những tin tức về một ngôi làng [một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám]

 

 

                     đất quê tôi sáng nghe con gà gáy thì thức dậy

 

1/những thứ khác có thể không có, nhưng chim khuốc thì nhất định phải có trong sử làng, tôi đang viết sử làng, cha tôi cũng không ngờ có ngày tôi lại viết được sử làng, có những giấc mơ như ảo ảnh, như huyễn mộng, nhưng lại làm cho con người ta thấy yêu cuộc sống này hơn, rồi chim sẽ trở lại núi Mun con à, cha tôi nói với tôi, có vẻ thao thiết, tự tin, lúc tôi đi theo ông tập làm nghề rừng ở núi Mun, chưa có gì cả, chỉ là giấc mơ, tôi đi núi Mun, qua khỏi dốc ông Thà là đến suối Ràn, lũ chim khuốc chỉ uống nước suối Ràn rồi bay đậu trên đám cây du ở hai bên bờ suối, rồi bay đi kiếm thức ăn, rồi tối lại bay về đậu trên đám cây du, cha tôi nói với tôi lúc tôi theo ông vào núi Mun để tập làm nghề rừng, ký ức có vẻ như sắp trở thành những trang viết, nhưng vì  đâu chim khuốc  chỉ uống nước suối Ràn mà không uống nước các con suối khác, lúc bấy giờ tôi theo gạn hỏi cha tôi, uống nước suối Ràn thì tiếng hót của chim trong như tiếng suối chảy ở nơi đâu cũng nghe thấy con à, cha tôi nói vẻ thành thạo như một nhà điểu học, mà đã bao giờ cha nghe chim khuốc hót chưa, chưa, chỉ nghe ông nội con kể lại còn ông nội thì nghe ông cố con kể lại, cuộc chuyện trò giữa hai cha con tôi mang dáng dấp câu chuyện cổ tích…những trăm năm trước chim khuốc vẫn hót cho tổ tiên tôi nghe, tổ tiên tôi những người cày ruộng ở đồng Hóc và đi lấy gỗ rừng hái trái cây rừng  ở núi Mun, nghỉ công việc ở đồng Hóc thì  vào núi Mun, sáng vào núi, chiều trở về làng, đôi khi lại phải nằm đêm lại trong rừng, rừng cũng là nhà, cuộc chuyển động của cơm áo mang dáng dấp câu chuyện cổ tích, cha tôi đi cày và làm nghề rừng thì anh em tôi cũng đi cày và làm nghề rừng, một thế giới quan đã yên định trong nghĩ ngợi của cha tôi và của người làng tôi, tôi hết theo cha học cày ở đồng Hóc lại theo cha vào núi Mun học làm nghề rừng, những buổi sáng trong rừng có tiếng chim hót, có tiếng suối chảy, hóa ra, vào thời tuổi trẻ của mình, tôi đã không biết là đã được cha tôi dẫn tôi trở về thời hái lượm lung linh  nắng gió, hóa ra tôi đã không biết loài chim là loài giống rất yêu cuộc sống của mình, cứ thấy có ánh mặt trời là chúng bắt đầu ca hát, nghe chim khuốc hót đang leo lên dốc ông Thà cũng thấy hết mệt con à, cha tôi lại nói với tôi về chim khuốc, nói nhiều lắm, rồi cha con tôi đi đẽo bắp cày, đẽo trạnh cày, rồi chim khuốc sẽ về thôi con à, có chim khuốc về thì lũ chim núi Mun ca hát suốt ngày, rồi cha tôi lại nói về chim khuốc cho tôi nghe, sự dịch chuyển của chim khuốc trong nghĩ ngợi cha tôi cũng mơ hồ như chuyện đi tìm đất mới của con người thời tiền sử, tôi đi núi Mun, qua khỏi dốc ông Thà là đến suối Ràn, tôi chọn đi vào mùa thu là để nghe được sự chuyển động của núi rừng, lá úa, buồn, đám lá rừng đang chuyển màu, biểu hiện của ảm đạm, đang rụng xuống trong nghĩ ngợi của tôi những hình ảnh về tiêu vong và hồi phục, chiếc lá chết lại biến thành thi ca mùa thu, trong lúc tôi nghĩ ngợi về sự rắc rối của cuộc tuần hoàn thì nhất định phải có ai đó, có lẽ là đông lắm, đang sống trên mặt đất này với những giấc mơ, tôi đi núi Mun theo giấc mơ tổ tiên tôi để lại, chưa có gì cả, chỉ là giấc mơ, mùa thu ở suối Ràn có tiếng va chạm giữa những nỗi niềm của đám cua cá trên dòng suối, nghìn năm đám cua cá vẫn sống với những rong rêu rã mục nơi bờ suối, một bóng mây bay, hay bóng một con chim trời nơi dòng suối, biết đâu có thể là giấc mơ lãng tử của lũ cua cá, và ai biết, bờ đá có vẻ lặng câm, không nói, lại đang ấp ủ rất nhiều những nỗi niềm, tôi chợt thấy vụt qua ký ức mình một thứ gì đấy, khắc khoải và hoang vu, như là bóng chim, rồi cứ mường tượng, một cách không cưỡng nổi, một cách vô cùng náo nức, tiếng hót của chim khuốc: rừng Mun…rừng Mun.

