân chứng lịch sử nó là cái quái gì, mà vì ta là người duy nhất có mặt ở khu rừng ấy khi bầu đoàn ông nhà sử học ấy đến khu rừng ấy, nói về ta xong, thì ông ấy liền nói về những rìu rựa, một tay thì ông ấy cầm lấy tay ta dơ lên như để nhắc lại cho mọi người biết ta là nhân chứng lịch sử, một tay thì ông ấy cầm những rìu rựa dơ lên, vừa dơ những rìu rựa ấy lên, vừa nói, như muốn bật ra tiếng khóc, thú thật bấy giờ ta cũng chẳng hiểu tư liệu lịch sử là cái quái gì, chỉ thấy cái cách làm của ông ấy, ta đoán biết những thứ rìu rựa ấy là cũng quan trọng chẳng kém con người của ta,  

 

nghìn triệu năm đã trôi qua, có thể  xứ sở của chúng ta đây xưa là thuộc biển cả mênh mông, rồi bỗng một hôm biển cả hóa đất bằng, là phép trời nào ai biết, những cuộc bể dâu như thế cứ xảy ra trong trời đất, từ con cua con cá dưới nước cho đến con mang con hổ trên rừng, muôn loài có mặt trong trời đất  là do phép trời mà có, rồi một hôm bỗng xảy việc gươm đao, là con người với con người chém giết lẫn nhau, thây phơi trên núi, gươm đao lấp dưới sông, nghìn triệu năm trôi qua, kẻ hậu thế bỗng nhìn thấy được dấu tích của tiền nhân, ôi, khi nhắc chuyện tiền nhân thì khó cầm được nước mắt, cũng có thể là gươm đao của kẻ thù, phải, gươm đao của những kẻ bạo tàn từng dẫm lên xứ sở chúng ta, gươm đao là của kẻ thù mà hậu thế bỗng nhặt được, nhưng cũng có thể gươm đao là của cha ông ta đã cầm lấy trong công cuộc dựng xây bờ cõi, gươm đao  là của tiền nhân mà hậu thế bỗng nhìn thấy được,

đang diễn thuyết, ông nhà sử học bỗng cúi xuống, nói vào tai ta, rằng ông đang giảng về lịch sử trái đất với lịch sử loài người và hỏi ta có hiểu được  không, bấy giờ thì ta như thể đang leo lên chín tầng mây, tự dưng cái con người có vẻ là cha thiên hạ ấy lại đi thân thiện với ta, 

có phải là ông đang nói về những rìu rựa hay không, 

ta buột hỏi, tự dưng được con người có vẻ am hiểu mọi chuyện ấy chú ý tới ta, thì ta cũng cứ làm ra vẻ hiểu biết, cứ hỏi bừa thế chẳng cần trúng trật, sở dĩ dám hỏi bừa thế là vì ông ấy vừa dơ những rìu rựa lên cho đám người háo hức thấy, vừa nói về những gươm đao của kẻ thù và những gươm đao của tiền nhân,

là của bọn ta đó, những rìu rựa là để cho bọn ta làm ra cơm ăn với áo mặc,

một đám người, đàn ông có, đàn bà có, bỗng  nhảy lên  sàn gỗ, hét, rồi giật lấy những rìu rựa từ tay ông nhà sử học, giữa lúc ông ấy đang trò chuyện với ta, rồi nhảy xuống đất, kéo đi hết, cho đến lúc ấy thì đầu óc ta như cứ đảo tung lên, tất cả những gì vừa diễn ra là trở nên âm u, mù mịt, có nghĩa là ta chẳng còn hiểu gì cả,

nhân chứng lịch sử đâu,

đám người háo hức ấy cứ gào lên hỏi nhân chứng lịch sử đâu, rồi kéo nhau rời khỏi cái sàn gỗ chết tiệt ấy, trong lúc đầu óc ta rối bời rối tung thế thì ông nhà sử học cùng bầu đoàn của ông ấy cũng đã rời nơi ấy lúc nào chẳng rõ,

hãy đi với ta,

một đám con trai con gái cỡ tuổi ta, từ đâu kéo tới, nhảy lên sàn gổ, gào lên, rồi lôi ta theo bọn chúng,  

 

[…]

thú thật bấy giờ ta chẳng mấy sợ đám con trai con gái ấy, nếu bọn chúng có đánh ta thì các thứ thương tật, nếu có, cũng giống các thứ thương tật xảy ra trong các cuộc đánh nhau giữa đám con trai con gái bọn ta ở làng Cù, trầy cái mắc cá tay, bầm hai con mắt, hoặc trầm trọng hơn là trặc chân, phải nằm liệt đôi ba ngày mới đi lại được, cái đám ăn lông ở lỗ ấy cứ lôi ta đi như thể đang lôi một thứ đồ vật chi đó, bấy giờ thì điều ta lo sợ nhất là bị bọn chúng lột hết quần áo của ta để cho ta cũng giống với bọn chúng, lúc bị bọn chúng lôi đi ta thấy nhớ mẹ ta ghê gớm, thì biết bao nhiêu câu chuyện thời ăn lông ở lỗ của con người mẹ đã đem ra kể với ta, và giờ đây thì cái đám ăn lông ở lỗ ấy là đang lôi ta đi, hết thảy bọn chúng là đang trần truồng, vừa lôi ta đi, bọn chúng vừa hét lên,

bọn ta cóc cần những thứ ấy  

đừng lôi, hãy để cho ta tự đi,

ta cũng hét lên, và thế là cái đám ăn lông ở lỗ ấy cùng rố lên cười,

nhưng là bọn các người cóc cần cái gì,

ta hỏi lúc bọn chúng đã để cho ta tự đi,

thì cóc cần hết thảy những thứ bọn ta cóc cần,

một đứa trong bọn chúng đáp, và lại cùng rố lên cười, tất nhiên trong những thứ bọn chúng cóc cần là quần áo, ta nghĩ, và liều hỏi thử là bọn chúng  định đưa ta đi đâu,

 

đi cãi nhau,

 

một đứa trong bọn chúng nói, và cả bọn cùng nhảy lên la hét là hãy cứ cãi nhau cho sướng miệng sướng mồm cái đã, đi cãi nhau với ai, mà  sao phải cãi nhau, ta thấy tức ghê gớm, nhưng còn biết làm gì hơn giữa lúc ta chỉ có một mình, còn bọn chúng tới bao nhiêu đứa,

cứ vào đi, giờ này tụi chúng nó không có ở nhà đâu,

một đứa trong bọn chúng nói, ta chưa kịp hiểu gì cả thì bọn chúng đã lôi ta vào một hang núi rộng lớn nằm ở chân vách núi ấy, chẳng lẽ  đám ăn lông ở lỗ đưa ta vào hang núi để thịt ta, khi nghĩ thế, ta nghe bủn rủn cả chân tay, thì đám ăn lông ở lỗ đã đưa ta vào hang núi là để thịt ta chứ còn để làm gì, quả tình bấy giờ ta chỉ còn tính đến đường chết, tính là tính đường chết, nhưng vẫn cứ ráng tin vào lời nói của bọn chúng, là đi cãi nhau,

hãy bắt đầu cãi nhau là vừa,

ta ráng nói cho thật to, như cái cách cuối cùng để dò hỏi số phận sống chết của mình, quả là các bậc tổ tiên dòng họ nhà ta vẫn còn lo cho việc sống còn của ta, có nghĩa, đúng là bọn chúng kéo nhau vào hang núi để cãi nhau, chứ không phải là để ăn thịt ta, tới lúc ấy ta mới có thể nhìn kỹ mọi thứ trong hang, là nhà họp của làng hay sao, nhưng tự lúc bọn chúng lôi ta đi cho tới lúc ấy là đã vượt qua bao nhiêu chặng đường, rừng núi có, ruộng đồng có, chẳng thấy có làng xóm nào cả, thì làm sao lại có nhà họp của làng,

bọn ta cho ngươi nói trước đó,

một đứa trong bọn chúng nói to lên khi ta và cả bọn đã ngồi vào những chiếc ghế  ai đó đã kê sẵn ở trong hang, thì ta đã nói đấy chẳng phải là hang núi bỏ hoang, mà  như cái nhà họp của làng, một cái nhà họp to lớn của của một cái làng  to lớn nào đó,

đã bảo ngươi hãy bắt đầu cãi đi,

một đứa trong bọn chúng nhắc lại quyết định là  bọn chúng cho ta cãi trước,

chẳng phải  là nhà họp của làng,

ta đương nghĩ đấy chẳng phải nhà họp của làng, nên cứ nói bừa thế, vì tới lúc ấy ta cũng chưa rõ cãi nhau là cãi nhau về cái gì, ta nói bừa thế, và cứ nghĩ  bọn chúng sẽ la ó phản đối việc ta chưa biết cãi nhau là sao, nhưng là ta đã lầm,

cãi hay lắm, đây là nhà của lũ chúng, nhưng lũ chúng không có ở nhà thì bọn ta có quyền vào nhà lũ chúng, 

một đứa  trong bọn chúng nói, lập tức cả bọn cùng hét lên là cãi hay lắm, cho đến lúc ấy thì ta cũng chỉ hiểu một cách lơ mơ cãi nhau là thế,

bây giờ là nhà của bọn ta chứ chẳng phải nhà của lũ chúng nó, là nhà của bọn  ta, nên bọn ta có quyền cãi nhau, 

một đứa trong bọn chúng nói,

phải rồi, đây chẳng phải nhà họp của làng, mà là nhà họp của bọn ta,

ta nói, phải nói là tới lúc đó thì dường như  các bậc tổ tiên dòng họ nhà ta đã mách bảo ta cái cách cãi nhau với bọn chúng,

cãi hay lắm, nhưng ở đây là thứ gì có quyền nhất, gió có quyền nhất, hay là chim có quyền nhất,

một đứa  trong bọn chúng hỏi,

đồ ngu, có quyền là chim có quyền,chứ làm sao gió mà có quyền,

một đứa trong bọn chúng cãi,

đồ ngu, gió bão làm cho chim bay không nổi, chết, như thế chẳng phải là  gió có quyền nhất hay sao,

một đứa  trong bọn chúng cãi, 

không phải gió mà là suối nước có quyền nhất, chim trên rừng không có nước dưới suối để uống, chim chết,

một đứa trong bọn chúng cãi,

bọn các người là một lũ khùng điên, đã có đứa nào nghe gió nói gì chưa, đã có đứa nào nghe chim nói gì chưa, đã có đứa nào nghe suối nước nói gì chưa,

ta vặn bọn chúng, bấy giờ thì ta đã lấy được khí thế của một kẻ đã biết cãi nhau,  ta vặn chúng cốt là để chấm dứt cho rồi cuộc cãi vả có vẻ điên khùng, và cứ nghĩ là bọn chúng phải bó tay, nhưng là ta đã lầm,

chỉ  ngươi là đồ ngu mới không biết chim hót là chim nói, gió thổi là gió nói,

một đứa trong bọn chúng nói,

cãi hay lắm, thằng đó là thằng ngu,

lập tức, bọn chúng cùng đứng về một phe để bảo ta là thằng ngu, tới lúc đó ta cũng thấy tức lắm, phải, ta là thằng ngu mới đi cãi nhau với một lũ ăn lông ở lỗ, phải nói tới lúc đó  ta cứ nghĩ cái bọn trần truồng ấy là một đám ăn lông ở lỗ thật, nếu không phải thế thì tại sao những điều chúng nói ra là chẳng ăn nhập chi với ta, chẳng ăn nhập chi với cha mẹ ta, chẳng ăn nhập chi với cái làng Cù khốn khổ của ta,

