Hệ lụy của những bài ca của đất

 

hay đây là chú giải tuổi thơ
LỜI GHI TRÊN VÁCH NÚI VOI NẰM 

 

 

 

tuổi thơ tôi như những bài ca của đất, những bài ca đánh động được cả sự im lặng khó hiểu của thế giới, thì chẳng phải vào những lúc tôi cảm thấy  thế giới như đang bị kẹt chuyện gì đó, sáng ra không nhìn thấy lũ chim có bộ lông màu nâu nhảy nhót  trên các nhánh gòn trước ngõ nhà tôi như thường ngày thì liền nghĩ ngay đến chuyện thế giới đang gặp chuyện chẳng lành, một thứ hoạn nạn nào đó, tôi nghĩ vậy, và nghêu ngao hát ở trong đầu, tức, hát không thành tiếng, để cho bớt nỗi lo có vẻ không đâu, tôi vừa nghêu ngao hát ở  trong đầu như thế, vừa mong mỏi  sao cho mọi thứ đều tốt đẹp như cũ, thế là, chỉ lát sau, sự im lặng đã bị phá vỡ, đã nhìn thấy lũ chim có bộ lông màu nâu nhảy nhót đầy trên các nhánh gòn trước ngõ, phải nói là tuổi thơ tôi đã đánh động được cả con vật vốn từ lâu vẫn cố nằm im giữa bề bộn năm châu bốn biển là con tắc kè đỏ đuôi trú ngụ ở buội duối trăm năm tuổi nơi  bờ rào vườn nhà tôi, cứ hoàng hôn xuống là tôi lại ra vườn giả làm khách đường xa kêu lên mấy tiếng tắc kè… tắc kè…không phải, là tôi đã giả làm một con  tắc kè  cùng loài giống với con tắc kè đỏ đuôi đấy, vào những hôm trời có giống sấm con tắc kè đỏ đuôi đang chạy loanh quanh ngoài vườn  thì  vội vã   nhập vào buội duối trăm năm tuổi ở bờ rào vườn nhà tôi, vậy đấy, nhưng khi tôi giả làm con tắc kè kêu lên mấy tiếng như thế thì con tắc kẻ đỏ đuôi lại từ buội duối trăm năm tuổi nơi bờ rào vườn nhà tôi  thò đầu ra nhìn tôi, vẻ biết ơn, không phải là biết ơn, mà  như là có vẻ cám động như thể là đã gặp được đồng loại của mình, vậy đấy, tôi cứ thành thật  nghĩ là tuổi thơ tôi đã làm thay đổi  mọi thứ trong thế giới  như thế,

 

 


NHƯNG XỨ SỞ TÔI NHƯ CHIẾC GIƯỜNG NẠM NGỌC,

 

 
và đêm đến thì như có ai đó cứ gõ lên nhận thức của tôi, tra hỏi, vẫn những câu hỏi ấy, vậy thì núi là gì với đám bò của ông Tám Bảng chẳng ai chăn dắt nhưng ngày ngày chúng vẫn kéo lên ăn lá cây ở trên núi, câu hỏi, bây giờ tôi nói là có tính bản thể luận, còn hồi ấy cứ như một bài toán khó, còn khó hơn là bài toán khó, thầy giáo làng của tôi hỏi bọn học trò ông, một cộng với một rồi trừ đi một thì còn bao nhiêu, khó, nhưng còn trả lời được, tôi trả lời thầy tôi: coi như hết, thầy tôi đánh bằng thước bảng thật mạnh lên bàn tay cầm bút của tôi, ông chỉ đánh một cái để cho tôi nhớ, rằng, một cộng một rồi trừ một thì còn một, nhưng đấy là chuyện của con số, không phải là chuyện  núi Lũng với lũ bò của ông Tám Bảng, chuyện là ông Tám Bảng làng tôi sáng cỡi ngựa đi tối cỡi ngựa về, sáng ra ông Tám Bảng nói với bà Tám Bảng là vào đất Lũng để trông coi đàn bò thả núi của ông, nhưng thực ra là đi ngủ với người thiếp, một cô gái trẻ ở làng bên mê sự giàu có của ông, người vợ già của ông Tám Bảng cả đời vẫn nghĩ sáng ra là ông Tám Bảng cỡi ngựa vào đất Lũng để chăm coi đàn bò thả núi , còn đàn bò của ông sáng ra thì tuông ra khỏi chuồng trại ở đất Lũng kéo hết lên núi Lũng ăn lá cây rừng, rồi chiều lại kéo hết về chuồng, núi Lũng ở phía nam làng tôi, là cứu tinh của đám dân nghèo, những người nghèo ở làng tôi không có đất để cày thì lên núi Lũng lấy gỗ của nó đem đi đổi gạo, tôi cứ việc đứng tựa cửa nhà tôi thì nhìn thấy núi Lũng, và cho đến lúc nghe người ta kháo nhau về chuyện ông Tám Bảng đi ngủ với người thiếp trẻ tuổi thì tôi vẫn chưa đặt chân đến đất Lũng bao giờ, có một thứ quyến rủ kỳ dị nào đó như thể phép màu nào đó mới khiến cho đám bò của ông Tám Bảng ngày nào cũng kéo hết lên núi, sao không kéo đi nơi khác mà kéo lên núi Lũng nhỉ, hay là cứ thấy nhớ nhung lá cây rừng như thể hồi còn bú mẹ ta cứ thấy nhớ nhung sữa mẹ, cái thắc thỏm mong hiểu hết thế giới chung quanh thôi thúc tôi phải nhờ đến các nàng tiên trong những câu chuyện kể của mẹ tôi, vào cái đêm mộng mị ấy, phải chờ cho đến gần nửa khuya tôi mới nghe thấy nàng tiên trong những câu chuyện kể của mẹ tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của tôi
bạn là một trong những người ta yêu mến
nàng tiên xinh đẹp của tôi nói
cái tuổi tôi, bấy giờ, cũng sắp thay khúc phù trầm, sắp vỡ tiếng, tức sắp vào tuổi dậy thì, thì chưa biết yêu là gì, chỉ thấy lâng lâng một chút nơi hồn mình khi đang đêm bỗng có nàng tiên xinh đẹp cầm lấy tay mình
có thể cho biết được không, lũ bò của ông Tám Bảng thì có dính dáng chi với núi Lũng
tôi hỏi
nàng tiên xinh đẹp của tôi bỗng ôm chặt người tôi vào lòng, là nàng ôm đứa con trai trần thế ngây ngô, hay là ôm một khối tình bất chợt bao gòm cả cái tinh anh ở trên trời cả cái đắn đo phiền tạp nơi mặt đất, tôi không biết, bấy giờ, tôi chỉ còn đủ khả năng để nghe thấy giọng nói đầy ma lực của nàng tiên xinh đẹp của tôi, giọng nói như thể là cuộc va chạm bí ẩn giữa một con chim và đám mây trời
đêm mai ta sẽ nói cho bạn nghe về chuyện lũ bò và núi nhé
nàng tiên của tôi đã hẹn tôi
tức, vẫn còn để cho tôi một khối khó khăn trong nhận thức,

thật ra thì nàng tiên xinh đẹp của tôi cũng không hiểu được mối quan hệ giữa núi Lũng và đàn bò của ông Tám Bảng nó là gì, nàng đã không đến gặp tôi như đã hẹn, đêm, tôi nằm nhấm nháp thứ sự thật vừa ngọt ngào vừa cay đắng như thể một nhà triết học vừa để vuột mất bản thể sự vật vừa nhìn thấy được, bây giờ thì tôi nghĩ thế, còn lúc ấy, có tức giận một chút vì nàng tiên xinh đẹp của tôi đã lừa tôi, để tôi phải nằm chờ như vậy, song, vẫn cứ moi trong đầu ra đủ thứ lý lẽ để biện hộ cho nàng, rằng, trên đường đến nhà tôi nàng đã gặp giông tố nên phải quay về, nhưng đấy là tháng sáu, nắng cháy cả cỏ cây thì làm chi có giông tố, tôi bèn ngã sang  lý lẽ, rằng, nàng tiên xinh đẹp của tôi đã ngã bệnh, tuổi thơ tôi như những bài ca tuyệt vời của đất, có trục trặc mấy tôi vẫn cứ thấy yêu vô cùng thế giới chung quanh, xứ sở, tôi vẫn vui vẻ bước đi ở trên đó với những nghĩ ngợi giản đơn, đất dưới chân tôi là chỉ gòm toàn những điều vui vẻ, thậm chí, khi nghe người lớn kháo nhau rằng đám bò thả núi của ông Tám Bảng đã làm cho ông ấy trở nên giàu sang và trụy lạc thì tôi vẫn cho rằng, người lớn cũng như tôi thôi, là vẫn chưa hiểu hết lũ bò của ông Tám Bảng, cái lũ bò đã tự sinh sôi đông đến nỗi anh buôn bò chỉ cần nói với ông Tám Bảng một tiếng là đã có thể dắt đi chừng ấy con bò, và ông Tám Bảng chỉ cần lấy số tiền bán chừng ấy con bò như anh buôn bò nói, chẳng cần biết anh buôn bò nói có thật hay không, những nghĩ ngợi đơn giản của tuổi thơ, có một cái gì đó, cứ cho là vòm trời tuổi thơ, ở đó, những nàng tiên trong các câu chuyện kể của mẹ tôi ngày nào cũng hà hơi cho tôi, để dần dà hiểu ra vì sao lũ con trai con gái trong làng tới tuổi mười tám đôi mươi cứ chờ đêm xuống là núp ở bờ rào làng, hôn nhau, chính là nhửng bài ca của đất đơn giản và trong ngần ấy, về sau, đã làm cho tôi hoảng hốt khi nhận ra mặt đất tôi đang bước đi không phải chỉ gòm toàn những điều vui vẻ, bây giờ thì những ngu xuẩn, tăm tối, những tàn bạo, những hoang đường, những độc ác vẫn đang là những kẻ đồng hành với tôi,

 

ông Tám Bảng vẫn sáng cỡi ngựa đi tối cỡi ngựa về, và đàn bò của ông vẫn cứ tiếp tục sinh con đẻ cháu ở đất Lũng, xứ sở tôi như chiếc giường nạm ngọc, tôi đã sinh ra ở trên đó, nô đùa ở trên đó, đã có một khoảnh đời như niềm hạnh phúc bền lâu ở trên đó, toàn bộ những mái nhà tranh những người cày ruộng với những khu vườn ăn trái với những trâu bò gà vịt là tọa lạc trên thứ hồn cốt nhẹ tênh mà bất tận, bản thể của đất đai, cũng thuộc về một phương Đông, các ông vua đều tự xưng là con trời và cười đùa trên máu dân cho đến chết, nhưng vẫn có cái riêng của nó, như thể là cái hà hơi sảng khoái của một miền sơn địa, xứ sở tôi có gió núi Lũng trải dài theo năm tháng, còn lũ chim vạc thì đêm đến chúng bay trên ruộng đồng làng xóm, nghiền ngẫm, và buông ra thứ ngôn ngữ riêng của chúng, nhật ký của chim, còn ông nghè Trần, tôi cũng chỉ đọc được trước tác của ông tiến sĩ của xứ sở tôi đã mất từ lâu ấy khi tôi đã có chữ nghĩa để đọc sách, còn lúc bấy giờ những gì nói trong Sách Trời của ông ấy cứ như chiếc đũa thần khuấy nát niềm háo hức của bọn trẻ chúng tôi…’’ta cứ nghe như có ai đó đang đi trên con đường nối các vì sao nói vói xuống, này, ta nói cho ngươi biết, nàng là trinh nữ ở chốn trên cao thấy con người quá khổ, bầu trời thì đè sát trên đầu, đất dưới chân thì toàn núi rừng, nên đã bước xuống, ngày đầu là nống trời cho cao lên, ngày thứ hai là đẩy lùi núi rừng cho có đất trồng trọt, chớ lấp ao trời nhé, nàng căn dặn mọi người trước khi trở lại chốn trên cao’’…ao trời là bàu nước nằm ngay giữa đồng ruộng làng tôi, lúc người trinh nữ của ông nghè Trần đứng chống trời cho cao thêm đã làm đất lún xuống thành cái ao đó, Sách Trời của ông nghè Trần là sách thiêng, bấy giờ tôi nghe những người lớn nói thế, sách ấy nói cái bàu nước nằm giữa đồng ruộng làng tôi  có tên là bàu Trạch Linh, qua trước tác của ông nghè Trần, xứ sở tôi như chạm vào chỗ nào cũng vang lên giai điệu thiêng liêng, và bọn trẻ chúng tôi, do tôi cầm đầu, đã tấn công vào thứ sông núi thiêng liêng ấy, vào một đêm tháng sáu, khi lũ vạc bắt đầu làm công việc chép nhật ký đêm, bọn chúng tôi đốt đuốc xông vào bàu Trạch Linh đốt cháy đền thờ người đã có công lập đất lập làng của chúng tôi, cũng chỉ là để được nhìn thấy mặt người con gái nghe nói là cùng lứa tuổi bọn tôi bấy lâu vẫn mong mỏi được gặp mặt, cả làng tức giận bọn tôi, chỉ trừ một người, ông Chín Bậc. người vốn không tin ông nghè Trần  được trời mặc khải cho việc chép sách, lũ bay cứ việc giả điên cho tao, ông Chín Bậc rỉ tai bọn tôi, cốt để giúp bọn tôi thoát khỏi kiếp nạn bị đòn roi, quả là cha mẹ tôi lo sốt vó khi thấy tôi bỗng đi đứng xiêu vẹo và nói năng lung tung, rồi cái thằng cha pháp sư làng bên đã có dịp khoác lác với người làng tôi, ông ta chạy hết nhà này sang nhà khác để đuổi ma cho đám con trai từng tham gia đốt đền ở bàu Trạch Linh, trong lúc thằng cha pháp sư phùng má trợn mắt làm động tác đuổi ma thì tôi cũng phải giả làm con ma nhập nơi người tôi run lên, trong lúc giả làm con ma run lên, tôi cứ muốn hét cho thật to vào mặt thằng cha lừa đảo ấy, về sau, khi đã có đủ chữ nghĩa để đọc Sách Trời của ông nghè Trần tôi mới thấy ông Chín Bậc có cái lý của ông ấy khi nhìn thế sự, có phải ông tiến sĩ của làng tôi đã muốn bắt chước ông Mahomet đi chơi sa mạc Si Nai và nghe trời rỉ tai cho việc viết kinh Coran đã một mình đứng ra viết Sách Trời chơi, về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức, tôi mới hiểu ra, không phải ông nghè Trần muốn làm một vị giáo chủ nào đó, và đâu phải chỉ có mỗi thằng cha pháp sư ấy, mà nhan nhản những thằng lừa đảo đang tồn tại trên đất nước tôi,

 

dưới ngọn bút của ông nghè Trần, xứ sở tôi cứ giống như cái vẫy tay ra hiệu của tạo tác, kiểu nói bằng cách ra dấu đôi tay, như thể muốn nói riêng điều chi đó với những con người vẫn tin vào trời đất, người  xứ sở tôi vẫn tin vào những tín hiệu không hề suy suyễn của trời đất: một cơn mưa đầu mùa, hay màu ráng buổi hoàng hôn, đi cày ruộng, và luôn nhìn lên bầu trời trên đầu mình thử có tín hiệu gì không, cứ bước chân lên con đường đất ngang qua ruộng đồng ấy, lập tức sẽ nhìn thấy cuộc quần cư của bầy đàn người xứ sở tôi như thể thứ phác thảo tùy hứng của tạo hóa, xóm thôn nhà cửa thì rời rạc như thể là cách chia để trị của một nền thống trị tàn nhẫn nào đó, nhưng không phải, cuộc cát cứ ban đầu của nhân loại chỉ là thứ qui tụ và tan rã tự phát, thích, thì đến ở, không thích, ra đi, con chim đậu nơi bờ rào vẫn cứ thốt lên niềm kinh ngạc, ông nghè Trần chép trong Sách Trời của ông…’’nàng cứ đứng lặng người, mắt nhìn về phía vô hạn, cảm xúc độ thế đang đọng thành hào quang, một chặp, thì có tiếng nói lớn, hãy nới rộng ra, giọng nói của nàng như xuyên thủng  mọi năm tháng, và bầu trời trên đầu bất chợt bao la’’…buổi ấy, Sách Trời của ông nghè Trần như thứ phép màu làm cho người ta thấy yêu cuộc sống  của mình hơn, con người luôn sống trong thứ cảm thức, rằng, rồi ra rừng cây chim chóc cũng trở nên thân thiện với con người, thì chẳng phải nàng trinh nữ trong Sách Trời của ông Trần đã tạo dựng ra một thứ đất trời thân thiện hay sao, rồi những người có chữ nghĩa lại đem tư tưởng ông nghè Trần chép ra thành những văn bản khác theo cách  của mình, tức luận về Sách Trời, rồi những người trị nước lật đật đặt ra những lề luật cho việc thực hành tư tưởng Sách Trời, từ kinh văn là Sách Trời đã chuyển thành những luận, những luật, ồ cái đám người rã đám ấy, bây giờ tôi gọi là đám người rã đám, còn bấy giờ,  là những nhà tư tưởng của thời đại đó,  bọn họ làm ra những bài ca, những thi ca, cho bọn trẻ chúng tôi hát, đọc, khi chữ nghĩa đã được con người sắp đặt thành kinh sách, tức đã hà hơi vào chúng thành những uyển ngữ đầy quyền năng, thì chúng, chữ nghĩa lại quay ra bắt con người phải kính trọng nó, hệ lụy của câu chuyện này là đã sản sinh ra quá nhiều những kẻ dở hơi trong xã hội, những người chưa đến nỗi khùng điên, nhưng vô cùng ngu xuẩn, lúc bấy giờ thì đấy là một lũ vô cùng bậy bạ trong cách nhìn thế giới, bọn họ thi nhau làm ra sách vở văn chương ca ngợi những thứ bọn họ thấy thích và nguyền rủa những thứ bọn họ thấy không thích, thậm chí, còn tuyên bố này nọ về triết học, về thần học, về  nhân loại học… đám trẻ con bọn chúng tôi không còn thể giữ kín miệng, đã nói ra cho mọi người biết là bọn tôi đã giả điên để khỏi bị đòn roi về tội đốt đền, không phải bọn tôi đốt đền để được nổi tiếng [như một nhân vật lịch sử thời cổ đại] mà vì cứ thấy ấm ức chuyện nàng trinh nữ của ông nghè Trần chỉ bằng tuổi bọn tôi mà lại tài hoa như thế, bấy giờ, mọi người đã hiểu ra  không phải ông nghè Trần chép Sách Trời là để cho thằng cha  pháp sư đi lường gạt thiên hạ,  người ta đã nhìn thấy mưu đồ của đám người có chữ nghĩa trong việc lợi dụng Sách Trời để cai trị thiên hạ, bấy giờ làng xóm tôi buồn lắm, đụng vào thứ gì cũng thấy buồn, những người lớn, sáng lầm lũi ra đồng làng, trưa, lại lầm lũi trở về nhà, ở trong làng như cũng ít nghe thấy tiếng trẻ khóc, hay tiếng gà heo, cho đến lúc có đủ chữ nghĩa để đọc sách ông Trần tôi mới hiểu được cái hụt hẩng đau đớn khi con người đã mất hết niềm tin vào cuộc sống, khi không còn cái để tin, thì người ta tìm đến tiếng hát chim cu,

 

 

BÂY GIỜ THÌ GIÓ VÀ LŨ CHIM VÔ ƯU,

 

tôi cứ muốn nhắc lại những thứ ấy như thể để cho người đời tin rằng bầu trời của tuổi thơ tôi là cao rộng biết chừng nào, gió thì nhiều vô kể, còn lũ chim thì vô ưu, bỏ đi sự lường gạt của người lớn, rằng, chuồn chuồn cắn rốn thì biết bay, buồi sáng mùa thu,  tháng tám, tôi ngồi ở sân nhà mình hồi họp nhìn lũ chuồn chuồn từng đàn  quần thảo ở trên đầu tôi, chúng bay thấp đến nỗi tôi cứ có cảm tưởng những đôi cánh mỏng của chúng sắp va vào mắt mũi tôi, thật ra đấy chỉ là thứ cảm thức  sai lệch, thứ cảm thức về niềm vui sướng, rằng, toàn thể lũ  chuồn chuồn trên mặt đất là đang kéo đến gặp tôi, có phải là toàn thể lũ chúng đang rất thích tôi không nhỉ, tôi không biết, nhưng cứ  cảm thấy vui sướng trong lòng, lúc đầu tôi chỉ định xem thử lũ chúng đang muốn gì, nhưng ngồi nhìn một chặp thì bị lũ chúng hớp hồn, có thể nói thế này, một vùng trời đất kiêu căng, tráng lệ, và đầy vẻ khiêu khích là đang ngự ở trên đầu tôi, lấp lánh những mơ ước, những hoài bão, những tận hưởng, cái đám chuồn chuồn ấy, có vẻ là đang rất tha thiết với những gì đang diễn ra chung quanh: có một trẻ thơ đang ngồi ở bên dưới bầu trời mùa thu để chờ đợi một thứ gì đấy đừng nói đấy là thế giới thần tiên đấy nhé, lũ chuồn chuồn là đang  đảo lượn, nhìn ngắm, có vẻ chẳng muốn rời đi, không phải chỉ vài lời là nói  được cái cảnh trời đất phong nhiêu đang ngự ở trên đầu tôi đâu nhé, đang ngự ở trên đầu tôi là hằng nghìn con chuồn chuồn đang bay, cứ nối đuôi nhau mà bay, có một thứ thông báo nào đó không phải bằng lời nói cho một cuộc hội tụ của lũ chuồn chuồn không nhỉ, tôi không biết, buổi sáng mùa thu, bầu trời thì nhiều gió, và buồn bã, lũ chuồn chuồn thì vẫn bay, quả tình là lũ chuồn chuồn đang rất vui, nhưng tôi thì không vui, bỡi đang khổ sở với thứ hiếu kỳ ngu ngốc của tuổi thơ, rằng, tôi cứ muốn biết là gió mang lũ chuồn chuồn đến chỗ tôi, hay là lũ chưồn chuồn mang gió đến chỗ tôi, tại sao ta  nghĩ không ra nhỉ, buổi sáng mùa thu, bầu trời thì nhiều gió, và buồn bã, tôi lại nghĩ đến lũ chim trời, lũ chim mang gió đi hay gió mang chim đi nhỉ, buổi sáng mùa thu, bầu trời thì buồn bã, và nhiều gió, tôi thì ngồi nhìn lũ chuồn chưồn vờn trên đầu, và cứ thấy mỗi lúc mỗi rối rắm hơn về mối quan hệ giữa gió với lũ chuồn chuồn và lũ chim, cứ thấy rối rắm trong nghĩ ngợi, nhưng lại  rất vui, hóa ra, rối rắm trong nghĩ ngợi lại là niềm vui của tuổi thơ, về sau, khi thấy mình luôn bị vây hãm, luôn bị phủ nhận bỡi cái thế giới loài người đầy rối rắm, tôi cứ nhớ đến thứ rối rắm của tuổi thơ tôi, rất nhớ, tại vì sao tôi lại chẳng thể ngồi như thế từ lúc chưa thể hiểu hết mối quan hệ giữa các sự vật trong thế giới cho đến khi già chết nhỉ, cứ ngồi như thế trong niềm vui rối rắm, lũ chuồn chuồn thì  vờn ở trên đầu tôi, còn tôi thì cứ nghĩ mãi nghĩ mãi gió mang chuồn chuồn đi hay là chuồn chuồn mang gió đi,

 

nhưng tuổi thơ tôi là một cuộc khảo sát về thế giới một cách vội vã, những khảo sát vội vã ấy thường là đem lại cho tôi niềm vui bất tận bỡi tôi cứ tưởng là mình đã nhìn thấy  được toàn bộ thế giới, việc tôi lao vào thế giới của lũ chim chiền chiện cứ như một cuộc tình kỳ diệu  trong tìm kiếm tình yêu trần thế, chim chiền chiện có thân hình thon nhỏ, nhỉnh hơn chim sẽ một chút, chim sẽ không có khả năng bay lượn, nhưng chim chiền chiện thì bay lượn cũng ngang bằng chim én, tháng giêng, gió nồm thổi ngọt, đồng làng tôi vào mùa cày vỡ, lúa trì đồng làng tôi thì tháng giêng cày vỡ, tháng hai cày trở, tháng tư gieo giống, và tháng chạp thì gặt, cây lúa phải đứng trên đất đồng làng gần cả năm, trải qua bao nhiêu mưa nắng mới trỗ bông, nên được gọi là lúa trì, lúa trì khi gặt thì chừa lại gốc rạ rất cao, nên khi cày vỡ , đất mới vỡ lởm chởm những gốc rạ, đường cày ở ruộng lúa trì thì thích hợp cho việc làm tổ của chim chiển chiện, cho tới giờ tôi cũng vẫn chưa hiểu tại sao loài chim trời ấy không làm tổ trên cây như bao nhiêu loài chim khác mà làm tổ nơi mặt đất, tháng giêng, tôi theo cha tôi ra ruộng để rình xem lũ chim chiền chiện làm tổ ở đường cày, một trong những cuộc khám phá của tuổi thơ tôi, cha tôi vẫn theo cây cày và lũ bò cày, những luống đất lởm chởm gốc rạ tiếp tục được xới lên, còn tôi thì nằm nép mình ở bờ ruộng, có nghĩa phải biến tôi thành vật thể bất động lẫn theo đất đai cho vợ chồng  chim chiền chiện không biết là tôi đang rình rập chúng, đấy là cái ý nghĩ của tôi lúc bấy giờ, còn nghĩ như thế có đúng hay không tôi không biết, cha tôi vẫn theo cày, những luống đất lởm chởm gốc ra  tiếp tục được xới lên, tôi vẫn nằm im nơi bờ ruộng, còn vợ chồng  chim chiền chiện tôi đang rình rập chúng thì cứ từng chặp thay nhau đáp xuống  luống đất mới vỡ, cái cách ngụy trang cho  hành động của chim là như thế này, con chiền chiện miệng ngậm đầy rác bay loạn xạ trên bầu trời trên đầu tôi, đoạn bổ nhào xuống đường cày mới vỡ, tiếp theo là men theo đường cày chạy thật nhanh đến điểm chúng chọn làm tổ, có nghĩa phải đáp xuống nơi cách xa nơi làm tổ, rồi từ chỗ đáp xuống chạy thật nhanh theo đường cày đến nơi làm tổ, đường cày cứ giống như cái giao thông hào của chim, tôi phải nép mình nơi bờ ruộng rình xem liên tục mấy buổi cày như thế vợ chồng chim chiền chiền mới làm xong chiếc tổ bằng rác ở nơi đường cày, rồi như ngày nào tôi cũng bí mật đến thăm tổ chim chiền chiền, đấy là những cái trứng chim nhỏ xíu, tiếp đến là lũ chim non chiu chít trong tổ, cho đến đây thì việc tôi đến thăm tổ chim chiền chiện là rất khó, bỡi lúc nào cũng có con trống hay con mái ôm ấp lũ con, rồi cái quyết định mang tính tri thức luận xuất hiện trong nghĩ ngợi của tôi, có nghĩa, tôi lý luận rằng, loài chim ngu muội đã để cho lũ con mới sinh của mình nằm phơi mình giữa nắng gió, và nhất định loài người thì nưôi con tốt hơn loài chim, tri thức ấy đã giúp cho tôi thứ sức mạnh có thể nói là tàn bạo, vào một chiều tắt nắng, tôi đánh đuổi con chim mái đang ôm ấp lũ con, con chim mái hay là con chim trống tôi cũng không biết nữa, và hốt trọn tổ chim, gòm cái tổ bằng rác và lũ chim non, mang về đặt trên gác chuồng bò nhà tôi, giờ thì tôi nói đấy là cuộc thể nghiệm của tuổi thơ về qui trình tiến hóa của chim, còn lúc ấy tôi cho là mình đang làm việc thiện, đang thay cho lũ chim mẹ ngu ngốc  nuôi con cho chúng, tôi đã dấu cha mẹ tôi để làm công việc nuôi lũ chim non, hằng ngày tôi lén cha mẹ tôi, leo lên gác chuồng bò, đút cơm cho lũ chim non, tức, tôi đã cho lũ chúng ăn cơm uống nước y như con người, lòng tôi cứ thấy bay bổng bỡi cho đó là việc làm quá lớn lao đối với một đứa trẻ, là đang nuôi nấng một lũ chim non chỉ há mỏ chờ đút mồi cho đến lúc biết bay, bấy giờ là tôi chỉ nghĩ đến ngày, lũ chim đủ lông cánh như cha mẹ chúng, tôi sẽ mang chúng ra khỏi gác chuồng bò, và đứng ở bên dưới bầu trời trên đầu tôi, để nhìn xem lũ chim của tôi  bay lên từ cái tổ bằng rác tôi đang bưng ở trong tay, ồ, với tuổi thơ tôi, thì chuyện đó nó lớn quá, lớn đến mức, có những đêm, nghĩ đến chuyện mình đang  nuôi lũ chim trời thì ngủ không được, phải chờ đến lúc có kiến thức sách vở, tôi mới hiểu ra rằng thức ăn của chim không phài là cơm gạo của con người, mà là những sâu bọ hay hoa cỏ trong trời đất, lũ chim ăn cơm uống nước do tôi cung cấp đã chết, tôi buồn lắm, tất nhiên là thứ nỗi buồn này thì chẳng có bút mực nào tả nổi, việc chôn cất lũ chim non cũng đơn giản thôi, chi mang chúng ra vườn nhà, dùng tay để moi đất vườn thành cái hố nhỏ, rồi đặt bọn chúng hố, và lấp đất lại, nhưng đấy lại là cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời tôi, cuộc hành trình làm bùng vỡ tri thức về ảo ảnh trần gian,

 

 

lại có những hiện thực không phải làm bùng vỡ tri thức về ảo ảnh, mà khiến cho hình thành nỗi buồn cứ nằm im đâu đó trong trí nhớ có vẻ như đã lãng quên nhưng thực sự  chỉ chờ thức dậy vào lúc có thể thức dậy, nỗi buồn cố cựu, chuyện bắt đầu từ những cơn gió thổi lại từ núi Lũng, những cơn gió có khi đứt quãng có khi liền hơi trổi lên khi không còn những cơn nồm thổi lại từ phía biển, tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non,  tháng tư thì những cơn gió mỏng nhẹ từ phía núi Lũng lại thổi về làng tôi khua lên thứ âm vang như thể chỉ còn một nửa, thật ra, những ngọn gió mỏng nhẹ khi thổi tới làng tôi chạm vào một vật thể nào đó, những mái tranh, hay những lũy tre làng, gió khuyết đi, cứ nghe như thể một nửa gió đã chìm khuất vào chốn trần gian u tịch, ngôi nhà ông bà nội tôi để lại cho cha mẹ tôi là  nhà vách đất mái tranh, kèo nhà làm bằng tre nguyên cây, những cây kèo làm bằng tre nguyên cây rổng đầu, nhà lại xoay hướng nam, hướng núi Lũng, đến mùa gió núi Lũng thổi, những đầu kèo tre rổng đầu hứng lấy gió, gào lên, giờ thì tôi nói đó là tiếng trần gian u tịch, còn lúc ấy, đến mùa gió núi Lũng thổi, là tôi lại thấy thắc mắc trong lòng, bỡi có gió núi Lũng thổi về thì thực ra là những cái đầu kèo lại tru lên nhưng tôi thì cho là mái nhà kêu lên, sao mái nhà mình cứ kêu hoài như thế, không còn kiềm giữ được hiếu kỳ, vào một bữa cơm chiều, tôi buột hỏi, gió núi Lũng vẫn đang thổi về , và những cái đầu kèo rổng vẫn đang gào lên, nghe tôi hỏi, cả nhà tôi chỉ cười, chắc cho rằng những chuyện bình thường như vậy cũng chẳng cần phải giải thích với tôi… gió kêu chứ mái nhà kêu gì, chỉ có anh  trai tôi nói vậy, rồi chẳng ai nói gì nữa, đêm, tôi lại hỏi mẹ tôi về chuyện vì sao gió núi Lũng thổi là mái nhà tôi lại kêu lên…là tiếng sáo trời đấy con, mẹ tôi nói, tiếng sáo trời, chứ không phải gió kêu như anh trai tôi nói, lập tức, cách giải thích của mẹ tôi thu hút tôi, nói tiếp đi mẹ, tôi thúc mẹ tôi, bấy giờ tôi chín tuổi, đêm tôi vẫn còn nằm trong vòng tay của mẹ, tôi nằm im trong vòng tay mẹ, lắng nghe [sáu tuổi hết bú mẹ, mười tuổi đêm hết nằm với mẹ, tôi đã tuyên bố với mẹ tôi như thế hồi tôi lên năm] chuyện gió trời không bắt đầu từ núi Lũng, mà từ nước Mạ, mẹ nằm lòng chuyện gió trời như thể bà chỉ lấy từ trong túi áo ra…vua nước Mạ tàn bạo, độc ác, lúc nào cũng nghi ngờ dân của nước mình là kẻ thù của mình, cho nên, với vua,  việc bắt bớ, giam cầm  dân, hay sát hại dân, cũng bình thường như việc vua ăn cơm uống nước vậy, dân nước Mạ lần hồi trốn khỏi nước, cho đến hôm tiếng sáo trời nổi lên ở chốn kinh đô nước Mạ, mái nhà hoàng cung cứ gào lên, vua hoảng hốt thấy đất nước  mình trống trơn, không còn dân, nên chẳng có ai dệt vải, áo vua rách, phải vá đùm vá đụp, mỗi khi nghe tiếng sáo trời trổi lên, ông vua vô đạo mặc áo vá lại đi ra đi vào chốn hoàng cung giữa một đất nước trống trơn, kể đến đó, mẹ tôi bảo tôi, rằng, tiếng sáo trời đã lan đi khắp nơi, tiếng sáo trời ở nước Mạ lạ lắm, con ạ, nghe thấy, ai cũng phải nghĩ ngợi, con ạ,  mẹ tôi nói, tôi thấy buồn ghê gớm, giờ đây, cứ mỗi lần nhớ lại câu chuyện vẫn nằm im đâu đó trong trí nhớ, nó là nỗi buồn cố cựu, cứ sáo trời nổi  lên thì ông vua vô đạo mặc áo vá lại đi lại giữa đất nước trống trơn,

