ở đó là chẳng có luật lệ nào hết, luật
lệ về thời gian, không gian, luật lệ về
tồn tại, nhưng chẳng sao đâu, nó chỉ
mê hoặc bạn một chặp rồi cũng để bạn
trở lại với chốn trần gian này thôi
rồi một ngày tôi thấy mình đứng giữa miền cổ lục, một nơi chốn trong một cổ thư nào đó thì phải, cứ nghe phảng phất mùi giang sơn gấm vóc, ai đang đi ra đi vào giữa những hưng vong, cái cách đi như thể vẫn còn thấy nhớ nhung những sáng những chiều ngồi nhìn những cuộc trôi, và những bước chân đi lạc của những người tiền sử còn vươn vấn với đương đại, cũng phải thôi, lũ chim đi trú mưa vẫn còn nấn ná nơi gò đống nhiệt đới hay ngay giữa miền tai ga ẩm ướt để lắng nghe thử các nhà thuyết lý thời nay đang nói gì về câu chuyện cũ của vũ trụ hấp dẫn, nó là một thứ tàng thư các, chỗ chứa, tàng ẩn của tri thức nghìn năm, huyền thoại hóa, vật thể hóa, rồi duy lý hóa, rồi số hóa, tôi ra đi vào một ngày cứ tưởng không có gì để nói, vẫn chọn đi bằng ngựa nòi phương đông để dễ nghe thấy những gì diễn ra trong cuộc hành trình, ô lại đang có cải cách trong cộng đồng các vị thần cổ đại, con ngựa nòi phương đông của tôi cứ nhảy chòm lên như thể đang có thứ chướng ngại vật nào đó ở trên trời, thời thần của các vị thần đã qua lâu rồi, tôi nghe có tiếng thét giận dữ và có dáng người cao lớn bước ra khỏi đỉnh olympus cổ kính, có vị thần nào đó đang rời bỏ thế giới của mình chăng, nhưng bạn có nhìn thấy một cuộc mất mát rất lớn hay không, có giọng nói của người nữ, tôi nghe thấy có giọng nói sang trọng của một người nữ cất lên từ chốn kinh thành đổ nát, con ngựa nòi phương đông của tôi có vẻ ngần ngại khi phải dẫm lên những gạch đá rêu phong, quả là thế giới đã rã ra thành những vật thể buồn, tôi cột ngựa vào cõi hoang vắng, và thử chờ có một thứ phép màu lịch sử nào đó hay không, và đó chỉ có thể gọi là một tai họa, bạn ạ, người nữ ấy có thể nói là một mệnh phụ phu nhân của một thời hoàng kim nào đó, nàng đẹp một cách hoang vu, và vẻ trừu tượng trong ánh mắt ấy như thể một thứ thế lực khiến người ta không thể không nghĩ ngợi, xin chào, mãi tới lúc ấy tôi mới nói lời chào, và biết câu nói của nàng vửa rồi không phải là về thứ phép thử lịch sử mà về cái biến cố lịch sử đã biến nàng, một mệnh phụ phu nhân, thành kẻ lạc loài, đó đã là thuộc luật lệ nghìn năm rồi ạ, tôi nói, rất thật lòng, nàng nhìn tôi với vẻ biết ơn, rồi sụp xuống đống đổ nát, hết thảy cứ dịch chuyển mãi dịch chuyển mãi cho đến chỗ trống không, nàng nói như thể giọng điệu của một nhà triết học thời mạt vận, rồi biến mất vào cõi hoang vắng, tôi cảm thấy hơi mệt, cũng sụp xuống cõi hoang vắng, thiếp đi, tôi ngủ cho đến sáng hôm sau mới thức dậy, thấy con ngựa nòi phương đông của tôi đang đứng nhai nước bọt, và chẳng còn thấy mặt trời lên,
cách thức của một con ve sầu sửa soạn giọng kêu cho một mùa hạ buồn hay cách thức của một con thiêu thân tập sống cho một cuộc sống ngắn ngủi, hết thảy những cách thức của hết thảy các loài sinh vật trong buổi đầu diễn tập cho một cuộc tiến hóa dài lâu là nói hoài không hết, ô những nghìn năm cúi xuống những tường trình nhỏ bé, những đống sử sách về học chính trị học văn chương học triết học học cơ cấu học giải cấu [những tàng thư các] nó chỉ là những vạt chữ, những con chuột chù có túi nghe nói là tổ tiên con người, những con vật nhỏ bé từng thực hành cuộc tẩu thoát khỏi loài khủng long tàn bạo nghe nói trong túi chúng cũng có một vạt chữ, thứ hành trang, nếu sau này quả chúng là tổ tiên con người, thì đó là thứ vật thể có tên homosapien, ồ, homosapien, nó là thứ vạt chữ, con ngựa nòi phương đông của tôi dường biết tôi đang sa vào thứ ý tưởng mang tính bản thể luận chết tiệt ấy cứ nhảy chòm lên, hí, rồi một bầu trời dày đặc những vì sao lại hiện ra, tôi biết đấy là một cuộc cách mạng có tính thể nghiệm, chỉ không biết chủ nhân nó là ai, loài người của bạn gọi là giữa trưa, hình như có nơi còn gọi là ngọ thiên, nhưng ta thì gọi là giữa khuya, hóa ra vị thần đã rời bỏ đỉnh ô lim pia tôi đã nhìn thấy hôm ấy là chủ nhân của cuộc cách mạng có tính thể nghiệm, nghe người cắt nghĩa thế nào là giữa trưa và giữa khuya tôi thấy rất vui trong lòng, thưa sắp tới thì người sẽ làm gì, tôi thưa nói, và đến lúc đó mới vỡ ra, thì ra đó là vị thần đình làng tôi, kẻ đã bỏ đi từ khi ngôi đình làng bị chiến tranh tàn phá, tôi chỉ biết là người đã ra đi từ buổi ấy và không biết người đã đến đỉnh olympus tự bao giờ, “thần đình làng Cù, lo việc tế tự và dịch bệnh”, người vẫn còn giữ tấm mề đay olympus nơi ngực áo, thì ta cũng chỉ thử sức mình một chút thôi, rồi đây, hết thảy các loài trong trời đất phải tự tìm lấy cách thức mà tồn tại, người nói, và lập tức, nơi bầu trời trên đầu tôi, lũ vạc ăn đêm bắt đầu réo gọi nhau, tiếng kêu của lũ chim cứ như những khúc thức thuộc về thứ nền tảng văn minh dị biệt, văn minh của chim, người thiếu phụ trẻ đẹp tôi gặp hôm ấy cũng đang tất tả đi về phía có tên là miền ẩn ức, và lũ ếch nhái con nào cũng cố làm ra một cái đuôi, bọn chúng đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển hóa dạng thức, cuộc trở về với thuở ban đầu với những con nòng nọc ở nước,
nơi khu rừng cổ tích,
cuộc vần vũ của hoàn vũ nghe buồn như thể đang có cuộc chia ly nào đó, thì chẳng phải mùa hạ những con suối khô cạn lũ cua cá trên rừng phó thác cuộc sống của mình cho dòng nước ít oi, có về tới biển được không, hay chết ở dọc đường, nhưng con cua con cá trên rừng có sống nổi ở biển hay không nếu đi tới biển, người ta bảo như vậy là bể dâu, mà như thể lũ chim cũng đang nhìn ra sự thật về loài giống chúng sao đó, khi tôi đi tới khu rừng nhiệt đới ấy nghe lũ chim hót rất ít, lắm lúc như chẳng còn nghe thấy tiếng chim, ồ trong lúc loài người thích nói nhiều thì lũ chim lại nói ít đi, thì ra đó là miền thổ nhưỡng mấy nghìn năm qua vẫn diễn ra cuộc quật khởi của những yếu tố ban đầu, cuồng phong là cách chống lại quan niệm khởi đầu là tĩnh tại, tiếng hót của chim là cách chống lại quan niệm khởi đầu là hư vô, và tiếng tru của con sói đói là cách chống lại quan niệm khởi đầu là lòng vị tha, vậy thì khởi đầu là gì, là lời [tiếng hót của chim] hay là hành động [tiếng gió] tôi không biết, nhưng những cuộc quật khởi của tự nhiên làm dấy lên bao nhiêu là cách nhìn thế giới, con người bắt đầu hống hách khi giải mã được cơ cấu của đất nước lửa khí và thấy được niềm vui của đá, những đám mây buồn bã nằm giữa buổi trời chiều để nghe con người nói về mình, mi chẳng qua là thứ hình dạng chuyển dịch từ nước, con người thét lên, có đúng hay không, các vị thần cổ đại cũng chẳng dám có ý kiến, người ta tranh cãi suốt mấy nghìn năm qua về chuyện khởi đầu của thế giới, nói ra, rồi phủ nhận, rồi lại nói ra, hóa ra ngôn ngữ con người là để diễn đạt cả cái không lầm lẫn lẫn cái lầm lẫn,
người là tích tụ của những nghìn năm tinh lọc gió mưa hay là tự nguyện của hết thảy những thế lực quyền thế nhất và lâu đời nhất hay người chỉ là cách giản lược của mọi qui luật tự nhiên vấn nạn phong nhiêu thiết cốt cho vạn hữu, tôi còn đang rối rắm trong nghĩ ngợi nếu không nói là có chút sợ hãi trước sự xuất hiện của một kẻ người bình thường nhất cũng có thể hiểu đó chẳng phải chuyện bình thường, trí tuệ tôi đang mách bảo tôi người là một bậc hiền minh đang xem xét cách thức bày biện của thế giới, trong lúc tôi còn đang rối rắm trong nghĩ ngợi như vậy thì người cúi xuống đất sắp đặt lại những chiếc lá mục…người ta bảo đó là lá rụng trên rừng/ nhưng ta thì cho rằng/cuộc phong lưu ấy trải qua những lần mặt trời lặn mặt trời mọc/ cái cách xa ở chỗ này là cái gần ở chỗ kia/những giọt sương sớm mai nối liền những cách trở/ thấm thoát những tiếng kinh cầu…người nói, giọng điệu như thể giọng điệu của một bậc uyên thâm, tôi vội vã giắt con ngựa nòi phương đông của tôi đến phủ phục trước con người kỳ lạ ấy, nói, kẻ này với con ngựa của kẻ này đang mong mỏi muốn biết tuổi trời của một bậc chân nhân, tôi cũng không hiểu sao lúc bấy giờ tôi lại nói là tôi với con ngựa nòi phương đông của tôi rất muốn biết tuổi tác của ông cụ ấy, thật ra, thì đấy là một ông cụ phong thái cứ giống y phong thái của những bậc chân nhân tôi từng nhìn thấy trong các cổ thư, chân nhân gì, bạn hơi quá lời rồi đó, ta cũng chỉ là kẻ giữ rừng…một ông cụ gác rừng ư, tôi cố lắm mới không buột kêu lên, thế giới có qúa nhiều bí ẩn mà tôi thì muốn biết, cuộc tuần hoàn của thế giới là vậy, trong cuộc hành trình này, bạn sẽ gặp những kẻ đang giữ đất nước như ta vậy, ông cụ nói, nhìn tôi, cười, nhân hậu, rồi leo lên bàn tay của mình ngồi, rồi biến thành chiếc lá trên cây,
núi rừng ở đây cứ như những câu chuyện bất tận về sự thay đổi hình dạng của đá về thói lười nhác của một số loài có cánh hay về cách đánh tráo của những khái niệm về hưng vong và hủy diệt và về những cuộc lui tới không hề có dấu hiệu báo trước của những yếu tố tự nhiên đôi khi làm sụp đổ cả hệ thống núi sông, con chim vẫn chưa nói được tiếng người và những nghìn năm đá vẫn lặng câm, đây là sự thật hay chỉ là sự tính toán sai lầm hay cũng có thể là do thói cao ngạo của hoàn vũ, cái ngày, hết thảy như thể cùng chập chững bước giữa mù tăm, huyễn tượng, mẹ của quyến luyến đa đoan, rồi òa vỡ thành những trăng sao, lận đận những đất nước lửa khí, và cứ thế, có những tiếng kêu trầm thống suốt cả chặng đường tiến hóa được tính bằng những nghìn triệu năm, chính những kẻ không chịu nói ra mình từ đâu tới thành ra thứ thế lực tăm tối, những kẻ thù của sự minh bạch cho tới giờ vẫn kiêu căng ngạo mạn. cuộc hành trình của mi cũng chỉ là sự nổ lực cuối cùng của một giống loài nhỏ bé, tôi biết đích thị là hắn, giọng nói của thế lực tăm tối, vào lúc nửa khuya, bên bờ con suối ấy, chính là con ngựa nòi phương đông của tôi đã ngửi thấy mùi tăm tối, cứ chòm lên, hí, thật ra, lúc đầu tôi cứ tưởng đó là tiếng nói của đại ngã, những lời cảnh báo đối với cuộc hiện tồn lỏng lẻo của nhân loại, nhưng lắng nghe kỹ thấy giọng nói có quá nhiều những âm tiết lầm than, nhưng mi làm gì được ta nào, tôi cứ thét lên vậy trong nghĩ ngợi, trong lúc một người một ngựa như vậy tôi cũng chỉ còn biết chống trả theo cách ấy,
