Đã đăng Ở miền đất ấy [1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14]
15/ Ở trạm thủy văn đo lũ kiệt chẳng thấy có người trực. Quả tình đã có một cuộc sống lẻ loi diễn ra nơi căn nhà xây bằng gạch, mái vách đều rêu phong, nằm trên bờ con sông Cái. Trước khi đến đây tôi có nghe nói trạm đo nước ấy xây tự thời thuộc Pháp. Nhà không có người, tôi không dám vào, chỉ đứng nhìn từ xa. Bếp nấu kê bằng đá núi ngay trước sân, có vẻ tro tàn lạnh lẽo. Còn nồi niêu chén đũa thì úp trên một tấm ván gỗ kê ở hiên hè. Rừng cây vắng lặng. Dòng sông vắng lặng. Tôi định đi tiếp, chợt có người thanh niên khoảng hai mươi tuổi từ dưới bờ sông bước lên. Anh tìm thầy em? Người thanh niên hỏi. Thấy anh ta tỏ ra như đã thân quen với mình, nên tôi cũng làm ra vẻ thân quen. Cậu học nghề thủy văn? Tôi hỏi vậy vì đoán thầy anh ta là người coi trạm thủy văn. Người thanh niên lắc đầu. Anh Kế trưởng trạm thủy văn về xuôi rồi. Anh ta nói. Vậy thì người coi trạm tên Kế. Còn thầy anh ta là kẻ khác. Thầy em cũng về xuôi? Tôi hỏi, cũng làm như mình quen biết thầy anh ta. Thầy em lên suối Rưng chiều tối mới về, mời anh vào nhà đi. Anh ta nói. Tôi liền theo chân anh ta. Có thể nói đó là một phòng trưng bày tranh tượng ở trên rừng. Trong lúc người thanh niên đi đun nước, tôi ngồi nhìn thử các thứ tác phẩm đang bày la liệt trước mắt. Tranh lớp treo, lớp cuộn. Còn tượng bằng đất thì nằm ngổn ngang trên nền nhà lót bằng gạch nung nhưng đã sờn tróc gần hết. Thầy trò của một họa sĩ nào đó ở nhờ nhà trạm thủy văn để sáng tác. Em học hội họa đã lâu chưa? Tôi gợi chuyện để biết người họa sĩ đó là ai. Người thanh niên rót nước sôi từ ấm nhôm ra mấy cái ly nhựa đặt trên tấm ván kê ở giữa nhà. Gần hai năm rồi. Nhưng lâu lâu cậu em lại bảo, thằng Nhiên, mày hãy về xuôi thôi, vì theo cậu khổ lắm. Anh ta nói. Như vậy, người thanh niên tên Nhiên, còn thầy dạy anh ta cũng là cậu của anh ta. Nhưng sao hôm nay em không lên suối Rưng với ông ấy? Tôi hỏi. Người thanh niên chợt nhìn tôi có ý dò xét. Tôi đoán là mình hỏi không hợp lúc, khiến anh ta có ý không bằng lòng. Nhưng rồi anh ta cũng trả lời câu hỏi của tôi. Thế là cậu cháu người họa sĩ đã bắt đầu thu hút sự chú ý của tôi. Như mọi hôm, bữa nay cậu Phác em cũng lên suối Rưng đãi vàng. Anh ta nói. Vậy là người họa sĩ tên Phác. Nhưng sao không đi vẽ, mà đi đãi vàng? Thế, trước khi theo học vẽ với cậu Phác, em đã làm gì? Tôi nghĩ, cứ tra vấn anh thanh niên tên Nhiên sẽ rõ mọi sự. Và quả nhiên, anh ta đã khai ra hết mọi thứ cho tôi nghe. Đã nuôi mộng làm họa sĩ tự lúc học lớp hai. Do là cô giáo phụ trách lớp bảo vẽ con bò, thì anh ta liền vẽ con bò, nên được khen là có năng khiếu. Suốt những năm học tiểu học, rồi trung học, anh ta vẫn vẽ. Lúc nào rảnh việc học, rảnh việc nhà, là lại vẽ. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Khi cha anh ta còn sống vẫn thường nói thế. Nên anh ta quyết nuôi mộng ấy suốt những năm còn ngồi trên ghế học trò. Thế là em đã thi vào đại học mỹ thuật, ra trường, thì đi vẽ với ông cậu? Tôi hỏi. Anh ta lắc đầu, bảo là mình không có duyên trường, nhưng lại có cái duyên là có ông cậu ruột, em mẹ, một họa sĩ đã nhận anh ta làm đệ tử. Nhưng cũng chẳng phải được làm đệ tử một cách đường hoàng. Anh ta đã phải trốn nhà ra đi. Quả tình là anh ta vẽ cũng khá nhiều. Đến lúc ấy anh ta mới mở các tranh vẽ ra cho tôi xem. Tranh về các con vật ở nông thôn. Tranh đồng ruộng, nhà cửa, cây cối. Có cả tranh về thần tiên. Đến lúc ấy tôi mới rõ những tranh treo ở trạm đo nước là do anh ta vẽ từ hồi mới tập vẽ đến lúc ấy. Gần hai năm lên đây, em đã chuyển sang nặn tượng. Anh ta nói. Tôi đã ở lại trạm đo nước để ăn cơm trưa theo lời mời của anh ta. Cho đến lúc ngồi ăn cơm trưa, anh ta cũng chẳng hề hỏi tôi lên rừng làm gì, và quen biết thế nào với thầy anh ta. Chỉ nói chuyện hội họa, rồi điêu khắc. Những con thú rừng nặn bằng đất sét đen lấy ở con suối ở đây là để bán ra nước ngoài. Cứ vài tháng là có một ông buôn đồ cổ lên đây. Cứ thế này, thầy trò em sống trên rừng bao lâu cũng được. Anh ta nói