Chỉ trên mép âm thanh

 

 

 

không phải là để nhìn thấy ở đó một cái gì đơn
biệt, một hào sảng riêng tư, hay một chốn quyền
quí của tình yêu, mà là một ví dụ vui vẻ và
nghiêm khắc về cuộc tuần hoàn
[LỞI GHI TRÊN VÁCH NÚI ]

 

 

 

ông khách đến gặp tôi trong đêm ấy là người  từng kéo trăng xuống chữ và có lần mửa máu làm ướt hết niềm cảm hứng, ta họ Hạn vốn  ở xứ sở này và gần trăm năm qua vẫn đi đi về về, khách nói, tôi thử nhìn lại ông khách lần nữa, và đoán chắc là mình đoán đúng, nên nói, kẻ hậu thế này vẫn từng nghe danh tiếng ngài, dường có tiếng sấm vang ở đâu đó, bầu trời trên đầu chúng tôi đầy mây đen, núi non bỗng tối sẫm, rồi thoắt cái, trời lại sáng lại, trăng lại vằng vặc nơi đỉnh núi, ta vừa mới nhớ đến những vần thơ cũ của ta đó, ông khách nói, tiếng sấm là thơ sao, tôi lấy làm ngạc nhiên, hỏi, phải, thơ, nó là sự kết hợp giữa tinh khí của trời đất với cái cảm xúc của con người, cho nên, khi con người sa sút thì thơ hoặc hóa thành nước mắt, hoặc hóa thành niềm giận dữ, khách nói, đến lúc này ông mới đặt túi hành trang ở trên vai xuống, một khoảnh trời đất đang vỡ ra, núi, những con sông nước ngầu đục, với gỗ mục, với xác lá, với tiếng gào của  lũ người đang đói khát, với những ông vua mặc áo vá đi ra đi vào, và bọn xu nịnh lấp ló nơi cửa cung đình, ta mang nó trên vai gần trăm năm nay, để đem thơ ra thanh nghị, nhưng không được, cuộc đời vốn là một cái lò cừ quái quỉ bạn ạ, khách nói, và cúi xuống, nhặt những viên sỏi màu nâu ra khỏi khoảnh trời đất vừa vỡ ra, cẩn thận cho vào túi áo của mình, đúng một ngàn cuộc gặp rồi đó bạn ạ,  cứ mỗi lần gặp là ta lại đánh dấu bằng một viên sỏi nhỏ, mỗi viên sỏi là một nỗi bưồn, rất buồn, cứ để sang bên, khoan nói về những người trồng lúa và dệt vải, tức những người ít chữ hoặc không có chữ nhưng là những kẻ cao sang, bạn ạ, nhưng  đám người có chữ ấy thì sáng ra là lại vác chữ đi rao giảng luân lý  triết lý, xé nát  hết xã hội loài người ra  rồi đăng đàn diễn thuyết, đổi trắng thay đen, hoan hô, đả đảo, thưa, có phải là  ngài đang nói đến những cuộc cách mạng trên thế giới không ạ,  tôi thấy hứng thú, xen vào, ông khách bỗng cười to, phải, một bọn háo danh, mấy trăm năm gióng trống phất cờ, sau những tháng năm náo nhiệt hăm hở là nỗi ảm đạm của những buổi chiều tà, loài người chợt nhận ra mình đang làm chuyện tào lao, cái cũ  chưa ra đâu vào đâu, lại phá đi, để làm lại cái mới, có phải là ngài lại  ám chỉ cuộc truy bức của ngài hống hách hay  không, tôi nói, cứ muốn biết ông ấy suy nghĩ thế nào về câu chuyện đang ám ảnh tôi, đúng rồi, đấy là một lũ hống hách, khi thơ đến thì nó sẽ làm cho hồn ta trào máu, nhưng lại thấy được cái xương cốt uyên nguyên, phải nhớ đấy bạn ạ, xương cốt, cái cơ cấu luôn cũ, nhưng lại là cái để làm ra vạn vật, giờ thì lũ điên đang hô hào phá bỏ cái cũ, phá bỏ xương cốt, gần trăm năm nay ta vẫn vác trên vai khoảnh  đất trời tro bụi này, xương cốt có rã rời, nhưng thơ vẫn cứ lồng lộng trên cao, ông nói, rồi tẩn mẫn gom vào túi hành trang của mình hết thảy những thứ vừa vỡ ra, đây là cuộc gặp thứ một ngàn lẻ một của ta, một cuộc gặp, không phải giấc mơ, phải nhớ đấy bạn ạ, ông nói, rồi vác  khoảnh trời đất lên vai, bước đi, núi rừng cứ sáng lên, tôi như thấy có ánh trăng và máu chảy xuống vai người thi sĩ như người  khách viễn du , 

 

 

vào một sớm tinh sương ở khu rừng có nhiều hoa đá đỏ, sau giấc mơ lạ, tôi  gọi Ngàn cùng chui ra khỏi những lớp lá mục đang trải dày ở bên  dưới những chò, trắc bá, sơn tra…đám cây nguyên sinh cao và rậm, rừng Năn, tên của vùng núi rừng nằm ngay ở phía tây thành phố,

các bạn mới từ trong đất chui ra sao,

ông cụ gác rừng, chừng cũng tuổi trăm, dụi mắt nhìn tôi và Ngàn, hỏi, lời ông lão vừa thốt ra là từ những nghĩ ngợi thành thật, bỡi ông lão cứ dán mắt vào chúng tôi, có vẻ chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra, từ trong đất chui ra ư, cũng gần như vậy, kể từ lúc có tin sẽ đày đảo Cuốc hết thảy những con người cũ  và chạy lên đây, những ngày chúng tôi trốn biệt bên dưới những lớp lá rừng chẳng phải là chết chôn trong đất  hay sao, em, tôi cũng chỉ dám gọi Ngàn trong tâm tưởng, cứ nắm chặc lấy tay người mình yêu để cùng lặng thinh  dưới sự che chở của trời đất, mà sao hôm chạy lên đây trốn cuộc truy bức của ngài hống hách tôi và Ngàn lại không trông thấy ông lão nhỉ, lũ chim gúc có vể rất thân thiện với người gác rừng, chúng nhảy nhót trên vai ông lão,

các bạn hãy chờ một chút, ta đang có khách,

ông cụ nói với lũ chim, và quay sang tôi với Ngàn,

có điều ta chưa hiểu, sao không thấy đến, giờ lại thấy từ đất chui ra,

thật ra thì ông ông lão cũng chỉ nói vậy thôi, chứ chẳng tỏ ra quan trọng việc chúng tôi từ đâu đến, thì tôi với Ngàn cũng như ông lão thôi, sao lúc mới chạy lên đây  chúng tôi không nhìn thấy ông lão và ông lão cũng không nhìn thấy chúng tôi nhỉ, dẫu gì thì tôi với Ngàn vẫn còn sống sót sau những ngày nằm im như chết ở bên dưới lá rừng để chờ kẻ đến bắt mình đi, thời bùng nổ thông tin, đụng vào đâu cũng nghe tin tức,

mấy hôm rày có tin tức gì mới về ngài hống hách hay không, thưa cụ,

trong lúc chưa kịp nghĩ kỹ nên xưng hô thế nào, tôi đã gọi ông lão gác rừng bằng cụ, lũ chim gúc đang đứng trên vai ông  lão chợt kêu rộ lên,

ta chỉ có mỗi tin tức là về lũ chim đang vui,

ông cụ nói, và quay lại với lũ chim, dường chẳng biết chi, hay chẳng thèm để ý chi về chuyện truy bức của ngài hống hách

em thấy bắt đầu đói và khát anh ạ,

Ngàn nói,
tôi vội ra hiệu cho nàng đừng để cho ông lão gác rừng phải lo lắng,

từ từ sẽ tính, em ạ,

tôi rỉ tai Ngàn, và chợt thấy hơi hốt hoảng với cái giả thiết rằng ông lão gác rừng với lũ chim chỉ là ảo ảnh đang diễn ra trước một người đang đói khát, tôi cũng đói và khát chẳng kém Ngàn, đã năm ngày trốn dưới lá rừng chứ ít đâu, 

anh  nhìn kìa,

rồi lại đến lượt Ngàn hốt hoảng, gào lên
ông lão gác rừng đang cùng lũ chim nhảy nhót, ca hát, rồi tôi thấy Ngàn cũng nhảy nhót, ca hát, nàng ca những bài ca quen thuộc do chính nàng đã làm ra để ngợi ca tôn giáo ngụ ngôn của chúng tôi, cuối cùng thì ông lão và lũ chim gúc cũng đã biến mất vào đám rừng cây trước mặt, tôi kéo nàng vào lòng tôi vì biết nàng cũng đang sợ hãi, như tôi, tình yêu chúng tôi là hoàn toàn thuộc về trần thế, một cuộc gắn kết quyết tồn tại giữa thời không phải con người cứ muốn ở yên là được, 

 

 

ngày…tháng…

vậy thì ngươi hãy viết những gì đã nhìn
thấy, những gì đang diễn ra, và những gì sẽ xảy ra sau này,

SÁCH KHẢI HUYỀN/CHƯƠNG THỨ NHẤT/ĐOẠN 19

 

suối rừng có vẻ ngưng chảy hết, hay có vẻ khô cạn hết, bầu trời vắng bóng lũ chim đi trốn mưa [thường vào những ngày mùa đông thì lũ chim từng đàn từng đàn vút qua núi rừng, vừa bay vừa kêu, ra vẻ hốt hoảng, thật ra thì đấy chỉ là thứ tín hiệu cho một sự việc hơi cấp bách, đi trốn mưa ở một nơi chốn nào đó, hết đông, chúng lại trở về] nhưng giờ đây toàn bộ cái thế giới ông gầy dựng được trong bao thế kỷ đã mất trắng, nhà hiền triết có đôi mắt hình lá điệp bạch ngưng ngựa đứng nhìn, con ngựa già của ông hí vang như thể chẳng muốn rời đi, buổi sáng mùa đông như thể đang ngưng lại trong tâm tư của một bậc lãng du kỳ hồ, người đã  đi là quyết phải để lại cho đời những kỳ tích, những dấu vết hùng vĩ, nán lại một chút, và cứ thấy ngỡ ngàng, ông không ngờ cái chí cao của mình một ngày lại trở thành công cốc, này, mi có biết một kẻ thất bại là gì không, giá băng và lạnh lẽo, ông hỏi con ngựa già và tự trả lời mình, ném một hòn cuội lên dốc núi hoang vu, rồi nằm dài lên đất, nhắm mắt nhìn trời, người ta nói đấy là để cho hồi ức lung lạc mình…xin chào khách đường xa, đấy là cái cách xã giao tối thiểu của vị thần cai quản ngọn núi cổ, núi ở đây đã quá cũ để cho kẻ này làm lại có được không, khách hỏi, và vị thần núi có vẻ sợ hãi sao đó, chỉ khẽ gật đầu, sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi là cả chuỗi tháng năm hải hồ, nước biếc non xanh, nghìn năm trăng soi bóng núi, khách đứng thẳng lên ở bên trên cái cũ kỹ, vung ngọn kiếm, dòng sông mà ta muốn thấy thì nước trong xanh hơn bầu trời tháng giêng và chảy ngang qua khúc hát của những người giặt lụa, cái ý tưởng thật tình của khách đã làm cho đất trời ngưng mưa nắng suốt mấy hôm liền, có người con gái ngang qua, trông thấy…ô, nước trong ngần, con mắt lưu ly, người không nỡ rời đi, người con gái hô hoán, rồi xuống ngồi nơi bờ sông, ngắm, những cuộc tình trong trời đất như thể hương thơm lan xa, lời nói lan xa, dường hết thảy những người con gái trên mặt đất đều kéo tới con sông xanh, giặt lụa, và hát, một hôm, khách hỏi bọn họ, rằng, nếu như một ngày nào đó dòng sông cạn hết nước thì  làm sao, đáp,  không đời nào, khởi thủy là những lời thực lòng, sông không cạn, mà biển sinh ra, ruộng đồng sinh ra, con người sinh ra, cái thành phố mà khách muốn có là xoay mặt về phía đám chim cưu đang dạy lũ con tập nói những lời minh triết: hãy cứ để cho những giấc mơ lung lạc ta…tiếng con chim cưu mẹ như thể giọng nói của một vị sư già…thời gian như thể những cái chớp mắt của lũ chim cưu non, có những dòng sông không trôi ra biển, rồi trăng sao thấy hết vui, một hôm, đám người giặt lụa hát, khởi thủy là những lời thực lòng, hết thảy những dòng sông đã cạn thật, rồi khách nằm mơ thấy ngọn núi cũ đã phục hồi, giật mình thức giấc, nghĩ ngợi, cứ cho là chuyện trong mộng, thật ra là chuyện thật, lại ném một hòn cuội nữa lên dốc núi hoang vu, lên ngựa ra đi, mất hút vào người đời sau,

 

[trong Nhật Ký Đen của Ngàn] 

 

         

ngay cả việc tôi và Ngàn gặp nhau cũng là ngụ ngôn, không phải là để nhìn thấy ở đó một cái gì đơn biệt, một hào sảng riêng tư, hay một chốn quyền quí của tình yêu, mà là một ví dụ vui vẻ và nghiêm khắc về cuộc tuần hoàn, cái một, và cái nhiều hơn một: cái phức thể, cái phức thể và cái đơn thể, con chim sải cánh ngay giữa bầy đàn của mình, hay, em đi giữa một sáng thu lá đổ sáng trời, em đi, và lá đổ, và sáng trời, cũng là cái đơn thể trong phức thể, lồng lộng những khoảnh trời xưa cũ, cũng là vào một sáng mùa thu cũ,

em vẫn chờ anh,

và  giờ thì đã gặp,

cuộc đối thoại ngắn ngủi hơn bất cứ tiếng con chim nào đang thốt lên nơi khu rừng Năn, nhưng sau đó lại là một cuộc trường đình dằn dặc những cuộc lên đường, gió mưa cứ dày đặc trong nghĩ ngợi: em đã chờ tôi vào một sáng mùa thu lá đổ, và từ đó là những cuộc ra đi, cuộc tìm kiếm cái có thể, lại gặp lại, lại chia xa, thứ cảnh trí trần gian hùng vĩ như thể chưa bao giờ diễn ra trong lịch sử của sống, cứ đổ xuống những chiều có mây trôi trên những dòng sông ngang qua mặt đất, tôi vói sang phía bên kia núi: hãy chờ, và nàng thì vói qua biển cả: ở đây tuyết rơi nhiều lắm, anh à, khởi thủy là những lời thốt ra từ  đáy lòng của những tháng năm không thể yên nghỉ giữa những ngọn sóng khởi lên từ những mong mỏi của đất, của nước, và của tất cả những hiện hữu đã có thể gọi tên, cũng như tôi, vào những lúc thấy nhớ nhung, lại gọi tên em…những ký ức chất chồng như những  ngọn núi, thiêng liêng, và không đếm xuể, hóa ra cả tôi và Ngàn đều là giáo chủ và đều là tín đồ của một tôn giáo cũng cũ như mặt đất chúng tôi đang sống: tôn giáo ngụ ngôn,

 

 

rồi tôi với Ngàn thật sự hoảng hốt  khi tin tức về cuộc truy bức của ngài hống hách đã tràn vào xứ sở chúng tôi, làm thế nào nhỉ, tôi yêu  xứ sở tôi, một cuộc tạo dựng phức hợp và đầy công phu, một xứ sở dường như thứ gì cũng vô tận, lịch sử vô tận, nỗi thống khổ vô tận, và sự  đợi chờ vô tận, dường như ở  đây thứ gì cũng có: sự  giàu sang, đói khát, sự thù hận, lòng bao dung, cái cao cả, cái hèn hạ, những thông thái, và những ngu xuẩn… như thể đây là niềm cảm hứng bất thường của tạo tác, biển, với phố xá, với ruộng đồng làng mạc, và với những ngọn núi buồn tẻ, hay là tạo tác đảng trí sao đó [hay chỉ là một cách vui chơi  nhỉ] đã đem đặt ngay cạnh  nền văn minh phố thị ồ ạt  phấn son lừa đảo một cảnh làng xóm hẩm hiu 

 

tờ Chim Trời, tờ báo lớn nhất của xứ sở tôi, viết: cuộc truy bức của ngài hống hách đã lan ra khắp thế giới, những cuộc lật đổ, những chạy trốn, phải lật tung hết thảy những cấu trúc cũ, và  hết thảy phải  cùng tiến lên, đấy là toàn thể những sự thể và tiêu chí của cuộc truy bức, nhưng loài người đã bắt đầu tra hỏi: vậy thì thế nào là những cấu trúc cũ,

và tờ Vãn Lai, tờ báo nhiều người đọc nhất ở xứ sở tôi, viết: sẽ đày đảo Cuốc cho đến  hết đời những con người cũ,

 

nhưng những con người cũ là gòm những ai, và đảo Cuốc là ở đâu, lần đầu nghe những tin tức như thế không thể không hoảng hốt, tôi và Ngàn vội vã chạy lên rừng Năn,  

 

 

cái cách trị nước của ngài thị trưởng thành phố chúng tôi không phải là chia ra để trị, mà là gom lại, cái gì cũng muốn gom lại, cứ gom lại hết những ý kiến ấy để nghiên cứu, hay, cứ gom lại hết những thất bại ấy để rút kinh nghiệm, và, về cuộc truy bức của ngài hống hách thì với ngài thị trưởng chúng tôi cũng phải gom lại, cứ gom hết lại những tin tức ấy  thành hệ thống thì mới có thể nhìn ra vấn đề, ông phát biểu trên tờ báo nói của thành phố vào một ngày mùa hè như thể cái nóng của trời đất làm cho những tin tức về  cuộc truy bức càng nóng thêm…’’một người trong cõi đời này  như bay’’,  ngay trong tình hình xã hội  có phần  phức tạp, người ta  đang rối lên về chuyện truy bức của ngài hống hách, ngài thị trưởng trong lúc nói chuyện với dân về cuộc truy bức rắc rối ấy vẫn điềm tĩnh trích đọc Kiều, dù có trích đọc sai, nhưng như thế là đã để cho thơ ca, thứ cảm xúc chân thật nhất, xen vào công cuộc trị nước, một bằng chứng về sự giàu có tính nhân văn ở một nhà kỷ trị, chúng tôi vẫn còn nhớ [mãi], vào hôm trò chuyện với dân trên tờ  báo hình của thành phố về tình hình ăn tham của quan chức nhà nước, ngài thị trưởng như thể không kiềm chế được xúc động, giọng nói của ông buồn như thể đang buổi chiều đông rả rich mưa, và, một cách vô thức, mấy ngón tay của hai bàn tay của ông cứ gõ liên hồi lên bục diễn đàn như thể là đang gõ nhịp cho một nỗi buồn, bỡi,  với ông, trong lúc này, sự tồn tại của đám quan tham là một  quốc nạn, vậy, với ngài thị trưởng, cuộc truy bức  của ngài hống hách thì sao, nó là cuộc cách mạng đàng hoàng, hay chỉ là sự trổi dây của một đồ đảng, trong cuộc trò chuyện với dân trên tờ báo nói của thành phố, ngài thị trưởng chúng tôi cũng chỉ gợi ý rằng, cứ gom hết lại những tin tức ấy thành hệ thống thì mới có thể nhìn thấy được vấn đề, và vấn đề ấy là gì thì chúng tôi vẫn chưa thấy được, bỡi chẳng thể làm nổi công việc hệ thống hóa những tin tức về cuộc truy bức cứ như thể là niềm cảm hứng của ai đó từ một thứ kinh điển nào đó về nỗi giận dữ của những kẻ bị áp bức, và, hệ lụy của thứ tư tưởng cóp nhặt là sự chắp vá có vẻ điên cuồng trong nhận thức, dường ngài hống hách [nếu quả có một người như thế] là đang cố tinh lọc lại nhận thức của con người cho đến khi chỉ còn lại mỗi nỗi căm hờn, và niềm bi thảm của  tư tưởng cóp nhặt là khi nuôi dưỡng niềm căm hờn con người ta cũng chưa hiểu được một cách tường tận vì sao lại phải làm thế,

 

 

nhưng không thể nào lại phải rời bỏ xứ sở của mình để chạy trốn, đó là lương tri của tôi và Ngàn, những kẻ vừa cất tiếng chào đời đã có người hàng xóm chạy tới thăm, tự lúc nào, con người cứ thấy vui khi biết bầy đàn mình có người mới được sinh ra, chúng tôi biết, mỗi một người trong chúng ta đều có một lần được quyền thông báo cho bầy đàn mình biết là mình đã được sinh ra, tiếng khóc đầu đời, cái thông báo mang tính triết học ấy là nguồn cội của tình yêu xứ sở, nhưng cuộc truy bức thực chất nó là gì, đấy là toàn thể nỗi ưu tư khó khăn làm mệt nhòai trí óc chúng tôi suốt những năm tháng hỗn loạn, chúng tôi đã quyết định là không đời nào lại rời bỏ quê hương xứ sở mình để chạy trốn, với lại, biết chạy trốn ở đâu khi cuộc truy bức đã tràn lan khắp thế giới,

dường như có sự lầm lẫn nào đó của con người  anh à,

Ngàn nói, không dấu được nỗi thất vọng, 

nhưng cuộc tình của chúng ta thì cũng cũ bằng mặt đất chúng ta đang sống, nếu như cuộc truy bức nhằm vào cái cũ thì chúng ta thật khó thoát,
tôi nói với Ngàn trong sự hiểu biết đầu tiên về những tin tức về cuộc truy bức của ngài hống hách, người gác rừng với lũ chim gúc vẫn bặt dạng, chúng tôi quyết định chưa vội trở lại thành phố nơi tôi và Ngàn đang ngồi viết, rời khỏi rừng Năn, tôi và Ngàn thẳng đến ghềnh Thạc trong dãy núi đá phía đông thành phố, đang là mùa hạ, lũ chim yến đang vui với những chiếc tổ êm ấm của chúng nơi ghềnh Thạc, thành phố chúng tôi cứ như  mảnh giang sơn không phải là cẩm tú theo nghĩa nhung gấm lụa là đầy kho lẫm, mà là cách tọa lạc như thể để cho người đời sau thấy tiền nhân của mình đã chọn nơi trú ngụ như một sinh thể thở cùng với tiếng biển gào ở sát bên, thở cùng với tiếng chim hót cả ở trên núi Năn phía tây và cả ở trên ghềnh Thạc phía đông và thở cùng với tiếng kêu của con nghé lạc bầy đêm bỗng nghe vẳng lại từ phía đồng làng phía bắc, phố biển, có thể gọi thành phố của chúng tôi như vậy, nơi tiếp nhận mọi dòng âm thanh trần thế, tiếp nhận mọi dòng tồn tại, những tòa cao ốc luôn phủ bóng lên những khu ổ chuột nghìn năm lầm than, hay, buổi sớm tinh sương trên đường phố, những người đánh cá có thể đang cùng đồng hành với những người buôn gánh bán bưng, ra chợ, từ ngữ hàm chứa một cuộc sinh nhai vất vả [tôi và Ngàn ngồi viết ở ngôi nhà sát cạnh cái xóm chài, khuya nhìn thấy  đèn của những người đánh cá đêm ngoài biển và nhìn thấy cả những tòa cao ốc đang ngủ say trong phố] phố biển của chúng tôi nó là một cuộc hội ngộ đúng theo thứ cách thức trần thế,  buổi sáng tháng ba từ ghềnh Thạc nhìn ra  biển cả trong vắt, nhìn lên bầu trời cũng trong vắt, nhưng gềnh Thạc lại là nơi hội tụ của những sứ giả của những thế kỷ vô danh, tôi và Ngàn sãi người , nằm dài trên những hòn cuội được bào mòn bằng vô số thứ màu sắc của thời gian, trắng, đỏ, vàng,  xanh…

lão ấy  chẳng tìm thấy chúng ta đâu,  

Ngàn nói về ngài hống hách, chợt vui hẳn lên, có thể là  thiên nhiên kỳ tuyệt đã làm nàng bớt lo âu,

có thể là vậy em ạ, 

tôi nói với Ngàn, cầm chừng,  như thể để cho cái bất chợt của tháng năm xua tan bớt những hoài nghi,

vào lúc nửa khua, Ngàn và tôi cùng bật dậy, 

em vừa nằm mơ, 

Ngàn nói, 

anh cũng thế,

tôi nói,

chúng tôi đều mơ thấy Chúa hài đồng đang vội vã rời khỏi hang cỏ, ngài hứa với chúng tôi rằng, khi lớn lên ngài sẽ giúp cho chúng tôi thoát khỏi nỗi sợ hãi, 

trần gian là nỗi sợ hãi triền miên, và ta thì đã quá cũ,  đã mấy nghìn năm, còn gì,

ngài nói, và lặng lẽ đi về phía núi Năn, hóa ra Chúa hài đồng cũng đang lánh mặt cuộc truy bức của ngài hống hách,

dường có bước chân ai trên biển anh à,

Ngàn nói, 

không phải đâu, thời gian bao giờ cũng cho ta thấy bước đi của nó,

tôi nói với Ngàn như thể một nhà hiền triết hết thời đang tự an ủi mình,

         