đói lắm rồi, hãy về thôi,

ta nghe có nhiều đứa trong bọn chúng kêu đói, giữa lúc bọn chúng kêu đói và có nhiều đứa toan bỏ về, thì như có ai đó hốt đá vãi vào hang núi, thì ta đâu biết chuyện gì đang xảy ra, cứ nhắm mắt  mà chạy theo bọn chúng,

lũ khỉ đã về, chạy thôi,

bọn chúng vừa hét lên, vừa tuôn ra khỏi hang núi, có vẻ như  rất thành thạo trong việc vừa tuôn ra khỏi hang núi vừa hét lên như thế, thì ra cái đám khỉ ấy đã dùng đá để xua đuổi đám ăn lông ở lỗ đã xâm chiếm chỗ ở của chúng, giữa lúc ta còn tần ngần đứng nhìn đám khỉ hiền lành đang nhe răng ra cười với ta, thì đám ăn lông ở lỗ đã biến mất hết, tới lúc đó ta mới hiểu ra là đám ăn lông ở lỗ chiếm chỗ ở của loài khỉ để cãi nhau về những chuyện chẳng dính dáng chi với loài khỉ, bấy giờ thì đêm đã xuống, ta nghĩ đám ăn lông ở lỗ đứa nào cũng đã quay về nhà của mình, chỉ có ta là chẳng biết đi đâu về đâu, đêm ấy ta đã ngủ với lũ khỉ ở hang núi ấy, 

 

[…]

chưa bao giờ trong đời  ta lại nghĩ có ngày mình sẽ ngủ với lũ khỉ trên rừng, thế mà cái ngày chưa bao giờ nghĩ tới ấy đã xảy ra với ta, lần đầu tiên trong đời được nằm với cái đám thú có vẻ rất giống với con người, ta cứ có cảm tưởng như mình đang rơi vào một câu chuyện đời xưa nào đó, chứ chẳng phải là chuyện thật, mẹ ta thì đang kể chuyện lũ khỉ trên rừng với chàng hoàng tử  đi lạc, còn ta thì hóng mỏ nghe, gần nửa khuya, chàng hoàng tử đi lạc ngủ mê, chẳng biết là trong cơn mê ta đã nói những gì khiến cho lũ khỉ rúc rích cười, lúc ta giật mình tỉnh ngủ thì nghe lũ khỉ rúc rích cười, nếu ta có nói điều chi không hay về lũ chúng thì tất nhiên lũ chúng cũng chẳng hiểu, chắc là thấy cái anh loài người đã ngủ  mà còn chuyện trò với ai đấy nên không nhịn được cười, ta nghĩ, và thử gác chân lên anh khỉ nằm cạnh phía bên kia, trước khi ngủ ta đã cố quan sát lũ chúng qua thứ bóng tối lờ mờ trong hang để chọn cho mình một vị trí sao cho thích họp, có nghĩa, trong trường họp ấy thì phải nằm cạnh thằng khỉ nào là họp tình họp lý nhất, thì lúc xảy nguy biến như thế ta cũng cố đặt ra một thứ điều kiện như thế như là để bảo đảm cho sự an nguy của mình, ta đã chọn nằm giữa hai anh khỉ mà ta cho là còn ít tuổi hơn ta, có nghĩa chọn nằm cạnh lũ đàn em, nhưng có lẽ là ta đã lầm, bỡi khi ta gác chân lên anh khỉ nằm cạnh phía bên kia, thì lập tức anh ta sờ  tay lên đầu ta, vừa sờ đầu ta, vừa vuốt ve, như thể tỏ cho ta biết là anh ta đang chăm sóc ta, ta thử xích sát người vào anh ta, vừa ngoe nguẩy người, ta vừa xích vào anh ta, làm như thể là đang nũng nịu với mẹ, thì anh khỉ bất ngờ ôm lấy người ta, vừa ôm lấy ta, vừa hôn lên tóc ta, là một anh khỉ mẹ âu yếm ôm con,  hay một anh khỉ gái tới tuổi cần có bạn trai, ta cũng chẳng biết, phải nói cuộc đời ta cho tới lúc đó thì ta vẫn chưa biết hôn đứa con gái nào, và cũng chưa có đứa con gái nào hôn ta, khi nghĩ đấy là một anh khỉ gái đang ôm ta, ta thấy hoảng lắm, thì những lúc ta có việc chi đó sai trái, cha mẹ ta cũng hay mắng ta là đồ khỉ, cái thằng khỉ ấy chẳng được tích sự chi, hay cái thằng khỉ gió ấy… có khi là khỉ có kèm theo gió, nói chung là cho tới lúc anh khỉ ôm hôn ta ấy, ta cũng chỉ mới biết một cách đại khái là có một loài thú trên rừng có tên là khỉ, giả sử  đấy là một thằng khỉ gái, ta cứ nằm im với cái giả sử ấy trong đầu, và cũng chẳng biết làm cách làm sao để biết đấy có phải là khỉ gái không, giữa lúc ta còn đang  bối rối như thế, thì cái thằng khỉ nằm cạnh phía bên này đã thức dậy, ta nghe thằng ấy rên ư ử, lát sau thì đưa tay  mò mẫm lên người ta, làm như thể là đang cố tìm kiếm một thứ chi đó ở nơi người của ta, có thể nói bấy giờ ta như kẻ chết chưa chôn, thì hãi quá, cứ nằm đơ người ra đấy cho hai thằng khỉ gió ấy làm gì thì làm, chẳng phải chết chưa chôn là gì, nhưng quả tình ta là đứa con trai còn nhiều chí khí, chết thì chết, nhưng phải biết chúng là ai, ta nghĩ, và bắt đầu sờ lên người hai đứa nó, tay này sờ lên thằng bên này, tay kia sờ lên thằng bên kia, trong lúc ta sờ lên người chúng như thế, thì chúng ngưng, không hôn ta, và cũng không sờ lên người của ta nữa, nhưng cái loài khỉ nghe tên thì quen mà đụng vào người chúng thì quá xa lạ, sờ ở chỗ nào cũng chỉ thấy lông với lông, rốt cuộc là ta đành chịu thua, chẳng biết chúng là đực hay cái, có nghĩa, chẳng thể nói  đấy là thằng khỉ mẹ hay là thằng khỉ gái, rốt cuộc là ta phải trở lại với cái tư thế cứ nằm đơ ra cho hai thằng đó gác chân lên người của ta, cho tới lúc đó thì hai thằng đó cùng gác chân lên người của ta để ngủ, tất nhiên là ta chẳng thể ngủ được, hai chân của hai thằng đó tựa hai hòn đá đè lên người ta, làm sao ta ngủ được, ta cũng có ý định là hét lên thật to  để may ra có thể phá bỏ được cái hoàn cảnh chẳng mấy thuận lợi ấy, nhưng nghĩ lại thấy sợ, chắc gì cái đám khỉ ấy bắt hai thằng khỉ kia đừng gác chân lên ta, mà ngược lại, có thể là bọn chúng xúm lại để  cho ta một trận cũng nên, dưới sức nặng của hai hòn đá núi là hai cái chân to lớn của hai thằng khỉ gió ấy, người của ta như sắp rã ra, nhưng rồi ta cũng phải cắn răng mà chịu, mệt quá, ta có chợp mắt trong giây lát, và hình như có ai đó đã gõ vào mắc cá chân của ta, hình như là một người đàn ông thì phải, vừa gõ vào mắc cá chân của ta, ông ấy vừa nói qua tiếng gió, từ trong tiếng gió ta đã  nghe thấy những lời kỳ dị chẳng thể hiểu nổi và cũng chẳng thể nhớ nổi, sợ quá, ta cứ nằm chong mắt ra trong bóng tối như thế,  cho đến gần sáng thì xảy ra chuyện ấy, biết là gần sáng vì nghe có tiếng gà gáy, ta cũng chẳng biết đấy là gà trên rừng gáy hay là gà nhà ai gáy, hết thảy  đám khỉ là đương ngủ im, ta nghe có tiếng gà gáy sáng vọng vào hang, mới đầu cứ tưởng nghe gà gáy sáng thì  lũ khỉ thức dậy, nhưng không phải, cả ta và lũ khỉ là đều nằm trên đất mà ngủ, nhưng có lẽ lũ chúng quen nghe tiếng động trên mặt đất mà biết điều gì sắp xảy ra, nếu không phải thế, thì tại sao cả bọn đương ngủ im thế, bỗng rần rần thức dậy kêu la chí chóe và tuôn ra khỏi hang, ta nghĩ phải có chuyện nghiêm trọng nào đó đang xảy ra chúng mới tuôn ra khỏi hang như thế, ta cũng ba chân bốn cẳng chạy theo lũ chúng, cứ tưởng ra khỏi hang là yên, nhưng không phải, lũ chúng tiếp tục kêu la chí chóe và cùng bỏ hang núi  mà chạy, thì ta cũng cứ chạy theo lũ chúng chứ còn biết làm gì hơn, quả tình chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng bấy giờ ta cũng thấy hãi lắm, tự dưng phải bám theo cái đám thú rất giống người nhưng lại chẳng biết chút tiếng người thì chết là cái chắc, bấy giờ ta cứ nghĩ đến chuyện chết, chạy theo bọn chúng được một đoạn thì ta  ngã trên đường, nhất định là lũ khỉ đã cõng ta mà chạy tiếp, bỡi ta cứ thấy nhớ loáng thoáng là mình vừa trải qua một giấc ngủ êm ái trên một tấm chăn bông êm ái ở đâu đó, với lại, lúc ta tỉnh lại ở bờ con suối ấy thì người đàn ông ấy cứ nhìn chằm chằm vào mặt ta, hỏi ta là người hay là khỉ,

