Về trường hợp của H.

 

 

 

hay cuộc đời chỉ là những mảnh vỡ của giấc mơ của tôi, giấc mơ vẫn đeo bám tôi, tôi vẫn mơ thấy con đường từ quê nhà đến ngôi trường trung học ở huyện phía bắc huyện nhà tôi, con đường đi học buổi hoa  niên, buổi chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của thế giới, những dấu hiệu bất thường chỉ xảy ra vào lúc tất cả những gì của thời đi học đã lùi thật xa về quá khứ, vào lúc mọi thứ gần như lãng quên, con đường đi học thời niên thiếu lại xuất hiện trong những giấc mơ của tôi, trí nhớ của tôi xác định với tôi rằng giấc mơ chỉ giữ lại  một cái tên  là con đường đi học buổi hoa niên, nó, con đường đất nối quê tôi với ngôi trường trung học ở huyện phía bắc huyện nhà của tôi giờ đây ở trong mơ không còn để trải qua những cánh đồng thơm mùi lúa trỗ,  hay không còn để trải qua những làng xóm nghèo lúc nào lũ heo lũ gà cũng từ các khu vườn đột ngột phóng ra trên đường đi, hay  không còn để trải qua cảnh lúc nào ngang qua con sông ấy tôi cũng dừng lại ngâm chân thật lâu trong dòng nước lúc nào cũng cạn, không gian của tuổi hoa niên đã được thay bằng những không gian khác, ám dụ, phúng dụ, hay ẩn dụ, dẫn dụ, tôi không biết, cứ mỗi lần mơ thấy lại con đường đi học của thời niên thiếu là tôi lại được tiếp xúc với những khoảnh đời như ai đó đã bịa ra cho riêng tôi, có vẻ gai góc, tăm tối, nhưng lại vô cùng quyến rủ, mùa đông, ở thành phố tôi trú ngụ âm thanh của biển bắt đầu biến khác, lắng thấy có nỗi buồn phiền, cũng chỉ là chốc lác của nghìn năm, cái chốc lác của chu kỳ ẩm động, gió chướng, và chốn không biên cương của nắng, lúc đêm tôi lại nằm mơ thấy lại con đường đi học của tuổi hoa niên, tôi từ trường học trở về quê, điều kỳ lạ là lúc nào trong mơ cũng thấy tôi từ trường học trở về nhà, và con sông ấy, bằng cách này hay cách khác, có vẻ như lúc nào cũng cố tìm cách ngăn tôi lại, lần này là một con dế  chặn tôi lại  nơi bờ sông, hỏi: bạn có biết đây là thời đại nào không, không giống những giấc mơ trước là con sông như chốn hiểm nguy chết chóc vắt ngang qua cuộc đời tôi làm tôi sợ hãi, trí tuệ tôi mách bảo tôi trong giấc mơ lần này dế là sứ giả của dòng sông, tôi thấy cái bóng của nó ngã dài trên lòng sông, lan ra, giao động một chút như một thứ mặt hồ tù đọng, đừng hỏi, bỡi đây là tất cả những gì còn lại sau khi tất cả đã biến mất sau những cuộc va chạm giữa các thế lực, bạn biết rồi chứ gì, một ngọn gió có hương vị của hoa oải hương và mùi thuốc súng, quá khứ là cái nôi khổng lồ nuôi dưỡng cả tàn bạo lẫn thân thiện, hay một tiếng chim rừng tích tụ đằng đẵng ước mong về một phép màu của tiến hóa, làm cách thế nào nhỉ để diễn dịch được những ý nghĩ của một chiều hôm rừng cây tím lại trong màu sắc hoang mang nhưng vẫn cứ giữ lấy một thứ gì đó như niềm luyến nhớ rắn  như những viên sỏi nằm đợi không biết bao nhiêu niên kỷ dưới lòng con suối, không phải chỉ loài người các bạn, mà một con chim, hay một con dế, như ta, cũng muốn có được giấc mơ, ngôn ngữ thông tuệ và có vẻ ngông cuồng của loài dế, sứ giả bất chợt của dòng sông, có vẻ muốn làm cho giấc mơ lần này của tôi rơi vào rối rắm, rất rối rắm, bỡi lúc bấy giờ không phải chỉ có tôi với mỗi con dế ngông cuồng và con sông đã cạn hết nước, đừng hỏi gì cả, bỡi đấy là hệ quả tất yếu của cuộc sống ngự ở  trên đó là những ngu tối, bè đảng, xấc xược, thú tính, ngự ở  trên đó là tất cả những thuộc tính của những con vật cấp thấp còn tranh giành  miếng mồi theo cách thời tiền homo, cho nên vẫn cứ còn  nghe thấy những thở than, những kêu gào uất nghẹn ở bên dưới  vòm trời cũ nát, mặc cho tiếng hát trong trẻo của vĩnh hằng vẫn cứ cất lên từng ngày từ đường đi của mặt trời mặt trăng, xướng lên lời ấy là vô số những giun dế, loáng cái, chúng đã tụ tập ở bờ con sông trong những giấc mơ trước đó luôn làm cho tôi sợ hãi, chúng xướng lên giữa thứ trời đất, ở trong mơ trí tuệ của tôi đã mách bảo tôi thế, những ngôi sao trên đầu tôi đang trong cuộc triển nở vẫn diễn ra hằng trăm triệu năm qua, và dưới chân tôi là mặt đất nhiêu khê khờ khạo nơi lũ giun dế đang bắt đầu dở giọng triết lý với con người, mùa đông, các trận gió mưa  có làm vẹo vọ chút ít gương mặt thành phố, nhiều cống rãnh bị ứ ngập, nước có làm cho các thứ rác rưởi tràn lên đường phố, gió lốc có làm hư hỏng các băng rôn cổ vũ cho đội bóng đá nữ của thành phố và chào mừng  đại hội võ thuật toàn nước sắp diễn ra ở thành phố, các nhà chăm sóc  gương mặt thành phố sau khi gửi thông tri xuống các thuộc cấp về việc khẩn cấp sửa sang lại gương mặt thành phố, còn làm ầm lên trên phương tiện truyền thông hiện đại, trên các loa phóng thanh trên các đường phố liên tục phát đi thông điệp mang tính thế kỷ, tôi nói mang tính thế kỷ bỡi những lời lẽ của nó là toát lên trí tuệ của thời đại, đừng hỏi gì cả, bỡi đấy là tất cả những gì còn lại sau những ngày mưa gió, phải lập tức làm biến mất những sai sót gây bỡi thiên nhiên, hãy nhớ, thành phố là khuôn mặt qui định cho vẻ văn minh đương đại… tôi phải cố chờ nghe lại lời mở đầu của thông  điệp cho bớt hoang mang, nếu không nói là cho bớt đi nỗi sợ hãi khi bỗng dưng nghe thấy lời lẽ của lũ giun dế trong giấc mơ khi đêm của tôi lại rơi vào miệng của những nhà chăm sóc gương mặt thành phố, rồi cả cái buổi sáng mùa đông tôi lao vào các đường phố có mắc loa phóng thanh để chờ nghe phát lại thông điệp có lời mở đầu khiến tôi không thể không nghĩ ngợi, có một chuyển dịch bí  ẩn nào đó giữa con người và lũ giun dế hay sao, tôi không biết, thông điệp vẫn tiếp tục phát đi  trên thứ nền nhạc nhẹ cộng với tiếng ồn của  phố phường, buổi sáng xe cộ thi nhau chạy trên đường phố, đám người bán hàng rong mỗi người rao lên một tiếng, đám người đi bộ mỗi người nói ra một câu, thành ra đường phố là một thứ dòng chảy hỗn âm cản trở mọi sự chú ý của con người, rốt cuộc, tôi đã nghe thấy một thứ khác, cái thông điệp của các nhà chăm sóc