 

 

lũ chim thường  đánh thức niềm vui hơn là nỗi buồn nơi tuổi thơ tôi, cũng có, chứ không phải là không, đôi khi lũ chim cũng làm cho tôi buồn, nhưng dẫu có làm tôi buồn hay vui, giờ đây, tôi vẫn thấy lũ chúng một lũ vô ưu, có nghĩa, dường chẳng có chút lo nghĩ gì về cuộc đời của mình, thì con người vẫn xếp chúng vào loài không tư duy là gì, tôi có cảm tưởng chúng cảm thấy rất rõ sự bình đẳng trong cuộc sống cả từ cách bay, nhảy, cho đến kêu, hót, hay lặng im, cả nơi mặt đất lẫn nơi bầu trời, như thể buổi sáng mùa hè tôi ra ngồi ở sân nhà nhìn trời đất còn con chim sẻ thì nhảy nhót quanh tôi, mùa hè ở quê tôi thì nóng hết chỗ nói, khoảng nửa buổi mai trời đã bắt đầu nóng như thiêu đốt, cho đến khi mặt trời lặn thật lâu vẫn cứ còn nóng, có nghĩa, cho đến khi đã vào đêm trời vẫn nóng, cho nên buổi sớm mai mùa hè thì như thể khoảnh khắc thần tiên, buổi sớm mai tôi ra ngồi ở sân nhà nhìn trời đất, tuổi thơ tôi có những buổi sáng thức dậy sớm và ra ngồi ở sân nhà nhìn trời đất như thế, cho đến giờ, khi nhớ lại chuyện này, tôi  cũng không  biết vì sao bấy giờ tôi lại làm như thế, tôi ngồi im nơi sân nhà, nhìn trời đất, còn con chim sẻ thì nhảy nhót quanh tôi, bấy giờ tôi cũng không biết có phải là con chim sẻ sáng nào tôi ra ngồi ở sân nhà thì nó lại nhảy nhót quanh tôi hay không, có điều, con chim sẻ nhảy nhót quanh tôi vẻ thân thiết lắm như thể chúng tôi đã thân quen nhau từ rất lâu, cuộc đời lũ chim, giờ gẫm lại, tôi cứ thấy chúng có vẻ giống những khách đường xa khi dừng chân đâu đó thì cảm thấy chốn nào cũng là quê hương mình, con chim sẻ nhảy nhót quanh tôi, thỉnh thoảng dừng lại, nhìn tôi, cái nhìn của chim thì tôi chỉ có thể cảm nhận mà không thể diễn tả bằng lời, con chim sẻ vừa nhảy nhót quanh tôi vừa như tìm kiếm thứ gì nơi mặt đất, tất nhiên, chẳng phải là hạt thóc, một con chim quá bé nhỏ như thế thì cái miệng của nó không thể nào mổ được một hạt thóc,  cho nên chẳng đời nào tôi nghĩ đến chuyện vãi thóc cho chim sẻ ăn, bấy giờ tôi nghĩ con chim sẻ muốn tìm kiềm thứ gì đó nơi mặt đất cũng như tôi muốn tìm kiếm thứ gì đó nơi bầu trời, tôi cũng không biết là mình đang muốn tìm gì huống hồ là chim, giờ đây tôi có thể nói, rằng, cứ theo cái cách nhảy nhót quanh tôi một cách hào hứng như thế của con chim sẻ, thì ở đó là tràn đầy những thông điệp về niềm vui của chim,

 

 

tôi đâu ngờ khi nhớ lại tuổi thơ của mình thì lại làm vỡ ra ngổn ngang những bờ cõi, những giới hạn, những hiểu biết dang dở, những mảnh hạnh phúc, khổ đau, có con bướm đậu giữa vành trăng tháng tám, cây nguyệt quế thắp một bông hoa giữa chừng, hay, nỗi  ao ước  hơi vô lý một chút, kiểu bà lão nằm dưới gốc cây chờ cho trái rụng, hay, những mộng tưởng hơi điên khùng của đám côn trùng ngu xuẩn, đêm, cứ lao vào ánh đèn dầu, tức đi tìm chân lý, hồi đó, đêm là thắp sáng bằng đèn dầu, hoặc là dầu ép từ hạt đậu phộng, dầu phộng, hoặc là dầu lửa nhập từ một quốc gia  nào đó tôi không còn nhớ chính xác, đám côn trùng ngu xuẩn, tức lũ phù du,  cứ lao vào ánh đèn, rồi chết, nếu không mộng tưởng như lũ phù du thì cũng ảo tưởng như loài sâu đo ăn lá cây, lê từng chút một  trên cây lá  mà cứ muốn vượt ngàn trùng, thì chẳng phải ngày nào tôi cũng đứng nhìn  con sâu nhỏ đo từng bước chân trên cây lá hay sao, bây giờ, tôi có thể phân tích tường tận vậy, nhưng hồi đó, tuổi thơ là những mảnh hồn trôi dạt theo nắng ban mai, sương còn đọng nơi những ngọn cỏ bên đường, và gió thì hắt hiu thổi qua ruộng đồng, cứ như nắng, như sương, hay như gió, của trời, mà sống, người ta gọi tuổi thơ là hồn nhiên, nhưng không phải, có nghĩ ngợi, thật nhiều, về những gì trải qua, chỉ có điều là nghĩ chẳng đến bờ bến, cứ nghĩ một chút, rồi, tự dưng cứ ở lại nơi chưa đến mà cứ tưởng là đã đến, nhưng, nếu không gọi là hồn nhiên thì gọi là gì nhỉ, cũng như khi tôi dừng lại chốc lát nơi dốc Đất Sét để sửa lại chiếc nón, sửa lại cái áo tơi đi mưa bị gió giật làm lệch khỏi người, bị gió giật ngã lên  ngã xuống mà cứ thấy vui, thì, nếu không gọi là hồn nhiên thì gọi là gì nhỉ, từ đất Lũng trở về nhà, đến dốc Đất Sét, tức qua khỏi mảng rừng tái sinh, thì nghe gió bấc thổi thốc từng cơn, cứ như thể ai đó đem gió hắt thật mạnh vào mặt mũi tôi,  dốc Đất Sét cứ giống như thứ biên cương giữa cái ôn hòa, điềm tĩnh và cái bốc đồng, giận dữ, tới dốc Đất Sét thì nghe gió bấc giật từng cơn, vừa ra khỏi rừng cây thì liền nghe gió thổi thốc vào người, mười tuổi tôi đã cùng cha tôi vào đất Lũng làm lụng, trên đường từ nhà tôi vào đất Lũng phải qua dốc Đất Sét, cứ nghĩ đến cái dốc núi  gió giật làm tung cả áo xống thì lại thấy vui, cũng như tôi vẫn thấy vui suốt cuộc lam lụ khổ sở, cuộc hành trình làm ra cơm áo, mười tuổi tôi đã cùng cha tôi vào đất Lũng trồng cây thuốc lá, bấy giờ, ở làng tôi, lúa đồng làng không đủ nuôi con người, hết thảy phải vào đất Lũng, dãi đất nằm dọc theo chân núi Lũng, để, hoặc trồng lang, trồng sắn, hoặc trồng cây thuốc lá, cha tôi đã chọn trồng cây thuốc lá, mười tuổi tôi đã cùng cha tôi ngày ngày vào đất Lũng chăm sóc cây thuốc lá, khi cây thuốc lá còn non thì nhổ cỏ bón phân, đến khi cây thuốc lá  già thì hái lá, phơi phong, ép thành xấp, thành kiện, gánh về nhà chờ bán cho bọn lái buôn, tất cả những chuyện đó cứ giống như một thứ định mệnh đối với cuộc đời tôi, bỡi những chuyện đó cứ như thể có ai đó đã đem đến cho tuổi thơ tôi, bây giờ thì tôi đã có chữ nghĩa tôi phải chép lại những chuyện đó, chuyện gió  giật  ở dốc Đất Sét, chuyện đổ mồ hôi nước mắt để kiếm sống dưới chân núi Lũng, không phải chép cho tuổi thơ tôi, mà cho hết thảy những tuổi thơ, như tôi, cũng mới lên mười, gánh áo cơm đến dốc Đất Sét thì gục ngã trong cơn  gió thốc, có lịm đi chốc lát, nhưng lại đứng lên, tiếp tục cuộc hành trình  cơm áo của mình, tồn sinh là sót lại sau những tàn phá của thời gian, sau những cư xử tàn nhẫn của tự nhiên, cứ từng chút từng chút những cuộc chiến đấu âm thầm như thế mà làm nên gương mặt của sống,

 

 

gió với chim, với tuổi thơ tôi, cứ như một cuộc náo động, dai dẳng, và quyến rủ, bỡi, sáng thức ra là tôi đã nhìn thấy gió, khi nhìn thấy những lá gòn cựa quậy trên cây gòn trước ngõ thì chẳng phải là đang có gió thổi là gì, và lũ chim, thì không phải sáng thức dậy mới nhìn thấy chúng, mà lũ chim ấy, tôi nói đấy là một lũ trời sinh, nhiều vô kể, phải nói là chúng tràn ngập trong bao nhiêu giấc ngủ của tôi, đêm, ngủ thấy chim bay trên đầu mình từng bầy  là chuyện bình thường, gió với chim là thứ khách thể vô cùng thân thuộc với thứ chủ thể chẳng ra gì là tôi, nói thế nào nhỉ, về sự thân thuộc của tôi với gió và chim, buổi chiều ra ngồi nơi đồng làng, gió nồm thổi, ngọt lịm, cứ nghe cuộc tuổi thơ nhẹ bổng, làm sao không nhẹ được bỡi tuổi thơ như tờ giấy trắng, giờ con nồm  ngang qua…vậy đấy, một thứ tri thức luận hơi lãng tử một chút, bỡi, khi bàn về chuyện chủ thể/khách thể thì chẳng phải là chuyện nghiêm túc của các nhà triết học, ở đây, khi nói chuyện tương quan giữa tôi với gió và chim, thì chỉ là câu chuyện vui của tuổi thơ, khi đã có vốn liếng kiến thức, và nói về thời tuổi thơ của mình là nói về một khúc trần gian bốn phía ầm ào đá rơi, sóng vỗ, thậm chí, trụ trời sắp gãy, trời sắp đổ, mà tôi thì chẳng hay biết gì, cứ việc hồn nhiên… cứ việc ngồi yên giữa cuộc đời mà nhìn ngắm vẻ đẹp của đất trời, rồi đêm nào tôi cũng ra hiên hè nhà mình ngồi chờ con ma gió đến từ cây sanh của miếu âm hồn của làng, theo truyền thuyết, con ma gió rất hiền và rất thích trò chuyện với trẻ thơ, và chỉ có thể nhìn thấy lúc nó dịch chuyển ở trong gió về đêm, miếu âm hồn của làng tôi nằm ngay giữa làng, miếu làm bằng xi măng, cả vách lẫn mái đều bằng xi măng, và nằm ép mình ở bên dưới cây sanh mấy trăm năm tuổi, theo tôi biết, ngôi miếu thờ đã được làm đi làm lại nhiều lần, nhưng cây sanh vẫn cứ còn nguyên vậy, thậm chí, người ta bảo các vong hồn vô chủ thì nhiều vô kể nên hầu hết đều trú ngụ nơi cây sanh cổ thụ, sống giữa đám vong hồn con người là con ma gió mà theo trí tưởng của tôi là cũng thích nghe chim hót, đêm tháng tư, gió núi Lũng thổi mạnh, tôi lại ra hiên hè ngồi chờ con ma gió, thì ra, nghe nói con ma gió tới mấy nghìn năm tuổi, nhưng trông còn trẻ hơn tôi rất nhiều,
bạn đã chờ ta
con ma gió hỏi
phải, chờ rất lâu
tôi nói
nhưng bạn có thích nghe chim hót hay không
tôi hỏi
có chứ, nhưng ta vừa làm một chuyến đi xa, rất xa, đến tận miền chỉ nghe thấy tiếng cười của trẻ thơ, bỡi chốn ấy không có thứ gọi là thù hận
con ma gió nói
ôi, ngọt ngào làm sao… thì ra, tôi đã không cưỡng được cơn buồn ngủ, gục xuống hiên hè, và thiếp đi, mấy mươi năm sau, đất nước tôi trải qua không biết bao nhiêu biến cố, các triều đại thay nhau thống trị người làng tôi, tháng tư, gió núi Lũng lại thổi về, tôi lại thấy nhớ con ma gió của thời thơ ấu của mình, lại ra hiên hè, ngồi chờ, rồi tôi lại thiếp đi, có con ma đến với tôi, nhưng không phải con ma gió thời thơ ấu của tôi, mà là con ma trưởng làng, ta là Nguyễn Văn Xinh, trưởng làng này, mi hãy dẹp chuyện văn chương đi, chắc là một ngài trưởng làng của một thời đại nào đó đã chết một cách không minh bạch sao đó, và tại sao lại ghét chuyện văn chương thì tôi không biết…‘‘ta bảo là hãy dẹp đi’’…tôi cứ thấy con ma trưởng làng sấn tới, thét vào mặt tôi vậy đó,

 

 

còn những cuộc chuyện trò với chim Vướt là một ngoại lệ, cả về mặt hình thành câu chuyện, cả về những lý lẽ chân xác hay không chân xác, bỡi những cuộc chuyện trò giữa tôi và chim cũng tự nhiên như đến mùa đông thì những cơn mưa đổ xuống, khi tôi nghĩ đến chim Vướt, thì lập tức, những cuộc chuyện trò lại diễn ra, luôn mới mẻ, và quyến rủ,  bỡi chúng tôi, con chim Vướt và tôi, như thể được sinh ra là để chuyện trò nhau, những cuộc chuyện trò có vẻ bất tận, có khi là chúng tôi nói về bầu trời trên đầu tôi, bầu trời để con chim Vướt mấy nghìn năm sải cánh bay, và tôi, mỗi lần ngước nhìn, thì thấy lòng mở rộng thênh thang, có khi là chúng tôi lại tranh luận nhau về một vấn đề nào đó thuộc cuộc tiến hóa của các loài, những cuộc tranh luận là bất tận, có khi là bất phân thắng bại, có khi là tôi thua cuộc, hay ngược lại, tất nhiên, cuộc trò chuyện đầu tiên giữa chúng tôi là nói về người đưa tin, bỡi theo cha tôi thì người đưa tin là tiền thân của chim Vướt…vào một ngày thuộc thuở hồng hoang, buổi giữa ngọ, giữa cuộc chần chừ của sông núi, người đưa tin, vốn là những lời rõ như buổi ban mai, đã nói với những kẻ đang chần chừ, rằng, những gì đang tồn tại dưới chân lũ các ngươi là quê hương của các giống loài, lời là sấm trường đình đọng lại giữa thời gian, cứ chảy mãi theo những long đong, nhưng cái trừu tượng, là lời, tức cái chẳng có hình hài, thì không thể mang lại sự hiểu biết cho muôn loài, chỉ là lời, thì chẳng thể xóa được những giới hạn mù lòa của tri thức, cho nên, vào buổi coi như thiêng liêng nhất của dịch chuyển, người đưa tin đã hóa thành chim…trước khi tôi theo học chữ ở trường làng, thì ở nhà tôi, cha tôi đã dạy cho tôi ráp vần và tập viết chữ quốc ngữ, bài tập viết đầu tiên cha tôi dạy tôi là câu chuyện kể về chim Vướt, lần đầu tiên trong đời tôi đã viết được chữ của đất nước tôi, và là viết về con chim Vướt, tuổi thơ tôi tiếp nhận hình ảnh về con chim Vướt như thể một biến cố quá lớn của sự hiểu biết [vậy thì người đưa tin là sao, và lời là sao, và người đưa tin đã hóa thành chim là sao…] cha tôi chỉ kể chuyện chim Vướt như bao nhiêu chuyện cổ tích khác, chẳng giảng giải điều chi, chỉ cốt là để cho tôi viết được chữ của đất nước tôi, nhưng con chim trời ấy, từ buổi tôi đã viết nó ra thành những chữ viết của đất nước tôi, đã dong ruổi theo  tôi, cả trong giấc ngủ của tôi, và, vào một ngày mùa đông, mưa tầm tã, mưa như thể trời đất chỉ toàn là mưa, đêm, tôi nằm trong vòng tay mẹ, nghe mưa, cứ có cảm tưởng như thể tôi đang được quyền phép của mẹ tôi cho tôi được nằm giữa cuộc gió mưa bề bộn, rồi khi thiếp ngủ thì thấy con chim Vướt, lần đầu tiên, sau khi chép nó ra thành chữ nghĩa của đất nước tôi, con chim trời ấy đã đến với tôi, bạn chưa ngủ hay sao, tôi nghe con chim Vướt hỏi, chưa, đang nằm nghe mưa, nhưng nghe cha ta nói xưa kia bạn là người đưa tin có phải không, tôi hỏi, phải, ta vốn là người đưa tin, đúng hơn vốn là lời nói,  tôi nghe con chim Vướt nói, và có tiếng vỗ cánh, rất nhẹ, tôi nghe tiếng vỗ cánh của chim, và thức giấc, cảm thấy bưồn vì biết đấy chỉ là chuyện trong mơ, tôi cứ thấy trống trải trong lòng, cái trống trải của tuổi thơ, tôi cứ thấy buồn, và nằm lẩm nhẩm lại bài tập viết của mình: vào buổi coi như thiêng liêng nhất của  dịch chuyển, người đưa tin đã hóa thành chim…

 

 

cứ coi như con chim Vướt với tôi là có duyên với nhau, một thứ duyên trời định, chứ còn biết nói thế nào ngoài cách nói thông thường của người đời, bỡi, chỉ mỗi lần ấy, cha tôi cũng chỉ đọc cho tôi chép chính tả về sự tích con chim ấy, chép xong, cha tôi kiểm tra lỗi chính tả, và khen tôi chép giỏi, chỉ sửa mỗi chữ Vướt, đấy là tên một loài chim linh thiêng nên phải viết hoa, cha tôi nói, về con chim Vướt, cha tôi cũng chỉ nói chừng đó, và tôi, từ bài chép chính tả tôi cũng chỉ biết chừng đó về con chim đó, vậy mà, suốt buổi ấu thơ của tôi, con chim trời đó như thể là bạn bè chí cốt của tôi, con chim trời đó đã làm cho tôi biết xấu hổ, không còn dám nũng nịu với mẹ, con chim trời đó đã làm cho tôi biết buồn khi mùa thu đến thì thấy bầu trời trên đầu tôi như thấp xuống và những đám mây thì như có vẻ mỏi mệt,  này, bạn có biết, vào buổi ban đầu thì loài người như thế nào không, vào một đêm mùa đông mưa như trút nước xuống mặt đất, tôi đang nằm trong vòng tay mẹ, thì con chim Vướt đến gõ nhẹ lên bàn chân tôi, hỏi tôi câu hỏi, về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức, tôi mới nghiệm ra rằng ngay khi tôi còn là đứa bé, con chim trời đó đã có ý khơi gợi ở tôi những tra vấn về thân phận, số phận của loài người, loài người như thế nào vào thuở ban đầu thì cho đến giờ tôi vẫn chưa nói được huống hồ lúc ấy, lúc ấy, khi nghe con chim Vướt hỏi vậy, tôi cứ rúc người vào mẹ tôi, và nín thở, con chim Vướt lại gõ nhẹ lên bàn chân tôi, cái cảm giác thân thiết làm sao, và tôi, thì cứ rúc người vào mẹ tôi, và im lặng, lắng nghe…’’ta đã nói với đám người ở hang động ấy thế nào, bạn biết không’’…con chim Vướt lại gõ gõ lên bàn chân tôi, và nói…’’một con hổ đã ăn mất con của con vượn, và con vượn thì ngồi khóc, nước mắt ướt hết bờ suối, ta đã nói với đám người ở hang động ấy về việc con hổ đã cướp mất con của con vượn, đám người vừa mới đánh nhau với lũ sói để giành nhau một con chim chết, nghe ta nói thế thì có một người trong đám người ấy nhe răng cười, như thể chẳng hiểu gì cả, nhưng có một người bước ra khỏi mọi người, vỗ tay lên trán, và bảo là cứ thấy sợ hãi trong lòng, ta nói với người ấy, rằng, như thế là đã đuổi được con thú hoang ra khỏi con  người rồi đó’’…con chim Vướt lại gõ lên bàn chân tôi mấy cái,  và tôi, thì cũng bắt đầu cảm thấy sợ hãi trong lòng, nhưng cũng chẳng hiểu vì sao  lại cảm thấy sợ hãi như thế, bấy giờ, với tôi, trần gian là gòm có mưa gió đang diễn ra ngoài trời, và ở trong nhà, bếp lửa mẹ tôi nhóm khi chiều vẫn còn hơi ấm, và tôi thì theo gạn hỏi con chim Vướt về chuyện đuổi con thú hoang ra khỏi con người…đuổi con thú hoang ra khỏi người là sao, tôi cứ theo gạn hỏi con chim Vướt, nhưng con chim trời ấy không trả lời tôi, cứ xòe đôi cánh ra, hơ lên lửa bếp…’’ bạn cũng phải làm cho mình ấm lên chứ’’… con chim Vướt thỏ thẻ nói, tôi vội vã xòe cả hai bàn tay mình ra, hơ lên lửa bếp, bên ngoài, mưa gió như lớn hơn, cửa nhà tôi không phải cửa ván, mà đương bằng nan tre, cửa vại, gió lùa qua những kẻ nan, tuông vào nhà, lạnh ngắt, trong khi  chờ con chim Vướt giảng giải cho tôi hiểu chuyện đuổi con thú hoang ra khỏi con người là sao thì tôi cứ mường tượng  những con người sống ở hang động , đó là những con người đôi mắt hơi to, có vẻ hơi khờ khạo, và đang ngồi ở bên dưới bầu trời  nhiều mây, không hiểu sao tôi cứ thấy hiện ra thứ cảnh trí như vậy, rồi bỗng thấy có con chim chết rơi xuống trước bọn họ, rồi lập tức bọn họ rùng rùng đứng lên, lao vào cuộc tranh giành con chim chết, nghĩ đến đó thì tôi vội vã trở hai bàn tay mình trên lửa bếp, tức, thay vì hơ lòng bàn tay, tôi đã trở sang hơ mu bàn tay, rồi cứ ngồi im như thế nghe mưa rơi bên ngoài, và cảm thấy hoảng hốt, thì ra chẳng có con chim Vướt nào hết, mọi sự đã bắt đầu khi tôi nằm trong vòng tay yên ấm của mẹ, sự yên ấm sinh ra trí tưởng tượng, thì ra, tôi cũng là con chim Vướt, có nghĩa, cho đến lúc này tôi cũng chưa hiểu con thú hoang trong con người là sao,

 

 

 

đêm, lũ chim kéo chỉ kéo đến chỗ bầy đàn người hát  …’’đường dài… … có xe tứ mã nhưng vua không đi, xuống đi bộ cùng mọi người’’…con chim Vướt đã kể với tôi như vậy sao, phải, vào một trưa hè, cả nhà tôi đều ngủ say, con chim Vướt đến kéo tôi ra ngồi ở gốc cây thồ lồ ngoài vườn để kể cho tôi nghe về thuở ban đầu của bầy đàn người, làng tôi vào các trưa hè cứ như một thứ hoang mạc, không nóng như các hoang mạc, nhưng cũng vắng vẻ không kém hoang mạc, cả buổi mai làm lụng mệt nhọc, nên giấc trưa như thể để cho trời đất hoàn lại sức lực con người đã bỏ ra, mà lũ gia súc gia cầm như thể cũng tôn trọng giấc ngủ như say của con người, chớ lấy làm lạ là giữa trưa thì chẳng còn nghe tiếng trâu bò hay tiếng gà heo…’’ là như vậy đấy, mọi thứ đều diễn ra theo một thứ nhịp điệu, con ong hút mật no thì bay về tổ, các đám mây trên đầu chúng ta không hút mật, không no, nhưng cũng bay, hay nói cho cùng thì hết thảy mọi thứ là đang chuyển động’’… con chim Vướt tựa người vào gốc cây thồ lồ giảng cho tôi nghe về việc dịch chuyển của các sự vật trong trời đất, tôi cũng có hiểu, chứ không phải là không, nhưng phần lớn là cứ cảm thấy lờ mờ như thế nào đó… như cái gốc cây thồ lồ đây, như ta và bạn đây, thì có dịch chuyển gì đâu, tôi nói, như thể là để tranh luận với nó, con chim Vướt chớp chớp đôi cánh như thể để cho tôi chú ý lời của nó…’’ cả gốc cây thồ lồ, cả bạn và ta, và cả khu vườn này là đang đi, chỉ vì đôi mắt bạn quá nhỏ không nhìn thấy đó thôi’’…con chim Vướt nói, tôi tức, nhưng không dám cãi, bỡi, dẫu sao thì nó cũng là người đưa tin…’’thuở con người mới lập ra bầy đàn, ta nói với bọn họ, rằng, cứ đem hạt cây thồ lồ vùi xuống đất sẽ có một cây thồ lồ khác, bọn họ không tin, đuổi ta đi chỗ khác, nhưng trước khi đi chỗ khác ta cũng kịp vùi hạt cây thồ lồ xuống đất, đến chỗ khác, chỗ bầy đàn khác, ta cũng nói như vậy, mọi người cũng không tin, cũng đuổi ta đi chỗ khác, và trước khi đi ta cũng kịp vùi hạt cây thồ lồ xuống đất, con người buổi ban đầu thì ngu muội’’…con chim Vướt nói, và gõ mỏ lên đất, và nói với tôi rằng, đất là mẹ của muôn loài…’’cho đến khi thấy cây thồ lồ mọc lên từ đất thì các bầy đàn đổ xô đi tìm ta’’…con chim Vướt nói, do đó cha ta đã nói với ta rằng bạn là người đưa tin, tôi nói với con chim Vướt, và cứ thấy xúc động trong lòng, con chim Vướt lại tựa người vào gốc cây thồ lồ, nghĩ ngợi gì đó, tôi cứ mường tượng thuở con người mới làm ra bầy đàn, người ta có lùa bò ra đồng làng để cày như bây giờ không nhỉ, và đến mùa lúa chín thì có chia nhau đi đuổi chim ăn lúa không nhỉ, quả tình, bấy giờ, khi tưởng tượng chuyện bầy đàn người, tôi đã nghĩ ngợi lung tung, chẳng theo lý lẽ nào cả, con chim Vướt bỗng vỗ cánh bay, tôi lo lắm, cứ sợ là mình đã làm chuyện gì đó khiến cho chim buồn, nhưng không phải, con chim Vướt bay đậu ở một cành cây thồ lồ, nhìn xuống tôi, vui vẻ…’’bây giờ thì ta kể cho bạn nghe một chuyện vui nhé’’…con chim Vướt nói, tôi cũng chớp chớp đôi cánh tay của tôi như thể là tôi đang bay tới chỗ của chim…’’này, ta nói cho bạn biết nhé, là chỉ có một con kiến thôi, đêm, con kiến lén vào chỗ bầy đàn người cắn chân một đứa bé, ta bảo hãy lấy tổ nhện đắp lên vết thương, quả tình, chân đứa bé hết chảy màu, và đi đứng  bình thường, nhưng đêm đó thì cả bầy người thức suốt đêm, và khóc suốt đêm, buổi ban đầu của bầy đàn thì con người ta coi chân tay người khác như chân tay của mình vậy’’…con chim Vướt nói,

 

 

 

bầu trời bây giờ ô nhiễm hết rồi, cả cái phát kiến, tức cái trí tuệ con người nhìn thấy, tức thành tựu khoa học, và cả cái mưu đồ giành chỗ, chiếm chỗ vô cùng hèn hạ và vô cùng nham hiểm của con người đều làm cho bầu trời ô nhiễm, nếu có một thứ địa ngục buồn bã thật, thì bầu trời bây giờ cũng gần buồn bã như thế, nhưng hồi ấy, với tuổi thơ tôi, ngoài mặt đất, nơi có con đường làng, và xóm làng, và cánh đồng làng, để cho tôi chạy nhảy, vui đùa, ngoài cái mặt đất đầy kỳ tích ấy, còn có một thứ khác, cũng đầy kỳ tích, là bầu trời của tuổi thơ tôi, phải gọi là bầu trời của tuổi thơ tôi để phân biệt với những bầu trời khác [như bầu trời đầy khói súng ở bờ đông Địa Trung Hải, Tiểu Á, hay bầu trời đầy khói cháy rừng ở Nam Mỹ, hay bầu trời đầy con vi rút corana ở Vũ Hán…] cho đến trong giấc ngủ của tôi, nó, bầu trời tuổi thơ ấy cũng thoắt đến thoắt đi, bầu trời trong giấc ngủ của tuổi thơ tôi là một thứ vật thể nhẹ và có thể phổ thành thi ca…đêm qua tôi mơ thấy con chim Vướt của tôi vút qua bầu trời tuổi thơ tôi và để lại tiếng kêu như tiếng va vào quá khứ của một nỗi buồn, ví dụ, đã phổ thành thi ca như thế, hễ sáng thức dậy, ra hiên hè ngồi, là tôi nhìn thấy bầu trời tuổi thơ tôi, thường thì tôi dụi mắt vài lần như thể để cho mắt tinh anh hơn, tôi dụi mắt, nhìn trời, và chờ, chỉ chặp sau thì con chim Vướt từ bầu trời tuổi thơ tôi bay đậu xuống hiên hè, và cuộc trò chuyện lại diễn ra,  thường thì trong buổi sớm mai  các mùi hương buổi  sớm vẫn  còn phảng phất nơi khu vườn nhà tôi,  chim Vướt là chim trời mà lại thông thuộc nhiều thứ  mùi hương nơi mặt đất, bạn chớ tưởng hoa cỏ may là không thơm đâu nhé, con chim Vướt nói, ra hiệu tôi lắng nghe thử, có một thứ mùi thơm nhẹ như bong bóng mưa vừa vỡ ra ở nơi mũi tôi, ồ, tôi buột kêu, và con chim Vướt cười, nghe được rồi chứ gì, nó hỏi, tôi nói nghe được rồi, từ đó, hoa cỏ may luôn ám ảnh tôi, cả khi lội ở vườn nhà để bắt lũ cào cào về tổ chức những cuộc nhảy, hoa cỏ may dính đầy áo, tôi không dám gỡ, cứ để nguyên vậy, tối mặc áo đầy hoa cỏ may ngủ cốt là để nghe cho được mùi hương khó nhận ra của chúng, vào một sáng mùa xuân, bầu trời tưổi thơ tôi có vẻ như muốn thổ lộ với tôi điều gì đó, tôi ngồi ở hiên hè, nhìn trời, và cứ thấy có thứ cảm tưởng hơi bất thường như thế, thì chẳng phải chỉ chặp sau đó con chim Vướt từ bầu trời tuổi thơ tôi nhào xuống hiên hè, khóc nói với tôi, rằng, ở phía xa đó, gió bão mạnh quá, các loài chim chết rất nhiều, đó là mùa xuân buồn nhất của tuổi thơ tôi, con chim Vướt nói xong liền bay đi, tôi nhìn lên bầu trời thì thấy cái màu xanh bất tận ấy đang hạ thấp xuống, bầu trời cứ hạ dần xuống, và xám đi, không phải đâu, do tôi buồn lũ chim chết quá nhiều mà thấy vậy, bầu trời tuổi thơ tôi nó chẳng phải là thứ cảnh trí, khi đã có vốn liếng kiến thức tôi gọi nó là dấu vết của tuổi thơ, những dấu vết  ấy thường làm cho thế giới giao động cả về mặt triết học lẫn thi ca,

