những tin tức về một ngôi làng [mười]

10/cuộc sống làng quê tôi là bản hòa âm nhiều cung bậc, với buổi thiếu niên của tôi là một khúc vui thật sự, nhưng với tính hiếu kỳ của tuổi mới lớn, như vì sao đêm lại nghe tiếng vạc kêu sương, buồn, hay vì đâu đêm nghe có tiếng huýt gió của con người con rắn xanh mò đến, những gì diễn ra quanh tôi luôn là những câu chuyện thực, mà huyễn hoặc, cứ đầy ắp trong nghĩ ngợi những tra hỏi, và lời đáp, không bao giờ đến bờ bến, hiện thực như những âm vang bỏ lửng, nghe, thấy, và muốn hỏi, những ngạc nhiên luôn quyến rủ tôi, vậy có phải cứ gieo xuống đất bất cứ hạt cây gì cũng sẽ mọc lên một cây khác và cho ra quả, câu hỏi xảy ra trong nhận thức tôi ngay từ lúc cha mẹ tôi bắt đầu câu chuyện trồng cây bông vải [cây lúa cho cơm ăn, cây bông vải cho áo mặc, những lý thuyết bao giờ cũng giản đơn, khiếm khuyết, tàn nhẫn] đêm, tôi thức giấc nghĩ ngợi về cuốn sử làng, đang viết, và đang nghĩ, có cả cái khuyết sử, và cái có sử, bỗng nhìn thấy cái mầm cây, ai hô hoán vào buổi sớm mai con nai bình tĩnh đứng uống nơi bờ suối, vầng trăng hạ tuần còn nhợt nhạt nơi vòm trời tây, đổ xuống buổi khuyết sử những nụ cười mông muội, nhưng đã thử nhổ lên, cái mầm cây bên dưới còn đeo hạt, đã có sự liên tưởng giữa cây và hạt chưa, những khúc sử đứt đoạn làm dấy lên những cảm hứng vĩ đại, khoa học, thi ca, những sấm ngôn vô thức, cho đến tận giờ con người đã có thể làm ra những cánh rừng, tháng giêng, mùi hoa xoài hoa bưởi còn phảng phất trong vườn, và sự vô tình của con người, cha tôi  vác cây cày, lùa đôi bò ra ruộng, đi cùng cha tôi có tôi và mẹ tôi, vào lúc tôi và mẹ tôi đặt những hạt bông vải xuống đường cày cha tôi mới mở chính tôi đã không biết là mình đang mang tâm trạng khuyết sử [ buổi hoàng hôn, ai ngồi trong hang lạnh, sau cuộc săn, thật sự vẫn còn nhớ, hay không còn nhớ gì cả chuyện xảy trong ngày, chuyện giữa con người và con mồi săn, giữa con người và tự nhiên] tôi cùng với cha mẹ  tham gia vào việc trông cây bông vải mà lòng vẫn chưa ổn, có thật sau đấy có vải để mặc hay không, những đường cày cha tôi mới mở thật sự có làm xáo trộn cuộc sống lũ giun đất, trong lúc tôi và mẹ tôi đặt những hạt bông vải xuống đường cày, lũ giun phải chạy vạy đi tìm chỗ ở mới, và cha tôi thì nghĩ ngợi theo cách của ông, những nghĩ ngợi có hơi hướng một nhà thổ nhưỡng, năm này đất ruộng nhiều giun thế cây bông vải chắc tốt, ông nói, vậy thì rốt cuộc đã có một sự liên quan nào đó, rất hệ trọng, và bền vững, giữa sự mầu mỡ của đất đai và lũ giun đất, những câu hỏi mang tính bản thể luận như thế, mà bấy giờ tôi đâu biết, ẩn nấp đâu đó trong nhận thức tôi luôn đánh động trong tôi một thứ tinh thần vĩ đại là tình yêu xứ sở, tôi yêu đám cây bông vải cha mẹ tôi lặn lội từng ngày ở đó, nếu nói con người cùng thiên nhiên tồn tại thì cứ mường tượng, đêm, không phải thi khách với những câu chữ biết nói, thơ, mà là người trông bông vải, cha tôi, sau