ở miền đất ấy [31]


Đã đăng Ở miền đất ấy
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20][21][22][23][24][25][26][27][28][29][30]

 

31/ Tôi cứ đọc đi đọc lại mãi những đoạn sử Giót đã chép được qua lời kể của Liêu. Con người sinh ra từ Giót rồi lại trở thành Giót, thần sinh ra người rồi người lại trở thành thần, có phải là cuốn sử ấy muốn bày ra một thứ thuyết lý kỳ dị để bắt người đời sau phải ngẫm nghĩ? Tôi có ngẫm nghĩ nhiều về sử  Giót. Nhưng chủ yếu là cố tìm trong thứ sử văn đầy ẩn dụ ấy những biến cố nào những đoạn sử nào là nơi ẩn náu trái tim của người con gái ấy. Tôi bỏ trở lại làng Riềng lần ấy với niềm đam mê có phần hơi quá sức như thể để lấp đầy sự trống vắng khi không còn có Liêu. Hầu như ngày nào tôi cũng đi, hết làng Riềng lại sang làng Dang làng Mung làng Mừa, hỏi han những ông bà cụ biết hát Giót, nghe hát xong, lại đi. Gặp cả ông Din hiệu trưởng để học hỏi thêm về tiếng nói của người núi Đưng. Tôi đã tìm ra được cuộc hành trình tiếp theo của mình là được đi lại trên những con đường rừng Liêu đã từng đi, được nhìn thấy từng ngày những núi non trùng điệp dưới bầu trời như lúc nào cũng có màu khói. Cuộc hành trình tôi đặt ra cho mình ngày ấy coi như đã mất hút tận cõi lãng quên. Tôi thực sự say đắm một cuộc đi, ở một nơi, tôi cho là đã diễn ra một cuộc tình.  Cứ gì anh mà già như ta cũng còn say đắm cõi trần gian này. Ông già họa sĩ Phác đang đãi cát ở suối Rưng nói làm tôi giật mình. Chỗ ông ấy ngồi đãi cát là đáy của một con thác, nước khô cạn từ lâu. Tôi nhìn vào mắt người họa sĩ già, và im lặng. Ta biết thế nào anh cũng trở lại. Ông Phác vừa nói, vừa bước lại chỗ để đồ đạc của mình, lấy từ túi xách ra một  viên sỏi màu đỏ. Ta đến vùng núi rừng này đã hơn ba năm, bữa đầu tiên  vào trú ở trạm đo nước, người phụ trách trạm chuyện trò với cậu cháu ta như những người thân đi xa vừa gặp lại, nhưng đến khi thấy chỉ mỗi thằng cháu ta vẽ, còn ta xuống sông Cái, rồi lên suối Rưng, đãi cát tìm vàng, anh ta bắt đầu  xa lánh ta, ban ngày cậu cháu ta nấu cơm ăn ngoài trời, đêm mắc võng nằm ở vòm cây sau trạm đo nước, hơn ba năm ở vùng núi rừng này ta gặp đủ hạng người, thợ rừng dưới xuôi lên đốn gỗ trộm, các vị hảo háng đi tìm trầm, bọn họ ngang qua chỗ ta mồi điếu thuốc, hay xin miếng nước, rồi đi, chẳng ai hỏi ta đang làm gì, dù chỉ nửa câu, cho đến hôm có người đến chỗ ta xưng là nhà khảo cổ, gần cả ngày ta chỉ nghe ông nói, về các loài sinh vật thời thái cổ, về những hóa thạch người, về những con nòng nọc đứt đuôi thế nào để thành ếch nhái, lúc mặt trời sắp tắt ông  hỏi ta đang làm gì, ta nói là đãi cát tìm vàng, ông nhà khảo cổ tỏ ra thất vọng, rồi lẵng lặng ra đi, ta nhìn lên nửa vầng mặt trời còn lại trên đỉnh núi, lẵng lặng nhặt một viên sỏi đỏ cất vào ba lô, ta đã dành cho ông nhà khảo cổ một viên sỏi đỏ, nhưng qua hôm sau ta  trả lại cho suối Rưng, bỡi trong đêm, nằm ở sau trạm đo nước, ta đã nghe người phụ trách trạm với ông nhà khảo cổ bảo ta là lão già điên khùng, sau những ngày sống như kẻ xa lạ với loài người ở chốn núi rừng này, ta bỗng nảy ra cái ý muốn xem thử có còn kẻ nào trên đời này đến trò chuyện với ta không. Ông Phác nói, mắt vẫn không rời viên  sỏi đỏ trên tay. Nhưng cho đến nay thì bác đã cất giữ được bao nhiêu viên sỏi như thế? Chỉ mỗi  viên dành cho anh. Ông già họa sĩ nói, và bỗng ngưng việc đãi cát. Có bao giờ anh trông thấy một dòng sông luôn