 

 

 

nhưng thế giới cứ như niềm bí ẩn dài lâu, thấy nó diễn ra, tưởng đã hiểu, thật ra, là chưa hiểu hết, những ngọn gió vẫn cứ tiếp tục thổi qua những miền, những cảnh, và lũ chim vẫn hót từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, ai chờ từ những thế kỷ trước, mắt khô, trí khô, các con đường ngang qua thế giới đã được sửa đi sửa lại, một số đã bị xóa bỏ, những kẻ chờ đợi từ những thế kỷ trước, tất nhiên, muốn bước đi sẽ vô cùng khó khăn trước những đổi thay, đường là nối kết các hiện hữu, tôi cứ thấy nhớ những nối kết của tuổi thơ tôi, một là cái thế giới tôi đã nhìn thấy được sau bao nhiêu câu chuyện kể của mẹ tôi, và hai là con chim Vướt của tôi, con chim Vướt của tôi là một thế giới riêng, không nằm trong cái thế giới như những nối dài từ những địa chỉ hết sức thơ mộng trong những câu chuyện kể của mẹ tôi, lúc bấy giờ, với tôi, chim Vướt như thể những hoa tiểu muội, mùa hè, hoa tiểu muội nở đầy hai bên con đường làng, chim Vướt cũng hồn nhiên như hoa tiểu muội, cứ đến hè thì hoa nở thơm ngát vậy, những gì trong thế giới này tôi chưa hiểu thì đi hỏi chim Vướt, dường, không có điều chi trong thế giới này mà chim Vướt không biết, chim Vướt là bạn chí cốt của tôi, vậy mà, tôi lại còn tỏ ra không bằng lòng hoặc tỏ ra khó chịu với con chim trời ấy chỉ vì vào những lúc ấy tôi chưa hiểu hết về cách cắt nghĩa của chim về thế giới, đấy là cuộc dạo chơi thơ mộng đấy bạn ạ, con chim Vướt giảng giải khi đêm đến bỗng nhìn thấy có vệt lửa dài trên bầu trời, cứ sáng lên, sáng lóa, rồi vụt tắt, khi đã có vốn liếng kiến thức, nhớ lại chuyện ấy, tôi vẫn còn thấy con chim Vướt của tuổi thơ tôi là rất lạ, gọi cuộc dịch chuyển của một hành tinh hay của một vật thể bí ẩn nào đó trong trời đất là cuộc dạo chơi thì không kỳ lạ là gì, lúc bấy giờ, nghe con chim Vướt nói, tôi vừa thấy kỳ lạ, vừa thấy ấm ức, bỡi, theo mẹ tôi, và cả cha tôi nữa, đều cho rằng một kẻ xấu xa trên đời chết đi, mà ngay cả một ông vua xấu xa chết đi, thì linh hồn mãi vất vưởng như không chốn nương thân, đêm nhìn thấy những vệt lửa lơ lửng trên bầu trời là những linh hồn xấu xa đó, những linh hồn xấu xa cũng làm được những cuộc dạo chơi ư, lúc bấy giờ tôi cứ thấy ấm ức về thứ kiến thức quá chật hẹp của mình, thấy ấm ức, cứ muốn cãi về chuyện dạo chơi của những linh hồn xấu xa, nhưng không dám cãi, bỡi, dẫu sao con chim Vướt của tôi cũng là người đưa tin, khi đã có vốn liếng kiến thức, tôi vẫn coi con chim Vướt thời ấu thơ của tôi là niềm sáng tạo vô thức theo nghĩa con người ngay buổi ấu thơ cũng đã sở hữu những tinh anh của trời đất, cái thuộc về ta mà không biết, cứ cho là thuộc về kẻ khác, suốt buổi ấu thơ của tôi, cả những ngày mùa đông giá rét, con chim Vướt vẫn ở cạnh tôi, mùa đông thì các loài cây cối đều nghỉ đâm chồi, và trên các khu rừng cao hết thảy lũ thú đều trốn bặt trong hang, có lúc tôi nghe chim Vướt nói mà như thể nghe chính giọng nói của mình,

 

 

 

NHƯNG CUỘC ĐỒNG HÀNH GIỮA CHỮ VÀ NHỮNG CON BÒ ĐẤT SÉT THÌ MANG TÍNH TRIẾT HỌC HƠN LÀ THI CA,

 

thì chằng phải cha tôi đã quyết định cân bằng giữa hoạt động kinh tế và văn hóa đó sao, thuở ấy, tôi phải vừa đi chăn bò vừa đi học chữ, có con bò mới có lúa gạo, lúa gạo là đồng hành với chữ, về mặt nghĩ ngợi để làm sao cho nhà tôi có cơm ăn áo mặc, tức khỏi đói rét, và vẫn cho con cái ăn học, ở một miền quê nghèo cả về đất đai và cả về những kiến thức về kinh tế, thì cha tôi quả là một nhà kỷ trị, lũ các con phải tham gia vào việc làm ra cơm áo, có cơm áo thì mới học hành được, cha tôi nói với tôi và anh trai tôi, anh tôi hơn tôi 4 tuổi, cũng học ở trường làng, nhưng khác buổi, buổi anh tôi đi học, tôi chăn dắt mấy con bò nhà, buổi tôi đi học, anh tôi chăn dắt lũ bò, và còn tham gia việc cày bừa với cha tôi, trên đường đến trường, hay đến những gò Tranh, gò Ông Đợi, nơi thả bò ăn, tôi đều thấy vui, tuổi thơ tôi là một cuộc hào hứng, cứ nói là bất tận cũng được, bỡi, chẳng bao giờ nghĩ chuyện mai sau, chuyện chưa xảy ra, hay sẽ xảy ra, tương lai là thứ hình thể gần như hoàn toàn vắng bóng trong nghĩ ngợi của tôi, nói tóm, là tôi đang vui vẻ bước đi trên đoạn đời hiện có, bước đi trên thứ đang là, đến trường học, hay đến nơi ăn cỏ của lũ bò, tôi đều cảm thấy hào hứng…này…bạn của ta…có gì buồn mà đi lang thang thế… thầy tôi giảng về việc một người say rượu trên đường làng gặp con chó, và  nói ra những lời thân thiết [trích từ một cuốn Quốc văn giáo khoa thư nào đó] tôi nghe, và cảm thấy yêu cuộc sống làm sao, và mỗi khi lùa lũ bò tới nơi chúng ăn cỏ, tôi, và cả đám chăn bò cùng lứa tôi, có vẻ như, gặp nhau là chúng tôi cảm thấy có một niềm vui nào đó không diễn được, bọn chúng tôi, thời tuổi thơ ấy, như là chẳng có nỗi buồn nào, cũng có, nhưng chỉ là những thứ thoáng qua, rồi quên ngay, chuyện bài tập ít điểm, hay chuyện con bò ăn cỏ chưa no, những nỗi buồn như thế cũng chỉ là những thứ nhịp điệu mờ nhạt trong cuộc hòa âm vĩ đại của miền đồng ruộng, ngồi ở trường nghe thầy giảng bài mà cứ nghĩ đến con gà cồ gáy xế nơi vườn nhà mình, vậy đấy, cái đương là, cái hiện là [không phải là tôi đi nói về thứ chủ nghĩa hiện sinh rắc rối và có vẻ nhiễu sự đâu nhé]  thực sự là một cuộc vui, cái đương là, hay hiện là, thuở ấy như một thế giới riêng, chỉ bọn trẻ chúng tôi mới sở hữu được, rồi, tôi bỗng nghĩ đến con bò cái của nhà tôi, bỗng nghĩ đến cái phía trước, một ngoại lệ trong quảng đời thơ ấu của tôi, tôi cứ nghĩ đến ngày con bò cái của nhà tôi sẽ sinh ra một con bò con, con của con bò cái sẽ nhập vào đàn bò nhà tôi, và đàn bò nhà tôi sẽ đông vui hơn, chẳng hiểu sao, tôi cứ mường tượng ngày tôi sẽ nhìn thấy một con bò con sinh ra từ con bò cái của nhà tôi, rồi, cái buổi sáng định mệnh ấy, cứ nói vậy cũng được, một buổi sáng định mệnh, ăn sáng xong, tôi thưa nói với cha mẹ là tôi  phải đến trường sớm hơn mọi khi để tham gia quét lớp, và khi đến cái ngả rẽ ấy, một, đi đến trường làng, và một, đi đến con sông Tưa dưới chân núi Lũng, tôi đã quyết định không đến trường, tức, tôi đã lừa dối cha mẹ tôi, bờ con sông Tưa có nhiều đoạn toàn đất sét, đấy lại là chuyện cơ cấu địa chất trong việc hình thành sông núi, việc của tôi, bấy giờ, là vào đó để lấy đất sét ở đó cho một công trình sáng tạo như một niềm ao ước, cứ cho là lý tưởng, và không nên nói là ảo tưởng, với tôi, bấy giờ, phải nói đấy là một ý tưởng vĩ đại, không phải ở phương diện trước tác, mà vì [rất] phù hợp với những nghĩ ngợi về cơm áo của cha tôi như một nhà kỷ trị, tôi đi lấy đất sét ở bờ con sông Tưa là để nắn một con bò con, con bò cái nhà tôi sẽ sinh ra nó, như thể phác thảo cho một chuyển động phồn thực thuộc về cuộc tiến hóa của muôn loài,

 

 

rồi cuộc dối trá với cha mẹ tôi đã được tạm thời dấu kín cho đến khi con bò đất sét xuất hiện, nhưng không phải cứ nói muốn có một con bò đất sét là liền có đâu nhé, đó là kết quả của một chuỗi ngày tôi phải trải qua những tức giận, lo sợ, xấu hổ, nếu không nói là thất vọng, khối đất sét lấy được ở bờ sông Tưa tôi dấu rất kỹ trong khu vườn nhà tôi cả cha mẹ tôi lẫn anh trai tôi đều không biết, ngày đầu tiên tôi mang đất sét theo lúc lừa bò ra gò ăn cỏ, tôi nặn tượng con bò đất sét lần đầu trông cứ giống như một con chó, mặc dầu lúc nặn tôi luôn chăm chú nhìn lũ bò đang gặm cỏ,  phiên chợ làng chỉ thấy người ta bán gà cồ gáy đất sét đồ chơi cho trẻ con, nay, mày nặn được con chó đất sét thì kiếm khối tiền đấy, lũ bạn chăn bò cùng lứa tôi tưởng tôi nặn chó nên thật lòng cổ vũ tôi, gà cồ thì gáy, còn chó thì sủa, mày phải nặn sao cho ra chó sủa thì kiếm khối tiền đó, có mấy đứa bổ sung ý kiến phải nặn cho giống chó, tôi nghe, tức đến ứa máu, nhưng không dám giải thích với chúng rằng tôi đang nặn bò chứ không phải nặn chó, sang ngày thứ hai, tôi nặn con bò thứ hai vẫn cứ giống chó,… thế này thì mày kiếm được nhiều tiền là cái chắc, lần này chắc con vật tôi nặn được rất giống một con chó thật nên lũ bạn của tôi mới khen tôi  như thế, tôi lo sợ, và cả xấu hổ, rồi ra,  mình chẳng  nặn được một con bò con bằng đất sét như dự tính, rồi tôi đã đổi cách làm việc, tôi nặn bò vào giấc trưa [cuộc dối trá với cha mẹ tôi vẫn tiếp tục được dấu kín] chờ cho cả nhà tôi ngủ trưa, tôi mang đất sét ra nặn tượng con bò con mà tôi luôn nung nấu trong lòng, nhưng một con bò thì phải đi lại, ngoắc đuôi, rảy tai, và nhìn ngó thứ này thứ nọ, làm thế nào để nặn được những động tác ấy, nghĩ mãi không ra, tôi thất vọng, và toan bỏ cuộc, nhưng vào một đêm, tôi thức trắng, tôi thức với  nỗi niềm cháy bỏng là tôi phải nặn cho được một con bò con bằng đất sét, những hình ảnh con bò đi lại, ngoắc đuôi, nhìn ngó… ám ảnh tôi một cách kịch liệt, rồi cái tiếng nói trong trẻo rất đỗi đường hoàng của tuổi thơ tôi  bất chợt cất lên giữa thứ bóng tối đầy bí ẩn của đêm  tháng sáu, rằng, bạn hãy cứ nặng một con bò đang đứng ngủ…tuổi thơ tôi nó nói với tôi thế…’’một lời đã biết đến ta’’… sáng hôm sau tôi đến trường trong niềm sảng khoái chưa từng có, đến lớp lại nghe thầy giảng về con bò là loài nhai lại, tôi chú ý nghe kỹ lắm, vì mình sắp nặn một con bò đất sét kia mà, nghe rất kỹ, nhưng chẳng hiểu là bao nhiêu, nó nhai lại kệ nó, tôi tự nhủ, và cứ mong sao cho đến giấc trưa, sáng ấy, tôi đi học, anh trai tôi thả bò, tôi đi học về đã thấy lũ bò đứng trong chuồng, ăn cơm xong cha mẹ tôi đều đi ngủ, nhưng anh tôi cứ đứng nhìn tôi vẻ tò mò, bữa nay mày được điểm mười hay sao vui thế, anh ấy hỏi, tôi gật đầu bảo là điểm mười để anh tôi đi ngủ cho xong, tôi mang đất sét sông Tưa ra, đứng ngắm lũ bò, bầy bò nhà tôi gòm hai  con bò đực và một con bò cái mà tôi nghĩ nó sẽ đẻ ra một con bò con, một trong hai con bò đực đứng ngủ ngon lành, chớ nghĩ là bò chỉ nằm mới ngủ nhé [tức, bò vẫn ngủ đứng] con bò đực đứng ngủ là mẫu hình của con bò đất sét của tôi, con bò đứng im một chỗ, không ngoắc đuôi, không nhìn ngó…buổi trưa hôm ấy tôi đã nặn được một con bò đất sét từng mong mỏi, con bò nằm trong phác thảo cho công cuộc làm ăn của nhà tôi, hay cái giây phút gọi là sáng tạo ấy có dính dáng đến chuyện chữ nghĩa văn chương sau này của tôi,

 

 

 

và tôi biết giờ phút công bố tác phẩm là niềm vinh quang cộng với cay đắng, biết thế, nhưng không thể dấu mãi chuyện con bò đất sét, nói cho công bằng, đấy đâu phải câu chuyện như bất kể câu chuyện kể nào của mẹ tôi [một bà tiên giáng thế, hay, có con chim biết nói giữa mùa gió động …] chuyện nặn bò đất sét của tôi không phải là chuyện để đem ra kể cho người khác nghe, mà để cho người khác hiểu rằng tuổi thơ cũng có những hoài bão to lớn như người lớn, mong muốn con bò mẹ sinh một con bò con chẳng phải hoài bão to lớn ư [về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức, tôi đã xếp sự mong muốn này vào cảm hứng phồn thực]  sau khi đã nghĩ ngợi kỹ, vào một buổi trưa, lúc cơm nước xong, tôi đặt con bò đất sét của tôi lên cái giá gỗ bốn chân vốn dùng để đặt thau nước rửa tay mỗi khi có khách quí đến nhà  ăn cơm, và mời cả nhà ra xem, con lấy  đâu ra con bò đất sét đẹp thế, câu hỏi đầu tiên của cha tôi, ông hỏi xong, đứng ngắm nghía con bò đất sét trong vẻ khâm phục, giống một con bò con lắm, cha tôi  lại khen, nhưng tôi thấy trong ánh mắt mẹ tôi lại có nỗi lo lắng, còn anh trai tôi thì có vẻ không tin, mày lượm thứ của  này ở đâu vậy, anh tôi nói, giọng nói vẫn có chút ganh tị như xưa giờ, hãy nói cha nghe ai đã nặn con bò đất sét này, cha tôi chợt hỏi, giọng nghiêm túc, và tôi thì muốn biến câu hỏi của cha tôi thành nỗi ám ảnh ông, dạ, một người vô cùng gần gũi với cha, tôi nói, cha tôi hét: ai, tôi đáp: là đứa trai út của cha đó, tôi nói, cha tôi ôm tôi vào lòng, vẻ âu yếm, thì cha mẹ tôi vẫn âu yến ôm tôi vào lòng như thế, nhưng lần này, cha tôi vừa âu yếm ôm tôi, vừa buột ra lời, như thể đến lúc đó ông phải tuyên bố cho cả nhà biết, rằng,  đã nặn được một con bò bằng đất sét đẹp như thế thì coi như tôi đã trưởng thành, đó là khúc vinh quang, và tiếp liền sau đó là nỗi đoạn trường, cha tôi đã buông tôi ra, và bắt đầu tra hỏi  là tôi đã đi lấy đất sét ở đâu, tôi nói là lấy ở bờ sông Tưa, mày đã đi lấy đất sét ở bờ sông Tưa vào lúc nào mà tao không biết,  cha tôi hỏi, ngôn ngữ có bớt đi sự yêu thương, đó là câu hỏi đưa tôi vào niềm cay đắng, với tôi, bấy giờ, buổi mai đến trường, buổi trưa ngủ nghỉ, buổi chiều coi bò, có nghĩa, theo lý lẽ,  tôi chẳng có thì giờ nào để đi lấy đất sét ở sông Tưa, tôi thấy gương mặt mẹ tôi lộ vẻ sợ hãi, còn anh trai tôi thì có vẻ đắc ý lắm, nếu nói tôi đã đi sông Tưa vào một buổi mai nào đó, coi như thừa nhận đã trốn học, còn nói đi sông Tưa vào một buổi chiều nào đó coi như thừa nhận đã bỏ bò [mà bỏ bò, không chăn dắt, thì còn nguy hiểm hơn bỏ học, bỡi lũ bò sẽ kéo đi ăn phá hoa màu của người khác ] vào phút hiểm nguy ấy thì tuổi thơ tôi bỗng sáng lên một cách huy hoàng, bỡi tôi đã nhìn ra một lối thoát giữa cuộc trần gian thống khổ, tôi nói với cha tôi rằng buổi chiều hôm ấy, lũ bạn tôi đã chăn giúp đàn bò, và tôi đã vào sông Tưa, thoát chết một cách vẻ vang bằng cách đưa cái buổi sáng trốn học thành cái buổi  chiều nhờ kẻ khác chăn bò giúp để đi sông Tưa, cách trả lời đầy sức thuyết phục đã khiến cha tôi, một nhà kỷ trị, tức giỏi tính toán công việc làm ăn, phải xúc động, chứ còn gì nữa, con trai ông vừa đi học chữ, vừa đi chăn bò, vừa lao vào công cuộc sáng tạo, con cứ tiếp tục đi, biết đâu sẽ thành nhà điêu khắc tài giỏi, cha tôi nói, có vẻ xúc động lắm, vì sao cái cách xáo trộn thời gian một cách gian dối của tôi lại làm cho cha tôi xúc động nhỉ, đêm ấy tôi thức trắng, những nghĩ ngợi về cái buổi sáng trốn học và về cái buổi chiều bịa đặt cứ nối tiếp nhau trong đầu tôi: nó như nước chảy hay sao,  hay như những khói đá núi Lũng vào mùa mưa cứ bay lên rồi đậu xuống đâu đó, hay, nó là thứ con người  nói sao thì nó nghe vậy, về sau, nhớ lại chuyện ấy, tôi thấy lạ lắm, sao tuổi thơ tôi lại nhìn thấy  được những hình thể kỳ dị của thời gian, thứ vật thể cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu hết,

 

 

 

tuổi thơ chúng tôi cứ giống như nước, có đứa muốn rót vào chiếc bình có hình dáng một người anh hùng, có đứa muốn rót vào chiếc bình có hình dáng một vị thần, anh hùng và thần thánh là những chuyện quá quen thuộc đối với tuổi thơ chúng tôi, bỡi trong những câu chuyện kể của những người bà người mẹ là đầy rẫy những thứ đó, muốn làm anh hùng hay thần thánh, nhưng thật sự chẳng biết anh hùng và thần thánh thật sự là những người như thế nào, dù trong những chuyện kể đã nói đủ thứ về họ, rồi, nhiều lắm là chúng tôi vót cây kiếm tre, mang râu lá chuối đội mũ  lá mít, đến nhà một đứa nào đó trong bọn chúng tôi, thét: chuyến này thì  mi không thể thoát được đâu, đấy là thể hiện cái dũng mạnh của người anh hùng, còn các vị thần, hầu hết bọn chúng tôi đều ngại, đứa gan lắm thì cũng chỉ lén lấy chiếc áo dài của cha mình, mặc vào, rồi tét tàu lá chuối làm tóc giả, đang đêm, đến nhà một đứa bạn nào đó,  không vào nhà, mà đứng ở góc vườn, hay ở đầu ngõ, xõa tóc tận lưng, gầm lên mấy tiếng, rồi bỏ chạy, đóng vai thần thánh là vậy,  nhưng lần này thì như có ngọn gió thổi lại từ chốn còn hơn cả thế giới thần tiên, bỡi thế giới thần tiên là tưởng tượng, còn đây là chuyện thật, mẹ tôi đã hở hơi với bà Chín Bậc, nhà ở sát nhà tôi, về lời phán của cha tôi về việc tôi nặn bò đất sét sẽ trở thành nhà điêu khắc, bà Chín Bậc đi nói với những người làng khác, hết thảy lũ bạn cùng lứa tôi ở trong làng đều hiểu lầm tôi nặn tượng chó, giờ nghe nói thế, chúng rần rần kéo vào bờ sông Tưa tranh giành  nhau từng chút đất sét để về nặn tượng bò, điều buồn cười là chúng tôi chưa hiểu hết thế nào là một nhà điêu khắc, chỉ biết là chẳng giống một người anh hùng hay một vị thần bọn chúng tôi thường đóng giả, rồi ra, ta sẽ trở thành một nhà điêu khắc, cứ nghĩ vậy, là chúng tôi hào hứng lao vào việc nặn tượng bò đất sét, ở cái ngôi làng mà từ đời nọ sang đời kia vẫn cứ thế, con người thì theo con bò ra ruộng cày, chết thì có chiêng trống đưa ra gò thổ mộ, nói chung là buồn, những mảnh đời chẳng thể gồng gánh đi đâu, mà chỉ ở yên đó, lập đi lập lại những thứ đó, giờ, bỗng có chuyện, hết thảy con cái họ có thể trở thành những nhà điêu khắc, không biết nhà điêu khắc là những con người như thế nào, chỉ biết đó là sẽ khác với những thứ đơn điệu nghìn năm, tức, các bậc cha mẹ chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc nặn tượng bò của chúng tôi, bọn chúng tôi dành cả buổi trưa cho việc vào bờ sông Tưa lấy đất sét, hay ngồi nhà nặn bò, tức, vẫn không bỏ học hành, không bỏ việc chăn dắt lũ bò, việc làng trên xóm dưới, hết thảy bọn trẻ chúng tôi đều nặn bò, như thể một thứ cảm hứng hoang vu đã dẫn đến hệ lụy chết người, nhưng việc này sẽ nói sau, còn bây giờ là nói về những cái bảo tàng tư nhiên, tượng bò tràn ngập trong các khu vườn nhà trong làng, những bảo tàng tự nhiên là gòm  những cây ăn trái, đám gà thả rông, và những tượng bò đất sét thì lặng lẽ ẩn mình giữa đám cỏ may hay đám cỏ tiểu muội, nhưng nếu như người ta không chịu coi chúng ta là nhà điêu khắc thì làm sao, một hôm, lúc đám bạn bè tôi kéo đến chơi ở vườn nhà tôi, thằng Bến, con chú Chín Bậc bỗng nói ra nỗi lo lắng của nó, cha tôi bảo, cũng không biết có chắc là vậy không: lũ bay tự nghĩ mình là điêu khắc là được rồi, lời cha tôi như thể ngọn gió mát mẻ, nhưng không thể không nói là khắc nghiệt, đã thổi qua những nghĩ ngợi hồn nhiên của tuổi thơ chúng tôi, nhưng phải nói, bấy giờ, nơi làng tôi, là có một cuộc đồng hành vĩ đại giữa chữ và những con bò đất sét,

 

 

rồi như thể tôi cứ để cho niềm vui sướng tàn phá hết thảy những ngày đêm, bấy giờ, những khái niệm về thời gian chẳng còn có nghĩa lý gì đối với một kẻ toàn thể tâm trí đã dành hết cho sự hiện hữu của những vật thể chỉ là thứ biểu tượng, nhưng thật ra những con bò đất sét đang có mặt trong khu vườn nhà tôi cũng chưa phải là biểu tượng của những con vật sống là đám bò cày ngày ngày cùng cha tôi  làm công việc cày ruộng trên đồng làng [biểu tượng của lũ bò đang cùng con người tham dự vào cuộc sinh tồn phải là những gì khác hơn, trí tuệ hơn, lớn lao hơn,  những ngọn lửa tạo sinh như đang vươn tới chỗ vô cùng, hoặc, những chồi những nụ đang mở ra từ một trạng thái sinh tồn quyết liệt… chẳng hạn vậy] giữa đêm tôi thức dậy, thấy tỉnh bơ như giữa ngày, ra vườn nhà, ngồi im, ngắm lũ bò đất sét đang lặng lẽ đứng trong bóng tối, hoặc, đang ngồi ở chỗ thả bò, rồi cứ thiếp đi, như đang giữa đêm, thiếp đi để nhìn thấy tôi đang trò chuyện cùng lũ bò đất sét, vậy đó, mọi thứ nó cứ xoay quanh lũ bò đất sét một cách tùy tiện, một cách đam mê, một cách lãng mạn, như thể chẳng có gì cản nổi, như thế thì,  những khái niệm về ngày đêm có còn tác dụng gì với tôi nữa không, mà đâu phải chỉ mỗi tôi mới có thứ niềm vui kỳ dị như thế, tôi vẫn bắt gặp cha tôi buổi trưa không ngủ, ra vườn, ngồi thụp xuống cùng lũ bò đất sét của tôi, cứ ngồi như vậy, lâu  đến nỗi khiến tôi phải lo lắng không biết cha tôi có sao không, còn mẹ tôi, thì luôn nhìn tôi với ánh mắt chan chứa niềm yêu thương, tôi cứ cảm tưởng, như thể, là mẹ cứ mãi mãi vui như thế, và anh trai tôi, thì đã thấy sự thán phục của anh ấy đối với việc tôi đã làm ra thứ cha tôi gọi là công cuộc sáng tạo, những con bò hay thật, tôi đã nghe anh ấy nói với cha tôi, nhưng đâu phải chỉ mỗi nhà tôi, bấy giờ là cả làng đang vui, phải nói vậy, cả làng đang đón nhận một sự kiện như thể  một biến cố được tạo ra bỡi những đứa trẻ chưa tới tuổi trưởng thành, nói một cách nghiêm túc, không thể nói việc nặn bò đất sét của chúng tôi là công cuộc sáng tạo, có đứa nặn bò nhưng chẳng giống bò, cũng như lúc ban đầu lũ chúng bảo tôi nặn chó, có điều, dù nặn giống con vật gì, tất cả bọn chúng tôi đều nghĩ là mình đang nặn bò, đang tái tạo, bằng đất sét, đám bò cày đang cùng con người tham gia việc cày bừa, bọn chúng tôi đang làm thứ công việc bao nhiêu đời ở làng tôi chưa làm được, về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức, tôi luôn nghĩ đấy là một cuộc sao chép vĩ đại, sao chép lại cuộc sống đang thực sự diễn ra, chưa thể xếp vào hoạt động nghệ thuật, nhưng nó là thuộc về những nghĩ ngợi như thể là những mơ ước về sự triển nở, mơ ước về sự thêm ra của cuộc sống, tư dưng, có hàng chục hằng trăm con bò bằng đất hiện ra giữa cuộc sống xóm làng, rồi mưa đông đổ xuống, chính là những người lớn, những bậc cha mẹ của chúng tôi, đã dựng lên những mái che mưa cho lũ bò đất sét, coi như những cái bảo tàng bò đã được dựng lên khắp các khu vườn trong làng, ồ, từ cái bảo tàng tự nhiên đã tiến đến những cái bảo tàng bò,  mùa đông năm ấy mưa  lớn lắm, lũ trên sông Tưa đã làm vỡ một đoạn bờ bắc khá dài,  cuốn đi nhiều đất trồng hoa màu dọc theo bờ  sông, những nhà trong làng có đất trồng hoa màu đã bị cuốn trôi thì buồn lắm, nhưng buồn thì buồn chứ chẳng biết  làm sao vì đấy là nạn trời, mưa lũ đã cướp mất đất đai trồng trọt của chúng ta, mọi người đều nghĩ vậy, nhưng ông trưởng làng lúc bấy giờ cho rằng do bọn chúng tôi lấy đất sét ở đoạn bờ ấy khiến cho nước lũ đã làm sập bờ cuốn theo đất trồng hoa màu, những người làng đều cho rằng lượng đất sét bọn trẻ chúng tôi lấy đi từ đoạn bờ sông ấy là chẳng đáng kể so với qui mô tự nhiên của một bờ sông, nhưng ông trưởng làng đã cho họp dân tuyên bố: lẽ ra phải báo việc này lên cấp trên để đưa sự việc ra pháp luật, song, tất cả những kẻ phá hoại đều ở tuổi vị thành niên nên chỉ xử ở làng, một là phải dỡ bỏ những thứ gọi là bảo tàng bò, và  hai là phải chôn hết đám bò đất sét, thật ra việc giám định một sự cố thiên nhiên như vậy phải là do những nhà khoa học, nhưng bấy giờ cả làng chẳng ai dám tranh luận với  ông trưởng làng, biết là ông ấy chỉ có hai đứa con gái, không thể tham gia vào  chuyện nặn bò cùng đám con trai bọn tôi, nên đâm ra ganh tị, xử sự vậy thôi, bọn tôi vô cùng thương tiếc lũ bò đất sét mà mình đã gầy dựng được,  phải mất cả mùa đông năm ấy mới chôn cất xong bọn chúng, không phải bọn tôi chỉ đi chôn lũ bò đát sét, mà thật ra là ông trưởng làng đã bắt bọn tôi xóa bỏ thứ niềm cảm hứng phồn thực thiêng liêng vừa mới hình thành ở một bầy đàn người, là làng tôi, vốn có quá nhiều nỗi buồn,

 

 

 

