Siêu hình học của người [18]

 

không phải nhân loại ngày nay, mà nhân loại thuở trước xa kia cũng đã có một khoảng cách văn hóa ghê gớm đối với cộng đồng người làng tôi, trong lúc các nước Âu Mỹ đã có báo hình và báo nói, ở làng tôi, cả trẻ em lẫn người lớn mới bắt đầu học chữ, tiếng nói của dân tộc tôi có tự thời lập quốc, hay cũng có thể có tự trước thời chưa lập quốc, nhưng ghi thành chữ viết, quốc ngữ, thì trước xa kia chỉ bắt chước theo lối chữ Tàu cổ, phải nói ngày nay có thứ chữ viết lưu hành trên khắp mặt đất là nhờ mấy ông cha đạo cố đạo theo chân người Pháp thực dân đến đất nước tôi  truyền giáo đã nghĩ ra cái cách chế biến từ mẫu tự La Tinh,

qua nghe nói là ông cố đạo người Pháp, ông Đắc Lộ, đã chế ra chữ quốc ngữ phải không, 

bác Hai Ngộ hỏi tôi, thì ra bác ấy cũng biết ông Alexandre de Rhodes, người có công lớn trong việc hình thành chữ viết của đất nước tôi, người đã biên soạn từ điển  Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, từ điển Việt-Bồ-La xuất bản ở Roma năm 1651, đã hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh, bác Hai Ngộ, người đàn ông trong làng, có cái may là trước khi ông ấy mất tôi đã có mấy lần trò chuyện với ông về cái quá khứ có vẻ đặc biệt của ông, người, một thuở tôi cứ la cà theo xem thử có cái gì trong cổ họng ông đã làm phát ra tiếng kêu âm u buồn bã, một thuở, ông ấy và những người cùng lớp ông ấy, những người đã con đàn cháu bầy mà còn đi học chữ, như những kẻ ngoại hạng trong nghĩ ngợi của tôi, đứa trẻ quê cũng sắp cắp sách đến trường, thuở tôi nhìn thấy người ta đem bùn non quét lên những vách tường nhà trong làng thành những ô xinh xắn rồi dùng thứ mực mài bằng những viên gạch bể lấy ở ngôi miếu làng đổ nát để vẽ lên đó hình những em nhỏ và những người lớn tay cầm những hũ mực và bút viết dơ lên cao, khi đã có vốn liếng kiến thức, và nhớ lại, tôi vẫn thấy như còn nguyên niềm hứng thú, thuở ông cụ Hồ kêu gọi dân tộc tôi hãy cùng đứng lên chống ba thứ giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, cái buổi từng đêm tôi nghe tiếng đánh vần quốc ngữ như thứ giai điệu buồn bã phát ra từ  ngôi trường bình dân học vụ mái tranh trống trước trống sau ở gần nhà tôi, rồi người đàn ông thuở ấy tôi ngưỡng mộ theo xem thử làm sao ông đã đánh vần được chữ viết của đất nước tôi  đã ngồi đàng hoàng trước tôi để luận bàn về cái quá khứ đầy cảm động,

tiếng ta còn thì nước ta còn phải không chú, ông gì đó, qua quên tên, đã nói như vậy, mà thiệt, tiếng nước ta mà viết thành chữ viết thì nó còn mãi thiên thu, 

bác Hai Ngộ nói, và đi lấy cái hộp gỗ nhỏ đem ra mở cho tôi xem, một hũ đựng mực bằng thủy tinh tôi nhớ là được chế tạo ở  cơ sở làm chai lọ ở cái thị trấn nghèo phía bắc huyện tôi thuở ấy, một cán bút được chuốt từ một nhánh cây lồng mức, cả cán bút lẫn cái bút sắt đều đã ngã  sang  màu bùn non, bác Hai Ngộ săm soi thứ vũ khí chống giặc dốt của mình buổi ấy và nói với tôi rằng bác cũng đã đến lúc sắp theo ông bà, đến lúc sắp xuống mồ bác mới nhận ra những thứ ấy cũng quí như cây cày cây cuốc,