gương mặt thành phố đã chấm dứt tự hồi nào, giờ đây là bài hành ca  của các nhà thiết kế thành phố tương lai, bài hành ca suốt mấy năm qua vẫn phát đi phát lại trên các phương tiện truyền thông, đài phát hình,  đài phát tiếng, loa phóng thanh…để cho thành phố tôi trú ngụ thấm vào xương cốt hình dạng của một thứ vật thể thông minh, các nhà thiết kế gọi thành phố tương lai của chúng tôi là  thành phố thông minh, mỗi lần nghe lại bài hành ca ấy là tôi lại hình dung những nhà hoạch định tương lai thành phố của tôi như những nhà ái quốc đã để bộc lộ ra không còn sót một chỗ nào trong lòng yêu nước của mình như thể là những lời tự thú, tôi gần như nằm lòng hồn cốt  của bản hành ca, tương lai của chúng tôi là những công dân điện tử sống trong một chính quyền điện tử để đạt được mức tối ưu của các thứ chỉ số về dân chủ, về tư duy, về tiêu dùng, về cư trú…mỗi lần nghe bản hành ca ấy tôi như có vơi đi chút ít những nỗi lo, cơm áo và những thứ gọi là hạnh phúc của mỗi con nhỏ bé trong cuộc đời này vốn là những nỗi lo không kẻ nào là không có không đời nào là không có, tôi nghe, và cố tin chuyện tương lai ấy là thật, nhưng vẫn không tránh khỏi thứ cảm giác tệ hại, rằng, dường tác giả của bản hành ca đã bơi lội từ những khái niệm này sang những khái niệm khác, bỡi toàn bộ nội dung bản hành ca thực sự chỉ là niềm cảm hứng tột độ trên những hình tượng xã hội đẹp đẽ chỉ mới tồn tại trong sách vở, tôi cứ có cảm nghĩ tệ hại, rằng, các nhà hoạch định thành phố tương lai nói thật nhiều nhưng có vẻ như không biết là mình đang nói gì, thành phố trí tuệ ấy sao cứ giống như một thứ mặc khải đời sau, đấy là chưa nói tôi cứ có suy nghĩ tệ hại rằng những gì tôi nghe thấy như những lời khoác lác, đêm, tôi lại nằm mơ thấy lại con đường đi học thời niên thiếu, con đường bây giờ được đắp cao hơn, rộng hơn, như những lần mơ trước, tôi vẫn thấy tôi từ trường học trở về quê, nhưng đi một chặp tôi lại thấy mình không còn là anh học trò nữa, con sông lúc nào cũng cạn nước ấy bây giờ đã thành con sông sâu với bở dốc đứng, lữ khách đi giữa lởm chởm trần gian, lửa lòng thôi đỏ… có tiếng hát ở đâu đó, bấy giờ tôi thấy mình là khách đường xa đang bối rối khi nghe thấy khúc ca về những kẻ lỡ đường, bỡi bấy giờ, ở trong mơ, chính tôi cũng không biết là mình đang đi đâu, về đâu, rồi đám người khiên gỗ đã kéo tôi vào một ngõ ngách khác của cuộc sống, ông định sang sông phải không, những người khiên gỗ hỏi, tôi nói là mình cũng định sang sông, nhưng bọn họ bảo tất cà thuyền bè trên sông đều dùng cho việc lên thượng nguồn tải gỗ về xây đàn tế trời, tôi thấy mình đứng nơi khoảnh đất rộng ven sông nhìn trời và nhìn những gỗ núi nằm ngổn ngang đó đây, như thế là tôi chẳng thể sang sông, nhưng đàn tế trời là gì nhỉ, tôi không biết, và bấy giờ tôi cũng không muốn biết để làm gì, nhưng những người khiên gỗ đã nói ra mọi chuyện: một ông ở kinh về nói cấp trên đã quyết định xây đàn trế trời ở nơi đất thiêng này,  đàn tế trời là của toàn dân, nên toàn dân phải chung tay góp sức, sau đó thì hết thảy thuyền bè trên sông được điều động đưa dân phu lên thượng nguồn đốn gỗ, và chuyển gỗ về…tôi  bắt đầu lục lọi trong ký ức coi thử đàn tế trời nó là  gì, và chỉ biết một cách đại khái, rằng, một địa đỉểm, hay nơi chốn, bỗng được nghĩ ra từ đầu óc của đám vua quan thời trước, rằng ở chốn đó, bọn họ có thể  giao tiếp với thứ thế lực siêu nhiên được gọi là trời, xưa, các vua chúa của đất nước tôi có lập đàn tế trời hay không, tôi  cũng không còn nhớ được, đất thiêng, với đàn tế trời, những khái niệm ấy, tôi biết tỏng là thưộc thứ phạm trù trị nước của đám vua chúa thời xưa, nhưng bấy giờ chúng vẫn cứ làm mệt nhoài đầu óc của anh khách  đường xa đang mất hướng đi là tôi, ở trong mơ tôi thấy mình đang nằm dài trên bờ con sông nhộp nhịp những người khiêng gỗ để chờ nhìn thấy cho được đàn tế trời, tôi thấy mùa thu đang làm cho những buồn bã đọng lại thành những hạt nhỏ như những hạt bũn dưới lưng tôi, ở trong mơ tôi thấy mình nằm lắng nghe những câu chuyện của những người khiêng gỗ có vẻ chẳng ăn nhập chi với chuyện xây đàn tế trời, rằng lũ chim sáo mấy trăm năm vẫn ngủ trên  các bờ tre làng bỗng bỏ đi hết, rằng cứ lắng thật kỹ thì mấy năm nay vẫn nghe thấy có thứ tiếng sấm kỳ dị vang lên trong đêm trừ tịch, rằng chỉ là một tiếng chó bỗng tru lên vào lúc giữa khuya nhưng mấy hôm sau lại có nhiều người trong làng chết, tôi nằm lắng nghe bọn họ, và mơ hồ nhận ra những con người chất phác ấy dường đã nhận ra những tín hiệu lịch sử chẳng vui nào đó và không thể không kể cho nhau nghe, ở trong mơ tôi thấy mình nằm lắng nghe đám người khiêng gỗ trò chuyện nhau, một chặp thì thấy đàn tế trời đã dựng xong, đài cao mười trượng, tôi lơ mơ thấy như có ai đó bước lên lễ đài, không phải, chỉ nghe thấy có giọng nói có vẻ trịch thượng ở đâu đó, cách ăn nói của một nguyên thủ quốc gia, mùa đông, tôi bước đi giữa phố xá ẩm ướt, mấy mươi năm thành phố tôi yêu vẫn nhìn tôi với cái nhìn như cũ, thân tình mà xa lạ, bỡi, kẻ đi chân đất bỗng bị cuộc đời xô đẩy đến chốn phố phường là tôi, tiếng gà gọi sáng vẫn cứ trì hoãn trong trí nhớ của kẻ bất đắc dĩ phải nhập vào thứ hình thái cư trú vẫn được coi là đầu mối của văn minh, tự buổi nào, thứ hình thái cư trú có tên là thành phố [city] vẫn được coi là nơi bắt đầu các nền văn minh nhân loại, mấy mươi năm thành phố tôi yêu vẫn coi tôi vừa như dân của nó vừa như kẻ ngoại cuộc, bỡi, bờ cỏ đồng làng, chứ không phải những con đường phố đông đúc người đi, choáng hết trong tận cùng trí nhớ của tôi, dù sao thì tôi cũng đã quen với dòng xe cộ trên đường phố, bước đi trên đường phố là chấp nhận chúng, chúng kéo tôi theo, hay tự mình theo chúng, tôi cũng không biết, dường như đây cũng chỉ là những chuyển động trong vô vàn chuyển động thế giới tự thể hiện mình, mấy mươi năm những con đường phố những hè phố những nhà phố những ngả phố