 

lúc tôi thức giấc thì thấy có người đang nằm dài ở trước của hang động, Chúa hài đồng đã quay lại với chúng tôi sao,

dậy đi em,

tôi khẽ gọi Ngàn và  nghe đầy ứ thứ cảm xúc vửa vui vừa sợ hãi, tôi và Ngàn đã ở lại ghềnh Thạc tới mấy hôm, chỉ ăn toàn sò, hến, và uống nước từ trong ghềnh đá rỉ ra,

ồ, ngài ấy đã quay lại sao,

Ngàn bật dậy, kêu, chính là nàng cũng  cùng ý nghĩ như tôi, rằng Chúa hài đồng đã quay lại, ai đang lung lạc hiện thực vậy nhỉ, tôi nghĩ ngợi, và kéo Ngàn vào lòng mình như thể để giữ cho hình ảnh người tôi yêu khỏi nhòa đi giữa thứ thời khắc mong manh, ánh bình minh đã hiện rõ trên thứ mặt biển như thể đang đong đầy khói song [bụi trần gian vẫn vương mắc biển khơi…] và chính là người đánh cá đêm đã đánh thức tôi và Ngàn ra khỏi ảo ảnh, người đàn ông nằm ngủ trước của hang động là người làm nghề đánh cá đêm ở cái xóm chài sát cạnh ngôi nhà ở giữa rừng thông nơi tôi và Ngàn ngồi viết, người đàn ông chúng tôi vẫn gặp hằng ngày,

mà sao ông lại nẳm ở đây,

tôi và Ngàn cùng kêu lên, và cứ có cảm tưởng như vừa ra khỏi cơn mơ,

định neo thuyền, để vào  đây lánh mặt ít hôm, không  ngờ lại gặp hai người,

người đánh cá đêm nói, không dấu được vẻ tò mò,

nhưng sáng này không mang cá lên bờ để bán hay sao,

Ngàn hỏi,

ngưởi đánh cá đêm nhìn chúng tôi, như thể để thanh minh cho việc làm bất thường của mình,

vào mùa này lũ cá ở đây đêm cứ kéo đến vùng biển khác, đêm  bủa lưới không là chuyện thường,  nghề đánh cá đêm của bọn tôi cũng đã cũ lắm, nhưng  hai người  cũng đi tránh cuộc truy bức của  ngài hống hách,

cũng gần như thế,

tôi nói,

nhưng sao ông cũng phải  lánh mặt ông ấy, 

Ngàn nói,

người ta nói ngài hống hách đang đánh đổ  những cái cũ, mà nghề đánh cá đêm của bọn chúng tôi thì đã mấy trăm  năm nay, vẫn những mẻ lưới như vậy, trí khôn của con cá và những mẻ lưới trống trơn, vẫn những ngày thiếu gạo nấu…

người đánh cá đêm nói, vẻ lo âu hơn là buồn bã vì không đánh được cá, không phải chỉ những người làm công việc trước tác như chúng tôi, mà cả những người đánh cá cũng thấy lo sợ trước cái làn sóng có vẻ tàn bạo ấy, chính là chúng tôi cứ cảm thấy câu chuyện cách mạng lật đổ ấy như thể đám mây mù che khuất nhận thức của mình, vậy thì thực chất cuộc phá bỏ  ấy nó là gì,

 

 

ngày…tháng…

Vì sao, ở đây ngay cả trong những vần thơ rất thơ của chúng ta/Rất quan trọng với những gì và trong những gì chúng đặt ra/Mỗi một phần tử là một biến hình: cùng một cách biểu lộ/ Why, even in these our very verses here/It matters much with what and in what order/Each element is set: the same denote
VỀ BẢN CHẤT CUA CÁC SỰ VẬT/ CUỐN II/ NHỮNG THẾ GIỚI VÔ CÙNG- LUCRETIUS [Titus Lucretius Carus, La Mã, 99 – 55 tr.CN]

 

tôi đã mường tượng được vùng biển mà lũ cá đêm như thể biết có kẻ vây bắt mình đã bỏ đi chốn khác, trí tuệ của tự nhiên bàng bạc khắp nơi, trên núi  Năn, loài thảo mộc thân mềm biết đến mùa nắng thì nước ở khắp nơi bốc thành hơi, cây bồn bồn thân mềm bèn thêm lên da thịt mình một lớp vỏ dày, nhưng  lũ chim gõ kiến sẽ lấy làm ngạc nhiên bảo loài cây bồn bồn thì lũ kiến không làm tổ được nhỉ, những câu chuyện như thế là diễn ra ở  khắp nơi, từ chốn non cao cho đến đồng ruộng, thị thành, đem cái hiểu biết, thậm chí là đem cái không hiểu biết của mình ra để nói, thế giới vốn là cuộc chuyện trò giữa những sự vật ở trong nó, những cuộc chuyện trò có thể nghe thấy và không thể nghe thấy, một cuộc hòa âm, rắc rối mà vui, bỡi hết thảy  những gì được nói ra không phải là rơi vào quên lãng, con bướm cứ lượn lờ hoài, không dám đỗ xuống, bỡi ngôn ngữ của hoa lại giống với hết thảy các loài hương thơm trong trời đất, tỏa ngát, và thâm u đến độ nếu vướn vào sẽ thấy có gì đấy như là sự trắc trở, cũng có thể không sao, nhưng cũng có thể trở thành mê muội,  mới hôm qua thôi tôi có cuộc chuyện trò với người đánh cá đêm, ông ấy có vẻ buồn bã như con mang đang lẩn tránh người thợ săn,

 

không biết là ngài ấy có mò tới  xử sở chúng ta hay không,

là ông đang nói về ngài hống hách,

phải, nghe người ta nói trước sau gì ngài ấy cũng sẽ đến,

 

cho đến lúc này,  mọi người có vẻ vừa kính nể vừa sợ hãi con người chỉ nghe nói và chưa ai gặp mặt, không phải chỉ  người đánh cá đêm, ông bạn hàng xóm của chúng tôi, mà tôi với Ngàn cũng đang trải qua những ngày tháng  phiền muộn, hãy phá đổ hết thảy  những cơ cấu cũ, đấy là tiêu chí của cuộc truy bức của ngài hống hách, nhưng mọi cơ cấu cũ, cái cách cư trú trên đất đai hay cách giữ gìn lời nói của một bầy đàn, hay thứ tình yêu vô tận về giang sơn tổ quốc, thí dụ thế,  hết thảy những thứ phạm trù có vẻ cũ kỹ ấy lại là bản thể của sự vật, người đánh cá đêm không thể bủa lưới khác với cách bủa lưới của cha ông bỡi đấy là sự hiểu biết ngàn đời về biển, và cuộc hành trình đi tìm cái có thể là chuyện của nghìn năm trước, từ buổi biết tư duy, con người đã bắt đầu cuộc tìm kiếm thiên thánh ấy, những cấu trúc cũ, hóa ra lại là nền tảng của tồn tại, không biết những ngày sắp tới, những câu chuyện thế này có còn được đem ra nói không nhỉ,

[trong Nhật Ký Đen của Ngàn]

 

 

chúng tôi thường hay sắp đặt lại những mảnh vỡ thời gian cho thành  gương mặt, niềm vui của cuộc tìm kiếm là khi nhìn thấy được hình thù của thế giới, có thể, nó là cơ duyên, vào một đêm, nơi hoang mạc của trí tưởng tượng, cái giá buốt của nghĩ ngợi bỗng bước vào khúc đoạn trường, chấp chới những giấc mơ cây trái, có thể là vừa nhú lên đã bị tàn lụi, con mang chưa biết cúi mình trên dòng suối, mặt trời mặt trăng chưa biết phải làm gì cho con chim vừa mới biết chấp chới đôi cánh, và loài tảo thì vừa mới tạo được đôi chân trong nước, những mảnh vụn bỡ ngỡ, thương đau, chỉ có nước mắt và tiếng thở dài nhưng cũng làm nên một gương mặt, thầm lặng và thanh thản, cổ sơ là nỗi thầm lặng và thanh thản vĩ đại nhất, nhưng, cho đến khi cái quĩ đạo tồn sinh bắt đầu quay những vòng quay loạn xạ, người ta bắt đầu định nghĩa lại thời gian, có kẻ bảo nó sẽ đến một chung cục, ở đó là sự phán xét công minh và nghiêm khắc, nhưng có  kẻ bảo không thể nói bằng lời, nó, thời gian, thì nghe được trong những chiều hôm lặng lẽ, và, cũng lạ chưa, bỡi có kẻ nói hãy cứ cắn lấy chiếc đuôi của nó lập tức sẽ nhìn thấy hiện ra chỗ bắt đầu, những mảnh vỡ huyễn hoặc và náo nhiệt, vào những lúc hiểm nguy nhất lại hiện ra thứ gương mặt đương đại, chúng tôi thường hay bắt gặp những gương mặt thế giới vào những lúc đang gặp phải lao đao bất trắc, rồi một hôm, trống chiêng khua vang mặt đất, có một người tự dưng có cái tên ngài hống hách đứng lên, nói, tất cả hãy hợp sức lại và cùng đứng lên phá bỏ cái cũ, giọng nói của ông ấy có vẻ gì như niềm quyến rủ dài lâu, nghe, và cứ có cảm tưởng như sắp nhìn thấy được một thế giới mới mẻ, những ảo ảnh về phía trước cứ như những mảnh vỡ thời gian đầy ma lực đang làm thay đổi hơi thở của nhân loại, rồi ra con người sẽ va chạm nhau khốc liệt, cái chết và niềm thù hận, một gương mặt hoạn nạn, nghe kêu gọi hãy cùng đứng lên nhưng lại cảm thấy bơ vơ, 

 

 

ở thành phố chúng tôi, nơi tôi và Ngàn ngồi viết, trên đầu có bầu trời cao lúc nào cũng thấy có chim yến bay, và nơi mặt đất là cuộc quần cư, mấy trăm năm rồi nhỉ, các vị thần với đủ các gương mặt, vui vẻ có, buồn bã có, vẫn còn đó nơi các kiến trúc đình miếu vẫn còn sót lại sau những bể dâu chẳng nói được điều gì ngoài việc cho biết một thời cư dân thành phố vẫn cứ cần đến sự can thiệp của các thế lực siêu nhiên, nhưng vào lúc nửa khuya, có thể là chúng tôi mở cửa nhìn thử bên ngoài, đêm, đường phố không người, cứ thấy như thể đấy là con đường hơi bất thường đang ngang qua mặt đất, sao đêm đến đường phố lại vắng vẻ thế nhỉ, không phải là cảm tưởng về bất trắc, mà về cách thức tồn tại của con người như thể cuộc chơi lập dị, bỗng từ cái náo nhiệt rơi tõm xuống cái lặng lẽ như thể có cái chết xen vào, tất nhiên, nơi tôi và Ngàn ngồi viết không phải là nơi chốn không thể hiểu được, đôi khi, những dấu tích của trăm năm làm cho chúng tôi không thể không xúc động, ngọn núi đất luôn ánh lên màu đỏ của  ráng chiều ở phía tây thành phố là đã bị đốt cháy tự hồi nào, ai đốt cháy, và cũng chẳng nghe ai nói vì sao lại bị đốt cháy, cứ như một thứ vết thương chí mạng của tự nhiên bày ra ở ngay lối vào thành phố, vết thương chí mạng của tự nhiên, hay của con người nhỉ, ồ, con người lại có vẻ vô tình trước biến cố, và, có điều gì đấy như sự ngoại lệ, những cơn bão lịch sữ đã xảy ra, con người cùng với lũ chim yến phải gồng gánh nhau ra khỏi thành phố, thậm chí còn đốt cháy chỗ ở trước khi rời thành phố, câu chuyện tiêu thổ kháng chiến trong thời chống xâm lấn như thể câu chuyện cổ tích, cứ tưởng ra đi là hết, nhưng con người và lũ chim lại gồng gánh nhau trở về thành phố, bên thứ hơi thở ngàn năm của biển và núi, thành phố của chúng tôi vẫn cứ còn đó như một câu chuyện về nhịp điệu, có lúc là nghe thấy tiếng rao bánh mì da diết của một bà lão, hay, đêm, bỗng nghe trên đường phố cái cách mời gọi của những người bán hàng rong, ai mua hô vi lô không, hay, ai mua kha la lu không, hô vi lô là trứng vịt lộn, và, kha la lu là khoai lang luộc, con người vẫn biết để  dành sức lực mình cho những công việc lớn lao hơn, có vẻ như những đơn vị đơn độc, những cuộc  kiếm sống đơn độc trong cuộc quần cư bên biển và núi, nhưng không phải, những nhịp điệu như thể đơn độc ấy là vẫn thuộc về bản hòa âm bí ẩn và bất tận của cuộc quần cư, hòa âm hay là hợp xướng nhỉ, tức có cả tiếng đàn lẫn tiếng hát, vị nhạc trưởng của chúng tôi, ngài thị trưởng thành phố, người không cao to lắm, nhưng cứ theo cái cách ông nói,  chúng tôi luôn lấy nhân tâm làm gốc, dân tộc ta vốn hiếu khách và nhân ái, tôi kêu gọi mọi người hãy thương yêu nhau, vân vân, thì không thể không nghĩ ngài ấy là kẻ có tấm lòng yêu nước yêu dân, cuộc truy bức của ngài hống hách như thể cái lò lửa của thế giới, chúng tôi cũng không biết đến lúc nào thì nó sẽ thiêu cháy các truyền thống tốt đẹp của xứ sở chúng tôi, nhưng ngài thị trưởng đã mở mét ting, tuyên bố trước dân, rằng, tình hình thế giới vô cùng phức tạp, các thế lực thù địch đang nhằm vào thành phố chúng ta, tôi nhân danh người đứng đầu thành phố kêu gọi mọi người hãy đoàn kết bảo vệ những thành quả thành phố đã đạt được, hay ngài thị trưởng muốn xuất binh anh nhỉ, Ngàn nói, như thể muốn đặt ra một thứ giải pháp để chúng tôi cùng nghĩ ngợi, nhưng tôi thì cứ có cảm tưởng như thể thành phố của chúng tôi sắp rơi vào thứ nhịp điệu bất thường nào đó của lịch sử, 

 

rồi con người ta cứ việc tìm ra đất đứng cho mình, những buổi sớm mai, câu kinh thuyết giảng, mặc người nghe, hay không nghe, ta cứ việc đứng lên ở bên trên mảnh đất của mình mà nói, chữ nghĩa  của ta ư, bạn cứ tìm đọc nơi những ngôn ngữ khác, một trăm nước trên thế giới đã dịch chữ nghĩa  của ta ra chữ nghĩa của bọn họ đó, cuối cùng thì ta cũng đứng được ở bên trên mảnh đất của mình mà nói [đồ ba hoa vô liêm sỉ, mặc kẻ khác nguyền rủa] tư tưởng của ta ư, bạn cứ tìm đọc trong toàn bộ trước tác của ta, cuối cùng thì ta cũng đứng được nơi mảnh đất của mình mà tuyên bố về toàn bộ phát kiến đồ sộ của ta [đồ khoe khoang khốn kiếp, mặc kẻ khác khó chịu] cuối cùng thì con người lại tự tạo cho mình những đặc quyền, gòm có cả cái thực và có cả cái ra sức tưởng tượng [nghe con ong hút mật nói lời từ biệt một loài hoa không tên, hay, nhìn thấy được ở nơi đỉnh cao nhân loại một tiếng nói khác thường, hay, cứ phủ nhận tuốt hết chỉ còn chừa lại mỗi mình…] cái đặc quyền yêu thương và căm giận, quên và không quên, đi và không đi, nguyền rủa và ca ngợi, bỗng  có kẻ căm thù cái cũ, những cái cũ của mình và những cái cũ của những kẻ khác, những cái cũ thuộc về hôm qua, thuộc về năm trước, thế kỷ trước, thiên niên kỷ trước, một ngày năm nào trót đuổi theo cái lý tưởng như loài cỏ dại, một thứ lý tưởng giờ nhìn lại thấy chẳng ra làm sao, cái cũ, có thể là những thứ nhỏ nhặt, một niềm say đắm, một hoài bão, hay một cuộc lên đường, nhưng lại có những thứ lớn lao, thuộc phạm vi  nhân loại, những phạm trù, về những nền văn minh trong quá khứ, về những cuộc  chiến chinh chính nghĩa và  không chính nghĩa, hay những thứ văn hiến thiêng liêng trong mối tương giao giữa những con người, hay, có thứ còn quan trọng hơn, cái cách trị nước làm lộ ra  mối tương quan giữa cai trị và bị trị, đẹp, hay bất nhân, hay, hạnh phúc, hay lầm than, bỗng có kẻ muốn xổ toẹt quá  khứ, hể cái gì thuộc quá khứ là  phải xóa bỏ, hãy đốt cháy hết chúng đi, bọn họ gào lên [nguyền rủa],  những kẻ  quá khích thì thời nào chẳng  có, nhưng ở xứ sở này, cái xứ sở chẳng giàu sang cho mấy, những kẻ quá khích lại lập bè  nhóm, không biết là có bắt chước kịch của William Shakespeare nước Anh hay không [to be or not to be] những kẻ quá khích ở xứ sở này tuyên bố [hay tuyên ngôn nhỉ]: hoặc xóa bỏ quá khứ, hoặc là chết, có nghĩa, bọn họ đang bắn vào những kẻ thường được gọi là bảo thủ, ôi, hóa ra, những kẻ đang thù nhau [của nhân loại] vẫn cứ cùng nhau nhẩn nha  rảo bước trên thứ đại lộ có vẻ hơi khiên cưỡng và đầy khói sóng, đại lộ có tên là đường đi,
 

 

nhưng đừng áp đặt này nọ lên những nghĩ ngợi về tôn giáo ngụ ngôn của chúng tôi, bỡi đó là những nghĩ ngợi rất thật:

 

mặt đất, hay bầu trời, những đề xuất ngẫu nhiên, ai đã để chảy qua đây dòng nguyệt bạch, có khi trắng cả những ước mơ, con người hốt hoảng, các bầy đàn vội vã đi tìm đất đứng, buổi sơ nguyên là cuộc bơ vơ của những con vật người vừa mới biết tư duy và mình đầy thương tích, nó là những cuộc chạy trốn, và còn cả những rượt đuổi nhau khi không còn chạy trốn, tiền sử là lịch sử của rượt đuổi và của chạy trốn, đi, rồi một hôm nhìn thấy có đám mây trôi trên dòng suối, đứng nhìn trong ái ngại, việc gì đang xảy ra vậy nhỉ, rồi chợt ngộ ra rằng hết thảy đều là những cuộc trôi, những cuộc trôi ở  trên trời,  và những cuộc trôi nơi mặt đất, xa mã, với những triều đại ngút ngàn những cung cấm và máu xương cho những tráng lệ của vương quyền, trống trường đình cứ vọng mãi…những đề xuất có vẻ ngẫu nhiên, nhưng thật ra đấy lại là những cuộc chơi trác táng của hiện  tồn, những cuộc chơi không theo luật tắc nào,  như đang có những ai đang khóc chăng, rồi vào một đêm không trăng sao, đứng lên hòn cự thạch, con người bỗng thấy có niềm sợ hãi trong lòng, hóa ra hiện tồn  là   niềm cô độc triền miên giữa cái không bờ bến, hay thế giới chỉ là ngụ ngôn của hết thảy những niềm bí ẩn, chẳng có kẻ nào nói được đâu, rồi mùa đông mưa bão triền miên như thể là sự thừa thãi nước và khí của đất trời,  mùa xuân hoa lại nở,  con người có ganh tị với lũ ong không nhỉ, lũ ong thay nhau hút mật hoa, còn con người thì cứ thấy luyến tiếc thứ  vẻ đất trời ấy, đừng tưởng hoa là để cho lũ ong hút mật hay để cho con người luyến tiếc, toàn thể những thứ hương sắc ấy chẳng qua là sự sơ hở không mong muốn của tự nhiên, cũng như tự nhiên đã sơ hở để cho tôi yêu Ngàn, người đi trắng cả trời hoa lá, đọc sách, biết có hoa đá đỏ, và lên rừng để tìm hoa đá đỏ, 

sách nói xứ sở chúng ta có nhiều hoa đá đỏ anh ạ,

Ngàn nói,

nhiều, và màu sắc có phần khác biệt, hoa đá đỏ ở đây cứ như muốn ngã sang màu ráng chiều

tôi nói,

cuộc gặp có vẻ ngẫu nhiên, nhưng thật ra thì Ngàn đang đi tìm tôi, và đang chờ tôi ở rừng Năn,

em vẫn chờ anh

nàng nói,

và  giờ thì đã gặp, 

tôi cứ  nói theo cách như thể là mình đã biết chuyện ấy từ lâu, cuộc đối thoại ngắn hơn tiếng kêu của bất cứ loài chim nào ở trên rừng,  nhưng sau đấy là dằn dặc những kỷ niệm, chúng tôi đã có với nhau tất cả những gì những cuộc gặp đã có, trí nhớ cứ chồng chất thêm những kỷ niệm, như thể là hằng ngày chúng tôi quì ở bên dưới ngọn núi thiêng của trí nhớ, hóa ra cả tôi lẫn Ngàn đều là giáo chủ và đều là tín đồ của một tôn giáo cũng cũ như mặt đất chúng tôi đang sống: tôn giáo ngụ ngôn, hóa ra cuộc tình của chúng tôi cũng chỉ là một thứ ngụ ngôn, 

 

 

mùa đông, nơi dòng sông có con nước ngầu đỏ, phù sa phương nam với tôi và Ngàn lần ấy cứ như thể một thứ dấu tích thuộc về phía khác trong ký ức mình, phía của những con chim trời cố bay cho thật xa để được nhìn thấy mình ở một bầu trời khác, với một cuộc tình đương nung nấu, và ngồi bên con nước phù sa cuộn chảy là những người trong cuộc thì chẳng cảnh giới nào cao hơn, chúng tôi cứ nghe như đang cất lên đâu đó tự chốn trên cao giọng nói chiếu cố, rồi các bạn cũng đến được nơi mình muốn đến thôi, vậy đấy, đã đến được một nơi để thấy mình khác đi lại còn nghe được lời an ủi, đấy là mùi phù sa đấy, tôi nói với Ngàn khi nàng bỗng kêu lên, rằng, như đang nghe thấy một thứ hương thơm rất lạ, bỡi ở trong thứ dòng chảy ngầu đục trong mắt chúng tôi là một cuộc trường thiên ngẫu nhĩ là gòm có nhau rốn của nguyên sơ, cuộc thanh trừng lãng tử, dứt bỏ đi thứ giấc mộng dài rặt những hư vô, trùng  điệp những bến bờ, nhưng chằng có gì đến, chẳng có gì đi, đến và đi, những khái niệm rổng, hiểm nguy, cũng chỉ là giấc trường đình rặt những hư vô, nhưng đấy cũng chỉ là cách nói lâu lắm về sau mới có, còn trong cuộc thanh trừng lãng tử thì hết thảy đều vỡ ra, những khoảng trống, những khoảng  dằn dặc, mộng mị, và máu, có thể là chỉ trong chốc lác tiếng khóc đầu đời của thế giới òa vỡ ra thành những dòng chảy, bắt đầu một cuộc lận đận, cái tài hoa trộn vào nước mắt, để cho cây cỏ mọc lên, những con vật bốn chân rồi hai chân đứng lên, để cho có những thứ có tên gọi  kỳ cục là hạnh phúc và khổ đau, chớ nói trong nhau rốn của nguyên sơ đã tiềm ẩn những bi khúc,  rồi ai đó lại đem đến cho phương nam màu phù sa ngầu đỏ, chúng tôi không biết, chỉ nghe thấy trong thứ dòng chảy ngầu đục như có bước chân ai, những bước chân nhẹ, và mơ hồ như thể có ai đó lại đem thế giới đặt vào một giấc mơ, đấy là những lời nói chỉ nói ra một nửa, tôi nói với Ngàn khi nàng bỗng thấy không vui khi nghe thấy  trong dòng chảy của con sông như có tiếng đổ vỡ của một thứ vật thể nào đó, những giọng nói mờ đục, nửa chừng, và những bước đi nhẹ nhàng, và cái dữ dội triền miên của chảy, dường những gì thuộc về tôi với Ngàn đều có nơi con sông có con nước ngầu đỏ, đêm, chúng tôi thử nằm lại bên một cuộc dịch chuyển, trong lúc Ngàn ngủ say thì đám phù sa ở trên sông đã đến gõ vào bàn chân tôi, bảo, tình yêu cũng là một thứ ngụ ngôn như con nước phù sa vậy, 

