Những vầng trăng bặt dạng/ Về phía nhà nào/ Giêsu ở Nazareth và cấp số nhân

 

 

bỗng Averroès [1126-1198] chú giải Aristote [384-322]

tôi và nàng nhìn thấy trên đường vào thành phố Nazareth các học giả Ky tô giáo vô cùng bối rối

không phải niềm bối rối của hơn nghìn năm trước

Giu se và Maria bối rối mang người đại diện của sự thật rời khỏi xứ sở Galilee  trốn sang Ai Cập

chúng tôi gọi Giesu ở Nazareth là người đại diện của sự thật, và Người sẽ được gọi là người Nazareth (*)

hơn một nghìn năm phương tây châu Âu vẫn sống trong niềm bình an huyền học, rằng, có một người của lịch sử đã chiến thắng cái chết và hứa hẹn một đời sau hạnh phúc cho tất cả những ai đã tin vào người ấy

hơn một nghìn năm đại tự sự chứa đựng cái chết hiến tế và sự phục sinh của một người của lịch sử như niềm cảm hứng vô tận của những học giả Kytô giáo phương tây châu Âu
 

bỗng những lời ấy vang lên, khô khốc, tự tại, tựa tiếng chân  con ngựa chạy đường dài cứ việc gõ móng lên mặt đường nhiều sỏi đá

hình dạng của  vật chất, của ngôn ngữ con người, của các chủng loài…

những lời từng vang lên nơi ngôi trường đại học đầu tiên của nhân loại

Lyceum của Aristote trong khu rừng mát mẻ phía đông bắc châu thành Athene

đám sinh viên cổ đại đã biết đến thứ khoa học sơ kỳ Hy Lạp tự ba trăm năm trước cuộc chạy loạn của Giesu ở Nazareth
 

mùa đông Nazareth
buồn
lũ sếu kêu vang trên hồ Galilee  
không có dáo gươm, nhưng cứ thấy như sắp có đổ nát
thứ tri thức mang  vẻ  trầm tích ngủ yên của Aristote bỗng được người thầy thuốc Averroes ở Cordoba của đế quốc A Rập Tây Ban Nha  khơi dậy
các học giả Kytô giáo bước ra  nhìn trời, thở dài, cứ nghe như đang vang lên bên tai: Thiên Chúa sáng tạo ra thế giới và con người thì  có thể nhìn thấy những qui luật của tư nhiên

niềm tin vào trí tuệ Đấng Tối Cao hơn nghìn năm đã bị thách thức
chúng tôi mường tượng, ở Nazareth, một ngày mùa đông, có tiếng kinh  trưa vang lên từ  đền thánh Jerusalem,  hỏng…hỏng hết, các vị học giả Kytô giáo cứ gào lên
và  đâu đó, kẻ thế tục quá khích nào đó, sau khi đọc được những bản dịch triết học Aristote bằng tiếng La Tinh được dịch từ những bản dịch tiếng A Rập có chú giải của người thầy thuốc nhà triết học Averroes, cũng gào lên: cái chết chẳng liên quan gì đến Thiên Chúa cả
những người chấp nhận triết học Aristote và những người không chấp nhận Aristote tranh cãi nhau, quyết liệt 
các nhà trường-nhà thờ bắt đầu cấm giảng dạy triết học Aristote, thứ triết học cho rằng một thế giới không hề có sự can thiệp của Thiên Chúa, một thế giới trong đó mọi sự, từ sự hoạt động của tâm trí đến tính chất của các sự vật đều có thể am hiểu mà không cần dựa vào bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa
 

nhưng vào một ngày mùa đông thật lâu sau đó
khi đám tuyết thôi rơi trên hồ Galilee
học giả Kytô giáo, nhà trí thức xuất sắc của nước Ý, Thomas Daquin [1225-1274] bước vào thành phố Nazareth nói với những bạn đồng nghiệp của ông, rằng, Aristote vĩ đại, Averroes cũng vĩ đại, trí tuệ con người có thể khám phá thế giới, nhưng phải được trí tuệ Thiên Chúa soi sáng mới đạt được sự thật của sự thật

em đã nhìn thấy một ngày phương tây châu Âu hửng nắng
nàng nói
dường như nhân lọai không thể tách  huyền học ra khỏi cuộc sống của mình tôi nói
có như thế, cái bất ngờ mới có sức mạnh hơn là việc xảy ra tự nhiên và ngẫu nhiên (**)
nàng bất chợt nhắc lời Aristote

 

 

(*)Tin mừng theo thánh Mat-thêu, trang 1292, Kinh ThánhTrọn Bộ, nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999

(**)Trích trong Aristote, nghệ thuật thi ca, trang47-Nhà xuất bản Lao Động,Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây, năm 2007