lúc cầm cây cày theo lũ bò trên ruộng qua cũng phải ôn luyện, văn ôn võ luyện mà chú, chữ nước ta khi ráp vần mới thấy nó tài tình làm sao, quay qua quay lại là có con chim con cá, 

thì tôi vẫn còn nhớ, buổi trưa hè ấy, trưa, tôi cũng không ngủ như bác Hai Ngộ, vừa nghe tiếng u ô chỗ trường bình dân học vụ là tôi phóng liền tới đó, tôi ngồi núp chỗ bụi chà là chỗ đầu hè trường học,  bác Hai Ngộ, không, một con cuốc đang gọi mùa, uô..ông  uô…ôc…tới giờ tôi như còn thấy rõ, lúc bác ấy đánh vần thì  cái cục gì đó cứ chạy lên chạy xuống chỗ cổ họng bác ấy,

chữ nước ta khi ráp vần mới thấy nó khúc khuỷu làm sao, vần xuôi, như cha, mẹ, cô, dì, thì ít khúc khuỷu gập ghình, nhưng lúc đụng tới vần ngược, nhiều lúc qua thấy như sắp chết đến nơi, rồi một hôm, nhờ phúc ông bà qua đã bước được vào cõi u linh, chú biết không, cứ nghĩ đến tiếng kêu của con ếch trên đồng làng là qua thuộc được đám vần ngược chết tiệt ấy, uyệch…uyệch, uyệt…uyệt, cứ nghĩ đến tiếng kêu đó của lũ ếch là qua nhớ hết đám vần uyê nh, uyê ch, uyên, uyêt, 

trong cái thế giới mênh mông chứa muôn vàn sự vật này lại có một người cày ruộng ở làng tôi, vào lúc cuối đời, đã nhìn thấy một mối liên quan có tính triết học giữa ngôn ngữ của dân tộc tôi với ngôn ngữ của một loài không có ngôn ngữ theo nghĩa chân xác nhất của từ này, 

nhưng đây là chuyện khi qua còn tập đánh vần quốc ngữ, còn khi qua đã đọc viết thông thạo lại là chuyện khác, chữ nghĩa giúp qua biết trên đời này đâu chỉ có hạng cày ruộng quê mùa như người làng mình, mà còn có những bậc anh hùng xuất chúng, còn có những bậc thuyền quyên kỳ lạ, 

bác Hai Ngộ đang nói bỗng đánh đùi cái bép, và gần như thét lên,

thằng cháu nội của qua đó,

 thì ra, ông vừa nhớ ra hôm ông chăm thằng cháu ông cho mẹ nó ra đồng làng, thằng cháu ông đã xé nát cuốn truyện Lục Vân Tiên ông đọc gần nát hết chữ nghĩa trong đó, cuốn sách trong những năm tháng đi cày ông đã làm sách gối đầu giường, chữ trải lên đất nước tôi thành rừng cây, ao hồ, sông biển, tôi ngồi nhìn bác Hai Ngộ và cứ nghĩ đến khái niệm văn hiến, thứ vật thể không thể nói ra hết bằng lời nói, không thể viết ra hết bằng chữ viết, lại được làm bằng những thứ có vẻ như nhỏ nhặt dễ lãng quên vào cuộc tồn sinh náo nhiệt, như tiếng đánh vần quốc ngữ trong buổi trưa hè của một người suốt đời cầm cày, suốt đời quanh quẩn trong cái cộng đồng nhỏ bé người làng tôi mà cũng có lúc nhìn thấy được cõi u linh, tôi không hiểu làm sao lại có được những bước nhảy vọt như thế trong cuộc lao khổ, tôi cũng không hiểu làm sao cái cộng đồng người  nhỏ bé dưới chân dãy núi tôi yêu từ buổi thâu đêm nghe tiếng đánh vần quốc ngữ như tiếng con cuốc gọi đêm đã vọt lên được buổi có người đứng lên, nhìn thẳng vào mặt tay trưởng làng tham lam, hống hách, lừa mị để nói một câu vô cùng thông thái: người làng ta bây giờ không phải vẽ cò vẽ cuốc gì cũng nghe theo

 

giã 17 PM  27.7.2018