 

 

tức trên tờ Chim Trời:

ở đất nước N [chắc là tờ  Chim Trời không muốn gọi đích danh xứ sở đang xảy ra sự cố, N chắc là chữ đầu của tên một đất nước nào đó-chú thích của tôi] thì cuộc truy bức của ngài hống hách đã lên đến đỉnh điểm, thứ sức mạnh quỷ quái ấy xâm nhập vào xứ sở ấy vào đầu mùa thu, và chỉ mấy hôm sau thì vị nguyên thủ quốc gia bị treo cổ, và toàn bộ thành viên nội các của vị nguyên thủ bị treo cổ cũng bị treo cổ, bản án ghi rõ: đó là toàn bộ những con người làm công việc thừa kế một nền văn hiến đã quá cũ , và cuối mùa thu thì toàn bộ nội các của vị nguyên thủ mới lại bị treo cổ nữa, bản án viết: một chính phủ giết hại các chính trị gia chân chính tàn bạo nhất và phá hoại tài sản quốc gia nhiều nhất, cả đất nước N sửng sốt trước bao nhiêu biến cố như thể một giấc mơ không khúc cuối,

 

và tờ Vãn Lai thì viết:
có mấy vấn đề phải đặt ra,
* một nền văn hiến đã quá cũ là một nền văn hiến như thế nào,

*cứ gọi cuộc truy bức là những cuộc cách mạng lật đổ, nhưng rồi ra, ai sẽ lật đổ ai, và cứ nhân danh điều này, hay nhân danh điều nọ, để làm  lý do cho việc lật đổ là có thể làm nên một cuộc cách mạng lật đổ,

* kẻ nhân danh lật đổ kẻ xấu lại trở thành kẻ xấu và lại bị lật đổ, hóa ra cách mạng lật đổ là những cuộc chơi dai dẳng, những cuộc chơi trên sự chết chóc,

 

 

và, từng ngày, nơi ngôi nhà ấy, chúng tôi vẫn nghe thấy những âm vang ấy, tiếng gào của rừng thông như thể sự đánh dấu cho một sự hiện diện nào đó, sự hiện diện của cái vắng mặt, hay của cái chưa đến, tự bao giờ, nó, thứ tiếng động của cây lá, ở đây chỉ là sự đột xuất, bỗng có một rừng thông lẻ loi ở bên biển, cũng tình cờ như tôi và Ngàn vậy thôi, bỗng, chúng tôi, tôi với Ngàn, với cái rừng thông lẻ loi ấy, lại sống bên nhau, hay  có sự sắp đặt tiền nghiệm nào đó, chúng tôi không biết, chỉ biết ngày ngày chúng tôi nghe tiếng thông reo như một gơi mở về một ngày có ai đó bỗng đứng lên giữa núi non đồng ruộng, thét, hãy trả lại giấc ngủ bình yên cho cây cối trên rừng và trong những khu vườn không còn chuyện đi lại của những nàng tiên buổi ấu thơ, hay như một gợi mở về một hiện thực, không phải là giấc mơ, khi hết thảy thành quách cổ xưa đã được sơn sửa lại, tráng lệ, huy hoàng, và nơi những cung đình không còn thấy những ông vua trái tính trái nết, nơi các kinh thành, ngày đêm, trống điểm canh, như thứ tiếng nói tân kỳ của thời đại, và từng ngày, nơi ngôi nhà ấy, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng gào của biển như  nhắc nhở của ký ức bầy đàn, tự hồi nào, biển nguyên sơ vẫn vậy, nghìn triệu năm vẫn cứ vỗ lên những dự tính của vạn hữu, gọi là dự tính, bỡi vạn hữu nguyên sơ chỉ là những dáng vẻ của những e ấp ngập ngừng, rồi bỗng một hôm hết thảy đã bước ra, biển và mặt đất, và bầu trời, và những bay nhảy đi đứng, những quen biết, và những chưa quen biết, và những cuộc tình, đã nghìn triệu năm, biển vẫn vỗ lên những cuộc tình, có thể là tôi với Ngàn chưa hiểu hết sự ẩn mật trong mối tương quan giữa biển và những cuộc tình, song, khi nghe tiếng biển gào thì nhận ra sự nhiệt tình, cứ như thể là những hối thúc, hãy lên đường thôi các bạn ạ, giữa thứ nhịp điệu có vẻ hối hả của sóng như thể là những ký thác của thế giới, bạn cứ việc lên đường đi, sự thật thì chúng tôi đã lên đường từ lâu, nhưng những âm vang ấy, tiếng của rừng thông và tiếng của biển do đâu mà có vậy, chúng ta cứ tiếp tục hỏi, và cho đến khi chúng ta không trả lời được, có vẻ mọi hiện hữu đều là những cuộc tìm kiếm vô  định, và cuộc tình của chúng tôi cũng không ngoại lệ, rồi ngày ngày, nơi ngôi nhà ấy, chúng tôi vẫn cứ nghe thấy những âm vang ấy, tiếng thông reo và tiếng biển gào, chúng có sức gợi mở về phía những hiện diện khác, có thể đấy là một buổi chiều của thế kỷ, các châu lục đang buồn bã vì loài dơi X đang trên đường tuyệt chủng, loài dơi có khả năng đánh thức được ý thức con người, cũng có thể đấy là một buổi sớm mai có vẻ buồn cười bỡi thế giới tràn ngập những tin tức về đất nước Y nơi cái nghèo đói tràn ngập nhưng vị nguyên thủ của đất nước ấy vẫn bắt dân tình phải tin rằng đất nước mình vĩ đại, 

 

lần này thì tờ Chim Trời trích dịch một Bình Luận Chính Trị trên một tờ báo nước ngoài, The One And The Two/Một Và Hai:

…bảo ông ấy là kẻ hống hách là chưa đúng,  bỡi hống hách chỉ là thứ khuyết tật của những kẻ muốn làm chủ thế giới nhưng tài sức chưa đủ để làm cuộc chinh phục, để cho kẻ khác không nhìn thấy chỗ hổng của mình, những kẻ ấy luôn tỏ ra ngông nghênh ngạo mạn và không từ những tuyên bố như thể bọn họ  vung tay  thì đầu kẻ địch rơi, hống hách là một thiếu sót trầm trọng trong mưu toan chinh phục thề giới, ở đây, sự truy bức lại được đặt vào một nhóm từ có vẻ rất to tát ’’cuộc truy bức của ngài hống hách’’ đang được lưu hành trên khắp thế giới như thể để nói về một cuộc cách mạng lật đổ cái cũ được đề xướng bỡi một người mà người ta đã gán cho cái tên hơi đặc biệt ‘‘ngài hống hách’’, thực ra ở đất nước ông đang làm chủ  thì ông quả là một kẻ hống hách, chính ông đã ra tay sát hại hằng nghìn đồng bào của ông, những người có ý chống lại hay đang chống lại ông, thì không hống hách là gì, 

cái khúc sử ấy là vô cùng tệ hại, như thể tai họa của loài người, sự truy bức của ngài hống hách là đồng nghĩa với lật đổ, phá đổ, tức là cách mạng, thì chúng tôi cũng chỉ là nghe qua tin tức [chỗ này người ta chống lại nhà cầm quyền, chỗ kia  người ta kéo nhau ra đường yêu sách điều này điều nọ] nhưng con người là sinh vật vốn quí trọng cuộc sống của mình không thể không cảm thấy sợ hãi trước những tàn phá [dẫu với  lý do nào đi nữa] xứ sở tôi sắp lâm  nguy, có thể nói vậy, chúng tôi cũng chẳng thấy  mấy tiếc đoạn đời đã qua chẳng có gì của chúng tôi [được sinh ra thế nào, lớn lên làm sao, và buồn vui ra sao…] chỉ sợ mất đi cái đoạn khúc đẹp một cách ngoại lệ, có hai con người từng dắt nhau ngang qua những gian nan trắc trở, tôi và Ngàn bỗng gặp nhau giữa cuộc đời muôn nẻo, rồi  cùng dấn bước vào cuộc hành trình đi tìm cái có thể, ở đó, những  chiều hôm,  con vạc kêu trên đồng ruộng, nghe chim trời kêu mà nhìn thấy được cuộc nghìn năm  người đi mở đất, ngọn khói lam chiều cứ mãi cất lên, em đã thấy vậy, anh cũng thấy vậy, chúng tôi nói, ngôn ngữ, bút pháp của cuộc hành trình, lồng lộng cuồng phong của quá khứ cha ông, nói một cách nghiêm khắc, cái đang có trong tay chúng ta chưa phải là cái chúng  ta mong mỏi, không phải chuyện tương lai đâu, bỡi tương lai chỉ là thứ khoảnh khắc quá nhỏ bé của trường tồn, không phải là chuyện tương lai theo cách hiểu thông thường, mà là cái áo nghĩa của sinh tồn, cái sẽ là, sẽ là, bản thể của con vật tư duy là tìm kiếm cái có thể, chuyện chúng tôi gặp nhau như thể là huyễn hoặc, nhưng đấy lại là chuyện thật, 

 

em đang bước giữa cuộc tìm kiếm thì nhìn thấy anh,

 

Ngàn đã nói với tôi vào một ngày nhân loại còn lao đao trong cuộc truy tìm cái có thể, cuộc gặp chẳng qua  là để cho cuộc sống thêm chút hơi thở của con người                            

 

 

chính là cuộc sống này đã làm cho chúng tôi thất lạc, mùa đông năm ấy tôi phải ngồi đợi Ngàn nơi miền cao giữa mùa mưa rừng, chuyện thất lạc nghe có vẻ buồn cười, đi nghe diễn thuyết ở quảng trường thành phố, ngài thị trưởng thành phố nói về tương lai của xứ sở, chất giọng hùng hồn ấy cộng với cái lành lạnh của mưa đêm còn sót lại tạo nên trong chúng tôi thứ cảm giác bình yên mà đau đớn, không biết mô tả thế có đúng không nhỉ, chính là vì quá nôn nóng được nhìn thấy thứ tương lai bốn chấm không [4.0] quá tuyệt vời  ấy mà cứ thấy nhói lên trong nhận thức, thứ niềm vui có vẻ hơi quá sức chịu đựng của con người, phải, bạn cứ gõ nhẹ lên bàn phím một cái là sẽ xuất đi năm châu bốn biển những máy cày máy giặt bọt ngọt mì tôm lúa gạo trâu bò gà heo với cá tôm sò hến,  vân vân,  bỡi thành phố chúng tôi, đất vàng đất bạc, là bao gòm có phố có biển có ruộng động, chúng tôi lắng nghe trong trạng thái tình cảm hơi bàng hoàng một chút, bỡi, thật ra, thì chưa bao giờ chúng tôi lại dám nghĩ đến một thứ tương tương lai huy hoàng đến mức vậy, nghe, và cứ chen lấn xô đẩy nhau, cốt để được gần ngài thị trưởng nghe cho rõ hơn, một chặp thì tôi và Ngàn lạc nhau, và lát sau thì tôi thấy mình đang đứng trước một ngôi làng miền cao có người đàn ông đang ngồi nhìn trời đất, thấy tôi, ông đứng lên, muốn nói gì đấy, nhưng rồi chẳng nói gì, chỉ nắm lấy tay tôi, và cười, tôi cứ cảm tưởng như thể là ông ấy đang vui vì đã được gặp tôi, có sự lầm lẫn nào ở đây chăng, nhưng không phải, sau khi ông ấy dắt tôi vào một ngôi nhà sàn trông thứ gì cũng cũ kỹ là bữa cơm trưa gòm vợ chồng ông ấy, với cô con gái, và tôi, ông khách, tự dưng vào buổi trưa mùa đông ấy lại lạc đến ngôi làng ấy để ngồi ăn cơm với những người miền cao, ăn cho no nghe chưa, ông ấy nói, ở đây ăn không no không sống được đâu,  bà vợ ông ấy cũng nói, cô con gái chợt nhìn tôi, cười, như vậy là chẳng có sự lầm lẫn nào cả, ở đây, sự thân thiện giữa con người với nhau chỉ như một thứ cách thế của núi rừng, đám cây  bên bờ suối cứ việc ngã bóng xuống con nước con suối, vậy thôi, làng thì nằm lọt thõm giữa khu rừng già, từ nhà này chẳng thể nhìn thấy những nhà khác, cuộc sống có vẻ rời rạc nơi đây cứ làm cho tôi thấy nhớ Ngàn ghê gớm [giờ thì em đang ở đâu ] trời sắp mưa to rồi, người đàn ông chủ ngôi nhà sàn bỗng hô to, rồi cả vợ chồng và đứa con gái kéo hết ra cửa, cả ba đều hút thuốc lá và ngồi nhìn mưa rơi, trời này còn mưa dai lắm đó,  người đàn ông chủ ngôi nhà sàn nói, mùa này không đi làm rẫy sao, tôi cũng đến ngồi bên mọi người, và gợi chuyện, lúa tuốt xong rồi, chỉ còn bẻ bắp, cứ ăn cho hết lúa rẫy cái đã, người đàn ông chủ ngôi nhá sàn nói, gõ ống điếu lên sàn, tôi thử nhìn vào bên trong ngôi nhà một lượt, bếp nấu nằm ở một góc sàn, trên vách sàn là  lỉnh khỉnh những dao, rựa, gùi, quần áo, và treo nơi mái nhà là vô số những chân giò của nai, thỏ và  các loài chim, sao không thấy lúa thóc đâu cả, tôi hỏi , vì nhìn mãi chẳng thấy có vật  gì chứng tỏ đấy là thứ chứa lúa thóc, ở đằng nhà họp của làng đấy, người đàn ông chủ ngôi nhà sàn nói, và tiếp tục nhìn mưa rơi, bà vợ ông ấy và cô con gái lại nhìn tôi, cười, làng đang trong chế độ công xã ư, tôi nghĩ , mưa vẫn giăng kín núi rừng như thể đang làm chậm lại mọi thứ, nếu quả làng đang trong chế độ công xã thì cái cổ sơ đang phủ xuống nơi đây, tôi lại thử nhìn ngôi nhà sàn một lượt nữa, từ sàn nhà cho đến cột kèo, vách, mái, hết thảy là đều ánh lên màu đen xỉn, tôi cứ có cảm tưởng mọi thứ nơi đây là đang ngưng lại, và tôi, thì như thể đang đánh mất niềm tin về tiến hóa, đêm, trời tạnh mưa,  cô con gái đưa tôi đến nhà họp của làng, anh đi sát lưng em không bị lạc đấy, cô gái nói, cũng dễ bị lạc thật, khi chúng tôi lội suối, khi  chui qua đám cây rừng to lớn, khi chen và đám gai rừng dày đặc, nhà họp của làng sao xa vậy, tôi nói, cũng trong núi rừng này xa gì, cô gái nói, tôi cứ từ bất ngờ này chuyển sang bất  ngờ khác, cô gái không phải không biết chuyện trò như tôi nghĩ, có thêm  người, vui đấy, đám con trai con gái của làng đang lảy bắp, uống rượu và nhảy múa thấy tôi xuất hiện cùng với cô con gái người chủ ngôi nhà sàn  tôi đang tá túc thì reo lên, rượu ngà say, tôi nhìn thấy đến ba bốn cái nhà họp của làng, bỗng đám con trai con gái thôi uống rượu cần, ôm nhau la hét, cô con gái con người chủ ngôi nhà sàn tôi đang tá túc cũng ôm tôi la hét, chẳng có gì khác cả, ở đây chỉ là cuộc sống, là đang ở trong hay ở ngoài cuộc tiến hóa vậy nhỉ, nếu là đang ở ngoài thì chỉ còn nghe gió trút trên ngàn, tôi nghĩ ngợi trong lúc cô con gái người chủ ngôi nhà sàn tôi đang tá túc ôm chặt lấy người tôi,  

 

 

tờ Chim Trời viết:

đất nước L đang rơi vào cuộc suy thoái trầm trọng, vào những ngày tháng không bình yên cho lắm, toàn thể cư dân của đất nước ấy bỗng bội nhiễm thứ tư tưởng cách mạng của ngài hống hách, cuộc tiếp nhận mù lòa  thứ nguồn cơn lạ như thể là cơn giận dữ không còn kiềm chế nổi của những con người vốn đang là những kẻ không biết ở  trên đầu mình có bao nhiêu kẻ cai trị,  phải nói đấy là cuộc nổi loạn của những con người đang thiếu đói cả cơm áo lẫn niềm vui, tất cả hãy cùng tiến lên, cứ bê nguyên cái tiêu chí của ngài hống hách đi khắp đất nước, không phải chỉ để hô vang những lời lẽ mơ hồ, mà còn đập phá bất cứ cái gì bắt gặp, cơn thịnh nộ mù lòa, những bờ dậu trước sân, hay cái cách bố trí của một ngôi làng sao cho hợp với đất đai phong thổ, tre làng, và những con đường làng với bờ rào cây xanh, những vẻ đẹp nghìn năm của xứ sở đã bị thiêu rụi bỡi ngọn lửa căm hờn nhưng chẳng biết là căm hờn ai, nhưng không phải chỉ miền thôn dã, ở chốn kinh thành cũ, Kinh Văn Các với  mái ngói lẻ loi còn sót lại, hay, tượng Ngựa Đá Đầu Non, nơi hội ngộ của các cuộc hành hương về miền đất tổ, tất cả đều bị phá đổ [chắc là tờ Chim Trời đang nói đến những công trình kiến trúc cổ ở đất nước L-chú thích của tôi] hết thảy chúng là thuộc về thời cũ, thuộc về thời có vua, nhưng hết thảy chúng là cái hơi hướng nghìn năm không tan của cha ông, đúng là cách phá bỏ của ngài hống hách, một xứ sở trống trơn,

và tờ Vãn Lai thì viết: cầu mong sao cho ngọn gió hung hiểm sớm tan đi,

 

□ 

 

nhà cổ vật học X lại tìm đến tôi với Ngàn để nói ra quan điểm của ông về các cổ vật nơi vườn Eden:  nước, đất, cây trường sinh và cái xương sườn của người đàn ông đầu tiên, bấy giờ, tuy chưa có công trình gì to tát,  nhưng hầu hết  những người có chữ đang sống nơi thành phố này đều biết tôi với Ngàn là những người đang trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể, người ta trước tác, và muốn chia xẻ với chúng tôi, bấy giờ, ở bên ngoài tràn vào là cuộc truy bức của ngài hống hách, cứ cho đó là cuộc cách mạng đánh đổ những cơ cấu cũ, và cái cớ để cho những người có chữ ở xứ sở tôi khởi lên các thuyết lý của bọn họ, thuyết lý của các nhà triết học hiện đại [cứ tạm gọi vậy ] thuyết lý của các  nhà cổ sinh vật học,  cảm thụ học, trường sinh học, đó là chưa kể đến lãnh vực văn chương của các nhà hậu tương lai, hậu quá khứ, vân vân, các bạn có thể gọi cái xương sườn của người đàn ông đầu tiên ấy là cổ vật được không ạ, ‘‘đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người…’’ đây là trích từ chương một, sách Sáng Thế , thì rõ ràng đấy là người đàn ông đầu tiên, vì là người đàn ông đầu tiên nên cứ gọi cái xương sườn của ông ta là cổ vật có được không ạ, thưa, vẫn  chưa được ạ, bỡi sách Sáng Thế, chương một, đoạn 7 viết: ‘‘ đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật’’ cho nên đất mới là cổ vật, các bạn ạ,  nhưng, cũng theo sách Sáng Thế, đầu tiên là chưa có gì cả, chưa có trời đất, chưa có cỏ cây muông thú, phải mất 6 ngày Chúa mới ra tay làm ra tất cả, con người, suýt chút nữa thì Chúa đã quên, mãi tới ngày cuối cùng, ngày thứ 6, Chúa mới làm ra con người đấy các bạn, sách Sáng Thế, chương 1,  viết: ‘‘ Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước./ Thiên Chúa phán : “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng…… Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất …“,  từ đó mà suy, cổ vật là cái rổng không, nhưng từ cái rổng không Chúa đã làm ra  mọi thứ,  cổ vật theo nghĩa cổ sinh vật học là cái cũ nhất, vậy thì chúng ta có thể nói, không phải là đất, cũng không phải cái xương sườn của người đàn ông đầu tiên, mà Chúa mới là cổ vật, bắt tay tôi với Ngàn xong, nhà cổ vật học X lập tức nhảy vào cuộc trò chuyện thực ra chỉ mỗi mình ông nói, và, cho đến lúc này, có vẻ như Ngàn không còn chịu đựng được hay sao đó, đã chen vào, thưa tiên sinh, Ngàn gọi nhà cổ vật học X bằng tiên sinh, dẫu tuổi tác của ông cũng ngang ngửa với tôi và Ngàn, cứ coi như Chúa đã kết thúc cuộc chuyện trò của chúng ta, tiên sinh ạ, bỡi ngài có trước tất cả nên ngài là cổ vật, ồ, quả tình, bạn là đồng điệu của ta, rất đồng điệu, nhà cổ vật X bỗng kêu,  vô tình Ngàn đã  mang niềm hứng khởi đến cho ông ấy, nhưng làm sao nói Chúa là cổ vật trong khi cái rổng không có trước Chúa, các bạn ạ,  cái buổi sáng tháng ba, gió biển thổi từng cơn, ngôi nhà của chúng tôi có vẻ như đang rã ra trong tiếng gào của sóng, hay cái trống không mới là cổ vật, các bạn ạ, nhà cổ vật X nói, nhìn chúng tôi, rồi nhìn biển, đăm chiêu trong vẻ hoang mang,

 