khô cạn, hay một mùa đông bất tận? Tôi  bảo về  mùa đông quả không phải là thế, nhưng dòng sông chẳng những khô cạn, mà sau một biến cố nào đó, có thể trở thành đất bằng. Biến cố ư, nếu do con người làm, lại là chuyện khác, còn như không phải do con người, thì trở thành đất bằng đâu phải là khô cạn, đấy chỉ là cách thế khác của tồn tại, cách thế khác của cuộc đắm say của tồn tại, không còn đắm say là sắp đi vào cõi hủy diệt. Tôi chẳng hiểu hết lời ông nói, nhưng cảm thấy vô cùng hân hoan. Nhưng từ ngày lên đây bác đã tìm được thứ bác tìm kiếm chưa? Tôi  hào hứng hỏi. Chưa, nhưng ta nghĩ là sẽ tìm được. Ánh mắt ông Phác chợt tối sầm. Hôm ấy là mưa suốt ngày, nước con sông Cái lên rất nhanh, người coi trạm đo nước đã về xuôi, mưa quá, cậu cháu ta đã dọn cả các thứ tranh tượng vào nhà đo nước, thằng cháu ta vẫn ngồi đăm mắt vào bức tranh vẽ dở, ta ra bờ sông nhìn cột đo nước lúc trời tạnh mưa, một trăm bảy mươi lăm, rồi một trăm chín mươi sáu milimet,  nhìn con nước lũ đang hung hăng điên cuồng, ta lại nghĩ đến cuộc đối đầu với tự nhiên của con người, các vị thần trên trời không còn thống trị được con người, còn con người thì như đang lăm le làm bá chủ tự nhiên, nhưng tự nhiên thì cứ thản nhiên, làm như không nghe thấy, nửa đêm hôm ấy, làm như không biết có cậu cháu ta đang trú ở trạm đo nước ấy,  nước con sông Cái đã tràn vào nhà trạm, cuốn hết những tác phẩm của thằng cháu ta, cả tranh vẽ núi sông, cả tượng gấu tượng voi, tượng cua cá, chỉ phút chốc đã trở về với trời đất, chẳng lẽ cứ ngồi chòm hỏm thức trên nền nhà xăm xắp nước, cậu cháu ta đã quyết định phải đấu lưng lại mà ngủ, vào khoảng gà gáy lần đầu, nước sông Cái lại tràn vào nhà trạm một đợt nữa, kéo theo xác một thiếu nữ, quần áo của cô ta đã bị nước lũ xé rách, gần như đang trần truồng, đừng  sợ, đây là nhà trạm đo nước, còn ta từ dưới xuôi lên đây đãi cát tìm vàng, ta nói khi nhận ra  thiếu nữ vẫn còn sống, cô gái liền ngồi dậy trước mặt ta, chẳng hề tỏ  e thẹn, nhờ có sấm chớp liên hồi, ta đã nhìn rõ được cô gái, thì ra chẳng phải áo quần bị nước lũ xé rách, một thứ xiêm y ta chưa hề trông thấy, chiếc yếm lóng lánh như hạt móc đỡ lấy đôi bầu vú căng đầy, không phải là hoa, mà như là bụi mưa trải lên mái tóc dài tận bờ vai, đừng nhìn em thế, đây là cơ duyên, cô gái nói, ta vừa vui vừa sợ, không phải bị lũ cuốn, mà cô gái theo cơn lũ đi rong chơi, lần rong chơi này em muốn lưu chút vết tích ở trần gian, cô gái nói, giọng háo hức, có phải là vua chốn thủy cung, thưa nữ chúa, ta mạnh dạn hỏi, đừng gọi thế, dẫu là vua em cũng là thân con gái, hãy hôn em đi, thiếu nữ nói xong những lời ấy, liền xích sát vào ta, ta bàng hoàng ôm chầm lấy người con gái chốn thủy cung, hôn lên vầng ngực thơm mùi biển, rồi lịm đi trong niềm hân hoan có lẫn nỗi sợ hãi, chính là lúc ta nhớ ra là ta đã lịm đi, thì lại nhận ra là người con gái đang tựa vào lưng ta mà ngủ, ta có nghĩ đến cát sỏi, nghĩ đến giá vẽ, hộp màu, rồi lại thiếp đi trong mùi thơm của biển, con lũ trên sông Cái đã rút từ lâu, nhưng nền nhà trạm đo nước vẫn còn loang loáng nước, thằng cháu ta ngủ rất ngon, vẫn tựa vào lưng ta mà ngủ. Như thế là bác đã tìm thấy vàng ở trong cát, tôi nói. Quả tình là tôi đang bị kích động bỡi câu chuyện kể. Ông Phác lại thẩn thờ nhìn lên vách con thác. Thì đấy cũng chỉ là một cách tự huyễn hoặc mình. Ông nói.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.