 

[…]

cứ theo cung cách tra hỏi của ông ấy, ta đoán đấy không phải kẻ hung dữ, là người chứ không phải là khỉ, ta nói, và đứng thẳng người lên ở trên bờ suối cho ông ấy nhìn thấy chân tay mình mẩy của ta một cách đầy đủ, thời mới tìm ra lửa là thời nào ta không biết, nhưng khi nghe ông ấy bảo là ông đã ra đi tự thời mới tìm ra lửa, ta liền nghĩ con người ấy tất phải biết nhiều thứ trên đời, 

thưa, đây có phải là núi Nung hay không,

điều đầu tiên ta muốn biết có phải là ta đã chạy đến núi Nung hay không, cũng chẳng hiểu  sao tự dưng ta cứ nghĩ là mình đã chạy đến núi Nung, nhưng ông ấy lại tiếp tục khoe với ta về chuyện ra đi của ông ấy,

ta ra đi tự thời mới tìm ra lửa, đi mãi, nhưng rốt cuộc  vẫn quẩn quanh trên mặt đất này,

cái cách nói năng của ông ấy là làm cho ta phải mệt óc, có nghĩa bấy giờ ta phải nghĩ ngợi rất nhiều, ông ấy ra đi tự thời mới tìm ra lửa nhưng rốt cuộc vẫn  quẩn quanh trên mặt đất, có nghĩa ta với ông ấy là đang ở trên mặt đất, quả tình ta có  chán nản trước cái cách nói năng mơ hồ của ông ấy, nhưng bấy giờ không bám vào ông ấy để hỏi đường về thì bám vào ai, cuối cùng thì ta phải nói thật là mình đang lạc rừng,

thì ta cũng đang lạc rừng, đúng hơn là ta đang lạc vào thế giới của con người, ra đi tự thời mới tìm ra lửa, ta đi mãi, nhưng vẫn chưa tìm được đường về,

ông ấy nói, vẻ chân thành, và ta thì cũng bắt đầu thấy cảm động trước con người xa lạ nhưng lại cùng cảnh ngộ với mình, chưa biết là ông ấy về đâu, nhưng chưa tìm được đường về thì chẳng phải là cùng cảnh ngộ với ta hay sao, như thế là ta đã đi đến quyết định phải hỏi cho biết gốc gác quê hương của con người ấy, ta hỏi là hỏi về tên xóm làng của ông ấy, nhưng chẳng biết là ông ấy có lầm lẫn gì đó hay không, lại đem thuyết lý chi đó, hay chuyện sách vở chi đó, ra nói với ta,

bấy giờ ta là  đứa trẻ lên mười, lên mười ta đã nhận được ngọn lửa truyền từ đấng ở trên cao, các con đã nhìn thấy chưa, bấy giờ thì ngài trưởng bối hỏi, lập tức từ người già cho tới đám trẻ ở làng ta đều ứng lên nói đã nhìn thấy rồi, ta nhón gót nhìn thì thấy ngài trưởng bối lau nước mắt, từ việc các con có đôi tay để làm ra áo cơm, có đôi chân để đi, cho đến cái cách làm sao để đẻ con đẻ cháu, hết thảy là do đấng ở trên cao mà có, không có đấng trên cao các con chẳng có gì hết, hãy nhớ đấy, kẻ nào nhận được lửa không giống với lửa của các con thì đều là kẻ thù của các con, bấy giờ thì ngài trưởng bối nói, lập tức, từ người già cho tới đám trẻ ở làng ta kéo hết sang làng bên là nơi có những người nhận được lửa không giống với lửa với bọn ta, ai không có lửa giống với lửa của ta thì đều là kẻ thù của ta, hết thảy cùng nói, rồi cùng đem những ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng đổ lên đầu những kẻ không nhận được lửa giống với lửa của bọn ta, 

nhưng làm sao lại biết lửa nào của mình, lửa nào là của người khác, 

ta lấy làm lạ  hỏi, dẫu chưa hiểu ông ấy đang nói chuyện gì, nhưng ta không thể im khi nghe ông ấy lại nói đến lửa là thứ từ già chí trẻ ai cũng biết,

và, khi bầy con của ta lên năm lên bảy, ta nghe ngài trưởng bối ở làng bên hỏi dân của ngài đã nhìn thấy chưa, đây là hỏi đã thấy lửa ở trong lòng chưa, và hết thảy đều ứng lên nói là nhìn thấy rồi, khi bầy con của ta lên năm lên bảy, tuy chẳng nói ra, nhưng hết thảy mọi người ở làng ta và ở làng bên đều quyết giữ cái ý nghĩ có từ ngàn xưa là mình đang giữ ở trong lòng một ngọn lửa khác, và một hôm lửa bỗng bùng cháy ở làng ta, hãy đốt hết chúng nó là những kẻ đã nhận được lửa không giống với lửa của chúng ta, ta nghe ngài trưởng bối làng ở bên hô lớn, và lửa thì đã phủ kín làng ta, ta đã ra đi tự thời mới tìm ra lửa, đi mãi, nhưng chưa thấy đường về,

nhưng là ông đi đâu,

ta hỏi, quả tình cho đến lúc ấy thì câu chuyện mơ hồ kỳ lạ của ông ấy đã khiến ta không thể không tò mò muốn biết, 

đi trốn, ta cứ tưởng là lửa chỉ bùng lên ở đất chôn nhau cắt rốn của ta, gọi là làng ta hay gọi là làng bên thì đều là đất chôn nhau cắt rốn của ta, bỡi hết thảy ở đó là  uống cùng nguồn nước, cứ tưởng  lửa chỉ bùng lên ở đó, nhưng  là ta đã lầm, thực ra vào cái ngày con người biết mình là con vật biết nghĩ ngợi thì con người đã mang lửa đi khắp thế gian, vào cái ngày ấy của thế kỷ ấy, một ngày tro than, cũng chỉ có vài kẻ ngu ngốc cứ tưởng mình là thông thái có thể vẽ lại gương mặt thế giới theo ý muốn của mình bẳng cách phun ra những lời mộng mị rồi đem lửa rải ở một vài nơi trên mặt đất, ta gọi là ngày tro than, bỡi lửa là thứ vật thể chẳng thể đứng im, vào cái ngày ấy, lửa đã lan tới khắp nơi, những kẻ ngu ngốc đã mục rã ở bên dưới mặt đất, còn những ý tưởng ngông cuồng của bọn họ thì đã được cất giữ nơi kho tàng hèn hạ của loài người, ta cứ tưởng là lửa chỉ bùng lên trong những ngày tro than như thế, nhưng là ta đã lầm, vào một ngày có mặt trời soi rõ mặt đất, rõ ràng là ta đã nhìn không lầm, người ấy là đang mang trong mình thứ ánh sáng của thời đại văn minh, kẻ nào nhìn thế giới bên kia là cái thế giới chưa ai nhìn thấy theo cách nhìn khác với cách nhìn của  mình thì  đều là kẻ thù của mình, ta đã nghe người ấy nói, và cứ nghĩ chỉ khi nhìn cái thế giới bên kia khác với cách nhìn với mình mới là kẻ thù của mình, nhưng là ta đã lầm, hóa ra khi nhìn thế giới này theo cách nhìn khác với cách nhìn của mình cũng  là kẻ thù của mình, rõ ràng là ta đã nghe người ấy nói, có ẩn dụ mấy thì ta cũng đã hiểu được cái cách nói ẩn dụ của người ấy, bỡi những ẩn dụ ấy là có kèm theo lửa, ta đi trốn, và đã nhìn thấy lửa bùng lên ở khắp mặt đất,

ta đã mủi lòng, khóc, không phải vì đã hiểu được những lời lẽ kỳ lạ của con người ra đi tự thời mới tìm ra lửa, mà vì đã nhìn thấy ông ấy lén kéo áo lau nước mắt,

nhưng lửa luôn cháy khắp mặt đất như thế thì trốn ở đâu, 

ta cảm động hỏi, thì ông ấy bảo có khi là trốn ở bên dưới tiếng chim, có khi là  trong tiếng gió, ta vội quay sang phía khác cho ông ấy không nhìn thấy, ta lại mủi lòng, khóc nữa, và khi quay lại, định bụng hỏi ông ấy bao giờ thì thôi đi trốn, thì ông ấy đã biến mất, chắc là biến vào trong gió, ta nghĩ là bọn họ sợ ta trốn theo ông ấy, nên đã cho người đến dẫn ta sang chỗ chia chác thức ăn,

 

 