tôi ngang qua, những người tôi gặp, hay nhìn thấy, thật nhiều, nhưng tất cả chỉ còn đọng lại những khái niệm mơ hồ như những trò chơi của  ảo ảnh, những người tôi gặp, hay nhìn thấy, là rất quen, bỡi đấy là những gương mặt người, nhưng lại rất xa lạ, bỡi tôi không biết chính xác họ là những ai, mấy mươi năm tôi vẫn chia xẻ những vui buồn của phố xá, tôi đã ngang qua những cuộc đến và đi, cũng giống bất cứ nơi nào trên mặt đất, cái cách hiện hữu của phố xá ở đây là chẳng theo một trật tự nào cả, có vẻ tồn tại ở đây như một cuộc rút thăm có thưởng, mà kẻ  chỉ huy cuộc chơi là tay bạt mạng, này, chắc mi không còn nhớ ta, nhưng ta thì nhớ mi, bỡi không biết bao nhiêu lần ta dừng lại nhìn mi, tôi dừng lại trước một cột đèn đường quen thuộc, và nghĩ ngợi, cái vẻ oanh liệt đêm đêm làm sáng trưng con phố giờ đây đang nhường chỗ cho những mưu toan vội vã và phức tạp  của nhân loại, tôi nghĩ về cây cột đèn dường, và không bỏ sót chi tiết nào đang diễn ra trên thứ thân thể bê tông cốt thép của nó, một anh thợ khoan giếng, một xí nghiệp chuyên hút hầm cầu, một chàng gia sư chuyên kèm trẻ bậc tiểu học, rất nhiều những người muốn bán nhà, và cho thuê nhà, vân vân, tất cả bọn họ đang tranh nhau đứng trên thân thể cây cột đèn đường để quảng bá công việc của mình, ta xin chào mi cây cột đèn đường thời hiện đại, bỗng tôi có chút ngậm ngùi về cây cột đèn đường quen thuộc, rồi, tự lúc nào không hay, tôi đã ngồi trước biển, mặt trời đã lên cao nhưng vẫn còn chìm trong những đám mây mọng nước, người đàn ông vá lưới có vẻ cũng giống tôi là thích ngồi nhìn biển ẩm ướt, chỉ khác một chút là ông ta vừa vá lưới vừa nhìn biển, hòn cù lao quen thuộc sáng ấy chỉ còn nhìn thấy như một dấu chấm tay, hay cũng chỉ là một trong muôn ngàn cách thế giới tự thể hiện mình, người đàn ông vá lưới có vẻ chẳng nhìn thấy ai ngoài ông và ngôi miếu thờ thần biển ông đang dùng làm điểm tựa cho khung giàn vá lưới của mình, cũng ngoài bốn mươi,  da rắn chắc, hơi đen, dân đi biển mà, tôi thử quan sát, có vẻ vá lưới chỉ là cái cớ để ngồi nhìn biển ẩm ướt, như một cách vô thức, đôi tay ông gắn với con thoi chỉ trên giàn  lưới, ánh mắt đăm chiêu, buồn, hơi ngầu đỏ như mách bảo với tôi rằng ông đang uất ức hay buồn khổ chuyện gì đó, một con còng chạy lạc, chắc vậy, bỗng trèo lên người tôi khiến tôi hốt hoảng kêu lên, và tất nhiên, người đàn ông vá lưới không thể không cứu tôi bằng cách tóm lấy con còng đang bám trên lưng áo của tôi, không sao, đôi khi lũ còng chạy lung tung thế, từ cảnh im lặng đáng sợ bỗng cất lên giọng hiền lành của người vá lưới, nhưng liền đó, dường ông ấy lại sợ kẻ khác nhìn thấy ý nghĩ mình, lại lầm lỳ như trước, tôi đọc được tâm trạng ấy, rất ái ngại, chỉ thử nói ra được một câu: trời hết động chắc là đi biển trở lại, tôi nói, nhìn ông, phải chờ tới thời con cháu may ra biển mới có chỗ cho những kẻ như bọn tôi, ông nói, chẳng nhìn tôi, rồi đứng lên, lặng lẽ đi về phía hướng tây thành phố, tôi cũng đứng lên, bước lại ngôi miếu thờ thần biển, thử đặt tay lên tấm lưới  rách lỗ chỗ, chẳng lẽ con người ấy  quyết định rời bỏ biển ra đi, tôi nhìn theo người đàn ông vá lưới, nghĩ ngợi, và thấy hoang mang trong lòng, nhưng có một thứ, ở thành phố này, khiến tôi, và bao nhiêu người khác nữa, luôn cảm thấy hoang mang, nếu không nói là rối rắm trong nhận thức, rất rối rắm, Paradise Linh nó là cái gì, đang mọc lên một nền văn minh, không phải, Ur, Babylon và Ninive hồi ấy mọc lên trên bùn lầy giữa hai con sông Tigre và Euphraye, Tây Á, và Mohenjo daro mọc trên phù sa sông Indus, Ấn Độ, năm sáu nghìn năm trước những nền văn minh ấy mọc trên những thứ không phải là chúng, Paradise Linh là phố mọc trên phố, hay đấy là huyền thoại của thời đương đại, không phải là tôi muốn làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng, nhưng rõ ràng, phải là ngôn ngữ khẩn thiết mới có thể bày tỏ một sự việc khẩn thiết, ngay cả sự bắt đầu của nó đã là khẩn thiết, hết thảy phải dãn ra, những nhà phố lâu đời,  hay khu dân cư mới thành lập, tất cả đều phải dãn ra, lệnh giải tỏa chẳng phải thứ thánh chỉ mang tính cách quân xử thần tử, mà rặt một tinh thần dân chủ, việc xây dựng thành phố cho đẹp hơn là việc của các bạn, hiện các bạn là đang làm chủ thành phố của mình, người ta nói, cả ngày lẫn đêm, trên các phương tiện truyền thông hiện đại, rặt một tinh thần mới mẻ, việc xây dựng khu đô thị mới giữa lòng thành phố của tôi là thuộc hành trình văn minh của đất nước, ai lại không muốn nhìn thấy gương mặt đẹp đẽ của xứ sở mình nhỉ, Paradise Linh là chuyện sau này, còn lúc bấy giờ, trên các phương tiện truyền thông, người ta gọi nó là “công trình thế kỷ”, tôi bước dọc theo bờ tường khu dinh thự  giàu sang bậc nhất nước nghĩ ngợi về buổi ban đầu của nó, buổi cả thành phố ngóng đợi được nhìn thấy một cái gì đấy như những thịt da tốt tươi được thêm ra cho cơ thể ốm yếu là cái thành phố quá già nua cũ kỹ của chúng tôi,  những năm tháng đã trôi qua, và giờ đây là tôi đang bước dọc theo một cuộc ảo hóa, giống như tôi, em bé bán báo buổi sáng, bà chị bán rau cải ở chợ xỏm, bác xích lô ế khách, chẳng có chút hứng thú nào dù biết mình đang ngang qua một cảnh thần tiên nơi mặt đất, thì chẳng phải cảnh thần tiên là gì, bờ rào xi măng cốt sắt cao ngút đầu nhưng chẳng có vẻ gì là tường rào bỡi sự phù trợ của những kỳ hoa dị thảo, chúng là tường hoa [tường hoa ong bướm đi về mặc ai] mặc dù bản chất của chúng là thứ tường thành kiên cố kiểu tường thành của các ancient cities [thành phố cổ đại], tôi cứ có thứ cảm giác xa xăm, từ bức tường thành đó đến các cao ốc bên trong là mù khơi, cái tài hoa của kiến trúc đương đại là làm cho tôi cứ có cảm giác xa xăm, mà thật, có ai ở thành phố này mà lại biết được những ai là đương cư trú và đang làm gì nơi những cao ốc đó, hằng ngày ngang qua cái ”công trình thế kỷ” đó người ta chỉ thấy được các thứ: cổng vào to lớn