Những ghi chú

nhưng di sản tổ tiên làng tôi để lại không chỉ có đất đai đồng làng và những con người có gương mặt thật chưa bao giờ phản trắc nhau mà còn có cả một kho báu gòm những thần tích, thần tụng,  những dấu vết, dấu tích, sự tích, những ngợi ca các vị thần linh đã được định vị vào các không gian, thời gian, bỗng những gương mặt quen thân trở thành cái cổ sơ thiên thánh [tháng tư thần đồng ruộng đi nói cho những người cày biết lúa đồng làng sắp trổ, tháng chạp thần vườn khiến cho hương thơm cây trái lan ra …] ban đầu chắc chắn là chỉ truyền nhau bằng miệng, và khi có chữ viết [chữ Hán rồi chữ Nôm] tổ tiên tôi mới chép thành sách…”người cứ đi như vậy từ đêm này qua đêm khác, từ ngày này qua ngày khác, phong sương đến rã rời tâm trí, rồi một hôm có con ve sầu hát, người dừng lại, nghe, mới vỡ ra, không phải chỉ có mỗi người, mà vạn hữu trong trời đất đều trong cuộc tìm kiếm/SÁCH THẦN TÍCH/SỰ TÍCH THẦN ĐỒNG RUỘNG/ bản dịch chữ quốc ngữ của Nghè Huân, tôi đọc, và cứ thấy cái trí tuệ to lớn của tổ tiên tôi, câu chuyện nào cũng toát lên vẻ thống khoái, cao khoát, người đấy, mà thần đấy, dường bấy giờ những bậc tiền nhân của làng đã nhận ra cái tương thông mãi sau này khoa học đương đại mới nhận ra: sóng là hạt, và hạt là sóng, hiện thực là ảo ảnh, và ảo ảnh là hiện thực, chuyện là bấy giờ tổ tiên tôi đã nhìn thấy có kẻ đang ngắm nhìn hạt lúa đồng làng rồi dựng ngọn bút lên, viết, người cứ đi như vậy từ đêm này qua đêm khác…thần tích là sự tích về cái chót vót cao sang, thay vì nói thần linh, thì nói có kẻ tận chót vót cao sang…”người ngủ để  bộ râu trong nắng, lũ chim rừng tưởng rừng cây, đậu lên, hót, hà hà, chẳng sao đâu, cứ hót nữa đi, người xua tay, nói, và cứ nằm im vậy để lắng nghe, tháng sáu, lúa gieo trì trên đồng làng đang rục rịch làm đòng [trỗ bông] trưa mùa hạ như thể khúc ru nghiện ngập giai điệu buồn chán và nặng nề, ta có qua hết các mùa hoa trái, hương đất trộn nước mắt của kẻ ruộng vườn, thì ta, thần đồng làng, chẳng qua cũng chỉ là cường điệu lên hình thù của những mong muốn, chỉ nghe người nói, người có khóc hay không chẳng biết, chỉ thấy cái cảnh trí như thể đang đọng lại trong sắc màu phong nhã, hốt nhiên chẳng nhìn thấy người, lũ chim vội vã đi nói cho thế giới biết người đã thôi giấc trưa hè/SÁCH THẦN TỤNG /VỀ GIẤC TRƯA  HÈ CỦA THẦN ĐỒNG RUỘNG/bản dịch quốc ngữ của Nghè Huân, tôi đọc, cứ thấy thần đồng làng tôi giống với thần điền dã trong Prélude à l’après midi d’un faune/Khúc dạo đầu cho buổi xế chiều của thần điền dã,  âm nhạc của Claude Debussy…Faune, l’illusion s’échappe des yeux bleus/Et froids, comme une source en pleurs, de la plus chaste/Thần điền dã, ảo ảnh vùng ra khỏi đôi mắt xanh /Và lạnh lùng như nguồn nước mắt của sự trong trắng nhất/L’APRES-MIDI D’UN FAUNE/BUỔI XẾ TRƯA CỦA THẦN ĐIỀN DÃ/STEPHANE MALLARME…thơ của Mallarmé lại vang lên trong âm nhạc của Claude Debusy, các vị thần ruộng đồng đông tây kim cổ lại gặp nhau trong những giọt nước mắt trinh tiết, tôi đọc thần tụng về giấc trưa hè của thần đồng ruộng của làng tôi không biết bao nhiêu bận, và cứ có thứ ấn tượng như thể là nói về ai đó, quen lắm, là nói về những người cày ruộng làng tôi ư, hay con người trần thế là những vị thần ở chốn trên cao bước xuống đất tham dự vào cuộc cần lao khổ ải,

 

giã 11 AM   10.4.2021
trong tiểu thuyết đang viết : NHỮNG GHI CHÚ

 

Nghe Prélude à l’après-midi d’un faune/
Khúc dạo đầu cho buổi xế chiều của thần điền dã ở đây: PRLUD_TO1