[…]

và cứ coi như là lần đầu tiên trong đời ta được chia cho thứ thức ăn có tên là thức ăn chức năng, khi người đàn ông dẫn đường đưa ta đến chỗ chia chác thức ăn, các ngài tù  trưởng các bộ lạc đang lục đục kéo tới đó, về sau, người dẫn đường nói cho ta biết những ông những bà cỡi những con vật lạ đó là các ngài tù trưởng các bộ lạc trên mặt đất, còn lúc đó ta cứ nghĩ đó là những anh hùng hảo hán bốn phương kéo tới để tranh tài cao thấp trong cuộc chia chác thức ăn, hãy nói cho toàn thể loài người biết là chúng ta đã  chiến thắng, một người đàn ông cỡi con vật to lớn  chạy vòng quanh chiếc vại đặt ở trên đất, vừa chạy, vừa hét lên thế, ta hỏi người đàn ông dẫn đường cái ông đội mũ nóc nhọn đang la hét  ấy là ai, và con vật to lớn ấy là con vật gì, ngài chỉ huy trưởng cuộc vây ráp cỡi hà mã đấy, ông ấy nói, thì ra là con hà mã bấy lâu ta chỉ nghe người ta nói đến tên, quân chó má, nó đã chết hẳn chưa, vị tù trưởng râu tóc xồm xoàm cỡi con vật tới chín mười đuôi gì đấy  xốc tới chỗ chiếc vại ở trên sân, hét lên, sợ thằng cha có vẻ ham hố thức ăn ấy nổi điên nổi khùng chém giết lung tung, ta nói với người đàn ông dẫn đường là ta phải đi thôi vì  chẳng cần mấy thứ thức ăn ở đây, ông ấy cười, bảo cái ông râu tóc xồm xoàm ấy chỉ chửi rủa kẻ nằm ở trong vại, và bắt đầu giảng cho ta hiểu đầu đuôi chuyện vì sao lại có chuyện chia chác thức ăn, thì ra, chiếc vại đặt ở trên đất là một thứ quan tài thời đương đại, người nằm trong vại là một người đương đại, cái chết của người ấy  cũng là thuộc thời đương đại, đương đại là cái quái gì mà cái gì cũng đương đại, mới nghe đến chỗ ấy ta đã nhảy bổ vào hỏi, người đàn ông dẫn đường phải dùng tay bóp mồm ta lại, bảo có muốn nghe thì hãy im, vì tính hiếu thắng chuyện gì cũng muốn biết, ta đã im để nghe, thì ra, cuộc vây ráp diễn ra đúng một trăm lẻ chín ngày, ngài chỉ huy trưởng cuộc vây ráp vốn là thuộc hạ của ngài tù trưởng cao sang ấy nên rất rành đường đi nước bước của kẻ ông từng hầu hạ, chỉ ngặt nỗi ngài tù trưởng cao sang vốn cả đời chỉ ăn rặt những thứ tinh hoa của trời đất nên tới mấy vạn người vẫn không đánh bại được ông ấy, quả là chuyện rất lạ, và cái tính hiếu thắng của ta đã không để cho ta im, cao sang là sao, tinh hoa trời đất là thứ quái quỉ gì mà ăn vào lại trở nên mạnh mẽ như thế, hóa ra cái cách gạn hỏi lung tung xà bát của ta lại làm cho người dẫn đường hứng thú hơn trong câu chuyện kể của ông ấy, thì ra ngài tù trưởng cao sang vốn  là ông vua của xứ sở giàu sang nhất mặt đất nên cả đời chỉ ăn rặt máu tủy con người là tinh hoa của loài giống vốn làm chủ muôn loài trong trời đất, cuộc nổi dậy là của những người từng hầu hạ ngài tù trưởng cao sang, những người còn sống sót sau những cuộc cung phụng tinh hoa cho cho con người cao sang ấy, mấy vạn người đánh nhau với vị tù trưởng cao sang ấy suốt mấy trăm ngày đêm, tiếng gào thét lâm trận đã vang đến tai các vị tù trưởng các bộ lạc trên mặt đất, chẳng biết vì ganh ghét ngài tù trưởng cao sang, hay vì thương xót đám dân khốn khổ đang ngã chết thảm thương trên trận địa, một số vị tù trưởng các bộ lạc trên mặt đất đã gửi nhiều thứ đến trận đánh, nơi gửi  dân của bộ lạc mình, nơi gửi cả dân bộ lạc cùng cung tên dáo mác, nơi gửi những con vật thồ trên bộ, bấy giờ máu của cuộc hỗn chiến chảy tràn lan khắp nơi, đến lúc ấy thì hầu như các vị tù trưởng các bộ lạc trên mặt đất đều lên tiếng về trận đánh ấy, họ nói đủ cách, khen có, chê có, và gửi đủ thứ đến trận đánh, nơi gửi súng đạn, nơi gửi thức ăn, nơi gửi quần áo, thuốc men, có nơi gửi cả quan tài với các phụ kiện trong việc chôn cất người chết, điều quan trọng cuối cùng đối với hết thảy các vị tù trưởng các bộ lạc trên mặt đất là ngài tù trưởng cao sang sau khi bị giết chết đã biến thành một thứ tinh hoa của trời đất, cả máu thịt  của ngài, cả xương cốt của ngài, có nghĩa là toàn bộ thân thể ngài  đã biến thành một thứ nước trắng trong có mùi thơm bay xa ngàn dặm, sở dĩ lúc mới giết được ngài người ta đã đặt ngài vào trong  vại là vì sợ máu ngài làm bẩn mặt đất, không ngờ nhờ  có chiếc vại mà giữ được toàn vẹn thứ tinh hoa trời ban cho ấy, cho tới lúc ta hiểu ra vì đâu lại có chiếc vại ấy thì khói xám bốc lên ở khu nhà gần đấy, có cháy, ta hoảng quá, kêu lên, nhưng người dẫn đường bảo không phải, thì ra là các vị tù trưởng các bộ lạc lớn nhất trên mặt đất đang gặp nhau ở nơi khu nhà ấy, nộ khí bốc lên thế có nghĩa các vị đang tức giận cắn nhau trong cuộc đàm phán, người đàn ông dẫn đường nói, bấy giờ thì ta cũng chẳng cần biết đàm phán là chuyện quái quỉ gì, chỉ lo việc các vị giận dữ cắn nhau đến nỗi thành khói bốc lên trời như thế là rất dễ dẫn tới việc  đánh nhau nữa, chắc là trông thấy gương mặt lo lắng của ta, sợ ta bỏ trốn, nên bấy giờ người đàn ông dẫn đường chẳng rời ta nửa bước, ta cứ theo hỏi có phải sắp đánh nhau nữa hay không, nhưng ông ấy chỉ im, lại có nhiều tiếng la ó chửi rủa ở chỗ đám người đang láo nháo ở bên ngoài khu nhà ấy, nhưng vì sao lại chửi rủa, mà chửi rủa ai, bấy giờ đầu óc ta chẳng nghĩ ra được điều chi  mới cả, các ngài tù trưởng các bộ lạc nhỏ là đang chờ các ngài tù trưởng các bộ lạc lớn đấy, người dẫn đường nói, thì ra, các vị tù trưởng các bộ lạc lớn thì đàm phán ở bên trong, còn các vị tù trưởng các bộ lạc nhỏ thì ở bên ngoài chửi rủa, là sắp có đánh nhau rồi, lần này ta nghĩ là sắp đánh  nhau thật, ta kêu lên, toan bỏ chạy, nhưng người dẫn đường đã giữ ta lại, đang tiến về chỗ ta và ông ấy là đoàn người ngựa đông nghẹt, ngài chỉ huy trưởng cuộc vây ráp đã biến khỏi chỗ chiếc vại lúc nào chẳng rõ, giờ lại chễm chệ trên lưng con hà mã đi đầu đoàn người ngựa, nếu như có đánh nhau nữa ắt là đánh nhau giữa phe của ngài chỉ huy trưởng với mấy tay tù trưởng đang đàm phán, ta nghĩ trong lúc  đoàn người ngựa lại rẽ về phía khu nhà các vị tù trưởng các bộ lạc lớn đang đàm phán, hoan hô bạn bè năm châu bốn biển, ta chỉ thấy hơi yên lòng  khi nghe ngài chỉ huy trưởng hô lên thế và hết thảy mọi người trong đoàn người ngựa hô theo, hóa ra là có cả những người bị thương và những người đã chết, đây là cuộc vui thắng trận, nên ai đã tham gia trận đánh là đều phải có mặt, người dẫn đường nói, hóa ra những người chết trong trận đánh là phải tham gia cuộc vui  xong mới được chôn cất, ta lại mủi lòng muốn khóc, khi trông thấy một cuộc vui lần đầu tiên trong đời ta mới được trông thấy, bấy giờ thì những người còn sống là đang cõng trên lưng những người đã chết, còn những người bị thương thì vừa cười vui vừa lê lết bước giữa những bè bạn từng tham gia trận đánh với mình, máu của những người chết là đang thấm sang những người còn sống, cả đoàn người ngựa như đang thắm đỏ một màu máu, hoan hô bạn bè năm châu bốn biển, đoàn người vui thắng trận lại hô vang, và người đàn ông dẫn đường đã dắt tay ta nhập vào cuộc nhảy nhót trên cái khoảng đất đang thấm đỏ máu của những người đã chết, phải nói cái cảnh người sống ôm người chết  nhảy nhót như điên ấy khiến ta cũng thấy vui như điên, người dẫn đường cứ dang rộng hai tay ra như để bảo ta hãy cùng ông nhảy nhót, và ta đã ngã vào lòng ông ấy, tự bé lớn ta chưa hề thấy nhảy nhót, có nghĩa chẳng biết nhảy nhót là cái quái gì, vậy mà bấy giờ người dẫn đường bảo là ta nhảy  hay lắm, thực tình bấy giờ ta cũng cảm thấy tự hào, thì chẳng phải tự dưng ta lại được đứng vào cuộc vui của những người thắng trận đấy sao, chỉ có điều hơi bực mình vì đang vui như thế thì các vị tù trưởng các bộ lạc lớn đã làm náo động lên, ngồi ở trên lưng những con vật to lớn các vị ấy chui ra khỏi mái nhà, phóng lên trời, rồi đáp xuống ở chung quanh chiếc vại, sắp có phần ăn cho bọn ta rồi đấy, người dẫn đường vui vẻ nói cho ta biết, và vẫn tiếp tục ôm ta để nhảy nhót, còn ta thì bắt đầu cảm thấy đói vì nghe ông ấy nhắc đến chuyện ăn, chúng đang chia nhau ăn đấy, đồ quân vô sỉ, ta lại thấy lo khi nghe các vị tù trưởng các bộ lạc nhỏ lại kêu la ầm ĩ, bấy giờ thì các vị ấy đang rời khỏi khu nhà vừa bị phá hỏng, tiến về chỗ chiếc vại, như thế là người ta  đã bắt đầu chia chác thức ăn, nhưng thức ăn nó là thứ gì, ở trong vòng tay người dẫn đường, ta nghĩ ngợi gần nát óc, nhưng nghĩ chẳng ra, cứ tỏng vào bụng hết đi, đồ quân vô sỉ, các vị tù trưởng các bộ lạc nhỏ lại kêu la ầm ĩ, và ta thì cũng chẳng còn thấy hứng thú chuyện nhảy nhót, ta vuột ra khỏi vòng tay người dẫn đường, đứng nhìn, những chiếc mõm của các vị tù trưởng các bộ lạc lớn là đang thọc vào vại, ăn cho hết đi, các vị tù trưởng các bộ lạc nhỏ lại gào lên, và cùng xông tới chỗ chiếc vại, ta thấy bọn họ cũng bắt đầu thọc những chiếc mõm của mình vào vại, đến lúc ta hiểu ra cái thây ma của ngài tù trưởng cao sang chính là thứ thức ăn đang được chia chác, thì các vị tù trưởng các bộ lạc lớn nhỏ đều đã lên đường trở về nhà mình, hình như cho đến lúc ấy thì ngài chỉ huy trưởng cuộc vây ráp mới nhớ tới chuyện ăn uống, hãy nói cho hết thảy mọi người trên mặt đất biết là chúng ta đã thắng, ông ấy lại gào lên, bọn họ đã ăn sạch cả rồi, những người cùng tham gia trận đánh với ông ấy cũng gào lên, ta lại mủi lòng muốn khóc khi trông thấy những người cùng tham gia trận đánh với ngài chỉ huy trưởng cuộc vây ráp đi lấy nước để rửa vại, thì ra phần thức ăn của bọn họ là nước rửa vại, quỉ ma bắt chết hết chúng mày đi, ngài chỉ huy trưởng cuộc vây ráp vừa uống nước rửa vại vừa chửi rủa đám tù trưởng các bộ lạc lớn nhỏ, hãy chết hết cả đi, cả đoàn người ngựa cũng vừa uống nước rửa vại, vừa chửi rủa, người đàn ông dẫn đường cho ta cũng vừa uống nước rửa vại vừa chửi rủa, ta cũng vừa uống nước rửa vại, vừa chửi rủa, 