nguy nga  như cửa ngõ vào dinh thự của các bậc quí tộc với bản đề PARADISE LINH thếp vàng, và toán người bảo vệ mặc sắc phục xanh đi qua đi lại nơi cổng ngõ, có biết thêm chăng là do nhìn thấy trên đài phát hình, người ta đã nói thẳng trên đài phát hình, chen vào giữa những tin tức trong nước và thế giới, rằng, Paradise Linh là dành cho những ai muốn có một cuộc sống thần tiên ngay giữa thành phố già nua cũ kỹ này, có ai ở thành phố này mà không nhìn thấy [trên máy phát hình] cảnh hoàng hôn buông trên hồ bơi lung linh hương trời, con thiên nga trắng [chẳng biết làm sao con thiên nga lại sống được ở cái xứ nóng như nung này] vươn cổ nhìn đôi uyên ương, thường là đám dân ngoại đẹp một cách man dại rảo bước trên bờ, có ai ở thành phố này mà không nhìn thấy [trên máy phát hình]  đúng hơn không phải nhìn thấy mà là hiểu ra massage nó là cái gì, không phải là cảnh hầu hạ thời vua bảo bề tôi  chết thì bề tôi  phải chết là gì [quân vương  hạ giới, hề/phòng ốc phù hoa/lãng đãng mũ áo rối tung/ trần gian loạn nhịp vuốt ve/ giai nhân bất đắc dĩ hay không bất đắc dĩ, hề/ chân mềm tay mềm bụng dạ mềm, hề…], thật ra toàn bộ những thứ đó chẳng có nghĩa gì so với cưộc văn minh vật chất của loài người đương đại, trong cái thành phố già nua cũ kỹ này, cả tôi, người có chút chữ nghĩa, cả những em bé bán báo, cả những bà chị bán rau cải, cả bác xích lô ế khách, những người rất ít chữ, hay không có chữ, đều chung ý nghĩ rằng, làm sao cái khu phố thần tiên ấy lại mọc được trên đất đai của chúng tôi, vậy đấy, đôi lúc tôi cảm thấy vui vẻ một cách ngu ngốc, rằng, hay đấy là để chuẩn bị cho  thành phố điện tử tương lai như cấp trên của chúng tôi đã phác họa cho chúng tôi thấy, nhưng nhiều khi lại cảm thấy hoang mang một cách ngu xuẩn, chắc là cũng nhiều người hoang mang ngu xuẩn như tôi, rằng, đám người giàu có rồi sẽ lần lữa đến chiếm thành phố của chúng tôi để dựng lên những Paradise Linh  khác, và đuổi hết chúng tôi đi nơi khác, rồi tôi lại nằm mơ thấy lại con đường đi học buổi hoa niên, như những giấc mơ trước đó, tôi cũng thấy mình từ trường học trở về quê, lần này thì đám binh sĩ ăn vận quần áo rằn đen chặn tôi lại nơi bờ sông, mày là thằng nào, bọn họ hỏi, tôi nói tôi là học trò ở trường học trở về nhà, học trò à, hãy lấy hết sách vở giấy bút của nó rồi đuổi đi, một người cao to trong bọn họ lệnh, lập tức bọn lính vận áo quần rằn đen lục sóat người tôi làm tôi sợ chết khiếp, tôi ngã xuống, thiếp đi, lúc  tỉnh lại  tôi lơ mơ thấy mình đang ở vào một nơi xa lạ, hay là do những câu chuyện kể của mẹ tôi về những cuộc tranh ngôi đổi chủ thời xa xưa mới khiến tôi rơi vào cảm giác mơ hồ như thế, là con ngựa chiến, chứ không phải người đàn ông đội mũ có ngù đang cỡi nó, đã làm cho tôi hiểu ra: con ngựa nòi xứ khác, chứ không phải nòi ngựa quê tôi, nhảy chòm lên để dẫm tôi, nhưng tôi đã chạy tránh kịp, thấy mình còn sống, và  biết là mình đang ở vào một nơi xa lạ, nơi  nào thì tôi không biết, nhưng lúc hoàn hồn đứng nhìn đám kỵ binh, thấy cả người lẫn ngựa đều xa lạ, tôi biết  xứ sở mình đã thuộc về ai đó, thì ra đám binh sĩ vận áo quần rằn đen với đám lính kỵ này là cùng một giuộc, khi hiểu ra điều này tôi đã chắc mẫm là mình đang ở vào một thời  khác, hãy tiến lên, ở trong mơ tôi nghe người đàn ông đội mũ có ngù hét lên, đám kỵ binh xông tới, rồi tất cả đều nhảy xuống ngựa, bắt đầu đốn ngã cây cối, và đào bới, tôi núp ở một buội rậm cách khá xa bờ sông để nhìn trộm, hãy lật tung bờ sông lên, chúng nó chôn giấu ở đây, người đàn ông đội mũ có ngù lại hét lên, mặt trời ngã về chiều, nắng nhạt nhòa, bấy giờ bờ sông đã bị đào bới thành hào sâu, đám lính kỵ mất hút đâu bên dưới mặt đất, họ đào tìm gì vậy nhỉ, ngồi núp chỗ buội rậm, tôi nghe thắc mắc trong lòng ghê gớm, ở trong mơ, quả tình lúc bấy giờ tôi cũng không biết là mình đang đi đâu, về đâu, bọn tôi không thấy gì cả, thưa ngài, đám lính kỵ bỗng nhảy hết lên bờ, thưa nói với người chỉ huy của bọn họ, người đàn ông đội mũ có ngù lại nhảy xuống hào sâu, một chặp lại nhảy trở lên bờ, ta đi thôi, ông ta lệnh, bọn lính kỵ kéo đi hết, ở trong mơ tôi thấy mình lang thang ra đường lớn để tìm ngựa trạm, người  đưa thư đang ngồi trên lưng ngựa, bạn muốn gửi thư cho ai,  nghe người đưa thư gọi mình là bạn, tôi biết tôi đã trưởng thành, tôi nói là muốn gửi cho cha mẹ tôi, người đưa thư hỏi cha mẹ tôi ở đâu, tôi nói là mình cũng không biết, những vẫn đọc to lên: con xin gửi lời thăm, mong cha mẹ  bình an, người đưa thư liền lập lại lời tôi, tức học thuộc lời tôi, rồi quất ngựa ra đi, đêm đã xuống,  tôi quay lại bờ sông, buồn bã ngồi ở bờ hào bọn lính kỵ vừa đào, chỉ cảm thấy đơn độc, chứ không thấy sợ, nhưng đã có ánh đuốc di chuyển về phía tôi, rồi tôi đã nhìn thấy những ông già thông thái cầm đưốc đứng trước  mặt mình, bạn đừng sợ, vì bọn quan quân ngu xuẩn đã rút hết về hang ổ bọn chúng, thấy những ông già thông thái cũng gọi mình là bạn, tôi  cảm động lắm, họ chỉ nói với tôi thế, rồi hết thảy đều nhảy xuống hào sâu, liền sau đó, tôi chìm vào những nghĩ ngợi của mình, còn những ông già thông thái thì chìm vào công việc của họ, tôi có nghĩ ngợi về công việc  họ đương làm, nghĩ rất nhiều, nhưng nghĩ không ra, chỉ nghe họ chuyện trò nhau, những thứ họ đang nói với nhau đối với tôi là rất lạ, về lúa nước, về đất nung, về tiền sử, về đám quan quân ngu xuẩn, vân vân,  vào khoảng nửa đêm, những ông già thông thái đã trở lên bờ, tôi thấy người nào cũng mang theo một túi vải nặng đầy, sau khi lấp xong cái hào nơi bờ sông, bọn họ hỏi tôi có muốn đi với bọn họ không, thưa có, tôi vội đáp, ở trong mơ tôi thấy mình đã đi tới chỗ  người chép sử bằng miệng, có cả những ông bà lão và những đứa con trai con gái, có cả những bà chị có con mọn, và những em bé mới bắt đầu tập nói, những văn bản đất nung vừa tìm thấy ở bờ sông là ca ngợi bọn cày ruộng và bọn dệt vải chứng tỏ đây là  