Cuộc thanh tẩy của mùa

Giovanni Bosco/Ý

 

 

 

nhưng tất cả những chuyện ấy như thể một thứ hoài bão đã được báo trước, thứ hoài bão to lớn choàng lên cả cuộc đời ta: làm thế nào để nhìn thấy được một thế giới mới mẻ không còn chút dấu vết nào của ngu tối, nguyên nhân của mọi mất mát đau khổ, ta lại đi núi Rây, buổi sáng mùa xuân, như thể gió núi vẫn còn lảng vảng đâu đó ở nơi chân núi, từ rừng cây trên núi cho đến bầu trời trên đầu ta, chẳng hiểu sao, hết thảy bỗng trở nên khác đi, với ta lúc bấy giờ thì hết thảy đều trở nên mới lạ, hay là đang có cuộc thanh tẩy bí ẩn nào đó của mùa, nhưng là cuộc thanh tẩy nào, bãi bỏ cái úa tàn, hay bớt đi những màu, những tiếng, có con chim nhỏ lông đen thời tuổi thơ thốt lên nơi ký ức, ta cố thử lắng nghe, khựng lại cùng kỷ niệm cũ, chốc lát, rồi lại bước đi, con đường rừng gần như bị ta dẫm nát buổi ấu thơ bỗng trở nên lung linh, uẩn khúc, là chuyện gì đang xảy ra, hóa ra, là ta đang cảm thấy rất sợ hãi trong lòng, cái bẩy của tự nhiên, hay là đang có sự sai lệch nào đó trong nhận thức của ta, thì chẳng phải là ta đã đứng nơi đỉnh núi Rây vô cùng thân thuộc đó sao, chữ nghĩa của ta đang chờ đợi một thứ gì đấy, quyền năng hơn, ta đi núi Rây là để tìm kiếm thêm chút sinh khí núi sông cho việc làm sách Ngôn Ký, có thể đấy là một tiếng chim, không phải để nghe, mà đánh thức được hết thảy những gì đã quá cũ, tiếng nước trên dòng suối đã cạn từ lâu, hay là cái vang động của những sụp đổ của những triều đại đã bị phủ nhận trong quá khứ, hay, cũng có thể đấy là cuộc tường trình gay go nhất trong những tường trình, giọng nói của một con dốc cao lầy lội khiến ta gẫm được bản thể của sự vật, thì chẳng phải là ta đã đứng dưới bóng cây bần bần nơi đỉnh núi Rây vô cùng thân thuộc đó sao, thứ đường biên của tuổi thơ ta như thể chẳng còn muốn nói thêm điều gì với kẻ đang nhờ vả chữ nghĩa để mô tả thế giới, suốt thời thơ ấu của ta, cây bần bân luôn nhắc nhở ta, rằng, bất cứ cuộc vui nào trên thế gian này cũng phải kết thúc trước khi mặt trời hụp xuống phía bên kia ngọn bần bân trên đỉnh núi Rây, thứ đường biên của tuổi thơ như thể một thứ triết học tự nhiên áp đảo được những mê hoặc lầm than của tuổi trẻ, nhưng nếu chẳng phải đang có cuộc thanh tẩy nào đó của mùa thì là gì khi bỗng dưng ta lại cảm thấy mọi thứ như đang lạ hẳn đi, rồi ta cứ có cảm tưởng như nơi rừng cây phía trước đang có cuộc cấu trúc nào đó, mới mẻ, tinh khôi, hết thảy là đang được vẽ lại, ta cứ lơ mơ nhìn thấy một tấm bảng đồ hoài bão, hay một phác thảo hành trình, hoàn hảo, và tráng lệ, và, tuyệt nhiên, như thể là một cuộc chơi sang trọng, xin chào người viết ngôn ký, từ trong rừng bước ra những người đàn ông đã cũ, a, các ông vua Vijaya mình còn đầy máu me vẫy tay chào ta, ta cố ghìm xúc động, xin chào những người đưa tin của lịch sử, ta nói, rồi cứ để cho ký ức ta lôi kéo ta trở về tận những năm tháng hỗn độn, những