tôi cứ ngờ ngợ con ốc suối là thuộc về những kẻ không chịu nói ra mình từ đâu tới, con vật trời bấy lâu vẫn sống trong thầm lặng rồi vào cái đêm mùa thu ấy bỗng dây vào thứ tri thức thương tật trong tôi, mi là thuộc về thứ thế lực tăm tối hay sao, nửa khuya thức giấc, tôi buột kêu lên giữa màu đêm xám ngoắc của núi rừng khi phát hiện ra một con ốc suối đã đến nằm ngủ trong lòng bàn tay tôi, phải nói thứ cảm thức như vậy chỉ có thể diễn ra trong mơ: lạnh buốt niềm kinh sợ của một kẻ bỗng thấy mình cầm nắm trong tay một thứ chi tiết của hòan vũ, đâu lạ gì một con ốc suối, nhưng bấy giờ, như thể một cuộc thâm nhập làm náo động đất nước non sông, chuyện một con ốc suối đang đêm một cách bí mật trèo lên lòng bàn tay tôi, ngủ, chuyện chưa bao giờ xảy ra trong đời tôi, nó là thứ sự kiện chỉ có thể diễn ra trong buổi con người có thể trò chuyện cùng trăng sao, hay mi là kẻ thế lực tăm tối đã phái đến để hãm hại ta, tôi cứ gào lên vậy trong nghĩ ngợi, không hiểu sao, bấy giờ, tôi cứ đinh ninh, rằng, con ốc suối là thuộc những kẻ trong buổi đầu của thế giới đã không chịu nói ra mình từ đâu tới, những kẻ thuộc thế lực tăm tối của hoàn vũ, có thể, chốc nữa đây, con ốc suối sẽ nhả ra một thứ độc tố làm chết người, và tôi chấm dứt sự sống, nhưng cũng có thể con ốc suối làm trái với mệnh lệnh của thế lực tăm tối không ám hại tôi vì nể tình tôi luôn đối xử hòa nhã với loài giống chúng, quả là, những ngày ở khu rừng ấy, tôi vẫn coi trọng loài ốc suối như một loài giống có cuộc sống thầm lặng và sang trọng, cứ ngày ngày dịch chuyển bằng niềm hứng khởi vô bờ bến từ lòng suối lên bờ suối rối ngược lại, chỉ có hơi thở với nước với đá thì không sang trọng là gì, tôi nghĩ ngợi, và cứ nằm im như vậy, không dám động đậy chân tay, con ốc suối vẫn nằm ngủ ngon lành trong bàn tay tôi, và con ngựa nòi phương đông của tôi đang ngon giấc bên cạnh tôi không hề biết chuyện gì đã xảy ra với tôi, tôi cứ nằm im như vậy và cố thủ trong những giả thuyết ngược xuôi như vậy, rồi thiếp đi lúc nào không hay, khi nghe lũ chim rừng gọi sáng tôi thức dậy và thấy chẳng có chuyện gì xảy ra cả, nhưng con ngựa của tôi cứ nghểnh mòm về phía tôi, cười thành tiếng, chưa bao giờ con ngựa của tôi lại có thái độ lạ lùng như vậy, tôi thử nhìn bốn chung quanh coi thử có gì khiến cho con ngựa của tôi lại có thái độ khó hiểu như vậy, thì thấy lũ ốc suối nơi bờ suối đá đang nhìn tôi cười, ồ những con ốc suối thật hiền hậu, trong ký ức tôi, thứ cảnh giới như vậy là thuộc về những đường biên của ý thức,
về sau tôi gọi khu rừng nhiệt đới ấy là khu rừng cổ tích, cổ tích cả bước chân con nai con lạc mẹ cổ tích cả ngọn gió chướng còn sót lại buổi cuối đông cổ tích cả cách nói năng cẩu thả của lũ dế vào những hôm chúng thấy tương lai loài giống chúng mờ mịt sao đó và cổ tích cả trong cách tôi nghe thấy vào một sớm mai mùi lá cây rừng sau một đêm đã nhuốm màu hoang dã của thời gian mùi lá cây rừng không phải đến lúc ấy mới thoảng lên giữa những tiếng hót chói chang của đám chim rừng hơi quá tự hào về loài giống chúng mà tận trong lần lạc điệu nào đó tận trong thứ thời gian ngoài qui cách bỗng được dựng lên vào lúc nào đó chẳng phải hoàn vũ đã sẵn sang mọi thứ rồi sao, ồ hết thảy chỉ là dấu tích, cuộc chuyển động bất chấp cả những thứ về sau con người cố tổng họp một cách khiên cưỡng thành những thứ gọi là qui luật tự nhiên, cuộc chơi ngạo nghễ nhất và sang trọng nhất ấy đã để lại những dấu tích như thể những cổ tích, nhưng mi thì mưu đồ nhìn ngó/ai đã soán đoạt cả thế gian hoan lạc/đã thay vào đó những luật lệ man rợ/ai đã thảo ra thứ hiến chương ngu xuẩn/ ai…tôi vẫn còn bước đi giữa rừng cổ tích, nhưng vẫn phải nói với mình những lời lẽ gay gắt thế đó, bỡi tôi cứ sợ tôi lại sa vào những đường biên của hoàn vũ,
và cứ vậy, khu rừng cổ tích của tôi cứ như thể một ví dụ về một quần cư không cần có một thứ ngôn ngữ chung, làm sao lũ ong lại có thể lấy được mật nhỉ trong khi chúng không thể nói được nửa lời biết ơn các loài hoa trên rừng, làm sao lũ chim từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn cứ làm tổ trên cây trong khi chẳng có một thứ ký kết nào giữa hai loài giống, và vào cái đêm trăng non le lói, ở đầu con dốc ấy, có quả là con hổ đứng nhìn trăng hay không, nếu có, thì cũng chỉ là suy luận của con người, điều chắn chắn là con người không bao giờ biết hôm ấy con hổ nhìn gì, nơi khu rừng cổ tích của tôi đến một con kiến nấp bên dưới những lớp lá mục cũng biết ở đây là một quần cư không thể có và không đời nào có một thứ tiếng nói chung, thứ con người vẫn cứ kêu gào phải có cho bằng được, lá vẫn cứ rụng, lũ kiến vẫn cứ làm nhà bên dưới những lớp lá mục, và chưa hề nghe nói có một thứ thương ước nào giữa đám lá trên cây và loài kiến, có thể con suối chẳng hay biết việc con nai rùng mình vì sung sướng hay sợ hãi khi thấy bóng mình trôi đi trên dòng suối, những hạnh phúc, hay lầm than, đau khổ, nếu có, thì cũng chỉ là những sở hữu riêng lẻ chẳng dính dáng chi đến cái quần cư chưa hề có thứ tiếng nói chung ấy, đêm, tôi cố lắng nghe thử có cuộc trò chuyện nào giữa các thứ vật thể trong cái quần cư kỳ dị ấy hay không, và chỉ nghe thấy tiếng gió reo, tiếng suối chảy, hay tiếng cựa mình của con thú nào đó nơi vạt rừng trước mặt … chỉ là những hành động có tính riêng tư giữa một thế giới không có quyền lực và sự giả dối,
cuộc hành trình cho đến hôm đó thì đụng phải điều cả một dọc dài quá khứ vẫn cứ trở đi trở lại trong nhận thức nhân loại: vậy thì ngôn ngữ chung cho một quần cư là gì [có thể có một thứ tiếng nói chung cho thế giới hay không] buổi trưa, tôi nằm dài nơi bờ suối, tiếng nước tràn qua những gọp đá nơi lòng suối tạo ra thứ âm thanh trí tưởng tượng của tôi cứ nói đó là bước chân lịch sử, thứ trí tưởng tượng quái đãn bao giờ cũng dày vò tôi, thật ra là tôi đang bị nhấn chìm vào thứ cảnh giới một bên là lịch sử quá khứ của nhân loại đầy nỗi ám ảnh và một bên là cảnh núi rừng tàng ẩn những khái niệm phong nhiêu bất tận, chỉ là một con chuột rừng xuống suối uống nước xong lại quay trở lên bờ suối đứng nhìn tôi một cách thản nhiên như thể tôi với nó là chỗ bạn bè ngang vai vế, cái cách con chuột rừng nhìn tôi khiến tôi không thể không nghĩ đến khái niệm dân chủ được nói ra trong các cuộc họp nghị viện ở đồi Acropolis thời Hy Lạp cổ đại, hay là thứ khái niệm đặc nhiệm, khái niệm về dân chủ, các vị nghi viên Hy Lạp muốn biến thành thứ ngôn ngữ chung của nhân loại là sẵn có trong loài giống chuột rừng, tôi không biết, nhưng con ngựa nòi phương đông của tôi với con chuột rừng đã bắt đầu cuộc giao lưu bấy giờ tôi cứ cho là niềm tuyệt mật của hoàn vũ, con ngựa lấy cái mỏm ướt của nó hất con chuột ra xa, và con chuột lại quay lại chỗ cũ để cho con ngựa thực hiện lại động tác cũ, cuộc quần cư bấy giờ là gòm có núi rừng, với trùng điệp các thứ âm thanh màu sắc, tôi, thứ vật thể đầy nỗi ám ảnh của quá khứ, con ngựa nòi phương đông dễ xúc động của tôi, và con chuột rừng có thể đang mang sẵn trong dòng máu của nó khái niệm dân chủ, không có tiếng nói chung nào ở đây cả, nhưng cuộc chơi có tính chất minh bạch và trần trụi của con ngựa nòi phương đông của tôi và con chuột rừng, tức cuộc chơi không bị ràng buột bất cứ nguyên tắc nào, khiến tôi không nghĩ đến những mưu toan của con người, trong dòng chảy lịch sử, bao nhiêu lần con người muốn biến một nội dung nhận thức nào đó, một tín ngưỡng hay một lý thuyết, chủ thuyết thành ngôn ngữ chung của thế giới và đã hoàn toàn thất bại,
rồi tôi cũng tìm thấy chỗ ở của tộc ngưới Ru, đường cứ như đi lên, không đi xuống, vách đá chằng chịt những dây lợ, dây chạc, tấm bản đồ của con dân một tổ quốc không bao giờ đứt gãy, cuối cùng, cứ theo những lời ghi trong sách Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng, tôi cũng đã đến được chỗ ở của người Ru, cái gì trông cũng cổ hết, cổ chứ không cũ, tức, mọi thứ cứ ánh lên trong tâm thức tôi thứ màu sắc quá khứ, đằng đẵng một thứ dài lâu trong tiếng gió, mà ngay cả chỗ kẽ lá gió rít qua cũng cứ toát lên vẻ đăm chiêu từng trải, quá khứ là thứ tâm trạng của toàn bộ những gì đã làm nên một ngôi làng trên núi, làng Ru, ngay lần đầu đọc Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng tôi đã thấy mình lập tức vướn vào thứ tâm trạng ấy, Đại Lãng là thời nào tôi không biết, nhưng ngay cả thứ từ vựng lạ hoắc ấy cũng đã vướn vào nghĩ ngợi của tôi thứ cảm thức về hôm qua, nhưng ông đừng nhìn em thế, em chỉ là cô gái trong làng đang đi qua mùa trái rụng, cô gái ngồi trong vỏ một quả sùi, nói, như để giải thích về hành vi của mình, khi thấy tôi cứ đăm mắt nhìn cảnh tượng bấy giờ với tôi là thứ bí mật nên thơ của hoàn vũ lần đầu thấy được, lập tức kiến thức sách vở trong tôi mách bảo tôi đi qua mùa trái rụng chỉ là một cách nói ẩn dụ [sách Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng ghi: người Ru là tộc người có lời ăn tiếng nói đẹp như hoa trái trên rừng, một lời nói ra thành muốn nghìn ý nghĩa] cô gái ngồi trong vỏ quả sùi nói xong lời ấy thì nháy mắt với tôi vẻ vô cùng thân thiện, sự thân thiện như thể bản chất của một giống dân đang trong cuộc trải nghiệm cao quí của tồn tại, đã đi qua mùa trái rụng thì có còn trở lại hay không, không kiềm chế được sự bức xúc trong nhận thức, tôi cũng hỏi bâng quơ vậy thôi, bỡi cũng chẳng biết đi qua mùa trái rụng là sao, và cái cảnh giới ấy cứ như một giấc mơ tráng lệ, bấy giờ, từ trong vỏ quả sùi bước ra không phải là cô gái vừa nháy mắt với tôi, mà là một thiếu phụ lồng lộng vẻ nghiêm khắc cao sang, ồ, hóa ra, đi qua mùa trái rụng là nói về cuộc tiến hóa đẹp như một thứ sử thi ngoại lệ của một giống dân của một tổ quốc không bao giờ đứt gãy, ồ, ta cũng vừa ngang qua một mùa trái rụng đấy thôi, tôi nghĩ ngợi trong lúc người thiếu phụ người Ru nhìn tôi với đôi mắt đẹp và hùng biện như buổi cổ sơ đầy quyền lực,
tôi trích ra từ muôn nghìn tiếng hót của chim trên khu rừng cổ tích tiếng con chim lịch, chuyện cứ như là mê cung của tri thức, có phải là mi muốn đường hoàng đặt chân lên miền khuất tất, tôi lại phải đánh thật mạnh vào nhận thức của mình như thể nhắc nhở về những sai lầm có thể của con người, khi, bỗng dưng tôi gọi loài chim ấy là chim lịch, bỗng dưng tôi lại nghĩ nơi sản sinh ra loài chim ấy là miền khuất tất, nơi chưa ai nói với ai được điều gì, mọi thứ như thể là đang rối tung lên, giá buốt cả những con đường dẫn đến tri thức, tôi nhìn thấy miền khuất tất khi tiếng chim lịch cứ như một thứ vực thẳm, nghe, và không thể không nghĩ đến vực thẳm, thời đại của tôi cứ như thể thứ âm vang nào cũng khiến tôi nghĩ đến vực thẳm, bây giờ, tiếng hót của chim là một thứ vực thẳm, có phải là các người muốn cỡi lên hết thảy nhân gian này hay không, tôi cứ gào lên vậy trong nghĩ ngợi khi bỗng nhìn thấy trong thứ bờ vực thẳm của tiếng chim bọn vua quan của các triều đại đang dày xéo bầy đàn của mình, em chết đây chỉ là cuộc trở về, tôi không thể không nát lòng, trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, những vũ nữ của vua còn nói ra được những lời như vậy, có phải là mi muốn khẳng định điều gì phải không, tôi lại phải đánh vào nhận thức của tôi nữa khi bỗng dưng tôi khẳng định rằng đám vũ nữ của vua sau khi chết hóa thành chim lịch, vào một sớm mùa thu, nơi vạt rừng có nhiều hoa uất kim, tôi lại ngồi lắng nghe tiếng chim lịch, cái buổi sáng như là cuộc điều trần thường lệ của thế giới, cứ mỗi lần lũ chim lịch cất tiếng hót thì máu từ trong cổ họng chúng lại trào ra làm ướt cả núi rừng, sự ngu xuẩn hèn hạ và độc ác còn lấn áp minh triết thì mọi tồn tại đều phải trả giá bằng máu,