văn minh lúa nước và tiền công nghiệp, nền văn minh dựa trên sự tự do tư duy, bao nghìn năm tổ tiên ta đã lấy chữ viết để truyền bá canh nông, kỷ nghệ, và lưu giữ dáng  vẻ  thiêng liêng của đời sống con người, nay đám vua chúa ngu dốt  phế bỏ chữ viết, truy đuổi giấy bút, chúng chỉ  lo tìm kiếm sách vở  chôn giấu, đã đào bới đất bờ sông lên  và để đó, không biết đây là di tích to lớn của một nền văn hóa cổ xưa, văn hiến của  nước nhà đã đến buổi suy vi, một trong những ông già thông thái xướng lên, mọi người cùng xướng lên theo, tôi cũng xướng lên theo, và giật mình tỉnh giấc, cứ cảm thấy như mình đang ở vào một thời khác, mùa đông, những cơn mưa rả rích, buồn, giấc mơ lúc đêm vẫn còn làm tôi cảm thấy lo sợ, người ta sắp phế bỏ chữ viết, truy đuổi giấy bút ư, tôi đứng tựa lưng vào giá sách, giang rộng hai cánh tay ra, như thể để cố thủ trước sức tàn phá của giấc mơ kỳ dị trong đêm, những phút giây như thế đã trôi qua, và tôi quyết định đọc Lĩnh Nam Chích Quái, không hiểu sao tôi bỗng thấy thích đọc cuốn sách về những chuyện quái dị Trần Thế Pháp đã viết bằng chữ Hán hồi thế kỷ 15, và Lê Hữu Mục dịch ra tiếng Việt hồi thế kỷ trước, theo ông Mục thì ông Pháp đã cúi xuống để lấy một vật gì ở dưới lên, cái ở dưới đất là một cái gì tầm thường, là cát bụi chẳng hạn…[dẫn nhập của bản dịch tiếng Việt], tất nhiên tôi phải đọc truyện Hồng Bàng trước nhất, vì đó là truyện đầu tiên của sách, điều đầu tiên làm tôi nghĩ ngợi là mấy từ Hồng Bàng, tên truyện, chẳng dính dáng chi đến nội dung của truyện, rồi cũng chẳng biết vì sao về sau các nhà chép sử nước tôi lại nói họ Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên làm vua ở nước tôi, nhưng dẫu gì cũng phải thừa nhận rằng nếu không có ông vua lãng tử phương bắc, vua Đế Lai, thì không có chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, các tổ phụ của dân tộc tôi [cũng theo các nhà chép sử] , theo Lĩnh Nam Chích Quái, Đế Lai đi chơi phương nam đến nước Xích Quỉ thấy  vua nước này là Lạc Long Quân đã về quê ngoại, thủy phủ, mới lưu ái thê cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại [theo nguyên tác] rồi hình thế núi sông cùng với kỳ hoa dị thảo trân cầm dị thú của nước Xích Quỉ đã làm cho Đế Lai quên chuyện quay lại với ái thê của mình, và khi quay lại thì Lạc Long Quân đã từ thủy phủ về thấy Âu Cơ đẹp quá, không thể không yêu, đã dùng pháp thuật đưa nàng về núi Long Trang, rồi Đế Lai phải về phương bắc  đánh nhau với Hoàng Đế, rồi tử trận, đọc đến đây, tôi lại thêm thắc mắc, không hiểu Đai Việt Sử Ký Toàn Thư chép vào các thời Trần-Lê và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép vào thời Nguyễn căn cứ vào đâu để nói Âu Cơ là con gái vua Đế Lai, mà thôi, là ái thê của Đế Lai, hay là con gái của Đế Lai, thì Âu Cơ cũng đã đẻ cho Lạc Long Quân một trăm cái trứng, Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điều không hay đem bỏ ra ngoài đồng nội, hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn…[theo nguyên tác], đọc đến đây, tôi quên hết chuyện giấc mơ kỳ dị trong đêm, và hứng thú viết bài ký Âu Cơ: Lĩnh Nam Chích Quái quả là chuyện cúi xuống để nhặt lên một chút cát bụi, mặt đất trần gian cứ luôn trổi lên những “ảnh”, “hình”, cái này là thấu thị bằng nghĩ ngợi, cái kia tựa những giọt sương mùa hạ lung linh trên lá buổi tinh mơ, nghe tiếng hỏi thăm đường, ngoái lại, khách đường xa không rõ trong thôn, những cuộc gặp như thế, nội hàm là tư duy, mà ngoại trương là những nhìn ngắm của các giác quan, cũng có thể vươn đến chỗ tri âm, vươn đến chỗ trăm năm biết có duyên gì hay không [ có phải Nguyễn Du nói không nhỉ]  thì Âu Cơ vốn là khách đường xa đâu rõ trong thôn, con trai của vua Kinh Dương Vương [tức Lạc Long Quân] bỗng nghe thấy một chút bụi đường xa, mùa đông, mưa rả rích, buồn, tôi cứ thấy nhớ một chút cát bụi đường xa, nhưng Long Trang là miền nào vậy nhỉ, có phải Long Trang là Phong Châu sau này các nhà chép sử nói là kinh đô của Văn Lang, tên đất nước đầu tiên của dân tộc tôi không nhỉ, cát bụi đường xa gặp cát bụi trong thôn, kết quả của cuộc tình Âu Cơ/ Lạc Long Quân là một bọc trứng ra đời,  hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai [theo nguyên tác] có thể là một ẩn dụ đầy cảm hứng cho khoa học của nhân loại về sau, có khi gọi là trứng, có khi gọi là con trai, có khi gọi vật chất là hạt, có khi gọi vật chất là sóng, tự buổi ấy mà con người đã nhìn ra chỗ kỳ diệu của đất trời, chỉ có điều, thật buồn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ, rằng,  ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu…[theo nguyên tác], rồi chia tay nhau, chỉ một nửa số trứng là thủy tổ của dân tộc tôi, đấy là cái nửa bà Âu Cơ dẫn đi lập nước Văn Lang, sao ông Pháp không nói về tương lai của  nửa theo Lạc Long Quân xuống nước nhỉ, mặt đất trần gian cứ trổi lên những đoạn khúc, tự buổi Âu Cơ ngóng đợi vua trước trở lại đến buổi đắm cùng vua sau là những đoạn khúc, những âm vang sử thi, có ai đó đã lo lắng về chất lượng trứng của Âu Cơ, sợ rằng, năm mươi cái trứng, thủy tổ của dân tộc tôi, có cái chất lượng tốt, có cái chất lượng không tốt, nghĩ đến điều này, tôi bỗng thấy tôi như đang lạc vào giữa mùa đông, tôi lại nằm mơ thấy lại con đường đi học buổi hoa niên, nhưng lần này tôi không còn là anh học trò từ trường học trở về quê, mà là một lãng tử, tôi, khách đường xa, trên con đường cát bụi, và cứ muốn hát to lên trong ý nghĩ khúc ngẫu ca bạch diệp, lá trắng chứ không phải lá diêu bông đâu nhé, lá trắng bay trắng trời…mấy lần tôi rống to lên trong ý nghĩ, rồi lội vào xóm nghèo nơi bờ sông, lần này con sông không cạn nước như thời tôi đi học, mà sông, nước cuồn cuộn chảy, tôi vào xóm nghèo nơi bờ sông là để hỏi thăm đò sang sông, xóm làng vô cùng vắng vẻ, chỉ thấy những ông cụ ra hiên hè ngồi nhìn quảng trống trước mặt, thưa bác, sông ở đây có đò không vậy, tôi hỏi môt ông