 

rồi trống chuông náo động quảng trường thành phố, lũ chim trên bầu trời tháng tư như bị con người hớp mất hồn, cứ từng chặp chúng bổ nhào xuống với thứ âm thanh như thể đang làm cho người nghe mất hết hồn vía, lả lơi, mà cứ như gút lại, níu lại, chặn lại, hết thảy như thể những lời thốt tự đáy lòng kẻ ở [kẻ ở gọi người đi, hãy về với em thôi… thứ tiếng trống chiêng cũng gần như thế] rồi người xem diễn thuyết cứ từng lượt từng lượt đổ về quảng trường thành phố, thời con người thèm khát tin tức còn hơn cả thèm khát cao lương mỹ vị, thuyết giảng của nhà trường sinh học mà lại, người ta đã rỉ tai nhau từ những ngày hôm trước, khi, tự nhiên rộ lên thứ tin tức động trời, rằng, một chiêm tinh gia sẽ giảng về sự sung sướng, không phải chiêm tinh gia mà là chuyên gia, nói cho chính xác là một chuyên gia giảng về niềm khoái lạc của loài người, cả thành phố đã bàn tán nhặn lên về việc nhà trường sinh học Z đăng đàn diễn thuyết về chủ nghĩa khoái lạc mới, tân Epicurus, nói cho chính xác, tân Epicurus chỉ là cách mượn tiếng người xưa của một người đời nay, ông Z, một ông lai tây, người ta nói vậy, thành phố nơi tôi và Ngàn ngồi viết thì còn nghèo, đời sống vật chất cũng chỉ nhỉnh hơn các miền quê một chút, ví dụ, buổi sáng ra đồng làng người cày ruộng có thể ăn cơm hoặc không ăn gì, trong khi đó ở thành phố nơi tôi và Ngàn ngồi viết thì người đạp xích lô, có thể sang hơn miền quê một chút, sáng đạp xích lô ra quán nhỏ vĩa hè uống một tách cà phê, đấy là lúc có tiền, còn không, tệ lắm cũng phải có một điếu thuốc thơm, nhưng ông Z, du học châu Âu về, thành phố của mình còn nghèo, mặc, đã quen với nếp sống của một ông tây giả, sáng ra ít gì cũng tô phở cộng ly cà phê, có nhịn lắm cũng hạ xuống cái tiêu chuẩn một tô phở, có thể nói đấy là các yếu tố để cấu thành thứ chủ nghĩa tân khoái lạc của nhà trường sinh học Z, thưa quí ngài, ông Z bắt đầu bài diễn thuyết của mình bằng cách mào đầu theo kiểu châu Âu, nhưng không phải là châu Âu cổ điển của Epicurus đâu nhé, như vậy là ông Z đã cho nâng cử tọa của ông lên một tầm cao mới, thưa quí ngài, rồi cái đám người nghe dày đặc quảng trường thành phố nhao lên, xin hãy bắt đầu đi, quả tình, tinh thần dân chủ [có ghi trong hiến pháp của thành phố nơi tôi và Ngàn ngồi viết] là bàng bạc khắp quá trình chuẩn bị cho diễn thuyết, dân chủ cả trong cách cổ vũ cho buổi diễn thuyết bằng cả chuông lẫn trống [trống gióng ba, chuông gióng một, rền vang cả một góc trời] , dân chủ cả trong cách thiết lập bục diễn giả, cái bục cao như gần đụng trời, có thể ở tận ngoại ô cũng có thể nhìn thấy diễn giả, nhưng dân chủ nhất là diễn giả xem người nghe như đồng điệu của mình, thưa quí ngài, con người vốn là sinh vật lao đao suốt quá trình tiến hóa, cho đến khi đã đứng lên giữa muôn loài để nói to lên ta là homosapien thì bao nhiêu tai họa vẫn cứ ấp xuống ..rồi sao nữa, đám người nghe lại nhao lên, bỡi ông Z bỗng ngưng, thì ra, có nhiều đám mây đang kéo tới trên bầu trời quảng trường thành phố, thưa quí ngài, con người đã lao đao nhiều rồi, giờ là lúc để hưởng thụ, hãy dẹp bỏ tất cả, cả chuyện mưa gió của trời, cả những ý tưởng của con người, không có chuyện phá bỏ cái cũ [ông Z nói và ngẩng lên nhìn mọi người, mỉm cười, như thể để lưu ý mọi người là ông đang nói đến ngài hống hách] không có chuyện không phá bỏ cái cũ, hay chuyện không làm ra cái mới [tới chỗ này, ông Z lại dơ hai tay lên trời, như thể để nói rằng về chuyện này thì ông xin đầu hàng các nhà cầm quyền-một thái độ thách đố/ghi chú của tôi] để bù lại những tháng năm khổ ải, bây giờ, chuyện của con người là phải sung sướng, những người theo chủ nghĩa khoái lạc Epicurus [341-270tcn] là những nhà nhân văn khoáng đạt và khoa học đầu tiên của nhân loại, một mực cho rằng trời đất chỉ có nguyên tử và những khoảng trống, việc cuối cùng của bọn họ là giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi, cái chết chẳng làm gì được chúng ta, khi cái chết chưa xảy ra chúng ta có quyền hưởng thụ cuộc sống của chúng ta, trong kiệt tác “Về bản chất của các sự vật” của Lucretius , một người của chủ nghĩa Epicurus, có đoạn: “Mẹ của Rome, niềm khoái lạc của thần và của con người/Venus thân yêu, người ở bên dưới những ngôi sao bay lượn/Hãy làm ra chủ yếu thật nhiều những chuyến đi/Và những miền cây trái—cho mọi thứ sinh sôi / Bỡi người là nỗi cô đơn mãi mãi được nhận biết/Bỡi người trổi dậy vươn đến mặt trời vĩ đại—/Trước mặt người, Nữ Thần, và những gì của người đang đến/Chạy trốn gió bão và tránh xa những đám mây nặng trịch/Bỡi người là Mặt Đất tinh vi cưu mang những bông hoa thơm ngát/Bỡi người là vực nước sâu thanh thản/Nụ cười, và những quãng trống của bầu trời quang mây/Hãy bừng lên với ánh hào quang lan xa của người!/ Mother of Rome, delight of Gods and men/ Dear Venus that beneath the gliding stars/ Makest to teem the many-voyaged main/ And fruitful lands—for all of living things/ Through thee alone are evermore conceived/Through thee are risen to visit the great sun—/ Before thee, Goddess, and thy coming on/ Flee stormy wind and massy cloud away/For thee the daedal Earth bears scented flowers/ For thee waters of the unvexed deep/ Smile, and the hollows of the serene sky/ Glow with diffused radiance for thee! “ [Về bản chất của các sự vật/Cuốn 1/Lời tựa], và, ông Z đã đọc lại đoạn ấy theo cách nhìn thế giới của mình: “Hỡi các vị thần, con người là niềm khoái lạc ở bên dưới những ngôi sao lượn lờ, hãy làm ra cho thật nhiều những chuyến đi, cuộc đời là vực thẳm, và con người là những bông hoa nơi mặt đất, nụ cười, và bầu trời quang mây, và niềm khoái lạc” nhà trường sinh học Z của chúng ta quả là một kẻ lạc quan,

 

 

bỗng ngài thị trưởng thành phố đọc thông điệp mùa  hè ca ngợi cuộc trăm hoa đua nở, ‘‘xứ sở đang trở mình, hay đang thức dậy cho một thế kỷ mới chăng’’ [nguyên văn trong thông điệp] , vào những ngày của thế kỷ chúng ta chợt nghe vang lên những vần điệu tài hoa của những nhà lý thuyết đương đại về những nguyên tắc của sống, về cái bóng của văn minh đang phủ xuống nhân loại, và về những lẽ thường của vạn vật, rằng, con ong hút mật hoa  có nghĩa là đang có cuộc hổ tương thân thiết  giữa các sự vật, rằng, lũ chim đang hót trên rừng có nghĩa là thế giới đang trong niềm vui bất tận, ở đây là chúng ta muốn làm cho rõ ra cái cách ngài thị trưởng của chúng ta đánh giá tư tưởng đương đại khi ngài cho rằng những nhà thuyết lý của thời đại chúng ta là những vị thần của thời trăm hoa đua nở, ‘‘ sự có mặt trong buổi hôm nay của quí vị cứ như một cuộc xuất thế khác thường, hoan hô những nhà lý thuyết của xứ sở’’ [nguyên văn trong thông điệp] , bỗng người dân thành phố được nghe thấy một điệp khúc của sử sự, thông điệp mùa xuân của ngài thị trưởng thành phố là một khúc của cầm ca, nó, trọng lượng thì nặng như núi , còn tầm ảnh hưởng thì như nước tràn bờ, chúng ta không nên lấy làm ngần ngại khi  mường tượng ra rằng,  ngài thị trưởng cầm bút lên, ngắm nghía non sông đất nước, thật lâu, ôi, vĩ đại làm sao quê hương xứ sở chúng ta, ngài nói với chính mình, rồi nước mắt lại ứa ra, quả thời đại đã làm sản sinh những người con  ưu tú của đất nước, ngài lại lẩm bẩm, là nhà kỷ trị tài ba của chúng ta đang nghĩ về những nhà lý thuyết tài ba của xứ sở chúng ta đấy, rồi bắt đầu viết, thông điệp, một tài sản quí hiếm, phải nói như vậy, bỡi đấy là nghĩ ngợi rành mạch của một người đang dẫn dắt cuộc đói no và buồn vui của xứ sở, ‘‘tôi cứ có cảm tưởng như thể là mình đang bước đi trên con đường trải thảm’’ [nguyên văn trong thông điệp] quí vị cứ tiếp tục đi, ngài thị trưởng lại lẩm bẩm, như thể đó là lời khuyên, hay tuyên bố nhỉ, nhưng đấy là tiếng nói quyết định của một nhà cầm quyền trước cuộc trăm hoa đua nở có hơi hỗn loạn một chút và hơi phức tạp một chút , thật ra, thì những nhà lý thuyết của xứ sở chúng ta là đang ca ngợi nhau, hay đang chửi bới nhau, một cuộc chiến không có tiếng súng và không có giới hạn, nhưng trong cách nhìn cởi mở, hay biện chứng nhỉ, của ngài thị trưởng của chúng ta, thì hết thảy là như những bông hoa đang đua nở, 

 

[trích Xã Luận trên báo Chim Trời]

 

 

những tiếng nói của cuộc sống cứ cất lên, lan ra, đồng thuận, hay bác bỏ, hay biến dạng thành những hình thù khác, quái dị, hay đáng yêu, hay mất hút vào cõi bụi, cuộc đời, nó là một cái lò, vĩ đại và tàn  nhẫn, có cả ở trong nó, lửa, sự cay độc, và nanh vuốt của những vị thần chuyên gây cảnh điêu tàn, những chất xúc tác tàn bạo nhất làm nát cả mộng đế vương, nát cả những chương trình to lớn của những nhà học thuật và của những bậc hiền triết đông tây kim cổ, thậm chí, chẳng chừa chút mơ ước nhỏ nhoi của tuổi thơ, những phá phách vô hình cứ việc đồng hành cùng cuộc tiến hóa, bỗng một hôm, con người hô hoán mình đang già đi trước tuổi, không đủ lời để thở than, nhưng ở đâu đó, thơ, tiếng nói thành thật nhất của nhân loại lại cất lên, về sự tàn rữa như sự kỳ bí của hồng trần, bụi đỏ, nó là dấu vết của một cuộc nhào trộn bất nhẫn và vô liêm sỉ, lũ cá đi thẳng lên nguồn khóc nói với núi, rằng, biển khơi là chốn buồn, hay, một vị thần đương ngự chốn non cao bỗng cỡi bỏ hết áo quần nhảy múa cùng đám người buôn hương bán phấn, có phải cuối cùng, thế giới ,  chỉ còn thấy sót lại nỗi sợ hãi,

 

□      

 

cuối cùng thì sự nhẩn nha, cái nhàn hạ nhất của loài người, cũng phải lên đường, thời không phải cứ để cho bóng câu vút qua, đã khép lại những cánh cửa vốn chỉ để mở ra nhàn tản, đã nghe thấy tiếng móng ngựa gõ khắp nơi, người đi nhiều hơn kẻ ở, loài có cánh bắt đầu ganh tị với con người, bay không còn là chuyện của loài có cánh, con người đang bay về phía ước mơ, đất và nước như cơn địa chấn, cứ rung lên, những trăn trở, hy vọng, và thất vọng, cuối cùng thì cũng phải trò chuyện với con trai của người mổ heo, nhà cảm thụ học Y,

cuối cùng thì ngài cảm thấy thế nào về con đường mình đã chọn, thưa ngài Y

có bao giờ quí vị tự hỏi mình như thế chưa, cứ để cho người ta tự tra vấn có hay hơn không,

nhưng loài người thì thường hay bước về phía trước, và họa hoắn lắm mới ngoảnh lại, cho nên những câu chuyện về mình vẫn cứ hiếm,

 

những câu chuyện về mình, cái nhìn mang tính bản thể luận, có thể, vào một sớm mai nào đó, bầu trời ít gió, bỗng nghe lòng nhẹ tênh, nhẹ tênh hay trống rổng nhỉ, toàn bộ cái quá khứ đầy ắp của ta lại hiện ra, vào những đêm nghe gió trút, cứ thấy mọi thứ như đọng lại, nén lại,  cái xưa cũ va vào, một chút mơ hồ rã ra thành những khúc không tên, cái u uẩn, và bất nhất,  ngắc ngứ những âm thanh, đặc, mà buồn, xin hãy buông tay, có ai đó nài nĩ, và ta thì cứ nghe thắc mắc trong nhận biết, vì sao phải ra nông nổi vậy nhỉ, vì sao vào những đêm nghe gió trút cứ thấy cái cô đơn va vào rã mục, như thể có những cánh cửa đương đại đang rơi xuống, để lộ ra những khuôn mặt, gian dối, và tàn nhẫn, lũ chim có bộ lông màu đen bay lấp vào, nhưng người gác cửa có vẻ không bằng lòng, nói, xin hãy đi đi, và ta thì thấy cứ nặng trịch trong nhận biết,

và sau đó thì sao, thưa ngài Y,

sau đó thì lũ chim có bộ lông màu đen bay đi, và người gác cửa vác nỗi buồn đi khắp nhân gian, nói, đây là những hệ lụy của những va chạm có tính định mệnh,

 

cuộc phỏng vấn nhà cảm thụ học Y của tờ Vãn Lai thì còn dài, cũng như con đường trước tác của ông ấy cũng còn dài, bắt đầu là một đứa con trai khỏe mạnh, con của một người mổ heo, cha tôi đã đem đến cho tuổi thơ tôi hình ảnh của sợ hãi và căm hờn, ông Y thường nói với những người đến trò chuyện với mình, năm tuổi ông đã biết nghĩ ngợi về những con dao mài sắc, dụng cụ mổ heo [vì sao lại phải giết loài heo nhỉ], và nghĩ ngợi về những tiếng kêu thất thanh của lũ heo đang trên giàn mổ [ làm sao lũ heo lại sợ hãi con người đến thế ] năm tuổi ông đã chứng kiến cảnh con người giết hại một loài giống khác với loài giống của mình, và nhất là chứng kiến gương mặt lạnh lùng của người cha của mình khi ông cầm con dao loang loáng thọc vào cổ con heo không chút do dự, không hiểu sao cha tôi lại chọn nghề mổ heo nhỉ, về sau, ông thường tâm sự với đám bạn đồng môn của mình, đó là những người bạn cùng học ngành y với ông, có phải cảnh giết mổ thôi thúc ông học ngành y để cứu ngươi hay không, chẳng ai rõ, chỉ biết là ông bỗng bỏ học ngành y, về nhà ngồi viết sách, ‘‘Cách cảm thụ thế giới của một người mù’’, tên  công trình trước tác của ông Y, một người mù thì nhìn thế giới thế nào nhỉ, 

 

 

với những người cày ruộng và những người dệt vải [tức những người ít chữ, hay không có chữ] thì chuyện truy bức của ngài hống hách, chuyện xóa bỏ những cơ cấu cũ, chẳng là gì cả, cuộc sống của bọn họ, cày với dệt, vốn đã quá cũ, đã kéo lê cả cuộc đời mình ở trong đó, giờ nói đến chuyện xóa bỏ hay không xóa bỏ thì là chuyện cũng đã quá cũ, nói tóm, chỉ những người có chữ như tôi với Ngàn mới không thể không nghĩ ngợi về chuyện xóa bỏ hay không xóa bỏ những cơ cấu cũ, nhưng liệu cuộc truy bức của ngài hông hách, có vẻ rất dữ dội, có thực sự tác động đến xứ sở chúng tôi hay không, trong khi ở xứ sở tôi, quả thật, những trước tác của những người có chữ như mỗi ngày mỗi nhiều,thời sách vở báo chí nhiều như cát biển, những nhà thời sự học, luật lệ học, tranh luận học, củng cố học, xu thế học… với những công trình về cách làm sao để trở nên giàu có, trở nên nổi tiếng, về những cách thức để bước lên con đường hoa gấm, bước đi về phía có nhiều tiếng hát, về những tiếng kêu chí chóe của các loài ăn đêm, về cách phá hủy sự vật của các loài gặm nhấm, hay về những vấn đề triết học văn chương, trần gian là gì, hạnh phúc là gì, vân vân, quả tình, con đường đi tới vinh quang là lót bằng chữ, có thể gọi là thời hoàng kim của chữ không nhỉ, tôi với Ngàn cũng có bớt lo lắng về sự tác động của cuộc truy bức của ngài hống hách, cái nội lực xứ sở có thể xóa mờ những ngoại nhập chăng, nhưng,  ngài thị trưởng thành phố lại đọc thông điệp mủa hè nói về tiềm năng của một cuộc sống mới,

”xin gửi đến quốc dân đồng bào nỗi niềm của kẻ vẫn ngày ngày mong ngóng được nhìn thấy sự bình yên và vẻ đẹp của xứ sở”

tôi với Ngàn thực sự xúc động khi nghe ngài thị trưởng mở đầu thông điệp mùa hè của ông, sự xúc động cũng đơn giản thôi, rằng, khi một người dân được nghe nhà cầm quyền lo lắng cho sự yên vui của mình, song, đến cuối thông điệp thì lại có vẻ gì đó như là cuộc truy bức của ngài hống hách đang có hiệu ứng ở xứ sở chúng tôi, ngài thị trưởng thành phố muốn tham chiến chăng,

”hoặc là đổi mới, hoặc là chết ” [hết thông điệp]

thông điệp mùa hè lần này của ngài thị trưởng được đăng trên tờ Chim Trời, và tờ Vãn Lai thì bình luận: thông điệp như biểu tượng của quyền lực hơn là nội dung của một cách thức trị nước,

 

 

thế giới như  nỗi đoạn trường, các thứ nỗi buồn cứ nối tiếp nhau, có  khi, không còn thể nhận biết đó là tháng năm nào [bây giờ là bao giờ vậy nhỉ] cái tráng lệ mới hôm qua, tôi thí dụ thế, bỗng hóa tro than, những khoảnh vui, cũng có, nhưng quá ít oi, người ta chỉ còn nhớ những trận lôi đình, những lần gây sự, hay những thảm họa gây ra bỡi con người hay tự nhiên, nỗi buồn cứ như những nhịp điệu tàng ẩn giữa những dịch chuyển, những nhịp điệu bất an, nhưng mọi thứ vẫn cứ phải chuyển về phía trước, tiếng vó ngựa vẫn vang lên khắp nơi, những cuộc thúc quân, không phải chỉ là những thi thố tài năng kiểu trường đua đâu nhé, mà những giận dữ hay  những tham tàn, thù hận biến thành trận chiến, đừng nói thế giới luôn là trận chiến nhé, bỡi có lúc là còn giấu trong giọng nói gian xảo của một nguyên thủ quốc gia [vào lúc ấy, hắn là nguyên thủ của một quốc gia, cái xứ sở ruổi ro ấy đã cưu mang hắn, để  hắn, con thú đội lốt người đã ra tay sát hại đồng lọai và cuối cùng đã khiến cho toàn bộ nền văn hiến của dân tộc hắn rơi vào hố thẳm]  đừng nói thế giới luôn là một cuộc chiến nhé, bỡi có lúc chỉ là cơn thác loạn của một chúa tể bầy đàn đang ra sức hành hạ bầy đàn của hắn [vào lúc ấy,  hắn, con bệnh của thời đại  đã dùng giấy bút để sửa sách vở tiền nhân, ta sẽ làm vua suốt đời và làm vua suốt sau khi chết, hắn tuyên bố với bầy đàn của hắn]  những nỗi đoạn trường như thể những xác thực của thời đại, người kỵ sĩ  đi ngựa tới đây thì quắc mắt hỏi ‘‘tòa tráng lệ ấy vốn tọa lạc nơi đâu’’, câu hỏi hàm xúc niềm bí ẩn của thời gian rã mục, kỵ sĩ chắc là hậu duệ của một tàn cuộc nào đó, người nghe bắt đầu buông tiếng thở dài, không dám lắc đầu, chỉ mở mắt nhìn về một phương trời xa nào đó và, im lặng, 

 

 

tin tức, bút pháp của thời đại, thời con người ăn cơm, uống nước, và nghe tin tức, để vui vẻ, hay buồn phiền, thậm chí có thể là khổ đau đến chết, thời đại, có thể tin tức là vu khống hay sự lừa dối khoác lên mình lụa là nhung gấm, cũng có những tin tức làm cho người ta trở thành kẻ ngã ngựa [những hôm bàng bạc mây viễn xứ, chợt thấy ai ngã ở cuối trời…] có thể cho rằng, giữa buổi cuộc truy bức của ngài hống hách diễn ra khắp nơi thì cuộc tình của tôi và Ngàn có thể gặp hiểm nguy, sự thật thì có hiểm nguy, nhưng không bao giờ chúng tôi để đánh mất tính chất ngụ ngôn của nó, bỡi tình yêu ấy vốn được hình thành không phải trên thứ lý do truyền thống, không phải để cuối cùng là nhìn thấy phương trời viễn mộng, đi tìm cái có thể không phải phương trời viễn mộng, mà là hiện thực thực sự có thể trở thành sự thực trong  toàn bộ năng lực tìm kiếm của con người, có vẻ như là huyễn hoặc, mà cũng gần như vậy, nhưng đó lại là chuyện thật, mùa hè năm ấy nắng lớn lắm, buổi chiều tôi cứ thử đứng ngắm nhìn, biển như đang cạn đi, và bầu trời thì buồn bã, cứ giả dụ đó là khách đường xa đang đi tìm đồng điệu, chàng ngồi xuống nơi bãi biển, cát, và lũ còng, và những tầm mắt, của ai vậy nhỉ, làm sao mà biết, khách cứ thấy buồn phiền, nỗi buồn phiền của kẻ vẫn chưa tìm thấy đồng điệu của mình, 

 

[có thể tóm tắt thế này]

 

có một người con gái cũng đi tìm đồng điệu đi ngang qua chỗ ngồi của chàng, 

 

[và lược bỏ hết những mô tả rườm rà]

 

em cứ có cảm tưởng là anh đang chờ em ở đâu đó,

anh cũng vậy,

 

đêm bắt đầu đổ xuống chúng tôi,

đêm của huyễn hoặc,

đó là toàn bộ phút giây đầu tiên tôi và Ngàn gặp nhau,  

 

 

trong truyền thuyết về người đàn bà của biển có một chỗ có sức tác động ghê gớm đối với cuộc tình chúng tôi: sự hiện diện trong ý thức hình hài của người đàn bà ấy như những giải đáp trần thế, và Ngàn, vào một ngày mùa đông, nơi ngôi nhà giữa rừng thông, ngay buổi giữa trưa, đã nằm mơ thấy mình bước đi trong truyền thuyết, ta sẽ cho nàng nhìn thấy ánh sáng ở cuối con đường, trong mơ, Ngàn đã nghe người đàn bà của biển nói, và cuối cùng, không còn kiềm chế được nữa, nàng đã phải lên đường đi về phía biển xa ấy, em sẽ trở về ngay sau khi nghe được lời giải đáp, Ngàn nói với tôi, cuộc tình chúng tôi vốn là một truyền thuyết, giờ Ngàn của tôi lại ruổi theo một truyền thuyết để nghe giải đáp về một truyền thuyết, ngày thứ nhất Ngàn viết cho tôi [thư], không phải như ở các đền nữ thần Aphrodite, hay Anthena, người ta cứ việc gõ lên cửa đền để nghe lời phán bảo, ở đây là ngược lại, kẻ nào có ý định lập đền cho ta là xua đuổi ta, những người ở  miền đất như bàn tay con người xòe ra biển ấy kể với em, rằng, vào một đêm không trăng sao, hết thảy cư dân ở đây được người đàn bà của biển rỉ tai, rằng, hãy nghe ở trong cát những lời tâm sự ta muốn nói với lũ các người, một ngôi đền bằng cát mênh mông ở ngay cạnh biển bắt đầu hình thành trong ý thức con người, mới đầu là người ta chỉ nhìn thấy trong cát sự uy nghi tráng lệ của một nơi chốn dành riêng cho một hữu thể vô biên, kẻ ở bên trên hết thảy mọi người, rồi dần dà, lúc là hình ảnh người đàn bà xinh đẹp quí phái dịch chuyển trong nghĩ ngợi, ta sẽ nói cho lũ các người hết thảy những bí  mật của trần gian, lúc thì nghe thấy giọng nói ấy cất lên trong tâm tưởng, người ta kể với em, ngày ngày, những người đánh cá, trước khi ra biển, thì áp tai lên cát, và nghe cả chuyện trí khôn của loài cá, nghe cả chuyện gió sẽ đổi hướng thế nào, và cả chuyện các vị thần thất sủng sẽ trả thù con người bằng cách ngày ngày cỡi lên những ngọn sóng để dìm chết con người, em nghe, và ban đầu, cứ thấy hoài nghi, khi cần cho sự sống, con người không từ việc tạo ra những thế lực siêu nhiên trong ý thức để làm yên ổn  mình, ngày thứ hai Ngàn viết cho tôi [thư], tự dưng, bữa hôm nay, em cứ có cảm tưởng như có người đang ngồi trên bãi biển và đếm cát,  một , hai, một nghìn, một triệu, buổi sớm tinh mơ em quì trên cát, và cứ có cảm tưởng như có ai đó đang đếm cát, không phải, quì ở cạnh em là một người đàn bà có đối mắt rất sáng, bạn là người từ phương xa đến, người đàn bà có đôi mắt rất sáng, hỏi, muốn đến để nghe một lời khuyên cho một cuộc tình, em nói, thì ra trong bất cứ cuộc tình nào cũng có ngọn lửa mang hình hài vĩnh hằng nhỉ, người đàn bà có đôi mắt rất sáng nói, vẫn nhìn ra biển, em định hỏi là bà ấy câu nguyện cho ai, nhưng thoắt cái đã biến mất, em thấy hơi hoảng, hay đấy là người bấy lâu em tha thiết muốn gặp, đêm nằm trong ngôi nhà lá bên biển của người đánh cá, nơi em xin tá túc, vào lúc nửa khuya gió biển bỗng thổi mạnh, giật tung mái lá , để lại một căn nhà trống trơn giữa trời, thấy mọi người vẫn ngủ yên ở trên cát, dưới bầu trời sao, em cứ có cảm tưởng đấy là những vì sao trên trời vừa sa xuống trần gian, hay là bọn họ đang sống trong lời tâm sự của người đàn bà của biển, ngày thứ ba Ngàn viết cho tôi [thư], cuối cùng em cũng đã nhìn thấy người đàn bà của biển, đấy là kết tinh của gào thét, bao la, và không nhân nhượng tồn tại ở giữa hiện thực và trí tưởng tượng, cuối cùng em cũng nhìn thấy người đàn bà ấy đi lại trong truyền thuyết, chỉ đi lại trong truyền thuyết, ngày thứ tư Ngàn viết cho tôi [thư] chỉ mấy chữ: tình yêu nó là một truyền thuyết không cũ,   

 

         

tờ Chim Trời viết: 

