những góc khuất của nắng [ký ức về sự ngớ ngẩn của lịch sử]-ba

rồi cứ đêm đến là bọn chúng tôi, những đứa có chút chữ nghĩa ở trong làng, lại tụ tập ở nhà tôi,  cây đàn gỗ với những bài tình ca chép ở đâu đó,
tiếng đàn tiếng hát khô khốc giữa quảng tháng năm có vẻ như hết thảy lũ giun dế đang rất bình yên ở bên dưới mặt đất, còn đám chim quành quạch từng hùa với mẹ tôi ru tôi buổi ấu thơ ngày ngày vẫn bay về đậu bờ giếng sau nhà buông những lời thong thả [quành quạch…quành quạch…] làm như thế thế giới vẫn vậy, không biết có phải cha tôi đang theo dõi cuộc ăn chơi của bọn tôi hay không, ngồi nghe đàn hát một chặp, ông lên tiếng hỏi, có phải lũ bay đang có mưu đồ gì đó phải không, mưu đồ gì nhỉ, hay là cha tôi nghi ngờ bọn tôi đang tụ tập nhau để lập bè lập đảng theo cái cung cách của thế giới lúc bấy giờ,  tôi nghĩ ngợi quá chừng về lời nói của cha tôi, một thằng trong bọn tôi đứng lên ra hiệu tất cả hãy im, nhân danh chính mình để mượn lời của kẻ khác để hát về mình, thằng ấy trả lời cha tôi không chút băn khoăn do dự, lập tức bọn tôi vỗ tay ầm lên để biểu lộ sự đồng tình với thứ thế giới quan của đám con trai làng tuổi hăm hai hăm mốt bẻ nốt sừng trâu kiêu căng chẳng kém một con bò đực đang làm chúa chổm bầy bò ở trong làng, ở cái làng quê sơn lâm cùng cốc, đám con trai tuổi hăm mốt hăm hai bọn tôi vào những tháng năm ấy vẫn còn rất “tồ”, bản thể của những đứa con trai ăn cơm hẩm với rau mắm, tắm nước giếng, và nằm ngủ đất, hăm mấy tuổi đầu vẫn còn nghe theo lời mẹ về chuyện cái răng rụng khi thay răng muộn, hăm mấy tuổi đầu mà bọn tôi còn thay răng, răng hàm dưới rụng thì ném lên nóc nhà, răng hàm trên rụng thì quăng xuống giếng, những kinh ngiệm cha ông để lại có vẻ gần gũi thiết thân hơn những luật lệ của nhà đương cục, học sử ở trường làng, rồi trường huyện, tất phải biết kinh đô một nước, những Sài Gòn Hà Nội nơi trang sách thì rất rõ, nhưng trong tâm trí bọn tôi lúc bấy giờ thì Hà Nội Sài Gòn cũng mơ hồ như Paris hay Luân Đôn của những nước Pháp nước Anh, kể từ lúc biết đi biết chạy, hai mươi mấy năm bọn chúng tôi vẫn cứ đi lại trên con đường làng dấu kỹ bên dưới những lũy tre, tiếng con gà gáy sáng trong làng có vẻ che lấp hết thảy những âm vang từ các cuộc văn minh ở các phương trời xa lạ, cứ ngỡ trong lúc bọn giun dế sống yên ổn ở bên dưới mặt đất, đêm đến, ở bên trên mặt đất, bọn tôi cứ việc họp lại nhau ca hát, không ngờ sau đó là cơn lũ thời đại [vừa văn minh vừa man rợ] cuốn hết bọn tôi vào đó, tôi là một trong những đứa còn sống sót

 

giã  14PM  19.11.2017

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.