cụ có vẻ còn rất minh mẫn, ông là người mới tới đây lần đầu phải không, từ ngày có con chim phượng Yên Sơn về đây đưa đò xóm làng có vui hơn một chút, ông cụ nói, nhìn tôi, so với ông cụ bận áo quần có nhiều chỗ vá, tôi cứ thấy mình quá sang trọng, rồi vội lục túi  hành trang lấy tấm danh thiếp có ghi rõ tên họ anh lãng tử nghèo là tôi để đưa cho ông cụ như thể là cách thanh minh, không phải là tiền bạc đấy chứ, ông cụ nói, và khỏa tay từ chối, thưa, đây là danh thiếp tôi vẫn mang theo lúc đi đường, tôi phải nói cho ông cụ rõ đấy là cách hộ thân của một kẻ lang bạc kỳ hồ, em nó đến rồi kia, ông cụ bỗng kêu, ở trong mơ tôi thấy có con chim phượng đáp xuống trước tôi và ông cụ, nhưng thoắt cái, không thấy con chim đâu nữa, mà chỉ thấy một cô gái trẻ đẹp mặc áo quần màu đen tuyền đang nhìn tôi và ông cụ, nhoẻn miệng cười, có khách sang sông đấy cháu, ông cụ nhìn cô gái, nói, cô gái nhìn tôi: ông đi với em, nàng nói trong lúc tôi đang nghĩ ngợi về một con chim phượng có màu lông đen, rồi chúng tôi chào ông cụ, ra đi, nàng dẫn tôi đến một căn nhà tranh vách đất  như sắp đổ đến nơi, mẹ em đó, cô gái giới thiệu với tôi, một bà cụ đang nằm trên chiếc chõng tre, nằm nghiêng, gối đầu lên cánh tay, mở to hai mắt nhìn tôi, cháu chào bác, tôi nói, bà cụ vẫn im lặng nhìn tôi, trông có vẻ như một người đã chết từ lâu, như thế là thế nào nhỉ, một bà mẹ như đã chết từ lâu, hay thậm chí, như đang chết, nhưng cô con gái vẫn bình thường, không có vẻ gì lo lắng, buồn rầu, cô gái đi ra vườn trong lúc tôi nghĩ ngợi về nàng, một chiếc sõng con đang úp nơi gốc cây vú sữa như nói với tôi rằng từ sáng giờ con chim phượng Yên Sơn, nói theo cách của ông cụ, không đưa đò, rồi một cuộc trò chuyện đã diễn ra giữa cô gái và tôi lúc nàng vác chiếc sõng con xuống bến sông và tôi lúc thúc theo sau, cuộc chuyện trò, thực lòng là tôi hiểu rất ít, nếu không nói là hơi hoang mang, nàng nói, rồi tôi hỏi nàng, những lời đáp cứ làm tôi thấy hoang mang, em đã chờ ông suốt mấy trăm năm qua, nàng nói, tôi nghĩ là cô gái đã nhầm lẫn về thời gian sao đó, tự sáng giờ chưa có ai sang sông phải không, tôi hỏi theo cách đã nhìn thấy chiếc sõng con úp nơi gốc cây vú sữa, thưa chưa, nàng đáp, hình như sắp ra khỏi cái xóm nghèo buồn hiu, mấy trăm năm trước em cũng đưa đò, nhưng là đò dọc, nàng nói, ở Yên Sơn phải không, tôi hỏi theo cái chi tiết khá lạ đã nghe từ ông cụ, mà sao ông biết, nàng nói, tôi nói là ông cụ đã nói với tôi thế, em đưa đò trên sông, và tự làm ra thơ để hát, bấy giờ khách chơi đò đông lắm, em kiếm được thật  nhiều tiền, nàng nói, tôi nói là sau đó thì chuyển đến đây, tôi nói theo cách mặc may, không phải, nàng bảo, rồi kể cho tôi nghe đoạn đời như bịa đặt, nếu không nói là như huyền thoại, là, trong lúc bao nhiêu khách văn đến nghe nàng hát thơ ở trên sông thì đám vua chúa của xứ sở tranh đoạt ngôi, chém giết nhau, cám cảnh, nàng làm ra khúc Tiêu Tán, nghe hát, ai cũng khóc, nhưng đám quan quân triều đình đã ập tới, tấn công nàng và đám khách văn bằng  cung tên và đất đá, một con chim phượng già đã cắp nàng bay lên trời, mang đến một xóm nghèo bên bờ sông, kể từ đây con là con chim phượng đưa đò ở sông này, lời con chim phượng già giống như lời mẹ dặn con, thế đấy, cho đến khi tôi và cô gái xuống tới bến sông thì tôi cũng đã biết thêm một chút về nàng, em cũng không biết mẹ em bây giờ có phải là con chim phượng đã cứu em mấy trăm năm trước hay không, nàng nói, và con đò đã đưa tôi ra tới giữa sông, và thứ tình cảm kỳ dị đã diễn ra trong tôi, hay là những trăm năm trước tôi đã gặp nàng, tôi nghĩ, một thứ tình yêu trong sáng đã xâm nhập vào tôi, thú thật, bấy giờ tôi thấy thương cô gái vô cùng, thương một cảnh long đong, nhưng nàng vốn có phải là một con chim phượng hay không… thế giới là cuộc chuyển đổi bất tận, thơ mộng, và cay đắng, một bông hoa có thể rực nở giữa cuộc phù du, nhưng một chiều tắt nắng  bỗng hóa thành ong, bướm, tường đông mặc ai đi lại, con ong con bướm hút mật hoa, mình hút mình, lời không diễn hết những  biến động trần gian, cuộc chuyển đổi của thế giới là niềm câm lặng, bất tận, ngẫu nhĩ trùng phùng, ngẫu nhĩ xa cách, không thích chuyển đổi thì nghỉ ngơi, có thể gọi là chết, ai vỗ mạn thuyền hát, lời ca không phải là tới tai đám vua chúa cung đình, mà tới những khách đường xa không xu dính túi, cuối cùng, ở trong mơ, tôi cũng đã nghe nàng hát khúc Tiêu Tán,  đao thương lạc giữa giọng nói, đá lở, rừng nổi sóng, âm ba , mặn những giọt nước mắt  buổi sớm mai, vạt nửa mặt trời hun lại lửa lòng, những nghìn năm, tiêu tán…tiêu tán… rồi cuộc vây bắt của đám quan quân mấy trăm năm trước lại lập lại với tôi và nàng, ở trong mơ tôi thấy bọn họ tấn công chúng tôi bằng cả cung tên và đất đá, con đò thủng, tôi và nàng chìm xuống, đất nước tôi chìm xuống, tôi giật mình tỉnh giấc, vẫn còn nguyên niềm kinh hãi, mùa đông ẩm ướt, nặng nề, dường như lễ hội tình yêu hóa trang lại làm cho tôi cảm thấy nặng nề thêm, thực ra, cảm xúc của tôi đã bắt đầu chùng xuống tự hôm nghe bản văn cổ vũ cho lễ hội mùa đông, tức lễ hội tình yêu hóa trang, phát trên loa đường phố của người chăm lo nền văn minh thành phố: ngoài nhu cầu cơm áo, con người còn có những nhu cầu khác, không kém phần quan trọng, trong đó, là niềm vui, lễ hội tình yêu hóa trang như thứ thuốc thử cho nhu cầu tinh thần của con người, lý thuyết, thực ra là xám xịt, còn đời sống như những rừng cây xanh tốt, tôi nghe, và cứ thấy tình cảm mình chùng xuống, một thứ cảm xúc phức tạp, không phải tức giận, cũng không phải buồn phiền, bỡi người chăm lo nền văn minh của thành phố tôi yêu lại đi cóp nhặt lời người khác xáo xào lại làm thành lời của mình, ngoài đường phố đã có tiếng hát trổi lên, lễ hội tình yêu hóa trang đã thực sự diễn ra, một nghìn nam nữ thanh niên thành phố đã được người chăm lo nền văn minh thành phố mang ra tập huấn suốt mấy tháng qua, hầu