lâm thượng địa chí [những tin tức về một ngôi làng]-nhan sắc thời gian

 

những ám ảnh về những chuyến ngang qua niềm âu yếm          

 

Việc chúa Nam Hà có đến đất Rừng Trên hay không chẳng còn quan trọng, bỡi cuối cùng đã hình thành một câu chuyện đẹp, hơi ký bí, và có sức lan tỏa đến tận những tâm hồn khô cạn.

 

Nghe có bước chân khách đường xa, đất Rừng Trên thức dậy, bấy giờ không phải chỉ toàn là rừng, cây đằng trên núi Mun đã về đứng trước ngõ nhà ai, con chim khắc trên núi Mun đã học được giọng nói con người, khách lạ dừng chân dưới bóng đằng, nhìn ngó hơi ngần ngại, dường có cả thảy ba người, bắt đầu có tiếng chó sủa, tiếng chào hỏi của chim khắc, bắt đầu có sự giao thiệp giữa cư thôn heo hút với kẻ bên ngoài, không ngờ sự giao thiệp có vẻ chẳng có gì để nói lại để lại cho giấy bút những dấu ấn sâu thẳm của chữ nghĩa.

 

Em, của đất phương nam, con chim khắc của đất phương nam, bước đi mỗi bước thấy hoa đằng nở, bước đi mỗi bước thấy được vết khắc trên lá, có ai đến đây những năm tháng trước đánh dấu trên lá rừng, tín hiệu của chờ đợi, ai, tự hôm mới đến ta đã thử  đi hỏi con suối Ràn, em đang giặt áo trên suối Ràn, hoa đằng đang trôi trên con nước chảy, những đám mây đang trôi trên con nước chảy, những xác lá đang trôi trên con nước chảy, nhưng hết thảy những thứ đang trôi ấy đều trở nên thứ yếu, một cuộc tình đã diễn ra trên mặt đất.

 

Người kể chuyện đã nghe được những nỗi niềm của  người khách mặc áo gấm cũ.

 

Hóa ra những vị khách đường xa là người cùng một nhà, từ phương bắc đến, người chủ mặc áo gấm cũ phong nhã như một bậc thượng lưu, hai kẻ tùy tùng lưu loát như những tùy viên của một sứ quán, lập tức người Rừng Trên xem những khách lạ như những sứ giả của trời, bọn họ đi nói với người Rừng Trên rằng đồng Hóc phải có lúa cấy, chỗ trũng làm lúa cấy, chỗ cao trông cây bông vải, bọn họ đi nói với người Rừng Trên rằng làng phải biết trồng cây bông vải để tự  dệt vải mặc, đàn ông con trai đi đắp đập giữ nước ở suối Ràn, đàn bà con gái tập kéo sợi, dệt vải, cuối cùng người Rừng Trên có lúa  thóc đầy bồ, đêm đêm có tiếng hát của đám con gái kéo sợi.

 

Em đã nhìn thấy trong mắt anh những nghĩ ngợi của em, những nghĩ ngợi chưa bao giớ nói ra, nhưng em đã nhìn thấy trong mắt anh, đêm nằm nghĩ đến anh, cứ thấy như có sấm chớp đầy trời, những vang động, những ám ảnh về những chuyến ngang qua niềm âu yếm, và lửa bắt đầu đốt cháy giữa lòng em, lửa, trong lòng em là đang có lửa.

 

Người kể chuyện đã nhìn thấy ngọn lửa tình yêu đang nung đốt người thiếu nữ  Rừng Trên.

 

Việc ai trong chín vị chúa Nam Hà đi làm công việc qui dân lập ấp ở Rừng Trên, và việc ấy có thật hay không, chẳng còn quan trọng, bỡi qua những thế kỷ đau thương, một cuộc tình ngọc bích kim cương đã hình thành trong nghĩ ngợi của người làng tôi.

 

Dẫu một đêm thu, hay nghìn đêm thu, cũng thế, ta và nàng đã như hai sinh thể quyện nhau thành một cõi nghìn năm, đêm mùa thu, nơi bờ suối Ràn, hết thảy lũ sao trời đều nhìn thấy, khách mặc áo gấm cũ đã trở lại Rừng Trên nói với người Rừng Trên, nhưng nàng đã ra đi tự mùa thu trước, đi tìm người đã để lại cho nàng giọt máu tinh anh, một cuộc lưu lạc vĩ đại nhất trong những lưu lạc.

 

Người kể chuyện nói.

 

Những thế kỷ cứ trôi qua, tro than, và thống khổ, các triều đại rồi cứ rã tan vào niềm lãng quên, nhưng người làng tôi vẫn cứ chờ đợi một người sẽ trở về làng mình: hậu duệ mấy mươi đời của một cuộc tình mây nước, người ấy sẽ về thôi.

Giã 11AM  1.7.2017

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.