 

2/ba mươi chứ không phải bốn mươi như nhiều người nói, ba mươi người làm nên một sự tích kỳ vĩ, làm ra đất nước non sông thì không kỳ vĩ là gì, không luận, chỉ tả, người đời trước tả cho người đời sau nghe, rồi người đời sau tả cho người đời sau nữa, cứ thế, gia phả của làng cứ thay đổi theo cách tả của mỗi thế hệ người làng, vóc dáng của đất nước non sông là nghĩ ngợi của toàn thể những con người đã sống ở trong nó, ở đây chỉ là chuyện Rừng Trên, ba mươi người đến Rừng Trên vào ngày tháng không thấy ghi trong bất cứ cuốn sử chính thống nào, tôi chỉ chép theo gia phả của làng, vào một ngày lũ voi, nai, gấu, cọp tranh nhau ăn cỏ lùng cỏ lát trên đồng Hóc, cái niên đại làm ra đất nước non sông không ghi theo năm tháng công nguyên, lịch tây, mà theo cách hành xử giữa các loài, trong khoảng vũ trụ mông mênh có đất, nước, cỏ cây, muôn loài, cách hành xử giữa những thứ ấy tạo ra một nhịp điệu có tính chất thi ca triết học hơn là diễn tiến thời gian, ba mươi người đến Rừng Trên vào lúc lũ voi, nai, gấu, cọp đang ăn cỏ lùng cỏ lát ở đồng Hóc, có nghĩa đấy là một trần thế không đa nguyên nhưng đa nguyên, một trần thế hiểu theo cách-là-như-thế, một bài thơ lịch đại, từ cái nôi loài người ở châu Phi, nếu đó là chuyện thật, con người cũng tỏa ra đi làm đất nước non sông theo cách ấy, cách của những con người đã có mặt ở Rừng Trên buổi ấy, cuộc dịch chuyển không thể nhìn theo lịch sử, mà theo lịch đại, tôi chỉ chép theo gia phả của làng, gặp nhau giữa cõi đời bao la rồi rủ nhau đi về phía ấy, phía của bất trắc luôn che chắn những trù tính, những hoài bão có thể bi phá hủy, cuộc dịch chuyển định mệnh, ngọn khói lam chiều đặc quánh những lo âu, sợ hãi, giữa những bước dò dẫm là cuộc quyết đấu với lo âu sợ hãi, giả đò cười nói với gai góc với chướng khí của núi rừng như thể lòng đang thanh thản, giả đò cười nói với đám thú rừng như thể đã quen thân nhau tự buổi hoang sơ, này, các bạn hữu của ta hãy dời xa một chút, một sáng mùa hạ, nắng đang thiêu đốt mặt đất, lũ voi, nai, gấu, cọp đang tranh nhau ăn cỏ lùng cỏ lát trên đồng Hóc, những người anh em xa xứ thầm nói với đám thú hoang vô tri trong nghĩ ngợi của mình, nhưng tình yêu cố xứ luôn là thứ sức lực trong công cuộc mở đất, bỗng một sớm mai trong những ngày tháng cam go, những người anh em xa xứ đã nhớ ra rằng, rừng đã lùi xa về phía trước, lũ thú hoang đã nhường đồng Hóc cho sự sống của lúa khoai, rồi bọn họ dắt nhau lên rừng nhảy nhót với lũ chim, tôi đọc gia phả của làng biết tổ tiên tôi yêu nhau trên đồng ruộng và hôn nhau trên rừng, biết chúng tôi là hậu duệ của một cuộc tình vĩ đại, và biết Rừng Trên sau đó được gọi là Lâm Thượng, tên xưa nhất của làng tôi nay còn được biết đến.

 

 

3/việc chúa Nam Hà có đến đất Rừng Trên hay không chẳng còn quan trọng, bỡi cuối cùng đã hình thành một câu chuyện đẹp, hơi ký bí, và có sức lan tỏa đến tận những tâm hồn khô cạn.

 

nghe có bước chân khách đường xa, đất Rừng Trên thức dậy, bấy giờ không phải chỉ toàn là rừng, cây đằng trên núi Mun đã về đứng trước ngõ nhà ai, con chim khắc trên núi Mun đã học được giọng nói con người, khách lạ dừng chân dưới bóng đằng, nhìn ngó hơi ngần ngại, dường có cả thảy ba người, bắt đầu có tiếng chó sủa, tiếng chào hỏi của chim khắc, bắt đầu có sự giao thiệp giữa cư thôn heo hút với kẻ bên ngoài, không ngờ sự giao thiệp có vẻ chẳng có gì để nói lại để lại cho giấy bút những dấu ấn sâu thẳm của chữ nghĩa.

 

em, của đất phương nam, con chim khắc của đất phương nam, bước đi mỗi bước thấy hoa đằng nở, bước đi mỗi bước thấy được vết khắc trên lá, có ai đến đây những năm tháng trước đánh dấu trên lá rừng, tín hiệu của chờ đợi, ai, tự hôm mới đến ta đã thử  đi hỏi con suối Ràn, em đang giặt áo trên suối Ràn, hoa đằng đang trôi trên con nước chảy, những đám mây đang trôi trên con nước chảy, những xác lá đang trôi trên con nước chảy, nhưng hết thảy những thứ đang trôi ấy đều trở nên thứ yếu, một cuộc tình đã diễn ra trên mặt đất.