như đêm nào cũng nghe thấy tiếng hát của bọn chúng ngoài đường phố, đám tuổi trẻ được chọn để tập huấn cho lễ hỗi quả tình giống những kẻ may mắn được trải qua những phút giây thoát xác, thật sự, bọn chúng đã ra khỏi mình, ra khỏi cảnh sống chúng vốn là thế, để nhập vào những giây phút có vẻ như đang bay vào cõi khác, những tháng ngày qua, đêm, rảo thử xuống đường phố, tôi cũng đã nhiều lần nhìn thấy đám tuổi trẻ được chọn làm hạt nhân cho lễ hội ca hát, nhảy nhót, hôn nhau, cốt yếu của lễ hội tình yêu hóa trang là hôn nhau giữa cuộc sống thường nhật, tôi không còn lạ gì nữa, song, khi lễ hội hóa trang chính thức diễn ra, thứ cảm xúc đã chùng xuống trước đó của tôi cứ thôi thúc tôi ra đường để coi thử khi tòan bộ cư dân thành phố cùng với đám tuổi trẻ  hạt nhân tham gia lễ hội thì cái không khí đó nó như thế nào, buổi sáng mùa đông không mưa, chỉ có vẻ ẩm ướt, nặng nề, tôi cũng bắt chước mọi người mua trang phục hóa trang, chú thích thứ trang phục nào, của  thần linh hay của  ma quỉ, một đứa trẻ bán trang phục lễ hội mời mọc tôi, trong số đủ các thứ mặt nạ thần linh, ma quỉ, và các loài vật, tôi chọn một cái mặt nạ người bình thường phù họp với lớp tuổi tôi,  rồi nhập vào dòng người đang nhảy nhót, tất cả đều làm mỗi động tác là nhảy nhót và ôm hôn nhau, những con người trong đủ các thứ trang phục lạ lẫm đang ôm hôn nhau, tôi cảm thấy có chút buồn nản khi nhìn thấy các ông già ôm hôn những cô gái rất trẻ, dù tôi không biết đích xác họ có phải là già thật, hay trẻ thật, hay chỉ là hóa trang, nó là thứ thú vui tinh thần như người chăm lo nền văn minh thành phố cổ súy, nhưng tôi vẫn cứ thấy không ổn, một thứ tình yêu có màu sắc thú vật, bỗng cái ý tưởng hơi chủ quan ấy thoáng qua nghĩ ngợi của tôi, rồi một cô gái vận áo quần tiên nữ, đi giày vải, nhìn gương mặt hóa trang thì cùng lớp tuổi tôi, đến mời tôi nhảy nhót, tôi có chút hoảng hốt, nhưng rồi cái cảm xúc đã chùng xuống trước đó của tôi thôi thúc tôi cứ thử cho biết, rồi nàng lặng lẽ ôm hôn tôi, hai gương mặt hóa trang chạm vào nhau, và thú thật, tôi chẳng nghe có chút rung động nào, chỉ cảm thấy hơi buồn cười với thứ ý nghĩ rằng biết đâu đó là một thằng cha vá lớp xe, hay một ông cụ xích lô, hay một kẻ bốc vác ở bến tàu, nhân có cuộc hóa trang tình yêu, đã chơi xả láng một chút như thể để thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn buồn tẻ được phút nào hay phút nấy, rồi chúng tôi thôi ôm  nhau, cùng đến ngồi nơi ghế đá ở ven đường giữa lúc cuộc hóa trang như đang ở vào thời điểm cao trào, âm nhạc vang lên, tiếng ca hát vang lên giữa những hò hét loạn xạ, tự dưng, cả hai chúng tôi đều có vẻ  muốn trở lại những giây phút thật, thì ra, khi gỡ mặt nạ hóa trang, chúng tôi là những kẻ quen thân nhau từ lâu, đó là bà chị bán rau cải hơn tôi những mười tuổi, rất nhiều buổi sáng, tôi trên đường thể dục đi bộ, chị trên đường đến chợ bán rau cải, rất nhiều lần chúng tôi cùng đi trên  đường phố đó, những cuộc chuyện trò về những buồn vui của cuộc sống con người, đã gặp nhau là chuyện trò không ngớt cho đến lúc chia tay nhau, em về đi nhé, câu ấy, chị vẫn nói với tôi mỗi lần chia tay nhau, khi gỡ mặt nạ hóa trang, nơi ghế đá, chúng tôi có hơi bỡ ngỡ một chút, nhưng liền lấy lại bình thường, chị thật là có lỗi với em, chị ấy nói, không sao đâu, tôi nói, buổi sáng mùa đông vẫn ẩm ướt, nặng nề, tôi lại nằm mơ thấy lại con đường đi học buổi hoa niên, như những lần trước, tôi là anh học trò từ trường học trở về quê, nhưng về đến nhà một chặp tôi lại thấy mình là anh nhà giáo đang mở trường dạy tư tại nhà để dạy đám trẻ trong làng, một sáng, tôi đang chờ lũ học trò đến học thì nghe người làng í ới gọi nhau đi coi diễn thuyết, thực ra là đi nghe, chứ không phải đi coi, nhưng tự trước giờ làng chưa bao giờ xảy chuyện diễn thuyết nên mới có chuyện rủ nhau đi coi, thường  là xảy ra những chuyện khác, ông trưởng làng họp dân phổ biến các thứ thuế khóa, hay ở trên về mở mét ting về các chủ trương chính sách của nhà nước, cấp trên về mở mét ting chứ chưa bao giờ mở diễn thuyết, lần này là cấp trên cử hẳn một nhà thông thái về làng tôi diễn thuyết, cái dòng chảy bụi bặm và buồn tẻ của cuộc sống một làng quê heo hút như thể đang được một thứ phép màu làm sôi động hẳn lên, người làng dừng chuyện cày bừa, chợ búa… để đi nghe diễn thuyết, tôi cũng cho lũ học trò nghỉ học để đi nghe diễn thuyết, ở trong mơ tôi thấy ông nhà thông thái người có vẻ sang trọng lắm đứng ở sân đình làng để nói, và không phải chỉ người làng tôi, mà có cả người của mấy làng bên đến nghe, từ sân đình, người nghe đứng tràn ra mấy khoảnh đất bỏ hoang trước đình làng,  chúng ta đang làm chủ đất nước, làm chủ thế giới, các vị thần của thế giới cũ đã nhường chỗ cho chúng ta, thời con người đã có thể bước ra khỏi mặt đất đang sống để bước chân vào các hành tinh khác, loài chim biết bay biết hót nhưng không thể biết tư duy, ngày nay con người là con vật biết tư duy cũng biết bay biết hót như các loài chim trên trời, các bạn cứ thử tưởng tượng, một ngày của những triệu năm trước, ngồi trong hang động, tổ tiên chúng ta, những con người mông muội, lo âu và sợ hãi, những con người hái lượm từng trái cây rừng, giành giật từng miếng ăn với lũ thú dữ trên rừng, ngàn cân treo sợi tóc, vậy mà bây giờ chúng ta là chủ của cả mặt đất và bầu trời, tổ quốc ta những nghìn năm giông bão, và bây giờ, đất nước ta là một bài thơ, sao không thấy nói gì về làng mình vậy, từ từ thôi vì mới bắt đầu mà, có cái gì đấy cứ nghe lộn xộn trong đầu, tôi nghe người làng tôi bàn tán nhau, diễn thuyết như thể niềm hy vọng mơ hồ, nếu không nói là mông lung, bỗng ập đến trong nghĩ ngợi của người làng tôi, đất đồng làng tôi hẹp, lại cằn cỗi, người làng không  tiền của, không hiểu biết, bao nhiêu đời cuộc sống của làng như một chiếc áo cũ cố giữ đừng để rách để có cái để mặc, có vẻ như văn minh đương đại chưa thể