cuộc hành trình mở đất vang lên khúc bi ca, đất đai của những dòng sông bắt đầu vấy máu, hãy để cho hết thảy được bình yên hỡi những con người vừa mới đứng lên giữa nghìn trùng băng giá, lời nói của những dòng sông chảy máu chẳng làm thay đổi tính cách những cuộc thiên di,
những kẻ màu da sạm nâu hay màu chi chẳng ai biết đích xác là từ miền núi non Caucase tràn về phương nam, bước qua những rừng rậm, bước qua những sa mạc, bước qua nỗi sợ hãi của những kẻ khiếp sợ kẻ mới đến, và kẻ khiếp sợ kẻ mới đến lại trở thành kẻ mới đến, đun đẩy, và ra đi, những đun đẩy, khiếp sợ và ra đi là cứ tiếp tục tràn qua mặt đất, làm như thể dịch chuyển với nằm yên là những cách thức vui chơi cho qua ngày tháng của tồn tại,
trên miền châu thổ sông Amq vang lên khúc bi ca, máu, và tiếng khóc của những kẻ sợ hãi, sợ hãi và chưa kịp ra đi, những kẻ màu da sạm nâu hay màu chi chẳng ai biết đích xác là dẫm lên đất đai con sông Amq, những dấu vết còn lại trong đất đã nói lại với những kẻ đến sau rằng những kẻ màu da sạm nâu hay màu chi chẳng ai biết đích xác là đã giết hết sạch những người bản địa sông Amq, và tiếp tục tiến về phương nam,
và Boghaz Koy trên miền châu thổ sông Halys tựa hồ chốn thiên đường nơi mặt đất của những kẻ màu da sạm nâu hay màu chi chẳng ai biết đích xác, uống nước sông Halys, và ăn nằm với những người Boghaz Koy bản địa để sinh ra một giống người, một cuộc hôn phối tưng bừng sắc nước hương trời, bỡi những dấu vết nơi lòng đất đã nói với những kẻ đến sau rằng có một giống người tên Hittites trên cao nguyên Anatolia đã từng có mặt trong buổi đầu văn minh đồng sắt của loài giống con người,
quá về phía đông, vương quốc Urata chế tạo kim loại và buôn bán, và quá về phía tây là giống dân Arzawa thô kệch, còn người Hittites ở trung tâm Anatolia thì hiếu chiến, và biết cách nấu sắt để làm ra vũ khí …
buổi chiều dừng chân nơi bờ sông Halys, ký ức sách vở ít oi về một giống người nhân loại vẫn còn nhắc đến tên tuổi cứ làm ta thấy bối rối trong lòng,
nếu không có giống người Hittites ấy, và nếu không có nền văn minh sắt huy hoàng ấy, thì chẳng có ngày nay,
nhưng mà…
(trích trường ca Những bài hát rong đương đại của Nguyễn Thanh Hiện )