Viết [8]


                                         Walter Crane (Anh, 1845–1915) 

 

tôi bắt đầu công việc viết của mình với câu hỏi làm sao nói cho được thế giới, rồi cứ vậy, tôi viết hoài, nói hoài, như thể vẫn chưa viết được gì,  hay chưa nói được gì, về thế giới, với tôi, văn chương không phải chỉ để làm đẹp một cuộc tình, hay vun bồi cho một triết lý ta ưa chuộng, mà để nhìn ra thế giới nó là như vậy đấy , đọc Borges thấy nhà văn Nam Mỹ này cũng thao thức trong cách nhìn thế giới và  trong cấu trúc văn chương, phải có một cấu trúc văn chương của riêng mình mới mong tả được thế giới theo cách của minh, tất nhiên, cách nhìn thế giới của Borges là có khác với  tôi, có thể nói Borges nhìn thế giới thuần cảm hứng triết học, những truyện ngắn tuyệt vời của ông nói lên điều đó [Aleph, hay,  trong Khu vườn có những lối đi rẽ nhánh, vân vân] còn tôi,  thì tôi   nhìn thế giới trong cảm hứng sử thi, phải có triết học chứ, nhưng là triết học của sử thi [Borges có vẻ coi nhẹ sử thi hay là  để thiếu tính sử thi trong tác phẩm của ông ?]  tôi như một gã lãng du, một mình trên chiếc bè cũ, lênh đênh sóng nước, mặc  trôi đến đâu thì trôi, lúc đầu, ở vài ba tác phẩm  đầu tiên là có đề cương cho viết, nhưng về sau thì không, tôi cứ để cho tôi trôi đến đâu thì tôi tả đến đó, thử nhặt một cái gì đó của thế giới, nhìn ngắm, rồi tả theo cách của mình, nhiều khi tôi không biết đến hôm sau thì  tả cái gì, cứ vậy, với tôi, viết là một cuộc trôi, tất nhiên là phải có phương hướng chứ, chẳng hạn đi để nhìn thấy sự tàn rữa của thế giới [Ở phía đông tôi, Vẫn còn nghe tiếng vạc, Tường trình từ những đám cháy] đi để nhìn thấy cái bí ẩn và tuyệt mật của thế giới [Siêu hình học của người, Trường hợp của H.] để nhìn thấy thế giới như một bản nháp [Những tin tức về một ngôi làng, Những ghi chú]  hay để nhìn thấy thế giới là những đường biên chết người [Ở những đường biên, Chỉ trên mép âm thanh] hay để nhìn thấy thế giới là câu chuyện ngụ ngôn vĩ đại, thế giới là mật ngôn [ Rốt cuộc thì bọn họ là ai, Những người đang vẽ lại bầu trời, Trong cuộc hành trình ấy] về sau, tôi đã nhìn thấy các vị tiền bối của mình cũng đang trong  những cuộc trôi, tác giả của Quá ồn ào một nỗi cô đơn, ngài Bohumil Hrabal, và tác giả của Bieguni/Flights nữ sĩ Olga Tokarczuk là đang giữa cuộc trôi, tôi đã nhìn thấy những cuộc trôi ở người Nam Mỹ Juan Rulfo và ở người Ba Lan Bruno Schulz, cả ông người Tiệp Khắc Jaroslav Hasek, cả ông người Serbi Danilo Kis đều đang trong những  cuộc trôi, còn ngài Carlo Emilio Gadda của nước Ý và ngài Robert Musil của nước Áo là đang trong cuộc trôi bất tận, còn ngài Comte De Lautreamont, người sinh ở Uruway và  chết ở Pháp lúc mới hai mươi bốn tuổi là đang trong một cuộc trôi vĩ đại, người đã để lại tác phẩm Le Chanter De Maldoror/The Song Of Maldoror, có thể là tác phẩm duy nhất của ngài ấy, như thể là thứ thi ca nền tảng của mọi thi ca của nhân loại, và dường như Elias Khoury, nhà văn Lebanon [1948] tác giả Cổng Mặt Trời, cũng đang trong cuộc trôi,