cái cách chim lịch hót và trào máu ra và hoa uất kim rụng hàng loạt cứ làm tôi nghĩ đến mối tương quan máu me truyền kiếp, hoàn vũ là ví dụ về một cuộc giao thiệp không chừa bất cứ thứ khái niệm nào: bền bĩ, tạm bợ, dai dẳng, lỏng lẻo, bất thường, chắc chắn, thậm chí: đểu giả, lừa lọc và ma mảnh, đường vào làng Ru đầy xác hoa uất kim, tháng của lá rụng, và màu mây trở buồn, con ngựa nòi phương đông của tôi cứ vài bước lại ngừng lại, cái cách dịch chuyển trờ trệch, ngại ngùng, đi mà chưa phải đi của con ngựa, khiến tôi nghĩ ngợi không ngớt về mối tương quan máu me truyền kiếp, cuộc sống cứ bày ra đó như một đại lễ, cuộc mời gọi thiêng thánh, và cái chết, cho đến một ngày đẹp trời có những em bé nào đó vui vẻ chào đời hay có bậc đại trí nào đó vui sướng nhìn thấy một thứ qui luật của hoàn vũ, thì nó vẫn cứ xen vào, cái tăm tối ấy, nếu như đó là thứ vật thể thuộc về cuộc song sinh định mệnh, sống/chết, thì hết thảy những cố gắng diễn giải về vĩnh hằng đều trở nên vô nghĩa, ô mi cũng thấy thương tiếc loài hoa ư, tôi cứ gào lên vậy trong nghĩ ngợi khi biết con ngựa của tôi cũng cưu mang thứ cảm thức vị tha, cái buổi sáng, lần đầu, tôi đi ngựa vào làng Ru, như một tập dượt cho một chuyến đi, dịch chuyển, và ghi cho bằng được ngay cả những mưu toan tinh tế nhất của hoàn vũ, một cánh hoa uất kim rụng, hay một chiếc lá do dự rơi vào một ngày lượng nhựa nguyên trong cây đang dần cạn, tôi nói đó là du ký, nhưng sách Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng bảo những cuộc đi như vậy thì gọi là sự tính toán sai lầm nếu không nói là sự ngu xuẩn của trí tuệ [phù sa tri thức lấp dần con đường ra biển/người đứng lại nhìn tự buối mới đầu hôm/chú thích của sách] cái buổi sáng vào làng Ru có hoa uất kim rụng, lũ chim lịch nhìn thấy tôi thì thôi hót, tôi cứ gào lên trong nghĩ ngợi: không sao đâu, ta biết là lũ mi muốn làm cho thế giới trở nên rõ hơn bằng cách hót và cứ để cho máu trào ra từ cổ họng lũ mi, đã biết là sẽ suy tàn, nhưng ta biết là lũ mi từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn cứ cố sửa lại cái chết,
mấy mươi năm khu rừng cổ tích cầm chân tôi, lũ chim bô thay áo mới [thay lông] đêm, trong giấc giữa chừng, tôi cứ nghe như có ai đó gọi tên mình, còn chần chừ gì nữa, lên đường thôi, dường, người điểm danh có sự lầm lẫn nào đó giữa tôi và loài chim bô, tháng giêng, lũ chim bô thay lông, sửa soạn cho một cuộc di trú mới, và như thể, những chiều hôm tắt nắng, núi rừng cứ như thể cuộc hóa thân của một thứ hoài bão rộng lớn nào đó ôm chặt lấy tôi, cứ ở lại…đừng đi… từ trong sâu thẳm mơ hồ là những lời dặn dò thân thiết, mấy mươi năm tôi chưa thể ra khỏi khu rừng cổ tích, thứ năng lực trước tác, sở hữu đặc biệt của con người, dường chẳng ăn thua khi một chiếc lá thu có nghìn cách lìa cành, ở đây không chỉ là thứ cảm thức thuần lý, mà là cách thể hiện của toàn bộ các thứ thế lực đang triển nở đang điêu tàn và cả đang ẩn náu, một chút bóng dáng quá khứ, nhưng nó là ngàn dặm xa không phải muốn gặp là gặp, chỉ một giọt nước mắt của đá, chúng ta cứ giả dụ vậy, thì dây mơ rễ má đến vô số các thứ học phái: cổ sinh vật học, trường sinh học, bất trắc học, hay sinh ký tử qui học, tức khảo cứu về tính bấp bênh của sống, ở loài cây ngó đông nghìn năm tuổi thì chiếc lá thu hoàn toàn khác với chiếc lá thu ở các loài cây đỗng, cây ngũ, các loài cây tái sinh nhỏ bé, không thể nhìn ngó hoàn vũ bằng con mắt như thể đã bị làm hư hỏng bỡi quá nhiếu các thứ thuyết lý, mấy mươi năm núi rừng cổ tích cầm chân tôi, sự cầm chân như thể chuyện dỡn chơi, chứ gì nữa, con chuồn chuồn rừng thì đậu lên vai tôi, cái cách con chuồn chuồn rừng đậu lên hoa bì ngát hương rồi đậu lên vai tôi, dù muốn hay không, ký ức tuổi thơ cũng phải sống lại, buổi sáng mùa thu, tôi đi dọc theo con suối Vác ở cuối làng Ru theo cái cách tuổi thơ buổi sáng đi tìm những niềm vui chưa biết, còn con chuồn chuồn rừng thì đậu lên vai tôi, tôi ví dụ vậy, cái cách hoàn vũ cầm chân ta, nó là thứ triết học của trời,
và hết thảy những gì diễn ra ở làng Rả như một cuộc ca ngợi thầm lặng, cứ nghe như ngày nào cũng ứng lên những tụng ngôn của các loài chim, của các dòng suối, và của những buổi ban mai những người làng đứng nhìn mặt trời lên và rỉ tai nhau, không dám nói to vì sợ ai đó nghe được điều tối mật, rằng, nó vẫn chưa rời bỏ làng ta, nói ra vậy, có nghĩa, vẫn còn tin vào sự hiện diện của mặt trời, việc rỉ tai nhau vào buổi sáng không phải chỉ ngày một ngày hai, mà đã diễn ra tử thưở mới chỉ có hai người buổi sớm mai đến ngồi nơi hòn đá trên suối Cuôi nhìn mặt trời lên một chặp thì xách rìu đi đốn cây rừng làm nhà ở, nó là người của mặt trời, người làng Rả nghĩ vậy, tổ tiên người làng Rả là người của mặt trời, ở làng Rả ai cũng nghĩ vậy, hóa ra, con người là sản phẩm của mặt trời, lũ em không nói với mặt trời đâu, lũ con gái đang giặt áo trên suối Cuôi hứa với tôi vậy khi con ngựa nòi phương đông của tôi đã lỡ lội xuống suối Cuôi dẫm chết con cá trươi đang đẻ trứng, mùa thu, lũ cá trươi đẻ trứng trên suối Cuôi, người làng Rả chưa biết làm ra thi ca, ru con chỉ rặt một câu hát về con cá trươi đẻ trứng: mặt trời sai mi xuống đây chi khổ cực, thay vì nói mang nặng đẻ đau thì nói khổ cực, mùa thu, lá đỗng lá ngũ rụng hàng loạt trên rừng, lũ con gái làng Rả giặt xong không chịu về, lại rủ nằm lên lũ lá rụng, tôi lại nghĩ ngợi nhiều về những vẻ đẹp trong trời đất, cũng chỉ là tưởng tượng, con người thì không đời nào thoát khỏi những nhận thức duy lý, tôi đang nghĩ về những thứ vẻ đẹp trời ban thì đám con gái làng Rả đang nằm trên lũ lá rụng bỗng ngồi dậy hết, nói, bọn em không nói với mặt trời đâu, bọn họ hứa, và nhìn tôi cười, còn tôi thì cứ thấy như thể đám con gái ấy đang bay lên cùng tôi và đám lá mùa thu, sáng ấy, tôi hứng thú ghi vào nhật ký hành trình: khi sự ẩn dụ cực thịnh thì thế giới trở nên đa nghĩa,
về sau, chuyện đường lên cổng trời choán hết ký ức tôi, còn bấy giờ, người dẫn đường tôi là một cô gái người Ru, người thông thuộc cả cách sinh nở khó khăn của loài bướm rừng, hay cả việc làm sao biết ba hôm nữa thì trời đổ mưa, thứ kiến thức bách khoa của một cô gái miền cao cứ làm tôi bối rối, vậy thì làm sao hiểu hết được thế giới đây, mùa xuân ở khu rừng cổ tích cứ làm tôi lẫn lộn giữa những hiện thực và giấc mơ, tự dưng, tôi cứ thấy mọi thứ bờ cõi như đang bị xóa nhòa, lũ bướm rừng cô gái miền cao nói cứ mỗi lần sinh là có thể chết như thể là sự thử thách tàn nhẫn của tự nhiên, lũ bướm bay rợp hai bên con dốc như để chào đón chúng tôi, nhưng khi có bóng đám mây bay ngang qua thì lập tức chúng biến mất, cái cách lũ bướm trốn vào đám lá cây rừng là cuộc chuyển động đầy quyến lực, ông không biết đó thôi, ở cổng trời người ta ăn được cả nắng gió nữa đấy, cô gái Ru chợt nói ra điều tôi chưa bao giờ nghe ai nói, thực ra, trước khi lên cổng trời, tôi có tra cứu sách Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng, thấy chỉ mô tả đường lên cổng trời phải vượt qua một con dốc cao, và ở cổng trời thì nhiệt độ luôn trên dưới 16 độ C, không thấy nói đến việc ăn nắng gió thay cho cơm gạo, nhưng em đã thấy người ta ăn các thứ đó chưa, tôi hỏi như để thăm dò một sự kiện có tính giả tưởng, và cô gái đã làm tôi hụt hẫng, em cũng chỉ nghe nói thôi, với lại đã ai lên tới cổng trời đâu, cô gái nói, nhìn tôi, cười, nàng hồn nhiên như thể chúng tôi là những người thân thuộc trong làng, tôi đã hiểu ra, mọi người chỉ đi tới đây thôi, chúng tôi đã dừng lại ở lưng chừng con dốc, nơi có cây thuôn đại thụ đứng bên đường, tôi nghe thấy có niềm cảm xúc thiêng liêng dấy lên trong lòng khi cô gái Ru dùng những ngón tay mềm mại của mình miết lên da cây thuôn đại thụ, nàng đánh dấu lần lên cổng trời của mình, những cái sẹo đã lành nằm chằng chịt trên da cây thuôn đại thụ, dấu vết của những cuộc tìm kiếm, đường lên cổng trời là cuộc tìm kiếm thứ sự thật chưa hề biết, tôi liền đọc cho cô gái Ru mấy câu định ghi vào nhật ký hành trình như thể để thăm dò nàng, thật ra, cho đến lúc ấy, tôi cứ nghe dấy lên trong tôi thứ tình cảm phức tạp đối với một cô gái miền cao hiểu biết quá nhiều như vậy, có phải là tôi đã đem lòng yêu nàng hay không: có một nơi nhìn thấy được diện mạo của sự thật/người mang vết sẹo trên da, đọc xong, tôi cứ cảm giác sợ hãi là mình vừa chạm vào một thứ thiêng thánh nào đó, ồ ông không biết đó thôi em cũng đầy những vết sẹo trên người, cô gái nói như thể để thông báo cho tôi biết về một bí mật nào đó, nàng hồn nhiên như thể cây lá đang vây phủ bốn chung quanh tôi, hay là đang có một cuộc chinh phục vĩ đại nào đó đang diễn ra, tôi nhìn nàng, nghĩ ngợi, và miết mấy ngón tay lên da cây thuôn cổ thụ, và nhìn lên đỉnh núi Kô, cổng trời, những đám mây xám mỏng la đà như những cánh cửa trời khép mở,
phù sa…phù sa,
tôi lén đọc câu thơ cổ viết về diện mạo của mặt đất giữa lúc các thứ thế giá lịch sử đang ập đổ
“ai dấu nhúm đất vào áo để chờ nhìn thấy hoang liêu”
thơ như thể là máu đã chảy ra khỏi cơ thể
ai nói đời trước không nhìn thấu đời sau
những tường trình của lũ ếch nhái về cảnh khô khát của đồng làng chẳng ăn thua khi mặt đất đã thay đổi cách thức tồn tại
và hầu như ở mọi nơi, cả bọn chủ đất lẫn bọn giết người đều đứng lên để tuyên bố về mình
ta là
ta là
ta là…
tôi đã nhìn thấy bọn hôi quyền hôi của uốn lưỡi để nói ra những lời nịnh hót
dường các nhà chép sử bỏ mặc cho sự diễn tiến của các thứ hình thù cát cứ,
ở làng tôi, mùa đông, đêm đến, thì lũ cuốc cứ gào lên trong các khu vườn, giá buốt đang tác động đến sự tồn vong của loài giống chúng
cái chết đang diễn ra khắp nơi
nhưng cái chết cũng chỉ là nỗi buồn trong vô vàn nỗi buồn con người đã tạo ra trong quá trình tồn tại của mình
nhưng dẫu gì cái chết cũng đánh thức được những kẻ cầm quyền còn có lương tri
ở quê tôi, đêm đến, những người cày ruộng khi đã đi vào giấc ngủ thì như thể là tập dược cái chết để rũ bỏ cho hết những nhọc nhằn
nhưng nhà ai trong thôn nửa khuya còn nghe tiếng khóc vậy nhỉ
tôi lại nhớ chuyện thuở trước
có kẻ sĩ nửa đêm còn đến gõ cửa nhà cầm quyền để nói về chuyện cơm áo:
các người có còn là con người hay không khi con dân của các người đang chết hàng loạt vì đói
thì tôi cũng mường tượng vậy