đã đến lúc ngài hống hách ra mặt chế ngự loài người, thông điệp mùa hè có đoạn: ‘‘ta, nhân danh cho cuộc canh tân thế giới, có lời tới toàn thể các xử sở,  rằng, sớm muộn gì  các người cũng phải thực thi cuộc cách mạng lật đổ cái cũ, xin nhắc lại, là một cuộc cách mạng toàn diện, đừng chần chừ gì nữa hỡi các vị nguyên thủ quốc gia’’ ,  và ở đất nước R thì cuộc phân hóa đã đến đỉnh điểm, cuối cùng thì chỉ còn có hai phe, một bên là gòm những người coi bầu trời là vô hạn, và một bên là gòm những người có quan điểm ngược lại, tức coi bầu trời là hữu hạn, ngài hống hách đã vói tay tới xứ sở này bằng một tối hậu thư, rằng, một là phải chia đôi đất nước, ranh giới đặt tại vĩ tuyến 205, cả hai phía đều đặt dưới sự bảo trợ của một kẻ bên  ngoài, và hai là chủ quyền đất nước sẽ vĩnh viễn thuộc về kẻ khác [đây quả là sự đe dọa  của một kẻ mạnh-chú thích của tôi] kẻ bên ngoài và kẻ khác là ai nhỉ,

 

tờ Vãn Lai  bình luận:

đã rõ ràng còn gì, kẻ bên ngoài với kẻ khác chỉ là một, khốn nạn thật, có phải là ngài hống hách không nhỉ,           

 

 

và ở đây là cuộc chết đi và sống lại không phải theo kiểu phục sinh của Giê su, mà là theo cách của ngài Tân Phủ, tôi biết ông là nhờ vào tra cứu truyện xưa tích cũ của xứ sở, ở xứ sở tôi có đến một nghìn lẻ một chuyện cũ tích xưa, ông, một nhà cải cách quá khích chết vào lúc đánh nhau với bọn nhà thời sự học hồi thế kỷ trước [sắp tới sẽ nói nhiều về  các nhà thời sự học, nhưng đây là những nhà thời sự học của thế kỷ này] ban đầu là bọn ta chỉ đánh nhau bằng mòm, tức chỉ nguyền rủa nhau, tiếp đến là đánh nhau bằng giấy bút, và cuối cùng là bằng tay chân, ngài Tân Phủ nói, đêm ở núi Năn có vẻ gì rất yên ắng, giọng nói của nhà cải cách quá khích như làm vang động cả một góc trời, vào lúc chiều, khi đọc cuốn ‘‘

Sự tích về những chiếc cối xay lúa’’, đến chương về tiểu sử của ngài Tân Phủ, nhà cải cách số một của thế kỷ trước, thì thấy ở bên dưới có ghi chú: hẹn đêm nay gặp nhau ở rừng Năn, vậy là tôi chờ Ngàn ngủ say, mỗi một mình thẳng xông lên núi,  lúc bấy giờ điều lo lắng nhất của tôi là mình có đủ tư cách để gặp một nhân vật có thể nói là rất nổi tiếng một thời hay không, cứ đọc thử một khúc sử của ông ấy thì rõ: mặc kệ chúng bay,  cứ tiếp tục  nữa đi, ông hét lên với đám lá mùa thu đang rơi rụng trong vườn, rồi xách gươm ra đi, thời không phải chỉ ngồi yên một chỗ để tranh luận nhau bằng chữ , có loại người có chân trong đám trọng tài của nhân loại, tức có chân trong đám người chuyên làm công việc cai quản hòa bình và an ninh thế giới, lại xách gươm đi cướp đất kẻ khác, đồ khốn kiếp, chẳng thể dung tha, đó là cái cách hành xử của ông trong thời luân thường đổ nát, do vậy ông mới xách gươm ra đi [trích Sự tích về những chiếc cối xay lúa] trước khi ngã xuống là ta đã giết được thằng cầm đầu đám nhà thời sự học buổi đó, nó, thằng đó gương mặt cứ bành bạnh ra như thể cái đểu giả của nó là không thể  che giấu được trời, chính là đàn em của thằng đó đã giết chết ta, giọng nói ngài Tân Phủ có chút lâm ly, song vẫn không mất đi thứ chất hùng tráng, tôi phục ông quá chừng, dẫu lúc tra cứu về ông, tôi cũng có đôi chút chưa bằng lòng…người ta bảo rằng ngài Tân Phủ rất thích chửi [trích Sự tích  về những chiếc cối xay lúa] nhưng làm sao tiên sinh lại có thể đi đi về thế này, tôi đánh bạo hỏi, bỡi cứ thấy băn khoăn, chẳng lẽ cái chết của ông lại là nằm ngoài luật tử sinh, không phải đâu, ông nói, không phải là đi đi về về đâu, mà là cách dịch chuyển theo cách của một nhà cải cách, bỗng, ông thét lên, bạn biết không, ta phải còn trở về xứ sở này dài dài, bỡi nghe đâu thằng cha hống hách đang muốn tiến vô xứ sở yêu dấu của ta, cuối cùng thì nó cũng chỉ là đứa hống hách, ta phải còn trở về đây, bỡi ta biết có đứa đang lăm le cướp lấy xứ sở yêu dấu của ta, ông lại trích đọc sách Aeneid của Virgil của nước La Mã cổ đại: ‘‘Những người Rutulians bắt đầu với tiếng rên rỉ, và hết thảy những ngọn núi đều bị dội lại từ bốn phía, và đám rừng cây cao ngút ngàn đáp lại tiếng kêu của họ.  Ánh mắt khiêm nhường và đôi tay khẩn khỏan của hắn nâng lên một cách van nài: ‘ Tôi xứng đáng vậy, cũng không dám đòi hỏi sự thương hại, hắn nói, họ vận dụng số phận của mình / The Rutulians start up with a groan, and all the hill echoes round about, and the width of high woodland returns their cry. Lifting up beseechingly his humbled eyes and suppliant hand: ‘I have deserved it,’ he says, ‘nor do I ask for mercy; use thy fortune’’ [The Aeneid/Book twelfth/The slaying of Turnus/Sách Aeneid/Cuốn 11/ Việc sát hại Turnus, vì vua huyền thoại xứ Rutini trong lịch sử La Mã] tôi định hỏi bằng cách nào đám nhà thời sự học buổi ấy đã giết được ông, nhưng ông đã lẫn mất vào đêm,  lúc ông ấy đi cũng nhẹ nhàng như lúc  đến vậy, và tôi thì dấu bặt Ngàn về giấc mơ không mấy vui ấy, 

 

 

như thể hết thảy là sự bùng nổ hữu thể nhận thức, thời các khái niệm nhiều như lá mùa thu, khi mọi nhà lên tiếng, và ai cũng muốn cho tiếng nói của mình được nghe nhiều nhất, một cuộc cạnh tranh trí tuệ, có thể nói là thời của thị trường chữ không nhỉ, nhà cổ vật học X và nhà trường sinh học Z lại tìm đến tôi và Ngàn, xin chào những nhà có thể, cả hai ông đều tỏ ra rất quí tôi và Ngàn, những nhà có thể là cách nói tắt những nhà tìm kiếm cái có thể, bọn họ gọi tôi với Ngàn là nhà [đấy là cái kiểu gọi nhau của những người có chữ lúc bấy giờ] thực ra, không phải bọn họ đến thăm hỏi chúng tôi, mà đến để chia xẻ với chúng tôi những gì bọn họ đã viết ra, ‘‘Cái rổng không, cuộc dạo chơi nguyên thủy’’, và ‘‘Cuối cùng thì chỉ còn lại mỗi niềm khoái lạc’’, cuốn trước là của nhà cổ vật học X, và cuốn sau là của nhà trường sinh học Z, có lẽ bọn họ sợ tôi và Ngàn không có sách để đọc nên đã mang đến tận nhà để tặng, đại loại, có một nhà thông thái có cái đầu to hơn trái tim, tức rất lý trí, ta sẽ đi đến bất cứ nơi nào ta muốn, ông ta nói với mọi người, và xây một ngôi nhà bên núi để sống cùng gió rừng, chim chóc, và voi cọp, đồ ngu, ông thét vào bầy dã thú, vì lũ chim cứ hót vào lúc ông đương ngủ, còn bọn cọp thì cứ rình rập ông vào lúc ông đang ngẫm nghĩ về cách làm sao sống được lâu nhất trên đời, vào một hôm, ông đi khoe với lũ thú trên rừng, rằng, ông sẽ cỡi sóng dữ để đi đến bất cứ nơi nào ông muốn, chẳng có gì ngăn cản được ông, lũ chim không mường tượng nổi cái thế giới rộng lớn ông đang muốn cỡi lên đó nên lấy làm thắc mắc, vậy thì sóng có phải là những đám mây nhìn thấy ở trên trời hay không, đồ ngu, ông thét, sóng là nước, còn mây trên trời là thứ vật thể như hơi thở của con người, chúng bay không phải là người nên chẳng hiểu hơi thở của con người là gì đâu, có vẻ nhà thông thái đã có dịp để đem cái hiểu biết uyên bác của mình ra khoe với mọi người, nhưng bọn sói, theo ông thì còn ngu hơn lũ chim, lại nói với ông theo cách nghĩ ngu ngốc của chúng, rằng, mây thì giống với giấc ngủ của một con dốc trên rừng, nhà thông thái có hơi chột dạ [lũ sói lại muốn qua mặt ông ư] đêm, ông nằm mơ thấy mình hóa thành con vật có đuôi, ông cũng không rõ đó là con gì, chỉ biết là nó có chiếc đuôi thật dài, sáng ra, ông thấy đầu óc trống rổng như thể chằng có gì ở trong ấy, ông không còn  thấy có núi rừng, không còn thấy có ông, không còn thấy có thứ  gì cả, nhưng lại cứ thấy vui, rất vui là khác, ông thấy vui, và cứ sờ vào chiếc đuôi của mình , ồ, tuyệt thật, nhà thông thái kêu lên với mình, đại khái, đó là nội dung cuốn ‘Cái trống không, cuộc dạo chơi nguyên thủy’’, còn cuốn ‘‘ Cuối cùng thì chỉ còn lại mỗi niềm khoái lạc’’ là thế này, một con sói muốn tu luyện để thành một con voi để có thể bước một bước thì qua khỏi khu rừng, nhưng cuối cùng thì không thành voi, mà thành một thi nhơn, khi lần đầu tiên cầm được bút để viết chữ của con người nó rống lên một tiếng đầu đời: ôi, ta là thi nhơn, vì đó là định mệnh, nên cả đời nó chỉ làm thơ về định mệnh, bài thơ  định mệnh đầu tiên là bài về bản thể của thơ,

ta, con sói thi nhơn
chứ chẳng lẽ gọi trơn là sói
hay gọi trơn là thi nhơn
bỡi ta vốn là con sói trên rừng…

có người đọc được bài thơ, và bình, rằng, đọc thơ của sói cứ nghe như đang có người gục ngã, có phải bảo thơ của sói là thơ giết người không nhỉ,  và những người đọc được lời bình, thì thấy buồn, về sau, khi biết ở xứ sở đang có thi đàn, vậy là ngày nào con sói thi nhơn cũng chường mặt trên thi đàn, thơ của nó gần như lấn áp hết thảy mọi tiếng thơ trong xứ sở,

ôi, ta bỗng thấy nhớ rừng ghê gớm
những buổi bình minh ta cứ thấy nhớ lũ chuột ta làm bữa ăn sáng
những buổi hoàng hôn ta cứ thấy nhớ lũ dế ta làm bữa ăn chiều
và  nhớ con sói cái của ta…

tôi với Ngàn thì đã quá quen các trước tác của ông X và ông Z, đâu phải chờ các ông tặng sách mới đọc, có cái gì đó cứ giống như có một thứ ca ngợi về môt thứ không là gì cả trong sách ‘‘Cái rổng không, cuộc dạo chơi nguyên thủy’’, Ngàn bỗng đứng lên nói, nàng  cũng thật lòng thôi , nhưng có vẻ như đã vô tình làm dấy lên cái  khí phách tri thức nơi nhà trường sinh học Z, chắc ông Z thấy  chủ nghĩa hư vô của ông X  đã chạm vào  chủ nghĩa tân khoái lạc của mình sao đó nên đã đứng lên hỏi ‘‘như thế có nghĩa là sao…’’ tôi không thể kể ra đây vì cuộc tranh luận của hai người quá dài, cuộc tranh luận về chuyện rốt cuộc thì thế giới nó là cái gì,

 

mùa hè cứ trôi qua như giấc mộng có gió ở trên cao, không phải, gió thổi qua rừng thông nơi tôi và Ngàn ngồi viết, tự dưng lại có một ngôi nhà ở giữa rừng thông và ngay bên biển để cho tôi và Ngàn ngày ngày chui ra chui vào, một thứ hang động đương đại, bỡi ở đây có những thứ tiêu chí của một hang động: một ngôi nhà đơn độc bỗng nằm lọt thỏm giữa những sầm uất rối ren còn hơn là giữa chốn rừng sâu tiền sử, tiếng gào hoang dã của biển, cứ bỏ hết mọi thứ đừng nghĩ ngợi gì nữa, rõ ràng là chúng tôi đang chìm ngập trong cái u mặc của biển khơi, ngoài cái hoang dã của biển khơi còn có cái hoang dã của một xóm chài nghèo đến độ không thể gọi đó là một xóm nhà, cái xóm chài cả ngày đêm nó vắng lặng làm sao ấy, cũng phải thôi, hết thảy đàn ông con trai đều ở ngoài biển [khi trở về thì cũng chỉ để ngủ nghỉ trong chốc lát để rồi lại ra đi] đàn bà với trẻ con thì cứ ở yên trong nhà, chính là cái lực lượng nhân sự chờ đợi áo cơm từ những đàn ông con trai đã làm nên cái vắng lặng không phải nơi nào cũng có, sao lại có một cuộc dung thân thế nhỉ, con người chỉ được bao bọc che chở bằng thứ mái lá không biết sau một cơn gió mạnh có còn đủ sức tồn tại hay không, nhưng còn có cái hoang dã hơn là những đoàn người làm thuê làm mướn hay đi ăn xin đêm lại rời phố chợ đổ về rừng thông, không phải để nghe tiếng reo của biển, đúng hơn không phải đổ về,  mà trở về cái ngôi nhà ở giữa trời, những kẻ chưa có nhà thì đêm cứ việc trở về ngôi nhà ở giữa trời của mình chứ sao [tôi và Ngàn nhiều khi cứ thấy xấu hổ bỡi chữ nghĩa chẳng giúp được gì cho đồng loại khốn khổ của chúng tôi] nhưng sáng ra, vẫn là một ngày mới, có thể là trong đêm, ở bên dưới rừng thông, người ta ngủ đói, người ta gây sự với nhau, hay người ta làm tình với nhau, và khi ánh bình minh rựng lên ở phía chân trời xa trên biển, những kẻ không nhà, đồng loại khốn khổ của chúng tôi,  lại cảm thấy yêu cuộc sống của mình, có thể là vậy, bỡi không yêu cuộc sống của mình thì biết làm gì hơn, tự dưng lại có một ngôi nhà giữa rừng thông và bên biển để tôi với Ngàn chui ra chui vào, và nghĩ ngợi, chữ nghĩa của tôi và Ngàn có vẻ mỗi ngày mỗi nhiều hơn, nhưng lũ  trẻ ở cái xóm chài ấy thì chẳng chịu hiểu chúng tôi, trong những ánh mắt ấy chúng tôi thường đọc thấy một chút ngờ vực gì đó, có thể là lũ chúng không tin vào việc  lại có những người như chúng tôi, dẫu tôi và Ngàn có cố bày ra bao nhiêu cuộc chuyện trò,

lũ cháu không đi học sao,
hay bữa nay không có giờ học ở trường,

phải rồi, bây giờ thì tặng cho mỗi đứa một cuốn vở với một túi kẹo,

vậy đó,

cứ mỗi lần lũ trẻ ở cái xóm chài ấy kéo đến chỗ ngôi nhà giữa rừng thông của chúng tôi thì tôi và Ngàn lại ra sức gầy ra một câu chuyện nào đó cốt để cho chúng vui, rồi những cố gắng chuyện trò của chúng tôi chỉ còn lại những cuộc độc thoại, đã hiểu được cái thế giới của đám trẻ ấy chưa thì tôi với Ngàn cũng chưa biết, cứ có cảm tưởng, đã lâu lắm rồi, tự buổi trăng rằm gác đỉnh núi Năn, người ta đã kéo đến đây gầy dựng một thế giới náo nhiệt có cả những lời thề của bầy đàn đông đúc, có cả tiếng học bài của trẻ thơ, có cả tiếng bà gọi cháu, có cả tiếng kêu thê thảm của con mang con trên núi Năn  lạc mẹ xuống phố,  rồi bỗng một hôm bọn người có trái tim giả từ đâu kéo tới đem những lời hoang vu ra nói, rồi từ vua chí dân bỗng thấy căm ghét những thứ mình đã làm được, cứ muốn phá bỏ những thứ mình đã có, cái thế giới náo nhiệt ấy đã bị con người phá bỏ từ nhiều thế kỷ rồi, bấy giờ, con người cũng có thử ngoảnh lại nhìn, nhưng chỉ thấy toàn những gả điên,

ví dụ như có chuyện đó thì làm sao anh nhỉ,

Ngàn nói

anh cũng chẳng biết nữa,

tôi nói,

mùa hè cứ trôi qua như giấc mơ của những gã điên, ồ, tôi với Ngàn lại bị ám ảnh bỡi thứ tư tưởng đập phá của thời đại,

 

 

ngày…tháng…
Ở bên trên mặt đất bị chế ngự, thơ tôi sẽ được đọc/ O’er conquer’d earth, my verses shall be read,
OVID [La Mã, 43 tcn– 17 hoặc 18 scn]/METAMORPHORSE/BIẾN HÌNH/CUỐN 15

 

cứ cho là vậy , bỡi tôi đã đặt mình vào tình huống khó khăn, cuối cùng, cái chết sẽ mang đi tất cả [của mỗi một người] nhưng cái bóng của thời gian vẫn còn giữ ở trong nó, dấu vết là toàn bộ những điệu khúc, cái tự khúc, hay bi khúc,[cuộc tình của chúng tôi là bao gòm cả cái tự khúc và bi khúc bỡi đó là câu chuyện ngu ngôn, bi khúc, hay những hoạn nạn, trăn trở thấu xương, tất cả cứ như thể những chạm khắc tỉ mỉ, cái mờ nhạt cứ dần sáng tỏ, ai đứng ở đâu để nhìn ai [em như ngọn gió bất thường chạm vào tôi] không ai nói với ai, nhưng toàn bộ những sự thể ấy , thứ mật mã ấy, vẫn cứ như thứ dấu khắc chí tử trong ký ức bầy đàn, rồi ra, chúng ta, nạn nhân của những cuộc cướp bóc dọc đường, sẽ được đánh dấu rất kỹ trong quá trình chuyển hóa, đừng bảo từ cái có, sự sống, chuyển sang cái không có, sự chết,  là chẳng còn gì cả, bỡi chuyển hóa chẳng qua là để cho mọi sự thể trong trời đất biết việc đứng yên là không thể, cuộc tình của chúng tôi là bao gòm cả cái tự khúc, bi khúc, và hoan khúc, bỡi ở đó, ở cuộc gặp đó là bao gòm thứ tình hình bất chợt, tự nguyện, và qui luật, bất chợt mà nhìn thấy nhau giữa náo nhiệt trần thế, đừng nói đó là duyên hội ngộ, cuộc tình của chúng tôi không đến nỗi cũ đến mức vậy, nó chỉ là cái bất chợt mang hình hài đương đại, là thuộc về thuyết lý ngẫu nhiên, mà cũng chẳng phải thuộc về thuyết lý ngẫu nhiên, bỡi cuộc tình ấy chỉ là thứ tín ngưỡng ngụ ngôn, có hơi khó khăn một chút bỡi đó là thuộc qui luật nhân loại, nhưng những bỡ ngỡ ban đầu sẽ biến mất  khi toàn bộ sự việc đã chuyển sang đoạn khúc tự nguyện, người đi, trắc trở,  áo ai khua ở cuối trời, 

 

[trong Nhật Ký Đen của Ngàn] 

 

 

ra biển, một động thái có vẻ buồn cười, cũng không phải là chạy trốn, bỡi, ra đi vào chiều hôm trước thì sáng hôm sau phải về lại thành phố, về lại nơi con người phải luôn sống trong thứ nghĩ ngợi nặng nề,

nhưng dẫu sao, cũng làm loãng đi một chút thứ nghi thức đời sống phiền toái và vô lý, chiêm bái hay là tra hỏi nhỉ, bỡi như thể đây là thời con người không thể hiểu hết đúng ra là chuyện gì đang xảy ra ở chung quanh mình, không tra hỏi được ta, thì cúi đầu lặng lẽ vậy, thời như thể cuộc sống là chốn thâm u bí hiểm, đúng ra là tôi với Ngàn chỉ xin người đánh cá đêm, người bạn hàng xóm của chúng tôi, cho chúng tôi theo ông ra khơi để xem cách ông bủa lưới, việc mà người hàng xóm chúng tôi thừa biết là chúng tôi muốn thay đổi một chút về cách hít thở để sống, nhưng rồi, cuộc ra khơi đã biến thành thánh lễ, biển như thể không phải chỉ là chốn trần tục, mà còn thuộc về thứ khung khổ, phạm trù, luôn làm nảy sinh lòng tôn kính của con người, với người đánh cá đêm thì biển như người thân, kẻ bảo trợ  cuộc sống của mình, nhưng với chúng tôi đấy là thế giới còn quá xa lạ, chúng tôi luôn thấy ở đó có vẻ gì đó rất ẩn mật, chiều xuống, người hàng xóm chúng tôi hú một hơi dài, và đẩy thuyền ra khơi, đã bắt đầu thứ thời khắc mới lạ, tôi biết Ngàn đang ra hiệu bằng ánh mắt để nói với tôi điều đó, bỡi, đối với biển, chúng tôi là khách, dẫu gì thì cũng đang bắt đầu một cuộc hải hành, ra biển, và khách cứ thấy như mình sắp bắt gặp một điều gì đó, không còn hòa hoãn như khi ngồi đọc những trang viết mô tả biển bằng chữ, có thể đó là niềm vui, bỗng, như thể đã quên hết bao nhiêu điều rắc rối nơi đất liền, bỡi, trong khi khách nghĩ ngợi thì những ngọn sóng có vẻ còn nhân nhượng sao đó vẫn cứ tiếp tục vỗ mạn thuyền,  còn người đánh cá đêm thì như đang chăm chú vào những khái niệm thiêng liêng nào đó, sự an nguy, hay sự may mắn, hay cũng có thể không phải đó là niềm vui, mà là kinh ngạc, không còn hòa hoãn như khi ngồi đọc những trang viết bằng chữ về những cuộc hải hành chết chóc, đêm đã xuống, có thể khách sẽ nhìn thấy được ý đồ của biển trong cách người đánh cá đêm cầm lấy tay chèo cho con thuyền lướt đi trên sóng, lại là lời của biển sao, tôi biết là Ngàn đang nhìn tôi với ý nghĩ tra vấn, rằng, vậy thì lời của biển là những ngọn sóng hay sao, bấy giờ, đối  với biển, chúng tôi vẫn là khách, hỏi, vậy thì biển đang nói điều gì, và chẳng lẽ cứ nói mãi vậy sao, đã nửa khuya, thời khắc quan trọng của cuộc ra khơi, người đánh cá đêm thả neo, cho hết thảy đèn trên thuyền sáng lên, cứ tưởng cuộc tình của chúng tôi là lớn nhất, nhưng không phải, ở đây, có thể nói vậy, cũng là một cuộc tình, nhưng vĩ đại, bỗng người đánh cá đêm đứng lên, và lặng đi, chúng tôi nhìn thấy vẻ trang nghiêm trong ánh mắt thành kính ấy, và tiếng lưới bung ra trên mặt nước biển như một lời nguyền, ‘‘ Người mãi mãi là mẹ của chúng tôi’’, tôi biết Ngàn đang nhìn tôi với ánh mắt cảm động, như thể để nói với tôi, rằng, nàng cũng đã nhìn thấy được lời nguyền kia, có vẻ như đang thiếu một điều gì đấy, chúng tôi nói, phải, lẽ ra phải có thằng con  để phụ giúp trong khi bủa lưới, nhưng đây không phải là bủa lưới để đánh bắt cá, lập tức, chúng tôi hiểu ra , rằng, lần này người đánh cá đêm chỉ muốn đưa chúng tôi ra khơi cho biết qui trình bủa lưới, trong ánh sáng đèn, từ tấm lưới đang được kéo lên, những hạt nước dính lưới long lanh như những con mắt biển, gió khuya thổi mạnh, những con sóng lại chòm lên, tôi cứ có cảm tưởng như thể biển đang cưỡng lại, hay chống lại, một điều gì đó, điều gì, một triết học về tàn lụi chăng, 