THẬT RA NHỮNG CUỘC CHƠI CỦA TUỔI THƠ TÔI CỨ NHƯ NHỮNG GIẤC MƠ KHÔNG KHÚC CUỐI,

 

cho đến những chiếc lá tre khô rụng trong vườn cũng đủ làm dấy lên nơi tuổi thơ tôi những cuộc chơi mới mẻ, với tuổi thơ tôi, luôn là những cuộc chơi mới mẻ, lần này cũng chỉ là tình cờ, nhưng, dường, cuộc chơi nào cũng đều là tình cờ, hay cuộc sống là một thứ tình cờ [chứa nhiều nỗi ngờ vực hơn là minh bạch] tháng tư, cái nắng tháng tư ở làng tôi như thể một cách thử thách đối với những kẻ lơ là trước cuộc tồn sinh, cho đến lúc đó bạn có muốn lơ là cũng không được, tháng tư, những người cày ruộng ở làng tôi hai buổi ở đồng làng thì cõng trên lưng thứ mặt trời như ngọn lửa đốt, và giấc trưa thì nghỉ ngủ trong sự nắng nóng đỉnh điểm, là tôi đang nói về cái tình cảnh chung của cuộc tương quan giữa con người và trời đất, nhưng với tuổi thơ tôi tháng nào của trời đất thì tôi cũng vẫn là một cuộc hoang dã để trộn lẫn mình với cái chưa biết hết của đất trời, dường với tuổi thơ, thì những thứ như mưa, nắng, gió, rét… cứ như những nhịp điệu luôn phù hợp với nghĩ ngợi hoang vu như lúc nào cũng ngự sẵn trong tâm trí,  có một buổi trưa tháng tư không phải tôi không ngủ được vì nắng nóng mà vì đám tre già nơi bờ tre chỗ đầu hè nhà tôi, dường  chúng đứng ngồi không yên trong những cơn gió nóng rát thổi về từ phương nam, thật ra thì gió làm cho những cây tre già nơi bờ tre vườn nhà tôi quằn xuống, va đập vào nhau, phát ra thứ âm vang buồn bã, cả buổi trưa, ngồi ở đầu hè nhà mình, tôi lặng ngắm cuộc trầm luân của lũ tre già, với làng quê tôi, tre cũng quan trọng ngang bằng với ruộng, nhưng cứ như cái cách nhìn ngắm của tôi trong hôm ấy thì tre cũng chỉ là thứ giấc mộng trưa hè, một cuộc chơi điền dã hơi có chút hiểm nguy, thật ra không phải vậy, tre là cuộc đồng hành sinh tử với con người, ngoài việc làm mái che cho con người, tre còn gồng gánh đủ thứ trên đời cho con người, cả việc gồng gánh con người đến nơi yên nghỉ sau cùng, quả tình, cái buổi trưa hè tôi ngồi nhìn ngắm cảnh lũ tre quằn quại như thể nhìn ngắm một cuộc đau đớn của tạo vật, giờ thì tôi nghĩ thế, còn lúc ấy, cái cảnh vật vã trong gió của tre có làm cho tôi cảm thấy lo lắng [một chút] bỡi cứ sợ chúng gãy đổ, cũng có những năm gió nam thổi mạnh làm cho đám tre già ở vườn nhà tôi gãy đổ [giống như gió bão mùa đông vậy] có điều là trưa hôm ấy, gió thổi dữ lắm, nhưng lũ tre chỉ trải qua những quằn quại, tôi có cảm thấy như tim mình hơi nhói lên mỗi khi đám tre già quằn xuống, nhưng rồi bất chợt gió ngừng đi, lũ tre lại vươn lên bầu trời đầy nắng, đến lúc này tôi mới để tâm tới những chiếc lá tre khô rơi rụng, không phải từ những cành nhánh chúng rơi thẳng một mạch xuống đất, mà cứ lảo đảo trước mắt tôi, những chiếc lá tre khô nhẹ và nhọn như những chiếc kiếm mỏng cứ lảo đảo rơi trước những nghĩ ngợi của tôi, bất chợt tôi đã nhìn ra một cái gì đó, chưa rõ ràng lắm, nhưng tôi biết đó là một cuộc chơi, phải nói là trong suốt quảng đời tuổi thơ của mình tôi chưa bao giờ có được một cuộc chơi kỳ lạ như vậy, ngay ngày hôm ấy, cứ gọi là ngày định mệnh cũng được, buổi trưa nhìn thấy kiếm lá rơi, buổi tối tiếp tục nghe mẹ kể chuyện chàng Trác luyện kiếm, tôi thấy hiện ra trong tâm trí mình một cuộc chơi có tên ” cuộc kiếm lá’’…thì cũng chỉ mới thấy cái tên vậy thôi…lần đầu tiên trong đời tôi đã tập tành nói đến chuyện kiếm pháp,

 

 

thật ra tôi cũng chỉ nghe chuyện kiếm phổ, kiếm pháp trong chuyện kể về chàng Trác mẹ tôi đã bỏ ra cả tháng trời để kể cho tôi nghe, cứ cơm tối xong là mẹ con tôi lại lên giường ngồi, và tôi thì bắt đầu hóng mỏ lên nghe, mẹ tôi luôn nghiêm túc trong việc dùng từ trong kể chuyện, bỡi, ngoại tôi là ông đồ dạy học, và mẹ đã được ngoại truyền cho kinh sử đường hoàng… chàng Trác học kiếm phổ Lưu Ly với sư Minh Toàn trụ trì chùa Nước Trong, về sau thì kiếm pháp nổi tiếng trong thiên hạ, giờ thì tôi kể chuyện chàng Trác với tư thế một người có chữ, còn lúc bấy giờ, với những ngôn ngữ chuyên môn, đặc dụng, kiếm phổ, hay kiếm pháp, hay thần khí, thần lực…cứ lần lượt chảy ra từ câu chuyện kể của mẹ và thật tình  tôi chẳng hiểu hết, nhưng quả tình là có sức hút kỳ dị, chỉ nghe qua là tôi có thể kể lại được, kể vanh vách là đằng khác, chàng Trác vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi ở cửa chùa Nước Trong từ lúc mới sinh, sư Minh Toàn đã nuôi chàng khôn lớn, và dạy cho kiếm phổ Lưu Ly, lớn lên, chàng Trác không gọi sư Minh Toàn bằng thầy, mà gọi bằng cha, và chỗ này thì tôi  thắc mắc, sao đương không lại gọi một ông thầy tu không vợ con bằng cha, tôi nói, được chứ sao không, mẹ tôi chỉ bảo vậy, có nghĩa, cho đến giờ tôi vẫn còn ngẫm nghĩ về sự hàm xúc sâu thẳm trong lời mẹ, tương truyền sư Minh Toàn nghe hiểu được tiếng chim, một sáng mùa thu con chim khách ấy lại đến thăm chùa, sáng nào thì con chim khách  cũng bay đến đậu ở thềm giếng ở vườn sau của chùa, kêu lên, như thể để cho người của nhà chùa biết con chim trời ấy vẫn còn tồn tại ở núi ấy, chùa Nước Trong nằm ở chân núi Lũng, núi vốn có tiếng về các loài chim quí, chim khách không phải quí về mặt chủng loại, mà quí về chỗ có lịch sử lâu đời trong cuộc tương giao giữa người và chim…’’một lũ vô lại …một lũ vô lại’’…buổi sáng  mùa thu ấy con chim khách lại kêu lên thế với giọng kêu rất khác trước, và sư Minh Toàn đã giảng cho đồ  mình nghe rằng đây là thời lũ  vua quan ăn phá của cải của đất nước , thời văn hiến đổ nát,  hãy hót nữa đi chim, sư Minh Toàn lại bảo  con chim khách, và chim bắt đầu hót một tràng dài, hót đến lần thứ ba, thì vị trù trì chùa Nước Trong thở dài…’’có một tên vua vô lại bảo những lời hắn nói ra như đá nghìn năm’’…sư Minh Toàn giảng cho Trác nghe về tiếng chim, rồi cầm cây kiếm, đứng lên, hãy theo ta, ông lệnh cho đồ đệ, ở trước chùa Nước Trong có hòn đá trời sinh, to lớn, chưa bao giờ thấy ai đặt chân lên đó, nhưng buổi sáng mùa thu ấy, sư Minh Toàn đã lệnh cho đồ đệ mình cùng với mình bước lên hòn đá thiêng, nỗi tức giận như thứ ta bà phiền não vốn cấm kỵ đối với cuộc tu hành đã dấy lên trong lòng vị trụ trì chùa Nước Trong, và, đấy là chỗ tinh hoa nhất của kiếm phổ Lưu Ly, sư Minh Toàn vung gươm, múa, và Trác, múa theo… lừng lững một vùng trời đất uy nghiêm… bây giờ thì tôi mô tả chỗ kiếm phổ ấy bằng chữ nghĩa như thế, nhưng lúc ấy, khi nghe mẹ tôi kể đến chỗ ấy, đến chỗ kiếm phổ kỳ diệu ấy, tự dưng tôi cứ thấy có hằng ngìn hằng nghìn những chiếc lá tre khô bay chấp chới trước tôi, kiếm của thầy trò sư Minh Toàn là kiếm sắt, nhưng bấy giờ tôi như nhìn thấy chỉ toàn kiếm lá,

 

 

 

 

cái hôm thầy trò sư Minh Toàn leo lên hòn đá thiêng luyện kiếm là vào một ngày mùa thu [bấy lâu ở làng tôi chuyện vẫn được kể vậy] nhưng mẹ tôi lại kể đoạn truyện ấy vào một ngày mùa đông, vào mùa đông ăn cơm tối xong thì trời lại thường đổ mưa,  buổi tối ấy, cơm nước xong, mẹ con tôi vừa lên giường ngồi thì trời mưa rất to, mẹ bảo về đêm khí âm lấn áp khí dương, mà mưa thuộc khí âm, nên về đêm mưa thường lớn lắm, mẹ phải giải thích cho tôi hiểu sơ về chuyện âm dương bỡi bà sắp kể chuyện chàng Trác đến đoạn có liên quan đến âm dương, Lưu Ly là kiếm phổ muốn chế ngự cả âm dương con ạ, mẹ tôi  giảng giải trước khi vào truyện, ở bên ngoài, mưa như thác đổ, ở trong nhà, chuyện chàng Trác mẹ tôi kể đến đoạn ‘‘cuộc đàm đạo giữa sấm’’…nhưng đàm đạo giữa sấm là sao, tôi lại bắt mẹ phải dừng câu chuyện kề để giảng cho tôi hiểu, đàm đạo là trò chuyện, nhưng ở đây, chẳng phải trò chuyện, ở đây, lời sư Minh Toàn nói ra như lời truyền dạy, thuyết giảng, còn lời chàng Trác thì như để nói ra là đã hiểu đến đâu, và hiểu đến đâu chỉ sư Minh Toàn mới biết, còn sấm là tiếng kiếm khua đấy con ạ, mẹ tôi giảng giải, và bắt đầu đọc [như thể nhìn vào sách mà đọc] và tôi, nghe lời mẹ [đọc] như đang vang lên giữa tiếng kiếm khua,

 

con rắn đứng ngóng đầu non nghe gió phương bắc
vọng về một trầm tích hay những mảnh cũ trăng sao
giá buốt đến tận chỗ không có
ai đã đến, và đi

 


gấm vóc lụa là như cát bụi, phủi áo đứng lên giữa chỗ chưa có ai đến và đi,

 

không thể giảng ra đâu, con ạ, chỉ để cho những thứ như vậy lần lữa thấm vào  cuộc đời ta, cũng không phải là thấm vào cuộc ta con ạ, mà là thấm vào chỗ chưa có, những lời mẹ nói ra thế này cũng chưa có đâu, con ạ, mẹ tôi nói, cả lời đàm đạo của thầy trò sư Minh Toàn cả lời nói về cuộc đàm đạo ấy của mẹ tôi cứ giống những bài hát ru của mẹ buổi tôi còn nằm nôi, có nghĩa, những thứ vừa nói cứ như những âm vang rất lạ phủ lên cuộc đời một đứa trẻ chưa có tri thức, bấy giờ nghe mẹ trích dẫn cuộc đàm đạo và cắt nghĩa những trích dẫn ấy tôi đâu khác đứa bé nằm nôi, có nghĩa, tôi có nghe, đến mê đắm, và nằm lòng, nhưng chưa hiểu, ở bên ngoài, mưa đã ngưng, và ở trong nhà, mẹ tôi đã báo tin về cái chết của sư Minh Toàn, tức, mẹ đã kể đến đoạn sư Minh Toàn nói những lời sau cùng với chàng Trác, đồ đệ yêu quí của ông,

cuộc mưa nắng nó là những lời nói ra chưa hết của trời đất, nếu con là con người thì phải ngày đêm nghĩ ra cách trò chuyện với núi sông đã hun đúc nên hình hài xương thịt của mình,

 


nhưng thưa thầy, ngay đến cha mẹ mình con cũng chưa biết là ai, thì sẽ khó khăn mọi chuyện

 


đừng sợ, đến khi nghe được tiếng của đất trời, con sẽ rõ cha mẹ mình là ai,

 

mẹ tôi nói sư Minh Toàn nói đến đó thì tắt thở, kể từ đêm hôm đó, cái cảnh u ám cứ vấn vít tâm trí tôi, thấy tôi buồn, mẹ tôi hỏi có phải buồn vì nghe chuyện chàng Trác hay không, tôi chối, nói không phải, nhưng thật ra, lúc nào như tôi cũng nhìn thấy ông sư như chuyện gì cũng biết ấy nằm chết ở trước tôi, bấy giờ, tôi cứ thấy buồn, và cố dấu mẹ chuyện buồn vì ông sư trong truyện kể đã chết, vây thôi, thật lâu về sau tôi mới hiểu ra, rằng, ngay buổi ấu thơ vẫn cứ thấy bị tổn thương, bị tổn thương mà không biết, khi bắt gặp một cái gì đó vô cùng quí báu đã bị mất đi,

 

 

 

cho đến đêm hôm đó mẹ tôi mới kể đến đoạn đó, như thể ngôn ngữ con người đang bất lực trước cuộc chuyển giao huyền nhiệm, mẹ tôi kể đến đoạn  chàng Trác giữ chùa, mà như thể đang nói về một chuyện gì đó không có, nhưng đó lại là chuyện thật, chuyện sư Minh Toàn giao ngôi chùa to lớn ấy cho chàng Trác…những người lớn làng này ai cũng kể được chuyện chàng Trác, nhưng không ai nói được tại vì sao chàng Trác không được sư Minh Toàn truyền dạy  kinh sách Phật, một người được thầy mình giao lại một ngôi chùa Phật nhưng không hề biết kinh sách Phật là gì, mẹ tôi nói, đêm hôm ấy đã vào tiết cuối đông, mưa đã hết, nhưng gió núi Lũng thổi buốt lắm, mẹ con tôi cứ ngồi co ro ở trên giường, chính là thứ người kể chuyện chưa hiểu hết , cái nút thắt thế sự, cứ gọi vậy, cái nút thắt ấy nó đang truyền sang tôi, phát triển thứ tuổi thơ hiếu kỳ của tôi thành niềm thắc mắc dài lâu, có nghĩa, cho đến giờ, khi kể lại chuyện kể của mẹ bằng ngôn ngữ của một người có chữ, tôi như vẫn còn nghe thấy âm vang ngày ấy: vậy thì sư Minh Toàn muốn truyền lại thứ gì cho học trò mình…truyện kể rằng, đất nhà chùa rộng lắm, Trác ngày ngày trồng rau sắn và luyện kiếm như dặn dò của thầy mình, rau sắn một phần để ăn, một phần để đổi gạo nấu, người nhà chùa cũng chỉ có năm người, kể cả nàng Hạnh, người con gái cũng chẳng biết cha mẹ mình là ai, như chàng Trác, được sư Minh Toàn nhận làm người công phu cho chùa, người đến cúng dường, cầu Phật, gọi Trác bằng thầy, Trác phải phân trần, rằng, kẻ này chưa xuống tóc, qui y, chưa bao giờ học kinh sách Phật, chỉ theo lời căn dặn của thầy là giữ chùa, trồng rau sắn, gìn giữ và bảo bọc nàng Hạnh cùng những người của nhà chùa, và luyện kiếm, rồi ra cũng thành quen, mọi người đều gọi Trác bằng tên gọi vừa thân thương vừa có vẻ gì như truyện tích: chàng Trác…hôm nay em xuống chợ làng mua vải về may áo mới cho chàng Trác, được không, nàng Hạnh nói, đại khái mọi chuyện cứ xảy ra theo cách ấy, đêm, trăng sáng, và gió trút lá trên ngàn, nàng Hạnh ra ngồi hiên chùa, lắng nghe, tiếng kiếm khua thành những đợt sóng, đen, và tàn bạo, cứ điềm tĩnh chảy, như cách chảy của những con thác trên nguồn, vượt qua cả những  cao cả, thơm phức mùi trầm tích, vượt qua cả những hèn mọn nặng trịch ham muốn trần thế…đây là tôi tả lại lời kể của mẹ cảnh đêm trăng Trác luyện kiếm, kể bằng ngôn ngữ hiện đại, nhưng vẫn giữ  nguyên cái  thần lực và thần khí của kiếm pháp, tôi đã nghe được từ ngôn ngữ kể chuyện của mẹ như thể đang nát bấy ra giữa tiếng kiếm khua trong đêm cuối mùa đông ấy, quả thật, sư Minh Toàn chỉ dạy chữ và dạy kiếm cho Trác, chẳng phải đây là cuộc chuyển giao kỳ lạ trong chuyện nhà Phật hay sao, không chuyển giao y bát, mà như thể là chuyển giao phương cách tồn tại,

 

 

 

rồi, ngọn gió lạ, mà uyên nguyên, tôi vẫn nghĩ vậy, như thể vẫn tiếp tục thổi qua miền đất dưới chân núi Lũng, nơi tọa lạc một ngôi chùa Phật to lớn, đúng hơn là tọa lạc một cuộc trần gian tiềm ẩn những yếu tố siêu nhiên, nếu không, cũng đang nung nấu những cuộc vượt thoát chưa từng như thể là hệ quả tất yếu của những cảnh giới bụi bặm thì nhiều hơn hoa cỏ, nếu không phải thế thì vì đâu một cô gái chỉ làm công phu nhà chùa lại đòi học kiếm phổ lưu ly, em muốn chàng Trác dạy em  cách đánh kiếm, được không, một hôm, nàng Hạnh bỗng nói với người đang gìn giữ và bảo bọc mình, Trác  nghĩ đến việc thầy chuyển giao kiếm phổ lưu ly cho mình thì hiểu ra rằng những thứ ấy là được truyền đi chứ không phải giữ trong lòng, từ đó, đêm đêm, nơi sân chùa Phật lại diễn ra những cuộc luyện kiếm, có lạ đời không, hai con người vẫn quấn quít bên nhau, một người không biết cha mẹ mình là ai là người được giữ gìn bảo bọc, và một người cũng không biết cha mẹ mình là ai là người làm công việc giữ gìn bảo bọc, cả nhà chùa đều nghĩ trước sau bọn họ cũng thành phu thê, lại không nói với nhau những lời tình tứ, mà đêm đêm, cùng múa kiếm, và nói với nhau thứ ngôn ngữ rặt mùi chiến trận…‘‘rồi hết thảy sẽ chìm vào đêm tối, nếu không biết cách để cho đôi  chân bước lên chỗ khoảng trống được thiết lập tự buổi uyên nguyên, nó là tiên thiên, tức, cái có trước tất cả, trong đó có cái không thể rã ra, và cát bụi, cuộc kiếm tìm, một thiết kế kết hợp, khi đã xóa bỏ hết những ngu xuẩn, khi những cái khác biệt vẫn còn cố tình chiếm lấy những miền riêng, khoa học,văn chương, triết học, tình tứ học, tín ngưỡng học, cổ kiêm học, chẳng phải tất cả, qua bao nhiêu thiên niên kỷ [lịch sử] chỉ làm mỗi công việc là đánh đuổi ngu xuẩn ra khỏi thế giới hay sao, nước mắt với nụ cười không phải là minh triết, một sớm mai gió trút qua u tịch, cái còn sót lại, cuộc kiếm,  nó là cuộc kỳ duyên, lớn trùm cả thiên hạ, lưu ly không phải là riêng ra, mà là giọt chảy liền một cõi, người đi, nặng nhọc chốn lam hồng, gió mưa, hề, mang mang, cỡi lên năm tháng, hát bài nguyệt sầu’’…đây là tôi chép liền một mạch một đoạn kiếm phổ lưu ly, còn trong chuyện kể, nó là những lời qua lại giữa những người luyện kiếm, mẹ tôi nói, chàng Trác vung gươm, và đọc to lên những lời trong kiếm phổ, liền tiếp theo, nàng Hạnh cũng vung gươm, đọc… khi mẹ tôi kể đến chỗ này, cái ý nghĩ buồn cười bỗng bật ra trong đầu tôi, rằng, chuyện đã đến nước này thì phải nghĩ rằng cả chàng Trác lẫn nàng Hạnh đều được sinh ra từ một bờ suối nào đó trên núi Lũng, và cái trò chơi, vốn chưa có hình hài, tôi nung nấu tự buổi đầu nghe mẹ kể chuyện chàng Trác, đã ngang nhiên hiện ra một cách đầy đủ trong tâm trí tôi, đại khái, trong phút giây hứng thú kỳ cục ấy, tôi đã nhìn thấy trò chơi kiếm lá của tôi chỉ gòm có tôi đóng vai chàng Trác và chỉ một người nữa đóng vai nàng Hạnh, và cũng trong phút hứng thú kỳ cục ấy tôi cũng nhìn thấy chỉ có một đứa ở trong làng có thể đóng vai nàng Hạnh là thằng Bến con chú Chín Bậc, thật tình là tôi chẳng có mưu đồ chi cả, tới lúc đó thì mọi thứ nó cứ hiện ra trong nghĩ ngợi  tôi như thế, chỉ có tôi với thằng Bến sẽ vung kiếm lá và hát những lời trong kiếm phổ lưu ly, chỉ đơn giản vậy, có nghĩa, chẳng giống chút nào với những trò chơi có phạm vi nhân lọai, như trò chơi quyền lực, thậm chí là trò chơi dân chủ, luôn có quá nhiều mưu đồ và tốn quá nhiều máu xương con người, cuộc chơi của chúng tôi, cho đến những chiếc kiếm cũng là của trời cho, hóa ra, thằng Bến còn thuộc kiếm phổ lưu ly hơn tôi, hóa ra, thằng Bến cũng được mẹ  kể cho nghe chuyện chàng Trác nhiều lần, được, tao sẽ thủ vai nàng Hạnh, khi nghe tôi rủ rê chơi trò kiếm lá, thằng Bến đã hét lên thế, vào các buổi trưa, hết thảy người làng đều yên nghỉ, tôi và thằng Bến lén mọi người luyện gươm dưới lũy tre nhà tôi, gió trưa hây thổi, và những chiếc lá tre khô lảng đảng rơi trước mặt hai đứa tôi, chúng tôi cứ vung tay lên [tức múa gươm] và hát, không hiểu thằng Bến nghĩ sao lúc luyện kiếm, còn tôi, cứ giả vờ là có ai đó đang đợi mình, tôi sẽ đến đó, để làm một việc gì đó, rất lớn lao, quả tình, tôi chỉ là một thằng tuổi thơ cứ giả vờ có ai đó đợi mình ở đâu đó, để cảm thấy háo hức, mong chờ, và vui sướng, hóa ra cha tôi đã nhìn thấy tôi và thằng Bến luyện kiếm, thấy rất nhiều lần, lời cha tôi nói về tôi cứ làm tôi đứng ngồi không yên, rằng, tôi có hoài bão muốn làm một chuyện gì đó, nhưng trong tay chỉ có những chiếc lá tre khô thì chẳng làm được chuyện chi, rồi vào một hôm, chẳng hiểu sao, tôi bỗng hốt những chiếc lá tre khô, vung lên, hát…’’ta sẽ phá tan tành các thứ bóng tối ’’…là tôi đã chế [sáng tạo] ra lời đó, hát, mà chẳng hiểu hát thế là sao, đó là hôm thằng Bến cứ đứng như trời trồng, lặng nhìn tôi, cho đến lúc kể lại chuyện này, tôi vẫn nghĩ, trò chơi kiếm lá của tuổi thơ tôi quả như giấc mơ không khúc cuối, nhưng cái cách chơi ấy cứ làm tôi có nghĩ ngợi, nó, trò chơi ấy,  không phải là chuyện chánh thắng tà, mà cứ gợi ra điều, liệu có thể có sự hiện hữu một thứ vật thể như thể cuộc chơi kiếm lá trong công cuộc làm mới thế giới,

 

 

 

CÒN LŨ CHUỒN CHUỒN VỚI TUỔI THƠ TÔI THÌ NHƯ GIẤC MƠ GIỮA CHỪNG,

 

rồi mùa xuân, nắng ấm, gió ở trên cao, như thể toàn thể vẻ đẹp của thế giới đang tiến dần về phía kẻ đang mang trong mình niềm trong trắng vô biên, là tôi, tuổi thơ, huyền thoại của những huyền thoại, người ta muốn nói về nó, thử đưa tay lên, nghe vui, và thích, và cứ như có một thứ tín hiệu nào đó, đơn giản, nhưng vô cùng khó khăn, dừng lại một chút để thử định nghĩa là lập tức nghe loảng xoảng rơi những chiếc khóa của những tín hiệu mở, tuổi thơ luôn là những tín hiệu được viết bằng những ngôn ngữ đặc chủng, nếu không nói là ngôn ngữ của các vị thần, cho đến giờ, những gì tôi nhớ về tuổi thơ tôi cứ như một thứ nguồn mạch, bí ẩn, và dài lâu, luôn đổ về phía của nghĩ ngợi, có một điều, luôn chắc chắn, là gương mặt của nó cũng trong sáng như buổi mai le lói ánh bình minh, chứ còn gì nữa, ngồi nhìn con chim nhỏ cứ  nhảy nhót mãi  nơi bờ cỏ đồng làng, ghiền cái kỳ khu của trời đất, buổi sớm mai lén mẹ chạy một mạch ra đồng làng lập tức chứng kiến những thứ  như vậy, thì không sang trọng là gì, vào cái hôm, đám rừng cây trên núi Lũng đang thở thứ khí tiết của sinh trưởng, thì thằng Bến con chú Chín Bậc nói với tôi,  rằng, nó có thể biết được tên của hết thảy các loài hoa trên rừng, có một chút gì  đấy, như sự bất trắc, không yên, chạm vào niềm tự trọng trong tôi,
mày là thằng khoác lác,

tao nói thiệt đó,

không phải là cãi vã nhau, mà là cuộc chuyện mang tính tri thức luận, tức, cứ xoáy vào sự hiểu biết của con người,
mùa xuân như thể người mẹ hiền từ, vắng cả mùa mưa bão, giờ, mang về những tin vui bằng cách vẫy đôi cánh tay mình lên toàn thể những tổn thương,

không sao đâu, bạn cứ vươn đôi cánh mình ra với nắng ấm,

con sóc nói với những chiếc lá trên cây,
nghe nói, con ốc đá dưới khe vội bò lên bờ suối,

bạn thì biết gì về nắng ấm,

con ốc đá vốn có chút hiềm khích với con sóc, nên nó nói thẳng,

không ai biết nỗi hiềm khích đó đâu, bỡi đó là những bí mật trên rừng,

đây là tôi tả cảnh khu rừng tái sinh, phần kéo dài của rừng núi Lũng, khi tôi và thằng Bến lùa đám bò nhà vào đến nơi, thả bò vào rừng đâu đấy, tôi và thằng Bến cũng lao vào đám cây cỏ thuộc hệ rừng tái sinh ấy,

có một loài cỏ thân cao, hoa thơm ngát, tôi không biết tên, nhưng mỗi lần mùa xuân đến, thả bò vào đây, là tôi lại nằm xuống bên chúng,

mày biết loài hoa này tên là gì không,

tôi bắt đầu khảo sát thứ hiểu biết có tính bách khoa thằng Bến đã đem ra khoe với tôi, và cứ nghĩ thằng đó chắc chết, bỡi tôi ăn nằm với loài hoa ấy bao nhiêu năm tháng nhưng đâu đã biết tên nó là gì,

đây là hoa vàng,

thằng Bến nói, nó đã nói ra tên loài hoa tôi quen thuộc, thì ra, với thằng Bến, màu hoa là tên của hoa, tôi hiểu, nhưng chuyện đã đến nước này thì chẳng thể dừng lại, dừng lại tức là tôi chịu thua non, có nghĩa, tôi và thằng Bến phải trải qua những loài hoa khác trong rừng, kết quả là, đây là hoa tím, đây là hoa xanh, và đây là hoa trắng, vân vân,  thằng Bến, bằng những nghĩ ngợi hồn nhiên của tuổi thơ, đã nói ra hết tên của các loài hoa trên rừng, tôi rất tức, vì mình đã thua, nhưng giờ tôi đã hiểu, đấy lại là phút giây tôi giác ngộ,

 

 

rồi lũ chuồn chuồn như đang cứu tôi thoát khỏi cảnh đen tối, tôi cố nghĩ vậy cho bớt nỗi buồn đau, chịu thua một thằng bạn cùng lứa ở trong làng về mặt kiến thức coi như là niềm ô nhục của tuổi thơ, thì chẳng phải tôi đã hạ mình xuống chịu khuất phục trước một đứa mà trước đó chẳng có gì khiến tôi phải nể sợ, ừ, rồi mày sẽ thấy mày còn thảm hại hơn tao, tôi thầm hét lên thế với thằng Bến con trai chú Chín Bậc, kẻ vừa đánh bại tôi ở trên rừng về chuyện tên các loài hoa, thật tình, bấy giờ tôi rất phấn khích, bỡi tôi đang nghĩ đến cuộc chiến tôi sắp mở ra với thằng Bến có lũ chuồn chuồn hổ trợ, cuộc chiến tôi nung nấu trong lòng khi đã nhớ lại những phần đoạn trong những chuyện kể của mẹ tôi có liên quan tới lũ chuồn chuồn, rồi đây lũ chuồn chuồn sẽ giúp tôi trở thành một nhà dự  báo thời tiết, bây giờ thì tôi dùng từ ngữ ấy, còn lúc ấy tôi cứ thầm hét lên với thằng Bến, rằng, ta sẽ làm cho cả làng bái phục ta chứ chẳng riêng gì mi,

ta cỡi lên cây cỏ,

cỡi lên núi rừng,

cỡi lên làng xóm,

cỡi lên lũ bò trâu gà heo chó vịt,

ta hát,

còn lũ chuồn chuồn thì lượn lờ giữa những âm ba,
đắng nghét mùi trần thế,

nhưng có kẻ đang muốn làm nghiêng đổ những ngọn núi lẽ ra không nên có ở chốn ấy,
giáng xuống một nỗi niềm
cái cố kết nghìn năm rồi cũng rã ra,

lũ chim đi tìm cái chưa có,

ta hát,

còn đất trời thì mủi lòng khóc, nước mắt chảy

thành mưa,

thành gió,

thành nắng,

chuồn chuồn bay thấp thì mưa bay cao thì gió bay vừa là nắng,

tôi có thể mô tả như thế cái tâm trạng vô cùng sóng gió tức vô cùng hoài bão vô cùng nôn nóng vô cùng vui sướng lúc bấy giờ của tôi, tôi nghĩ đến lũ chuồn chuồn,  rồi nghĩ đến mẹ tôi, ôi, tôi,  một người biết trước chuyện nắng mưa của trời đất, tôi nghĩ đến niềm vinh quang sắp có được, và thầm biết ơn mẹ tôi, không ai đoán được, có một ngày, những câu chuyện kể của mẹ có vẻ rời rạc, chắp nối, từ chuyện trăng sao nhảy sang chuyện hoa nở trên rừng, lại mở cho con lối đi đến cuộc cao sang, vào một buổi trưa mùa xuân, thời  tiết chẳng đẹp cho lắm, có vẻ như trời đất đang sắp xếp cho một cuộc mưa xuân thì phải, buổi trưa mặt trời luôn bị che khuất bỡi những đám mây đang lần lượt kéo tới trên bầu trời làng tôi, tôi giật ngược thằng Bến khỏi giấc trưa,

ra bờ rào tre với tao,

tôi nói,

mày muốn bày trò cóc ếch nhái gì nữa phải không,

thằng Bến nói,
cóc ếch nhái hay không ra bờ rào tre sẽ rõ,

tôi nói,

ở bờ rào tre, tôi tuyên bố với thằng Bến một cách rõ ràng, chính xác, đây là nguyên văn của tuyên bố: tao sẽ là người biết trước được việc nắng mưa, tôi không dùng chữ đất trời đi kèm với nắng mưa, mà chỉ nói cho gọn thế, và cảm thấy tức đến chết được, nhưng chẳng dám làm lỡ việc, bỡi, nghe tôi tuyên bố, thằng Bến ngồi im, cười kiểu móng chim, tức cười không ra tiếng, mà môi miệng cứ tạo ra những nếp gấp nhìn tựa những ngón chân chim, nó cứ ngồi im vậy, cười, không hề hỏi tôi nửa lời rằng làm thế nào để trở thành một kẻ như vậy, chuyện tôi biết chắc là nó chưa bao giờ nghe ai nói, nỗi im lặng bí ẩn phủ xuống chúng tôi, tôi nói bí ẩn bỡi không hiểu rồi ra thằng Bến con trai chú Chín Bậc sẽ phản ứng thế nào trước tuyên bố hơi quá mới mẻ và hơi quá táo bạo của tôi, cuối cùng, tôi cũng nhận được sự thách đố,
mày đang muốn gì nào,

tao đang muốn nói cho mày biết ngày mai thì trời mưa hay nắng,

cuộc đối thoại mở đầu cho cuộc chiến, bấy giờ, thú thật, tôi thấy cũng quan trọng ngang bằng các cuộc chiến tranh thế giới, tôi cũng đoán vậy thôi, khi kể chuyện này tôi vẫn còn nhớ rõ gương mặt của thằng Bến, là thằng con trai chú Chín Bậc có vẻ đang rơi vào nỗi sợ hãi thâm căn cố đế của loài người: không biết ngày mai trời sẽ ra sao, thì tôi cũng chỉ đoán vậy thôi,

 

 

 

cuộc đối thoại mở đầu cho cuộc chiến giữa các tuổi thơ xảy ra vào lúc trưa, tối đó, thằng Bến đến gõ cửa nhà tôi,

mày ra bờ rào tre với tao,

 

giọng thằng Bến sặc mùi hiếu chiến, tôi ra bờ rào tre với thằng Bến mà lòng ngổn ngang trăm mối, thật ra, lúc tuyên bố với thằng Bến rằng tôi sẽ là nhà dự báo thời tiết thì mới chỉ là cảm hứng đột xuất khi bỗng nhớ lại chuyện bay lượn của lũ chuồn chuồn trong các câu chuyện kể của mẹ tôi, cho tới lúc đó, tất cả chỉ là trong dự  tính, tôi còn phải có thời gian để xem xét coi có phải là như thế hay không, có phải chuồn chuồn bay thấp thì trời nưa, bay cao thì trời gió hay không,