vì một kẻ sĩ thì phải nói vậy
những tường trình của văn chương triết học chẳng ăn thua trong một thế giới các thứ sự thật đã bị bưng bít,
các nền văn hóa sắp rã ra thành bùn đất
dung nham của thời đại,
và trong muôn nghìn lý do để sống người ta đã quên mất thứ lý do cốt tử là phải sống để biết mình là ai, và khi không biết mình là ai thì gọi là sự ngu xuẩn bẩm sinh, bản năng động vật đã ngồi vào chỗ chủ tể để thốt ra những lời trầm luân, khi tôi đến được hòn cù lao, châu thổ sông Mư, thì khu rừng trắm ở đó đã vắng bóng lũ chim lã, bỏ đi hết rồi, lần này đi là đi luôn đó, ông cụ gác rừng trắm nói với tôi vậy, rừng trắm ở châu thổ sông Mư là nơi cư trú của loài chim trời sách Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng gọi là hang động thiên thánh cuối cùng của thế giới, sách chép: đây là một quần thể chim hiếm thấy, Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng là cuốn sách kỳ cục, dường chuyện gì cũng có trong đó: điều mong mỏi lớn nhất của các vị thần sông Mư là một bầu trời có vô số các loài cùng sống trong một thế giới không lời, sự im lặng làm sản sinh sự thông tuệ, bỡi ngôn ngữ sau một hồi cãi vã nhau sẽ rơi vào suy thoái là trở thành vũ khí sát hại nhau, sự mong mỏi không thành, cuối cùng, các vị thần sông Mư quyết định hóa thành loài chim lã…hóa ra lũ chim ở khu rừng trắm ở hòn cù lao ấy là hậu duệ của các vị thần sông Mư, lũ chim kích động tâm trí tôi, tôi đọc Những Câu Chuyện Hiếm Thấy Thời Đại Lãng, và lũ chim nói trong sách cứ như một thứ tra vấn chết người, vậy thì các vị thần sông Mư cũng chỉ là thứ khái niệm mơ hồ về một hình thái tồn tại nào đó trong cuộc tiến hóa thầm lặng này, nhưng cụ có chắc là lũ chim bỏ đi luôn hay không, tôi hỏi ông cụ gác rừng và cứ mường tượng một ngày nào đó trong cuộc tiến hóa thầm lặng này lại xảy ra một cách thức tồn tại khác là các vi thần sông Mư lại quay về chốn cũ với hình dạng của lũ chim, ông cụ gác rừng bỗng buông tiếng thở dài, ngài cù lao trưởng của hòn cù lao này lệnh cho ta là phải ngày đêm lo đón khách đến tham quan rừng trắm, nay mai lũ chim sẽ quay lại thôi, ông ấy quả quyết vậy, ta không dám cãi, nhưng ta thì biết không đời nào lũ chim trở lại, ông cụ nói, và nhìn tôi với ánh mắt như đang giấu diếm tôi điều chi đó, tôi không thể không tò mò: nhưng làm sao cụ biết chắc là lũ chim không trở lại, tôi nói, anh cứ thử nhìn bầu phía trước thì rỏ, ông cụ gác rừng nói, tôi nhìn ra bầu trời trước mặt thì thấy một con chim to tướng đang ngự trên đầu khu rừng trắm trên hòn cù lao, con chim đang ở tư thế bay, là tượng chim lã sao, tôi hỏi, và nghe như có trăm nghìn nghi vấn trong lòng, ngài cù lao trưởng hòn cù lao này đã cho làm tượng con chim lã đó, lúc đầu, chỉ một vài đàn chim nhỏ bỏ đi, nhưng cho đến nay như anh thấy đó, chẳng còn mống chim lã nào, ông cụ nói, lại buông tiếng thở dài, tôi nhìn thấy ở ông cụ gác rừng không phải chỉ là nỗi buồn mà còn là nỗi thất vọng có tính bản thể luận, chẳng lẽ lũ chim bỏ đi là do tượng con chim bằng bê tông cốt thép, tôi nói, anh cứ mường tượng đi, anh có chịu nổi không khi bỗng có một con người bằng bê tông cốt thép xen vô giữa bầy đàn người của anh, ông cụ gác rừng nói,
buổi sớm mai ông cụ gác rừng ra đứng ở bờ sông Mư, thét, mi là thứ bóng tối ghê rợn đương không ập xuống hòn cù lao này, tôi cứ có cảm tưởng là ông cụ đang nói về ngài cù lao trưởng của hòn cù lao, người đã cho đúc tượng chim lã và đem đặt ngay giữa cuộc tuần hoàn, chứ gì nữa, nó là cuộc tuần hoàn vĩ đại, con sông Mư chảy đến đó thì tạo nên hòn cù lao, rừng trắm mọc lên, và lũ chim lã đến ở, sự sắp đặt của tự nhiên nó là cuộc phân phối ngẫu nhiên, hoành tráng và ngẫu nhiên, tự dưng có núi non, biển cả, những tọa độ cư trú, hưng thịnh và hủy diệt, cuộc sắp đặt nó là thứ cách thức làm cho máu chảy trong huyết quản con người, cho cây rừng lên xanh, và chim hót, nhưng nhịp điệu ấy lại là một thứ bi ca, một bài ca dài về nỗi buồn, bỗng một hôm có tin đất sụt ở đâu đó, và trong buổi chiều hôm có con chim lã đứng ở giữa rừng trắm của mình khóc, khóc chứ không phải hót, trong dòng chảy ấy là còn có sự đứt quãng như thể một thứ cách thức của ngu xuẩn xen vào cuộc sắp đặt của tự nhiên, ta phải nói cho cả thế giới biết chính là sự ngu xuẩn đã ập xuống hòn cù lao chân thật này, ông cụ lại thét lên, và bước dọc theo bờ con sông Mư, ông cụ định đi đâu vậy , tôi thấy lo ghê gớm, thì ra có một thứ ngu xuẩn nào đó đang phủ lên cuộc sống có vẻ êm đềm của hòn cù lao, nhưng ông cụ gác rừng định đi đâu, tôi thấy lo, và cứ có cảm tưởng như khu rừng trắm đang bốc cháy trong cơn giận dữ của ông cụ, lửa vẫn đang bốc cháy, và ông cụ vẫn cứ bước đi trong lửa, cuối cùng, ở nơi cuối chân trời, tôi không còn nhìn nhìn thấy ông cụ đâu nữa, chỉ có con chim, một con chim to lớn, không hiểu sao tôi cứ đinh ninh là chim lã, con chim đang cất cánh bay lên bầu trời đầy mây, hay ông cụ gác rừng lại là hóa thân của một thứ minh triết nào đó trong cuộc tiến hóa thầm lặng này, sáng ấy tôi hứng thú ghi vào nhật ký hành trình: lại có lời mừng vui thốt lên giữa miền khô khát,
lã ơi, thỉnh thoảng tôi nghe có người gọi tên chim như thể không còn phải giấu mãi nỗi buồn, ở miền châu thổ ấy, giữa người và chim là một cuộc tình, một cuộc tình làm bằng cách lặng lẽ, chỉ có thể nói như vậy về những cuộc tình giữa con người và trời đất, sự hình hành những tương quan như vậy không phải chỉ ngày một ngày hai mà có, cuộc tình ấy nó là một tập dược cho vĩnh hằng, con sông Mư chảy đến đó là tập dược cho sự hình thành một miền châu thổ, rừng trắm mọc lên ở miền đất đó là tập dược cho một cuộc cư trú, tự dưng người ta thấy có lũ chim kéo tới đó, ăn hoa trắm, ngày nào lũ chim ấy cũng ăn hoa trắm, và ở lại luôn ở đó, sáng nào cũng nghe chim hót, trưa nào cũng nghe chim hót, chiều nào cũng nghe chim hót, nghe chim hót riết rồi ai nấy cũng thấy yêu mến lũ chim, tự dưng ai nấy đều nghĩ lũ chim ăn hoa trắm là chim lã, phải, lũ chim trời ấy là chim lã, lại một thứ tương quan hình thành trong thầm lặng, một tập dược nữa cho sự vĩnh hằng, lã ơi, thỉnh thoảng tôi nghe có người gọi tên chim như thể không còn chịu đựng được nỗi buồn, không còn lũ chim lã, châu thổ sông Mư gần như đất không hồn, ánh nắng buổi sớm mai như thể thứ trinh tiết nghìn năm của đất trời phủ xuống hòn cù lao, tôi theo những người đi hái hoa trắm ra ngồi ở bờ sông Mư, quả tình, nổi buốn của miền đất ấy đã lây lan sang tôi, lũ chim lã không còn, rừng trắm cứ như một cõi cô đơn, như thể cầm nắm được sự lặng thinh của cây lá, không phải đâu, đấy chẳng qua là sự phóng chiếu của sự hụt hẫng quá lớn trong tâm thức của một miền đất đã bị hoen ố,
trong tận cùng của đất đai là nỗi hoài nhớ con người truyền đến tự hôm con chim ra ràng ngơ ngác nhìn bầu trời và ý nghĩa của một buổi ban mai hay cái dàn trải của những ngọn gió giao mùa cũng chỉ là cách nói về sự cưu mang của hoàn vũ, ở châu thổ sông Mư người ta coi đất đai của mình là chốn thiêng, có nghĩa con người nhỏ bé đã tìm được nơi trú ngụ trong cõi vô hạn của trời đất, tôm cá sẵn có trên sông Mư ngũ cốc làm ra từ mảnh đất phù sa nhỏ bé và khu rừng trắm đầy tiếng chim ấy cứ như thứ quà tặng bất ngờ con người ngay ngáy lo sợ bị mất đi, ngài cù lao trưởng hòn cù lao này muốn thay lũ chim biết hót đó bằng lũ chim làm bằng xi măng cốt sắt, người trên hòn cù lao nói với tôi vậy, châu thổ sông Mư quả đang trong sự phân rã, giữa người dân xứ sở và nhà cầm quyền đã có sự bất đồng trong cách nhìn thế giới, công cuộc trị nước có vẻ đang trật ra khỏi quĩ đạo an toàn, ồ, người ta đang bàn tán về người đứng đầu miền châu thổ, hòn cù lao như thể đang trong nỗi long đong, thứ vẻ đẹp sản sinh từ những yếu tố uyên nguyện [sông nước mang nặng phù sa, đất trụ trong yên định, rừng cây bộc lộ vẻ lãng mạng cổ sơ] dường đang bị phá sản, ở hòn cù lao ấy ai cũng cho việc chim lã bỏ rừng trắm ra đi là điềm gỡ, nói cách khác nó là tín hiệu thiên nhiên đang từ chối con người, thằng cha ấy đã học ở đâu thói sửa đổi cái này cái nọ khiến cho trời đất nổi giận, những lời bàn về ngài cù lao trưởng của các vị trưởng lão trên hòn cù lao như những đoán định mang tính tiên tri, nó là thời trời, sự phân rã đang diễn ra trên hòn cù lao là thuộc về thứ phạm trù các cụ gọi là thời trời, cái cách lịch sử lâu lâu lại xen vào dòng chảy của nó thứ yếu tố ngu xuẩn dẫn đến phân rã vậy đó,
trần tục hóa, rồi thần thánh hóa, cổ tích hóa, tôi làm đủ mọi cách, những xoay xở thi ca, vẫn không diễn tả được gương mặt của một vùng đất đương không trở thành mối u hoài trong nhận thức của tôi, châu thổ sông Mư mi có biết là người ta đang làm khổ mi hay không, những ngày ở hòn cù lao ấy, ý tưởng ấy cứ trở đi trở lại trong nghĩ ngợi của tôi, ngài cù lao trưởng của hòn cù lao vẫn nhân danh là đang làm rạng danh một vùng đất, ông đang cho thay thế lũ chim biết hót bằng lũ chim làm bằng xi măng cốt sắt, rồi mọi người sẽ thấy, cả thế giới sẽ kéo đến đây để xem công trình thế kỷ đầy sáng tạo của chúng ta, ông nói với đám dân của ông, theo lời kể lại, ban đầu ngài cù lao trưởng cho làm tượng chim lã bằng xi măng cốt sắt cốt để khoa trương một loài chim trời đang dưới quyền cai trị của mình, thằng cha ấy muốn cai trị hết thảy những gì đang có trên hòn cù lao này, từ con người cho đến cỏ cây chim chóc, các vị trưởng lão trên hòn cù lao dường không muốn giấu tôi điều gì, tôi, ông khách đương không lại có mặt trong lúc hòn cù lao đang gặp nhiều rắc rối, lũ chim lã bỏ rừng trắm ra đi là một cú đấm chí tử vào thứ quyền lực ngài cù lao trưởng của hòn cù lao cứ cố nghĩ là của mình, thứ quyền lực thường là thuộc về những tay chúa đất khét tiếng tàn bạo thời trung cổ, ô , có lúc con người ta lại quên khuấy là mình đang sống trong thời đại nào của lịch sử nhân loại [chữ của tôi, chứ không phải của các vị trưởng lão trên hòn cù lao] việc ngài cù lao trưởng của hòn cù lao cho thi công hằng trăm con chim lã bằng xi măng cốt sắt là để nói với đám dân của ông quyền lực của ông vẫn còn nguyên, châu thổ sông Mư mi có biết người ta đang biến mi thành vật tế thần hay không, tổ quốc đôi khi lại bị quyền lực đem ra làm vật tế thần, tôi ngồi ở bờ sông Mư nghĩ ngợi, mọi thứ rồi sẽ ra sao nhỉ, tôi cứ mường tượng ngày những con chim giả được đem trưng ra trên hòn cù lao: một cách thể hiện quyền lực của thời đương đại,
chỗ giáp ranh của những cuộc trác táng,