 

[…]

khi còn lại một mình trên cái khoảnh đất thấm máu người ấy, cơn tức giận lây lan từ bọn họ như vẫn còn nguyên, ta lại tiếp tục chửi rủa,

 

hãy chết hết đi quân tàn ác, tài giỏi chi khi thấy ta còn lại một mình lại bày trò hù dọa, là tại vì sao đã sinh ra ta lại còn sinh những thứ chẳng biết điều chúng mày, đi hù dọa kẻ một thân một mình là  tài giỏi gì đâu,

 

ta lại chửi rủa bọn cọp beo và bọn gấu sói, bỡi thường nghe người ta nói lúc ngày hết đêm đến thì cái lũ thú thích thịt người ấy lại bắt đầu gào rống trong rừng, khi bóng tối vừa phủ lên khoảnh đất thấm máu người ấy là ta bắt đầu chửi rủa lũ chúng, chắc là bọn họ nghĩ đêm tối ở trong rừng ta chẳng thể đi đâu nên mới để ta một mình như thế, vừa thấy bóng tối ập xuống là ta bắt đầu chửi rủa cái lũ thú nghe nói là rất hung dữ ấy, cứ gọp hết chúng lại mà chửi, bỡi chẳng rõ lúc bấy giờ là những thằng nào con nào trong lũ chúng bắt đầu lên đường đi tìm mồi, quả tình chửi rủa  như thế thì lại thấy vơi đi nỗi tức giận  vẫn cứ âm ỉ ở trong ta, có điều bấy giờ vì mệt, ta thử thôi chửi rủa, ngồi im, thì đầu óc ta lại nghĩ đến bao nhiêu chuyện do lũ cọp beo gây ra,

 

đồ hùn gió bẻ măng, thổi tới chỗ khác chẳng được hay sao, lại thổi tới chỗ ta, hãy thôi đi quân xỏ lá,

 

ta lại bắt đầu chửi rủa gió, vì nghe như trong gió có tiếng gào rống của lũ cọp beo, cứ mỗi lần có ngọn gió rừng ùa đến chỗ ta thì nghe như lũ cọp beo lại rống lên, phải nói kể từ lúc phát hiện ra chính là gió đã làm cho ta phải nghĩ đến cái đám thú chết tiệt ấy, thì ta bắt đầu lớn tiếng chửi rủa gió, thì chỉ còn mỗi mình ở cái khoảnh đất sặc mùi máu người chẳng còn ma nào trong bọn họ dòm ngó, ta còn sợ chi  mà không chửi cho thật to cho bỏ cơn tức giận, càng về khuya ta nghe như gió cứ ít dần đi, là cú kêu, vào khoảng giữa khua, thì ta cũng đoán chừng thế, ta nghe cú kêu, biết là cú kêu bỡi có lần nghe con chim ấy kêu ta giật mình thức giấc, cú đánh hơi thịt người đấy, mẹ ta bảo, ta hỏi thịt người nào, mẹ ta bảo người làng trông thấy xác chết thối rửa trên rừng đã đem về làng lúc chiều nhưng chưa kịp chôn, có xác người thì có cú kêu, nhưng là ta  đã chết đâu mà cú kêu, ta nghĩ, và không thể không cho cái giống chim ngu ngốc ấy một trận cho nên thân,

 

hãy im đi đồ thối tha ngu ngốc, đi đánh hơi thịt người thì người ta chẳng có ai là chẳng khinh bỉ, đã làm con chim bay ở trên trời là nơi cao rộng, sao lại còn đi làm chuyện hèn hạ xấu xa, đã bay được trên trời sao không ngửi hương thơm của  hoa trái, bao nhiêu hương thơm trong trời đất sao không ngửi lại đi ngửi xác người,

 

quả tình là rất kỳ lạ, càng chửi ta lại càng thấy tức tối, chẳng hiểu sao chửi cái giống chim chuyên đánh hơi xác người mà đầu óc ta lại cứ thấy ra lung tung thứ, bấy giờ thì ta thấy con chim cú ấy cứ bay qua bay lại trong đầu ta, mới đầu thì đúng là con chim cú xẹt qua trong đầu ta, ta biết chắc đấy là con chim cú vì đã bao nhiêu lần ta trông thấy chim cú bay về đỗ ở bờ rào nhà ta, mới đầu thì quả là con chim cú xẹt qua trong đầu ta, nhưng sau đó lại thấy không phải chim cú, mà là  một thằng cha, hay là một con mẹ gì đó, có nghĩa, không rõ là đàn ông hay đàn bà, một thằng cha hay một con mẹ gì đó mình là mình người nhưng mặt là mặt là cú, miệng đang ngoạm chặt thịt người, thằng cha hay con mẹ gì đó xẹt qua đầu ta, rồi bổ nhào xuống cái khe núi ấy, bấy giờ thì cái khe núi sâu hút mắt ấy cứ chập chà chập chờn trong đầu ta, lát sau thì ta thấy khói xám từ cái khe ấy cuồn cuộn bốc lên, lát sau nữa thì thấy lũ chim cú từ dưới  khe bay lên, con nào con nấy miệng cũng  ngoạm đầy thịt người, bấy giờ thì trong đầu ta chỉ thấy toàn chim cú, chúng vừa bay vừa kêu la quang quoác, trong đầu ta bấy giờ như chỉ nghe toàn tiếng quang quoác là tiếng kêu của cái lũ chim thối tha khi nghe có mùi xác người, làm như thể bấy giờ trên mặt đất chỉ toàn là xác người, ta tức tối rán chửi cho thật to, là chỉ nghĩ ở trong đầu là phải rán chửi cho thật to cho bỏ tức tối, chứ thật ra do tức tối nên chẳng thể chửi cho thật to, với lại ta đã chửi rủa suốt đêm, đến lúc ấy muốn chửi cho thật to cũng chẳng còn sức đâu để chửi, nếu tính theo chương mục ở  trong sách, thì đêm ấy ta đã chửi đầy một chương sách, có lẽ là bọn họ nghe ta chửi rủa suốt đêm như thế, sợ ta làm phản, nên mới mờ sáng hôm sau đã cho người đến đưa ta sang chỗ những người lo việc an toàn trên mặt đất,

 

[…]

