Bay không còn là chuyện của loài có cánh

takahiro shimatsu /nhật

 

 

Và ngay lập tức bây giờ [là] sự hủy hoại, vốn thuộc về cái còn lại/Lắng sâu trong những tế vi vĩnh cửu của thế giới/ And straightway now a ruin, inheres at rest/ Deep in the eternal atoms of the world/ LUCRETIUS/ VỀ BẢN CHẤT CUA CÁC SỰ VẬT/ CUỐN II/ NHỮNG THẾ GIỚI VÔ CÙNG 

 

 

cuối cùng thì sự nhẩn nha, cái nhàn hạ nhất của loài người, cũng phải lên đường, thời không phải cứ để cho bóng câu vút qua, đã khép lại những cánh cửa vốn chỉ để mở ra nhàn tản, đã nghe thấy tiếng móng ngựa gõ khắp nơi, người đi nhiều hơn kẻ ở, loài có cánh bắt đầu ganh tị với con người, bay không còn là chuyện của loài có cánh, con người đang bay về phía ước mơ, đất và nước như cơn địa chấn, cứ rung lên, những trăn trở, hy vọng, và thất vọng, cuối cùng thì cũng phải trò chuyện với con trai của người mổ heo, nhà cảm thụ học Y,

 

cuối cùng thì ngài cảm thấy thế nào về con đường mình đã chọn, thưa ngài Y

 

có bao giờ quí vị tự hỏi mình như thế chưa, cứ để cho người ta tự tra vấn có hay hơn không,

 

nhưng loài người thì thường hay bước về phía trước, và họa hoắn lắm mới ngoảnh lại, cho nên những câu chuyện về mình vẫn cứ hiếm,

 

những câu chuyện về mình, cái nhìn mang tính bản thể luận, có thể, vào một sớm mai nào đó, bầu trời ít gió, bỗng nghe lòng nhẹ tênh, nhẹ tênh hay trống rổng nhỉ, toàn bộ cái quá khứ đầy ắp của ta lại hiện ra, vào những đêm nghe gió trút, cứ thấy mọi thứ như đọng lại, nén lại, cái xưa cũ va vào, một chút mơ hồ rã ra thành những khúc không tên, cái u uẩn, và bất nhất, ngắc ngứ những âm thanh, đặc, mà buồn, xin hãy buông tay, có ai đó nài nĩ, và ta thì cứ nghe thắc mắc trong nhận biết, vì sao phải ra nông nổi vậy nhỉ, vì sao vào những đêm nghe gió trút cứ thấy cái cô đơn va vào rã mục, như thể có những cánh cửa đương đại đang rơi xuống, để lộ ra những khuôn mặt, gian dối, và tàn nhẫn, lũ chim có bộ lông màu đen bay lấp vào, nhưng người gác cửa có vẻ không bằng lòng, nói, xin hãy đi đi, và ta thì thấy cứ nặng trịch trong nhận biết,

 

và sau đó thì sao, thưa ngài Y,

 

sau đó thì lũ chim có bộ lông màu đen bay đi, và người gác cửa vác nỗi buồn đi khắp nhân gian, nói, đây là những hệ lụy của những va chạm có tính định mệnh,

 

cuộc phỏng vấn nhà cảm thụ học Y của tờ Vãn Lai thì còn dài, cũng như con đường trước tác của ông ấy cũng còn dài, bắt đầu là một đứa con trai khỏe mạnh, con của một người mổ heo, cha tôi đã đem đến cho tuổi thơ tôi hình ảnh của sợ hãi và căm hờn, ông Y thường nói với những người đến trò chuyện với mình, năm tuổi ông đã biết nghĩ ngợi về những con dao mài sắc, dụng cụ mổ heo [vì sao lại phải giết loài heo nhỉ], và nghĩ ngợi về những tiếng kêu thất thanh của lũ heo đang trên giàn mổ [ làm sao lũ heo lại sợ hãi con người đến thế ] năm tuổi ông đã chứng kiến cảnh con người giết hại một loài giống khác với loài giống của mình, và nhất là chứng kiến gương mặt lạnh lùng của người cha của mình khi ông cầm con dao loang loáng thọc vào cổ con heo không chút do dự, không hiểu sao cha tôi lại chọn nghề mổ heo nhỉ, về sau, ông thường tâm sự với đám bạn đồng môn của mình, đó là những người bạn cùng học ngành y với ông, có phải cảnh giết mổ thôi thúc ông học ngành y để cứu người hay không, chẳng ai rõ, chỉ biết là ông bỗng bỏ học ngành y, về nhà ngồi viết sách, ‘‘Cách cảm thụ thế giới của một người mù’’, tên công trình trước tác của ông Y, một người mù thì nhìn thế giới thế nào nhỉ,

.

 

[trong Chỉ trên mép âm thanh]