 

mày hãy nói với tao là ngày mai trời mưa hay nắng,

 

thằng Bến tấn công tôi ngay khi hai đứa tôi vừa ra tới bờ rào tre nhà tôi, đêm đầu tháng, trăng thượng tuần ở phía trời tây như đang nhìn tôi với ánh mắt thương cảm, tôi cứ thấy cuộc sống đang nhộn nhịp của mình bỗng trở nên buồn tẻ , là tôi tả đúng tâm trạng tôi lúc ấy, làm sao tôi có thể nói với thằng Bến là ngày mai trời mưa hay nắng, trong lúc, buổi trưa, tôi cao hứng tuyên bố thế, rồi cả buổi chiều, cứ để hồn mình chìm vào niềm kiêu hãnh, tôi đâu để ý chuyện bay lượn của lũ chuồn chuồn, lũ chúng nó, những con vật trời sinh ấy đã có mặt trên đời này bao nhiêu nghìn năm rồi tôi đâu biết, đã trải ra qua những biến đổi nào, có thể thứ hình hài của lũ chúng tôi trông thấy ngày hôm nay là sự biến hóa của một con vật nào đó ở trên rừng hay ở dưới biển, rừng thì tôi đã biết, còn biển, đến lúc đó, thì chỉ nghe nói, nhưng vào lúc thấy mình sắp thua thằng Bến, tôi đâm ra bối rối, nghĩ lung tung, ngay cả tại vì sao lũ chuồn chuồn cứ tụ tập từng đàn bay lượn ở khu vườn nhà tôi, thì tôi cũng chưa biết, rồi vì sao chuồn chuồn bay thấp thì  trời mưa như đã kể trong các câu chuyện kể của mẹ tôi, thì tôi cũng chưa biết, cho đến lúc đó, lũ chuồn chuồn như thể đám sương mù vây phủ trí óc tôi,

 

sao mày không nói ngày mai thì trời mưa hay nắng,

 

thằng Bến nhắc lại câu hỏi như cú đấm chí tử vào tôi, rồi đứng lên, toan ra về, nó làm thế là quyết tuyên chiến với tôi đó, phải nói thế nào nhỉ, đó là những năng lực tiềm ẩn nơi tuổi thơ, hay, phản ứng như thế là thuộc bản năng tri thức của con người, hay, đấy  chỉ là những gì thuộc về trí nhớ bầy đàn, niềm vô thức vô tận của nhân loại, về sau tôi cứ nghĩ ngợi mãi về sự phản ứng của tôi lúc thằng Bến quyết tuyên chiến với tôi như thế,

 

sau ngày mai hai ngày nữa tao sẽ nói với mày là trời mưa hay nắng,

 

tôi trả lời thằng Bến như thể một quyết định mang tính định mệnh, bỡi, nếu thằng Bến đồng ý đề nghị của tôi [một đề nghị chẳng có một lý do nào cả] thì có thể tôi thắng nó, còn không đồng ý, coi như tôi đã thua [bỡi lúc ấy thì tôi chẳng thể trả lời nó là ngày mai trời mưa hay nắng] bấy giờ, tôi như thể nghe thấy vang lên giữa trăng non đầu tháng những khúc kinh cầu, lời thành thật của lũ ong hút mật khi nhận ra mật hoa chẳng phải thức ăn mà là chốn đài các cho những vĩnh hằng, ai nếm mật ngọt và ban lời khuyên bảo loài ong nếu không phải là niềm thân thiện của tạo tác… về sau, tôi không nghĩ quyết định của thằng Bến mang tính định mệnh như lời đề nghị của tôi, mà chỉ là một quyết định ngu ngốc, sao nó lại chịu chờ tôi đến ba hôm mà không hỏi tại sao phải chờ nhỉ,

 

 

ba hôm ấy như thể một giấc mộng dài, ở đó là cuộc đồng hành thân thiện mà vô cùng gấp rúc giữa thời tiết của đất trời và tôi, một thằng tuổi thơ muốn lung lạc cả những ngọn gió, chứ còn gì , tôi lao tới, gạt phăng hết thảy những ký ức trước đó là buổi chiều tháng giêng nơi đồng làng cầm hòn đất trong tay nghe con nồm ngọt lịm tạt qua niềm mơ ước hay buổi sớm mai tháng tư ở sân nhà những cơn nam non [gió thổi về từ dãy núi phía tây làng vào thời kỳ mới bắt đầu thổi] đã đổ về  nghe nhẹ nhỏm những nỗi lo, tôi lao tới, dùng cả hai tay gạt phăng đi những cơn gió sớm hắt vào mặt mình lạnh ngắt,  đây chẳng phải lúc ta cần đến lũ mi, tôi nói với những cơn gió núi Lũng đang thổi về làng tôi như thể đang kích động trí tò mò của lũ chuồn chuồn, không hiểu sao, buổi sáng ấy, sương còn nguyên trên cỏ, lũ chuồn chuồn đã tụ tập nơi khu vườn nhà tôi, chúng vờn nhau trên bầu trời xanh thẳm, vờn nhau trên cao, tức bay cao [theo cách nói trong các câu chuyện kể của mẹ tôi] khi cái ý tưởng hơi kỳ quặc ấy xuất hiện trong nghĩ ngợi của mình, thì tôi lao tới, hãy ngừng lại đi, đây chẳng phải lúc ta cần đến lũ mi, tôi lại nói với những cơn gió thổi về từ núi Lũng, tôi muốn gió hãy ngưng, cho lũ chuồn chuồn bay thấp xuống, không phải tôi muốn trời mưa [như cách nói trong các câu chuyện kể của mẹ tôi] mà muốn có cơ hội cho một con chuồn chuồn nào đó đậu lại nơi một ngọn cỏ trong khu vườn nhà mình, tôi đang cần một con chuồn chuồn để trò chuyện về việc mưa nắng, khi cái ý tưởng hơi kỳ quặc ấy xuất hiện trong trù tính của tôi thì tôi thấy mình đã cầm chắc trong tay việc đánh bại thằng Bến, rồi lũ chuồn chuồn đã bay xuống thấp, con chuồn chuồn đậu trên ngọn cỏ nơi khu vườn nhà tôi đã được tôi bí mật mang vào nhà đặt vào chiếc lồng nhỏ [do chính tay tôi đan bằng nan tre] trước đó dùng để nhốt lũ dế cồ [có những năm tháng tôi mê nghe dế gáy]

 

này, bạn hãy nói thật với ta, có đúng như những điều đã nói trong các câu chuyện kể của mẹ ta hay không,

 

tôi trò chuyện với con chuồn chuồn trong lồng, và bí mật xem xét cách bay lượn của lũ chuồn chuồn ngoài vườn, suốt ba hôm, lũ chuồn chuồn vẫn bay không cao không thấp, tức bay vừa, trời vẫn nắng, tôi lại hỏi con chuồn chuồn trong lồng về chuyện bay lượn của loài giống chúng, con chuồn chuồn trong lồng vẫn im, đêm, tôi nằm mơ thấy con chuồn chuồn trong lồng nói với tôi rằng trời còn nắng rất lâu, tôi vùng khỏi vòng tay mẹ, hét lên, lần này thì mày chắc chết, là tôi nói với thằng Bến, con thấy đánh nhau với đứa nào đó phải không, mẹ tôi hỏi, tôi nói dối là mình chỉ nhìn thấy một con sâu lá bò lên cánh tay, tất nhiên là cả cha mẹ tôi cả anh trai tôi chẳng ai biết có một cuộc chiến đang diễn ra giữa tôi và thằng Bến con chú Chín Bậc, tuổi thơ như thể  thứ thế giới rất riêng, không phải là ích kỷ , mà là như thể chẳng muốn ai xen vào thứ lịch trình vui chơi đầy bí ẩn của mình, vậy đó, tôi vẫn dấu mọi người trong nhà để ngày ngày trò chuyện với con chuồn chuồn ở trong lồng, tất nhiên là nó chưa nói với tôi điều chi cả, thiên nhiên có vẻ thân thiện  nhưng vẫn còn xa lạ với tuổi thơ tôi, rồi tôi đã để cho con chuồn chuồn  trở về với bầy đàn của nó,

 

hãy nói với các bạn ấy là chớ bay cao quá hay bay thấp quá nhé,
tôi vói theo con chuồn chuồn,
tất nhiên là chúng tôi chỉ bay vừa thôi,
con chuồn chuồn đáp,

 

tôi thấy con chuồn chuồn như thể ngừng bay, ngoái nhìn tôi, nói những lời như thứ thông điệp chân xác nhất về mưa nắng, đó là giấc mộng của tôi, con chuồn chuồn tôi vừa thả đã mất hút vào giấc mộng của tôi, hãy bước tới nhé, tôi nghe con chuồn chuồn ấy nói, tôi bước tới, và nhìn thấy những nàng tiên rất giống với những nàng tiên trong những câu chuyện kể của mẹ, bọn họ kéo tôi vào thứ vũ khúc tôi cứ có cảm tưởng như thể là mình đang lạc vào những cái kén của một cuộc ươm tơ nào đó, lũ nhộng tằm thì đang biến thành những con bướm, đang cắn kén, bước ra, chúng cứ chập chờn ở trước mắt tôi,  không thể thế được, tôi cố nhìn kỹ  mọi thứ, một chặp thì thấy không phải lũ bướm, mà là lũ con gái cùng lứa tuổi tôi ở trong làng, bạn đang đánh nhau với đứa nào đó trong làng mình chứ gì, một đứa trong những đứa con gái ấy nói, nó nói với tôi thế, và mỉm cười, hai má lúm đồng tiền trông ấn tượng ghê gớm, không hiểu sao, một chặp thì lũ chúng biến hết thành những con chuồn chuồn bay lượn trên đầu tôi, bay không cao, cũng không thấp, đó là giấc mộng của tuổi thơ tôi, đã bước sang ngày thứ ba, lũ chuồn chuồn vẫn bay lượn y như trong giấc mộng của tôi, vào buổi tối ngày thứ ba, đúng hẹn, tôi đến gõ cửa nhà thằng Bến,
ra bờ rào tre với tao,
tôi nói,
chúng tôi cùng ra bờ rào tre nhà thằng Bến, đêm cuối tháng, lũ đom đóm lập lòe nơi bụi tre già chổ ngõ nhà thằng Bến, tự dưng tôi thấy xúc động ghê gớm,
mai trời vẫn nắng,
tôi nói, vắng tắt,
thằng Bến cũng nói, vắng tắt,
được, cứ chờ ngày mai sẽ rõ,
đêm ấy tôi không ngủ được, cứ nghĩ đến sự thất bại thảm hại của thằng Bến con chú Chín Bậc, vào lúc quá nửa đêm thì trời nổi giông sấm, tức là sắp có mưa, ban đầu tôi thấy hãi lắm, trời đã hại ta, tôi cứ thầm kêu ca như thế, mưa kéo dài suốt đêm, hóa ra sống với nỗi sợ hãi suốt đêm tôi đâm ra điềm tĩnh, sáng hôm ấy trời mưa lớn lắm, giông sấm liên hồi, tôi đã bị thằng Bến đánh bại, tôi nghĩ, nhưng chặp sau, giữa tiếng mưa rơi, trí óc tôi như trở nên thông tuệ: làm gì thằng Bến đủ sức đánh bại tôi, chính là trời đất, chứ không phải thằng Bến, đã đánh bại tôi, cũng không phải đánh bại, mà chỉ là để thử sức tôi đó thôi, tôi thành thật nghĩ, dường tuổi thơ tôi không có khái niệm về thất bại, hay đấy là cái được nuôi dưỡng trong suốt cuộc tồn sinh của loài giống con người để cho con người có thể đứng vững, và bước tiếp,

 

 

RỒI MỌI THỨ CỨ NHƯ CỔ TÍCH,

 

những câu chuyện tuổi thơ tôi cứ giống như cổ tích, thứ cổ tích viết bằng ngôn ngữ con đường làng đã bước đi ở trên đó thì không thể không nói ra, rằng, như thể con đường là đang ngang qua miền ẩn ức, có điều gì đó, như cứ muốn thốt lên, hết thế hệ này đến thế hệ khác, luôn cứ muốn thốt lên, rồi giông bão lại nổi lên làm gãy đổ tiếng chim đầu mùa coi như chỗ bắt đầu của câu chuyện dài dằng dặc, đầy trắc ẩn, có kẻ chỉ vén áo thử làm kẻ lạ làm ngơ bước qua một khúc tháng năm, sử thi, nhưng không được, bỡi đã trải qua năm tháng, chứng nhân, tức  nghe thấy, nhìn thấy, thì không thể không nói ra, năm tháng [thời gian] nó là hồn cốt của cuộc tồn sinh, mẹ tôi là hồn cốt của cuộc tồn sinh, bỡi tôi từ mẹ bước ra rồi mới bước đi trên con đường trắc trở, tôi là phiên bản nỗi niềm của mẹ, một phiên bản gòm có cả những chữ những hình những tiếng thắt ruột nhớ về những miền, những xứ, rất xa, nhưng quyến rủ,  khúc hồ cầm đã tấu lên,  để cho tôi có thể nhìn thấu chỗ tận cùng của cuộc hỗn độn và chì chiết buồn, trần gian với tôi luôn là nỗi buồn chì chiết, cả cái ngẫu nhiên, và cả cái tất nhiên, hết thảy đều buồn bã, thật ra, hết thảy đều là ngẫu nhiên, ngẫu nhiên có cái tất nhiên, ngẫu nhiên có cái không tất nhiên [không phải tôi theo thuyết ngẫu nhiên đâu, mà chỉ muốn nói, rằng… ngẫu nhiên mà thấy vậy]  ngẫu nhiên tôi bước ra từ mẹ tôi, để mỗi năm của tuổi ấu thơ mẹ may cho áo mới, nhưng  khúc hồ cầm đã tấu lên, buổi ấy xứ sở tôi mắc lo việc đánh giặc ngoại xâm, cuộc kháng chiến chống  người Pháp thực dân, con người chỉ quẩn quanh trong xứ sở mình, đánh giặc, và tự cày ruộng để có lúa ăn, tự trồng cây bông vải để có áo mặc, người miệt biển bủa lưới được con cá thì mang lên miệt ruộng để đổi cá lấy gạo, tôi mới lên mười nhưng đã ý thức được, rằng, phải  giữ sao cho bộ áo quần cũ đừng rách,  bỡi chuyện mẹ may cho áo mới đã thành chuyện cổ tích, đêm, bọn trẻ chúng tôi bận quần áo cũ, tụ tập nhau ở đình làng hát bài …’’ Đây thái dương hồng sáng chói khắp nơi’’… [sáng chói, hay sáng chiếu, tôi không còn nhớ chính xác] tháng chạp, gặt lúa trì, tức sau đó là tới tết, lòng tôi vẫn trống không về chuyện áo mới,  đêm, ra vườn nhà, đem  những bó rạ trì vừa gặt đập xong xây thành chỗ ở , không có quần áo mới thì xây nhà mới, cứ theo các câu chuyện kể của mẹ về các thứ lâu đài của các ông vua mà xây thành lâu đài cho mình, hầu như tháng chạp đêm nào tôi cũng ngủ ở lâu đài tráng lệ bằng rơm rạ của tôi ở ngoài vườn nhà, lòng vẫn trống không chuyện áo mới, rồi một hôm, khúc hồ cầm lại tấu lên, tới đây bận thử có vừa không con, mẹ tôi gọi tôi, thì ra mẹ đã âm thầm đem cái áo cũ của tôi cho ông thợ may trong làng đo may cho tôi một cái áo mới, vải khún thôi, tức vải dệt bằng sợi cây bông vải người làng tôi trồng, nhưng nó là một cái áo mới cho ngày tết, đã mặc áo vào người, tôi ngắm nghía, rất vừa, tôi đã mặc cái áo mới vào người, nhưng cứ thấy ngờ ngợ, không tin, hay chỉ là chuyện cổ tích mẹ kể cho mình nghe hôm nào,

 

 

 

tuổi thơ tôi đâu nhìn thấy hết, đấy là cuộc cấu trúc vĩnh cửu, con đường vào làng, một lần thôi, tổ tiên tôi trù tính, phải có một lối đi vào bầy đàn, một cuộc nhập vào, một cuộc bước vào, cái cách nhập vào, bước vào, là đi trên một con đường bằng đất, bằng cách phải cắm cây cọc đầu tiên xuống đất, và sau đó, là một con đường, một hành trình, tôi rất thích hình ảnh cắm cây cọc đầu tiên xuống đất, vào lúc mọi thứ trống không, có nghĩa chưa có dấu vết gì gọi là cư trú, thì lại có một người, ai, tôi không biết, nhưng phải có một người chứ, có một ngưới đứng nhìn trời một chặp, rồi quyết định cắm cây cọc [chắc là bằng cây rừng] xuống đất, một cuộc định vị cho cuộc cư trú bầy đàn, thì đấy chẳng phải là thứ quyết định thiên niên kỷ hay sao, một lần thôi, từ phút ấy thì đã có một lối đi vào chốn ấy, chốn, về sau gọi là làng tôi, về sau, mới có thể nói là đám trẻ bọn tôi chạy nhảy ca hát trên con đường làng, tự phút giây cắm cây cọc định vị bầy đàn, hay là, tổ tiên tôi đã hiểu ra, rằng, mọi thứ từ đó mà ra, đất với nước, những nguyên sinh lừng lẫy, ‘‘thuở ban đầu của vạn hữu’’, đem cái ‘‘ thuở ban đầu của vạn hữu’’ vun lên thành con đường vào làng, nghìn năm con cò con vạc bay trên cuộc chuyển động hiển linh [ai không còn kính sợ cuộc chuyển động hiển linh của trời đất coi như đã chết, nếu có còn đi lại nơi mặt đất thì cũng chỉ còn là con vật người đi bằng hai chân] tháng tư, mùa hạ, bầu trời rực sáng trên đầu, bọn trẻ chúng tôi chạy nhảy ca hát trên đường làng, thì, ở nơi hàng rào hai bên đường, lá cây bồn bồn, lá cây tiểu muội lấp lánh giữa con mắt đêm của mặt trời, tôi rất thích gọi ánh sáng của đêm là con mắt đêm của mặt trời, chứ còn gì nữa, trong ánh sáng của đêm, lũ giun dế cũng đang gọi nhau, gọi nhau hay là ca hát nhỉ, và cả đám côn trùng không bao giờ nhìn thấy mặt nhưng tôi vẫn mường tượng là có cái đầu thật to, nếu không, làm sao chúng lại có thể làm cho tôi không thể nhìn thấy chúng, trong lúc chúng tôi nhảy múa ca hát, thì những bầy đàn khác cũng đang vui vẻ ở hai bên con đường vào làng, mà cả đất dưới chân tôi cũng là bầy đàn, cả tôi, và cả những người khác, cho đến giờ, vẫn chưa biết có bao nhiêu cuộc sống bầy đàn ở trong đất, ngay cả, khi, tôi và người con gái trong làng, người tình đầu tiên của tôi, đêm mùa hạ, ôm nhau đứng trên con đường vào làng, đứng thật lâu, những vẫn không hay biết chung quanh chúng tôi là những cuộc sống đông vui,

 

 

tôi đã gặp ông cụ có tên là tổ tiên tôi vào một sáng tháng ba nơi đồng làng, lúa ba triên đang trỗ đòng trong thứ nắng như tơ lụa [hồi đó là lúa ba triên, lúa cũ] …’’ xin chào, có phải là bạn đang đi tìm một loài cỏ dại’’… ông cụ hỏi, có, bấy giờ là tôi đang lang thang trên đồng làng để tìm kiếm một loài cỏ, nhưng không phải là cỏ dại, trong chuyện kể của mẹ tôi thì đó là  loài cỏ hoa của nó chỉ nở vào lúc giữa khuya, tinh thần dân chủ của ông cụ trong những phút đầu mới gặp cứ làm cho tôi sợ hãi, ông cụ có tên là tổ tiên tôi đã coi tôi, đứa trẻ mới lên mười, là bạn…‘‘xin chào…bạn’’…ôi, kinh sợ, nhưng ngọt ngào làm sao, lập tức, tôi cảm thấy thấm đẫm phong cách của tổ tiên, tinh thần dân chủ trong cuộc tiến hóa của nhân loại là  luôn mê hoặc con người, tự bao giờ, tôi đâu biết, đã hình thành một cuộc văn hiến bình đẳng đến cả niềm mơ ước nhỏ nhoi nhất [của tôi]  chuyện đã cũ, nhưng cuộc văn hiến như thể giấc mơ của một người khổng lồ mơ thấy mình đã đập phá tan tành những giới hạn [những biên cương] cũ kỹ ấy là đang khỏa vào cái buổi sáng tháng ba tôi đang lang thang trên đồng làng chỉ vì một mơ ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy một loài cỏ hoa chỉ nở vào lúc nửa khuya, tôi có ý định khi nhìn thấy loài cỏ ấy là  sẽ gào lên: ‘‘xin chào, có phải là bạn chỉ nở hoa vào lúc nửa khuya hay không’’tức, tôi cũng giống như ông cụ có tên là tổ tiên tôi, coi lũ cỏ là bạn…’’có bao nhiêu loài cỏ hoa nở vào lúc giữa khuya chứ không phải chỉ mỗi thứ bạn đang đi tìm’’… ông cụ có tên là tổ tiên tôi nói, tôi hơi bàng hoàng, một chút sau, thưa…’’ vậy phải gọi loài cỏ ấy là gì nhỉ’’… tôi thưa hỏi với thứ ngôn ngữ hơi lủng củng một chút, tức không theo cấu trúc xưa nay, bỡi không thể gọi ông cụ có tên là tổ tiên tôi bằng cụ, hay bằng ông, hay, thậm chí, bằng tiền bối, bỡi, gọi cách nào tôi thấy cũng không phù hợp với thứ không khí đại lãn, một nền dân  chủ vô bờ bến là đang diễn ra nơi đồng làng vào một sáng tháng ba, không có chuyện ngàn xưa, không có chuyện hôm nay, hết thảy là đang hiện hữu trong thứ cách thức như thể hết thảy đều là bè bạn ngang bằng nhau, cuộc bình đẳng như thể đang phá vỡ hết thảy những thứ ngu xuẩn cũ kỹ: những qui chế, những pháp chế, định chế, điển chế…’’ hết thảy loài cỏ trong trời đất đều là cỏ dại, những kẻ vốn không tên tuổi, chỉ là về sau con người cứ muốn gọi thành tên như thế’’… ông cụ có tên là tổ tiên tôi nói, thì ra, tôi đã hiểu ra, thuở ban đầu hết thảy đều là hoang dại, chúng tôi vẫn ngồi bên nhau nơi bờ cỏ đồng làng, nắng tháng ba cứ như tơ lụa, bỗng, tôi thấy nảy ra trong tôi  nỗi hoài nghi, hay đấy là người đã cắm cây cọc đầu tiên định biên giới cho làng tôi…’’thưa, có phải nhớ chốn cũ, lại về’’…tôi buột hỏi, câu hỏi cũng chẳng theo cấu trúc xưa nay, hỏi rồi lại thấy sợ hãi, làm sao con người nhỏ bé lại có thể hiểu hết cái vô cùng của trời đất kia chứ,  buổi sáng tháng ba nắng cứ như tơ lụa, đi tìm loài cỏ trong chuyện kể của mẹ không được, tôi lại ngồi nghĩ chuyện tổ tiên mình, thì ra cũng chỉ là chuyện mơ mộng của tuổi thơ, nhưng về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức, nhớ lại chuyên này, tôi cứ thấy day dứt, thì ra, tổ tiên tôi, những con người đã đặt nền móng cho cuộc sống hôm nay của tôi chỉ còn là những cái bóng mờ nhạt không hơn một khái niệm,

 

 

 

TÔI MUỐN THÊM VÀO CÂU CHUYỆN TUỔI THƠ TÔI NHỮNG GHI CHÚ,

 

như thể đêm con tắc kè ở khu vườn nhà tôi lại thức giấc bằng cách cứ réo gọi tên mình…tắc kè…tắc kè …để nhắc nhở tôi rằng đang đêm như thế  thì chẳng có ai chờ tôi ở đó đâu

mùa thu đã đi qua
nhưng trong câu chuyện tuổi thơ tôi lại có kẻ đang giữa thu lặng lẽ bước những bước dài qua đám cỏ hoang
đừng tưởng bao giờ mùa thu cũng chờ đợi những người muốn sang phía bên kia của úa tàn
bỡi ở đó là ngổn ngang những lời những cảnh bao giờ cũng được thể hiện bằng những hình ảnh như thể những tiếng thở dài
buồn
và như thể có những ai đó đang thì thầm với những ai đó về những chuyện gì đó

dường trong những câu chuyện tuổi thơ tôi thì vắng bóng
những đổ nát

và tro than
nhưng chẳng sao bỡi sẽ có kẻ ngang qua đây vào một sáng nào đó hay một chiều nào đó

tôi thì mãi mê với cuộc chơi có con chim có bộ lông màu xanh thắm nhảy nhót giữa  tiếng hát của tôi

này hãy coi chừng tiếng hát sẽ bị vỡ thành những mảnh trần gian buồn bã
khách qua đường nói

và tôi thì dừng lại cuộc chơi
tôi không dám xua đuổi con chim yêu quí của tôi
chỉ nói rằng tạm thời thì mi hãy lui về tổ ấm của mi

ta sẽ chờ

tôi nói

và thấy bầu trời trên đầu tôi như cứ nới rộng ra cho tới khi tôi chẳng còn nhìn thấy tăm hơi con chim yêu quí của tôi đâu nữa

thật là tệ hại

nếu bầu trời trên đầu tôi có những đám mây đè nặng

một ngày buồn bã

cũng như nghìn ngày buồn bã vậy thôi

bỡi sự buồn bã không tính bằng tháng năm
cứ lang thang một chặp cho hết cõi đất trời này cứ giả dụ là thế là sẽ có đủ lý lẽ để trò chuyện với ai đó về sự buồn bã

những khái niệm về thế giới cứ giống những hạt sương sớm mai trên cỏ

khi đã viết được những lời ghi chú này thì tôi có thể nói rằng
hái đi ngọn cỏ

sương tan

những chuyện như thế thì không thể khác đi được,

 

 

và tỉ dụ có ai đó dừng lại, thử nhìn vào tuổi thơ tôi, dẫu chỉ để nói ra những lời thân thiện, tỉ dụ như nói về việc tôi thích nghe tiếng ếch nhái trên đồng làng,

 

bạn là kẻ rất thính tai,

 

tỉ dụ kẻ ấy nói với tôi thế, trong lúc không có tiếng ếch nhái trên đồng làng, dẫu đó  là những lời thân thiện, nhưng tôi vẫn thấy chuyện đó cứ giống như một ngày tháng ba nào đó đang nắng ráo thì trời đổ mưa và tôi phải bước đi trên con đường làng lầy lội những nước mưa và bũn và như thể đang nghe thấy những lời than vãn về cơn mưa đột ngột không phải là của lũ bướm đang khó khăn trong việc lấy mật ở đám hoa dại ven đường cũng không phải là của lũ chim mưa đột ngột quá làm ướt hết bộ lông như màu ráng chiều của chúng mà là của một kẻ xa lạ nào đó nhưng lại có tâm trạng rất giống tôi, thật ra, khi viết những ghi chú này tôi như vẫn còn nguyên nỗi nghi ngờ về sự thân thiện ấy, không phải là tôi muốn làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng, nhưng quả tình, nếu có kẻ muốn thử  nhìn vào tuổi thơ tôi để nói ra những lời như vậy, tỉ dụ như nói về việc tôi thích nghe chuyện cổ tích,

 

bạn là đứa bé thường đòi mẹ kể cho nghe chuyện cổ tích và cứ theo hỏi mẹ điều nọ điều kia,

 

tỉ dụ kẻ ấy nói với tôi thế trong lúc không có mẹ tôi, dẫu đó là những lời thân thiện, nhưng tất cả những chuyện đó, chuyện thử nhìn vào tuổi thơ tôi để nói ra những lời như vậy lại là ‘‘xen vào’’, hay nói cho nghiêm túc là ‘‘dây vào’’, từ này có thể làm cho sự việc trở nên rõ hơn:  dây vào thế giới không phải thế giới của mình là xâm lấn chứ còn gì nữa,

 

 

 

cứ nằm im đó lớp lớp phù trầm, ký ức tuổi thơ là những sắp đặt, ngoại lệ, và vô bờ bến, sự sắp đặt không sắp đặt, những buổi chiều vàng ố nỗi buồn không duyên cớ, con chim trở về rừng muộn lảo đảo trong ánh mắt của kẻ bỗng thấy mọi thứ như trở nên tẻ nhạt, là tôi, cái bóng chim buồn của buổi chiều có sắc hoàng hôn màu máu cứ nằm im đó, lấp liếp khúc tháng năm, không thể nói là quên, hay không quên, hôm qua lại chồng chất lên đó một khúc nữa, cũng buồn như cánh chim chiều muộn, tiếng gáy của con gà trống vào lúc giữa trưa cứ thấy mê hồn đối với kẻ bao giờ cũng cố lắng nghe thử có gì xảy ra hay không, là tôi, lại nằm im đó, một cuộc ngày tháng, nó là ký ức tuổi thơ, hôm qua lại chất chồng lên đó tiếng chân của một người khổng lồ bước đi trong đêm, cũng chỉ là giấc mơ, nhưng đấy lại là ký ức tuổi thơ, cứ nằm im đó những cách thức bay lượn của một loài chim đi trốn mưa  vào tháng chín, hay cái chết của những con thú hoang cũng chỉ nghe kể vào một đêm nào đó lời mẹ cứ như lời  ru  giữa cơn buồn ngủ không kiềm chế được, hay là sự sống lại của một ngày có quá nhiều những cơn mưa kỷ lục, ký ức tuổi thơ là những sắp đặt ngoại lệ, mặc sau đó là những gì sẽ xảy ra, cứ nằm im đó lớp lớp những hình bóng, không thể nói là thật, hay không thật, cho đến hôm lại nghe vang lên tiếng gọi lên đường…’’bạn cứ đến đó, sẽ gặp’’, ở đó là những hương hoa, hay lại là những nỗi buồn không duyên cớ, không biết, tuổi thơ tôi lại lên đường, con ngựa lá, hay con ngựa cỏ, cũng thế thôi, chỉ là một cuộc lên đường của tuổi thơ,

 

 