đêm em ngủ có ngon giấc không, có thấy lạnh lắm không, có ai đến làm phiền không, vừa thấy ta, ngài trưởng bối đã ôm chầm lấy ta, hỏi, thân thiết như ruột thịt trong nhà, thằng cha ấy chẳng biết ở đâu chui ra ôm ta thiệt chặt, khiến ta suýt chết vì ngợp thở, biết đấy là ngài trưởng bối vì liền sau đấy có người mang quần áo đến cho ta, gọi ông ấy là trưởng bối, còn lúc mới trông thấy mặt thì ta cứ  nghĩ đó là  lão già lo việc trông coi nhà cửa, lúc người đàn ông dẫn đường bảo ta sẽ được đưa đến chỗ những người lo việc an toàn trên mặt đất ta nghĩ coi như mình sắp được bình an vô sự, nhưng ngay phút đầu tiên đặt chân đến đó, gặp kiểu nói năng miệng lưỡi của ngài trưởng bối, ta cứ thấy lo lắng thế nào ấy, ông ấy thừa biết suốt đêm ta mệt gần đứt thở ở cái khoảnh đất sặc mùi máu người ấy thì ngon giấc nỗi gì, là bọn họ lại bày ra mưu chước gì nữa đây, ta nghĩ, và thật sự cảm thấy chẳng an lòng khi phải vứt bỏ bộ áo quần vẫn mặc từ lúc ra khỏi nhà để thay bộ áo quần do bọn họ cấp phát, đấy là bộ áo quần vải thô mà người dẫn đường bảo là làm bằng vỏ cây trần ai, kể từ nay em sẽ trở thành kẻ hữu ích, người dẫn đường nói với ta câu khó hiểu ấy, rồi giao ta cho ngài trưởng bối với cái nháy mắt đầy ẩn ý, trông em có vẻ oai vệ lắm, lúc người dẫn đường đã đi, ngài trưởng bối bắt đầu nhìn ta từ đầu đến chân, khen, đến lúc ấy, ta cũng bắt đầu nhìn ông ấy từ chân đến đầu, chẳng hiểu sao bấy giờ ta cứ thấy nghi ngờ cái con người có gương mặt sang trọng và thông thái ấy, nghi ngờ điều chi thì ta chẳng thể nói ra, nhưng cứ thấy là rất nghi ngờ ở trong lòng, đại khái là mỗi cử chỉ hay lời nói của ông ấy đều làm cho ta cảm thấy ngờ ngợ thế nào ấy, nhưng trưởng bối với lo việc an toàn trên mặt đất là những thứ quỉ quái gì, ở nơi mặt trời mọc là đang có đánh nhau, thưa ngài trưởng bối, ta đương bực bội trong lòng vì các thứ chung quanh đều có vẻ bí mật đối với ta thì có người đến báo với ngài trưởng bối là đương có đánh nhau, người đưa tin là một cô gái  xinh đẹp, khi thấy ta, cô ta chỉ khẽ gật đầu, mỉm cười, thưa mời ngài trưởng bối ăn sáng, trong lúc ông ấy còn xem xét các thứ giấy tờ người đưa tin vừa mang tới thì lại có người mang thức ăn sáng đến, lại là một cô gái xinh đẹp nữa, khi trông thấy ta cô ta cũng chỉ khẽ gật đầu và mỉm cười, ta thử nhìn mâm ăn thấy toàn thịt chuột nên cứ nghĩ ngợi lung tung, mới đầu ta nghĩ ngài trưởng bối là tay thích thịt chuột, nhưng thấy chuyện đó là chẳng có lý chút nào, một người làm tới trưởng bối sao lại ăn thịt chuột là món ăn của đám dân dã, dù chưa  hiểu trưởng bối là gì, nhưng ta cứ nghĩ đấy là thứ chức tước cao sang, cái ý nghĩ quái quỉ đó là đã diễn ra trong đầu ta, tự dưng ta lại  nhớ đến chuyện mẹ ta kể, nên cái ý nghĩ quái quỉ đó đã diễn ra trong đầu ta, xưa nhà sư đó ăn lầm thịt chuột nên khi chết thì thành rắn chứ không thành phật, chuyện mẹ ta kể là do ăn lầm thịt chuột mà thành rắn, nhưng ngài trưởng bối thì không phải là lầm, vừa xem xét các thứ giấy tờ, ông ấy vừa ăn thịt chuột một cách rất ngon lành, nên ta có cái ý nghĩ quỉ quái là  nếu ông ấy không phải rắn, thì cũng là cốt rắn, từ chuyện mẹ ta kể mà suy ra thế là cũng có phần hơi lung tung  bậy bạ, nhưng quả tình là bấy giờ  ta rất thích thú với cái ý nghĩ  ngài trưởng bối là cốt rắn, thưa, mời ngài trưởng bối xơi trà, ta còn đương nghĩ ngợi về cái ý nghĩ quái quỉ vừa mới xẹt qua đầu ta ấy thì có người mang trà đến cho ngài trưởng bối, lại là một cô gái xinh đẹp nữa, ta thử nhìn ra bên ngoài thì thấy có rất nhiều cô gái xinh đẹp như thế đang lượn lờ qua lại, chẳng lẽ những người lo việc an toàn trên mặt đất là các cô gái xinh đẹp ấy sao, bấy giờ là ta nghĩ ngợi rất nhiều, vừa thấy vui, và vừa thấy rất hoang mang, toàn những cô gái xinh đẹp lượn lờ qua lại như thế thì vui quá, nhưng lo việc an toàn trên mặt đất là công việc quái quỉ gì lại đem giao cho đám con gái yếu đuối, hãy gọi hộ vệ trưởng đến gặp ta, ngài trưởng bối chợt gọi, cô gái đưa tin xinh đẹp lập tức ra đi, và lập tức quay về với một người đàn ông ta đoán đấy là kẻ ngài trưởng bối đang muốn gặp, thưa, em đã nghỉ được chưa, thưa ngài, cô gái hỏi, được rồi, nhưng nhớ là tối phải quay lại, ngài trưởng bối vui vẻ bảo, thằng cha hộ vệ trưởng mặt đầy sẹo cứ hầm hầm nhìn ta làm như thể ta là kẻ thù của ông ấy không bằng ( như có ai đó nói vào tai ta đó là thằng cha hộ vệ trưởng), đừng nhìn người ta như thế, khi nghe ngài trưởng bối nạt thế, thằng cha ấy mới thôi nhìn ta, nhưng ngài cho gọi con là có việc chi, ta ráng lắm mới không cười thành tiếng, là già hơn ngài trưởng bối rất nhiều, nhưng thằng cha hộ vệ trưởng lại đi xưng con với ông ấy thì là điên chứ còn gì, nhà ngươi hãy mang nghìn quân áo xanh mũ xanh tiến về phía mặt trời mọc nội trong hôm nay, ngài trưởng bối nói, nhưng sao không mang hai nghìn luôn thể, mà mang một nghìn, thằng cha ấy hỏi, đừng cãi, lũ chúng là đang tranh giành nhau ở đó, tùy tình hình ở đó mà hộ vệ, đã nghe rõ chưa, ngài trưởng bối lại nạt, nhưng là bọn chúng đang tranh giành thứ chi, thằng cha ấy lại hỏi, phải đến tận nơi mới rõ chúng tranh giành thứ chi, nhà ngươi đã hiểu chưa, thưa hiểu, nhưng khoan đi đã, thằng cha hộ vệ trưởng toan  đi nhưng ngài trưởng bối đã giữ lại, đây là tuổi trẻ ưu việt của thế giới đương đại, kề từ giờ phút này là thuộc về những người lo việc an toàn trên mặt đất, mới đầu ta còn hồ nghi là ông ấy nói ai, chứ không phải nói ta, nhưng đến lúc thằng cha hộ vệ trưởng đến giắt tay ta đi, ta mới ngã ngửa ra là mình đang được sung vào thứ quân áo xanh áo đỏ chết tiệt gì đó, tới nước đó thì ta chỉ còn biết thầm cầu nguyện các bậc tổ tiên của dòng họ phù hộ cho mình, hãy dừng lại ở đây thôi, đương đi, thằng cha hộ vệ trưởng bảo ta dừng lại, tựa đám ma quỉ nào đó từ dưới lòng đất chui lên, ta thấy từ dưới cái nhà hầm ấy, đám quân áo xanh mũ xanh chui lên như đàn kiến, vui ơi là vui, tự dưng ta lại được gia nhập vào cái đàn kiến ấy, nếu không lạc rừng thì cho đến hết đời chưa chắc gì ta đã gặp được  cảnh đông vui như thế, trong  đám quân áo xanh mũ xanh đông như kiến ấy ta thấy có rất nhiều đứa cùng lứa với ta, bọn chúng làm quân áo xanh được thì ta cũng làm được, niềm kiêu căng hiếu thắng lại nổi lên trong ta, với lại ở cái nhà hầm dưới lòng đất như thế là quá an toàn còn gì, ta nghĩ, và thấy cũng yên lòng, hãy đi thành hai hàng, mau lên, thằng cha hộ vệ trưởng hô to, và xô ta đứng vào một trong hai hàng quân ấy, rồi bắt đầu đi đều, rồi bắt đầu chạy, mới đầu là chỉ chạy lúp xúp, nhưng sau đó là chạy thiệt tình, có nghĩa là chạy đến thở không ra hơi, thằng cha hộ vệ trưởng chạy trước, bọn ta chạy theo sau, sở dĩ phải chạy đến hụt hơi như thế  là vì mặt trời đã thiệt xế chiều, tức đã gần tối, mà bọn ta chưa nhìn thấy cái đám người đang tranh giành nhau, theo lệnh của ngài trưởng bối thì bọn ta phải đến chỗ đám người đang tranh giành nhau ấy nội trong hôm ấy, hãy chạy cho mau lên, thằng cha hộ vệ trưởng lại hô lên, mệt thì mệt thiệt, nhưng cũng thấy rất vui, chẳng phải chỉ có ta, mà rất nhiều đứa cùng lứa với ta té lên té xuống, cứ chạy một đoạn lại ngã nhào xuống đường, cứ một lần ngã là da thịt lại bị trầy xước, chưa đánh nhau mà chân tay ta đầy máu me, lúc mặt trời sắp lặng thì nghe thấy tiếng la hét chửi rủa nhau ở đằng trước, tất cả hãy sẵn sàng , nghe rõ chưa, thằng cha hộ vệ trưởng chạy tới chạy lui, hét lên thế, ta nghĩ chắc chắn là sắp có đánh nhau, tới lúc ấy ta mới ngớ ra là trong tay ta chẳng có thứ chi cả thì làm sao để đánh nhau, nhưng lại thấy là ta đi lo chuyện không đâu, ngài trưởng bối bảo tùy tình hình mà hộ vệ chứ có bảo đi đánh nhau với ai đâu, nhưng là ở đằng trước đã có đánh nhau thiệt, bỡi đã nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng gươm dáo chạm nhau, tất cả hãy tiến lên phía trước, ta nghe thằng cha hộ vệ trưởng la lên thế, rồi cái đám quân áo xanh mũ xanh đông như kiến ấy xông vào chỗ có tiếng súng nổ và tiếng gươm dáo, rồi  như thằng điên, chẳng biết là mình đang làm cái quái gì, ta cũng cắm đầu cắm cổ chạy theo đám áo xanh mũ xanh, đến lúc ấy ta lại thấy  ngớ ra, thì ra trong cái đám quân áo xanh đông như kiến ấy có  nhiều người đã thủ sẵn dao, rựa, hãy cứa cổ hết bọn chúng nó đi, ta nghe thằng cha hộ vệ trưởng la lên thế, thì ra là bọn họ chỉ cứa cổ rồi bỏ nằm đó, chứ không phải cứa cho chết, cũng có nhiều người chết, nhưng chết là do lúc đánh  nhau để tranh nhau thứ chi đó mà chết, hãy cầm máu cho lũ chúng, ta lại nghe thằng cha hộ vệ trưởng la lên, thì ra trong đám quân áo xanh có nhiều người đã mang sẵn các thứ để băng bó kẻ bị thương, thằng lính mới kia hãy đi cầm máu cho lũ chúng đi, lúc chạy tới chạy lui, trời xui đất khiến sao thằng cha hộ vệ trưởng lại  trông thấy ta đang lớ ngớ giữa chiến trận, nên hét lên, và ta bắt đầu run lên khi chạm vào máu người, ta vừa run vừa làm công việc băng bó cho những người vừa bị cứa cổ, run sợ là do lần đầu tiên ta chạm vào máu đang chảy ra ở cổ con người, chứ việc băng bó vết thương cũng dễ thôi, bỡi  đám quân áo xanh khi cứa cổ là chỉ cứa đủ để bọn bị cứa cổ không thể đánh nhau nữa, chứ không phải cứa cho chết, thành ra vết thương không có gì lớn lắm, cứ tưởng là ta sẽ làm tròn công việc thằng cha hộ vệ trưởng giao cho, nhưng đến lúc người đàn ông bị cứa cổ ấy giãy dụa như gà bị cắt tiết,  máu ở cổ ông ấy cứ phụt ra làm ướt hết áo quần của ta, đến lúc ấy thì coi như quyền lực thằng cha hộ vệ trưởng chẳng còn nghĩa lý gì đối với ta, phải trốn khỏi nơi ấy là cái quyết định có vẻ sinh tử đối với ta lúc ấy, giữa lúc ta đang chạy trốn chiến trận thì nghe đám quân áo xanh hô vang trời vang đất là ngài trưởng bối đến, ông ấy là đang tiến về phía chiến trận, đang ngược về phía ta, ta chạy, và lũ chuột cũng đang chạy khỏi chiến trận như ta, chúng chạy từng đàn, vẻ hốt hoảng, hoan hô ngài trưởng bối, đám quân áo xanh lại hô vang, và ta bắt đầu thấy sinh nghi trong lòng khi nhìn thấy ngài trưởng bối làm gì đó như thể là cố rượt bắt lũ chuột đang ngược về phía ông ấy, nhưng đến lúc ta mửa thốc mửa tháo vì không còn chịu nổi mùi máu người bám ở áo quần ta thì điều ta sinh nghi chẳng còn là điều sinh nghi, có nghĩa, đấy là chuyện thật, ngài trưởng bối là đang  ngấu nghiến nhai những con chuột, thấy máu  lũ chuột tràn ra ở  hai bên mép ông ấy ta lại ói mửa dữ dội hơn, đến lúc mửa thốc mửa tháo ấy thì ta biết đám quân áo xanh của ngài trưởng bối cốt rắn đã cứa cổ gần hết đám người vừa tranh giành nhau thứ chi đó, cứa cổ xong bọn họ đã băng bó lại ngay, có nghĩa đám quân áo xanh mũ xanh của ngài trưởng bối cốt rắn đã làm công việc vừa cắt cổ con người vừa băng bó vết thương cho con người, tới lúc đó ta cũng chỉ biết được chừng đó, và lẽ ra khi đã ra khỏi nơi đó  thì ta đã có thể trở về nhà, nhưng trời xui khiến sao ta lại gặp thằng cha tự xưng là đã đi khắp mặt đất, nên ta đã nán lại,