ruộng bông vải là chiếc xa kéo sợi, cái khung cửi đạp bằng chân, kéo sợi, và dệt vải, những nghĩ ngợi không biết nói, thơ của người trồng bông vải nằm nơi bờ cỏ,  người trồng bông vải nằm một bên, ruộng bông vải nằm một bên, thở dưới vòm trời đêm, gà trong xóm chưa gáy sáng cha tôi đã trở về, bát nước chè quế mẹ tôi đã pha sẵn, vun bọt, sáng lên một góc sống, con người bước vào một ngày mới, cũng vô thức như đám bông vải trên đồng làng, tháng sáu, bông vải nở trắng ruộng,  thay vì niềm vui là nỗi sợ hãi khi nhìn thấy những đám mây đen kéo qua bầu trời trên đồng làng, mưa mà đổ xuống lúc này thì người trồng bông vải trắng tay, năm này may không có mưa trái mùa, cha tôi nói khi toàn thể bông vải trên đồng làng đã đem hết về nhà, ánh mắt ông nở nụ cười khô khốc như thể còn vương vấn âm vang tiền sử, trong lúc tôi nghĩ ngợi về những ngày mẹ tôi dệt xong những cây vải khún [cách gọi thứ vải dệt bằng sợi cây bông vải] thì trên sân nhà tôi diễn ra một cộng đồng chưa thấy nói trong sử sách nào, đám con trai con gái cùng lứa ở trong làng mang xa kéo sợi đến sân nhà tôi để kéo sợi, bầy người tuổi trẻ, trong đó có tôi, muốn họp nhau dưới ánh đèn đốt bằng khối dầu rái [nhiên liệu lấy ở khu rừng phía nam làng] chỉ đủ soi những chiếc xa kéo sợi và những gương mặt, cuộc hang động của bầy người đương đại mang tính thi ca hơn là kinh tế xã hội, chỉ là để vui với việc kéo sợi, ở bờ rào tre nhà tôi lũ đom đốm cũng lây vui, lập lòe lửa miên trường, thôn dã với ngọn lửa tạo sinh từ loài đom đốm luôn là cuộc gắn kết tiến hóa, soi sáng nỗi heo hút, lận đận, vậy mà vẫn cứ cất lên cuộc lãng đãng nghìn năm, có một thứ đa tình thôn dã, vắng anh em như con chim lạc rừng, kéo sợi, và hát, người con gái hát câu ấy về sau đã chết trong một cuộc oanh kích của máy bay giặc Pháp, còn lúc ấy đang ngồi bên tôi, nàng vừa quay xa kéo sợi vừa khẽ xoãi chân ra, khoèo chân tôi, rồi đứng lên, kêu là đi uống nước, tôi cũng đứng lên, lặng lẽ bước theo nàng, chắc đám bạn chúng tôi giả vờ không nghe thấy, tiếp tục hò hát, tôi và nàng thẳng ra buội chuối phía sau nhà, cảnh đêm khuya đủ để cho tôi nắm lấy tay nàng, nhưng tôi đã vội vã rụt tay về ví có ngọn gió khuya bất chợt làm rung rinh tàu chuối, có thể là sự nghiêm túc của đám chuối sau nhà tôi đã làm cho tôi  và nàng khó khăn trong việc trò chuyện, nhưng bên nhà em thì chừng nào cày lại ruông bông, em cũng không biết nữa, cuối cùng chúng tôi cũng nói được, nhưng là chỉ nói về chuyện ruộng trồng bông vải, tôi biết bấy giờ tôi và nàng chưa đủ ngôn ngữ cho một tình yêu thực thụ, chỉ mới tình bông vải.

 

giã 9AM  16.9.2017

                                                                                                                                                                                                                                                                    

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.