 

người kể chuyện đã nghe được những nỗi niềm của  người khách mặc áo gấm cũ.

 

hóa ra những vị khách đường xa là người cùng một nhà, từ phương bắc đến, người chủ mặc áo gấm cũ phong nhã như một bậc thượng lưu, hai kẻ tùy tùng lưu loát như những tùy viên của một sứ quán, lập tức người Rừng Trên xem những khách lạ như những sứ giả của trời, bọn họ đi nói với người Rừng Trên rằng đồng Hóc phải có lúa cấy, chỗ trũng làm lúa cấy, chỗ cao trông cây bông vải, bọn họ đi nói với người Rừng Trên rằng làng phải biết trồng cây bông vải để tự  dệt vải mặc, đàn ông con trai đi đắp đập giữ nước ở suối Ràn, đàn bà con gái tập kéo sợi, dệt vải, cuối cùng người Rừng Trên có lúa  thóc đầy bồ, đêm đêm có tiếng hát của đám con gái kéo sợi.

 

em đã nhìn thấy trong mắt anh những nghĩ ngợi của em, những nghĩ ngợi chưa bao giờ nói ra, nhưng em đã nhìn thấy trong mắt anh, đêm nằm nghĩ đến anh, cứ thấy như có sấm chớp đầy trời, những vang động, những ám ảnh về những chuyến ngang qua niềm âu yếm, và lửa bắt đầu đốt cháy giữa lòng em, lửa, trong lòng em là đang có lửa.

 

người kể chuyện đã nhìn thấy ngọn lửa tình yêu đang nung đốt người thiếu nữ  Rừng Trên.

 

việc ai trong chín vị chúa Nam Hà đi làm công việc qui dân lập ấp ở Rừng Trên, và việc ấy có thật hay không,  chẳng còn quan trọng, bỡi qua những thế kỷ đau thương, một cuộc tình ngọc bích kim cương đã hình thành trong nghĩ ngợi của người làng tôi.

 

dẫu một đêm thu, hay nghìn đêm thu, cũng thế, ta và nàng đã như hai sinh thể quyện nhau thành một cõi nghìn năm, đêm mùa thu, nơi bờ suối Ràn, hết thảy lũ sao trời đều nhìn thấy, khách mặc áo gấm cũ đã trở lại Rừng Trên nói với người Rừng Trên, nhưng nàng đã ra đi tự mùa thu trước, đi tìm người đã để lại cho nàng giọt máu tinh anh, một cuộc lưu lạc vĩ đại nhất trong những lưu lạc.

 

người kể chuyện nói.

 

những thế kỷ cứ trôi qua, tro than, và thống khổ, các triều đại rồi cứ rã tan vào niềm  lãng quên, nhưng người làng tôi vẫn cứ chờ đợi một người sẽ trở về làng mình: hậu duệ mấy mươi đời của một cuộc tình mây nước, người ấy sẽ về thôi.

 

 