tôi cột ngựa ở ven đường, ghé vào miền đất ngả ngớn ấy, mùa thu, những con chim bay lạc có vẻ vẫn chưa hết bàng hoàng, tiếng kêu của chúng cứ như mớ cảm xúc rối rắm phát ra từ đám cây lá trong các khu vườn, đã đến kỳ phải được khai báo lại tất cả những chỉ số về sự phát triển của các loài cây ăn quả và các thông số về độ phì nhiêu của thổ nhưỡng, ngài tổng trưởng vừa mới ban hành công lệnh khẩn, rằng, từ đất đai, cây cối cho đến con người đều phải được kiểm định lại bằng cách kiểm nghiệm lại toàn bộ các cách thức biểu hiện bằng lời hay bằng các cử chỉ tự nhiên [đi đứng nhảy nhót nằm bò…] cây cối nó cũng có cách phản trắc của nó, hãy coi chừng, ngài tổng trưởng nhấn mạnh thêm trong công lệnh, chủ nghĩa hoài nghi có vẻ đang tác động một cách mạnh mẽ trong cách nhìn thế sự của ngài tổng trưởng, những người bán cao đơn hoàn tán có vẻ như để làm hài lòng ngài tổng trưởng đang cố cường điệu sức mạnh của các loại thuốc lên đến mức có thể [chỗ này dường như làm hài lòng ngài tổng trưởng sao đó nên chẳng thấy có phản ứng gì về phía nhà cầm quyền khi sự cường điệu ấy lại được nâng lên đến mức sai sự thật] và ở một cơ sở sản xuất nồi niêu bằng đất thì có thừa niềm cảm hứng giữa thời bỗng dưng có cuộc phục hưng trong quan niệm ăn uống bỗng các nhà tỉ phú các vị tai to mặt lớn đem đặt cái thú vui ăn cơm niêu lên bên trên hết thảy các thú vui đã có trong đời, anh có biết ngài tổng trưởng nói gì không: cái nồi nấu cơm bằng đất là đang mang trong mình nó tầm cao của thời đại đó, ông chủ cơ sở sản xuất nồi niêu bằng đất nói với tôi vậy, khi tôi đến đó thì ông chủ xưởng, một đại gia vừa từ sản xuất giày da chuyển sang sản xuất nồi niêu bằng đất, vừa mới đi dự hội nghị cấp cao về văn hóa ẩm thực của xứ sở do ngài tổng trưởng chủ xướng, mùa thu, những con chim bay lạc có vẻ còn nguyên niềm bàng hoàng, tiếng kêu như thể ẩn chứa những nỗi niềm cố quận, tôi đã lội bộ đến cơ sở sản xuất nồi niêu bằng đất và quay lại chỗ cột ngựa với thứ tặng phẩm danh gía đã được trưng bày ở hội nghị cấp cao về văn hóa ẩm thực: một cái nồi đun cơm bằng đất [ở nhà tôi, cha mẹ tôi vẫn còn giữ lại một cái nồi bằng đất như vậy như thứ kỷ niệm thời cha mẹ tôi đã sống] con ngựa nòi phương đông của tôi nhìn tôi với ánh mắt hơi bất ngờ [thì tôi cũng đoán vậy] tôi cứ muốn nói một câu cho thật kêu với con ngựa của mình: mi có biết ngài tổng trưởng nói sao về cái nồi bằng đất này không,
tôi cho ngựa vòng qua ngọn đồi nhỏ rồi xổ dốc xuống ngôi làng quê trông tựa một kẻ xấu số đang xỏm lên mặt đất mà nghĩ ngợi, quê ngoại tôi đó, làng thời nào cũng nghèo là xấu số chứ còn gì, tôi đang nghĩ ngợi về ngôi làng quê ấy thì thấy ông ngoại tôi đứng lên từ chiếc ghế mây đã cũ để giảng cho đám học trò của ông về hành tung của trời đất: nó là một cuộc gió bụi, chỗ nào cũng gió bụi, chuyện may rủi thôi, có kẻ ra đi thì trở về, có kẻ ra đi thì đi mãi…ông ngoại tôi là ông đồ nho dạy học trò đi thi, bỗng, tôi cứ muốn cường điệu hình ảnh về ông tôi, thật ra, trí nhớ của tôi về ông tôi là không đủ để cơ cấu một bài giảng mỗi một từ như thể dấu vết của một thứ thế giới rông lớn như vậy, nó là thuộc về cuộc hòa quyện theo cái cách mùa nắng mẹ tôi dẫn tôi dẫm lên con đường nhiều sỏi đá, con chim gõ kiến vừa lấy mỏ gõ lên cái bộng cây ở bên đường vừa nhìn chúng tôi, con đường vào làng nhiều sỏi đá với con chim gõ kiến dùng mỏ tạo ra thứ âm nhạc mưu sinh [gõ lên cái bộng cây có tổ kiến ở trong đó và lũ kiến con trào ra] với cái cách mẹ tôi vẫn lặng lẽ bước đi trước tôi là toàn bộ những gì thuộc về cuộc hòa quyện giờ đã trở nên thứ khái niệm dễ vỡ nhất, mi có biết là ta đang ngóng về xưa cũ hay không, tôi nói với con ngựa nòi phương đông của tôi khi chúng tôi đã đặt chân lên ngôi làng từng vang lên những lời tâm huyết của một ông đồ nho về cuộc chung đụng nghìn năm không mỏi giữa các sự vật trong trời đất, ngài trưởng xã đang chờ anh đấy, ông già bảo vệ thông báo với tôi, lần thứ hai tôi trở lại nơi đó theo lời hẹn giữa một người muốn viết một chút gì đó về quê ngoại của mình và một người là kẻ đứng đầu một đơn vị dân cư đang nổi tiếng với cái đề án “cấu trúc làng xã hiện đại” như mô hình mẫu trong công cuộc phát triển xứ sở, lần trước tôi đến đó thì đề án còn đang được in ấn, với lại cái cách ngài trưởng xã sử dùng qúa nhiều từ mới trong trò chuyện khiến tôi cứ thấy bế tắc: không thể hình dung ngôi làng quê bên ngoại của mình rồi sẽ ra sao, con ngựa của tôi dường biết tôi sắp tiếp xúc một sự việc quan trọng hay sao đó cứ nghểnh mòm lên rên ư ử, tôi vừa ngồi xuống ghế, ngài trưởng xã vào đề ngay: cuộc chiến chống đói nghèo là vô cùng gian khổ, nhưng chúng ta nhất định chiến thắng, anh cứ đọc công trình trí tuệ tập thể này thì rõ, ngài trưởng xã nói, và trao tôi cái đề án “cấu trúc làng xã hiện đại”, sau khi từ biệt người đứng đầu làng quê ngoại tôi, tôi đọc ngay trên lưng ngựa, ồ chữ với chữ, đề án dày một nghìn hai trăm trang: phồn vinh, nó là nguyện vọng thiết tha của đất nước, con chim muốn bầu trời của mình luôn rộng lớn, thượng tầng kiến trúc soi sáng cho hạ tầng kiến trúc, và hạ tầng kiến trúc soi sáng cỏ cây, tồn tại là một cuộc phong lưu khép mở là mối tình sâu đậm giữa những qui luật của tự nhiên và qui luật của con người xã hội, tồn vong như con ngựa bất kham…tôi đọc trang đầu tiên thuộc phần dẫn nhập của đề án và cảm thấy choáng váng, cái cách viết kế hoạch làm ăn mà như thể viết một bài ca với những lời lẽ đầy bông hoa của các vị chức sắc quê ngoại tôi khiến tôi cảm thấy choáng váng, hạ tầng kiến trúc soi sáng cỏ cây là sao nhỉ, ở chỗ giáp ranh của những kiêu căng ngu xuẩn thì hay dẫn tới chỗ sính dùng chữ nghĩa vậy đấy,
những con chữ ở đây là hệ quả của cuộc quần thảo mệt nhoài trong tâm trí tôi: viết thế nào về những miền đất như vậy [một câu hỏi như vậy là thường hay đặt ra với những kẻ còn có lương tri] đi một hồi người ngựa chúng tôi lại lạc vào một khúc sử hẹp, những ghi chú bên lề như thể hằng vạn con người xưa cũ cầm bút đứng chờ tôi…chuyện xưa như nước trôi về biển [cựu sự như xuyên trường phó hải/thơ chữ Hán của Ngô Thế Lân thời Trịnh Nguyễn] tôi cứ lẩm nhẩm thơ của Ngô Thế Lân như để lấy lại điềm tĩnh, con ngựa nòi phương đông của tôi có vẻ như hiểu được thứ sử sự đang diễn ra ở trước mặt sao đó cứ ghìm chân lại, không bước thêm bước nào nữa, những ghi chú như sấm ngôn: mùa thu, con cá hát, tiếng hát của lũ cá như những ngọn đao đâm nát cánh đồng làng, chỉ mới là cơn mưa đầu thu, nước xăm xắp chân lúa tháng tám, đồng Cộ như thể đang chứa chất trong nó cả cái tâm sự bất đắc chí của lũ cá và cả cái háo hức vào đời của lúa tháng tám, sá gì những lời lẽ làm như hoa gấm đang đầy đường, nghe lời hát lạ, thần sông Ngô sai người đi xem thử, đám đồ đệ đi về, nói, là tiếng hát của lũ cá trên đồng Cộ đó, thần hỏi hát gì, đáp, về con người đương đại, con người đương đại thì sao, thần lại hỏi, đáp, hôm trước nói bầu trời vô hạn, hôm sau lại nói bầu trời hữu hạn, bọn ngông cuồng chiếm hết chỗ đứng trong trời đất, nói năng xằng bậy, bất nhất, kẻ yếu thế chỉ còn biết im lặng, thế là tức giận sao gọi là hát, lại hỏi, đáp, ở đất Cộ hát là bày tỏ nỗi căm tức, tiếng hát có thể làm nát trái tim hoàn vũ, nhưng sao lũ cá lại đi căm tức con người, lại hỏi, đáp, một giống loài có bề dày tiến hóa như thế thì làm sao chịu nổi một giống loài sinh sau mình hằng triệu năm luôn ba hoa xách khóe ở bên cạnh mình…buồn, ghi chú lịch sử mà nghe buồn như buổi chiều mùa đông nghe chim bịp kêu mưa, tôi nằm dài lên yên ngựa, cho ngựa đi chầm chậm qua khúc sử hẹp, thỉnh thoảng lại ngước nhìn thử đất Cộ ở đâu sông Ngô ở đâu, nhưng chỉ thấy ở phía trước miền đất nhờ nhợ phân rác lẫn lộn với lương tri,
việc tôi nằm lại ở bến đò sông Ngô như thể một thứ phụ lục trong cuốn địa chí viết dài hơi, không thể sang sông vì con đò nhỏ không đủ để chở cả người ngựa chúng tôi, anh phải chờ thôi, ông lão lái đò nói, tôi hỏi thử đến bao giờ thì tôi và con ngựa của tôi mới có thể sang sông, đó là lúc sông cạn nước, ông lão đáp vẻ nghiêm túc khiến tôi phải nghĩ ngợi lung tung: thì cứ thử nằm lại ở đây một đêm, thấy thuận lợi, chờ tiếp, không thuận lợi, thì thôi, đêm, ông lão lái đò kêu tôi xuống con đò nằm với ông, có lẽ thấy buồn bực sao đó con ngựa của tôi ở trên bờ chốc chốc lại rên ư ử, anh có tính sang sông thiệt không, ông lão chợt hỏi khiến tôi thấy bối rối, nhưng sao bác lại hỏi vậy, tôi hỏi, cũng thử hỏi vậy thôi, ông lão đáp, tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì đó chẳng bình thường, từ lúc đặt chân đến bến đò cho đến lúc đó chẳng thấy ai sang sông, và ông lão thì vẫn ung dung chẳng ra vẻ một kẻ kiếm sống bằng nghề đưa đò chút nào, cho đến lúc đó tôi mới để ý, có thể về đêm chẳng ai sang sông, nhưng một cái bến đò thì phải ra vẻ một cái bến đò chứ, con đò tôi với ông lão đang nằm nghỉ nấp ở bên dưới lùm cây um tùm nơi cái bến nước hoang vắng, và con đường dẫn tới bến nước cỏ cao ngang gối, có chuyện gì đang xảy ra ở đây, ông lão tự nãy giờ tưởng đã ngủ bỗng ngồi bật dây, anh đang nghĩ ngợi về cái bến sông này chứ gì, ông lão nói, và nhìn ra mặt sông, tôi cũng nhìn ra mặt sông, hết thảy đều có vẻ yên tĩnh lạ thường, con sông không còn như lúc ngày còn nhìn thấy được cái cách ồ ạt vận chuyển những xác củi xác lá, đêm, măt nước trên sông như thể cứ loang loáng thứ sắc màu u uất, ta đã làm ra cái bến đò này, giọng ông lão bỗng như trẻ ra, tôi rời mặt sông, quay lại, thì cứ coi đó là một cuộc chơi phong nhã của tồn tại, bấy giờ tôi thành thật nghĩ vậy, bỡi bấy giờ trước mắt tôi ông lão đã hóa thành chàng trai trẻ, cũng chẳng phải phép mầu gì đâu, mà chỉ là thuật lại một quá khứ giông bão…ngày nào bọn họ cũng phun ra những lời lẽ đầy bông hoa để kêu gọi sự hy sinh và cống hiến, bọn ta, đám tuổi trẻ đang yêu cuộc sống mãnh liệt, kiến quốc nó là cuộc náo nhiệt nhất trong mỗi lịch sử nhân loại, bọn ta cứ lao vào, cho đến hôm ngoảnh nhìn lại thử thì thấy của cải đã về tay bọn họ, cả quyền lực cả sự giàu sang đều về tay bọn họ, người đói, những tiếng thét căm hờn, bọn đao phủ có mặt khắp nơi, đám trai tráng còn sức lực tản đi xứ khác kiếm sống, những người già thì tiếp tục nằm xuống, ta cũng già đi, nhưng vẫn nghĩ có ngày sẽ khác đi, ta dời đến con sông này, lập ra cái bến đò này, và chờ, chàng trai trẻ nói, tôi nhắm mắt, lắng nghe, và nghĩ ngợi, khi mở mắt nhìn thì mọi chuyện lại như cũ, ông lão lái đò vẫn ngồi nhìn ra mặt sông, bác vẫn định chờ ở đây, chẳng biết ông lão chờ gì nhưng tôi vẫn cứ hỏi bừa như vậy, ta phải chờ ở đây, không chừng ngày ấy con sông này cạn nước, ông lão nói, chờ gì, một người bạn, một kẻ thù, hay một bậc minh quân, tôi không biết,