 

 

lần này thì ghềnh Thạc đã tặng cho tôi và Ngàn một chút lận đận, buổi sáng, từ chuyến đánh cá đêm về lại thành phố, theo đề nghị của chúng tôi, người chủ thuyền, ông bạn hàng xóm của chúng tôi, đã cập thuyền vào nơi đây, nhớ đừng để lũ chim làm lạc đường đấy, người chủ thuyền nói, vẫy chào chúng tôi, quay thuyền trở ra khơi để về bến đậu, là ông ta nói về lũ chim ở ghềnh Thạc đấy, chuyện kể rằng, người đi mở đất chần chừ đứng nhìn cảnh trời biển bao la, định bỏ đi, nhưng nghe lũ chim yến đương làm tổ ở ghềnh Thạc nói đây là chốn để qui về, thì quyết định ở lại, từ đó, nơi mảnh đất như cái nắm tay người vươn ra biển, là cuộc chung đụng giữa người và chim, nhưng lần này  không phải chúng tôi muốn quay lại với lũ chim, đã từ lâu những khúc mắc giữa con người và các bạn ấy, đám chim yến làm tổ ở ghềnh Thạc, đã được giải quyết xong yên, rằng, các bạn ấy làm tổ sinh con, lũ con các bạn ấy nuôi, còn tổ thì tặng cho con người làm thức ăn [tổ chim yến là thức ăn quí tộc đấy nhé], một thứ khế ước có tính chất tiên nghiệm, chúng tôi nói về mối quan hệ hơi dị thường giữa con người và chim trong lúc nằm dài trên đám đá cổ ở ghềnh Thạc, có lúc con người ta cũng có thể nằm lên cổ sơ mà nghĩ ngợi nhỉ,  giang sơn chừ, gõ lên đá, một khúc vô thường, hay mọi con sông đều đổ ra biển, đấy là cái cảnh chúng tôi nằm ngửa người, mắt nhìn lên trần hang động, những giọt nước đang rỉ ra từ những cái vú đá, và dưới lưng là đám đá cuội, sự dừng chân có thể là lần cuối trong cuộc hải hồ, chuyện là ở đó, thủy triều đập vào ghềnh đá kéo ra biển đám đá núi vừa bị vỡ, rồi cũng theo con nước thủy triều đám đá núi vừa bị vỡ lại quay lại ghềnh đá, ai mà biết có bao nhiêu tháng năm như thế, có thể là được tính bằng thiên niên kỷ, để cho biển bào mòn đám đá núi cho đến khi chúng chẳng còn hình dạng buổi ban đầu thì mực biển bỗng hạ xuống, mặt đất lại hiện ra một gương mặt của thời gian, đám đá cuội nhẵn bóng đầy sắc màu ở đây là sự thách thức đối với nhận thức con người, vậy thì, tại vì sao chúng lại có mặt ở đây mà không phải là nơi khác, bỗng chúng tôi đều ngồi bật dậy thoát ra khỏi cuộc tưởng tượng  như thể để thanh lọc bớt những nghĩ ngợi mệt nhoài về cuộc sống đương đại khi cả tôi lẫn Ngàn lúc vươn tay lên đám đá cổ đã chạm phải những hòn than đủ cỡ, chứng tích của bếp đun, lại một thách thức nữa đối với nhận thức con người, vậy thì , tại vì sao lại có những hòn than bếp lẫn lộn với đá cuội ở đây,  giang sơn chừ, gõ lên đá, một khúc tiêu tương, hay, tự bao giờ, ai đã qua đây, nướng con vật biển để ăn, vỏ hến vỏ sò còn đó, hòn than còn đó, rồi như thể có sự thôi thúc trong tôi và Ngàn, những kẻ đang đi tìm cái có thể, chúng tôi cùng quì lên đám vật thể cổ sơ, cứ cho là niềm vui đang biến thành thánh lễ, bỡi bấy giờ, trong cuộc tương tư của mình, bầy đàn người từng nướng sò hến ở đây để ăn đang vẫy chào chúng tôi, những cái vẫy tay theo phong cách cổ sơ, 

 

 

nhưng khi con người ta muốn tách khỏi bầy đàn người của mình, tách khỏi cái toàn thể, để thiết  lập một nhóm người riêng rẽ, thì lại là chuyện khác, nhiêu khê, và hệ trọng, phạm trù ấy làm lao đao triết học, những thế kỷ của máu và của giấy bút, sẽ nói không hết, cũng có thể, sẽ không bao giờ nói hết [bỡi đấy như thể là định mệnh của giống loài có lý trí] cứ mỗi khúc sử thì những nhóm người riêng rẽ ấy, những hội nhóm ấy, là có một thứ tên gọi khác, có khi ngắn gọn, hội Z hội Y hay hội Z, nhưng có khi là dài dằng dặc , tên gọi là bản lai diện mục của chúng, chẳng hạn, Người bạn của mặt trời mặt trăng, ví dụ, đặt một cái tên một cách kiêu căng thế, chúng, những hội nhóm ấy, thường hay làm đậm đặc biến cố, hay nói một cách khác, dễ thấy hơn, là bọn họ đã làm xao nhãng tinh hoa nhân loại, thứ thành trì ấy cứ như một thứ thế giới ngược đời, cái toàn thể phải được đặt trên thứ nền tảng là cái riêng rẽ vốn chỉ là phần tử của cái toàn thể, cái lô gic của nó là thế này: con kỳ đà là cha con tắc kè, con tắc kè là mẹ con kỳ nhông, con kỳ nhông là ông con kỳ đà, cái lô gíc khoa học thuần túy đã bị bọn họ phá nát từ nhiều thiên niên kỷ trước nhỉ, và đã được thay vào đó thứ thành lũy toàn những người cày ruộng, có thể, vào một sáng đẹp trời nào đó, chúng nó, cái nhóm người riêng rẽ ấy oang oang những lời đồng bóng, tức những lời đẹp không thể tưởng tượng nổi, sang xế chiều thì chính chúng làm nát bấy trường đình, vào những hôm đen tối của lịch sử người ta thường hay nghe thấy thốt lên những lời ma mị [ồ, đôi khi lũ thú trên rừng lại còn giữ được sự chân thành với nhau hơn… em có nghe không, tiếng rền của núi, tiếng của trong sáng nghìn năm]

 

tuyên ngôn của nhóm Hạc Trời:

một, đây là tập họp bao gòm những nhà thời sự học đương đại có độ nhận thức sâu sắc nhất về thời sự thế giới

hai, luôn giữ gìn sự đoàn kết nhất thống như giữ gìn sự sống của chính mình

ba, sẽ không chấp nhận bất cứ hành động hay ý kiến quá khích nào, bỡi, đối với cuộc sống của nhân loại thì bọn quá khích là giặc
bốn, luôn giữ gìn những vốn quí của loài người, những thứ thường được gọi là những giá trị cũ

 

tuyên ngôn trên đã được đăng trên tờ Chim Trời, tờ báo chỉ đăng nội dung ấy ở mục quảng cáo theo yêu cầu của những nhà thời sự học và không  bình luận, nhưng tờ Vãn Lai thì viết: bọn quá khích là bọn nào vậy, có phải là ngài hống hách với môn đồ của ngài ấy không nhỉ, bảo vệ những giá trị cũ và coi bọn người  quá khích là giặc thì dễ dẫn đến thứ cảm nghĩ hơi nông nổi một chút, rằng, những nhà thời sự học, tức nhóm Hạc Trời, là những kẻ  bảo thủ, 

 

 

chúng tôi mang trong lòng lời cổ nhân văn chương là chuyện của một tấc lòng mà để nghìn năm cùng lên đường về miền ngoại ô thành phố, miền đất làm ra cơm gạo, ở đâu lại chẳng tìm thấy cái có thể… nhưng ở xứ sở tôi, miền quê phụ cận thành phố như một thứ nhịp điệu khác của tồn sinh, một thứ cung đàn khác, phá cách theo cách những người đi chân đất, như thể chẳng thể bớt đi, mà cứ thêm vào, cái vẻ đẹp nghìn năm là bao gòm ánh mặt trời buổi sớm mai và bờ cỏ, bao gòm con người cùng con bò bước đi trên ruộng, thứ bước đi như nối tiếp bất tận cuộc cam khổ, tiếng đầu tiên tôi và Ngàn nghe thấy là tiếng chó sủa đầu làng, cách chào hỏi của thôn dã, một nét phù trầm [một nét phúng dụ, đơn sơ, mà lắng đến thăm thẳm] tiếng chó sủa đầu làng là một nét phù trầm, bỡi, nghe giọng nói của một loài giống không phải loài giống con người nhưng lại thấu được chuyện của loài giống con người, chuyện của loài giống con người là chuyện của tiếng chó sủa đầu làng, niềm xúc động thôn dã cứ như một thứ phép thử, làm đậm đặc thêm một cuộc tình, cứ thêm vào một đoạn đường là thêm vào bản thể luận thứ chương mục như thể con mắt nhìn thấu, và nghĩ, và, bỗng một hôm lại nhận ra được bao dáng vẻ còn hơn là sự thật, thế giới đối với chúng tôi, cái miền đất có tiếng chó sủa và tiếng trẻ khóc, bấy giờ, cứ như cuộc trăm hoa làm náo động thêm chất ngụ ngôn của cuộc tình chúng tôi, người ta đang gọi nhau ra đồng làng, không phải, tiếng của một tấc lòng mà để nghìn năm đấy, cuộc trường tồn là đang rỉ tai nhau, rằng, cho đến các con vật nhỏ nhất cho đến lúc cần cũng phải lên đường, em cứ thấy như hết thảy muôn loài trong trời đất đều đang lên đường như chúng ta anh à, Ngàn nói, tôi chỉ im, nhìn nàng, như thể đang nhìn vào chỗ vô biên của một vẻ đẹp đất trời,

 

 

cái xóm chài nằm cạnh rừng thông nơi tôi và Ngàn ngồi viết cứ như một thứ điểm hẹn, chúng tôi lại đến đó mỗi khi như đang thấy nhớ nhung một điều gì đó, muốn nhìn thấy  lại một gương mặt rất thật của cuộc sống chăng, hay là chốn ấy lại có thể lấp đầy những chỗ còn trống nào đó trong chúng tôi, cái xóm chài, góc nhân gian lắng đọng như thể chẳng còn lắng đọng được nữa, ngay cả, khi gió dập vào các mái nhà lợp bằng tôn, cái cách vang lên của thứ kim loại cũ nát lại là một thứ ồn ã chỉ để gây nên cảm giác thê lương, ồn ã mà vắng vẻ thê lương, như có thứ gì đấy ở đằng sau hết thảy những gì nghe thấy ở đây, một cõi khác, một thứ cách thức khác, làm bằng nỗi niềm của hết thảy những nỗi niềm, có lẽ là vậy, bỡi cái ở đằng sau hết thảy ấy cứ làm dấy lên một thứ lắng đọng bi thiết, nhưng, dẫu gì thì trong cái lắng đọng bi thiết  vẫn cứ còn những dấu vết của tồn sinh, ồ, lại gặp lũ cháu nữa rồi, tôi với Ngàn rất vui khi đám trẻ xóm chài quen mặt lại vây lấy chúng tôi, một đứa trong bọn chúng chạm tay vào tôi và Ngàn, chẳng nói gì, nhưng như thể là đang nói rất nhiều rằng, chúng tôi là những đứa trẻ vẫn chưa biết gì về các người  đâu, hay, làm sao các người lại có ngôi nhà nằm ngay dưới rừng thông, vân vân, dường như lũ trẻ dù đã gặp chúng tôi bao nhiêu lần vẫn cứ còn cảm thấy chúng tôi là những kẻ xa lạ, ngay cả, khi lũ trẻ, con những người đánh cá đêm, nhìn chúng tôi cũng là thứ lắng đọng bi thiết, hay là tôi và Ngàn mong đến đây để được gặp lại những thứ đó, chúng tôi không biết, còn ba hôm nữa thì nhà không còn cái ăn, biển động, con cá khôn hơn, không chịu để mắc lưới, người  vợ của người đàn ông đánh cá đêm bạn của chúng tôi  nói,  nhưng sau đó thì làm sao, chúng tôi hỏi, sau đó thì đâu lại vào đấy, hết gạo nấu là chuyện của xóm chài này, người phụ nữ vợ người đàn ông đánh cá đêm bạn của chúng tôi  nói, và đứng lên, toan đi đâu đó, tôi và Ngàn cũng đứng lên, thưa nói ra về, không phải đâu, cứ ở chơi đã, chỉ định bụng sang nhà bên xin ít trà, người phụ nữ vợ người đàn ông đánh cá đêm  nói, bọn tôi đâu phải là khách đến lần đầu, chị, chúng tôi nói, rồi cả ba chúng tôi lại ngồi xuống nền  cát , nhà cất trên cát biển, nên nền nhà là cát biển, lũ nhỏ con chị đã rời đám trẻ xóm chài chạy về nhà đón khách với mẹ, chúng bâu lấy vai mẹ, đứng nhìn chúng tôi, ngôi nhà chợt lặng đi, tôi và Ngàn cứ có cảm tưởng mọi thứ ở đây, ở cái xóm chài này, là chẳng dính dáng chi tới việc làm của những người có chữ, những cuốn sách, những cuộc tranh luận hay thù địch của các nhà cổ vật học, thời sự học, trường sinh học…và, ngay cả,  cũng chẳng dính dáng chi chuyện truy bức của ngài hống hách, cũng như chẳng dính dáng chi chuyện chúng tôi đi tìm cái có thể, lúc bấy giờ chúng tôi cứ có cảm tưởng không phải là chúng tôi chạy  sang cái xóm chài cạnh rừng thông nơi chúng tôi  ngồi viết, mà chạy sang cái ví dụ về một cuộc sống,  ở đây, như thể mọi thứ là còn đang trong bản nháp, còn đang trong thể nghiệm [về cách sống và cách chết] người phụ nữ vợ người đàn ông đánh cá đêm chúng tôi quen biết chợt vẽ lên cát hình chiếc thuyền đánh cá có cái cột buồm chỏng lên trời, có bao giờ anh chị lại cảm thấy lo lắng và sợ hãi về cuộc sống của mình hay không, chúng tôi muốn hỏi chị ấy, nhưng không dám, 

         

 

 

rồi đêm xuống, những người vô gia cư lại kéo về rừng thông, tôi với Ngàn lại chuyển sang một cách cảm nhận khác về thế giới, sự hoang vắng, bơ vơ, đông nghịt người ngợm, nhưng vẫn cứ là những bản thể cô độc, lỏng lẻo, như thể hết thảy là sắp rời ra khỏi cái quĩ đạo bầy đàn nghìn năm cổ độ, một bầy người vừa mới từ chỗ một bầy người khác trở lại rừng thông, cái bầy người khác ấy là ít bất hạnh hơn, bầy người phố chợ, cái bầy người vô gia cư khi trở lại  ngôi nhà giữa trời của mình, có thể, có kẻ đã kiếm được cái ăn trong ngày, có kẻ thì chưa, mà thế giới đâu phải chỉ  mỗi nơi đây, nghe nói, người các châu lục nghèo đói thì kéo đến các châu lục giàu có hơn để tìm cái ăn, và phải vượt qua nhiều thứ biên giới, có thể, có kẻ đã đến được nơi mình muốn đến, nhưng có kẻ thì chết ở dọc đường, di dân tìm thức ăn như thể thứ tai ương loài người luôn phải gánh chịu, bởi loài  người là loài vật biết làm ra thức ăn nhưng chưa biết cách phân phối thức ăn, hoặc biết mà phải phân phố theo áp lực của những thế lực đen tối, thế kỷ này sang thế kỷ khác người ta vẫn phải bỏ quê nhà ra đi, cái đói khát  như thể cứ muốn con người ra khỏi cái thế giới mà nó không thể không ở trong đó, thế giới như thể lâu lâu lại biến thành chốn vô gia cư cho những kẻ đi tìm thức ăn, đêm, biển ở đây thường náo động hơn, sóng biển như cứ muốn chồm lên cho thật cao, còn bầu trời thì như muốn hạ thấp xuống cho gần với mặt đất hơn, đêm, tôi và Ngàn thường hay có cảm nhận vậy, và thường hay mở cửa ra ngoài để xem thử những người vô gia cư sống chết thế nào, và, như thể, lúc nào bọn họ cũng bị cuộc sống đánh gục, hết thảy là đang nằm im trong cơn mệt lả, những người đang sống là đang tiến dần về chặng cuối của cuộc đời, đêm, tôi và Ngàn là thường hay nghĩ vậy, nhưng sáng ra lại thấy cái bầy đàn người ấy lên đường, có một buổi sáng như thể là dấu móc quan trọng của thể kỷ, sáng, khi chúng tôi thức dậy thì được biết có một người đàn ông và một phụ nữ trong số những người vô gia cư đã chết, bọn họ trần truồng ôm nhau nằm chết dưới một gốc thông già, những người vô gia cư còn sống truyền cho nhau lời thương tiếc, rằng, yêu nhau và làm tình trong lúc đói khát như thề thì khó mà sống sót, 

 

 

 

 

 

ngày…tháng…

“Shall be, and every moment is renew’d/“You see the night emerge to glorious day/“And the bright sun in shady darkness sink/Sẽ là vậy, và mọi khoảnh khắc được làm mới lại/Bạn [sẽ] nhìn thấy đêm hiện ra ngày kỳ diệu/Và ánh mặt trời trong thứ bóng râm chìm xuống/ OVID [La Mã, 43 tcn– 17 hoặc 18 scn]/METAMORPHORSE/BIẾN HÌNH/CUỐN 15

 

hay chỉ là một cuộc tiêu tan được thi hóa thành cõi trần gian, một cuộc đánh tráo, hay cái nhìn thấy chỉ là phía bên kia của ảo ảnh, tôi không biết, chỉ thấy như có cái gì đấy, một thứ phản nhận thức chăng, cứ hiện ra trong nghĩ ngợi, cứ nghẽn lại một chút, rằng, không thể không hoài nghi, làm sao tin được lời của lũ ve sầu, lũ ve bảo chúng reo vui, nhưng thật ra là làm cho cảnh vật và con người buồn bã, ai dám bảo không phải tiếng ve là cách biểu lộ nỗi sầu muộn của một loài giống, hằng ngày, nơi ngôi nhà giữa rừng thông, tôi cứ nghiền ngẫm về những thứ gọi là lời của cây lá, nghe tiếng thông reo lại mường tượng về một thế giới vô cùng rộng lớn, tiếng thông reo  chẳng phải tín hiệu của một thứ không bờ bến hay sao, nhưng cảm thức ấy lại tiêu tan khi, bất chợt, trong cơn gió giật, một cành thông gãy, lời gãy đổ của cây lá chỉ là cái khoảnh khắc, một chút vang lên, và lịm tắt, thế giới như đang thu nhỏ lại, tôi không muốn dẫn dắt mình tới chỗ sầu muộn [bỡi sầu muộn không phải chuyện con người muốn có] nhưng thế giới đang bày ra trước tôi cứ như thể một cách lập lờ đánh lận của tồn tại, ai đang hò reo vậy nhỉ, ở đó, người ta đã giành được thứ chiến thắng chỉ con người mới làm được, bước vào khoảng không  vũ trụ như bước vào ngôi nhà thân thuộc của mình, đó là cuộc chinh phục vĩ đại thuộc về sự hiện hữu của con người, còn gọi là sự thật, nhưng ngay cạnh đó lại là cuộc trác táng của ý thức, biết, nhưng cứ để cho văn hiến rã ra, nơi nơi, văn hiến cứ lần lữa ra ra, thời lũ cao ngạo cứ nhảy cỡn lên la lối [cứ ca ngợi bọn ta, bỡi các người chỉ là một lũ dốt nát/ lời lẽ của đám trác táng, cứ như thể thế giới này là của bọn chúng […] có vẻ, như là người ta thích bỡn cợt hơn là nói thật lòng, thế giới cứ giống sự  nán lại của một cuộc tiêu tan nhỉ,
[trong Nhật Ký Đen của Ngàn]

 

 

vào những năm tháng ấy cuộc sống có biết bao cung bậc, người ta nghe thấy, từ chốn trên cao, nơi của bằng an, thanh thản, những giọng nói kiêu căng, có thể là thừa hưởng may mắn của cha ông, hay kết quả của tranh đoạt [có những mưu toan người ta lưu giữ cả trong nhiều thế hệ] nhịp điệu quí tộc, nó là khu biệt của chốn cao sang, thứ pháp thuật của mọi thời đại luôn vờ mang gương mặt ẩn mật, khung cửa hẹp người ta luôn nguyền rủa , nhưng cũng luôn làm say đắm con người,  và ở chốn lưng chừng, trèo lên không thể, bước xuống không muốn, đang mang trong mình những bi khúc, rệu rã sắc nước hương trời, đã chết đi những vẻ đẹp của hồn nhiên, nhưng  cứ ngỡ ở đằng trước,  hoa sắp nở, trăng sắp lên,  cứ gọi đó là kẻ sĩ đi, những người có chữ, đời xưa, hay đời này, cũng vậy thôi, cũng ảo tưởng, hay hợm mình, hay chập chờn mộng mị [ta đi gió hát ở sau lưng] và, chỗ cuối cùng là chốn dưới cùng, cái đáy của cuộc đời, có thể ở đó có sự rủi ro quyền quí, ai đó rơi tỏm từ sụp đổ triều đại, hay từ sa cơ của mưu chước chính trường, hay từ thất thế của tiền bạc, thật ra, tất cả những chuyện ấy chỉ là những gì thuộc về cuộc chơi vô cùng nhàm chán [vô cùng tệ hại] nhưng, mấy chục đời cha ông vẫn đi cày, vẫn dệt vải, vẫn mua gánh bán bưng, vẫn là lê dân kéo lê cái đuôi của mình ở trong bùn, có phải chữ của Trang không nhỉ, giữa khi các nhà cầm quyền của thời đại vẫn luôn miệng nói về cách thức giải thoát con người, cuộc chơi dưới đáy là vẫn luôn hiện diện trong tư tưởng nhân loại, đã nát hết sách vở, giấy bút, những tàng kinh các cứ mọc lên, rồi tàn lụi, rồi lại mọc lên, nhưng những cuộc chơi dưới đáy vẫn cứ hiện diện trong nghĩ ngợi con người, bỡi con người không thể không nghĩ ngợi về chỗ dưới đáy của mình, những cú nhảy đầy ngoạn mục hòng để tránh thoát lầm than ở nơi các tôn giáo, những tiếng khóc dở chừng của văn chương triết học, hay sự phẩn nộ, cái cách giải cấu trúc khổ đau chẳng đi tới đâu của những nhà thông thái, thế giới xưa nay vẫn như bản hòa âm đầy những âm tiết đen, ai đã gõ lên nghĩ ngợi của chúng tôi vào một đêm không trăng sao của thế kỷ, 

 

 

rồi, bỗng dưng, không hiểu sao, nhà cổ vật học X lại ra sức nguyền rủa đám nhà thời sự học,
bọn họ một lũ người vô liêm sỉ, ăn cơm đương đại nhưng đi ca ngợi chiếc áo lông cừu của một tay kiếm khách cổ lỗ sĩ,

nhưng kiếm khách là ai, thưa ngài X,

[cuộc phỏng vấn nhà cổ vật X của báo Chim Trời bắt đầu từ hình tượng một tay kiếm khách đã hết thời]

