những tin tức về một ngôi làng [chín]

9/ phải nói ngôi làng nơi tôi sinh ra là thứ  xứ sở luôn đậm đặc trong tình cảm của tôi, làng tôi, mấy từ ngắn ngủn nhưng có sức áp đảo trong nghĩ ngợi của tôi, cứ lắng xuống những hình ảnh, những liên tưởng, cho đến khi làm bật ra thứ ngõ ngách, những biến thể dịu dàng, xao động, như thể đang chạm vào vùng trinh tiết của vĩnh cửu, chỉ một chút hình bóng nào đó của đất đai thoảng lên trong trí nhớ cũng đủ để hình thành những nghĩ ngợi có tính cách sinh tử về ngôi làng nơi tôi sinh ra, tôi muốn nói đến tình yêu tôi đã dành cho nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, chúng, tình yêu ấy từng lúc lưu vào ký ức tôi, có vẻ như luôn chờ đợi tôi nói ra, bây giờ là tôi nói về hàng cây bông gòn trước ngõ nhà tôi [ở làng tôi, hồi ấy, dường như nhà nào cũng có hàng cây bông gòn trước ngõ] trắng những buổi ban mai chạy nhảy dưới bầu trời tháng sáu, một vùng tuổi thơ tôi gắn bó với hình ảnh hàng cây bông gòn trước ngõ, tháng sáu, hoa bông gòn bay trắng bầu trời trên sân vườn nhà tôi, hoa bông gòn chứ không phải hoa gòn, hoa gòn đậu thành trái bông gòn, tháng sáu trái bông gòn khô trên cây, nứt vỏ, bông gòn từ các khe nứt bay nhập vào bầu trời trên đầu tôi, hàng cây bông gòn trước ngõ nhà tôi là do tổ tiên tôi trồng tự những trăm năm trước vào thời đất nước tôi còn có vua, những cây bông gòn vươn lên bầu trời bình yên, rồi người ở kinh về theo lệnh vua, tháng sáu, những bao bông gòn trắng tinh sự minh bạch của một vùng đất được mang về kinh, một thời làng tôi đã làm ra thứ vật liệu để làm chăn gối cho vua, thuở ấu thơ tôi đã gối cùng thứ gối với vua, gối bông gòn, gối gối bông gòn vừa bú mẹ vừa nghe những bài hát đồng dao mẹ hát, cái gối bông gòn nằm đâu đó thật sâu trong ký ức tôi thi thoảng lại ngoi lên như người đưa tin, buổi ấy đất nước tôi nơi đâu cũng có bóng dáng lũ ngoại xâm, tôi là thiếu niên cứu quốc, hết thảy lũ cùng lứa tôi ở trong làng đều là thiếu niên cứu quốc, anh trai và chị dâu tôi là thanh niên cứu quốc, cha mẹ tôi là nông dân cứu quốc, cả làng cứu quốc, cả nước cứu quốc, những đêm trăng, lũ nhỏ cùng lứa tôi tụ tập ở sân nhà tôi để học ca hát, chị dâu tôi vừa hát vừa múa làm mẫu cho bọn nhỏ chúng tôi, có vẻ như chuỗi ngày thần tiên của một đoạn đời tuổi thơ, đây thái dương hồng sáng chiếu khắp nơibài ca cứu quốc [tôi không còn nhớ chính xác là sáng chiếu hay sáng chói] chúng tôi múa hát trên bóng hàng cây bông gòn trên sân, ánh trăng đêm như  cưu mang một cuộc chuyển động đầy tính sử thi, vang lên giữa những cơn gió đêm từ dưới giã thổi về mát rượi là những bài hát mơ hồ nhưng với bọn nhỏ chúng tôi lúc bấy giờ là rất thân thiết như bài hát ru của mẹ, rồi tôi lại phải xa hàng cây bông gòn trước ngõ, tôi đi học chữ ở trường huyện [sau khi cha tôi đã cho tôi thôi chăn bò và học xong chữ ở