con sông Ngô cứ như một khúc nước trời sinh ra để cưu mang một khúc sử chông chênh thống khổ, ông lái đò không chờ đợi được điều mình chờ đợi đã ngã xuống vào một ngày mùa thu giữa lúc những bà mẹ trong xứ sở đang ngồi khâu lại chiếc cúc áo cho con hay đang bối rối vì không nghĩ ra cách làm sao để may cho con chiếc áo mới, tôi chôn ông lão ở bờ sông Ngô, con ngựa nòi phương đông của tôi khóc, tôi chép vào nhật ký hành trình: nghĩa cử đúng nghĩa của một con người đúng nghĩa là không chịu chết vì tuổi già mà chết cho cuộc hành trình lớn nhất của nhân loại, chứ gì nữa, ai không tin thì cứ làm thử: lập ra một bến đò, và ngồi đợi điều mình chờ đợi, buổi sáng tinh mơ ta nghe được tiếng con mọt gỗ nơi cung đình của một triều đại đương đổ, đêm lại vỗ đá hát, những bài nguyệt tận, đó là giấc mơ của ông lão, tôi với con ngựa nòi phương đông của tôi còn đang đau buồn vì ông lão đã mất, bọn bồi bút của thời đại đã tràn qua sông Ngô, chưa bao giờ tôi nhìn thấy bọn bồi bút đông như vậy, hỏi ra mới biết bọn chúng tràn qua sông là để dồn sức viết về cái xứ sở ấy, chính là vì đọc những điều bọn bồi bút viết về cái xứ sở ấy mà ông lão lái đò đã bị sốc: sự có mặt của đất nước ấy như là sự thực thi sứ mệnh thiêng liêng của lịch sử, tiên sư cha chúng nó, lũ liếm đít vua, đọc xong lời chép trên, ông lão chửi, đã đến lúc bọn bồi bút đi ca ngợi lũ quỉ xâm lược đương đại coi như văn minh nhân loại sắp tắt, ông lão gọi cái đất nước đang mưu toan làm chủ thế giới ấy là lũ quỉ xâm lược đương đại, rồi mửa máu chết, bấy giờ tôi cũng chỉ nghĩ bồi bút đến vậy là cùng, cho đến khi nhìn thấy bọn chúng tràn qua sông Ngô người nào miệng cũng dính đầy máu tôi mới hiểu ra là bọn chúng ăn máu người để viết,
mùa thu như mũi tên bạc bắn trúng nỗi buồn của một người, sông Ngô dẫu gì cũng bị hoen ố khi bọn bồi bút của thời đại đã lội qua đó, ông lão lái đò cũng không còn, cái bến sông ông lão từng ngồi để chờ cứ như một thứ dấu vết khắc khoải sầu muộn trong tâm trí tôi, có hàng vạn cái bến sông trên hàng vạn con sông trên mặt đất, nhưng ở bến sông ấy, con đò đã quá cũ, người lái đò cũng đã quá cũ, câu chuyện chờ đợi cũng đã quá cũ, cũ chưa không phải quá khứ, tức, những cái đã lâu lắm, cứ vậy, cứ còn nguyên vậy, như thể không bao giờ cũ, trước sau vẫn như thế, như thể không bao giờ chịu từ bỏ, vẫn cứ chờ một thứ lịch sử khác đi, cái cách khi không chịu đựng nổi một hiện thực thì cứ đứng vào một thế đứng khác, để nhìn, đứng vào một thế đứng khác, chứ không phải ra khỏi thế giới, cái cách ông lão lập ra cho mình một cái bến đò để chờ là cứ đứng trong thế giới mà nhìn: khi quyền lực không còn trong tay lũ người ngu dốt hèn hạ, mọi trí tuệ đều bình đẳng, bọn ta ôm nhau nhảy múa dưới ánh mặt trời, đó là hoài bão cũa ông lão [về sau tôi thường hay nghĩ ngợi, hay một nền minh triết xưa cũ nào đó hóa thân thành toàn bộ câu chuyện ông lão đưa đò ở bến sông Ngô] tôi dắt ngựa ra đi trong tâm thế một người vừa mới lạc vào cái bến nước cứ lặng đi thứ cung bậc ngổn ngang, không phải âm nhạc của mô tả giai điệu, mà mô tả bất trắc, ta cứ ngồi ở đây chờ cho bọn người quái đãn kéo ra khỏi thế giới, bầu trời sẽ dịu lại, đó là âm nhạc của ông lão lái đò ở bến sông Ngô, mùa thu, lá chết, điểm nhấn của hoàn vũ nhắc nhở về sự tàn lụi, chứ gì nữa, cá trên sông Ngô vẫn tiếp tục ngã chết, sau bữa đám bồi bút của thời đại lội qua sông thì cá trên sông Ngô ngã chết hàng loạt, sự tệ hại của con người đôi khi trở thành độc tố liên lụy đến sự sống còn của những giống loài khác,
những cung đường lạc điệu cứ lan dần trong cuộc sống như thể đến lúc thế giới phải chứng kiến cuộc chuyển động chưa từng có, cuộc chuyển động làm rối rắm các thứ qui trình bấy lâu con người tự thiết lập như những hoài bão, trong đó, lũ thằn lằn, ví dụ vậy, nghe nói là hậu duệ của loài khủng long khủng khiếp, không còn chắc lưỡi nuối tiếc, mà nhảy cẩng lên hò reo vì nghe đâu tổ tiên chúng đang sống lại, không phải qui hồi vĩnh cửu đâu [trở về cái vĩnh hằng] mà là đang phục hồi [quày lại] những cuộc trác táng xưa cũ, giờ thì bầy đàn người đông nghịt là đang hóng mắt chờ một thứ phép màu để giải trừ sự phân hóa trong cách nhìn thế giới, giải trừ sự cố thủ như thể giải pháp tồn tại thời đương đại, bà chị bán rau cải ngoài chợ cố thủ trong cuộc buôn gánh bán bưng, một vị thủ lĩnh bầy đàn cố thủ trong quyền lực cai trị, thậm chí, kẻ ăn xin cũng phải cố thủ trong cảnh vô gia cư của mình, như thể không còn chút khoảng trống nào cho những tiếng hát trử tình, đêm mùa hạ bỗng nghe có tiếng sấm trời, ví dụ vậy, cứ tưởng sắp nhìn thấy một vị homosapiensapien nào đó, người có trái tim khổng lồ đã từng đọc tuyên ngôn độc lập của loài người, nhưng không phải, sáng hôm sau là bọn ngông cuồng của thế kỷ đăng đàn diễn thuyết, bọn họ phun ra hằng nghìn thuyết lý, mới toanh có, ăn cắp của người trước có, những thuyết lý làm đảo lộn toàn bộ văn hiến nhân loại đã được dựng lên trong nhiều thế kỷ, giờ thì tín hiệu về những cuộc trác táng nhiều như lá mùa thu, vào những hôm tôi và con ngựa nòi phương đông của tôi lạc vào những cung đường lạc điệu, nghe buồn như thể chúng tôi đã bị hất ra khỏi thế gian,
cuộc hành trình đến ngày thứ một trăm lẻ một thì tôi và con ngựa của tôi bị chặn lại ở cái hẻm trời ấy, đang tiết hạ, cứ chập chờn trong đầu tôi thứ thi ca bảy chữ tám câu viết về bốn mùa, hạ ăn măng trúc, hạ tắm ao…cũng không biết là tôi nhớ có đúng không, mà lũ bướm trắng thì cứ chập chà chập chờn trên đầu tôi như thê là tôi đang trong mộng, không phải thấy mình hóa bướm, mà thấy mình như thể đang bị lũ bướm trời chặn lại [bướm hiện/ khe trời mở] tôi gọi chốn đó là khe trời, bỡi thứ cảnh trí cứ bày ra hun hút như một đường hầm vô tận, và ở đầu kia là thứ bóng dáng nửa tan nửa đọng, không phải là quá khứ đọng lại, mà là mai sau không còn được bảo chứng, không còn được ghi nhận, hiện thực đang bị thả nổi một cách không thương tiếc, không còn có khẳng định, phủ định, hết thảy chìm trong bất định, một cõi trần ngút bụi, trong thứ khe trời nhợt nhạt sức sống ấy tôi đã nhìn thấy gương mặt nghiêm trang của ngài trưởng ấp như một tòa cổ kính bao gòm cả những nét khắc bất tường nhất [thử vẻ nét không tài nào hiểu nổi] và cả thứ khí vị nghìn năm không đổi của một bậc đế vương thời bầy đàn vừa mới nghĩ ra được thứ mô hình đó, các anh là ai lại xông vào nơi đang trong thời kỳ đang phát triển, ngài trưởng ấp nói, giọng nói của ngài ấy như thể là đang toát lên mùi kiêu ngạo, có thể nói là tổ tiên đã hổ trợ để tôi có được những lời vững vàng như vậy, thưa ngài trưởng ấp, chúng tôi là những thông tín viên của thời đại [ chúng tôi ở đây là gòm tôi với con ngựa của tôi] vậy là các anh phải đưa tin cho trung thực đó, đạo đức của kẻ viết báo thời nay là gì các anh biết không, là lòng trung thực đó, ngài trưởng ấp nói, và đưa tôi tờ giấy, trước khi tác nghiệp các anh phải kê khai đầy đủ lai lịch của các anh đó, tôi nói tôi sẽ kê khai đầy đủ về mình, nhưng con ngựa của tôi thì không thể vì nó là ngựa, anh là chủ ngựa nên có bổn phận kê khai về ngựa, ngài trưởng ấp nói, và vẫn ngồi yên ở chiếc ghế có chạm hình lũ cua biển hai càn tám que ấy để chờ, tôi viết vào tờ khai cho ngựa: nòi A rập xê út, sinh khoảng năm 1802 [tôi nhớ được vì năm sinh của ngựa là trùng với năm lên ngôi của một vì vua ở đất nước tôi] từ A rập xê út chuyển về nơi ở mới, nơi ở thứ hai , bằng con đường xuyên Á, ngài trưởng ấp xem xong tờ khai, quát, anh đã bị tiêm nhiễm chế độ vua quan thối nát từ con ngựa này, biết chưa, ngài ấy quát như vậy rồi sai quan coi ngó an ninh chính trị của ấp đuổi chúng tôi ra khỏi chốn ấy, sinh đầu thế kỷ 19 tất phải trải qua các chế độ vua quan, nhưng ngựa mà cũng bị ảnh hưởng các chế độ chính trị ư, tôi dắt con ngựa nòi phương đông thân yêu của tôi lủi thủi ra khỏi cái hẻm trời ấy, trước thứ thế giới gần như bại liệt như vậy tôi cứ có cảm tưởng như thể nhận thức của tôi vừa bị đánh cho một trận nhừ tử,
con người luôn cảm thấy mình bị thương trong thế giới đang sống, thứ cảm thức khốc liệt ấy cứ như cơn bão quét qua thời đại, văn chương triết học không còn gánh nổi nhiệm vụ tường trình về các thứ hình hài của cuộc sống, thời như thể chỉ có những sai lầm tiếp nối nhau [những thiên niên kỷ con người viết được lịch sử cứ trôi qua, các thứ trước tác về các thứ đạo lý làm người chất đầy trong các thư viện, các nền văn minh vẫn cố thúc đẩy cuộc sống con người tốt đẹp hơn, nhưng con người vẫn cứ thích làm thủ lĩnh bầy đàn, vẫn cứ thích man rợ, cứ như thể, trong buổi đầu, tổ tiên homosapien chúng ta đã có những trục trặc nghiêm trọng nào đó trong các cuộc giao phối làm ra nhân loại nên đã sản sinh ra những thằng người cầm đầu bầy đàn muốn đi xâm chiếm những bầy đàn khác, những thằng người có trái tim chó…] nhân loại là đang hồ nghi chính sự tồn tại của mình, nhưng ở miền đất có màu nắng trời ấy đã làm cho nghĩ ngợi của tôi hòa hoãn hơn, không phải là tôi đã trò chuyện với một nhà văn hóa hay một nhà nghiên cứu gì đâu, cách trồng sắn này là ông nội tôi truyền cho cha tôi rồi cha tôi truyền cho tôi, chú Bảy Quợt ở làng tôi nói với tôi vậy, tôi đang trò chuyện với một người trồng sắn, tôi gọi quê tôi là miền đất có màu nắng trời, bỡi, có vẻ như mọi người ở đây đều cho rằng con người sống được là nhờ có nắng mặt trời, phải đặt cái hôm sắn xuống luống đất không ướt lắm không khô lắm, nứt mầm được là nhờ nắng mặt trời đó, tôi nghe chú Bảy Quợt ở làng tôi nói về cách làm sao cho cái hôm sắn mọc lên thành cây sắn, một bài luận về sự sống và ánh mặt trời, một thân cây sắn đem chặt ra thành những đoạn nhỏ gọi là hôm sắn, đây là loài thực vật không gieo trồng bằng hạt mà bằng thân cây, đất không khô lắm không ướt lắm cộng với nắng mặt trời sẽ làm cho thân cây sắn trở thành cây sắn, đã đến lúc các nhà huyền học phải định nghĩa lại thế giới, để bớt căng thẳng đầu óc trong thứ thế giới gần như bại liệt ấy, tôi và con ngựa nòi phương đông của tôi lại quày lại quê nhà để trò chuyện với ngưới trồng sắn,
và đấy lại là đường biên khác, một câu chuyện khác,