4/làng vẫn chờ đợi những tin tức tốt lành đến từ phía thế giới rộng lớn, luôn chờ đợi, một ánh mây buổi sớm mai, sáng ra thấy phương đông có màu mây khác lạ, hoặc toàn mây vàng, hoặc toàn mây đỏ, những tín hiệu của mưa nắng luôn là những tin tức gây chấn động, nắng hạn và mưa bão, những thứ có làm chao đổ mảnh nhân gian nhỏ bé, từ lúc lập đất cho đến lúc tôi có thể viết được địa chí, làng tôi vẫn là mảnh nhân gian nhỏ bé nhưng lại luôn giấu trong nó toàn bộ những hoài bão loài người vẫn sở hữu, muốn nhìn thấy, chỉ một ngày thôi, một ngày sáng thức dậy không còn phải lo toan chuyện cơm áo, ở làng tôi, người lớn, sáng mở mắt ra là bắt đầu lo toan, một nhịp điệu tàn nhẫn tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở làng tôi, sáng ra, người cha vác cây cày ra ruộng trong nghĩ ngợi luôn có sẵn những hình ảnh được lưu giữ tự thuở cha ông, chẳng phải chuyện dời núi lấp biển, mà bồ thóc còn đủ ăn bao nhiêu tháng, hay con bò cái kéo cày chừng nào đẻ, con bò cái mà đẻ thì thiếu vai cày, cuộc đời nhỏ tựa con giun, con giun xoay xở ở bên dưới mặt đất, những người cày ruộng ở làng tôi thì xoay xở ở bên trên mặt đất, tôi hàm ơn những nghĩ ngợi của các bậc cao thâm về cuộc chuyển động của thế giới, những triết học về tồn tại của các vị mô tả được những giọt nước mắt trần thế, nhưng cho đến lúc tôi có thể viết được địa chí của làng, những người cày ruộng ở làng tôi vẫn là những con giun đang xoay xở ở bên trên mặt đất, dẫu có vẻ đang được thế giới đương đại trang bị cho những kiến thức của văn minh đương đại, đi cày, và ngày ngày nghe thấy những chuyện của thế giới, cách nghe thấy như thể không nghe thấy cũng không được bỡi ngày ngày là có bao nhiêu những tin tức được loan truyền qua bao nhiêu phương tiện hiện đại, có vẻ như đang rành chuyện người khác, còn chuyện của mình, những số phận, những cuộc đời, không phải được định đoạt bằng định mệnh như nhiều người tưởng lầm, mà bằng những tương quan khốc liệt, bi thảm, và tro than, con người và đất đai của tự nhiên, con người và những thể chế của xứ sở, con người và cái thế giới có vẻ như là đang bày ra rõ ràng trước mắt nhưng thật ra là không thể hiểu nổi, lịch sử đôi khi lại ngưng lại, chậm lại, ở một vài nơi nào đó như trò đùa tàn nhẫn, làng tôi là một ví dụ, con người trong thế giới như thể  một cuộc chơi kỳ cục, thế giới có vẻ như đang thu nhỏ lại trong chữ nghĩa để dễ nhìn thấy, giống như bưổi ấu thơ của tôi, thế giới là toàn bộ những gì tôi nghe thấy được ở trong làng, đêm, mẹ tôi lại dẫn tôi ra hiên hè ngồi nhìn những ngọn lửa của những người đốt than đêm trên núi Mun, bấy giờ thì thế giới đối với tôi đã được nới rộng cho đến tận dãy núi phía nam làng, lửa của cha con đấy, mẹ tôi nói, giọng mệt mỏi, nhưng tôi nào chú ý đến chuyện ấy vì đang háo hức được nghe mẹ kể chuyện cổ tích, cha con vào núi thì hóa thành ngọn lửa phải không mẹ, tôi nói theo cách thích thú của một đứa trẻ đang rơi vào câu chuyện cổ tích, tôi đang nghĩ về những chuyện đương đại của làng tôi thì sực nhớ câu chuyện cổ tích về cha tôi.

 

 

