những góc khuất của nắng [ký ức về sự ngớ ngẩn của lịch sử]-hai

trước khi làng tôi có thứ cửa ngõ thực sự mở ra thế giới thì ông ấy cũng là một thứ cửa ngõ mở ra thế giới với cung cách của một nhà thông tấn đã về già với trí nhớ trông giống như một kho lưu trử hồ sơ đã bị lũ mối mọt gặm nhấm gần hết, ở làng tôi người ta gọi ông ấy là ông năm Hanh, nhưng những người Pháp thực dân thì gọi là henri Hanh khi ông ấy bị sung vào đám lính thợ [bị bắt từ thuộc địa Đông Dương] đi cứu nguy mẫu quốc trong thế chiến thứ hai, ta bắt đầu ở xứ sở ấy là một con rận nằm trong nhà tù cũ ở mạc xay (Marseille), bao giờ ông ấy cũng bắt đầu như thế khi kể chuyện thế giới cho tôi nghe, buổi ấy, đối với tôi, cũng như đối với hết thảy đám con trai làng cùng lứa tôi, ông ấy quả là một con người vĩ đại, bỡi từ trước giờ đã bao giờ thấy người nào có thể kể được những câu chuyện như thế, nhờ bác mà lũ tôi mới có thể bước vào thế giới, tôi nói, bước cái con khỉ, năm mươi ngày lênh đênh trên biển, một thằng cày ruộng đi tàu thủy giống như đem ném một cục đất xuống biển, ông ấy tả cảnh say sóng cho bọn tôi nghe theo phép phúng dụ, về sau, khi đã có chút vốn liếng kiến thức về thế giới, tôi vô tình đọc được một tư liệu về việc người Pháp thực dân hồi thế chiến thứ hai bắt nông dân đất nước tôi đi làm lính thợ trong các công xưởng ở Pháp để phục vụ chiến tranh, năm mươi ngày lênh đênh trên biển cả, tàu cập cảng Marseille, đám lính thợ được thảy vào cái nhà tù cũ đã được sửa sang lại ở Marseille để chờ đưa đi các công xưởng, khi Pháp thua Đức và bị hất cẳng ở Đông Dương, nước Pháp đói, đám lính thợ ở các công xưởng được đưa đi trồng lúa ở Camargue, một vùng đồng bằng rộng lớn gòm các đầm phá mặn, ao hồ bị chia cắt bỡi các cồn cát thuộc hạ lưu con sông Rhone, là con rận trong nhà tù cũ ở mạc xay (Marseille) người ta đưa ta đi đúc súng ở tu lu (Toulouse) rồi đi cày ruộng ở ca ma (Camargue), cái thế giới ông năm Hanh thường kể cho bọn tôi nghe gòm có muỗi, vắt, ngựa, với hoa oải hương ở vùng đất hoang hóa Camargue, tiếng búa chát tai ở cái xưởng đúc súng đạn bên bờ con sông Garonne, và thành phố Marseille như chốn ở của các ông vua trời thất thế xuống trần gian, dường tất cả những năm tháng khốn khổ ở xứ người chỉ còn đọng lại chừng ấy trong thứ trí nhớ đã hoàn toàn xuống cấp của ông, bỡi có lúc ông bảo những thứ đó là của nước Pháp Lang sa, nhưng đôi khi ông bảo tất cả những thứ đó là ở phía bên kia dãy núi phía nam làng tôi, lũ bay cứ đi hết dãy núi ấy sẽ gặp lũ ngựa ca ma (ngựa Camargue thuở ấy là loại ngựa nổi tiếng ở Pháp), con người đi làm lính viễn chinh cho người Pháp thực dân thay cho người làng tôi cũng là người đầu tiên trong làng sắm cái radio, ông năm Hanh lệnh con cháu bán bớt lúa gạo, xuống tỉnh, rinh một cái đài bán dẫn về đặt ở trong nhà ông, một thứ cửa ngõ thực sự mở ra thế giới cho người làng tôi, buổi ấy, ban ngày mọi người lo làm lụng, tối đến là kéo hết tới nhà ông năm Hanh để nghe đài, thực ra cũng chỉ nghe hiểu được hai ba phần trăm gì đó những gì được phát ra từ chiếc đài bán dẫn, sự thật, mọi người tới đó là để nhìn ngắm, nghĩ ngợi về thứ vật thể biết nói như một thứ vĩ đại kỳ cục của nhân loại, người làng tôi gọi cái đài bán dẫn của ông năm Hanh là ông ra đi ô, đôi khi gọi tắt là “ông ấy”, đến lúc ấy tai ông năm Hanh hầu như không còn nghe được mấy, còn trí nhớ thì đã xuống cấp từ lâu, sắm nó là để cho bà con ta nhìn thấy cái xứ sở chết tiệt ta đã sống vất vưởng ở đó, ông đã nói ra cái lý do sắm chiếc đài bán dẫn cho mọi người nghe, cứ mặt trời sắp hụp xuống núi là ông mở sẵn radio để đấy, một hôm, một người làng đến sớm, có bản tin đang phát, 10 tiểu đoàn quân Pathet Lào đã đánh chiếm Mương Phanh và sắp tiến vào cánh đồng Chum, là chuyện nước Lào, nhưng người làng ấy tưởng có quân Pathet Lào nào đó sắp tiến vào đồng làng mình, ông ra đi ô nói có giặc đến bà con ơi, người ấy chạy khắp làng hô hoán, cả làng đổ xô tới nhà ông năm Hanh, radio đã chuyễn sang những tin tức khác, trời đất ơi, tới nước này ông ấy còn dấu làng ta sao, mọi người cứ gào lên, đêm ấy làng tôi thức trằng để chờ giặc, ông năm Hanh chết, con cháu ông quyết định chôn cái radio theo ông, người làng tôi lại mù tịt trước thế giới, có điều là mọi người lại nghe được lời nói cuối của ông ấy như một thứ vật thể lạ luôn cựa quậy trong nghĩ ngợi của mình, có thể là ông ấy đã từng nói lời ấy với bạn bè ông trong những năm tháng khốn khổ ở xứ người: rơ xuy on nôm mi xê ráp (je suis un homme miserable/ta là một thằng người khốn khổ)

giã 15PM 23.11.2017

Leave a Reply

Your email address will not be published.