làm mới hơn một nơi chốn cái gì cũng có vẻ vững chắc trong sự cũ kỹ, bỗng như một tín hiệu, diễn thuyết nó có vẻ như sắp mở ra một cái gì đấy, bỗng người làng tôi hy vọng được nhìn thấy một sự kiện mới mẻ nào đấy, ở trong mơ tôi thấy nhà thông thái nói thao thao bất tuyệt, còn người nghe thì chen nhau lên phía trước để nghe cho rõ, vào một ngày nắng đẹp, bạn ngước nhìn trời, nắng như thể tấm thảm bao la  êm ái trải lên niềm hạnh phúc trần gian, con vật không biết hạnh phúc là gì, chỉ con người mới nhận ra được những tình cảm đang xảy ra ở bên trong của mình, sự thật, chưa hiểu hết, hay chưa hiểu gì về những điều nhà thông thái nói, nhưng niềm khao khát về một cái gì đấy đã dấy lên trong lòng người làng tôi, đi nghe diễn thuyết đã trở thành thứ nhu cầu như cơm áo, sáng ra là người làng tôi lại kéo nhau ra đình làng để nghe diễn thuyết, và ông nhà thông thái dường như chẳng có chút tỏ ra mệt mỏi, dù ngày nào cũng phải đứng ở sân đình làng suốt ngày, năm tháng cứ thế trôi đi, dường cấp trên đã muốn ông nhà thông thái về sống hẳn ở làng tôi để diễn thuyết, và người làng tôi dần dà cảm thấy việc đi nghe diễn thuyết không còn là quyền lợi mà là nghĩa vụ, đêm ngủ nghỉ, sáng ra, ông nhà thông thái lại ra đình làng diễn thuyết, và người làng tôi lại phải kéo nhau đi nghe, ở trong mơ tôi thấy những người lớp tuổi tôi đều già hết, ông nhà thông thái cũng già, ngày ngày ông ấy chống gậy ra đình làng diễn thuyết, lớp người già của tôi cũng chống gậy ra đình làng để nghe, đám con cháu chúng tôi giờ cũng đã trưởng thành tiếp nối chúng tôi đi nghe diễn thuyết để tiếp tục ước mơ về một điều gì đấy như lớp người già chúng tôi đã ước mơ, vào một ngày đẹp trời, các bạn cứ tưởng tượng, một con nòng nọc từ nước bước lên bờ và không rụng đuôi, ông có biết ông ấy đã nói gì không ông, trên đường từ đình làng về, thằng cháu nội tôi đã theo tôi đi nghe diễn thuyết theo hỏi tôi, tôi cứ thật lòng trả lời với cháu là tôi cũng không rõ ông ấy nói gì, đến bao giờ thì nhà thông thái mới thôi diễn thuyết đây, ông bạn già, ở nhà kế bên bỗng hét lên làm tôi thức giấc, cứ cảm thấy như mình đang ở vào một thời khác, mùa đông ẩm ướt nặng nề, buổi sáng có vẻ như thời khắc làm tôi cảm thấy lo âu, bỡi giấc mơ khi đêm còn để lại một chi tiết khá lạ tôi không thể không nghĩ ngợi, trong giấc mơ khi đêm tôi đã nhìn thấy người đàn ông ở nhà kế cạnh nhà tôi có mặt trong đám dân làng đi nghe diễn thuyết, ở trong mơ, khi ông ấy nhìn thấy tôi thì lập tức cuống cuồng bỏ chạy, chuyện trong mơ có vẻ như một thứ tín hiệu nào đó về cuộc đời của người đàn ông láng giềng tôi biết rất ít, sáng ra, lúc nhớ đến chi tiết này, tôi nghe bước chân ông đi lại trong căn nhà kế bên, chốc chốc lại ho lên, rất to, cái giả thuyết ông ấy sắp bỏ nhà ra đi mỗi lúc một rõ hơn trong ý nghĩ của tôi, tôi quyết định sang nhà ông xem thử, thì thấy cửa đóng, có tấm giấy dán trên cửa: chủ nhà đi xa, xin đừng gọi cửa, vậy là ông ấy đã đi thật rồi, tôi lao xuống đường, và cũng chẳng hiểu vì sao tôi phải đi tìm ông với cái giả thuyết kỳ quái là ông ấy đã trốn bỏ thành phố ra đi,  vì sao phải trốn bỏ, và trốn bỏ đi đâu thì tôi không biết, chỉ thấy cái giả thuyết kỳ quái ấy làm khốn khổ nghĩ ngợi của tôi, bao nhiêu năm sống cạnh người đàn ông ấy tôi biết rất ít về ông: người đâu mấy tỉnh trong nam đến thành phố này lập nghiệp đã lâu, khi tôi rời đất quê đến sống ở căn nhà cạnh nhà ông thì được biết, rằng, vợ và đứa con duy nhất của ông đã chết từ lâu, rằng, ông có vẻ giống với một nhân vật tiểu thuyết là gom hết số tiền bấy lâu làm được và tính toán khi ăn hết số tiền ấy thì mình đã quá tuổi trăm, làm bài toán xong ông quyết định không làm gì nữa, chỉ nằm không ăn cho hết số tiền ấy rồi chết, thế thì vì sao lại phải bỏ nhà ra đi, và có thật là ông đã bỏ nhà ra đi hay không, tôi vừa chạy đi tìm ông, vừa nghĩ ngợi, cái vẻ hớt hải vừa đi vừa cắm đầu cắm cổ chạy của tôi khiến nhiều người đi đường cũng hoảng lên, cũng cắm đầu cắm cổ chạy theo tôi, rồi tôi cứ thấy chờn vờn trước mắt hình ảnh ông ấy đang chạy trốn nên tôi lại cố chạy nhanh hơn, rồi hết thảy người trên đường phố đều bỏ chạy theo tôi, người ở các nhà hai bên đường phố thấy chúng tôi chạy cũng ùa ra đường, chạy với chúng tôi, đến lúc này tôi cũng thấy rối lên vì chẳng hiểu vì sao mọi người lại bỏ chạy như thế, nhất định phải có một lý do nghiêm trọng nào đó chứ không phải thấy có người bỏ chạy thì tất cả đều bỏ chạy, cái ý nghĩ đi tìm người đàn ông láng giềng bấy giờ đã tiêu tan hết, trong đầu tôi lại dấy lên bao nhiêu giả thuyết cho cái lý do vì sao mọi người lại bỏ chạy, nói gì thì nói, thấy mọi người có vẻ hoảng lên, cắm đầu cắm cổ chạy, tôi cũng hoảng lên, và căm đầu cắm cổ chạy theo bọn họ, cái tin người trong thành phố bỏ chạy lan nhanh quá, khi chúng tôi chạy đến đoạn phố ấy thì thấy có đám người đang chạy ngược về phía chúng tôi, hãy quay lại đi, ở đó nguy hiểm lắm, bọn họ kêu lên, và đám người chúng tôi đã lập tức quay lại nhập vào đám người ấy, nhưng khi đến đoạn phố ấy lại thấy một đám người khác, đông lắm, đang chạy ngược về phía chúng tôi, hãy quay lại đi, ở đó nguy hiểm lắm, bọn họ gào lên, vậy là bọn chúng tôi phải quay sang một hướng khác, chạy một chặp tôi thấy bọn chúng tôi đã ra khỏi thành phố, một miền quê buồn bã, trong lúc tôi vừa chạy vừa nghĩ ngợi về cái miền quê ruộng đồng cằn cỗi, nhà cửa thưa thớt, heo chó thì chạy loạn xạ trên đường, thì một đám người từ trong làng túa ra, chạy ngược về phía chúng tôi, hãy quay lại đi, ở đó nguy hiểm lắm, bọn họ kêu lên, vậy là chúng tôi phải quay sang hướng khác, có vẻ như hết thảy chúng tôi đều mất phương hướng, cái buổi sáng chết tiệt, tôi phải chạy đến hụt cả hơi, vả cũng chẳng biết vì sao tôi phải chạy trốn như thế,

 

 

tôi đã chép xong câu chuyện kể của H. và cảm thấy như mình cũng đang rơi vào giấc mơ,

 

giã
tháng 10.2018
tháng 12.2018