 

[…]

chính thằng cha tự xưng đã đi khắp mặt đất bảo có biết  núi Nung, nên ta mới hoãn chuyện trở về nhà, trốn lên rừng là để tận mắt nhìn thấy cái xác máy bay thời thế chiến thứ nhất nghe nói là các vị thần núi Nung đã cất giữ ở núi ấy, giờ bỗng có người nói là biết núi ấy, nên ta phải bám theo con người ấy, thưa ngài có biết chuyện xác chiếc máy bay thời thế chiến thứ nhất ở núi Nung hay không, ta quyết định gọi bằng ngài để lấy lòng ông ấy,

 

ta có biết, núi là sinh  từ đất, khi đất nóng lên thì co rút lồi lõm, chỗ lõm thành sông,  chỗ lồi thành núi, bỡi do đất nóng lên mà thành núi, nên núi mới có tên núi Nung, nhưng dẫu tên là gì thì núi cũng do đất mà ra, rồi cây mọc thành rừng, chim chóc tới đậu, con nai con hưu tới ở, rồi mưa chảy thành suối, con cá con ốc tới sống,

 

tuy ông ấy nói có hơi xa chuyện ta muốn biết, chuyện cái xác máy bay thời thế chiến thứ nhất, nhưng phải nói là lần đầu trong đời ta đã được nghe một người nói những điều ta chưa hề nghe và nghe mùi tai đến mực ấy, thưa, con muốn theo ngài để học những thứ con chưa biết, ta đã xưng con với ông ấy, là do trong lòng ta lúc bấy giờ là rất phục tài ông ấy, ta tính chuyện cái xác máy bay cứ để  sau đó hẳn hay, còn lúc này là phải bám theo con người từng đi khắp mặt đất, nếu như  ta mà học được những thứ như ông ấy vừa nói, thì khi trở về làng  Cù ta sẽ trở thành kẻ thông thái nhất làng, mọi người có biết không, là do đất nóng lên mà thành núi Nung, trời đất ơi, tựa như từ trên trời mới xuống, mọi người sẽ ngớ ra nhìn ta khi nghe ta nói ra điều bí mật ấy,  

 

ta đã đi khắp chốn, bao nhiêu kẻ muốn theo làm đồ đệ của ta, nhưng tới nay như con thấy, là chỉ có mỗi mình ta trên con đường dài thăm thẳm, cuộc đời là con đường dài thăm thẳm, kẻ thì ngã xuống ngàn triệu năm trước, người thì mới ngã xuống hôm qua, người lại đang tiếp tục đi, cuộc đời là con đường thăm thẳm, không phải ai cũng biết ở đằng trước là đang xảy những gì, nhưng ta thì ta biết,

 

khi nghe ông ấy nói là ông ấy biết chuyện gì đang xảy ra ở đằng trước, ta cứ nghĩ ở khu rừng trước mặt là đang xảy chuyện hệ trọng nào đó, thưa, là đang có đánh nhau nữa phải không, ta hỏi, chuyện đánh nhau đã ám ảnh ta suốt cuộc lạc rừng,

 

tất nhiên là chẳng bao giờ chấm dứt chuyện đánh  nhau, ta đã đi khắp mặt đất, trông thấy không biết bao nhiêu cuộc đánh nhau, cũng là do con người chưa tìm ra được con đường để đi, đánh nhau là do không đi trúng đường, nhưng con biết không, không phải kẻ nào cũng nhìn thấy được con đường để đi,

 

 

phải nói tới lúc ấy ta cứ thấy rối rắm trong đầu, chuyện ở đằng trước, theo cái cách nói của ông ấy, thì ta mang máng hiểu là chuyện của ngày hôm sau, chuyện mai sau, nhưng con đường để đi là con đường nào thì ta nghĩ mãi không ra, bấy giờ đầu óc ta vô cùng rối rắm, có điều, đầu óc càng rối rắm, ta lại càng thấy phục tài ông ấy, thì thằng cha ấy phải đi khắp mặt đất này, thấy bao nhiêu chuyện, nghe bao nhiêu chuyện, mới nói ra được những lời lẽ như thế, thưa, con chưa nghe ai nói hay như ngài, cứ sợ thằng cha ấy không nhận ta làm đồ đệ, nên bấy giờ mới nịnh nọt như thế, và đột nhiên, ông  ấy cầm lấy tay ta, lặng lẽ cầm lấy tay ta, vừa thân tình, vừa như lệnh, hãy đi với ta, ông ấy nói, thầy trò ta lúc bấy giờ là cùng lặng lẽ bước trên con đường dài thăm thẳm, theo cách nói của ông ấy, thì ta với ông ấy là đang bước đi giữa cuộc đời, trời đất ơi, khi nghe kể lại chuyện ta bước đi giữa cưộc đời thì lũ bạn cùng lứa với ta ở làng Cù sẽ xem ta là kẻ thế nào, vào một ngày có mưa, cứ coi như là ngày đáng nhớ nhất trong đời ta, ông ấy đã đưa ta đến một ngôi miếu thần ở một nơi heo hút, cứ ngỡ là để đụt mưa, nhưng không phải,

 

kể từ đây là con sẽ bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới mẻ,

 

ông ấy nói, vẻ bí mật, sở dĩ ta biết đấy là miếu thần bỡi nhìn thấy giống với miếu âm hồn ở làng Cù của ta, là ta đang bắt đầu một cuộc đời mới nào đó hay sao, ta cảm thấy háo hức vô cùng lúc theo ông ấy bước vào bên trong ngôi miếu, có vẻ là một ngôi miếu hoang, bỡi nhện giăng mắc ở khắp nơi, bắt chước ông ấy, ta cũng dùng cả hai tay để phủi đi những mạng nhện đang giăng tứ tung ở trước mặt,

 

người là kẻ thông thái nhất đang dẫn giắt chúng ta đi,

 

ông ấy vừa phủi mạng nhện, vừa nói, ta thử nhìn khắp gian phòng có vẻ rất u ám ấy để xem ông ấy đang nói ai, thì chỉ thấy có mỗi bức tượng có vẻ rất giống với vị thần hộ pháp ở miếu âm hồn ở làng Cù của ta, có điều vị hộ pháp ở miếu âm hồn làng Cù thì tay chẳng cầm thứ gì, nhưng vị thần ở đây thì tay đang cầm vật chi ta thấy  rất giống với cây súng, thưa, con thấy là giống như một cây súng dài, ta buột hỏi, và cứ ngỡ ông ấy chẳng hiểu là ta đang muốn hỏi điều gì, nhưng chẳng phải vậy, mắt  ông ấy chợt sáng lên, như là ông ấy đang rất vui khi nghe ta hỏi thế, thể nhập, thể nhập, ta cứ thấy phát điên lên, bỡi trong lúc ta nôn nóng muốn hiểu những thứ có vẻ bí mật đang diễn ra chung quanh, thì ông ấy cứ nhìn ta vẻ hào hứng, vừa hào hứng nhìn ta, vừa kêu thể nhập, thể nhập, tựa như các nhà sư niệm chú lúc cúng mâm các bác ở miếu âm hồn ở làng Cù của ta,

 

người là vĩ đại nhất trần gian, chủ nghĩa của người là thông thái nhất, là nhân đạo nhất, chẳng có thứ chủ nghĩa nào là thông thái, nhân đạo hơn chủ nghĩa của người,

 

ta chỉ hiểu được cái mà ông ấy gọi là “chủ nghĩa” là  thứ của riêng của vị thần tay cầm cây súng dài ấy, còn “chủ nghĩa” là cái quái gì thì ta mù đặc, lại còn là thông thái nhất, nhân đạo nhất, thưa, con chưa hiểu “chủ nghĩa” nó là thứ gì, với thông thái nhất, nhân đạo nhất, là sao, bỡi quyết học cho bằng được những thứ mình chưa biết, cho nên bấy giờ, lẽ ra phải hét lên cho đỡ tức tối, ta phải hạ mình thưa hỏi, 

 

rồi con sẽ biết,

 

ông ấy hẹn, nhưng ta thì thấy nôn nóng trong ruột, nếu ông ấy cứ kéo dài mãi cái kiểu nói năng khó hiểu ấy, e tới hết đời mình, ta cũng chưa học được gì, thưa, ngài phải giảng cho rõ ra, cho con hiểu, ta quyết định tấn công ông ấy, và ông ấy đã bắt đầu giảng cho ta nghe về cách sống và cách chết,

