Những vầng trăng bặt dạng/Dưới bóng những cô gái tuổi hoa/Ký ức

  

Những vầng trăng bặt dạng, hay những góc nhìn, châu Âu, một cái tên, một khái niệm,
một vùng đất, châu Âu, những triển khai kỳ lạ, những lan truyền bất kể, những quá khứ,
minh triết, và lầm lẫn , những nghĩ ngợi…
 

  

những lúc như thế tôi lại vùi đầu vào ký ức để may ra có tìm được thứ cách thức cứu nguy nào hay không, thời gian chồng chất lên trí nhớ tôi có vẻ chẳng chút nể nang, ngổn ngang, và chẳng có thứ lớp…một sáng ra thấy có vị nguyên thủ quốc gia nào đó đang khoa tay lớn tiếng trên máy thu hình về chuyện một thế giới một con đường, rồi chúng bay sẽ biết…lời đe dọa kiểu rừng rú của đám lâm tặc khiến cho đám gà con nhà ai đó trong làng tôi chạy tán loạn, ở cái khúc sông đang bị xói lở, những căn nhà ập đổ trên con nước ngầu đục, lũ lục bình vẫn cứ trôi như chẳng chút trắc ẩn nào trước cảnh tang thương của những con người trăm ngàn năm qua vẫn bám lấy đất tổ của cha ông, và rắn, những con rắn đang trườn vào giữa những  hiệp nghị, những sự nghị, những quyết nghị, những văn bản qui định  sự sống còn của những người dệt  vải và những người trồng lúa, dường chủ nhân những đại tự sự chưa ráo mực  cố làm ngơ khi nhìn thấy đám rắn giả dạng những ngọn bút kiến quốc len vào giữa những chữ nghĩa, sủa, và thêm vào, hay bớt đi, nó là kiêu căng phách lối làm tan hoang văn hiến của một dân tộc, nhưng những chủ nhân của những đại tự sự chưa ráo mực ấy cứ vỗ tay cười, tôi thấy như nghìn năm đang tung bụi thời gian đứng dậy, rồi ta sẽ chém cổ   đám tặc nhân gây hổn loạn thế giới, chúng đã làm cho cá phải từ bỏ biển khơi, làm cho thuyền phải rời bỏ biển khơi… hình như là hịch của một nhà ái quốc nào đó, tôi thấy ai đang bước dưới ngọn cờ có vẽ hình chim vướt, à, tôi nhớ ra rồi, cuộc sống là loài chim vướt vút cao giữa sắc trời lồng lộng, con chim vướt, tôi đã nhớ ra, cha tôi đã nói về con chim vướt của tự do bay lượn, rồi tôi cứ việc phủi đi những bụi đường trong trí nhớ tôi, và cuối cùng, tôi rất hoảng, ai vậy nhỉ, là ông cụ cố nhà tôi sao, ngày nào tôi cũng nhìn thẩy ảnh ông cụ cố tôi nơi bàn thờ ông bà nhà tôi, mà làm sao lại là ông cụ cố tôi nhỉ, nhưng con người to lớn mày rậm có vẻ văn nhân ấy nhìn tôi, nói, không sao  đâu con, ông nói, và tôi nghe, như đâu đó, trong tận cùng trí nhớ tôi, có tiếng hát trong trẻo của đám con gái trong làng, anh có đi hết  thế giới này thì cũng phải quay về…