 

và khi mẹ tôi bảo mùa đông rồi đấy hãy mặc áo ấm vào, thì tôi cũng chẳng có chút khái niệm nào về sự chuyển mùa, chỉ  biết, bấy giờ là mùa đông, thì trời mưa, vậy thôi, cũng có, nhưng đấy chẳng phải  khái niệm, mà chỉ là thứ gì đó như thể là sự không vui dấy lên trong lòng, vì mùa đông thì đêm đến bọn trẻ chúng tôi không còn thể chơi trò rượt đuổi nhau trên các đường làng, hay, lũ chuồn chuồn không còn đậu lên đám cỏ trong vườn nhà tôi, bắt chuồn chuồn là một trong những câu chuyện vui nhất của tuổi thơ, nhưng khi mang lên người chiếc áo tơi mưa chằm bằng lá núi và thủ trong tay bộ giò te te [bẩy gài chim te te] bước đi ở giữa mưa thì tôi lại vô cùng phấn chấn trong lòng… ta, kẻ đang mang núi trên lưng đi tìm thức ăn cho con người, thì mang áo tơi chằm bằng lá núi là mang núi trên lưng chứ còn gì, quả tình, bấy giờ tôi thành thật nghĩ đi bẩy chim te te là tìm thức ăn cho con người, bấy giờ thì lũ chim te te đang đi lại ở gò thả bò ăn để tìm cào cào châu chấu, còn tôi thì lặng lẽ rải những chiếc giò bằng tre được chuốt thành những cộng nhỏ bóng lộn đến nỗi khi rải lên đám cỏ đang lên xanh ở gò thả bò ăn [của làng] thì như thể không còn nhìn thấy chúng  nữa, rải là từ dùng trong việc  bẩy chim te te,  đúng ra  phải nói là cắm những chiếc giò xuống mặt đất, mưa như thể làm cho lũ chim te te gần gũi với tôi hơn, trong lúc tôi đi rải giò cốt để bẩy bắt chúng, thì lũ chúng lại điềm tĩnh đứng nhìn tôi, dường mùa đông thì làm thay đổi  nghĩ ngợi của lũ chim [quả như chúng biết nghĩ ngợi] tôi bước nhích tới, thì lũ chim cũng bước nhích tới, không bay đi  như vào mùa nắng, mỗi lần lũ chúng thấy đám trẻ chăn bò bọn tôi xuất hiện ở gò thả bò ăn, thậm chí, trước khi bước nhích tới, chúng còn chăm chú nhìn tôi, như thể để nói với tôi, rằng, giờ thì mọi thứ đã khác rồi, đi bẩy chim te te là để cho mẹ tôi làm món canh chim nấu  rau săn [một loại cây rau trồng trong vườn] nhưng giờ thấy lũ chim trở nên dạn dĩ với mình, tôi cũng đâm ra hoang mang, sao bỗng lũ chim không còn thấy sợ con người nhỉ, tôi nghĩ ngợi, rồi lại bước nhích tới, đấy là cách lừa lũ chim đi dần về phía có bẩy, trong lúc tôi bước nhích tới, thì lũ chim như không còn muốn bước  nữa, cứ đứng im một chỗ, nhìn tôi, lúc bấy giờ tôi cứ có cảm tưởng như chúng đang nói với tôi, rằng, đã đến lúc chúng ta phải làm hòa nhau, tôi nghĩ ngợi, rồi ngồi tụt xuống trong chiếc áo tơi mưa chằm bằng  lá núi như ngồi trong ngôi nhà nhỏ ở giữa mưa [cái áo tơi mưa là vách nhà, chiếc nón trên đầu là mái nhà] đã đến lúc lũ chim và ta là bè bạn… tôi cứ hét lên trong nghĩ ngợi như thế, và nhìn lũ chim, và lũ chim, cũng cứ đứng im như thế, nhìn tôi, mùa đông năm ấy  tôi như phát hiện  được một điều to tát nào đó của trời đất mà bấy giờ vì sự hiểu biết có giới hạn của tuổi thơ, tôi đã không diễn giải được, cứ thấy như có ai đó núp đâu đó trong mưa để sai khiến tôi và lũ chim te te, thật lòng, tôi cũng có nghĩ đến những vị thần trong các câu chuyện kể của mẹ tôi, và đã gạt khỏi đầu óc mình, ở gò thả bò ăn thì làm gì có các vị thấn chứ, tôi cứ co người lại trong ngôi nhà ở giữa mưa mà nghĩ ngợi trong lúc lũ chim vẫn cứ đứng im thế, nhìn tôi, cái ý định bẩy bắt lũ chim rõ ràng là không còn trong nghĩ ngợi tôi nữa, vậy đấy, như rõ ràng là có ai đó sai khiến tôi, lũ bay hãy đi đi, bỗng tôi đứng lên, tung chiếc áo tơi mưa lên trời, và hét, về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức, tôi mới nghiệm ra, là cùng lúc có sự biến động trong cách nghĩ ngợi của tuổi thơ tôi, và trong cách tiếp cận con người của lũ chim, thì cuộc sống là cuộc chuyển dịch không ngừng  chứ gì nữa,

 

 

 

và khi lũ chim trăm con bắt đầu kêu inh ỏi  trên núi Rây thì lại là chuyện khác, đến mùa giao phối của lũ chim trăm con thì tôi thấy rất vui, tháng ba là mùa giao phối của lũ chim trời có vẻ  bí ẩn đó, dường chúng réo gọi cả ngày đêm ở trên núi, trăm con là gọi tắt, người ta đã dịch tiếng chim ra tiếng người đủ cách: thương con xót ruột, cháu con ông Một, trăm con khó cột, vân vân, cứ theo  âm điệu trong tiếng kêu của chim, người ta có thể gọi chúng là chim trăm con khó cột, hay chim thương con xót ruột, hay chim cháu con ông Một, vậy đấy, bữa nay mới gà gáy lần đầu đã nghe chim trăm con kêu, hay, lông lũ chim trăm con giống lông con cà cưỡng quá, bọn trẻ chúng tôi bàn tán về giống chim có giọng hót như réo gọi ai, da diết [lông con cà cưỡng thì mượt và đen tuyền]  về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức về loài chim, tôi mới hiểu ra, đến mùa giao phối của chim trăm con thì tiếng hót của chúng là thể hiện toàn bộ nỗi niềm yêu đương, và tình yêu ấy là muốn đạt tới chỗ tối hậu: giao  phối là để gìn giữ cuộc trường tồn loài giống, bấy giờ, tiếng hót  là tín hiệu của trường tồn, nghe, và cứ thấy như đang chứa đựng trong ấy thứ nỗi niềm cố quận, chốn nghìn năm của tổ tiên xưa của chúng, bấy giờ, nghe chim trăm con gọi nhau trên núi Rây là tôi lại chạy ra vườn rào hái lá dứa dại để thắt ngựa, nghe chim trăm con gọi nhau thì tôi cứ muốn làm một cuộc đi xa, lá dứa dại mềm, dẻo, có thể tướt ra thành  bản nhỏ để thắt những con ngựa chạy đường dài, tức lũ ngựa chân  dài, đuôi dài, phải chân dài thì mới chạy nhanh được chứ, và khi chạy nhanh thì đuôi phải chỏng lên trời như ngọn cờ cắm ở phía sau ngựa chứ [lá dứa dại bản nhỏ là để tạo ra chân dài và đuôi dài] tôi cỡi ngựa chân dài, đuôi dài, và cả bầy ngựa chân dài đuôi dài chạy theo tôi, nghe thứ giọng hót nóng rực của lũ chim trăm con trên núi Rây là tôi muốn có một chuyến đi thật dài, đi đâu, ban đầu là tôi chỉ tưởng tượng phi ngựa  qua phía bên kia núi Rây [tất nhiên là cả quảng đời tuổi thơ ấy chưa bao giờ  tôi được qua bên kia núi Rây]  đừng tưởng bở nhé, tôi cứ tưởng tượng là tôi cỡi ngựa nhảy phóc vào giữa lũ ngỗng trời đang tụ tập trên đám hoa tiểu muội, hoa tiểu muội thì rất nhiều ở vườn nhà tôi, nhưng ngỗng trời là tôi lấy bớt ra từ những câu chuyện kể của mẹ tôi,

hãy giao hết hoa cỏ và đất đai cho ta,

tôi phi ngựa vào giữa đám ngỗng trời, và nói lớn, tôi vẫn ăn nói đường hoàng chứ không phải buông lời thô bạo,
bạn từ đâu đến vậy,

lũ ngỗng trời vui vẻ hỏi,

các người có biết bên kia núi Rây là đâu không, là nhà ta  đó đó, mùa xuân thì hoa tiểu muội nở ngập hết những tòa lâu đài ở trong làng,

tôi cố nói cho quá đi chuyện của làng tôi,

có phải người ta nói đấy là chốn thần tiên hay không,

lũ ngỗng trời thành thật hỏi,

phải rồi, người ta nói đúng đó,

tôi vội vã trả lời lũ ngỗng trời, và chẳng dám nói thêm lời dối trá nào nữa,

đêm, tôi dấu [một]  con ngựa lá vào ngực áo của mình, nghe lũ chim trăm con trên núi Rây kêu một chặp thì ngủ hồi nào không hay, chắc là vào lúc tôi ngủ say, mẹ tôi đã phát hiện ra con ngựa lá và đã đem dấu nó ở dưới chiếc gối gối đầu của tôi, sáng ra, mất ngựa, tôi không dám hỏi dẫu biết chắc là mẹ tôi muốn thử tôi, lũ chim trăm con lại kêu inh ỏi trên núi Rây, nghe chim trăm con kêu tôi cứ muốn nhảy phóc lên ngựa cho một chuyến đi dài,

con định đi đâu hay sao lại sắm ngựa lá chạy đường dài,
mẹ tôi hỏi khi thấy tôi tìm kiếm với vẻ bứt rứt bồn chồn, nghe cách tra hỏi của mẹ, tôi lập tức hiểu ra, thì ra hồi tuổi thơ mẹ cũng chơi ngựa lá chạy đường dài, tôi nghĩ ngợi, và chỉ im, vì không tìm được cách trả lời mẹ tôi,

ngựa của con đang nghỉ ngơi dưới gối đó, giờ thì lên đường được rồi đó,

mẹ tôi nói, phải nói là tôi vô cùng cảm động, vì mẹ tôi đã vô tình gợi ý cho tôi về một chuyến đi khác, tôi mang con ngựa lá ra hiên hè ngồi nghe chim trăm con kêu trên núi Rây, và quyết định ở trong lòng, rằng,  lần này là phải làm một chuyến đi thật là xa, đi đâu, cứ giống như một thứ hốt nhiên giác ngộ, giữa tiếng réo gọi nhau của lũ chim trăm con, tôi đã nhìn thấy chuyến đi của mình là qua phía bên kia biển, dẫu, biển, cũng chỉ là thứ tôi cũng chỉ nghe được ở những câu chuyện kể của người lớn trong làng , hay sức tưởng tượng của tuổi thơ tôi lại ẩn núp đâu đó trong ký ức  để sau này lại ra sức giúp tôi bịa đặt các thứ này nọ trong chuyện chữ nghĩa văn chương của mình,

 

 

 

còn chuyện khêu đèn đánh chó là để cho một ghi chú khác có thể dẫn tới những tranh luận về cách nhìn nhận vẻ đẹp tuổi thơ, cũng đơn giản thôi, buổi ấy là cả một chuỗi tháng năm đẹp và đơn sơ như ngọn gió chiều hôm làm vang lên tiếng va chạm nhau của đám lá cây trong vườn, thứ âm vang cũng khẽ khàng, nhẹ bổng, như niềm vui của tuổi thơ tôi, chuyện là  thế này,  một bên là một lũ con trai nghịch ngợm và khác hẳn lũ nghịch tặc của một triều đại, một lũ khêu đèn đánh chó, và, một bên là đám con gái mới bắt đầu búi tóc đuôi gà, cái lũ chỉ mới có tín hiệu dậy thì ở chỗ phát triển hơi đột xuất và  kín đáo của vầng ngực, lũ xe chỉ kéo sợi, tháng tư, cây bông vải đã chuyển sang giai đoạn chế biến, tức, sắp có vải mặc, bấy giờ thì người làng tôi trồng cây bông vải để tự làm ra áo mặc, tháng tư thì trái bông vải đã trở thành bông vải, tức đã được chế biến bằng lối thủ công thành nguyên liệu kéo sợi, xe chỉ kéo sợi là cách nói hình tượng về việc biến nguyên liệu bông vải thành sợi để đưa vào công đoạn dệt [mẹ tôi bấy giờ  là một trong những phụ nữ trong làng làm nghề dệt vải từ sợi bông vải] , đêm, lũ chúng bay cứ kéo hết tới sân nhà tao kéo sợi với con Mén, đông đứa thì chẳng thấy buồn ngủ đâu, chỉ mỗi lời thật lòng chú Mười Thùa nói với đám con gái kéo sợi trong làng mà thành ra cái hội đoàn xe chỉ kéo sợi có thể đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chứ còn gì, mãi về sau, hết thế hệ khêu đèn đánh chó của bọn tôi, lũ con trai con gái lớp sau lớp tuổi bọn tôi vẫn duy trì cái hội đoàn kéo sợi ở sân nhà chú Mười Thùa, và cho tới khi chú Mười Thùa đi ra đi vào phải chống gậy thì cái hội đoàn ấy vẫn còn, phải nói cái hội đoàn kéo sợi [thời tôi] ấy là mảnh tháng năm quí tộc trong ký ức tôi, một cuộc cảm động còn lưu giữ một cách bền chắc trong cuộc đời tôi, về sau, mỗi lần nghe có đứa con gái nào đó trong cái hội đoàn đó đi lấy chồng thì lòng tôi lại dấy lên thứ cảm xúc cũng không biết là buồn hay là vui [em đã đi theo chồng rồi sao] nghe có đứa đi lấy chồng thì tôi thường hay nghĩ vậy, còn hồi đó, hồi lũ con trai bọn tôi còn là một lũ khêu đèn đánh chó, lại là chuyện khác, bọn tôi tới sân nhà chú Mười Thùa là để giúp đám con gái kéo sợi khỏi buồn ngủ bằng cách bọn chúng tôi  cứ thay nhau bịa ra những chuyện trên trời dưới đất để cười đến chết, chú Mười Thùa  sắm cả  sân nhà để ngồi  kéo sợi, và sắm cả đèn thắp sáng để thấy ngõ kéo sơi [chỉ trừ những đêm trăng thiệt sáng thì mới không thắp đèn], trên núi Lũng có cây dầu rái, nhựa của loài cây núi này dùng  trét thuyền bè , trét bồ đựng lúa…phần nhựa không thu hoạch kịp chảy xuống đất thành thứ nguyên liệu làm đèn thắp sáng: đèn thắp ở sân nhà chú Mười Thùa là bằng thứ nguyên liệu ấy, khi được đốt lên, chốc chốc phải gạt bỏ đi phần đã cháy thành than, gọi là khêu đèn, đèn mới có thể tiếp tục cháy,  lũ con trai bọn tôi thay nhau khêu đèn, và, mỗi khi có người lớn trong làng đến coi lũ con gái sắp tuổi dậy thì kéo sợi thì con chó của chú Mười Thùa lại xông ra ngõ, nói đánh chó chỉ là cách nói hình tượng về việc bọn tôi  đi khuyên con chó chớ sủa,  lũ con trai bọn tôi giúp cho lũ con gái đủ điều, nhưng chúng đã chẳng biết ơn lại còn buông lời kẻ cả, lũ chúng em hãy về đi kẻo lại bị mẹ đánh đòn đấy, hay, bọn cháu hãy về đi kẻo khuya…vậy đấy, lòng căm thù làm cho con người ta trở nên tàn nhẫn, đám khêu đèn đánh chó bọn tôi mưu với nhau mỗi đứa làm một cái bẩy kẹp, tức thứ mang cung nhỏ làm bằng tre để đặt lên mặt đất, khi dậm phải, cái mang cung sẽ kẹp chân kẻ ấy, vào một đêm, cứ nói là đêm định mệnh của lũ con gái kiêu căng ngạo mạn, đêm ấy, đám khêu đèn đánh chó bọn tôi đứa nào cũng thủ sẵn trong áo một cái bẩy kẹp, cứ nghĩ đến chiến thắng mà thấy rạo rực trong lòng, đêm ấy, vào lúc sắp tan cuộc, bọn con trai chúng tôi cùng đứng lên, nói ra lời chào thật trịnh trọng [nói kiểu Homer là lời chào có cánh] xin thưa các chị, lũ chúng em  xin về  đây… chắc là đám con gái kéo sợi sung sướng lắm, lũ chúng cứ chụm lại cười dậy làng dậy xóm, khiến thím Mười Thùa đã ngủ còn bật dậy, chạy ra sân, hỏi con gái thím ấy, có chuyện gì vui vậy Mén, lũ bọn tôi ra khỏi ngõ nhà chú Mười Thùa là bắt đầu rải những cái bẩy kẹp lên đường đi, phải nói là phải cố lắm mới không bật cười thành tiếng, làm sao không cười cho được, chắc chắn rằng, những cái bẩy tre  sẽ kẹp lấy bàn chân lũ kiêu căng ngạo mạn, và lũ chúng cứ nhảy cẩng lên, quả tình, chẳng có đứa nào là còn hồn vía, vừa ra khỏi ngõ nhà chú Mười Thùa là toàn bộ đám con gái kéo sợi, cứ lần lượt từng đứa một nhảy cẩng lên, cứu…cứu… tới lúc ấy, lúc toàn bộ đám con gái kéo sợi đã dính mang cung, thì từ trong bờ rào đường làng bọn tôi túa ra, lũ chúng em  xin chào các chị đó … trong lúc đám  khêu đèn đánh chó bọn tôi ôm bụng cười, thì toàn bộ lũ con gái kéo sợi ngồi ôm chân khóc, chẳng có đứa nào dám có lời nào, tôi cho rằng, sở dĩ, lũ chúng chẳng dám mở lời trách móc bọn tôi  vì biết đấy là việc làm chính nghĩa, dẫu sao, cho tới giờ, khi nhớ chuyện này, tôi vẫn giữ ý kiến rằng, đó là vẻ đẹp ngoại hạng của tuổi thơ,

 

 

 

và có một người làm xáo trộn cả quảng đời tuổi thơ của tôi, ông Bảy Nhiêu, tức thầy Bảy Trời, ông Bảy Nhiêu thuở ấy như một kho tàng bí mật đối bọn trẻ chúng tôi,  cái kho tàng ấy là gòm một ông lão tuổi tám mươi cộng với một nghìn lẻ một câu chuyện hô mưa đổi gió chận quỉ đuổi ma…vào một đêm tối trời, con ma gió mò vào nhà  thầy Bảy Trời xin gạo nấu, thầy Bảy bảo làng này người ta cũng đang đi xin ăn, hãy đi chỗ khác đi, thầy Bảy chỉ nói ra những lời hơn thiệt, nhưng cái luồng khí  từ người thầy phát ra khiến con ma hoảng loạn, bỏ chạy, đêm ấy thì trời yên biển lặng, vậy đấy, những câu chuyện thần kỳ về ông thầy pháp người làng vẫn gọi là thầy Bảy Trời, tức ông Bảy Nhiêu,  vẫn cứ được nói ra từ cửa miệng người làng, còn ông Bảy Nhiêu thì vẫn im như ngôi đình cổ kính của làng, bấy giờ, với bọn trẻ chúng tôi , gặp ông Bảy Nhiêu là tiếp cận  một kẻ xuất chúng đang im lặng trước sự đi lại  nói năng của mọi người, vì sao vậy, chính là lịch sử  đã không còn để cho ông  đem những tri thức ông luôn nghĩ là tài sản của riêng mình ra giúp đời như ông từng nghĩ và từng làm trước đó, và giờ đây những thứ ấy chỉ còn là  những ký ức oanh liệt, ai chạm vào đó là chạm vào niềm kiêu hãnh của ông, và chính là đám trẻ chúng tôi đã chạm vào niềm kiêu hãnh ấy,

hôm nào ông Bảy cho lũ cháu xem mặt một con ma để biết ma nó ra làm sao, được không ông,

thằng Bến con chú Chín  Bậc xung phong nói trước,

con ma nào,

ông Bảy Nhiêu nói, bọn tôi biết là ông không muốn trò chuyện với đám trẻ con bọn tôi về câu chuyện quan trọng của cuộc đời ông

hay là ông Bảy chẳng tài giỏi chi như người ta nói

thằng Bến con chú Chín Bậc nói, đi chọc tức một người sai khiến được ma quỉ như ông Bảy Nhiêu thì liệu có thể chết dưới tay ông hay không, có lẽ, bấy giờ hết thảy bọn tôi đều nghĩ thế, nên cùng nhau chạy tới ôm lấy người ông ấy,  đấy là cách nịnh hót làm cho ông không còn tức giận,

thằng Bến nó nói trúng đấy, bỡi bấy lâu nay Bảy Nhiêu này có bắt con ma nào đâu,

ông Bảy Nhiêu nói, bọn tôi cùng  nhảy cẩng lên, vui sướng như vừa thoát chết,

vậy thì hôm nào ông Bảy bắt một con ma cùng lứa lũ cháu để nhập bọn cháu cho vui,

đấy là lời của tôi, bỗng dưng tôi cảm thấy có sự thân thiện nào đó với thứ vật thể mà mình chỉ nhìn thấy lờ mờ về nó, bỗng dưng tôi lại có cảm tình với ma, hay những thứ không biết là có thật trên đời này hay không lại là thứ gần gũi với sự hiểu biết chẳng đến đâu của tuổi thơ,

lũ cháu đâu biết khoa học thời nay nó không cho ta làm công việc của một anh thầy pháp,  thôi thì cứ giữ trong lòng những gì trời đã ban cho ta

ông Bảy nhiêu nói, như thể bảo  bọn chúng tôi rằng  ông là kẻ có thể sai mưa khiến gió,

được, cứ thử rồi sẽ biết,

bọn chúng tôi rỉ tai nhau,

hôm ấy ông Bảy Nhiêu ăn giỗ ở nhà bác Bốn Cày, uống rượu say, phải nằm lại đến khi mặt trời lặn mới trở về nhà, và, trong lúc đêm tối đám trẻ bọn tôi treo tay trên những cành  nhánh cây me chỗ sân miếu âm hồn để giả  làm những con ma treo cổ và chờ ông Bảy Nhiêu, thì thật lòng tôi có nghĩ đến chuyện ông ấy sẽ tóm cổ hết thảy bọn tôi và cứ thấy tự hào trong lòng, rằng, sao làng tôi lại có một kẻ tài hoa như thế, thật lòng thì tôi không muốn cuộc đời ông bị lu mờ, chẳng phải người ta vẫn tiếp tục rỉ rả nhau về tài năng của ông hay sao, từ nhà bác Bốn Cày trở về nhà mình, ông Bảy Nhiêu phải ngang qua ngôi miếu âm hồn của làng, và cuối cùng,  hết thảy bọn tôi đều bình yên, vì lúc nghe bọn tôi cùng rú lên, giả tiếng gào của lũ ma chết  treo, thì ông Bảy Nhiêu  đã ngả xuống bất tỉnh, tôi không muốn kể lại chuyện bọn tôi xúm nhau  khiêng ông Bảy Nhiêu về nhà ông ấy với nỗi hoảng sợ, và chuyện người hàng xóm  tới thăm ông Bảy Nhiêu có kẻ nghi ngờ bọn tôi đã làm chuyện gì đó khiến ông  chết giấc, bỡi hết thảy những chuyện ấy chẳng còn quan trọng, khi nhớ chuyện này, tôi đã vỡ ra, rằng, quả tình ông Bảy Nhiêu chưa bao giờ bắt được con ma nào, nếu không, thì ông ấy đã tóm cổ cả bọn tôi, có nghĩa, chắc hẳn rằng, ông ấy cũng chỉ mới có ý nghĩ rằng mình có tài sai mưa khiến gió, trong những năm tháng cũ, chắc hẳn ông đã hành nghề pháp sư trong thứ ảo ảnh đã làm cho ông thấy ông có ý nghĩa trong cuộc sống, hóa ra, trò nghịch ngợm của tuổi thơ bọn tôi lại là cuộc kiểm nghiệm về giới hạn tri thức của con người,

 

 

 

RỒI NHƯ CÓ GÌ ĐẤY LUÔN DỊCH CHUYỂN TRONG ĐẤT,

 

hồn ma của lũ người Chiệc, hay sự hiển hiện u linh của tổ tiên tôi, chẳng ai dám chắc điều gì, quả tình, lúc bấy giờ, mỗi khi đám trẻ bọn tôi thử áp tai lên đất Thành Trài là như nghe thấy có thứ tiếng động vô cùng tinh tế ở trong đất, thấy được rồi, vậy đấy, mỗi lần có đứa trong bọn tôi nghe thấy thứ tiếng động tinh tế ấy là lại tri hô lên, nhưng nếu ai hỏi trông thấy gì, bọn tôi lại không nói được, cứ nghĩ đến chuyện người núi Lũng dựng thành Trài để đốt chết bọn người Chiệc xâm lấn đất đai là lại nghe thấy như có gì đấy đang dịch chuyển ở trong đất, đấy là toàn bộ nỗi ám ảnh mảnh đất trải dài dưới chân núi Lũng đã để lại trong tâm trí bọn trẻ chúng tôi ngày ấy, đất Thành Trài lúc bấy giờ chỉ là khu rừng tái sinh, phần kéo dài của rừng núi Lũng, gòm những cây thân nhỏ, thấp, hầu như rất ít tán lá, đất không bị rừng cây che khuất mặt trời, cỏ tranh, cỏ đế, và vô số loài cỏ không tên khác tha hồ phát triển, những trảng cỏ lộng lẫy màu xanh cùng với đám lá các loài cây thân mềm, ngọt, là kho thức ăn không hề cạn kiệt  của đám bò thả rừng của làng tôi, sáng, bọn  tôi lùa bò vào rừng, mãi chiều tối mới lùa bò trở về làng, buổi ấy, thả bò vào đất Thành Trài là một trong những niềm vui lớn trong sự nghiệp tuổi thơ của tôi [gòm  đi học, trốn học, chăn dắt đàn bò, và  nghĩ ra vô số trò nghịch ngợm] lũ bò, nhất định là chẳng thể hiểu  chúng  đã được ăn bao nhiêu loài cỏ lá, còn tôi thì thấy vui sướng một cách khổ sở, tôi  đã ngồi  trên đất đai  của những câu chuyện thần kỳ, một trong những niềm vui sướng của tuổi thơ là  được bước vào những câu chuyện thần kỳ, cứ áp tai lên mặt đất là  nghe thấy như có ai đang đi lại trong đất chẳng phải là đã nhập vào những chuyện thần kỳ đấy sao, nhưng rồi tôi cũng chẳng thể hình dung được  mặt mũi của đám người Chiệc hung bạo, những ngày lùa bò vào đất Thành Trài cốt để được ngồi lên  thứ đất đai đầy sự tích của tổ tiên, và cuối cùng thì chỉ bị mê hoặc bỡi thứ mê hồn trận làm bằng gai núi  hay thứ vật thể đầy vẻ bí ẩn là long mạch… cứ chờ đêm xuống thì đám thầy địa lý của nước Chiệc thắp đuốc lên, chúng  bảo đêm xuống thì mới có thể nhìn thấy long mạchở rtong đất … mấy trăm năm qua người làng tôi vẫn bắt đầu câu chuyện về giặc Chiệc  như thế,

 

 

vậy thì long mạch là gì,  với tuổi thơ bọn tôi thì đó là một thứ khái niệm  vô cùng xa lạ, nhưng truyền thuyết về một câu chuyện dài và khó hiểu xảy ra trong bao nhiêu năm tháng lại chỉ gói gọn trong những câu chữ thế này:

cứ chờ đêm xuống thì đám thầy địa lý của nước Chiệc  thắp đuốc lên, chúng  bảo đêm xuống thì mới có thể nhìn thấy long mạch ở trong đất, bấy giờ, người  Chiệc  xâm chiếm hết thảy các xứ sở  ở chung quanh, bước đầu thì chúng cho bọn thầy địa lý  đi tìm và bịt kín long mạch của các xứ sở, tiếp đến thì  xua quân vào, người núi Lũng biết chuyện liền dựng Thành Trài trên núi, nói là thành, thật ra là thứ trận đồ làm  bằng  gai núi, đám thầy địa lý đi tìm long mạch và lũ giặc Chiệc hết thảy bị đốt chết ở đây.

 

thứ trận đồ làm bằng  gai núi ấy đã mê hoặc bọn trẻ chúng tôi, thì lửa đã cháy trên núi, và lũ người Chiệc đã bị đốt chết, nhưng làm cách nào để lừa lũ chúng vào trận lửa ấy chứ, thật tình là bọn chúng tôi nghĩ không ra, và những ngọn lửa thần kỳ cứ mãi ám ảnh bọn tôi, nhưng đến thứ vật thể gọi là long mạch thì mới thật sự cuốn hút tuổi thơ bọn tôi, vì không muốn hạ thấp niềm kiêu hãnh của mình nên tôi đã không đi hỏi cha tôi long mạch là gì, [chẳng phải lúc nặn tượng bò đất sét chính cha tôi bảo mai sau tôi sẽ trở thành nhà điêu khắc đấy sao] cứ mường tượng vào một ngày tôi từ đất Thành Trài lùa  bò trở về nhà, sau khi cho lũ chúng vào chuồng, mặt trời cũng vừa mới xuống núi, cơm tối chưa ăn,  tôi đã tuyên bố với cha mẹ tôi và anh trai tôi, rằng, tôi đã tìm thấy được long mạch, tôi tuyên  và  thò tay vào túi lấy long mạch ra cho cha mẹ và anh trai tôi xem, tôi thì nghĩ long mạch như là một thứ rễ cây trong đất, nhưng  thằng Bến con chú Chín Bậc thì nghĩ khác, vào một hôm, bọn  tôi lùa bò vào đất Thành Trài, trong lúc lũ bò kéo nhau đi kiếm thức ăn, thằng Bến con chú Chín Bậc đột nhiên tuyên bố,

tao biết long mạch là gì rồi,

là gì nào,

bọn chúng tôi nhao lên hỏi, rồi cả buổi thằng thằng Bến cứ lẩn quẩn trong đám rừng cây tái sinh, bảo là phải đi đếm lũ bò coi có con nào chạy lên núi Lũng không,

thằng Bến nó đang lừa bọn ta đó,

chính là thằng Lắm con bác Bốn Cày đã phác hiện ra điều đó,  sợ bị bọn tôi đánh, thằng Bến phải khai thật, là nó định lừa bọn tôi, rằng, long mạch thì giống một cái củ khoai,

 

 

vào quảng đời tuổi thơ ấy, quả thật, ở trong làng, tôi là đứa trẻ thích cầm đầu [cai trị] những đứa trẻ khác, phải nói hầu hết các trò nghịch ngợm là do một tay tôi sáng chế ra [làm cạn kiệt mùa duối chín  chỉ trong một trận đánh bằng súng cò ke, hay là cái cách cải biên trò chơi cổ điển ‘‘người ngựa’’ khiến đứa nào cũng thích làm ngựa…] và đến chuyện người núi Lũng đốt chết người Chiệc  tôi cứ muốn sáng chế ra một trò chơi kinh thiên động địa [đốt chết giặc xâm lấn chẳng phải chuyện  kinh thiên động địa là gì]  nhưng cuối cùng tôi đã không nghĩ được, đầu óc tôi lúc bấy giờ cứ giống như cách nói trong truyện kiếm hiệp là tẩu hỏa nhập ma, thật vậy, cứ thấy lửa hết cháy ở trong đầu lại thấy cháy ở trên núi, sáng lùa bò vào đến đất Thành Trài là tôi bắt đầu thấy tức giận trong lòng, tại làm sao ta lại không nghĩ ra được trò long mạch để đốt chết lũ người Chiệc chứ, tôi cứ hét lên trong nghĩ ngợi như thế, rồi, này thằng Bến [tức con trai chú Chín Bậc] mày canh ở chỗ bụi cây mà ca này, còn thằng Lắm [tức con bác Bốn Cày] thì ngồi chỗ gốc cây thồ lồ này, tôi lệnh cho lũ bạn tôi là phải ngồi chờ cái phút giây thiêng liêng là nhìn thấy được long mạch, quả tình bấy giờ tôi cứ nghe lửa cháy ở trong đầu, và cứ có cảm tưởng như có tiếng chân ai đang chạy ở trong đất [u hồn bọn người Chiệc chăng] khái niệm về thứ sức mạnh vô hình hay là hình ảnh vể tổ quốc vô biên vô tận, cứ cho là long mạch mang ý nghĩa vậy đi, toàn bộ những kiến thức như thế là hoàn toàn xa lạ với tuổi thơ tôi,  bấy giờ, thích được mạo hiểm vào các chốn kỳ lạ chỉ là thứ hiếu kỳ có tích cách quái đãn của bất cứ tuổi thơ nào, hãy ngồi yên đó… sắp xảy ra rồi đó…tôi cứ đứng yên  nhìn núi rừng đang chìm trong buổi sớm mai đầy bí ẩn và hô hét lũ bạn của mình, cứ thấy như sắp nhìn thấy được long mạch, cứ làm như tôi là đứa trẻ có quyền cai trị lũ trẻ cùng lứa trong làng, cai trị, ồ, không ngờ thứ ký ức về phạm trù rắc rối nhiều tranh cãi ấy về sau một cách vô thức lại giúp tôi, vào một hôm, chợt nhận ra không biết bao nhiêu là cơ chế pháp chế điển chế đang đè nặng trên đầu mình,

 

 

 

 

VÀ NHƯ THỂ LÀ ĐANG ĐỘNG ĐẾN SỰ TÀN RỮA,

 

 