5/có vẻ như tôi đã chuẩn bị những bài học lịch sử cho mình từ lúc tôi còn là một đứa bé lên chín, chín tuổi tôi vẫn chưa được đi học chữ vì còn phải giúp cha tôi chăn dắt mấy con bò cày, ở trong làng, những đứa cùng tuổi tôi đều phải chăn bò, khởi đầu sự nghiệp chúng tôi là những ngày tháng vi vút của một anh mục tử lòng trống trơn như trang giấy trắng, bấy giờ chiến tranh đang xảy ra trên đất nước tôi, cuộc chiến tranh do thực dân Pháp gây ra, có điều là xảy ra ở đâu đó thật xa, còn làng tôi vẫn bình yên, ở làng tôi thấy người lớn lo đào hầm để chuẩn bị tránh máy bay Pháp oanh kích, con trai tới tuổi thì vào lính, mỗi lần nghe người lớn bàn luận về các cuộc chiến tranh xưa nay trên thế giới, những cuộc chiến có tên là bộ binh, hay kỵ binh, đối với chúng tôi bấy giờ tựa chuyện cổ tích, khi hiểu ra cuộc chiến kỵ binh là cỡi ngựa đánh nhau chúng tôi thích thú vô cùng, người ta cỡi ngựa thật đánh nhau còn chúng ta cỡi ngựa cỏ đánh nhau có được không, được chứ sao không, chúng tôi đưa ra vấn đề, rồi toàn thể đám chăn bò ở trong làng đi đến quyết định phát động một cuộc chiến kỵ binh, một trò chơi mới mẻ dựa trên thứ kiến thức mơ hồ học được từ người lớn, ngựa kết bằng cỏ, ngựa cỏ, niềm đam mê vốn sẵn có của chúng tôi bỗng được nâng lên thành câu chuyện quan trọng, cuộc chơi của chúng tôi có vang dội hay không là tùy thuộc vào đám ngựa cỏ, mùa xuân, lũ chim dộc gọi tình trên những cây thị tàng lá sum suê ở trong làng, mùa xuân là mùa động tình của chim dộc, lũ chúng tôi phát động cuộc chiến vào mùa xuân năm trước và dự định mùa xuân năm sau thì bùng nổ, người hùng kỵ binh sẽ xuất hiện vào mùa xuân năm sau, ai, người hùng kỵ binh sẽ rơi vào tay đứa nào trong lũ chúng tôi, niềm háo hức của chúng tôi chẳng kém lũ chim dộc động tình, em hãy về với tôi đi một mai làm vang dội xóm làng, tôi có thể mô tả tâm trạng tôi lúc bấy giờ là như thế, tôi mơ về bầy ngựa cỏ sẽ làm cho tôi trở thành người hùng của cuộc chiến, về khoản phân bố cây cỏ thực vật cho làng tôi thì có vẻ như thiên nhiên biết trước có ngày bọn chăn bò chúng tôi sẽ dùng đến cỏ đế, giống cỏ thân cộng cao thẳng mọc khắp nơi, cỏ đế mọc ở hai bên bờ sông Tượng, con sông phát nguyên từ núi Mun, cỏ đế mọc thành từng đám chen trong rừng Mun, đám chăn bò chúng tôi ngày ngày cứ việc  thả bò vào rừng Mun để lũ bò gặm cỏ còn lũ chúng tôi thì túa ra đi lấy cỏ đế để thắt ngựa chiến, mỗi đứa trong chúng tôi đều có căn cứ riêng, hoàn toàn bí mật, để cất giấu ngựa chiến của mình, không một ai trong làng biết chúng tôi đang phát động một cuộc chiến phải nói là hết sức qui mô, khi bắt đầu đi lấy cỏ đế thắt ngựa chiến thì chúng tôi bắt đầu xem nhau là đối thủ trong cuộc cạnh tranh một mất một còn, ai, người hùng kỵ binh sẽ thuộc về ai, câu hỏi luôn nung nấu lòng tôi, tôi luôn mơ về ngày tôi chiến thắng, thấy tôi có vẻ đang giấu diếm niềm vui nào đó, mẹ tôi theo gạn hỏi, tôi nói dối rằng mùa xuân năm nay cỏ ở rừng Mun rất tốt, đôi bò cày nhà mình mập trông thấy rõ, mùa xuân, đám cỏ đế trỗ bông tạo thành những đám cờ hoa trắng rừng, thấy cờ hoa là thấy cỏ đế, bông cỏ là để làm bờm ngựa và đuôi ngựa, những con ngựa chiến rất oách luôn kích thích nghĩ ngợi của tôi, lúc ăn cũng nghĩ về ngựa, lúc ngủ cũng nghĩ về ngựa, cuộc sống thiếu thốn và đầy bất trắc lúc bấy giờ như chẳng thể tác động lên cuộc đời những anh chăn bò lãng tử, mùa xuân năm sau cuộc chiến sẽ bùng nổ, đâu phải để đánh nhau, ngựa cỏ thì làm sao cỡi để đánh nhau, mà để coi đứa nào có nhiều ngựa nhất, đứa có nhiều ngựa nhất là người hùng của cuộc chơi có vẻ vĩ đại nhất trong cuộc đời mục tử chúng tôi, nhưng cuộc chiến của người lớn đã cắt ngang cuộc chơi của chúng tôi, chiến tranh đã lan tới làng tôi, bom đạn đốt cháy xóm làng, đốt cháy đồng ruộng, núi rừng, có rất nhiều đứa trong bọn chăn bò chúng tôi trúng đạn chết, nhà tôi thì mẹ tôi và anh trai tôi trúng bom chết, trong khi tôi khóc mẹ khóc anh và khóc lũ bạn thì biết thêm rằng chiến tranh của người lớn đã thiêu hủy tòan bộ bầy ngựa cỏ chúng tôi đã cất giấu ở rừng Mun.