 

hắn, thôi cứ cho là một kẻ có chữ đi, nhưng chữ của hắn, nói thế nào nhỉ, còn cũ hơn thời chữ tượng hình, hay còn cũ hơn thứ chữ thắt nút bằng dây, một lời hắn nói ra tràn ngập rong rêu, sâu bọ, trong giọng ậm ờ rệu rã của hắn cứ nghe như phủ đầy ẩm mục, và, lũ  sâu bọ thì đua nhau làm tổ, hắn cứ nghĩ mình là kiếm khách, có nghĩa, cứ tưởng vung tay lên là giết được kẻ địch, có, cũng có một thời hắn làm mưa làm gió, nhưng chuyện ấy đã quá cũ, thời thiên hạ còn ngu muội, nên một kẻ ngu muội gặp may như hắn, cũng có thể cầm cây kiếm lên, cứ cho có lúc hắn là kiếm khách đi, nhưng đấy là lúc thiên hạ cũng chưa hiểu kiếm khách là những kẻ thế nào, 

có nghĩa đấy vẫn là kiếm khách một thời, thưa ngài,

cứ cho là thế, nhưng chỗ phanh phui cho thiên hạ nhìn thấy không phải chỉ mỗi hắn, mà còn bọn nhà thời sự học theo ca ngợi hắn,

những người đã  ca ngợi chiếc áo lông cừu của một kiếm khách,

phải, có kẻ trong bọn nhà thời sự học đã bỏ ra năm năm rồi mười năm để viết về chiếc áo lông cừu của hắn, bắt đầu từ cái vĩ đại của người nuôi cừu, này nhé, nắng hạn, đồng khô cỏ cháy, phải cõng lũ cừu đi tìm nguồn thức ăn và nước uống, hãy cố gắng vượt qua gian khổ để thấy ngày vinh quang các bạn ạ, người nuôi cừu nói với lũ cừu của mình, rồi ngã chết vì đuối sức, về sau, đám nhà thời sự học sau khi dùng lông cừu của đàn cừu ấy làm áo khoác cho hắn thì xếp người nuôi cừu vào danh sách những anh hùng thời đại, đám nhà thời sự học đã chép về cái lai lịch của  áo lông cừu thế đấy, người nuôi cừu để có lông cừu làm áo khoác cho kiếm khách vĩ đại thế đó thì kiếm khách vĩ đại đến chừng nào, không còn gì để ghê tởm hơn, không còn gì để nói,

xin nói rõ hơn một chút, thưa ngài X,

ngôn ngữ đã bắt đầu thấy đuối sức trong mô tả sự hèn hạ, đã có những từ cũ, đê tiện, hay xấu xa, hay bẩn thỉu, nhưng tất cả những thứ ấy không thể nào diễn tả hết được cái cách bọn nhà thời sự học khom mình xuống để cho kẻ chúng tôn vinh bước đi trên lưng chúng, thời còn chế độ nô lệ thì kẻ nô lệ là bị người ta bước trên lưng, nhưng với bọn nhà thời sự học là được người ta bước trên lưng, các vị cứ thử đi tìm có bậc thiên tài nào giải thích được chuyện này hay không,

tức, đi hỏi thử vì sao không còn chế độ nô lệ mà con người thời  này lại thích làm nô lệ như thế,

phải rồi, nhưng các vị chớ mất công đi hỏi bỡi chẳng ai trả lời được đâu, hay đấy chỉ là những phút thăng hoa của con vật người trong chúng ta, thăng hoa thành một con vật động vật hơn, ta không biết, chỉ biết tay kiếm khách hết thời, hắn,  cứ ảo tưởng, và bọn nhà thời sự học thì cứ hèn hạ, nhưng những chuyện như thế thì đã quá cũ,

còn những chuyện không quá cũ là gì, thưa ngài X,

cuộc chơi cứ dai dẳng như định mệnh khắc nghiệt, người ta cứ muốn nuôi dưỡng phía trước bằng cách đập phá hiện thực, có thể cái phía trước ấy cũng rác rưởi như hiện thực, hay còn rác rưởi hơn hiện thực, bỡi, ai mà biết trước chứ, nhưng ý thức cứ mù lòa cho đó là miền hoa thơm cỏ lạ, người ta cứ tiếp tục nguyền rủa những ai không giống mình [không cùng cách nhìn thế giới với mình] như kẻ thù của mình, và, có thể cho đến lúc chết vẫn chưa nhìn thấy được cái phía trước ấy, nhưng vẫn cứ ca ngợi nó cho đến chết, ta nhớ, có lần đã nhìn thấy đám nhà thời sự học quì mọp xuống bên dưới thứ thần tượng chúng cố nghĩ ra, tương lai đã biến thành vị thánh hà hơi cho bọn họ có thể la to lên những lời chúc tụng, bọn họ ôm nhau chúc tụng, và khóc như thể những kẻ đang tử vì đạo, lũ thú rừng nhìn thấy hoảng hốt bỏ chạy bỡi cứ ngỡ đấy là thánh lễ săn đuổi con mồi, thì ra, phía trước của bọn họ là một con mồi,

lại xin nói cho rõ hơn, thưa ngài  X,

cái phía trước cứ giống như một con quỉ, quyến rủ và tàn nhẫn, con người, có người nhìn ra bộ dạng của nó, nhưng có ngưởi tưởng là bông hoa đồng nội, 

 

 

cuộc truy bức của ngài hống hách lan khắp thế giới tạo nên làn sóng cách mạng đủ màu sắc, cách mạng màu hoa hồng, cách mạng màu da trời, màu lá chuối non, vân vân, tờ Chim Trời đã phiên dịch và đăng tải toàn bộ bài phỏng vấn nhà triết học Leo Bhund [LB] do phóng viên [PV] tờ The One And The Two thực hiện, The One And The Two [Một Và Hai] là tờ báo nổi tiếng thế giới,

PV: bầu trời đương đại có vẻ sáng hơn,
LB: không phải sáng hơn hay không sáng hơn, mà có vẻ chính xác hơn, những gương mặt thế giới cứ hiện ra như thể không thể khác đi, ngay cả giảo hoạt hay đê tiện, chính xác như thể là thuộc tính của thời đại, đám động vật hoang dã, những rùa  rắn, sau khi bị  đám lâm tặc câu kết bọn cầm quyền bắt đem bán cho các nhà hàng thì chúng biết một cách chính xác rằng chẳng còn có phép màu nào cứu nổi chúng, khi thấy đám thực khách là đám  đại gia đứng ngắm nghía mình thì chúng, đám rùa rắn ấy, biết một cách chính xác rằng những sắc luật của con người về việc bảo vệ động vật hoang dã chỉ là một trò lừa bịp,
PV: ngài vẫn đang nói về sự chính xác của bầu trời đương đại,

LB: không phải nói, mà đang làm cho rõ ra tính chính xác của nó,  cuối trời, đám chim đang đi trú đông, không thể nói tiếng kêu của chúng là không thể hiện gì về nỗi niềm của một giống loài chim không chịu được giá rét, và, giữa trời, các vị thần đương đại vừa bay lượn vừa buông ra những câu cú khúc khuỷu vừa ra vẻ dạy bảo, các bạn là luôn được dìu dắt bỡi những lời minh triết đấy, thì cứ nói toạt ra, có thể đấy là những lời lẽ của đám cầm đầu bầy đàn được nâng thành thần thánh, chỉ thuở còn để đầu trần trong nắng gió, tiền sử là buổi con người cứ tưởng thần thánh  đông hơn con người, mới không thể nhận ra sự lừa dối,
PV: con người vẫn cứ mượn hình ảnh thần thánh để lừa nhau,
LB: nếu có một loài giống thần thánh thật thì con người không thể giả thần thánh được, vào những tháng năm ấy, bay lượn khắp thế gian là đôi cánh của những cương lĩnh triết học, chính trị, và tôn giáo, những tác giả của chúng đã hóa trang cho chúng thành những gương mặt thần linh, sự chiêm bái bắt đầu hình thành, có thể đấy chỉ là hệ luy của cổ sơ, tín ngưỡng, nỗi bàng hoàng thành thật của ngu muội, nhưng, nó, chiêm bái ấy, vốn là hệ quả của những mưu toan của con người, khi chiêm bái đã đạt tới một mức độ nào đó thì phân ly thành kẻ chiêm bái và nơi trú ngụ của các thần linh, đã nhìn thấy con người phủ phục trước các thần linh ngự ở các nơi chốn có tên là nghị trường, giáo đường, hay bục diễn giả,
PV: có nghĩa, khi một sản phẩm tinh thần nào đó của con người đã được hóa trang thành sức mạnh thần linh thì lập tức có chiêm bái,

LB: đó là cuộc tương quan bi thảm nghìn đời giữa con người và những mưu toan của con người,
PV: phải nói là những mưu toan đen tối chứ,
LB: không cần phải nói thế, bỡi mưu toan hàm xúc ý nghĩa về tôi lỗi, đôi khi nó trở thành thứ điều kiện, cái lý, để gây chiến hay lật đổ,
PV: tức nhân danh cương lĩnh này nọ để tạo ra chiến tranh hay cách mạng,
LB: vào những năm tháng ấy cứ nghe vang lên đây đó tiếng nói của con người, ta là homosapien, ta là trí khôn, người ta cứ thấy chập chờn trong ý thức hình ảnh về một thứ vẻ đẹp nào đó tàng ẩn trong những cương lĩnh, cái lý để hành động, và những cuộc cách mạng nổ ra, giết chóc, và lật đổ, máu, và những tiếng cười, cũng có những ngày vui, nhưng quá ít, sau đó là niềm vô vọng,
PV: có nghĩa hết thảy những cuộc cách mạng của con người đều dẫn đến vô vọng,
LB: cách mạng cũng có vẻ cần thiết đối với nhân loại, nhưng trong thứ ánh sáng con người cố tạo ra đó đã tiềm ẩn thứ bóng tôi ghê rợn, bỡi con đường đi lên là con đường đi xuống [Heraclitus]
PV: con người không biết làm gì, hay làm thế nào, để khỏi vô vọng hay sao,
LB: không biết làm gì hay làm thế nào thì im lặng và chịu chết, 
 

 

Crammed back and settling deep within the frame—/ Whereafter then our loosened members droop/ Được lấp đầy và lắng sâu trong khung khổ–/Sau đó thì những phần lỏng lẻo của chúng ta rũ xuống
[VỀ BẢN CHẤT CỦA CÁC SỰ VẬT/CUỐN IV/ VÀI CHỨC NĂNG CỦA SỐNG- LUCRETIUS [[Titus Lucretius Carus, La Mã, 99 – 55 tr.CN]

 

 

mùa thu ở đây cứ để lại những khoảng trống, buồn, ngắn ngủi, và qua mau như thể một chút cố nán lại của năm tháng, ở đây, thời gian như thể không còn muốn để lại dấu vết, nhưng trong chuỗi âm vang lận lận của dịch chuyển, khoảnh khắc ấy vẫn cứ vang lên như thể một thứ điểm rơi, mùa thu, trong tâm tưởng con người, nắng đã vàng trở lại, những vết thương nơi cây lá không thể không xảy ra, nhưng lũ chim rừng chưa kịp nhìn lá rụng đã nghe nói mùa thu đã qua đi, bạn đã nhìn thấy nơi vết thương của lá đã ứa ra những dòng nhựa mới hay chưa, chưa, có tiếng đáp của con nai đang soi mình nơi dòng suối, nhưng đó chỉ là cái cách nhìn ngó của một giống loài thiển cận, người ta cứ nói mùa thu chết, nhưng ít khi nghe nói mùa thu qua mau [em có nghe không, mùa thu đang đi qua những đốt ngón tay] , thật ra, đấy chỉ là một cách nói tùy tiện, lỗi con người, hay của thi ca nhỉ, tự nhiên vẫn cứ đơn giản như chuyện nó được tạo ra, vào một hôm nào đó trong chuỗi vô tận của dịch chuyển bỗng có những thứ khoảnh khắc khác nhau, con người lại cứ muốn làm cho mọi chuyện trở nên to tát, đi nói với nhau, rằng, trong những khoảnh khắc khác nhau đó có những thứ gọi là mùa thu, ai dám nói trong mùa thu thì có gì nhỉ, hay đấy chỉ là những khoảng trống không thể không xảy ra trong nhận thức, bỗng cứ thấy trống trải như cái chết, không phải đâu, những cái chết con người tạo ra thì không thể cảm thấy trống trải như mùa thu,

[trong Nhật Ký Đen của Ngàn]

 

 

thành phố cứ trôi đi trong thứ nhịp điệu vừa cũ kỹ vừa mới mẻ, hệ quả tất yếu của cách trị nước của ngài thị trưởng thành phố có khi cứ lặng đi như thể chẳng còn người cầm đầu bầy đàn, có khi lại sôi lên như thể trái đất đang nóng lên và con người phải gấp rúc tìm ra phương cách chận đứng ngày tận thế, ngài thị trưởng thành phố chúng tôi có trái tim thật hay giả thì chưa có ai dám nói và cũng chưa có ai có thể nói được, song, cái cách đứng trước thần dân của mình thì tinh thần dân chủ của ông, như thể nước tràn bờ , một lời cũng nhân dân, hai lời  cũng nhân dân, một thứ tình cảm lai láng giữa kẻ cai trị và đám thần dân bị  trị… nhân dân ta có truyền thống bất khuất, cây đại thụ ấy cành nhánh luôn sum suê tỏa mát…ngài thị trưởng của chúng tôi bảo nhân dân là cây đại thụ tỏa mát, mấy từ đất nước và nhân dân là luôn có mặt trong từng câu chữ của ông, có vẻ những thứ ấy là như thể không thể rời khỏi cuộc đời ông, thành phố lắm khi cũng rơi vào nỗi xúc động, chẳng biết có bị đánh lừa hay không, nhưng nửa khuya thức giấc, lắng nghe cái trì trệ của đêm, như thể đêm đến thì con người ta chẳng làm được chuyện gì cho ra hồn, giấc ngủ như thể cũng chỉ là biện pháp tình thế, không ngủ không được, cái yếu tố lắng lại của đêm cứ khiến cho chúng tôi nghĩ ngợi nhiều thứ về cuộc đời trong đó có ngài thị trưởng của chúng tôi, người luôn gắn bó với  một nơi chốn có vẻ  hơi kỳ bí: bục diễn đàn, bỡi ở chốn đó, chúng tôi nhớ vậy, đã làm nảy nở không biết bao nhiêu ý tưởng tân kỳ nơi ngài thị trưởng, diễn đàn là chốn gắn bó với cuộc đời ông nhiều hơn bất cứ chốn nào, dân thành phố chúng tôi sẽ không bao giờ quên, nơi bục diễn đàn, ngài thị trưởng của chúng tôi, nói , đôi lúc lại nghiêng người sang một phía của cuộc đời, có làm chậm lại đôi chút thời gian, nhưng trước khi nói tiếp ông lại  mỉm cười như thể để đánh dấu cho một biến động nào đó trong tâm hồn, là niềm kiêu hãnh, hay cũng có thể là đang cảm thấy vinh quang, đêm, hình dung được các thứ trong cuộc sống, chúng tôi cứ thấy bàng hoàng, thành phố lại rơi vào thứ cảm xúc trần thế, nhưng buổi sớm mai, bước ra đường phố, thấy xe cộ và người đi lại đông đúc, tôi và Ngàn lại cảm thấy có gì đấy hơi nặng nề trong nghĩ ngợi, chúng tôi đang phải đối mặt với những gương mặt của cuộc sống ở đằng sau nó là những bất ổn, ám muội,  và những lở lói chưa lành…có ai trong số những người đang vội vã trên đường phố, những người đang lái tắc xi, đang lái xe buýt, đang đến công sở, đang tìm việc làm… là còn nghĩ đến mảnh đất mình đang đi lại ở trên đó  không nhỉ, chuyện cơm áo làm cho con người ta nhỏ đi, chẳng còn nhớ, hay chẳng cần nhớ, ở đây là sự tồn tại của một đơn vị bầy đàn,  chuyện áo cơm đã làm cho con người ta không còn nhớ, hay không còn muốn  nhớ nguồn gốc hiển hách của mình, nơi thành phố chúng tôi đang sống có kẻ đã không thể  làm được những lời ngài thị trưởng nói [gian khổ nào nhân dân ta cũng vượt qua ] có một thứ nhân dân là những ông lão bà lão, hay những người tàn tật, hay những em bé mồ côi, những nạn nhân, những kẻ sống sót sau các cuộc chiến súng đạn hay sau các cuộc chiến chính trường hay sau những  ngu xuẩn trong công cuộc thay đổi cuộc làm ăn, hằng ngày bọn họ vẫn đứng các nơi phố chợ để chờ lòng thương của kẻ khác, bọn họ có còn ở trong hàng ngũ nhân dân không nhỉ, đôi khi là có những thứ nhân dân không phải nạn nhân của những cuộc tan rã,  mà thuộc về lớp bầy đàn tuổi trẻ chẳng còn biết, hay chẳng cần biết, là mình đang sống trong một đất nước  nào, sự vong thân thật sớm như thể sự chết yểu của những loài cây rừng, lương tri tối thiểu của tôi và Ngàn là cứ thấy có gì đó đang đè nặng trong nhận thức khi nhìn thấy những cuộc tan rã  đang diễn ra, ai đang ngồi hát trên ngọn núi tưởng tượng của chúng tôi vậy nhỉ, tất nhiên không phải là ngài thị trưởng của chúng tôi, ông thì chỉ hát mỗi bài ca tụng nhân dân của mình, thành phố chúng tôi đang oằn mình gánh chịu những tai họa của thời đại, ngay cả những lời nói đầy ẩn ý của một nguyên thủ quốc gia  nào đó cũng là tai họa, ngay cả những lời thề thốt rằng đấy là những lời thành thật đối với loài người của một kẻ đứng đầu bầy đàn nào đó cũng là tại họa…’’thế giới như thể đang cùn mòn đi niềm cảm hứng khám phá những phương cách làm cho thế giới tốt hơn’’, khúc ca đang vang lên nơi ngọn núi tưởng tượng của chúng tôi,

 

 

rồi không biết bao nhiêu là loài hoa cỏ tiếp tục mọc lên trên xứ sở chúng tôi, từ cái áo nghĩa đậm chất kiếm thuật của những nhà cảm thụ học, cái hân khoái bất tận trần gian của những nhà trường sinh học, cái kỳ khu mộng ảo của những nhà cổ vật học, cho đến cái ồn ào náo nhiệt như thể làm nghiêng ngửa giang sơn của những nhà thời sự học, phải nói là vẫn còn một chốn khác, sầm uất và đầy vẻ ngạo mạn, một gương mặt đậm nét phong ba của thế kỷ, gương mặt của những nhà hậu quá khứ, sao lại là hậu quá khứ nhỉ, có lúc nào là không sau [hậu] quá khứ đâu, chúng tôi không biết, chỉ thấy bọn họ tự xưng là những nhà hậu quá khứ, những nhà văn, không phải những nhà lý thuyết, ở những nhà khác, từ đám cảm thụ học cho đến đám thời sự học, hết thảy là cùng một kiểu với thầy trò ngài hống hách là cứ muốn thuyết lý của mình trùm lên thiên hạ, ở đám nhà hậu quá khứ thì khác, thi ca của bọn họ như thể những cương lĩnh của một cuộc chiến trong khung trời học thuật, các anh hãy nghe chúng tôi nói đây, đại khái là vậy, đám nhà hậu quá khứ như thể muốn tuyên chiến với hết thảy những nhà học thuật không thuộc phe nhóm mình, với họ, văn chương là bút chiến, các anh hãy coi chừng đấy, không phải là hăm dọa, mà là chuyện thật, cuộc chiến thật sự đã diễn ra nơi xứ sở chúng tôi…’’cho một nền học thuật cụ thể’’, khẩu hiệu ấy đã được đặt nơi đầu trang bìa tờ báo Nói, diễn đàn đậm màu chinh chiến của những nhà hậu quá khứ, đã có một diễn đàn và tuyên ngôn của trường phái [bọn họ chưa bao giờ nói mình là trường phái, nhưng đây không phải việc làm của một trường phái là gì] hình dáng của một nền học thuật cụ thể là như thế nào nhỉ, đành phải chờ những gì sẽ diễn ra…’’có người hỏi, vậy thì ý nghĩa của cuộc sống này là gì, câu hỏi được đặt ra tự buổi con người biết tư duy, rồi mưa vẫn cứ đổ xuống, sông hồ đầy nước, con người vẫn cứ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mang tính bản thể luận, chiến tranh là hậu quả của thù địch, con người không đồng ý với nhau về một câu trả lời cho một câu hỏi về nền tảng của cuộc sống mà sinh ra thù địch, khi hết thảy đã trở thành quá khứ con người vẫn cứ thù địch,đấy chẳng phải gương mặt bi thảm hậu quá khứ là gì’’ [trích tuyên ngôn của những nhà hậu quá khứ] tuyên ngôn cứ như lời gào thét của hiện hữu, chúng tôi lại rơi vào vấn nạn, rằng, từ đây chẳng còn chuyện hiện tại hay tương lai, bỡi tất cả đều xảy ra sau cái đã xảy ra, khái niệm mới về thời gian lại đưa người đọc đến buổi trăng lặn đầu non, con chim rừng nuối tiếc thứ ánh sáng màu nhũ bạc của trăng đầu tháng, hót vào lúc giữa khuya, con chim rừng ấy là nhà hậu quá khứ đã viết trên diễn đàn của mình, báo Nói…’’ta biết mình là một đứa ngu, nhưng không làm sao từ bỏ được cuộc tìm kiếm được gợi ý từ một giấc mơ biết là sự đánh lừa của tạo vật nhưng lại không thể không tin đó là một giấc mơ hoàn hảo, ngươi cứ đi về phía mặt trời lặn sẽ gặp, lời trong mơ vắng tắt, song, qua diễn đạt của trí tuệ ta thì nó là một khung trời lý tưởng, bây giờ, đi về phía ấy là một chọn lựa sinh tử đối với cuộc đời ta, ta ra đi vào lúc con trâu thuộc loài gặm cỏ, con gà trống vào các buổi sáng bao giờ cũng cất tiếng gáy, lũ trẻ con ở làng ta đã biết đánh vần quốc ngữ, và những người nghèo đã biết căm giận khi biết bọn chủ đất áp bức mình, có nghĩa, mọi thứ trên đời này đều có thể xảy ra, nhưng giấc mơ như thứ định mệnh ấy vẫn thôi thúc ta ra đi, cứ đi về phía mặt trời lặn sẽ gặp, ta trải qua không biết bao nhiêu buổi mặt trời lặn, đêm, có khi được tá túc ở nhà ai đó, có khi ngủ bờ ngủ bụi, mặt trời cứ lặn hoài, thành ra ta phải đi hoài, một hôm ta thấy mình dừng ngựa nơi ngôi làng có người đàn ông đang ngồi tạc tượng, người tạc tượng đã già, còn bức tượng người đàn bà bằng đá đã cũ, cứ giống như kẻ đang trong sương gió vậy, ta nói với cảm xúc rất thật, nhưng người đàn ông bỗng òa khóc, thì ra, gần trăm năm qua, những người ngang qua đây, kẻ khen bức tượng giống tiên, kẻ khen giống một mệnh phụ phu nhân, gần suốt trăm năm qua ngày nào người đàn ông cũng ngồi gọt sửa gương mặt tượng đá nhưng không thể làm cho giống với gương mặt người yêu đã mất của mình, nghe chuyện người tạc tượng ta rất buồn, dắt ngựa đi sâu vào trong làng nơi có người đàn ông đang sơn thuyền, một chiếc thuyền bằng gỗ to lớn đang được đặt ở trên nền đất, cũng người gần đây hay sao, người đàn ông sơn thuyền hỏi, ở tận phía mặt trời mọc lận, ta đáp, ở xa nhỉ, người đàn ông sơn thuyền nói, mắt vẫn không nhìn ta, có vẻ như bao nhiêu tâm trí đều để hết vào chuyện sơn thuyền, nhưng sao thuyền không đậu dưới bến mà đậu trên cạn, ta hỏi, ta đọc sách thấy nói có con sông từ trên trời đổ xuống nên chờ để bơi thuyền chơi trên sông ấy, người đàn ông sơn thuyền nói, vẻ tự mãn, ta bắt đầu nghĩ ngợi về những con người của ngôi làng ấy, chẳng lẽ bọn họ cũng đang nuôi dưỡng những giấc mơ như ta, ý nghĩ ấy lại thôi thúc ta lên đường, ta vẫn còn phải đi về phía mặt trời lặn, nhưng trước khi đi ta cũng phải biết ngôi làng cũng có những con người nuôi dưỡng những giấc mơ ngu ngốc như ta là nơi nào,

đây là nơi xảy ra sau tất cả những gì đã xảy ra,
người đàn ông sơn thuyền nói với ta thế,

 

 

rồi cái bất chợt lại đến làm mất đi vẻ dài lâu, thể giới như thể rơi vào chỗ chòng chành, các dòng nghĩ ngợi của nhân loại nếu cứ va chạm nhau từng ngày và  không chút nương tay, mặt đất có thể sẽ vĩnh viễn mất đi vẻ hào hoa vốn có của nó, thời,  có vẻ người ta muốn thi ca hóa cả chuyện trị nước, thi ca hóa cả chuyện áo cơm, chẳng phải các bài diễn văn của các nguyên thủ quốc gia đầy chữ nghĩa đấy sao, ồ  người ta có thể ca ngợi những cánh đồng, ca ngợi cây lúa, ca ngợi những cách thức làm cho cây lúa cho nhiều thóc, tức ca ngợi một nền văn minh tiên tiến, hiện đại, trong khi có rất nhiều người đang đói [một xứ sở mà một trăm người hết chín mươi chín người làm thi ca thì chữ nghĩa cũng dễ diệt vong] ngày nay, thi đàn [diễn đàn của chữ] là chốn hiểm nguy và đầy nỗi thống khổ, cái bất chợt cứ thoạt đến thoạt đi, chúng tôi luôn nghĩ cái gọi là niềm cảm hứng cứ như  một kẻ lừa dối luôn chờ cơ hội để nhảy vào tiếng nói của chúng ta, ngôi nhà ngôn ngữ của  chúng ta có thể lập tức biến thành những tuyên bố [hay tuyên ngôn] xấc xược,  người ta có thể làm cho thế giới lạ đi, ngôn ngữ sẽ biến thành công cụ cho thứ trò chơi quyền lực kẻ cao ngạo vẫn cứ gọi là sự sáng tạo, thời, trước cái chết của chữ  người ta không quan tâm bằng trước cái chết của một triều đại, có phải khi chữ nghĩa làm cho thế giới lạ đi [làm lạ hóa thế giới]  là làm cho mất đi vẻ hiển linh  của nó, khi con người không biết mình đang làm gì thì thế giới sẽ trở nên mù lòa, chúng tôi lại rơi vào thứ tra vấn khốn khổ, rằng, có phải đến lúc ấy thì cuộc tình mang tính ngụ ngôn của chúng tôi cũng không còn,

