Eric Fischl/Mỹ
còn chuyện khêu đèn đánh chó là để cho một ghi chú khác có thể dẫn tới những tranh luận về cách nhìn nhận vẻ đẹp tuổi thơ, cũng đơn giản thôi, buổi ấy là cả một chuỗi tháng năm đẹp và đơn sơ như ngọn gió chiều hôm làm vang lên tiếng va chạm nhau của đám lá cây trong vườn, thứ âm vang cũng khẽ khàng, nhẹ bổng, như niềm vui của tuổi thơ tôi, chuyện là thế này, một bên là một lũ con trai nghịch ngợm và khác hẳn lũ nghịch tặc của một triều đại, một lũ khêu đèn đánh chó, và, một bên là đám con gái mới bắt đầu búi tóc đuôi gà, cái lũ chỉ mới có tín hiệu dậy thì ở chỗ phát triển hơi đột xuất và kín đáo nơi vầng ngực, lũ xe chỉ kéo sợi, tháng tư, cây bông vải đã chuyển sang giai đoạn chế biến, tức, sắp có vải mặc, bấy giờ thì người làng tôi trồng cây bông vải để tự làm ra áo mặc, tháng tư thì trái bông vải đã trở thành bông vải, tức đã được chế biến bằng lối thủ công thành nguyên liệu kéo sợi, xe chỉ kéo sợi là cách nói hình tượng về việc biến nguyên liệu bông vải thành sợi để đưa vào công đoạn dệt [mẹ tôi bấy giờ là một trong những phụ nữ trong làng làm nghề dệt vải từ sợi bông vải] , đêm, lũ chúng bay cứ kéo hết tới sân nhà tao kéo sợi với con Mén, đông đứa thì chẳng thấy buồn ngủ đâu, chỉ mỗi lời thật lòng chú Mười Thùa nói với đám con gái kéo sợi trong làng mà thành ra cái hội đoàn xe chỉ kéo sợi có thể đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chứ còn gì, mãi về sau, hết thế hệ khêu đèn đánh chó của bọn tôi, lũ con trai con gái lớp sau lớp tuổi bọn tôi vẫn duy trì cái hội đoàn kéo sợi ở sân nhà chú Mười Thùa, và cho tới khi chú Mười Thùa đi ra đi vào phải chống gậy thì cái hội đoàn ấy vẫn còn, phải nói cái hội đoàn kéo sợi [thời tôi] ấy là mảnh tháng năm quí tộc trong ký ức tôi, một cuộc cảm động còn lưu giữ một cách bền chắc trong cuộc đời tôi, về sau, mỗi lần nghe có đứa con gái nào đó trong cái hội đoàn đó đi lấy chồng thì lòng tôi lại dấy lên thứ cảm xúc cũng không biết là buồn hay là vui [em đã đi theo chồng rồi sao] nghe có đứa đi lấy chồng thì tôi thường hay nghĩ vậy, còn hồi đó, hồi lũ con trai bọn tôi còn là một lũ khêu đèn đánh chó, lại là chuyện khác, bọn tôi tới sân nhà chú Mười Thùa là để giúp đám con gái kéo sợi khỏi buồn ngủ bằng cách bọn chúng tôi cứ thay nhau bịa ra những chuyện trên trời dưới đất để cười đến chết, chú Mười Thùa sắm cả sân nhà để ngồi kéo sợi, và sắm cả đèn thắp sáng để thấy ngõ kéo sơi [chỉ trừ những đêm trăng thiệt sáng thì mới không thắp đèn], trên núi Lũng có cây dầu rái, nhựa của loài cây núi này dùng trét thuyền bè , trét bồ đựng lúa…phần nhựa không thu hoạch kịp chảy xuống đất thành thứ nguyên liệu làm đèn thắp sáng: đèn thắp ở sân nhà chú Mười Thùa là bằng thứ nguyên liệu ấy, khi được đốt lên, chốc chốc phải gạt bỏ đi phần đã cháy thành than, gọi là khêu đèn, thì mới có thể tiếp tục cháy, lũ con trai bọn tôi thay nhau khêu đèn, và, mỗi khi có người lớn trong làng đến coi lũ con gái sắp tuổi dậy thì kéo sợi thì con chó của chú Mười Thùa lại xông ra ngõ, nói đánh chó chỉ là cách nói hình tượng về việc bọn tôi đi khuyên con chó chớ sủa, lũ con trai bọn tôi giúp cho lũ con gái đủ điều, nhưng chúng đã chẳng biết ơn lại còn buông lời kẻ cả: lũ em hãy về đi kẻo lại bị mẹ đánh đòn đấy, hay, bọn cháu hãy về đi kẻo khuya…vậy đấy, lòng căm thù làm cho con người ta trở nên tàn nhẫn, đám khêu đèn đánh chó bọn tôi mưu với nhau mỗi đứa làm một cái bẩy kẹp, tức thứ mang cung nhỏ làm bằng tre để đặt lên mặt đất, khi dậm phải, cái mang cung sẽ kẹp chân kẻ ấy, vào một đêm, cứ nói là đêm định mệnh của lũ con gái kiêu căng ngạo mạn, đêm ấy, đám khêu đèn đánh chó bọn tôi đứa nào cũng thủ sẵn trong áo một cái bẩy kẹp, cứ nghĩ đến chiến thắng mà thấy rạo rực trong lòng, đêm ấy, vào lúc sắp tan cuộc, bọn con trai chúng tôi cùng đứng lên, nói ra lời chào thật trịnh trọng [nói kiểu Homer là lời chào có cánh] xin thưa các chị, lũ chúng em về đây… chắc là đám con gái kéo sợi sung sướng lắm, lũ chúng cứ chụm lại cười dậy làng dậy xóm, khiến thím Mười Thùa đã ngủ còn bật dậy, chạy ra sân, hỏi con gái thím ấy, có chuyện gì vui vậy Mén, lũ bọn tôi ra khỏi ngõ nhà chú Mười Thùa là bắt đầu rải những cái bẩy kẹp lên đường đi, phải nói là phải cố lắm mới không bật cười thành tiếng, làm sao không cười cho được, chắc chắn rằng, những cái bẩy tre sẽ kẹp lấy bàn chân lũ kiêu căng ngạo mạn, và lũ chúng cứ nhảy cẩng lên, quả tình, chẳng có đứa nào là còn hồn vía , vừa ra khỏi ngõ nhà chú Mười Thùa là toàn bộ đám con gái kéo sợi, cứ lần lượt từng đứa một nhảy cẩng lên, cứu…cứu… tới lúc ấy, lúc toàn bộ đám con gái kéo sợi đã dính mang cung, thì từ trong bờ rào đường làng bọn tôi túa ra, lũ chúng em xin chào các chị đó … trong lúc đám khêu đèn đánh chó bọn tôi ôm bụng cười, thì toàn bộ lũ con gái kéo sợi ngồi ôm chân khóc, chẳng có đứa nào dám có lời nào, tôi cho rằng, sở dĩ, lũ chúng chẳng dám mở lời trách móc bọn tôi vì biết đấy là việc làm chính nghĩa, dẫu sao, cho tới giờ, khi nhớ chuyện này, tôi vẫn giữ ý kiến rằng, đó là vẻ đẹp ngoại hạng của tuổi thơ,