 

 

6/đối với tuổi thơ của tôi thì ngôi làng của tôi là thế giới thu nhỏ và những nhân loại bất hạnh là cha mẹ tôi và anh Hai Lực của tôi, nhưng đấy chỉ là khi đã có vốn liếng kiến thức để nhìn lại cuộc đời mình, còn bấy giờ, chuỗi ngày tuổi thơ, hết thảy những gì diễn ra chung quanh, làng xóm tôi, gia đình cha mẹ anh em tôi, như một cuộc hòa âm kỳ diệu, hết thảy như đang quyện vào nhau, con người và đất đai, con người và con người, tôi không hiểu hết, nhưng thấy rất vui, cuộc sống như những gì rất lạ, nhưng vô cùng quyến rủ, những cánh đồng cày nhộn nhịp tiếng bò, tiếng người, mùi thơm của đất, mùi thơm của cỏ, những cơn mưa bất chợt đổ xuống xóm làng, lũ chim chóc cứ bay đi bay về xóm làng, có thể là trong lòng tôi vui nên nhìn mọi người đều vui, ngay những ngày thiếu khó, nhà tôi ăn cháo ăn khoai thay cơm, tôi cũng thấy rất vui, mưa, những cơn mưa mùa đông hạn chế đến mức tối đa sự dịch chuyển của con người, tôi theo con bò cái đẻ ra gò thổ mộ của làng, con bò gặm cỏ trong mưa, còn tôi thì ngồi thụp xuống bên trong cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi, tự nhiên tôi có một ngôi nhà ở giữa mưa, chiếc nón lá đội đầu của tôi là mái che ngôi nhà, còn cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi là phần còn lại của toàn bộ ngôi nhà, ngồi trong ngôi nhà ở giữa mưa tôi cứ tưởng là mình đang bình yên, thật ra thì không phải thế, vào những tháng năm đói khó, cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi gắn liền với cuộc sống của nhà tôi, thế giới là những cơ may, và cái cơ may ấy đã diễn ra ở một miền quê heo hút, hãy cứ thử tưởng tượng, lúc bấy giờ, ở các nơi trên mặt đất, mùa đông người ta ra đường bằng các phương tiện xe cộ, nếu là đi bộ thì mặc  áo tơi mưa bằng các thứ vải đi mưa, trong khi đó ở quê tôi, mùa đông ra đường, người ta mặc cái áo mưa chằm bằng lá núi như bộ lông của một con chim đại bàng, tôi cứ muốn diễn tả như thế nào để cho hết thảy mọi người đều có thể hình dung cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi ở quê tôi, năm ngày một phiên chợ huyện, cứ hết năm ngày thì anh Hai Lực tôi lại gánh gánh áo tơi mưa  chằm bằng lá núi đi chợ huyện, khi quay về thì có cả gạo nấu, cả mắm, cá, từ quê tôi xuống chợ huyện khoảng mươi cây số, về sau, khi tôi đã có thể cùng anh tôi gánh áo tơi mưa đi chợ huyện, tôi mới hình dung ra, vào mùa đông, cuộc sống của nhà tôi là gắn liền với những cơn mưa và những cái tơi mưa chằm bằng lá núi, trời hết mưa, nhà ta cũng hết gạo nấu, từ lâu, mẹ tôi cũng đã tổng kết về cuộc sống về mùa đông của nhà tôi, cái cơ may của thế giới là có một miền đất vào mùa đông người ta ra đường còn chịu mặc cái áo tơi mưa làm bằng lá núi, vào những ngày mùa đông, cha mẹ tôi cặm cụi ngồi chằm từng tấm áo đi mưa,kết những chiếc lá núi to lớn và không thấm nước thành từng tấm thì gọi là chằm, lá núi là do anh Hai Lực tôi đi lấy ở vùng rừng núi phía nam làng, những ngày không đi chợ huyện, anh tôi lại vào rừng, mùa đông năm ấy, phiên chợ huyện nào anh Hai Lực tôi cũng gánh áo tơi mưa quay về, tôi thì cha tôi đã đặt cách cho việc chăm sóc con bò cái đẻ, trời mưa, tôi lừa con bò cái đẻ ra gò thổ mộ của làng, con bò gặm cỏ trong mưa, còn tôi thì ngồi trong ngôi nhà làm bằng áo tơi mưa và cứ thấy thắc mắc trong lòng là tại sao đến lúc ấy thì người ta không còn mua áo tơi mưa làm bằng lá núi của anh Hai Lực tôi, tôi cứ muốn diễn tả thế nào để cho mọi người đều có thể hình dung cảnh tôi ngồi trong căn nhà lá giữa mưa để nghĩ ngợi về cái lý do tại sao người ta không còn mua áo tơi mưa của nhà tôi, thứ vật thể cho đến lúc viết địa chí của làng vẫn cứ thấy lấp lánh trong ký ức tôi: cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi, rồi bấy giờ con bò cái đẻ đã làm tôi bối rối, nó trở dạ đẻ trong mưa, con bò cứ nằm dài ra trong mưa, thở hổn hển, sáng ấy, trời mưa to, ngoài tôi ra, chẳng có đứa nào trong làng lùa bò ra gò thổ mộ của làng, tôi chưa kịp kêu la cầu cứu thì con bò cái đã sinh con xong, con nghé con vùng chạy trong mưa, thì chẳng phải tôi đã nhường ngôi nhà bằng áo tơi mưa cho con nghé đó sao, vừa dứt mưa là tôi liền lấy áo tơi mưa của mình làm tả cho con nghé, tôi ẵm con nghé chạy trước, con bò cái lúc thúc chạy theo sau, trưa ấy, cả nhà tôi ăn khoai mì luộc, con bò cái đẻ uống nước cám, còn con nghé con bú mẹ, tôi vẫn nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt cha mẹ tôi và anh Hai Lực tôi, chẳng lẽ cha mẹ tôi và anh trai tôi lúc bấy giờ đã đến được một thứ bến bờ nào đó ở bên ngoài mọi nỗi bất hạnh.

 

 