 

sống tức là chưa chết, và chết là không còn sống, đó là chuyện giản đơn, ai cũng biết, nhưng sống chết cho đúng luật thì không phải là ai cũng hiểu, ta đi khắp mặt đất là để dạy cho con người hiểu luật sống chết, ví như muốn sống mãi, không chết, thì phải theo luật sống mãi không chết, còn như ngán sống, muốn chết cho xong, thì phải theo luật sống ngán chuyển sang chết,

 

ta hỏi ông ấy đi khắp mặt đất để dạy cho con người thứ luật nào, ông ấy bảo là dạy cả hai, ta nói là ta muốn học luật sống mãi không chết, ông ấy bảo là phải biết trò chuyện với đất,

 

đất là mẹ của muôn loài, thánh thần từ đất mà ra, con người cũng từ đất mà ra, chim muông ốc cá cũng từ đất mà ra, trâu bò gà lợn chó mèo cũng từ đất mà ra, nhưng trừ thánh thần ra, thì chỉ có con người là biết trò chuyện với đất,

 

ta nói từ thuở lớn lên ở làng Cù, ta chỉ thấy người làng ta cày đất gieo lúa, trồng đậu, chứ chưa thấy ai đi trò chuyện với đất, ông ấy nói sở dĩ chưa thấy ai trò chuyện với đất là do ở đó chưa có ai học cách trò chuyện với đất, ta nói đất là thứ không biết ăn, không biết thở, không có miệng có tai, thì  con người có muốn cách mấy cũng không thể chuyện trò với đất, nhưng ông ấy bảo là ngày ngày ông ấy vẫn trò chuyện với đất,

 

ta nói đất biết nghe là đất biết nghe, ta nói đất biết nói là đất biết  nói, ta nói đất biết trò chuyện với con người là đất biết trò chuyện với con người,

 

ông ấy nói, ta hỏi thế khi ông ấy nói con người biết sủa như chó thì con người biết sủa như chó, khi ông ấy nói con người biết gáy như con gà cồ thì con người biết gáy như gà cồ, thì ông ấy chẳng trả lời ta, lặng lẽ tới trước vị thần tay cầm cây súng dài ấy, lầm thầm nói gì ấy, rồi lặng lẽ đi lấy chiếc chảo gan to tướng, lặng lẽ kê ông táo bếp, lặng lẽ nhóm lửa bếp lên, lặng lẽ cho nước vào chảo, và lặng lẽ trói ta, thả vào chảo,

 

phải nấu cho trí não con mới ra thì mới học được cách sống mãi không chết,

 

ông ấy nói, và bắt chảo lên, bắt đầu luộc ta, lúc nước chưa sôi, ta có sáng mắt ra, té ra cái thằng cha đi khắp mặt đất ấy là sẽ giết hết tất cả những ai không chịu nghe theo thằng cha ấy, thì trong phút giây sắp vĩnh viễn xa mẹ cha, ta cũng chỉ làm cầu may thôi, vậy mà làm được, ta co chân lại để lấy đà bứt trói, và chỉ nhảy một cái đã thấy mình ở một nơi mà người đầu tiên trông thấy ta bảo là ta đang  ở vào thời hậu tương lai,

 

 

[…]

và dường như là mọi người đều có vẻ ngơ ngác khi nghe ta hỏi thời hậu tương lai là thời nào, người đàn ông trông thấy ta đầu tiên và nói là ta đang ở vào thời hậu tương lai đã biến mất lúc nào chẳng rõ, mọi người ở đây dường  không hiểu được tiếng người, ta hỏi điều chi bọn họ cũng đưa tay ra dấu là không biết, đang họp chợ thì phải, có cả ông bà già, có cả trẻ nhỏ, có cả con trai con gái, có cả những người tàn tật đang bò lê trên đất, ta nhìn kỹ thì chẳng phải là  họp chợ, mà là đang nói năng đi lại, cũng giống như cái cảnh sống thường ngày ở làng Cù của ta, thưa, con sông đang chảy ở trước mặt là con sông gì, ta hỏi một bà lão, hình như là đang đi ăn xin thì phải, bà lão không trả lời câu hỏi của ta, mà lấy tay chỉ vào bụng mình, dường như là ra dấu cho ta biết là bà ấy đang đói, ta cũng đang đói mà cái cách làm của bà ấy khiến ta càng cảm thấy đói hơn, ta đương nghĩ về chuyện ăn thì nghe có tiếng ai khóc ở gần đấy, tiếng khóc của một người đàn bà, chẳng phải  chỉ khóc, mà vừa khóc vừa kể, là ta đang đói và đang mệt nên chẳng còn hơi sức đâu chú  ý đến những chuyện như vậy, và khi nhìn kỹ thì quả tình là ông ấy, người đàn ông đầu tiên đã trông thấy ta và bảo ta đang ở vào thì hậu tương lai là đang từ dưới dòng sông ngoi lên, đúng là ông ấy, chỉ có điều là ông ấy đã cởi hết áo quần, đang trần truồng như nhộng leo lên bờ sông, trông thấy ta, ông ấy nhoẻn cười, ta tính hỏi bao nhiêu chuyện, nhưng rồi chẳng dám, bỡi lẽ ông ấy là đang trần truồng, hãy lên đây thôi, ông ấy chợt vỗ tay, gọi, thì từ dưới dòng sông ngoi lên bao nhiêu là người và muông thú, mới đầu là những đứa con trai con gái xinh đẹp, tiếp đến là những đàn ông đàn bà, tóc búi có, tóc không búi có, tiếp đến là những ông bà già lọm khọm, người chống gậy, người phải ngồi trên xe cho người khác đẩy, tiếp đến là lũ chim trên rừng ta không thuộc hết tên, tiếp đến là lũ trâu bò gà chó ta quá quen thuộc, hết thảy là từ dưới dòng sông ngoi lên cũng trần truồng như người đàn ông ấy, ta cứ gọp hết lại mà nói  một câu như thế, chứ thật ra thì ai cũng biết lũ chim chóc trâu bò vốn từ lúc sinh ra là đã không mặc áo mặc quần, hết thảy là đang leo lên bờ sông,  xin hãy dãn ra một chút, người đàn ông ấy chợt hô to, và ra hiệu cho mọi người đừng có áp vào bầu đoàn của ông ấy như thế, ta cứ gọi hết thảy những người với chim chóc trâu bò từ dưới dòng sông ngoi lên cùng với ông ấy là bầu đoàn của ông ấy, bấy giờ ta cũng chẳng biết cái bầu đoàn ấy sắp làm những gì,

 

cứ khóc đi

cười đi

cứ buồn đi

vui đi

cứ tiếp tục sống rồi tiếp tục chết

mặt trời bước vào cuộc chơi dịch chuyển

chim vỗ chân hát

dòng sông ngược về phía

đàn đá

ngày khuyết trí nhớ

mù lòa ngọn cỏ tri thức

 

ta dám chắc là mình nhớ không sót một chữ  nào, chẳng hiểu là ông ấy đang nói về cái quái gì như thế, nhưng bấy giờ nghe ông ấy xướng lên những lời kỳ dị như thế, ta thấy vô cùng thích thú, lập tức ghi vào trong đầu, người đàn ông  vừa nhảy nhót, vừa xướng lên những lời kỳ dị, và lập tức những đàn ông đàn bà con trai con gái trâu bò chim chóc cũng nhảy nhót, và cùng xướng lên, dường hết thảy những người và muông thú trong bầu đoàn ông ấy đều nói được tiếng người, tự dưng ta cũng thấy muốn hát, muốn nhảy nhót, nhưng ta chưa kịp hát với nhảy nhót, thì đám người vây quanh bầu đoàn ông ấy đã nhảy cẩng lên, ú ớ những lời kỳ dị, là do bọn họ không nói được tiếng người nên chỉ ú ớ, là vũ hội thời hậu tương lai sao, ta vừa mới nghĩ thế thì kỳ lạ thay, chẳng còn trông thấy bầu đoàn  ông ấy đâu nữa, hình như là đám người và muông thú ấy đã nhảy xuống sông trở lại, đám người không nói được tiếng  người cũng lần lượt kéo đi chỗ khác, bấy giờ thì ta cứ nghĩ là mình đã trở về nhà, đang nằm trên chiếc giường ở nhà mình, và đang mơ ngủ, nhưng khi nghĩ lại thì biết chắc là ta đang ở bên bờ con sông, bỡi liền đó thì trông thấy người đàn ông ấy và bầu đoàn của ông ấy đã từ dưới sông ngoi lên, bọn họ đã quay lại,

 

tất cả những chuyện ấy đều là sự thật,

 

ông ấy vừa đi dọc theo con sông đang chảy, vừa xướng lên thế, và hết thảy bầu đoàn ông ấy cùng xướng lên,

 

tất cả những chuyện ấy đều là sự thật,

 

trong khi ta đang nghĩ ngợi tất cả những chuyện ấy là những chuyện nào, thì lại nghe ông ấy xướng lên,

 

sự thật, sự thật cái con khỉ,

 

và hết thảy bầu đoàn ông ấy cũng xướng lên “sự thật cái con khỉ”, và ta chưa kịp nghĩ ngợi gì thêm, thì tựa như một thứ phép màu, tất cả đều biến mất, trước mặt ta chỉ còn mỗi dòng sông đang chảy, phải trở về nhà thôi, tự dưng ta cảm thấy rất buồn, và quyết định phải trở về nhà, nhưng bọn họ đã cho người đến dẫn ta đi, thưa, bây giờ thì đi đâu đây, ta từ tốn hỏi, phải nói là sau khi bị cái “thằng cha chủ nghĩa” ấy luộc thì ta không còn dám ngang nghịch, to tiếng, về sau , khi trở về làng kể lại chuyện lạc rừng cho mọi người nghe, ta cứ gọi kẻ toan luộc ta là “thằng cha chủ nghĩa”, phải nói là sau khi bị thằng cha ấy luộc, ta đã biết cách ăn nói khéo léo hơn, ta nói với người dẫn đường là ta rất nhớ cha nhớ mẹ, muốn trở về nhà, nhưng ông ấy bảo là phải sang bên ấy, ta cứ theo hỏi ông ấy bên ấy là nơi nào, lần này thì người dẫn đường ta cũng gọi ta bằng em,

 

em cứ sang bên ấy hẳn biết, ông ấy nói,

 

giã 2011-2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                   _____________________________

                                 BẢN THAO SÁCH

                     RỐT CUỘC THÌ BỌN HỌ LÀ AI?

                      tác giả tự trình bày bìa, tự trình bày

                        ruột, bản thảo sách khổ 13×20,5

                      làm xong trong tháng 4 năm 2012