câu chuyện về một người không còn biết tuổi của mình, thì ta vẫn mưu toan làm sao tả cho được gương mặt thế giới ghê rợn này, cái thế giới gần như bỏ đi, có ta trong đó, hắn vẫn nói với mọi người như thế, hắn phủ nhận tuốt hết, trong đó có hắn, tôi đến chổ hắn vào lúc ký ức của hắn đương phồng to lên như sắp vỡ, thời gian nơi hắn ghê gớm thật, tôi nhìn thấy có một mảnh đang trồi ra, rướm máu, có đau lắm không, tôi lo lắng hỏi, đau gì, ta là một thứ vết thương không bao giờ lành, hắn nói, và giở áo cho tôi xem, không còn là thịt da con người, chỉ thấy những vết sẹo lớn nhỏ chằng chịt nối nhau, hệ quả của lời thề của lão ta đó, hắn bắt đầu tuông ra những lời lẽ đầy tố chất của thứ thời gian biệt lệ, thứ thời gian bị nhàu nát bỡi bàn tay của lũ người ngu xuẩn và độc ác, bao nhiêu thứ đã bày ra đó, ba chương trình một hành động này, sáu cách bước một con đường này, rồi có kỷ thuật, có kỷ luật, có kiểm tra, giám sát, bao nhiêu thứ đang bày ra đó, cứ đi cày khắc biết cách cày, đằng này, lão ta với đám đồ đệ lão ta cứ chúi mũi vào cuốn kinh cũ nát ấy, cái cuốn kinh dạy nghĩ ngợi theo nhị nguyên địch ta, mưa tuông thù hận, bọn ta vừa đi cày, vừa đi làm đường, vừa đi xây hồ chứa nước, vừa đi xây biệt phủ cho bọn chúng, còn bọn chúng thì ngồi nhà nặn ra bao nhiêu thứ chương trình, nghị sự, kể từ hôm lão ta đặt tay lên cuốn kinh ấy thề thốt sẽ trung thành với tổ tiên, trung thành với xứ sở, thì những thứ gọi là kế sách, quốc sách luôn xối xả lên đầu dân chúng, hắn chợt thôi nói, rên rỉ, tôi cứ sợ hắn có mệnh hệ nào, có đau lắm không, tôi lại lo lắng hỏi, đau gì, ta là một thứ vết thương của thế kỷ, hắn nói, và giở nách của hắn ra cho tôi xem, tôi cứ có cảm tưởng khối bầm tím nơi nách hắn như đang phồng to lên, khi bắt đầu xây biệt phủ cho lão ta thì nỗi căm hờn của bọn ta cứ muốn trào ra khỏi mắt, bọn ta bàn tính nhau, nếu để lão nhìn thấy thì cả bọn bị giết chết, bèn đồng tình với nhau là cứ tạm dấu nỗi căm hờn vào nơi kín đáo như thế, hắn nói, và nước mắt trào ra,
có một mảnh ký ức khác của hắn trông giống một sự lầm lẫn tệ hại nào đó, nhưng không phải, chỉ là một vạt bụi và những lời nguyền rủa như thể cách thức một người đang trong tù ngục muốn thoát ra bằng cách cứ gào lên những lời báng bổ [ngày ngày hắn vẫn gào lên như thế] hắn ngồi trong bụi bặm, và chờ, chuyện, không phải mười năm, hai mươi năm, hay năm mươi năm, bao nhiêu năm hắn chờ cũng được, chuyện, cuối cùng là hắn có thoát được tăm tối hay không, hắn bắt đầu hoài nghi tương lai của xứ sở và tương lai của đời hắn từ hôm bọn ngông cuồng của thời đại đem dán khắp nơi bài hịch gọi là khơi động lại xứ sở, tất cả hãy cùng tiến lên, câu sau cùng của bài hịch mấy trăm chữ, hắn đọc một lượt từ đầu tới cuối và nhận ra sự dối trá của lịch sử [cái đang diễn ra là cuộc đánh cắp quyền lực lớn nhất lịch sử, có quyền lực để có tất cả, mọi tài nguyên của xứ sở đang trong tay bọn ngông cuồng của thời đại, thì tất cả chỉ cùng tiến lên trong chữ nghĩa] không đi lại nữa, hắn lẫn vào bụi bặm, và chờ, thời gian bắt đầu gặm nhấm hắn, thời gian bắt đầu gõ lên ký ức hắn, tuổi thơ ư, cái khoảng ngắn ngủi ấy đẹp vô tận, lỗi lạc vô tận: hắn luôn cảm thấy hắn có thể cỡi mây gió dạo chơi tận các ngõ ngách xa xôi của chốn thần tiên [vân du] hắn luôn cảm thấy cuộc đời hắn là thuộc thứ lớp sang trọng nhất, kiêu kỳ nhất, tức bảnh nhất, hắn cỡi lên hết thảy các thứ lớp khác [cả người già cả trẻ nít còn bú sữa mẹ và cả những người biết cày] hắn có thể bay, chạy như con chim trời hay như con thú hoang, biên giới bay chạy của hắn là vô biên, và giờ thì hắn đã nhận ra, khi ngồi giữa bụi bặm và chờ thì hắn đã nhận ra cái khoảng ngắn ngủi ấy [tuổi thơ] chỉ là kiểu khích lệ tàn nhẫn của tạo tác: ta cho lũ các người một chút niềm vui cẩu thả và sau đó là bụi bặm, giờ thì hắn biết cuộc đời hắn đã bị gói gọn lại trong một vạt bụi, và chờ,
có một mảnh ký ức của hắn nhàu nát trông buồn như buổi chiều đông gió bão vừa mới quét ngang qua cây lá trong vườn, hắn biết, quá rõ nữa là khác, nhưng biết cũng chỉ để mà biết, rằng, thứ hồn cốt của buổi mới chào đời, cái hiện hữu tình cờ ấy không còn nữa, hết rồi thuở hồn nhiên trinh trắng, thỉnh thoảng hắn lại sở lên ký ức hắn, lại hoảng hốt, khi hiểu ra cái ngẫu nhiên cứ dần biến mất, sáng ra tự dưng có con chim đứng hót trên cây gòn trước ngõ, hoặc, nửa khuya chợt nghe có tiếng con gà gáy sáng, hắn cứ thấy hoảng hốt khi nghĩ đến lúc những thứ chẳng có mưu đồ nào cả như vậy lại biến khỏi trần gian, hắn biết, quá rõ nữa là khác, là gần cả cuộc đời hắn lưu lạc trong cái tất nhiên bất trắc, lưu lạc trong cuộc nhào nặn tàn nhẫn, có thể, cuộc hải hồ này [cuộc nhào nặn này] tạo tác đã giao hẳn cho nhân loại, các anh cứ việc mà nhào nặn theo cách của các anh, không cần đến sự giám sát của ta, có hôm, hắn nằm nghe tạo tác thổ lộ với con người, nó là một cuộc chơi bài bản nhất xưa nay, hắn biết, quá rõ nữa là khác, hắn biết lịch sử là cái lò nung vĩ đại để nhào nặn nhân loại cho thành ra những thứ vật thể có tên là bi khúc, hay bi thương, hay bi tráng, có khi nào thấy mây bay ở trên đầu mà buồn không nhỉ, có khi nào nghe ai đó gọi tên con người là khúc hải hồ linh láng nỗi buồn mà không còn muốn bước nữa không nhỉ, ngay buổi đầu tiên đến trường làng hắn đã nghe thấy bài luận về tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu là thứ ngẫu nhiên, hay thứ nắng trời, hay gió trời, sương trời, bay bỗng giữa thinh không, lượn lờ trong gió cát, nay lại đắm chìm trong những luận giải kỳ khu của nhân loại, các anh cứ nhào nặn theo cách của các anh đi, con người là đang làm theo lời đặn dò của tạo tác, trong các lý thuyết về công dân, hay trong các học thuyết về xã hội, người ta vẫn bảo là phải yêu quê hương như thế đấy, phải yêu tổ quốc như vậy đấy [giờ, thì đám chủ đất xấu xa ngu xuẩn cũng có thể lên tiếng dạy đời/trí tuệ nhân loại đang bị vấy bẩn/cuộc tiến hóa của các loải đang bị báo động/ dường chẳng còn mấy ai nghĩ đến chuyện phải tự cứu lấy mình…] lịch sử đang trở thành thứ lò nung hiện đại để nhào nặn cái hiện hữu tình cờ [con người trong bản thể chân tình của nó] thành ra những hiện hữu tất nhiên [con người đã trải qua cách dòm ngó của lịch sử] hắn vẫn nằm yên ở đó, thỉnh thoảng sờ lên ký ức của mình, và hoảng hốt,
có một mảnh ký ức của hắn tiều tụy như con chim đang trong mưa bão, thì hắn là con chim bị thương chứ còn gì, hắn không thể nào quên buổi chiều mùa đông ấy, không phải mưa gió ngăn cản bước chân hắn, mà là một thứ thế lực khác, cái bóng đen, phần chưa hiểu hết của thế giới, một thứ hố thẳm, chỉ có thể nói được chừng ấy về thứ vật thể tăm tối lầm than đã có mặt tự buổi mới phân chia thế giới, nó chận bước chân hắn lại bằng cách từ xa vẳng lại thứ âm tiết nhờn nhợn nỗi buồn, hắn nghe có nỗi buồn ập xuống đời mình, rồi hắn cảm thấy đôi chân mình nặng trĩu, hắn quị xuống đường, về sau hắn có thử hình dung lại, nhưng chẳng thể, làm sao hắn lại có thể hình dung được chỉ loáng cái thứ âm tiết đen ấy lại có thể làm hắn gục ngã, như thể thứ âm vang đương đại đầy bí ẩn ấy hút hết sức lực của hắn, và hắn chỉ còn biết giương mắt nhìn bọn họ đến bắt hắn nhốt vào chiếc lồng nhôm nhựa ấy, và việc chiếc lồng làm bằng nhôm nhựa thì chẳng làm hắn ngạc nhiên chút nào, đây là thời văn minh nhôm nhựa, chiếc lồng nhốt hắn làm bằng nhôm nhựa là phải thôi, ngươi cứ ở đó mà nhìn bầu trời cao trên đầu, đó là lệnh, nói theo kiểu cũ thì đó là viên cai ngục, người đã lệnh cho hắn như vậy, nhưng theo ngôn ngữ đương đại thì người ta gọi ông ấy là nhân viên kiểm tra tiến trình tiến triển của tư tưởng, có nghĩa, ông ấy là người theo dõi nghĩ ngợi của hắn, và chính là tình hình đó đã an ủi hắn, khi hắn rảo mắt nhìn bốn chung quanh thì thấy có rất nhiều ngưới bị nhốt vào lồng như hắn, bấy giờ, thật lòng hắn cũng có nghĩ như thế thật, rằng, cũng phải tới buổi người ta xem xét tư tưởng của mình chứ, nhưng người phụ trách việc phân phối thực phẩm làm hắn phân vân, người ta gọi người hằng ngày mang thức ăn đến cho hắn là nhân viên phân phối thực phẩm [ôi thời buổi người ta sính chữ nghĩa ghê gớm/ hắn than thở vậy] ngay bữa đầu tiên hắn cũng đã nhận ra là người ta cho hắn ăn những gì, này, một chút mùi vị đường bột với chất béo nhé, nhưng phần lớn là thứ hương vị nhôm nhựa, cũng phải thôi, thời văn minh nhôm nhựa thì thức ăn cũng bằng nhôm nhựa thôi, hắn nghĩ, và chẳng ngạc nhiên khi ngày ngày hắn phải ăn nhôm nhựa, ngươi cứ ở đó mà nhìn bầu trời cao trên đầu, mỗi ngày, người cai quản tư tưởng của hắn nhắc câu ấy hai lần, và nhân viên phân phối thực phẩm cũng mang thức ăn đến cho hắn hai lần, điều làm hắn phân vân là lắm lúc nhận thức ăn qua một cái lỗ bằng lỗ chó chun khoét ở đỉnh lồng hắn cứ thấy tủi thân, rằng, hắn có vẻ cũng giống với một con vật, chẳng lẽ những người cai quản hắn xem hắn như một con vật hay sao, một hôm hắn phát hiện thấy râu của hắn đã mọc lan xuống tới ngực, nhưng xem kỹ không phải, lông chứ không phải râu, lúc đầu hắn có hoảng hốt, nhưng dần dà hắn cũng quen với cảnh ấy, nếu như ta có trở thành một con khỉ lông lá đầy mình thì cũng chỉ là lúc trở về với cách thức của tổ tiên mà thôi, tự dưng, bấy giờ, hắn rất tin giả thuyết tổ tiên loài người là loại vượn, rồi hắn đã thành một con khỉ lông lá đầy mình thật, tốt quá, nhà người tiến bộ nhanh quá, nhân viên kiểm tra tư tưởng của hắn khen hắn, rồi thả hắn ra khỏi lồng, giờ thì người có thể trở về với tư cách là một công dân tốt, ông ấy nói, hắn chạy một mạch về quê, nhảy ùm xuống con sông quê để nhổ cho hết lông lá trên thân thể hắn, bấy giờ thì đã bước sang thế kỷ khác,
có một mảnh ký ức của hắn làm hắn đau nhói, cứ nhớ đến sự hiện hữu của mình là hắn lại thấy hắn đang rã ra thành những đoạn khúc [những trường đọan buồn vui] như thể một thứ vật thể đang trong thời kỳ rữa mục, chứ gì nữa, hắn thử sờ lên trái tim hắn, thì thấy những đường gân thớ thịt, thứ tế bào của sống ấy, cứ từng mảnh từng mảnh bung ra, chẳng lẽ đây là giai đọan chót của cuộc đời ta, lại kết thúc một cách bi đát vậy sao, hắn nghĩ, và cảm thấy rất buồn, vội vã dùng hai bàn tay yếu ớt của mình để ấp ủ trái tim thương tích, xin cho con một chặp nữa, hắn thầm khấn kẻ đã cứu sống hắn hôm ấy, cái hôm như thể một thứ thời tính dơ bẩn nhất trong chuỗi thời gian vô tận, bọn ngông cuồng của thời đại đã đè hắn xuống, nhét vào miệng hắn thứ học thuyết dơ bẩn nhất trong các học thuyết loài người đã nghĩ ra được, học thuyết về cách đi bốn chân còn gọi là biện chứng pháp của tồn tại, hãy thôi đi bọn người có trái tim gỉa, một ông lão râu dài quá gối đã hét lên thế, nói tóm, kẻ như là thứ sức mạnh cổ điển đã cứu hắn, xin cho con một chặp nữa, hắn lại khấn, thật ra, tham vọng bất tử ngày ấy của hắn đã ra khỏi hắn từ lâu, giờ, hắn chỉ hy vọng kẻ ấy giúp hắn sống thêm một chặp nữa, cái phía trước, tương lai, hắn gọi là một chặp nữa [ôi phù du nối tiếp phù du/ hắn luôn than thở thế] vào cái buổi sáng chạy trốn cơn mưa bất chợt tháng sáu, hắn lại gặp người tình cũ của mình ở bụi duối trăm năm tuổi chỗ đầu làng, mỗi lần nghĩ đến sự hiện hữu của mình em lại thấy em đang rã ra thành những đoạn khúc, nàng nói, và ôm ngực rên xiết, hắn biết chứ, nàng cũng như hắn là đang mang trong mình cơn bệnh của thời đại, cuộc tình của hắn và nàng đã tàn rữa từ lâu, giờ thì cả hai lại đang trong một cuộc tàn rữa khác, nàng lại lăn ra đất, rên xiết, hắn không còn chịu đựng nổi, chạy trốn khỏi nàng, từ hôm đó, hắn đóng cửa ở trong nhà đọc bi ca:
những lời ấy bay tận chốn trăng sao, về nỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy những nhịp điệu kỳ quặc của nắng mưa, về thói tham lam của loài bướm, hay về cái buổi chiều mưa nhìn thấy mây bay lại buồn, người ta vẫn đốt đuốc đi tìm, những lý lẽ vẫn còn kẹt giữa những tảng đá vô tri nơi bờ suối, đau khổ và hạnh phúc là như thế nào nhỉ, buổi chiều hôm người ta vẫn còn ra đầu ngõ nhìn ráng chiều để đoán vận mệnh của cuộc cơm áo, bỗng áo xiêm chen nhau trên con đường lên đồi Acropolis, Athens…Athens …mi sáng lòa một cõi, cuộc hội tụ ngôn ngữ nghìn năm một thuở, đã thấy được tiếng gà gáy giữa hừng đông, hoan hô chân lý, nước chảy, hoa trôi, ai cầm nắm trong tay cuộc chuyển dịch, ai, những bóng dáng khổng lồ bên bờ vịnh biển, và vang động những tàng thư các, sách vở là núi non của trí khôn nhân loại, nhưng gươm đao lại nổi lên, cuộc tung hoành ngu si của nhân loại đã đốt cháy bao nhiêu sự tích,
[trên đây là bi ca Hy Lạp cổ đại]
và những ngôi nhà bằng bùn, ai nói đấy không phải là thiết kế đầu tiên của trí khôn nhân loại, ai nghe nước chảy trên sông Tigre mà khóc, giữa hai con sông buổi sơ kỳ là chốn trú ẩn của một cuộc trường chinh lỗi lạc, mộng chinh phạt hoàn vũ dấy lên như những ngọn đuốc cháy sáng trên những đỉnh non cao, đi, và đi, và đi, có ngu xuẩn ngăn cản, nhưng bước hải hồ vẫn còn nguyên thứ háo hức của tia nắng mai giữa buổi gió mưa lung lạc, vẫn còn nguyên thứ day dứt trẻ thơ, sức bé nhỏ mà khi đứng giữa trời đất bao la cứ muốn hỏi, cứ muốn biết, con người cứ lấp ló đằng sau cánh cổng trời khép mở vô chừng, chờ, và cứ muốn nói to lên những điều cuộc tuần hoàn cố bưng bít, Tigre…Tigre…mi có chở nổi sức người, có chở nổi tài nguyên văn minh của nhân loại,
[và trên đây là bi ca Lưỡng Há cổ đại]
ô hay, gió cuốn,
tôi đi tìm ngọn lửa, trong sâu thẳm của thế kỷ nó là giá buốt, thời như thể đóng băng cả những cơn giận dữ khi phải giận dữ, giữa những xáo trộn trong cách nhìn thế giới, tôi thử đi tìm một lời giải thích, nhưng anh là ai, người của năm châu bốn biển, hay của phía bến bờ ảo ảnh, có một người luôn chờ tôi để hỏi tôi những câu hỏi đại loại như vậy, những vấn nạn của thời đại là luôn bao gòm nỗi ưu tư dai dẳng và thứ màu sẩm tối như thể chúng ta đang trong đêm trường của thế kỷ, mỗi lần người ấy hỏi tôi những câu hỏi như vậy tôi lại cảm thấy vô cùng bối rối, lịch sử là gì nhỉ, có bao giờ ta lại bị cuốn đi như thứ xác lá rữa mục trong cơn lũ, tôi cứ bối rối suốt trên lưng con ngựa nòi phương đông của tôi trong suốt cuộc hành trình đi tìm một lời giải thích cho thời đại tôi đang sống, không phải đấy chứ, ở bên dưới những lề luật là những cuộc chuyện trò của những kẻ không biết giả làm kẻ bàng quang hay thực sự là kẻ bàng quang, từ trong sâu thẳm của thời đại nó là giá buốt, ngay buổi đầu, nhưng người đến dự họp nghị viện trên đồi Acropolis thực lòng muốn sắp đặt lại trật tự thế giới, Δημοκρατία/ Democracy/Dân Chủ, con người phải làm chủ cuộc đời mình, câu kinh Athens cổ kính càng về sau càng trở nên giá buốt, không phải đấy chứ, bên dưới những lý tưởng là những cuộc chuyện trò nhạt nhẽo của các chính khách, tự trong thẳm sâu của thời đại nó là cuộc phân hóa như thể không còn cách cứu vãn, không còn những rung động to lớn mang tính nhân loại, chỉ có những câu kết xã hội mang tính bè đảng, các thứ liên kết liên minh với những thuyết lý này nọ chỉ là những biểu hiện của một thế giới trong cơn phân rã, giữa giá băng của thời đại, tôi lang thang đi tìm một ngọn lửa,
có một người như vậy luôn chờ tôi, có khi người như ngọn đèn biển đứng gác cho những con tàu biển, đứng gác cho những cuộc hải hành, có khi người trần trụi như vạt đất quê, con chim chiền chiện lót ổ trên đó, lũ trẻ chăn trâu chạy nhảy trên đó, em bé học nói tiếng người trên đó, tôi đi, người đưa tay vẫy gọi, này, hãy đi về phía ấy sẽ gặp những ngôi nhà có mái vòm cổ kính lẫn những đường nét thẳng thóm hiện đại, nếu nghe thấy tiếng dương cầm có màu trăng non đầu tháng thì hãy quì xuống, cầu nguyện, thánh kinh của những kẻ không nhà đó, hoặc, này, hãy quay lại đi, không được bước tới bước nào nữa, bỡi ở đó bọn ngông cuồng của thế kỷ đang cướp bóc chỗ ở của nhân loại, làng xóm cháy, người chết, bọn chúng đốt trụi xóm làng để dựng lên những nhà xưởng làm ra các thứ binh thư, súng đạn và những lý thuyết về thù hận, chúng đặt tên cho các thứ chúng vừa dựng lên là văn miếu, là văn hóa, ở đó chỉ còn có bụi và nước mắt, hãy quay lại đi, và ngồi lên đỉnh non cao, hát bài nguyệt tận, nếu có bị áp bức thì cứ đứng thẳng lên nhìn ánh mặt trời, đừng sợ, cứ đứng thẳng lên, và chờ, đôi khi lời người nói ra như lời trăm năm về một thời nhân loại hưng thịnh lên, nơi đâu cũng có trường dạy về lịch sử văn chương triết học, đầy giẫy các bậc hiền nhân, hay về một khúc sử kiệt quệ cả cơm áo kiệt quệ cả nhân phẩm, đi đâu cũng gặp bọn gác đường, lũ tôi tớ ngu xuẩn trung thành với chủ chặn hết các ngả đi về phía mặt trời lặn về phía mặt trời mọc, chặn cả đường xuống biển, lên trời, đôi khi, người nhìn tôi thật lâu mới nói, những lời nói thơm mùi vĩnh hằng, đôi khi người nhìn tôi rồi rẽ vào một cổ thư và ở luôn ở đó,
.
người nhặt ra vài thứ gì đó của thế giới, nhìn ngắm, rồi mô tả theo cách của người, khởi thủy là những giọt nước mắt, người nhìn cách đi đứng của lũ gà trong vườn, và nói, tôi cứ mường tượng buổi chưa hình thành thế giới, cách nói của người cứ làm cho tôi phải từ khe trời này chuyển sang khe trời khác, mệt nhoài, con ốc sên không có con mắt, mò mẫm từ trong vô thức, ngồi lại và đi, ánh sáng với bóng tối, nhập nhòa những khái niệm, cũng chưa phải là mơ hồ, mà chỉ là những giấc thức mới toanh, bờ cõi bấy giờ nó chỉ là những giả dụ, người giả dụ cho tôi nghe về gã hát rong, bấy giờ gã chỉ là cái bóng nơi vách trời chưa thể khuyếch trương thành vật thể, người nhìn vào khoảng trống trước mặt, và nói, cứ giả dụ hắn là một đơn vị của thế giới, dẫu bấy giờ chỉ là khoảng trống, người bắt đầu mô tả thứ giả định theo cách của người, hắn bước đi từ cõi quan san nghìn dặm, không mắt, không mũi miệng, chân tay, chỉ có tiếng hát phát ra từ một cõi chưa bao giờ được nói ra: thế giới là mong mỏi của ta, hắn hát về một thứ bông hoa nở trái mùa, lập tức từ đó bước ra những con vật mình người đầu trâu có đầu chó có, tất cả đã để lộ ra tiền thân của những thế lực đen tối của thế giới, hắn hát về một sớm mai hồng, chợt nghe tiếng gió thoảng, và từ đó dấy lên những nguồn cơn mong nhớ, hình thù sớm nhất của những cuộc tình, gã là gã hát rong nên phải tan xương nát thịt cho việc hình thành thế giới, người nhìn khoảng trống ở trước mặt, và nói, cách mô tả thế giới của người cứ như những ẩn dụ sang trọng, mê cung của tri thức,
có lúc người vui, nói ra những lời biệt lệ, về những cuộc tình thuở còn trong trứng nước, người nói về giai nhân và những cung đường tráng lệ: nàng cúi xuống nhặt một mảnh trăng cất vào chỗ kín đáo nhất trong tâm tư của mình, đêm, ô hay, như có hàng triệu triệu hạt cát chảy trong nghĩ ngợi của ta, chẳng phải những gì xa lạ, mà như hết thảy những tháng năm thân yêu đang dồn tụ lại, tích tụ lại, nhập lại, chảy, nó là cung bậc của tình yêu diệu vợi, thứ tình yêu nguyên sơ không gì ngăn cản nổi, ta có nên tiếp tục bước đi trong tình cảnh này không nhỉ, nàng nghĩ ngợi, và quyết định ngồi nán lại giữa thứ thời khắc như thể nhịp điệu hải hồ của nước non, lũ chim ăn đêm đang đi tìm những khoảng sống theo cách của chúng, và những thao thức của đám sao trời lẽ ra không nên có vào lúc mặt trời phải chuyển đến những bến bờ khác như vậy, và sự lặng lẽ mỗi lúc như một tỏ rõ hơn, cách im ắng như thể đang được tinh lọc, một cuộc tuyển chọn chẳng theo qui luật nào cả, nàng lại sờ thử lên mảnh trăng vừa giấu vào chỗ huyền nhiệm trong lòng, một thứ thứ lớp của cảm xúc, hàng hàng dày đặc từ lâu vẫn được giấu kỹ tận chỗ sâu thẳm nhất của tâm tư, có chuyện gì đây, hơi xáo động một chút, như sự bùng nổ của thi ca, mỹ nhân hề, lại một bài hát dưới trăng… bỗng người làm cho thế giới đang rách nát này trở nên đáng yêu hơn, khởi thủy đôi khi là một tiếng cười, người nói, nghiêm túc, rồi vốc một vốc sương mai ném vào người tôi, trời đã hửng sáng, hàng nghìn thứ thuyết lý về tình yêu bung nở,
dẫu gì thì người cũng là vị thánh cuối cùng làm cho nhân loại tỉnh ra, khi hết thảy các trí tuệ đều bình đẳng thế giới sẽ không còn u ám nặng nề, lời người như sấm ngôn hay như tuyên ngôn cho một cuộc chuyển dịch to lớn nhân loại cũng đã chuần bị tự lúc mới hình thành thế giới, tôi chiêm nghiệm lời người bằng cuộc hành trình qua những miền đất con người còn giữ được tiếng người, những miền đất cuộc quần tụ của con người như những ví dụ về cấu trúc mang tính bản thể luận, tức những cấu trúc cổ xưa nhất, sơ sài nhất, tôi và con ngựa nòi phương đông của tôi trải qua những ngày tháng tuyệt vời trên dãy Pi lã, tôi gọi ông cụ trưởng bản của bản làng ấy là nhà huyền học [theo tinh thần sấm ngôn của người] , tên núi là do tổ tiên để lại đó, nó như người làng bước đi vậy, nhưng không phải là người làng đâu, ông cụ trưởng bản nói về tên núi bằng thứ ngôn ngữ như thể sự kết tập lỏng lẻo và vô thiên lũng giữa những đất đá cây cối chim muông sông suối, sự bày tỏ của một trí tuệ đơn sơ, tôi hơi hốt hoảng khi hiểu ra, ngay tự phút đầu định cư, con người đã nhìn thấy mảnh đất sống của mình là thuộc về một cuộc dịch chuyển to lớn nào đó, như như vậy Pí lã là đi tới có phải không thưa cụ, tôi phải hỏi lại cho chắc ăn, ông cụ có vẻ vui lắm, đó đó, lẽ ra tau phải nói vậy đó, trong ngôn ngữ của người Pi lã, tau là cách xưng hô theo ngôi thứ nhất số ít đó, tôi diễn tả lại cách ông cụ diễn tả về chuyện đất đai nương rẫy, chuyện con chim rừng và chuyện người Pi lã sinh con đẻ cháu, nó lớn lắm đó, lớn hơn bất cứ thứ gì, đêm nó làm tau không ngủ được, cứ nghĩ đến nó, biết ơn nó, chứ sao không, cây cối trên rừng xanh tốt có hoa có trái là nhờ có nó, lúa mọc trên rẫy, ban đầu chỉ có lá, sau đó thì thành hạt, con chim bay được, con người sinh đẻ được, là nhờ có nó, chứ gì nữa…tôi biết ông cụ đang nói về tồn tại, nó lớn lắm đó, lớn hơn bất cứ thứ gì, tiếng nói của ông cụ là tiếng người còn trong nguyên dạng, sừng sững hình ảnh của tự nhiên, thực ra, tiếng nói nguyên dạng đó chẳng qua là cuộc chuyển dịch huyền nhiệm giữa tự nhiên và con người, một cuộc qua lại như một cuộc tình, bí ẩn, và dài lâu, cứ nói ra là nghe thấy lao xao những nuối tiếc, đợi chờ, hoài vọng, hay thất vọng,
ô hay, gió cuốn,
tôi đi tìm một ngọn lửa
bên bờ vịnh Cri Bonei
tháng 7. 2021
tháng 10 . 2021