7/có một thứ bến bờ [tôi vẫn muốn gọi thế] nằm ngay giữa cuộc sống tôi đã nhìn thấy qua những người cày ruộng ở làng tôi, thứ bến bờ như biểu tượng không vui trong cách nhìn thế giới, tôi phải đi gặp anh Bốn Bơn người đóng cày gỗ ở làng tôi, buổi chiều hôm, thật lận đận, cũng thật khó được chấp nhận khi đề xuất một di sản văn hóa như thế, giữa lúc văn minh đương đại cung cấp cho cuộc sống bao nhiêu phương tiện tối tân hiện đại, tôi lại đề xuất một thứ di sản văn hóa những người mù đặc về  đời sống nông nghiệp của nhân loại sẽ cho là chuyện buồn cười: cái cày gỗ, từ chọc lỗ chuyển sang cày bằng cày gỗ trong gieo trồng quả là một biến cố làm thay đổi gương mặt nhân loại, phát minh, hay phát kiến, nói bằng cách nào cũng không nói hết sự vĩ đại trong tư duy của tổ tiên chúng ta, những kẻ hậu thế trong niềm cảm hứng về công lao nghĩ ngợi của tiền nhân, nhiều lúc nhiều nơi đã biến cây cày gỗ thành những biểu tượng thần kỳ trong cuộc tiến hóa, “ông cày gỗ” trong các nghi lễ đồng áng [ trong xuân kỳ, thu tế, hay lễ tết nguyên đán] như một vị thần xuất chúng, hay “thần cày”, hay “đệ nhất thần làng” trong các câu chuyện ngụ ngôn là những bài học khởi nghiệp, ở làng tôi, với ông nghè Quân, cây cày gỗ trở thành người bạn văn [thời triều Nguyễn, lúc Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương lập thi xã ở kinh, thì ở làng tôi, ông nghè Nguyễn Quân lập văn xã với các bạn bè gòm chim chóc cỏ hoa và cây cày gỗ, thi ca của ông Quân còn lưu trong tập bản thảo mấy trăm trang: văn tập Bối Rối]  này anh cày gỗ có biết vì sao khi đem hạt lúa gieo xuống đất thì nảy mầm hay không, biết chứ sao không, bỡi vạn vật trong trời đất đều có lòng mong mỏi trở thành hình thể khác, ông Quân trò chuyện với cây cày gỗ có vẻ giống với các triết nhân thời trước Socrate bên Hy Lạp, sau cuộc đối thoại thi ca này là cuộc đối thoại mang tính lịch sử giữa cây cày gỗ và cây cày máy, đồng làng tôi vẫn cày bằng bò với cây cày gỗ, thỉnh thoảng thì cũng có cày máy, đồng làng đang lặng lẽ với những bước chân chậm chạp của lũ bò kéo cày gỗ  thì bỗng tiếng cày máy cất lên [một vài nhà trong làng cũng thử đi thuê cày máy về cày ruộng nhà mình] này anh cày gỗ chừng nào thì nhường đồng làng lại cho chúng tôi, cây cày máy hỏi, tra vấn đầy thách thức, chừng nào, trả lời cây cày máy là những trăn trở, là cuộc lẩn quẩn trong hình thể khu vườn, hay giữa vòng khép của khoảnh ruộng đồng làng, cuộc bức phá xảy ra những trăm năm trước, có nơi nhìn thấy được khung trời cao rộng, có nơi vẫn cứ ở lại chốn nghìn năm, vì sao, những tra vấn vẫn cứ cất lên trong thi ca, triết học, và làng tôi, vẫn đang mỉm cười với cây cày gỗ, nhưng tôi phải đi hỏi anh Bốn Bơn, người đóng cày gỗ ở làng tôi, về cái ách cày, phần tử không phải chủ đạo trong cơ cấu cây cày gỗ, nhưng tôi vẫn cứ thấy ở đó, nơi cái ách cày, niềm thao thức về sự tồn tại của những sinh linh luôn gắn bó với con người là lũ bò kéo cày, phải bắt đầu với cái mỏ cày,  chính là người cày nắm lấy phần tử này để làm công việc lật đất nhờ qua các công cụ lưỡi cày  và trạnh cày, và bắp cày là cái then truyền bí ẩn trong hệ thống cày gỗ [then truyền bằng gỗ mà nối được người cày với sức kéo] bắp cày bắt đầu với mỏ cày và kết thúc ở cái ách cày đặt  trên đôi vai của lũ bò kéo cày, cây gỗ núi trên núi Mun về đến nhà tôi thì biến thành cây đòn gánh để lũ bò cày gánh cây cày  gỗ trên đồng làng, anh Bốn Bơn nói với tôi về cái ách cày, hóa ra, theo anh, thì lũ bò cày gánh cày trên ruộng, chứ không phải kéo cày như xưa nay nghĩ, gánh cày, như con người ta gánh lúa gánh rạ trên đồng làng, cách nghĩ của anh Bốn Bơn dẫn đến thứ khái niệm về dân chủ, lũ bò cày là bạn đồng hành của con người trong công cuộc làm ra cơm áo, tôi phải đi gặp anh Bốn Bơn vào buổi chiều hôm, vào giờ này thì hết thảy những người cày ruộng đều trở về nhà, chị Bốn Bơn đang ở cữ, đẻ đứa thứ tư, đông thế, liệu anh có nuôi nổi lũ chúng ăn học đường hoàng không anh, tôi hỏi, anh Bốn Bơn liền đem cái kiến thức cha ông truyền lại ra nói, đông đứa mới tát biển dời núi nổi chứ chú, có tiếng khóc trẻ thơ ở trong buồng cữ, tôi thử nhìn vào buồng cữ, nhánh xương rồng treo ở cửa buồng còn tươi rói, đẻ trạm xá xã, tiêm thuốc tây, nhưng về nhà thì nằm lửa, không dám bỏ tục lệ cha ông, giờ tôi phải đi lừa con nghé còn ở ngoài đồng, chú à, anh Bốn Bơn vừa nói vừa đi nhanh ra ngõ, ở trong làng đang vang lên tiếng heo gà, tiếng la mắng con cái, tiếng khua nồi niêu chén bát, bò đã về chuồng, người đã về nhà, nhưng lũ gà chưa kịp cho ăn đã lên chuồng kêu la inh ỏi, lũ trẻ nít chưa kịp cho ăn kêu khóc inh nỏi, cái cảnh buổi chiều hôm ở làng tôi như máu đang trở về tim [hết thảy gìà trẻ lớn bé đi đâu, ở đâu, vào lúc ấy đều phải trở về mái nhà của mình] những gì xảy ra vào những chiều hôm ở làng tôi là rất riêng, bề bộn, nhưng cái nào cũng có góc cạnh, khắc khoải, chìm đắm, những gì xảy ra có vẻ như chẳng ăn nhập chi với chuyện chăn dân của nhà đương cục, có vẻ như không hề biết, hay không muốn biết, chuyện chính trị, chuyện chính trường, bèo bọt, lầm than, chết chóc, đang diễn ra bốn phía, có vẻ như biết mình chẳng thể đi cùng thế giới để đến miền văn minh sáng sủa [ăn ra con người, ở ra con người…] biết mình chỉ có thể ở lại với ngôi làng quê có cánh đồng làng trước ngõ, có ngọn gió làm te tàu lá chuối sau nhà, nghìn năm như vẫn còn nghe tiếng con người gọi nhau ra đồng làng, nghìn năm như vẫn còn nghe tiếng con nghé gọi bầy buổi chiều hôm.

