Về trường hợp của H. [bảy]

Đã đăng Về trường hợp của H.
[1] [2] [3] [4] [5][6]

 

mùa đông, những cơn mưa rả rích, buồn, giấc mơ lúc đêm vẫn còn làm tôi cảm thấy lo sợ , người ta sắp phế bỏ chữ viết, truy đuổi giấy bút ư, tôi đứng tựa lưng vào giá sách, giang rộng hai cánh tay ra, như thể để cố thủ trước sức tàn phá của giấc mơ kỳ dị trong đêm, những phút giây như thế đã trôi qua, và tôi quyết định đọc Lĩnh Nam Chích Quái, không hiểu sao tôi bỗng thấy thích đọc cuốn sách về những chuyện quái dị Trần Thế Pháp đã viết bằng chữ Hán hồi thế kỷ 15, và Lê Hữu Mục dịch ra tiếng Việt hồi thế kỷ trước, theo ông Mục thì ông Pháp đã cúi xuống để lấy một vật gì ở dưới lên, cái ở dưới đất là một cái gì tầm thường, là cát bụi chẳng hạn…[dẫn nhập của bản dịch tiếng Việt], tất nhiên tôi phải đọc truyện Hồng Bàng trước nhất, vì đó là truyện đầu tiên của sách, điều đầu tiên làm tôi nghĩ ngợi là mấy từ Hồng Bàng, tên truyện, chẳng dính dáng chi đến nội dung của truyện,  rồi vì sao về sau các nhà chép sử nước tôi nói họ Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên làm vua ở nước tôi, nhưng dẫu gì cũng phải thừa nhận rằng nếu không có ông vua lãng tử phương bắc, vua Đế Lai, thì không có chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, các tổ phụ của dân tộc tôi [cũng theo các nhà chép sử] , theo Lĩnh Nam Chích Quái, Đế Lai đi chơi phương nam đến nước Xích Quỉ thấy  vua nước này là Lạc Long Quân đã về quê ngoại, thủy phủ, mới lưu ái thê cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại [theo nguyên tác] rồi hình thế núi sông cùng với kỳ hoa dị thảo trân cầm dị thú của nước Xích Quỉ đã làm cho Đế Lai quên chuyện quay lại với ái thê của mình, và khi quay lại thì Lạc Long Quân đã từ thủy phủ về thấy Âu Cơ đẹp quá, không thể không yêu, đã dùng pháp thuật đưa nàng về núi Long Trang, rồi Đế Lai phải về phương bắc  đánh nhau với Hoàng Đế, rồi tử trận, đọc đến đây, tôi lại thêm thắc mắc, không hiểu Đai Việt Sử Ký Toàn Thư chép vào các thời Trần-Lê và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép vào thời Nguyễn căn cứ vào đâu để nói Âu Cơ là con gái vua Đế Lai, mà thôi, là ái thê của Đế Lai, hay là con gái của Đế Lai, thì Âu Cơ cũng đã đẻ cho Lạc Long Quân một trăm cái trứng, Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điều không hay đem bỏ ra ngoài đồng nội, hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn…[theo nguyên tác], đọc đến đây, tôi quên hết chuyện giấc mơ kỳ dị trong đêm, và hứng thú viết bài ký Âu Cơ: Lĩnh Nam Chích Quái quả là chuyện cúi xuống để nhặt lên một chút cát bụi, mặt đất trần gian cứ luôn trổi lên những “ảnh”, “hình”, cái này là thấu thị bằng nghĩ ngợi, cái kia tựa những giọt sương mùa hạ lung linh trên lá buổi tinh mơ, nghe tiếng hỏi thăm đường, ngoái lại, khách đường xa không rõ trong thôn, những cuộc gặp như thế, nội hàm là tư duy, mà ngoại trương là những nhìn ngắm của các giác quan, cũng có thể vươn đến chỗ tri âm, vươn đến chỗ trăm năm biết có duyên gì hay không [ có phải Nguyễn Du nói không nhỉ] t hì Âu Cơ vốn là khách đường xa đâu rõ trong thôn, con trai của vua Kinh Dương Vương [tức Lạc Long Quân] bỗng nghe thấy một chút bụi đường xa, mùa đông, mưa rả rich, buồn, tôi cứ thấy nhớ một chút cát bụi đường xa, nhưng Long Trang là miền nào vậy nhỉ, có phải Long Trang là Phong Châu sau này các nhà chép sử nói là kinh đô của Văn Lang, tên đất nước đầu tiên của dân tộc tôi không nhỉ, cát bụi đường xa gặp cát bụi trong thôn, kết quả của cuộc tình Âu Cơ/ Lạc Long Quân là một bọc trứng ra đời,  hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai [theo nguyên tác] có thể là một ẩn dụ đầy cảm hứng cho khoa học của nhân loại về sau, có khi gọi là trứng, có khi gọi là con trai, có khi gọi vật chất là hạt, có khi gọi vật chất là sóng, tự buổi ấy mà con người đã nhìn ra chỗ kỳ diệu của đất trời, chỉ có điều, thật buồn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ, rằng,  ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc, nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu…[theo nguyên tác], rồi chia tay nhau, chỉ một nửa số trứng là thủy tổ của dân tộc tôi, đấy là cái nửa bà Âu Cơ dẫn đi lập nước Văn Lang, sao ông Pháp không nói về tương lai của  nửa theo Lạc Long Quân xuống nước nhỉ, mặt đất trần gian cứ trổi lên những đoạn khúc, tự buổi Âu Cơ ngóng đợi vua trước trở lại đến buổi đắm cùng vua sau là những đoạn khúc, những âm vang sử thi, có ai đó đã lo lắng về chất lượng trứng của Âu Cơ, sợ rằng, năm mươi cái trứng, thủy tổ của dân tộc tôi, có cái chất lượng tốt, có cái chất lượng không tốt, nghĩ đến điều này, tôi bỗng thấy tôi như đang lạc vào giữa mùa đông,

Leave a Reply

Your email address will not be published.