bang giao, những trận đánh, và những vương triều Vijaya… định nói thật nhiều thật nhiều về những nghĩ ngợi của ta, nhưng các ông vua Vijaya đã vẫy chào ta, quay hết vào khu rừng, thì ra bọn họ đang nhường lại thứ thời gian quí hiếm của người chết cho những khác là những ông vua Đại Việt đã chết, xin chào người viết ngôn ký, thì ra là ông vua Đại Việt từng múa gươm nơi cung điện của ông vua Chiêm bại trận hồi cuối thế kỷ 11, vua Lý Thánh Tông của triều Lý đã bước lên trước mọi người, vẫy chào ta, xin chào những người thắng trận, ta nói, chuyện đã cũ xin chớ nhắc, các ông vua Đại Việt đều nói, nhìn ta, cười, rồi lùi hết vào trong rừng, bấy giờ chỉ còn lại mỗi cha mẹ ta, thần núi Rây sẽ giúp con, cha ta nói, ta thấy mẹ ta lau nước mắt, rồi cả hai người cũng vội vã lùi vào khu rừng, tất cả những người chết là đều lùi vào trong rừng, hay là cuộc thanh tẩy nào đó của mùa đã khiến cho những người chết vội vã, chẳng phải là huyền ảo gì đâu, mà là thế giới đang bày ra ở một phía khác của ý thức của ta, bưổi trưa, ta nằm ở tảng đá núi dưới bóng cây bần bân mà nghĩ ngợi, cứ lơ mơ thấy như những người chết đang vội vã chạy trốn cuộc thanh tẩy nào đó của mùa, rồi như có ai đó đọc Metamorphores của Ovid nhắc về bài giảng triết học của Pythagoras và những lời kiêu căng của tác giả: …’’Và bây giờ thì thần truyền cảm hứng cho lưỡi của tôi, lưỡi của tôi/Sẽ làm theo những gì thần dạy bảo/Tôi sẽ tiết lộ những sự thật của tôi, bày ra [giữa] cả miền trời /Và sấm ngữ của thiên linh trí nhớ tiết lộ/Tôi hát những điều vĩ đại’’ / “And now the god inspires my tongue, my tongue/“Shall follow what th’ inspiring god directs,/“My truths I will disclose, display all heaven,/“And oracles of mind divine reveal./“I sing of mighty things’’…’’Trên những ngôi sao cao nhất. Vẫn là sự vĩnh cửu/Sẽ là tên tôi. Nơi sức mạnh của Rome trải ra/Trên sự chế ngự mặt đất, thơ tôi sẽ được đọc’’/ ‘‘Above the loftiest stars. Eternal still/Shall be my name. Where’er Rome’s power extends/O’er conquer’d earth, my verses shall be read’’ [Ovid/Metamorphorse/ Fifteenth Book/Ovid/Biến Hình/Cuốn 15]…ta vừa chợp mắt thì thấy có người đàn ông râu bạc trắng đến xưng với ta là thánh Rây, ta có hơi băn khoăn, vì cha ta chỉ nói là có thần núi Rây đến giúp, xin hỏi thánh Rây là ai vậy, ta nói, là thần của các thần trên núi Rây, người đàn ông râu bạc trắng nói, thì ra là vị thần đến giúp ta còn cao hơn vị thần cha ta nói, thưa, kẻ trần gian đã mạo phạm, xin ban cho lời chỉ dạy, ta nói, đừng sợ, ta sẽ gúp ngươi hiểu ra thế nào là thế giới, nhưng thế nào là thế giới là sao, ta cứ thấy hồi họp trong lòng, thần của các thần núi Rây chợt quay lưng lại ta, chậm rãi bước về khu rừng phía trước, vừa bước đi vừa nói những lời như trong sách nói: “Ngươi hãy trỗi dậy, ra thung lũng và ở đó Ta sẽ phán với ngươi [Sách tiên tri ÊDÊKIEN, chương 3, mục 22]’’

 

 

[trong Ở phía đông tôi]