 

 

8/vậy mà vẫn còn có chỗ như cuộc vươn lên tới chỗ đỉnh cao của tinh thần nhân loại, giữa cuộc nghìn năm như còn nghe tiếng con người gọi nhau ra đồng làng vẫn còn có cuộc văn chương, suốt dọc dài khắc khoải áo cơm  thi thoảng chữ nghĩa lại cất lên, cứ như xứ sở không đành lòng để mình chìm đắm, vùng vẫy một chút dấu tích, trăm năm con tắc kè kêu, cười khóc theo mùa, bộng cây vông đồng, đêm con tắc kè chêm vào bóng tối những khúc đệm nặng như cái chết lũ cua cá mùa khô cạn, nước mắt nhảy nhót tràn qua cát bụi, lênh đênh bộng cây vông đồng, buổi sớm mai con tắc kè rót vào ánh sáng ngôn ngữ có nguồn gốc tự thuở tiếng động đầu tiên phát ra trong hỗn mang, tắc kè…tắc kè…nếp gấp hoang mang của những đám mây không màu, không trọng lượng, chú thích cho những cú va đập của ngu tối, lận đận bộng cây vông đồng, tiếng con tắc kè chạm vào buổi chiều hôm, xám ngoắc bước chân lũ quỉ nói tiếng người, những câu chữ của quỉ trôi giữa cơn giận dữ của  đất … tôi đã tả về con tắc kè nơi bộng cây vông đồng chỗ đầu làng  như thể thay cho người làng tôi nói lời cám ơn con cháu của lũ khủng long tàn nhẫn [hồi kỷ tam điệp, đại trung sinh] nếu con tắc kè sống ở bộng cây vông đồng chỗ đầu làng tôi là con cháu lũ khủng long thật thì cuộc tiến hóa có cơ may tươi sáng, mấy trăm năm con cháu con tắc kè vẫn sống ở bộng cây vông đồng chỗ đầu làng tôi cho đến khi bom đạn chiến tranh làm ngã đổ cây vông đồng, cây vông đồng chỗ đầu làng tôi không còn, nhưng đêm vẫn nghe thấy tiếng con  tắc kè, trăm năm con tắc kè lưu vong, tôi lại tả về cuộc rày đây mai đó của con cháu loài khủng long tàn nhẫn, con tắc kè nay trú ở đám cây ăn quả ở xóm trên, mai lại chuyển đến đám cây ăn quả ở xóm dưới, có vẻ như đã đến lúc con người và những sinh vật trong trời đất gắn bó nhau hơn, nay con tắc kè ở vườn nhà người này mai lại sang vườn nhà người khác, cứ thế, đêm, con tắc kè có vẻ như cố để lộ thân phận giữa cuộc vận động của thế giới, những dịch chuyển, những tiếng kêu, sự sơ hở của  tính thể, hay nói khác là đã nhìn thấy hình tướng của sự vật, nói ra, hay kêu lên, là những phát lộ ra bên ngoài của căn tính, cái tiền nghiệm không chịu im lặng mãi, nói ra, từ đó là linh láng những máu và nước mắt, đêm con tắc kè để lộ mình là biển khổ, cái hậu nghiệm ngổn ngang, thống thiết, buồn… đêm, tôi chiêm nghiệm tôi, tôi chiêm nghiệm người làng tôi, qua sơ hở của con cháu loài khủng long tàn nhẫn, nghe tiếng tắc kè kêu như nhìn thấy được sinh mệnh của làng, rồi bỗng dưng tiếng kêu đêm của con tắc kè [đang trú nơi gốc  bưởi nhà tôi] có vẻ gì hơi khác, hơi chùng xuống thứ đáy sâu nào đó, bồng bềnh, sầu não, giận dữ…sơ hở nào đây, tôi chỉ biết mới hôm qua, trong làng xảy chuyện, ông trưởng làng đã bị hạ bệ, người nói là do ông đã lén cắt xén điền  thổ của làng, người bảo là do ông đã dám nói ra ở trên huyện trên tỉnh có kẻ đã đem bán đứng khu rừng rộng mênh mông ở phía nam làng tôi cho bọn con buôn vua chúa ở ngoại quốc mới xâm nhập vào quê hương xứ sở tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published.