đây là câu chuyện riêng của tôi và con tắc kè đỏ đuôi cư trú trong khu vườn nhà tôi, thế giới thực ra là cuộc chuyện trò không ngừng  giữa những sự vật ở trong nó, một ngọn gió chợt nổi lên, con sóc đang di chuyển  trên cành  không thể không dừng lại lắng nghe, cuộc tương tác giữa các sự vật trong thế giới thật ra là cuộc trò chuyện lớn nhất và dai dẳng nhất, có vẻ như là chẳng có gì xảy ra, nhưng  hết thảy cây lá trong vườn như đang bừng dậy khi nhận được những tia nắng đầu tiên của buổi ban mai, một ví dụ vậy cũng đủ để cho rằng thế giới mãi mãi là cuộc trò chuyện vĩ đại nhất, cuộc chuyện trò nghe thấy đấy, nhưng đừng bao giờ nghĩ là hiểu hết, một con tắc kè đỏ đuôi lạc vào một khu vườn nhà thì có gì phải đáng nói, nhưng đâu phải vậy, vì sao nó, con tắc kè đỏ đuôi ấy, không chọn khu vườn nào khác mà chọn khu vườn nhà tôi, thì cứ cho đấy là ngẫu nhiên, nhưng tại vì sao lại ngẫu nhiên chứ,  theo lời kể chính xác nhất của cha tôi căn cứ vào lời kể chính xác nhất của ông nội tôi, còn nội tôi thì căn cứ vào lời kể chính xác nhất của ông cố tôi, tổ tiên của con tắc kè đỏ đuôi tôi đang nói đã chọn khu vườn nhà tôi làm chốn dung thân rồi truyền  cho các đời sau nó phài tiếp tực việc sinh con đẻ cháu, đã có lúc nào có nhiều tắc kè đỏ đuôi trong khu vườn nhà tôi thì tôi chưa nghe cha tôi nói, chỉ biết vào khi tôi đã biết nghịch ngợm phá phách thì đã thấy con tắc kè đỏ đuôi vào những lúc  hình như là cảm thấy cô độc hay sao đó lại rời khỏi buội duối trăm năm tuổi nơi bờ rào để lân la khắp khu vườn  và khi thấy có người thì ngẩng đầu nhìn như thế muốn nói điều gì đấy rồi lại buồn bã quay về tổ của mình, về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức về cuộc sống, tôi mới hiểu ra, bấy giờ, không ai bảo ai, nhưng hết thảy những người trong nhà tôi, từ cha mẹ tôi đến anh trai tôi đến tôi, đã mặc nhiên thừa nhận con tắc kè đỏ đuôi như là kẻ có quyền sống và đi lại trong khu vườn nhà mình, bấy giờ, tôi như đang sở hữu một niềm vui giản dị như thể trời đất đã ban riêng cho tuổi thơ tôi, rằng, vào những buổi chiều tàn, nếu như chẳng có  việc gì để làm, hay để nghịch ngợm phá phách, thì cứ việc ra khu vườn nhà mình, ở chốn ấy luôn sẵn có một người bạn là con tắc kè đỏ đuôi, không hiểu sao tôi to lớn gấp trăm ngàn lần nó song vẫn cứ có cảm tưởng nó là một đứa bạn dày dạn hơn mình,

xin lỗi nhé, mình chỉ muốn biết năm này thì bạn bao nhiêu tuổi,

tôi hỏi con tắc kè đỏ đuôi vào một chiều tháng ba, cũng sắp hết mùa xuân, nghe tiếng tôi, con tắc kè đỏ đuôi dừng lại nơi đám cỏ tiểu muội hoa đang tàn, lần đầu tiên tôi quyết định là phải hỏi tuổi tác của con tắc  kè đỏ đuôi cốt để phân định vai vế trong thứ tình bạn bấy lâu tôi cứ cảm thấy lấn cấn không dám trò chuyện vì không biết xưng hô thế nào, tôi  thật lòng hỏi con tắc kè đỏ đuôi, và cứ có cảm tưởng như là nó đang muốn từ chối trả lời tôi,

không sao đâu, nếu như bạn không còn nhớ tuổi của mình,

tôi nói với con tắc kè đỏ đuôi, và chợt cảm thấy sợ hãi, vì chợt nhớ ra lời của cha tôi, rằng,  tổ tiên con tắc kè thì sinh ra trước tổ tiên con người, ồ, tôi đã lỡ lời với một bậc tiền bối, trong cơn bối rối, tôi đã bắt chước cách nói của cha tôi để nghĩ con tắc kè đỏ đuôi là tiền bối của mình, rồi vội vã quì xuống,  ngửa hai bàn tay lên đất, như thể để tạ tội với một đứa bạn thuộc về một loài giống dày dạn hơn loài giống của mình, và con tắc kè đỏ đuôi lại nhìn tôi, như thể đang  mỉm cười, rồi nhẹ nhàng leo lên hai bàn tay tôi, phải nói rằng, tuổi thơ tôi, một lần, đã chạm tay vào hậu duệ của một loài giống một thời làm mưa gió trên mặt đất, nếu như giả thuyết tắc kè là cuộc tàn hơi  của loài khủng long bị tuyệt diệt vào kỷ Creta là đúng,

 

 

 

 

chính là việc con tắc kè đỏ đuôi im lặng khi tôi hỏi về tuổi tác của nó đã khiến tôi bắt đầu nghĩ ngợi nhiều về nó, cứ cho là con tắc kè đỏ đuôi thuộc loài giống có trước loài giống con người, nhưng là nó đang cùng với những người trong nhà tôi sống trong cùng một khu vườn thì tôi phải biết tuổi tác của nó chứ, những bưổi chiều tàn, trời u ám buồn vì sắp có mưa giông, tháng ba ở quê tôi là mùa giông tố [mưa kèm với sấm sét] cứ vào lúc mặt trời sắp hụp xuống núi thì mây đen từ các dãy núi phía nam làng ùn ùn kéo tới bầu trời trên đầu tôi và bắt đầu nghe thấy từ phía núi những tiếng gầm nhỏ, buồn bã, tín hiệu về sự bất thường của thời tiết, tôi lại ra vườn ngồi chờ con tắc kè đỏ đuôi,

khi mưa xuống bạn phải trốn thật kỹ vào ngôi nhà của bạn đấy nhé,

tôi nhìn con tắc kè đỏ đuôi và nói trong niềm lo âu [nói là nhà thực ra nơi trú ngụ của con tắc kè đỏ đuôi chỉ là cái buội duối trăm năm tuổi ở bờ rào vườn nhà tôi] tôi nói, và cứ có cảm tưởng con tắc kè đỏ đuôi nhìn tôi với ánh mắt biết ơn, bấy giờ, lạ lắm, tôi bỗng thấy có sự thay đổi trong nhận thức của mình là  chẳng hề trông thấy có chút gì nơi con tắc kè đỏ đuôi là thuộc một loài giống tàn bạo, loài khủng long, như cha tôi từng nói, bấy giờ, tôi thấy con tắc kè đỏ đuôi như thể một đứa trẻ mồ côi, và như thể là nó đang nhìn tôi với vẻ tha thiết và sắp ứa ra nước mắt, trong quảng đời tuổi thơ của mình bỗng dưng tôi lại biết có một sinh linh bé nhỏ một thân một mình sống giữa trời đất bao la, nếu tôi là con tắc kè đỏ đuôi liệu tôi có sống nổi trong tình cảnh thề hay không,

thôi, hãy về nhà đi, trời cũng sắp  mưa rồi đấy,

tôi nói với con tắc kè đỏ đuôi giữa lúc mây đen kéo về nhiều hơn trên bầu trời trên đầu tôi, và tiếng giống sấm cũng nghe rõ hơn, vào những lúc như thế mới thấy thế giới ta đang sống kỳ vĩ biết bao, giờ nhớ  chuyện cũ, tôi nghĩ thế, còn lúc ấy,  khi thấy con tắc kẻ đỏ đuôi quyến luyến không muốn rời tôi, những ý nghĩ có phần bất công về nó lập tức tan biến, làm sao một con vật chỉ nhỉnh hơn ngón chân của tôi một chút lại là con cháu của một loài giống tàn bạo nhỉ, nghe theo lời giảng giải của cha tôi, bấy lâu tôi vẫn thấy lấn cấn trong tình bè bạn giữa tôi và con tắc kè đỏ đuôi [có lúc tôi đã toan xé chiếc áo cũ của mình để lấy vải may cho con tắc kè đỏ đuôi một cái áo mới, nhưng vì nghĩ nó là con cháu loài tàn bạo, lại thôi] cái buổi chiều tháng ba giống tố ấy như thể đã đánh thức tôi ra khỏi những hiểu biết hàn lâm về lịch sử của các loài cha tôi đã từng đem ra giảng với tôi [nếu quả như con tắc kè đỏ đuôi là hậu duệ của loài khủng long tàn bạo thì có phải cảnh bơ vơ cô độc của nó là hệ lụy khôn lường của những tội lỗi cha ông ] mưa đã bắt đầu rắc hột, rồi con tắc kè đỏ đuôi cũng phải từ giã tôi trở về ngôi nhà giữa trời của nó,

nhớ đừng để ướt mình đấy,

tôi lại dăn dò con tắc kè đỏ đuôi, và cứ nghe khua lên trong nghĩ ngợi của tuổi thơ thứ cảm thức cũng chẳng biết phải gọi nó là gì, tôi, một đứa trẻ có nhà để về lúc mưa xuống đang lo lắng cho một đứa trẻ không nhà là con tắc kè đỏ đuôi,

 

 

 

bằng vào tình yêu sự sống, coi như bản năng của bất cứ con vật nào đang  sống trên mặt đất này, tôi bắt đầu tưởng tượng ra gốc gác  lai lịch của con tắc kè đỏ đuôi theo hướng bác bỏ những hiểu biểu về nó qua cách giảng giải của cha tôi,

hãy ra khỏi nghĩ ngợi của ta hỡi loài khủng long tàn bạo,

đại khái, bấy giờ, trong lúc quyết nghĩ ra cho được cái lai lịch của con tắc kè đỏ đuôi theo cách của mình, tôi đã quyết đẩy lùi khỏi đầu óc mình thứ hình ảnh bại hoại của lũ  khủng long kỷ Creta, vào những lúc cảm thấy đầu óc rối lên, gần như tôi đã hét lên như thế, nhưng, những hình ảnh  phiền toái như con khủng long bước đi một bước là làm sập đổ năm bảy ngôi làng như theo cách kể của mẹ tôi, quả tình đã làm nhiễu  [rất nhiều] trí tưởng tượng của tôi,

hãy đi đi lũ khủng long độc ác,

đại khái, bấy giờ, vào những lúc bực bội vì nghĩ  không ra cái lai lịch của con tắc kè đỏ đuôi theo ý của mình, tôi cứ hét lên trong nghĩ ngợi như vậy, rồi,  vào một buổi chiều tháng ba, cái tháng ba năm ấy quả là  vận may lớn trong quảng đời tuổi thơ của tôi, đã hết mùa giông tố, buổi cuối ngày có vẻ yên tĩnh như thể tâm trạng hiếm có của trời đất, từ các dãy núi phía nam làng không còn vọng về  âm vang giông tố mà là đang thổi về những ngọn gió đang ôm ấp trong nó màu lạnh lẽo của rừng đêm, tắc …kè, tắc…kè, tôi gần như có thể cất tiếng kêu y như tiếng kêu của con tắc kè đỏ đuôi, vào giây phút con tắc kè đỏ đuôi nghe tiếng gọi của tôi chạy ra khỏi bờ rào vườn vươn cổ nhìn tôi với ánh mắt háo hức thì tôi vẫn chưa nhìn thấy được cái thế giới đầy hoa cỏ và tiếng hót của chim chóc ấy,

là bạn đương có chuyện vui sao,

bấy giờ, dường như là con tắc kẻ đỏ đuôi đã hỏi tôi như thế, rõ ràng là trong trí tưởng tượng của mình tôi đã nghe thấy con tắc kè đỏ đuôi nói với tôi những lời ấy, có bao giờ có sự thông thương giữa các thứ trí khôn trong trời đất không nhỉ, các loài hoa trên mặt đất vẫn tiếp tục ủ đầy mật  vì biết rằng rồi ra lũ ong bướm sẽ đến cướp đi, cuộc tương quan giữa các sự  vật trong trời đất chẳng phải là cuộc va chạm giữa các trí khôn hay sao,  có một thứ khoảnh khắc thẳm sâu kỳ diệu nào đó của sự sống đã chen vào  nghĩ ngợi của tuổi thơ tôi, chính vào giây phút lặng lẽ trong tình bè bạn giữa tôi và con tắc kè đỏ đuôi, con tắc kè đỏ đuôi cứ lặng lẽ nhìn tôi, và tôi cũng cứ lặng lẽ nhìn con tắc kè đỏ đuôi, chính vào lúc ấy tôi đã cưu mang thứ cảm thức  về cuộc lưu chảy muôn đời của sự sống [mà tôi không biết] : đã nhìn thấy từ trong ánh mắt háo hức của con tắc kè đỏ đuôi có rất nhiều những hoa màu trắng, và từ đám hoa trinh khiết ấy bước ra một người phụ nữ đẹp và hiền hậu,  tôi nghe con tắc kè đỏ đuôi gọi mẹ, tiếng gọi vang to như tiếng giông sấm mùa tháng ba, lũ chim chóc bắt đầu nhảy nhót, và hót, thì ra, từ lâu tôi đã hiểu không đúng, con tắc kè đỏ đuôi có mẹ, chứ không mồ côi như tôi tưởng,

 

 

 

 

trí tưởng tượng của tôi đã mách bảo tôi rằng người mẹ đã bước ra từ ánh mắt của đứa con của mình, thì tôi cũng chỉ muốn con tắc kẻ đỏ đuôi, bạn tôi,  cũng có mẹ như tôi, vậy thôi, nhưng cho đến đêm tháng ba ấy thì con tắc kè đỏ đuôi dường như không ngủ, cứ kêu suốt, mẹ tôi đã yên giấc từ lâu, chỉ có tôi vẫn trằn trọc bên mẹ để lắng nghe tiếng kêu liên hồi của con tắc kè đỏ đuôi… tắc kè…tắc kè… tiếng kêu  của con tắc kè làm tôi  lo lắng, rồi trong lúc nửa thức nửa ngủ, tôi đã  nhìn thấy  người đàn bà ấy bước đi giữa khu rừng cây cao vút, từ trên bầu trời cao những chiếc lá cây phe phẩy trong gió như cánh của những nàng tiên trong những câu chuyện kể của mẹ tôi, xin nữ hoàng cho chúng con nghe thấy tiếng khóc của trẻ con, đám vượn già cùng nói, và quì xuống dưới chân người đàn bà lũ chúng gọi là nữ hoàng, lát sau thì nghe có tiếng trẻ khóc, tôi cảm thấy sợ hãi, rúc đầu vào người mẹ tôi, sao lại không phải là con tắc kè đỏ đuôi, mà là một đứa trẻ vậy nhỉ, trong trí tưởng tượng của mình, tôi muốn người đàn bà ấy sinh ra con tắc kè đỏ đuôi, nhưng không nhìn thấy con tắc kè đỏ đuôi, mà nhìn thấy đứa trẻ nằm khóc, tôi sợ, và cứ rúc đầu thật chặc vào người mẹ tôi,
nghe tôi rên rỉ, mẹ tôi thức dậy,

con gặp ác mộng sao,
không phải,
con đã nhìn thấy mẹ của con tắc kè đỏ đuôi,
nghe tôi nói vậy, mẹ tôi ngồi bật dậy trên giường, tôi cũng ngồi bật dậy trên giường, và trong tai như vẫn còn nghe tiếng trẻ khóc,

con nói là đã nhìn thấy mẹ của con tắc kè đỏ đuôi ở rào vườn nhà mình,

mẹ tôi hỏi, có vẻ cũng đang sợ hãi như tôi,

một người đàn bà đi lại trong khu rừng cây cao vút,

rồi sao nữa,

con cứ nghĩ bà ấy sẽ đẻ ra con tắc kè đỏ đuôi, nhưng lại đẻ ra một đứa trẻ,

tôi nói, và nghe thấy tiếng thở dài rất dài của mẹ tôi, bấy giờ tôi đâu biết trí tưởng tượng của một đứa trẻ thơ nghịch ngợm là tôi thì chẳng thể làm cho thế giới xảy ra theo ý muốn của mình, quả tình là tôi đã quen với cách nghĩ ngợi theo cách chẳng có chút lý lẽ nào hết, thì lũ gà của nhà tôi có lúc tôi đã nhìn thấy chúng đẻ ra những con dê con để chạy nhảy với tôi còn gì, sao lại không đẻ ra con tắc kè đỏ đuôi, mà đẻ ra một đứa trẻ vậy nhỉ, cái đêm tháng ba ấy như thể là cuộc thất bại vô cùng thảm hại trong  quảng đời tuổi thơ của  tôi,

không phải vậy đâu con ạ, mẹ của con tắc kè đỏ đuôi ở rào vườn nhà mình là buội duối trăm năm tuổi con tắc kè đỏ đuôi đang trú ngụ đó, bà nội con đã kể cho mẹ nghe, rằng, bà cố của con, vào một hôm đã nhìn thấy cái buội duối trăm năm tuổi ấy đẻ ra con tắc kè đỏ đuôi,

mẹ tôi nói, và tôi cứ ngồi ngây người trên giường như thể đang trong cơn ác mộng,

có thật vậy không mẹ,

thật, bà nội con bảo, cây duối không biết thở nên sống trăm năm nghìn năm, nhưng con tắc kẻ đỏ đuôi thì biết thở nên sẽ già chết,

bấy giờ tôi chỉ thấy buồn, và chán nản, vì con tắc kè, bạn tôi, sẽ chết, đâu biết mẹ tôi đã nói cho tôi nghe về lẽ vô thường của tạo vật, hóa ra, cả bà cố tôi, cả bà nội tôi, nếu chuyện mẹ kể là thật, và cả mẹ tôi, không giống tôi nhìn thấy con tắc kè trong quá trình sinh trưởng, mà chỉ thấy nó trong hành trình đi đến sự tàn rữa,

 

 

 

 

và khi đến tay chú Chín Bậc, cha thằng Bến, thì ông đã làm cho tôi hoàn toàn sụp đổ trong cách nhìn nhận về con tắc kè đỏ đuôi,

cháu có biết khủng long là gì không,

chú Chín Bậc hỏi, tôi đã đến nhà chú ấy giả lân la chơi với thằng Bến, con trai chú ấy, cốt là để gạ chuyện với chú ấy coi thử ông có ý kiến gì về con tắc kè đỏ đuôi, và khi nghe tôi hỏi chú  có còn nhớ con tắc kè đỏ đuôi ở vườn nhà cháu hay không thì chú ấy lập tức nhảy vô cuộc chất vấn có tính cách truy nguyên về một sự vật, tất nhiên là tôi không thể trả lời chú ấy dẫu đã nghe cha tôi nói bao nhiêu lần về loài khủng long mà không hiểu hết, bỡi những gì cha tôi đem ra nói với tôi [không biết là ông đã đọc ở đâu] là thứ kiến thức có tính cách hàn lâm, thấy tôi im, chú Chín Bậc như thể muốn trút ra hết những hiểu biết bấy lâu ông chưa có dịp thể hiện,

này, trước hết là cháu nên biết điều này, vào thời chưa có con người bọn ta, vào một hôm, một con quỉ dữ đã đẻ ra vô số trứng, chỉ mấy hôm thì nở ra hằng hà vô số lũ khủng long, chúng kéo đi từng đàn ăn hết cá dưới nước chim trên trời và ăn hết  những con vật đang sống trên mặt đất, rồi vào một hôm con quỉ bỗng thấy thèm thịt lũ con mình nên đã ăn hết lũ khủng long tàn bạo, mặt đất trở nên vắng vẻ, rồi vào một hôm, con quỉ dữ  bỗng thôi đẻ trứng, mà đẻ con, chỉ trong một hôm nó đã đẻ ra vô số những tắc kè thằn lằn rắn mối ngày nay người làng ta trông thấy, con tắc kè ở vườn nhà cháu là con cháu của quỉ, cháu đã hiểu chưa,

dạ cháu chưa hiểu ạ,

tôi thành thật trả lời chú Chín Bậc, thấy tôi bí trước câu hỏi của cha mình, lỗ mũi thằng Bến cứ phổng lên, đó là cái cách tỏ ra khoái chí của thằng đó, chú Chín Bậc vuốt vuốt râu cằm, thật ra thì chú ấy chưa có râu, đấy chỉ là thói quen mỗi khi ông trò chuyện với ai, cả làng tôi đều biết,

là con người nên chúng ta lấy làm coi khinh những con vật như thế, mà con tắc kè đỏ đuôi bấy lâu nay vẫn còn trong vườn nhà cháu sao, nó là đồ cặn bã đấy cháu,

cả làng tôi đều biết có một con tắc kè chạy lạc đến vườn nhà tôi và trú ngụ ở đó, chuyện đã cũ, và chẳng ai biết là tình bè bạn đã nảy nở giữa tôi và con vật đáng thương đó,

là cháu vẫn chưa hiểu hết ạ, con quỉ đẻ ra lũ khủng long rồi  ăn lũ khủng long rồi lại đẻ ra lũ tắc kè với thằn lằn rắn mối là sao,

tôi nói, và nghe bức bối trong nghĩ ngợi,
mày là đồ ngu,

thằng Bến đang ngồi cạnh tôi, húc cùi chỏ vào người tôi như thể để nói là nó đang coi thường tôi [như thể tôi là một thằng ngu đần] và chú Chín Bậc lại vuốt râu cằm, tới đây thì chú ấy có vẻ như cố đem hết sự hiểu biết của mình ra nói,

vào thời đó con người bọn ta chưa có, không phải chưa có, mà mới chỉ có những con vật người ta nói  chỉ nhỏ bằng một ngón tay của con người, một hôm con vật chỉ nhỏ bằng ngón tay con ngưới đã đứng lên nói, ta là tổ tiên của con người đây, tức, sau đó thì những con vật chỉ nhỏ  bằng ngón tay con người ấy đã đẻ ra tổ tiên của con người bọn ta, rồi sau đó, tổ tiên của con người bọn ta đã đứng lên nói với lũ tắc kè với thằng lằn rắn mối, rằng, chẳng bao lâu nữa thì loài giống lũ bay chẳng còn đứa nào, là đồ căn bã nên lũ bay phải chết,

lời của chú Chín Bậc chỉ là thứ pha trộn giữa những tin tức hàn lâm với những truyền khẩu dân gian không căn cứ, nhưng bấy giờ lại có sức tác động rất lớn đối với tuổi thơ tôi, tình bè bạn giữa tôi và con tắc kè đỏ đuôi  coi như sắp chấm hết, thì chẳng phải thứ lý thuyết lổn nhổn bao nhiêu thứ của chú Chín Bậc đã cho biết toàn bộ giống loài tắc kè thằn lằn rắn mối sắp tuyệt chủng đấy sao [lũ bay là đồ cặn bã nên phải chết …] từ nhà chú Chín Bậc trở về nhà mình, tôi như không còn bước nổi, tại vì sao lại chết hết vậy nhỉ, tại vì sao từ bà cố tôi bà nột nội tôi đến mẹ tôi và giờ đây là chú Chín Bậc hết thảy là đều nghĩ đến sự tàn rữa,

 

 

 

 

NHƯNG KÝ ỨC TUỔI THƠ CỨ NHƯ NGỌN LỬA,

 

vào những lúc cảm thấy như không thể tiếp tục cuộc hành trình của mình, tôi lại tìm đến ký ức tuổi thơ, những khoảnh trời sáng, và bao la, những tầng lớp của lộng lẫy, huy hoàng, tiếng kèn thúc quân của cuộc nghìn năm, lá cây, và những vì sao đêm còn nán lại, buổi sớm mai, mây trắng, tấm khăn san vẫy gọi một chuyến đi cũng vừa mới hình thành trong tâm tưởng một con chim non cũng chỉ vừa mới đủ lông cánh để tưởng tượng ra các miền trời, tuổi thơ tôi và những chuyến đi ngoạn mục, những nàng tiên núp ở bên dưới những tán lá màu xanh, còn màu đỏ là màu lông của con chim đỏ mỏ đậu ở bờ giếng phía sau nhà vào mỗi ban mai, chim và những áng mây trôi, những cái tức thì, thi ca của những cuộc nổi dậy của tuổi thơ, vào một sớm mai không còn có mây trắng tuổi thơ, kẻ đang hụt hơi trong cuộc chạy đua đi tìm cái có thể là tôi đã đọc lại những cái tức thì thấy đất trời lại rộng ra, vào một sớm mai không còn có mây trắng, tôi chăm chú bước đi giữa những ký ức tuổi thơ thấy lòng nhẹ nhỏm như thể chẳng còn có con đường cam go nào, có phải là đang có tiếng gà gáy trưa ở cuối làng không nhỉ,

 

 

 

có thứ thành phố chỉ làm bằng tiếng gà gáy trưa, hay, nếu có nhiều hơn thì cũng chỉ là những thứ thuộc về ngôi làng quê nhỏ bé của tôi, tiếng của lũ heo trong chuồng, tới bữa, mà mẹ tôi chưa kịp đổ cám thì chúng lại hét lên như thể bị ai chọc tiết, còn lũ gà con lạc mẹ, thì tiếng chiu chít của chúng bao giờ cũng buồn thảm cứ như là đang rơi vào cảnh lao đao, bỡi chúng là thuộc về thứ tuổi thơ không thể rời xa mẹ, thì bấy giờ, tôi cũng có bao giờ dám rời xa mẹ tôi đâu [mười tuổi, đêm, tôi còn nằm trong vòng tay mẹ] tôi cũng có mơ ước về một thành phố của tuổi thơ của mình, và đã tả nó ở trong đầu toàn tiếng gà heo như vậy, bỡi tôi đã bao giờ biết thành phố là gì, thì cũng  thi thoảng nghe mẹ nói đến mấy tiếng thành phố trong một câu chuyện kể nào đó, rồi một hôm nào đó lại nhớ đến mấy từ xa lạ đó,  lại muốn biết thành phố là gì, tôi cũng muốn có một thành phố của tuổi thơ tôi, nên đã thử  hỏi mẹ thành phố là sao, thì mẹ tôi cũng chẳng hơn gì tôi, tức, cũng chưa bao giờ biết thành phố là gì, mẹ tôi có kể cho tôi nghe  chuyện thành phố cũng chỉ là kể lại lời kể của bà ngoại tôi [và chắc là bà ngoại tôi cũng chưa biết thành phố là gì, bà có kể cho mẹ tôi nghe về chuyện thành phố cũng chỉ là kể lại lời của ai đó mà thôi] vậy là để tả về thành phố của tuổi thơ của mình, tức tả về thứ tôi chưa bao giờ biết nó là gì, tôi lại tả nó theo thứ vốn liếng kiến thức đã có của mình, về sau tôi lại lưu lạc đến chốn thị thành, sống giữa nơi phố thị đương đại sầm uất và đầy cạm bẩy, mỗi khi nhớ đến cái thành phố của tuổi thơ của mình, tôi cứ thấy bàng hoàng,

 

‘‘thành phố của tôi thì nhỏ và có nhiều tre, nhà nào cũng có vườn, ở trong vườn thì có cây xoài cây mít và lũ gà heo, vào buổi sáng thì những người cày ruộng từ thành phố của tôi túa ra đồng làng, đông lắm…’’

 

đại khái, bấy giờ, tôi đã tả ở trong đầu tôi thành phố của tuổi thơ của mình vậy đó, không phải là tôi muốn cho thành phố tuổi thơ của tôi trở nên ngược đời [ thành phố gì lại đầy gà heo và những người cày ruộng] nhưng quả tình bấy giờ tôi chỉ có thể tả thành phố tuổi thơ của mình theo cách ấy, tức, cứ theo chính những gì đã có trong vốn liếng kiến thức của mình,

 

 

 

 

cứ như một cuộc mai phục dai dẳng và quyết liệt, vẫn cứ nằm yên đó, tự buổi ấu thơ, như thể báu vật tạo tác tặng riêng cho con người làm bùa hộ mệnh không phải theo nghĩa định mệnh mà theo nghĩa mệnh lệnh, chẳng có xa giá cung đình vương tử với các thứ sắc chỉ chiếu chỉ, nhưng đấy lại là thứ mệnh lệnh có vẻ tuyệt đối, tôi đang nói về sự thành thật của tuổi thơ, thứ bản năng ấy [tôi gọi nó là bản năng] đã tác động đến tuổi thơ tôi vào một đêm mùa đông buồn bã mà tôi chẳng hề biết, đấy là lần  bại trận đầu tiên trong quảng đời tuổi thơ chinh chiến của tôi, bỡi tôi luôn là kẻ cầm đầu bọn trẻ trong làng lăn xả vào các cuộc thử tài cao thấp, với tôi, ngoài những buổi học ở trường làng, quảng đời tuổi thơ của tôi là một cuộc chinh chiến, hai con gà trống hiếu chiến là tôi với thằng Bến con chú Chín Bậc, nếu có thể ví von thế, đã trải qua một trận quyết đấu theo cách hai con gà trống chọi nhau, chỉ có điều là tôi với thằng Bến thõa thuận nhau, rằng, chỉ chọi một, chứ không được chọi đôi chọi ba như lũ gà trống, có nghĩa, tôi chọi thắng Bến một cái thì nghỉ để cho thằng Bến chọi lại tôi, tôi với thằng Bến là những thằng người không nhẹ nhàng chút nào như lũ gà trống, nên không thể nhảy lên mà chọi bằng chân, có nghĩa chúng tôi chỉ chọi bằng tay [tôi dùng bàn tay tôi đập lên bàn tay thằng Bến một cái, và ngược lại] vậy đó, và cuối cùng thì không phải như tôi muốn, đứa đầu tiên bỏ chạy khỏi cuộc đấu không phải là thằng Bến, mà là tôi, cái đêm mùa đông mưa rả rich ấy tôi ngậm căm tức, nằm khóc trong vòng tay của mẹ, tôi không thể không khóc vì hai mu bàn tay tôi tấy lên những vệt máu tím bầm, nghe tiếng khóc của tôi, mẹ tôi vùng khỏi giấc ngủ,

con đau ở đâu, nói cho mẹ nghe nào,

giọng mẹ tôi có vẻ lo lắng lắm, lúc đầu tôi định không nói vì đây chẳng phải chỉ có nỗi đau thể xác mà còn là nỗi đau đớn của kẻ luôn muốn đè đầu kẻ khác, vậy đấy, ban đầu tôi định không nói ra sự thật với mẹ tôi vì niềm kiêu hãnh của tuổi thơ tôi đã bị chà đạp, nhưng rồi  cứ nghe như có ai đó chửi rủa tôi: mi là đồ hèn nhát [không dám nói ra sự thật là hèn nhát ư] ,

con đã thua thằng Bến con chú Chín Bậc, mẹ ạ,

khi nghe như niềm kiêu hãnh của mình lại bị chà đạp nữa, tôi đã buột nói ra lời ấy,

nhưng là thua chuyện gì,

mẹ tôi hỏi, và cầm lấy bàn tay tôi thật chặc làm tôi đau đến chết  được,

con với thằng Bến đã chơi trò chọi gà, và con đã thua, quả tình là con không bằng thằng Bến con chú Chín Bậc mẹ ạ,

tôi bắt đầu khai ra việc tôi bày ra trò chọi gà cốt để thắng thằng Bến chơi, nhưng rốt cuộc thì tôi đã  bị thất bại thảm hại, tôi cứ nói đi nói lại với mẹ tôi, rằng, con đã không bằng nó nhiều thứ lắm mẹ ạ, tôi cứ thật lòng nói ra việc tôi đã nhận ra là tôi  đã không bằng thằng Bến trong nhiều lĩnh vực, tôi nói với mẹ tôi nhiều lắm, rằng, con đã không tốt, cứ muốn cầm đầu  lũ cùng lứa trong làng mẹ ạ, tôi nói, và nghe như thể những vết thương trên hai mu bàn tay tôi không còn nhức nhối, tôi nói, và như thể chẳng còn thấy căm tức trong lòng,

rồi sẽ hết đau thôi con ạ,

mẹ tôi chỉ nói vậy, rồi thắp đèn lên để thấy đường băng bó vết thương cho tôi, bà cũng chỉ nói bấy nhiêu, chẳng bình luận gì về chuyện tôi thua cuộc, tôi cứ nằm im cho mẹ băng bó hai mu bàn tay đầy vết bầm,  và cảm thấy êm ái làm sao, ở bên ngoài trời lại đổ mưa lớn, như thể trời đất biết tôi hối lỗi, đã tặng cho tôi thứ tiếng mưa nặng hạt trên mái nhà nghe thật êm tai, nói tóm, là tôi đã hoàn toàn cảm thấy bình yên, sự thành thật của tuổi thơ cứ như một thứ mệnh lệnh khiến cho con người ta trở về với lương tri của mình [thứ bản năng như thể có nó con người ta  mới có sự tự phản] tôi vẫn nằm dài trên đất theo cách ngửa mặt nhìn trời và quan sát cuộc đi lại của đồng loại mình, sự  dối trá  là còn nhiều lắm, là còn quá nhiều sự dối trá trong quan hệ giữa con người với con người trong thời đương đại, thời như thể con người ta đã đánh mất tuổi thơ của mình,

 

 

 