trường làng]  chiều thứ bảy về, chiều chủ nhật hôm sau lại đi, những đồng bạc cắt mẹ cho, ruột nghé gạo vắt ngang qua ngực áo [đồ đựng gạo bằng vải được may theo hình thù ruột một con bò nghé] tôi ra khỏi lòng mẹ đã mười mấy năm mà mỗi lần rời mẹ đi đâu đó là lại thấy lạc lõng, bơ vơ, mỗi chiều chủ nhật trở lại trường huyện là tôi lại khóc, nhà em có hàng cây bông gòn trước ngõ, tháng ba năm trước cây bông gòn ra hoa, kết trái, tháng sáu năm sau trái  bông gòn khô nứt trên cây, bông gòn tràn ra từ những kẽ nứt hóa thành những đóm hoa trắng muốt tấp vào niềm vui của em, nhưng khi đi học chữ ở trường huyện là em phải xa làng quê, xa mẹ, em đi, xóm làng và mẹ em khuất mất đằng sau những xóm làng khác, chỉ còn nhìn thấy đọt hàng cây bông gòn trước ngõ buồn bã in lên nền trời chiều, cũng chỉ trong chốc lát giữ được chút hình ảnh ngôi làng quê có mẹ em ở đó, thật sự là em đã khóc vì buồn nhớ mẹ…thầy giáo dạy văn khen tôi tả cảnh làng quê rất thật, khi nói cái gì mình thật lòng yêu mến thì sẽ thành văn chương, ông nói với lớp học của tôi, rồi gọi tôi lên đọc bài luận văn tôi viết cho cả lớp cùng nghe, một biến cố mang tính cách luận điểm văn chương đã diễn ra, thầy giáo dạy văn chỉ vào người tôi, và nói: em là một mảnh hồn của đất đai buồn, tôi không hiểu hết câu nói của thầy nhưng cảm thấy vui sướng như đang bay vào cõi thần tiên, nhưng liền sau đó thì thầy giáo dạy văn không còn dạy văn ở trường tôi nữa, thầy giáo dạy văn mới đã đến dạy văn ở lớp học tôi, chúng tôi rất muốn hỏi thăm về thầy giáo cũ nhưng rồi chẳng đứa nào dám hỏi, cũng không bao giờ nghe thầy hiệu trưởng của trường hay những thầy giáo khác nhắc đến người thầy đã khắc vào đời tôi hình ảnh của một vẻ đẹp ngoại lệ, rồi bom đạn chiến tranh đã cày xới làng tôi làm ngã đổ không biết bao nhiêu thứ, trong đó có hàng cây bông gòn trước ngõ nhà tôi, một ngày tháng sáu không còn những trái bông gòn khô rụng trước ngõ nhà tôi,  tôi đã gặp lại thầy giáo cũ của tôi, mấy chục năm thầy trò mới gặp lại, chúng tôi không thể nén được những giọt nước mắt, nhưng vì đâu hồi ấy thầy đã ra đi, tôi hỏi, theo cách nhìn lúc bấy giờ thì ca ngợi nỗi buồn là một khuyết điểm, thầy đã bị phê phán vì đã làm mất đi vẻ đẹp của công cuộc cứu quốc em à,  thầy tôi có vẻ đang cố nén nỗi đau của một vết thương quá lớn để nói cho tôi biết lý do ra đi lúc ấy của ông, có nghĩa  người ta đã cho là thầy sai lầm và không cho thầy tiếp tục dạy học, tôi hỏi, không sao đâu em, cuộc sống là vậy, đôi khi chúng ta rơi vào sự u tối lầm lạc nhưng cứ ngỡ đang văn minh tiến bộ, thầy tôi nhìn tôi vui vẻ nói, tôi có cảm tưởng lịch sử đã tặng cho tôi  những xáo trộn trong nhận thức, cứ thấy như mình đang khờ khạo bước giữa một thế giới mọi thứ đang rối tung lên.

 

giã 14PM  1/9/2017

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.