Đã đăng Ở miền đất ấy [1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12]
13/ Một ngày cuối đông có nắng nhạt. Núi rừng vẫn còn im vắng tiếng chim như những ngày có mưa. Tôi và ông Phưa đã ngồi lại ở một gộp đá cao nơi bờ suối Dang, nơi có thể nhìn thấy làng mạc, ruộng nương bốn phía. Con đường rừng từ làng Riềng sang trường học làng Dang trông tựa con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo bò qua bao nhiêu bến suối bao nhiêu mảng rừng cây. Đám học trò ở trường học làng Dang đang ra về. Từ ngày Liêu mất, ông Din hiệu trưởng phụ trách các trường học ở núi Đưng phải điều các cô giáo ở các trường làng khác thay nhau đến đó để dạy thay cho Liêu. Biết đâu con Liêu bị nước cuốn đến chỗ nào đó thì có người cứu sống. Ông Phưa nói. Từ ngày Liêu mất, tôi chưa nghe ai giả dụ như thế. Nhưng xưa nay, đã bao giờ xảy ra vậy chưa? Tôi hỏi thử. Ông Phưa bảo có, đấy là chuyện con gái ông Nua.
Do có đôi mắt sáng như mắt chim đa, nên Hơ Linh, con gái ông Nua, được người làng gọi là con chim đa của núi Đưng. Như ngày nào cũng có em ra vô trong nhà, thì có đi tận đầu nguồn cuối suối để tìm cho được mật con ong sinh sanh cho em chải tóc, anh cũng chẳng từ nan. Như ngày ngày có em ở trong nhà để anh
được nhìn đôi mắt sáng của em, thì dẫu sáng nhìn em chiều phải từ bỏ cõi đời, anh cũng bằng lòng. Đấy là những lời tỏ tình của lũ con trai trong làng. Nhưng cuối cùng Hơ Linh chỉ chọn được Din, chàng trai dũng mạnh của núi Đưng. Lúc xây nhà ở cho vua, mỗi mình Din lãnh việc mang đá núi để làm nền nhà. Lúc xây đập chắn nước trên suối Riềng, cũng mỗi mình Din lãnh việc đi lấy đá núi để làm bờ chắn. Lũ voi tự dưng xuống phá lúa ở các nương rẫy. Din bảo đừng lo. Đêm mỗi mình Din leo lên cành cây cao chỗ gần các nương rẫy, để chờ. Hãy trở lại chốn núi cao đi thôi. Din nói, lời anh nói dội vào các vách núi. Lũ voi cuốn cuồn bỏ chạy. Hỡi chàng trai dũng mạnh của rừng núi Đưng, nếu đã thật lòng thương con Hơ Linh, con gái ông Nua, thì hãy đi lấy lá khư trên núi Đưng về làm đèn hoa để đốt trong ngày cưới. Người làng khuyên. Lá khư đem phơi khô, rồi gói trong vải, đem đốt thì thành đèn hoa. Hơ Linh bảo là sẽ đẻ cho Din những đứa con trai cũng dũng mạnh như cha nó. Nhưng chưa kịp đẻ thì lũ người không có ống máu kéo tới núi Đưng. Din cầm đầu lũ trai tráng trong nước để chống giặc. Mỗi lần Din giương cây cung lên thì lũ người không có ống máu ngã hàng đàn. Nhưng lập tức bọn chúng lại đứng lên, tiếp tục xông lên làm công việc chém giết. Cho đến khi Din ngã xuống vì máu ở cánh tay anh chảy nhiều quá, thì thấy đám người không có ống máu đã bị trúng tên của anh vẫn còn sống. Lũ người ấy đã ném xác Din xuống suối Riềng. Đang mùa nắng mà tự dưng suối Riềng đầy nước. Hơ Linh bị lũ người không có ống máu đuổi bắt, cũng nhảy xuống suối Riềng. Khi tỉnh lại thì thấy Din đang ẵm mình đứng ở bờ con sông đầy nước. Đây là chốn nào? Hơ Linh hỏi. Din bảo đấy là nước Thường.
Tôi hỏi ông Phưa có phải người không có ống máu còn gọi là người Xoát hay không. Ông Phưa kêu phải, và hỏi làm sao tôi biết được. Tôi nói là Liêu đã kể đoạn sử Giót đó cho tôi nghe. Phải, đó là chuyện lấy ở trong Giót. Ông Phưa nói. Và hỏi tôi có biết nước Thường ở đâu không. Tôi nói là mình có nghe Liêu nói nước ấy rất xa cõi trần gian, chỉ vào thời cổ sơ mới có người đến được. Ông Phưa hỏi thời cổ sơ là thời nào, và vì sao chỉ thời ấy mới có người đến được nước Thường. Tôi nói thời ấy xảy ra đã lâu lắm, và đã xảy ra ở chỗ chúng ta đang ngồi đây, gọi là thời văn minh núi Đưng. Ông Phưa lấy thuốc lá nhồi vô ống điếu, hút mấy hơi liền, rồi hỏi tôi liệu mai kia người núi Đưng có đến được nước Thường hay không. Tôi nói là tôi chỉ biết, như sử Giót nói, có một nền văn minh đã bị chôn vùi bên dưới mặt đất, bên dưới chỗ ông ấy đang ngồi hút thuốc lá bằng ống điếu, còn mai kia người núi Đưng có đến được nơi đó hay không thì tôi chẳng rõ.