 

tôi nhớ vậy, chim thắc đã đánh thức mình, và tôi  thức dậy, nằm chờ, đêm tháng chín dài như nỗi nhớ nhung của con chim trời trên núi Rây, rõ ràng là tôi đang nằm mơ thấy mình đang lên núi Rây, hoa muồng tháng chín đỏ rực núi, tôi mơ thấy tôi đang hái hoa muồng thì tiếng chim thắc trên núi Rây làm tôi thức giấc, thấy trong tay chẳng có vật chi, tôi buồn bã nằm im, nghĩ ngợi, và cố hình dung  lại tiếng chim  tôi vừa nghe thấy: vang xa, và có vẻ thắc thỏm [ có thể đó là thứ cảm quan có vẻ chủ quan của tuổi thơ tôi] …ắt là…ắt là…thứ âm thanh quen thuộc,  nhưng hiếm hoi, chim thắc là loài chim kêu đêm, thường là  kêu vào lúc giữa khuya, và hiếm khi kêu đến lần thứ hai trong một đêm, hay nói chính xác là người ta vẫn chờ nghe chim kêu lần thứ hai trong đêm, và chưa bao giờ nghe thấy, đêm ấy tôi cứ nắm chặt hai bàn tay trống trơn của mình lại, và nằm chờ, truyền thuyết như thể câu chuyện tình được cô đọng lại thành những tiếng nấc, truyền thuyết nói rằng tiếng kêu của chim là tiếng nấc của một người con gái chờ đợi người tình của mình không được đã chết hóa thành chim, nhưng làm sao biết đó là người con gái, tôi đã theo tra hỏi mẹ, và mẹ tôi vẫn không trả lời được vì đấy là truyền thuyết, vẫn là những câu chuyện giống nhau, người chết, và hóa thành chim, nhưng ở núi Rây, con chim thắc chỉ kêu một lần trong đêm, các thế hệ người làng tôi, đêm vẫn chờ nghe chim thắc kêu lần thứ hai, nhưng chưa bao giờ nghe thấy, cứ vậy, đêm, người ta vẫn mong chim thắc đánh thức mình để được nằm chờ, đêm ấy, chim thắc đã đánh thức tôi khỏi giấc mơ, tôi thức giấc, rồi cũng như các thế hệ người làng mình, tôi vẫn nằm chờ con chim ấy kêu lần thứ hai, rồi sáng hôm sau có người lên núi Rây thấy có xác chim lại tri  hô  là xác chim thắc, dù bấy lâu người ta vẫn sống trong truyền thuyết, rằng, chim thắc trên núi Rây là con chim thần, và đã bằng lòng với nhau rằng con chim chỉ kêu một lần trong đêm là chim thắc, nhưng sự thật thì cũng chưa ai nhìn thấy con chim ấy bao giờ, lần này thì chết thật rồi, người ta lại nói với nhau về chim thắc, vì thật lâu sau đó chẳng còn nghe thấy tiếng con chim ấy trên núi Rây,  mẹ tôi  bảo người tình của chim đã đến đem chim đi, như thế văn hiến của một vùng đất, con chim thắc của truyền thuyết không còn, nhưng đêm đến, người làng tôi vẫn thức giấc nằm chờ nghe thứ tiếng kêu bí ẩn đó, tôi vẫn nằm dài trên đất trong cách thức ngửa mặt nhìn trời và chờ đợi một ngày mai tốt đẹp hơn, hay con người là con vật luôn chờ đợi một ngày hôm sau tốt đẹp hơn ngày hôm nay, chẳng lẽ là tôi đã nằm chờ một ngày mai suốt từ cái đêm tháng chín dai dẳng con chim thắc trong truyền thuyết đã đánh thức tôi ra khỏi giấc mơ,

 

 

 

‘‘vào đêm trước của đêm nổi dậy, người đàn ông cao to đi ngựa vào đất Mộc, ném một tên Chệch xuống đất, ta đã tóm được nó ở một đồn lính canh trên con đường vào huyện này đấy, kỵ sĩ nói, rồi quất ngựa ra đi, kỵ sĩ đã ra khỏi đất Mộc, nhưng  uy danh bấy lâu của ông cứ như ngọn lửa làm bùng lên  trong lòng người đất Mộc nỗi căm hận vẫn âm ỉ cháy kể từ hôm người Chệch xua quân xâm chiếm đất Mộc, chỉ vào đêm sau đó thì người đất Mộc  nổi dậy’’

 

đấy là truyền thuyết về ông Bảy Qui ở làng tôi người nào cũng thuộc,  người kỵ sĩ là ông Bảy Qui, người có thể nhảy một cái qua khỏi mấy làng xã và có sức mạnh giết cùng lúc mấy con cọp, mẹ tôi đã kể cho tôi nghe truyền thuyết ông Bảy Qui vào một đêm tháng ba, mùa động tố, khi bắt đầu câu chuyện thì trời đổ mưa, ông Bảy Qui, tức người kỵ sĩ, đã quay lại đất Mộc để cùng người đất Mộc làm cuộc khởi binh, hãy giết nó đi, người đất Mộc hô vang, và đúng vào lúc mẹ tôi kể đến đoạn ông Bảy Qui giết chết  viên quan huyện người Chệch thì giông sấm nổi lên đầy trời, sáng hôm sau người làng tôi phát hiện thấy sét đánh gãy đọt cây sung cổ thụ chỗ đồng làng tương truyền là nơi trú ngụ của một con quỉ có nghìn năm  tuổi, trí tưởng tượng của tôi lập tức sáng chế ra một truyền thuyết khác:

 

‘‘ ông Bảy Qui  có thể nhảy một cái qua khỏi mấy làng xã đã đi ngựa từ đất Mộc đến làng này hóa làm sấm sét đánh chết con quỉ  đang trú ngụ nơi cây sung cổ thụ chỗ đồng làng’’

 

đại khái là tôi đã bịa ra một chuyện động trời như thế và đem kể cho mẹ tôi nghe,

ai đã nói với con thế,

mẹ tôi hỏi,

là con đã nghĩ ra đó,

tôi đáp, và mẹ tôi đã khen tôi là đứa  sáng trí, nhưng khi đến tai thằng Bến con chú Chín Bậc nó chê là dở,

cứ để cho ông Bảy Qui đánh tay đôi với con quỉ cần gì  phải hóa làm sấm sét,

thằng Bến nói, tôi phục nó đến sát đất, và cũng từ đó trò đánh quỉ của ông Bảy Qui như thể là trò chơi đình đám nhất của bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ, cũng đơn giản thôi, cứ bốc thăm để có hai phe như nhiều trò chơi khác,  phe ông Bảy Qui và phe của quỉ, và cũng đơn giản thôi, cứ từng đôi một mà đánh nhau, có lần bốc thăm tôi đánh nhau với thằng Bến con chú Chín Bậc, tôi làm ông Bảy Qui, còn thằng Bến làm quỉ, thằng Bến to xác và có sức mạnh hơn tôi ai cũng biết, nó đánh tôi sưng hết cả mặt mày, nhưng tôi là ông Bảy Qui thì chết chứ không bao giờ đầu hàng quỉ, về sau, khi đã có vốn liếng kiến thức, tôi mới vỡ ra, hóa ra vẫn có một thứ bất khuất của tuổi thơ, hay nói cách khác, ngay tự buổi ấu thơ, nơi con người ta đã sẵn có thứ sức mạnh bất khuất,

 

 

 

 

thế giới vẫn như thể một sự nồng nàn lưu giữ mãi trong cuộc đời một người, mất mát, tiêu vong, những sự thể trong cuộc chuyển động trần thế, nhưng có một thứ ngoại lệ như thể tặng vật dành riêng cho kẻ cứ tưởng cuối cùng thì hết thảy những vẻ đẹp của cuộc sống đều mất hết, là tôi, cái vẻ đẹp ngoại lệ đó lại là thứ vật thể thứ phẩm, không thể tưởng tượng nổi lại có một sự kết hợp có vẻ như khiên cưỡng và bất ngờ nơi tuổi thơ tôi, ruộng là thứ thuộc về máu thịt tôi: tôi sinh ra ở trên ruộng, và ăn ngủ đi đứng ở trên ruộng, nhưng bấy giờ, với tôi, biển là khoảnh trời xa thăm thẳm, nghe người lớn nói về biển, và tôi cũng mường tượng được biển là làm bằng nước, con người và nước, tức, có khác với đồng ruộng quê tôi, đồng ruộng quê tôi thì có con người, với lũ bò, và đất, bấy giờ tôi vẫn hiểu biển vốn làm bằng nước, người lớn nói với tôi rằng chỗ có biển là giã, biển/giã, người bán cá [buôn nò] chạy suốt đêm, xuống giã mua cá mang về bán ở chợ quê, vậy phải nói biển là gòm con người, với nước, và cá, ai về dưới giã hồi hôm/gánh phân đổ ruộng gió nồm bay lên, câu hát ru mẹ hát cho tôi nghe thuở tôi còn nằm nôi, nhưng đấy lại là chuyện khác với chuyện người buôn nò ở quê tôi chạy suốt đêm, từ ruộng xuống giã, mua cá xong phải quay về ruộng ngay để kịp bán chợ quê vào sáng hôm sau, một cuộc nối kết như thể là cuộc văn hiến thiêng liêng và lãng mạn [lãng mạn vì có những con người chạy suốt đêm trong nhiều năm tháng, nếu không muốn nói là trong nhiều thế kỷ] chuyện gió nồm thổi về quê tôi lại là chuyện khác nữa, ở quê tôi thì tháng giêng là mùa nồm thổi, vậy là ở dưới giã phải gòm có con người,  nước,  cá, và  đất, phải có đất để cho ai đó gánh phân đổ ruộng, gió nồm bay lên, tôi chưa biết biển là gì, nhưng vẫn cứ nghe được mùi biển, ở quê tôi tháng giêng là mùa cày ải [cày vỡ] cày ải và những con nồm thổi lại từ biển, ruộng với biển quyện lại trong mùi gió, không phài mùi gió, mà là mùi tháng giêng, tôi nói vậy, tôi theo cha tôi ra đồng làng, cha tôi với lũ bò làm công việc cày ải, tôi thì ngồi ở bờ ruộng ngóng trời đất thử có gì vui không, buổi sớm mai ngồi nơi bờ ruộng, thấy đất ải lấp loáng dưới nắng mặt trời, và nghe mùi biển trong những cơn nồm đang thổi lại từ phía biển xa , bấy giờ, thì mùi tháng giêng, cuộc kết hợp có vẻ như khiên cưỡng và bất ngờ giữa ruộng và biển ấy như thể là thứ huyền thoại của tuổi thơ tôi, bỡi, cho tới tận giờ, thứ ký ức ấy, cái mùi tháng giêng ấy, vẫn cứ làm cho tôi rơi vào cảm thức rằng thế giới như thể một sự nồng nàn lưu giữ mãi trong cuộc đời tôi,

 

 

 

 

điều kỳ lạ [hay kỳ diệu nhỉ] là thế giới trải qua bao nhiêu sự cố biến cố như thế [hạn hán, giông tố, bão lũ, thế chiến một, thế chiến hai…] nhưng cái bờ rào cây xanh chỗ ngõ nhà tôi vẫn cứ còn nguyên cho đến khi tôi được sinh ra và lớn lên thành đứa trẻ để sáng sáng trèo lên đó nhìn trời đất, ra ngõ, và trèo lên bờ rào ngõ, đó là niềm vui của tuổi thơ tôi, trèo lên bờ rào ngõ là để nhìn thấy những thứ mà tôi cho là khi đứng ở dưới đất thì không nhìn thấy, tôi trèo lên đó, còn đứng nhón gót ở trên đó để tôi được cao hơn, để nhìn thấy thế giới được nhiều hơn, bấy giờ, bờ rào ngõ nhà tôi là cái vũ trụ luận của tuổi thơ tôi,  ra ngõ để chờ mẹ đi chơ về lại là chuyện khác, cái thú vui, là sáng thức dậy thì liền chạy ra ngõ, trèo lên cái bờ rào như một thứ bờ thành không phải làm bằng gạch đá, mà bằng loài cây trời, cây duối, những cành nhánh của chúng cứ khẳng khiu vươn ra, cành mẹ nứt ra cành con, rồi cành con nứt ra cành con khác, cứ thế, cái cách sinh sản của loài cây duối như vô tận, chính là cái đời sống bền dai như thế nên bờ rào duối chỗ ngõ nhà tôi đã trụ được bao nhiêu năm tháng, theo lời cha tôi, bờ rào ấy có tự đời ông cố tôi, hay là xa hơn nữa, nhưng đấy lại là chuyện khác , chuyện tôi muốn nói là  tôi đã trèo lên cái bờ rào ngõ ấy, trèo lên cái vũ trụ luận ấy, nhưng không phải chỉ có tôi gắn bó với cái vũ trụ luận ấy, các thứ chim chóc cũng đậu lên đó, lũ gà mái của nhà tôi cũng đưa đàn con của chúng vào trú nắng ở đó, thậm chí, vào các buổi chiều, thừa lúc người nhà tôi chẳng ai ra ngõ, lũ diều và lũ quạ đã đến nấp ở cái bờ rào ngõ đó để rình rập lũ gà con trong vườn nhà tôi, chiều chiều quạ nói với diều/vườn kia cây rậm có nhiều gà con, nhưng đấy cũng lại là chuyện khác nữa, chuyện của lũ chim săn mồi, tôi trèo lên cái vũ trụ luận ấy, mới đầu là ngồi xếp bằng lên đó [cha tôi luôn cắt tỉa cành nhánh của nó nên cái bờ rào duối ấy luôn như một bờ thành bằng phẳng] lũ cò trắng túa ra đi tìm mồi buổi sáng trên cánh đồng làng ở trước nhà, lũ sơn ca [én liệng] thì lượn lờ trên bầu trời xanh trên đầu tôi, đấy là thứ thế giới quá quen thuộc với tôi, trèo lên cái vũ trụ luận ấy tôi còn mong được nhìn thấy những gì khác nữa kia, bèn đứng nhón gót lên… cái phía trước xa lập tức trở thành miền kỳ ảo, lúc, như nhìn thấy những bà tiên trong câu chuyện kể của mẹ tôi đang cài cúc áo cho con, tiên cũng đẻ được con hay sao, tôi phải tự hỏi tôi thế, bỡi sức tưởng tượng của tôi đã vượt quá miền đất trong chuyện kể của mẹ tôi, rồi cái đám chim trời có tiếng kêu như tiếng gió tạt vào những chiếc kèo tre rổng đầu nơi mái nhà tôi đã đánh lạc hướng tôi, có nghĩa, trí tưởng tượng của tôi lại bắt đầu nương theo những cánh chim mỗi lúc một mất hút vào khoảnh trời phía trước, tôi đã lạc vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, những tòa lâu đài  còn cổ kính hơn những lâu đài trong các câu chuyện kể của mẹ tôi, chúng đang mở ra cho tôi những khoảnh đời mãnh liệt mà an vui, bấy giờ, tôi biết, trèo lên cái vũ trụ luận ấy là có thể nhìn thấy một  thế giới siêu hạng, ở đó, có thể là các vị thần tiên, các bậc tiền nhân khai sáng giang sơn đất nước, các vị anh hùng cứu quốc, ai đem khúc hồ cầm dán lên khung trời màu đá đỏ, nói  tóm, có thể tóm tắt vẻ đẹp của thế giới mới lạ ấy bằng một lời như thế, đẹp, và đầy ắp triết học của đám bông hoa phối ngẫu, với tuổi thơ tôi, bấy giờ, ra ngõ là nhìn ra thế giới, tự buổi ấu thơ ấy, tôi đã biết trèo lên bờ rào trước ngõ để nhìn thấy thế giới cho rõ hơn,

 

 

 

rồi làng như thể đang dấy lên một cuộc đánh đuổi,
hãy giết chúng đi,
thế đó,
nhưng không phải đâu, chỉ là một trò chơi có phần táo bạo của đám trẻ chúng tôi, trò chơi người ngựa khi đã qua sự  cải biên của  tôi [xin nhắc, thuở ấy, tôi là thằng đầu têu  sáng chế ra bao nhiêu thứ trò nghịch ngợm] trò chơi người ngựa theo cách cũ thì đứa nào cũng muốn làm người để được ngồi trên lưng ngựa, nhưng đã qua cải biên của tôi thì mọi thứ  đảo lộn hết, vào cái đêm đáng nhớ ấy, thật ra mẹ tôi đâu có rành chi sử sách, chỉ là vô tình  mẹ đem ra kể cho tôi nghe câu chuyện ấy, Đánh Chệch, chắc là một bài tập viết hồi mẹ còn ngồi trên ghế học trò  ở cái lớp gõ đầu trẻ của ông ngoại tôi, chuyện dân ta đánh Chẹch ấy mà, nghe chuyện, tôi cứ có cảm tưởng như thể mình mới từ trên lưng con ngựa chiến nhảy xuống, những con ngựa chiến của một thời, hình ảnh con ngựa chiến lập tức ám vào niềm thích thú của tôi, và ngay trong đêm tôi đã nghĩ ra được cái cách làm thay đổi trò chơi người ngựa nhàm chán bấy lâu của đám trẻ chúng tôi, lần này thì tôi đã để cho đám Chệch  ngồi lên lưng những con ngựa chiến [chúng cướp được của ta, tôi cứ giả dụ vậy] chuyện đất nước non sông  làm dậy sóng tuổi thơ, không phải đâu,  mười tuổi đầu thì biết chi chuyện yêu nước, cũng chỉ là  muốn làm cho trò người ngựa trở nên mới mẻ, rồi lũ cùng lứa trong làng đã công kênh tôi, chúng  gọi tôi là anh hùng, mày là một thằng anh hùng, lũ chúng vừa khiêng tôi vừa tru lên như thể đang cổ vũ cho thói hư tật xấu của tôi là luôn muốn đè đầu cỡi cổ kẻ khác, đêm, chúng tôi chơi trò người ngựa, đến lúc này thì đứa nào cũng muốn làm ngựa, bỡi theo cải biên của tôi thì cuối cùng đám Chệch  trên lưng ngựa phải chạy trối chết trước sự tấn công của bầy ngựa chiến [về sau, mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi cứ thấy khoái chí trong lòng đến cả  mấy hôm liền, ôi, một thuở đánh Chệch]  tất nhiên là phải bốc thăm [như cách cũ] để có một phe làm người một phe làm ngựa, và cứ theo những gì chúng tôi thõa thuận với nhau là khi lũ giặc phóng ngựa vào tới giữa làng thì đám ngựa chiến vùng lên, cuộc đánh đuổi bắt đầu từ đó, rồi đêm nào chúng tôi cũng chơi trò người ngựa, một đêm, thằng Bến con chú Chín Bậc bốc thăm trúng vai làm người, tức làm giặc, bị bọn tôi rượt đánh  sưng cả mặt mày, chú Chín Bậc tức, chửi con trai: mày là đồ ngu, ai bảo làm người, thật ra thì thằng Bến có muốn thế đâu, đứa nào cũng phải bốc thăm chứ riêng gì thằng Bến, nghe chuyện, cha tôi nói với tôi những lời bấy giờ tôi nghe mà chẳng hiểu: có lúc làm người thì bị coi là ngu, con ạ, ở làng tôi, xưa giờ, trò chơi người ngựa chỉ được chơi vào ban ngày, nhưng đến lúc ấy, bọn tôi đã chơi vào ban đêm, cũng là sáng kiến của thằng Bến con chú Chín Bậc đấy thôi,

trò người ngựa mà chơi vào  ban ngày thì mấy đứa làm ngựa có nước chết nằng thôi,
nhưng xưa giờ chẳng phải vẫn chơi vào lúc ban ngày đấy sao,

có nhiều đứa trong bọn tôi không thích chơi trò người ngựa vào ban đêm, nhưng chính là thằng Lắm con bác Bốn Cày, cái thằng cả ngày như không có tiếng nói lại giác ngộ được cả đám trẻ chúng tôi,

thằng Bến nó nói phải đó, chỉ có ngu mới không sợ nắng,

hãy giết chúng nó đi

thế đó

đêm, đám trẻ chúng tôi chơi trò người ngựa tấn công bọn giặc Chệch làm vang động cả xóm làng, không phải ngày không đủ chơi phải đốt đuốc chơi đêm, thật ra  bọn tôi đâu có đốt đuốc mà vẫn chơi suốt đêm, bỡi con mắt tuổi thơ là con mắt của đêm,

 

 

 

 

nhưng hoàng hôn [chiều xuống] lại là những khoảnh khắc hùng tráng trong quảng đời tuổi thơ của tôi, những tia nắng cuối ngày, với tôi, là những khúc ca, các thiên thần trong các câu chuyện cổ tích hát, hay mặt trời hát, tôi không biết, chỉ biết là nghe trống tan trường, tôi từ lớp học bước ra, những tia nắng cuối ngày chiếu vào nỗi niềm, cứ gọi đó là nỗi niềm, mẹ đang chờ tôi, cứ nghĩ tới đó thì một cõi giang sơn gấm vóc hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi, tôi sắp được gặp lại mẹ tôi sau một ngày xa cách, vào lúc sáng sớm, tôi cắp sách vở bước ra sân, ở ngoài ngõ lũ bạn đang chờ, nước mắt tôi không thể không chảy ra khi mẹ cầm tay tôi dặn trưa nhớ phải ăn hết cơm vỡ, đó là lúc học nguyên ngày, trưa, ăn cơm vỡ lại không cầm được nước mắt, mười một tuổi đi học còn thấy nhớ mẹ, một ngày xa mẹ cứ thấy như nghìn năm, tôi cũng không hiểu vì sao lại như vậy, nghe trống tan trường, vừa bước ra sân đã thấy trong tâm tưởng hình ảnh mẹ đang chờ tôi, chiều xuống, từ trường trở về nhà là thứ khoảnh khắc thần tiên, cũng vậy, nếu đó là ngày không có giờ học ở trường, chiều xuống, tôi ra đồng làng, những tia nắng cuối ngày như cứ làm cho bờ cỏ sáng lên màu vàng lụa, không biết là sợ, hay vui, lũ cào cào châu chấu cứ túa lên, nhảy nhót, đồng làng với tôi lúc ấy là tuyệt nhiên thân thiết, tuyệt nhiên thơ mộng, bỡi, như thể lúc bấy giờ lũ cào cào châu chấu như thể không còn trốn tránh tôi, như thể chúng biết đám chim non tôi đang nuôi ở nhà là đang chờ đợi chúng, cào cào châu chấu là thức ăn duy nhất của đám cu ra ràng tôi đã cướp từ mẹ chúng vào hôm tôi thả bò ăn ngày ở núi Lũng, không phải rình rập bắt từng con như những lúc khác, hoàng hôn [chiều xuống] như thể là thứ khoảnh khắc để cho những con vật này dâng hiến đời mình cho những con vật khác, thứ điệu khúc truyệt mật của tự nhiên, về sau, tôi thường hay nghĩ vậy, còn lúc bấy giờ,  tôi chỉ thò tay vào bờ cỏ để tóm lấy lũ cào cào châu chấu như thể là  đang chờ  tôi vậy, cứ hát lên đi, cứ như thể có ai đó thúc tôi, hoàng, hôn [chiều xuống] từ núi Lũng lùa bò trở về nhà, tôi ngồi vắt vẻo trên lưng con bò đực của nhà tôi…’’ ta đi, chiều, biền biệt núi’’, có thể tả như thế cái cảnh tôi ngồi trên lưng bò và núi Lũng mỗi lúc một xa dần ở phía sau lưng, những tia nắng cuối ngày le lói có chàng trai trẻ ngồi trên lưng bò, giữa cả phía trước mặt, cả phía sau lưng, là đàn bò dài dằng dặc [là tôi đang nói đến toàn thể đám bò làng tôi thả ăn núi Lũng, chiều kéo nhau trở về làng] trên lưng con bò đực, như  chiến tướng trên lưng ngựa, đoàn quân đang đi [là tôi đang nói về đàn bò đang đi] và tôi thì nghêu ngao hát…ta đi, chiều, biền biệt núi [tôi ví dụ vậy], hoàng hôn [chiều xuống] ở quê tôi như thể thứ khoảnh khắc ngoại lệ trong quảng đời tuổi thơ của tôi

 

 

 

rồi cái đám con gái ngực mơn mởn dậy thì bắt đầu lung lạc đám con trai bọn tôi như thể một thứ huyền thoại tuổi thơ, bắt đầu thấy như là đã biết, nhưng thật ra là chưa biết gì cả, phải nói thế nào nhỉ, tôi không phải là nhà tâm sinh học, chỉ là, bỗng thấy hứng thú về những kỷ niệm tuổi thơ như thể tiếng kêu thảng thốt còn sót lại tự những ngày có vẻ thơ ngây một cách bình yên, thật ra, là đã bắt đầu hết bình yên, tôi nói là bắt đầu hết bình yên, bỡi, sự hồn nhiên bấy lâu ngự trị tuổi thơ giờ đã bị nhiễu như thể bỗng đâu hòn sỏi rơi xuống mặt nước hồ yên tĩnh, nhiễu, hay là sự giao động, tuy còn là thô sơ, nhưng quả đó là sự giao động, sự giao động trên thứ nền tảng vẫn còn là thuộc về cuộc hồn nhiên, thứ không gian tuổi thơ trinh bạch và nhuần nhuyễn âm vang như thể một tiếng thở nhẹ của con sơn ca sau một lần hót, chim, và tuổi thơ, những phản ứng đầu tiên khi có sự va chạm giữa lũ con trai và lũ con gái chúng tôi là những tín hiệu thuộc loài giống con người, nó là những cảm xúc rặt nhân loại [ những phạm trù mừng, vui, e thẹn, hổ thẹn…] một lời trách móc kín đáo buột ra ở miệng một đứa con gái, hay hơi thô bạo hơn, là cách nói vòng vo tam quốc, vòng vo, nhưng là cốt để ám chỉ một người buột ra nơi miệng một đứa con trai, quả tình đấy là những tín hiệu về thứ cảm xúc thầm lặng, thầm kín, chúng là những biến thể của ngôn ngữ tình yêu, nhưng sự giao động nơi tuổi thơ mang sắc thái tình yêu ấy lại là niềm bi thảm của con người, có thể nói vậy, nó sẽ ngụm tắt ngay sau đó, bỡi ở đó là chưa đủ các yếu tố để vươn đến miền sầm uất của tình yêu, bỡi tuổi thơ là thứ đơn giản tuyệt vời hơn cả sắc tinh mơ của buổi bình minh, thường thì cứ sáng lên, và ít chịu dừng lại ở chốn u uẩn, tuổi thơ là phía khác của u uẩn, nhưng những giao động khi có va chạm giữa lũ con trai và con gái có vẻ dễ vỡ ấy lại là thứ vật thể như thể là tiền thân của những cuộc tình hoành tráng, bấy giờ, nó ở đó không phải có nhiệm vụ tiến thẳng đến cuộc tình hoành tráng, mà chi là cuộc đánh động của một xúc cảm  rộng lớn, tuổi thơ đang ngừng lại ở một thứ tình yêu bàng bạc như thể là đang yêu hết thảy những gì hiện hữu trên mảnh đất mình sinh ra và trưởng thành ở trên đó, thứ tình cảm pha tạp ấy về sau là nền tảng của thứ tình yêu kỳ dị không bao giờ phai mờ là không bao giờ chịu rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, tình yêu ấy là thứ triết học thôn dã,

 

 

 

VÀ BÂY GIỜ THÌ TRONG NHỮNG BÀI CA CỦA ĐẤT,

 

 

trong những năm tháng lầm than của đất, con người như bỗng ngộ ra, rằng, những lời kêu cứu chân thành nhất đã được thốt lên tự buổi còn trôi giạt, cuộc chuyển dịch mù lòa bão táp tự buổi đầu như  muốn nhận chìm hết thảy, nhưng con người, con vật may mắn nhất trong những con vật có mặt nơi mặt đất, đã bước ra khỏi cuộc thiết kế tàn nhẫn đầy những dự báo chết chóc như có tính định mệnh, vào những lúc nghĩ ra được điều này tôi cứ thấy mình hạnh phúc như thể những cơn mưa rắc hột, hạnh phúc đến với những cơn mưa không phải là lúc nước mưa ồ ạt đổ xuống mà là lúc mưa nhẩn nha ban tặng cho mặt đất những sợi mưa dài, cứ hừng lên trong tôi niềm háo hức, rằng, con người đã ngộ ra sau những năm tháng đất đai như sắp bị hủy diệt dưới sự thống trị của ngu muội, những tri thức mông muội vẫn còn sót lại sau buổi cả đất đai lẫn con người còn mờ mịt trong cuộc hành trình tìm kiếm nơi trú ngụ, nơi ký ức bầy đàn không thể không có hình ảnh những chiều tắt nắng có người ngồi lên đất đai nhìn trời trong niềm hoang mang, hay tư lự, vẫn không biết, hay chưa biết, một ngày nào đất sẽ là chốn nương thân đẹp đẽ và bền lâu nhất trong những chốn nương thân, nhớ lại, và hãy cứ thở dài một tiếng cho những ngộ nhận bấy lâu về đất đai không còn chỗ đứng trong nhận thức của mình, dẫu sao thì đất đai cũng đã tặng cho chúng ta những niềm vui như niềm vui của cơn mưa rắc hột,

 

 

tuổi thơ tôi như những bài ca đẹp và lớn rộng  hơn cả bầu trời trên đầu, nhưng tự nó lại sản sinh bao nhiêu là tra hỏi, những tra hỏi luôn mang trong nó  yếu tố hồn nhiên, trong sáng, cứ thắc thỏm  muốn hiểu biết mọi thứ ở chung quanh, tôi đi tra hỏi tôi, tôi đi tra hỏi người khác, và rồi, cuối cùng là những khắc khoải, những hoài nghi, luyến tiếc, tôi cứ mãi  nghĩ về cái thế giới đầy mộng mị ấy,

 

 

 

đất hát tự buổi nguyên sơ, những bài ca ngắc ngứ cất lên giữa nước, khí, lửa, và những mưu toan của hoàn vũ, ai nhìn thấy một chiều tắt nắng trôi trên biển cũ một cuộc phù trầm, trôi, và chờ, và lạnh thấu xương, thật ra, đấy cũng chỉ là cách nói của người đời sau, những kẻ lận đận, người đời sau ngồi nơi đất nước quê hương mình mà nói về buổi chưa có đất nước quê hương nào cả, mà mới chỉ là những ứng viên lận đận cho cuộc trôi mờ mịt, một chút biển cũ, một chút đất cũ, trôi, và chờ, và chỉ có vậy, nhưng người đời sau đã khiến cho tất cả những thứ ấy trở thành bão bùng trinh tiết, thì hết thảy đều là trinh tiết còn gì, đấy là biển nguyên sơ Panthalassa, đấy là đất nguyên sơ Pangea, chỉ là đất, chỉ là biển, và  tiết trinh, và lãng tử…’’ ai đã nhìn thấy vào một ngày, cuộc hải hồ của đất và nước’’... chẳng có ai, nhưng rồi về sau là những cuộc tình lồng lộng khí phách giang hồ, nàng là phương bắc Loxia, và nàng là phương nam Gonvana…những phương bắc, những phương nam, trôi, và không ngoảnh lại nhìn, khi nói về thế giới là nói về những cuộc trôi tiền sử vĩ đại, cũng như khi người đời sau nói về người tình chưa có của mình, thì cũng chỉ là cách nói cho bớt đi niềm cô độc trong cuộc thiết kế phần bên kia của cái chưa là, bỡi, buổi ban đầu, hết thảy đều là những ứng viên chẳng có gì là chắc chắn trong cuộc thử thách của nước, khí, và lửa, hết thảy là cho sự thể về sau cứ nói bừa là hiện hữu…’’em ở giữa mù sương tháng tám hoa bưởi thơm mùi gió’’…ngôn ngữ con người đã bắt đầu ba hoa về hiện hữu, suốt dọc dài cuộc gắng sức cho sự thể gọi là hiện hữu, ngôn ngữ con người đã trở nên sáng lạn, những kinh văn sáng lạn…xin cúi đầu trước những con người đã làm cho ngôn ngữ con người trở nên vĩ đại, những con người đã cho thế giới nhìn thấy những mưu toan của hoàn vũ, và  những con đường đi về phía có nhiều tiếng hát, đó là cuộc trò chuyện bất tận với đất, nước, lửa, và khí, và bây giờ thì có thể nói là đã nhìn thấy ‘‘một chiều tắt nắng nàng đứng chờ ta ở chỗ nẻo khuất trần gian.’’…nàng ở đây là toàn thể vẻ đẹp trần gian, toàn thể những nét kỳ hồ hiện hữu, nàng chờ ta ngay ở nơi nẻo khuất, gió mưa cứ làm gầy đi những phác thảo thơm mùi cát bụi, những phác thảo về những điều có thể, rồi, đất vẫn cứ hát đi hát lại mãi những khúc bi ca, xin nhớ là chỉ có bi ca, chẳng có gì ngoài bi ca hết, nhưng con người khi đã có đất đai để trú ngụ thì lại quên thuở một hòn đất nhỏ để cầm tay cho vui cũng không có, khi đã có đất đai để ở thì lại đem tiếng nói của mình ra vu khống đồng loại mình là kẻ thù,

 

giã
tháng 1.2020
tháng 4.2020