lâm thượng địa chí [những tin tức về một ngôi làng ] – rừng trên

 

                     đất quê tôi nghe con gà gáy sáng thì thức dậy

 

ba mươi chứ không phải bốn mươi như nhiều người nói, ba mươi người làm nên một sự tích kỳ vĩ, làm ra đất nước non sông thì không kỳ vĩ là gì, không luận, chỉ tả, người đời trước tả cho người đời sau nghe, rồi người đời sau tả cho người đời sau nữa, cứ thế, gia phả của làng cứ thay đổi theo cách tả của mỗi thế hệ người làng, vóc dáng của đất nước non sông là nghĩ ngợi của toàn thể những con người đã sống ở trong nó, ở đây chỉ là chuyện Rừng Trên, ba mươi người đến Rừng Trên vào ngày tháng không thấy ghi trong bất cứ cuốn sử chính thống nào, tôi chỉ chép theo gia phả của làng, vào một ngày lũ voi, nai, gấu, cọp tranh nhau ăn cỏ lùng cỏ lát trên đồng Hóc, cái niên đại làm ra đất nước non sông không ghi theo năm tháng công nguyên, lịch tây, mà theo cách hành xử giữa các loài, trong khoảng vũ trụ mông mênh có đất, nước, cỏ cây, muôn loài, cách hành xử giữa những thứ ấy tạo ra một nhịp điệu có tính chất thi ca triết học hơn là diễn tiến thời gian, ba mươi người đến Rừng Trên vào lúc lũ voi, nai, gấu, cọp đang ăn cỏ lùng cỏ lát ở đồng Hóc, có nghĩa đấy là một trần thế không đa nguyên nhưng đa nguyên, một trần thế hiểu theo cách-là-như-thế, một bài thơ lịch đại, từ cái nôi loài người ở châu Phi, nếu đó là chuyện thật, con người cũng tỏa ra đi làm đất nước non sông theo cách ấy, cách của những con người đã có mặt ở Rừng Trên buổi ấy, cuộc dịch chuyển không thể nhìn theo lịch sử, mà theo lịch đại, tôi chỉ chép theo gia phả của làng, gặp nhau giữa cõi đời bao la rồi rủ nhau đi về phía ấy, phía của bất trắc luôn che chắn những trù tính, những hoài bão có thể bi phá hủy, cuộc dịch chuyển định mệnh, ngọn khói lam chiều đặc quánh những lo âu, sợ hãi, giữa những bước dò dẫm là cuộc quyết đấu với lo âu sợ hãi, giả đò cười nói với gai góc với chướng khí của núi rừng như thể lòng đang thanh thản, giả đò cười nói với đám thú rừng như thể đã quen thân nhau tự buổi hoang sơ, này, các bạn hữu của ta hãy dời xa một chút, một sáng mùa hạ, nắng đang thiêu đốt mặt đất, lũ voi, nai, gấu, cọp đang tranh nhau ăn cỏ lùng cỏ lát trên đồng Hóc, những người anh em xa xứ thầm nói với đám thú hoang vô tri trong nghĩ ngợi của mình, nhưng tình yêu cố xứ luôn là thứ sức lực trong công cuộc mở đất, bỗng một sớm mai trong những ngày tháng cam go, những người anh em xa xứ đã nhớ ra rằng, rừng đã lùi xa về phía trước, lũ thú hoang đã nhường đồng Hóc cho sự sống của lúa khoai, rồi bọn họ dắt nhau lên rừng nhảy nhót với lũ chim, tôi đọc gia phả của làng biết tổ tiên tôi yêu nhau trên đồng ruộng và hôn nhau trên rừng, biết chúng tôi là hậu duệ của một cuộc tình vĩ đại, và biết Rừng Trên sau đó được gọi là Lâm Thượng, tên xưa nhất của làng tôi nay còn được biết đến.

 

giã 11AM 30.7.2017

Leave a Reply

Your email address will not be published.