 

 

cuộc cách mạng phá bỏ cái cũ của ngài hống hách không còn có sức tác động ghê gớm lên cuộc sống xứ sở chúng tôi như trước, dần dà đã trở nên hòa hoãn, bỡi thứ thuyết lý truy bức lại cũng như những thứ thuyết lý khác đang rộ lên đều ngập ngụa vào sự hỗn loạn của xứ sở, những nhà trị nước đang loay hoay, nếu không nói là đang hoảng hốt, chẳng biết là mình đang sử dụng cái gì trong mớ bòng bong những tư tưởng đương đại, thuyết lý nào sẽ là nền tảng trong công cuộc trị nước, ngày nào cũng ra rả trên các báo hình báo nói của xứ sở về thứ cách thức trị nước đầy trí tuệ , nhưng, thật ra, khi nhìn kỹ, chúng ta sẽ cảm thấy hoang mang, bỡi không biết đấy là gì, cái tiên tiến hiện đại, hay là cái xưa cũ, một thứ đầu dê đuôi chuột, người ta có kêu lên, thất thanh, không phải vì nỗi sợ hãi trước một thứ thuyết lý nào đó, mà vì nỗi kinh ngạc không hiểu làm sao lại đến lúc tri thức con người có thể sản sinh ra được bao nhiêu thứ hình hài của nghĩ ngợi, mùa hè đang trôi đi một cách chậm chạp bỡi người ta vừa nhìn nắng đang đổ xuống nhân gian vừa phải coi chừng có ai đó nhân danh cái gì đó hay không, thời người ta rất thích nhân danh điều này điều nọ, rất thích đứng đầu bầy đàn [làm chủ bầy đàn] thứ tinh thần dân chủ thời nghị viện trên đồi Cropolic [Hy Lạp] đã biến hóa thành những hình hài chan chứa tình người, nhưng năm tháng cứ trôi đi để cho người ta sử dụng nó như một thứ công cụ, dân chủ là công cụ ăn khách nhất của thời đương đại, bỡi nó cũng đầy năng lực phục vụ như một tên nô lệ khỏe mạnh thời còn mua bán nô lệ, Ngàn của tôi cứ gọi thứ nắng đổ xuống nhân gian là nắng ấm, chứ gì nữa, khi tri thức nhân loại sản sinh hằng loạt những hình hài nghĩ ngợi, có cả bỡn cợt, đàn điếm lẫn với những nghiêm túc tài hoa đầy niềm xúc động trần thế, những sản phẩm của trí tuệ: các trước tác, và sách, như thể đã đến lúc chúng bị bấn loạn, bị hạ xuống thấp đến mức như thực phẩm rau cải, đến lúc chúng có thể làm cho người ta thõa mãn những hiếu kỳ về đấu đá hay làm dịu đi ngọn lửa dục tình, những thứ ấy thật ra không nhiều, nhưng nó, những sản phẩm giả dạng trí tuệ ấy đã làm nhòe đi vẻ hiển hách nghìn đời của giấy bút, lũ giả dạng trí tuệ đã làm nguội lạnh lòng người thì chỉ có nắng trời mới làm cho ấm lại,

 

 

có thể nói quốc vương trẻ tuổi của xứ sở N.G, một xứ sở có vua và có hiến pháp, là một trong những nguyên thủ quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất cuộc truy bức của ngài hống hách, ông ấy đã cho treo cổ cùng lúc hai quan đại thần bộ Y và bộ Học với các tội danh có ý chống lại vua và có ý muốn thay đổi chế độ, ở xứ sở N.G, bộ y tế gọi là bộ Y,  bộ giáo dục  gọi là bộ Học, và các vị bộ trưởng đứng đầu các bộ gọi là các quan đại thần,

 

tờ The One And The Two [Một Và Hai] viết: trong cuộc tiến hóa của nhân loại  vẫn còn những phạm trù gây bất ngờ đối với tri thức con người: thời đại văn minh nhưng vẫn còn các hành vi man rợ, và khi nói loài người tiến bộ không có nghĩa không còn những bộ phận ngu muội, ở xứ sở N.G, vua cất hiến pháp vào túi để sát hại các quan đại thần không cùng quan điểm chính trị với mình,  

 

 

nhà thơ họ Hạn lại đến gặp tôi giữa lúc tôi chưa kịp nói với Ngàn những nghĩ ngợi của tôi về thứ tình hình thế giới tôi cứ có cảm tưởng như sắp xảy ra điều gì ghê gơm, chưa phải thế chiến đâu, nhưng  có những thứ  từa tựa như thế là đang diễn ra, ở khắp nơi, bằng mọi hình thức, người ta đang thù địch nhau, nguyền rủa nhau, dọa giết nhau [bằng đủ các thứ vũ khí hiện đại]  lần này thì đánh nhau bằng cách khác đây, ngươi ta rỉ tai nhau, đánh nhau bằng cách khác là bằng cách gì, thật lòng thì tôi chưa hiểu và cũng chưa hình dung nổi, nhưng nhà thơ họ Hạn lại nhìn thế giới bằng con mắt khác, không phải sắp đánh nhau, mà sắp ngã xuống giữa thứ thời gian vô tận, ông nói, đêm đầu mùa đông như thể có cái bất chợt gì đó bỗng len vào cuộc chui ra chui vào cuộc sống vốn quen thuộc của chúng ta, bất chợt thấy như thứ gì cũng trở nên ảm đạm, ẩm ướt, nơi ngôi nhà giữa rừng thông của chúng tôi bỗng xảy điều không ngờ là sự xuất hiện của nhà thơ họ Hạn,  một kiệt xuất của thi ca tuy có hơi tàn bạo trong cách nhìn thế giới [ hãy đốt cháy hết những tàn dư của ánh mặt trời đã trót lỡ nuôi dưỡng những trái tim đầy bùn của đám tôi đòi của bọn chủ đất, nơi kinh đô ánh sáng, ngày ngày chúng ngồi lên chữ nghĩa, hoặc để ca ngợi sự dối trá của đám chủ của chúng hoặc sự dối trá của chính lũ chúng, hoặc để nói ra những điều nhảm nhí, về tinh thần dân chủ trong đám cóc ếch nhái, về lòng trắc ẩn của những nrừng cây mùa thu, về lòng nhân ái của bọn quan tham, hoặc để làm ra thứ thi ca như những vết nhơ của xứ sở/ trích thơ Rơm Rạ của nhà thơ họ Hạn] ai vậy, thấy Ngàn của tôi đang ngủ ngon lành, ông hỏi, tôi nói đấy là người bạn thân thiết nhất trong những bạn bè của tôi [thì trong cuộc tình ngụ ngôn của chúng tôi, Ngàn với tôi không phải là bạn bè thân thiết là gì] ra ngoài thôi, ông nói, và kéo tôi cùng đứng lên, cùng bước ra rừng thông, biển về khuya như thể mọi chuyện dính dáng với nó đều đã được sắp đặt, đèn đánh cá đêm tất cả đều đã được chong lên ngoài các khơi xa, có nghĩa, những thành phố trừu tượng đã được thiết lập hàng loạt trên biển, và gió, khuya rồi,  có vẻ gió cũng chẳng còn đủ sức để thổi như hồi mới vào đêm, hết thảy, có vẻ như thể là đang trong sự lặng lẽ, không phải  là con người muốn giết chóc nhau đâu, bạn cứ nhớ lại đi, tại vì sao đến lúc đó, lũ cá lại bước ra khỏi biển, kéo hết lên cạn, để sinh con và để chết,  đâu phải là chúng muốn thế, con người cũng vậy, đã đến lúc con người muốn biến hết vào cõi hư vô, nhưng đấy là cái chìa khóa của cuộc biến dịch, ông nói, tôi cố giữ cho khỏi phải kêu lên, bỡi những lời lẽ của ông đang làm đảo lộn hết thảy những nhận thức về thế giới bấy lâu của tôi, nhưng tiên sinh đến chỉ để nói về mỗi chuyện này sao,  bấy giờ,  tôi cũng chỉ có thể hỏi vậy, không phải, ông nói, và đứng lên, và lại ngồi xuống, tự nãy giờ chúng tôi vần ngồi trên đất rừng thông như hai con người bỗng trông thấy nhau giữa thời trái đất đang trong băng giá, trông thấy nhau, và quyết ngồi lại  với nhau để nói một lời nào đó, thật tâm huyết, trước khi chết trong giá rét, thì chẳng phải tôi đang có cảm tưởng như kẻ sắp chết sao, không phải chết trong giá rét, mà chết trong thứ tiếng khua của chiếc chìa khóa ông ấy đang tra vào cuộc biến dịch, ta đang đi nói cho mọi người biết về điều đó thì  nhớ đến bạn, lần trước gặp nhau ở núi  Năn ta đâu đã nghĩ đến điều đó, ông nói, và trong ánh sáng của đêm, tôi đã nhìn thấy được sự chân thành [tuyệt đối chân thành] trong ánh mắt của  kẻ vẫn còn rất muốn gắn bó với chốn trần gian tệ hại này, nhưng tiên sinh đang muốn nói với mọi người về điều gì, thật lòng thỉ tôi đang vô cùng nôn nóng muốn nghe con người xuất chúng và có chút tàn bạo ấy đang muốn nói với mọi người điều gì, thì ta vẫn còn giữ trong trí nhớ về lần chúng ta gặp nhau ở núi Năn, có phải bạn vẫn còn đang gắn bó với chuyện chữ nghĩa văn chương, thưa, kẻ hậu sinh này vẫn còn đang tiếp tục nghĩ ngợi về cái có thể, tôi nói, nhưng là bạn phải luyện giọng trước khi hát bản tình ca ấy, văn chương chẳng qua là một bản tình ca không khúc cuối, khi người ta đạt đến cảnh giới tối cao của nó thì trở nên sợ hãi chẳng dám bước tiếp, cái cách cắt nghĩa văn chương của ông có làm cho tôi sợ hãi, nhưng, bấy giờ, như thể là tôi đang rơi  vào cơn mê sảng, bạn đừng sợ khi ta nói ra điều này, là cuộc đời của mỗi con người chỉ là một thứ giấc mơ về thế giới nó đang sống, nhưng giấc mơ ấy thì như thế nào, thưa tiên sinh, tôi nói, mỗi người mơ một cách khác,  nhưng cuối cùng thì thế giới cũng thông báo cho bạn biết, ông nói, tôi thức giấc vào lúc nghe ông ấy nói, ta đi đây, một người chết tự trăm năm trước  vẫn cứ còn đi lại nơi trần gian để nói cho mọi người biết điều bí mật của thế giới, tôi lại dấu bặt Ngàn của tôi về giấc mơ không mấy vui này, 

 

làng ven đô, đúng nó là vậy, nhưng trong tư duy trị nước của ngài thị trưởng của chúng tôi, thì chỉ sau một đêm nghĩ ngợi, sáng thức ra, ông đã biến cái rìa đất ven thành phố chúng tôi vốn giành riêng cho tiếng gà heo thành miền hoa lệ, bỡi theo như giấc mơ trong đêm của ông, rồi đây, tiếng máy sẽ vang lên nơi các nhà máy chế biến xe hơi đèn điện sẽ thay cho tiếng gà heo: một khu công nghiệp cao bên cạnh những nông trường chế biến  vĩ mô,  với ngài thị trưởng của chúng tôi thì tất cả là vĩ mô, ngay cái quan niệm vế thành phố hiện đại cũng là vĩ mô [cái quan niệm cities thời cổ đại theo ông thì cũ quá rồi] theo ông, thành phố hiện  đại là làm ra được đủ thứ, các thứ máy móc, các thứ nông sản, hải sản, lâm sản, điểu sản…và, thứ gì cũng ở tầm vĩ mô, chuyện là vậy, nhưng bao nhiêu người ở cái rìa đất ven thành phố bây giờ đang trở thành phường phố ấy, không biết là không thích, hay không hiểu, hay không tìn chuyện thành thị hóa nông thôn của ngài thị trưởng, đã theo chất vấn chúng tôi đủ điều, người ta cứ tưởng tôi và Ngàn là những nhà báo được trên cử về một miền nông thôn đang được thành thị hóa, rằng, thành thị hóa thì được đi, nhưng đến lúc đó, không còn vườn, ruộng, thì lúa gạo đâu để ăn [Ngàn đã huých vào hông tôi một cái thật mạnh như thể để đồng tình với tôi là cứ giả đóng vai nhà báo một phen coi con tạo xoay đến đâu] thưa, lúa gạo thì nhập từ nơi khác, chúng tôi trả lời theo đúng tinh thần hiện đại hóa nông thôn của ngài thị trưởng, nhưng ông cụ, chắc là cao tuổi nhất ở đây, đã hạ gục chúng tôi, cứ cho là nhập từ nơi khác đi, nhưng đến khi những chỗ nông thôn khác cũng được thành thị hóa, thì lúa gạo ở đâu để nhập, ông cụ chất vấn, khi đó sẽ nhập từ các nước khác, thưa cụ, chúng tôi nói, cũng theo tinh thần hiện đại hóa nông thôn của ngài thị trưởng, nhưng khi hết thảy các khu nhà máy đều làm ăn thất bại thì làm sao, xưa, còn ruộng vườn, làng này thiếu lúa ăn còn có thể đến làng khác vay mượn, nay chỗ nào cũng là nhà máy, đường sá thì  bằng xi măng cả, có muốn cạp đất mà ăn cũng không còn đất để cạp, cái cách nghĩ ngợi về chuyện cơm áo của ông cụ cứ như một công án thiền, đến khi người ta giải được, ông cụ cũng đã tịch từ lâu, nhưng giờ là phường, không còn là xóm làng nữa đâu anh nhé, Ngàn lại nhắc tôi về thứ cấu trúc phường phố [như thể để nghe cho nó hiện đại, hay cho có vẻ cách mạng nhỉ] ngài thị trưởng đã đem tặng cho miền đất mỗi lần chúng tôi đặt chân đến là cảm thấy có niềm quyến rủ như thể hồn sông núi là không thể làm cho khác đi được, bấy giờ tôi và Ngàn là đang lội qua con mương đồng làng, đến lúc ấy giấc mơ của ngài thị trưởng cũng chỉ mới làm thay đổi một số rất ít diện mạo miền đất chúng tôi vẫn đến đó như thể để tìm lại cho tâm hồn mình chút thanh thản, các cô gái làm đồng vẫn nhìn chúng tôi với đôi mắt cách biệt, các anh chị thấy nước mương làng có còn giống như thời trước không, thời trước là thời tất cả ở đây còn được gọi chung một tiếng là xóm làng, cái cách hỏi như thể khiêu khích, không phải với chúng tôi, mà với ngài thị trưởng, người muốn khoác lên đây một gương mặt mới mẻ, có lẽ Ngàn đang rất thích thú, nếu không nói là đang mãi mê để cho đôi chân mình ngập trong con mương đồng làng chẳng còn để ý chuyện gì khác, các cô gái làm đồng vẫn vừa làm việc vừa nhìn chúng tôi  với ánh mắt chẳng mấy thân thiện, bỡi bọn họ đang nghĩ chúng tôi là những nhà báo được ngài thị trưởng cử đến, hiện đại hóa nông thôn rồi thì nước mương khác đi phải không các anh chị, từ dưới ruộng, bọn họ lại vói lên, không phải chỉ các cô gái làm đồng mà cả ngài trưởng làng cũng lầm tưởng chúng tôi là những người làm báo chí [không phải trưởng làng, mà là người đứng đầu một đơn vị thành phố, đứng đầu một phường, chủ tịch phường]  các bạn phải viết cho thật trung thực đấy, nơi bờ mương đồng làng, vừa giáp mặt chúng tôi, ngài trưởng làng đã nhảy vào cuộc, cứ coi như một cuộc trao đổi ý kiến có tính cách dã chiến [Ngàn lại huých vào hông tôi nữa] rất vui được gặp ngài, chúng tôi nói, có lẽ các cô gái làm đồng cho là sắp diễn ra điều quan trọng, người đứng đầu của làng sắp chất vấn những nhà báo của thành phố, hết thảy bọn họ đã kéo hết lên bờ, ngồi hóng nghe, ông trưởng làng không biết chúng tôi là ai, nhưng chúng tôi thì những lần về chơi ở đây đã nghe người ta nói rất nhiều về ông, học chỉ hết lớp ba, nhưng vì cái nhiệt tình với đất nước quê hương nên đã được trên cử làm trưởng làng,và bây giờ là chủ tịch phường,  các bạn cứ thử nhìn đi, giờ, vẫn còn cày bò, vẫn còn gieo lúa bằng tay, gánh lúa bằng vai, kế hoạch hiện đại hóa của ngài thị trưởng chỉ mới  trên giấy tờ, chẳng biết bao giờ mới thực hiện được, hay là cứ giao hẳn cho địa phương chúng tôi tự lo việc thành thị hóa nông thôn, ngài trưởng làng còn nói nhiều lắm như thể là một cách phát biểu ý kiến qua kênh báo chí, rồi bắt tay chúng tôi ra đi, có vẻ vội lắm, thì ra ông phải đi xem xét tại vì sao các cô gái làm đồng lại kéo hết lên bờ ngồi, phải nói là trong cái buổi sáng mùa đông không mưa ấy cả tôi lẫn Ngàn đều rơi vào thứ tâm trạng vượt quá sức tưởng tượng của mình, về sau Ngàn nói, quả tình bấy giờ em rất mê cái nhiệt tình như ngọn lửa của một vị trưởng làng, nhưng tôi thì khác, có phải là tôi đã gặp một người kiến thức thì rất ít nhưng lại muốn tự chính mình làm một cuộc cách mạng to lớn, có vẻ như là một thứ tâm trạng cát cứ vậy, bấy giờ, với tôi,  là niềm kinh ngạc,  cứ thấy hiện ra trong tâm trí  hình ảnh một người gác cây cày nơi hiên hè xong thì vội vã lên ngôi vua,

 

lúc tôi gặp lại nhà cải cách quá khích Tân Phủ lần thứ hai thì thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề cuộc truy bức của ngài hống hách, đã nổ ra không biết bao nhiêu là cuộc cách mạng, màu đất có, màu da trời có, màu lá chuối non có, đủ các thứ màu sắc cách mạng, ta phải trở lại đây vì thích trò chuyện với bạn, trước khi nói ra lời này thì ngài Tân Phủ đã ôm tôi thật chặc, cái ôm của kẻ luôn thấy mình cô độc, ngay lần đầu, khi gặp nhau ở núi Năn, tôi đã phát hiện ra nhà cải cách quá khích của chúng ta là một kẻ cô độc, người luôn cảm thấy cô độc, và cứ muốn phá hủy tất cả, ta đã ngang qua cả những vùng đất con người như thể ngày nào cũng muốn nhảy lên gào thét, những lời gào thét căm phẫn, hãy cút hết đi lũ cóc ếch nhái và lũ chuyên đi gom xác chết con người, bạn chưa biết lũ cóc ếch nhái và lũ chuyên đi gom xác chết con người là lũ nào đâu, và đã ngang qua cả những vùng đất dường chẳng có người sống, có, vẫn thấy bọn họ ăn ngủ, đi lại, nhưng tất cả đó chỉ là những con người giả định đang trong tiến trình tiến đến hư vô, một thứ nhân loại ngắc ngứ trong những đại tự sự đầy vẻ mới mẻ, nhưng có phải tiên sinh đang mường tượng về một thế giới như là hệ quả khủng khiếp của những khủng hoảng tri thức của con người, tôi nói, mường tượng gì, là ta đã trải qua tất cả những nát bấy trần gian như thế, nhà cải cách quá khích nói như gào, không phải như lần trước, ở núi Năn, lần này là gặp nhau ở rừng thông nơi tôi và Ngàn ngồi viết, có nghĩa, ngoài tiếng trò chuyện của chúng tôi còn có tiếng thông reo không ngớt, về đêm, tiếng thông reo nghe buồn lắm, lại còn có tiếng biển nữa, tiếng biển cũng liên tục vỗ vào rừng thông, cái cách phác họa thế giới đương đại của nhà cải cách quá khích Tân Phủ cứ giống như một bình luận triết học đầy tính khiêu khích nhân loại chẳng muốn trông chờ chút nào, nhưng thế nào là một nhân loại ngắc ngứ trong những đại tự sự, thưa tiên sinh, tôi chất vấn, lập tức, ông chất vấn lại tôi, đã bao giờ bạn dám nghĩ đến một vị nguyên thủ quốc gia lại dám đọc trước đám dân chúng của mình một thứ văn bản trị nước đầy thiếu sót và lầm lẫn về các lý lẽ triết học và lịch sử [ý ông ấy muốn nói đến các thứ logic triết học và lịch sử] nói tóm, là dám nói bậy và nói dối trước đám thần dân của mình, có phải thời nay những đại tự sự của các nhà chính trị là thường đặt trên nền tảng không phải sự thật, tôi nghe ông hỏi, và cứ cảm thấy sợ hãi trong lòng, ông hỏi, và không đợi tôi trả lời, lại tiếp, ta trở về đây, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ta trở lại sau một trăm năm sau khi ta chết vẫn thấy đất chôn nhau cắt rốn của mình vẫn còn đang trong giấc mơ, bạn, và ta, và những người đã chết, những người đang chết, vẫn đang mơ về một thế giới không bao giờ nhìn thấy được gương mặt của nó, ôi, cái gọi là mai sau, ông nói, và cũng như lần ở núi Năn, ông lại trích đọc sách Aeneid của Virgil của nước La Mã cổ đại: ‘Nữ thần Muse hãy nói với tôi tại sao, những gì phụ thuộc vào thần tính của nàng , hoặc những gì làm phật ý nàng, Nữ hoàng thiên đàng có phải là người cai quản quá tuyệt vời trong bản chất tốt đẹp để vượt qua quá nhiều tai họa, đối mặt quá nhiều cực nhọc? Có phải sự giận dữ là quá tàn nhẫn trong tinh thần thiên thể?’/ ‘Muse, tell me why, for what attaint of her deity, or in what vexation, did the Queen of heaven drive one so excellent in goodness to circle through so many afflictions, to face so many toils? Is anger so fierce in celestial spirits?’ [The Aeneid/Book one/The coming of Aeneas to Carthage/Sách Aeneid/Cuốn 1/Aeneas tới Carthage] tôi muốn hỏi chừng nào thì ông trở về đây, nhưng ông đã biến mất vào đêm, ông đi cũng nhẹ nhàng như lúc đến vậy, và tôi lại dấu Ngàn của tôi về giấc mơ đầy những hình ảnh khủng khiếp ấy,

 

 

mùa đông choàng lên thành phố thứ sức lực của thời tiết  dễ khiến cho người ta nghĩ đến một cuộc đối đầu vừa không cân sức vừa có tính chất hài hước,  ai đời một mệnh phụ, phu nhân của một nhà đầu tư khét tiếng của thành phố lại muốn làm lóa mắt thiên hạ bằng bộ y phục mùa đông bà vừa tậu được, vào một sớm mai, nơi công viên thành phố, bà mệnh phụ rảo bước trong tâm thế nghiêm trang cốt để cho thiên hạ phải chủ ý đến cách chọn lựa y phục dựa trên nền tảng tham khảo tự nhiên của mình,  mùa nào thì mặc thức nào, chỉ có điều, buổi sáng ấy, mùa đông cứ như đứa trẻ nghịch ngợm, bỗng bỏ đi cái giá buốt để chuyển sang nóng bức, loáng cái, chẳng còn giọt mây nào, mặt trời lập tức bước ra giữa thứ bầu trời chói chang, tất nhiên là nắng đột ngột thế không phải là thứ có thể chịu đựng được đối với một mệnh phụ phu nhân, bà mệnh phụ mặc áo dạ mùa đông thoạt qua chỗ ghế đá nơi tôi và Ngàn đang ngồi như một cái bóng của thời đại, cái bóng của sự giàu sang, thật ra đấy cũng chỉ là cái bóng quá nhỏ nhoi nếu đem so với những cái bóng có tên group, thứ bầy đàn quái đãn nhất của thời đại có sức mạnh bao trùm lên cả lê dân lẫn cung vua phủ chúa, ai đó đã nói đấy là địa đàng thời đương đại, nơi không có rắn, và cuộc tình ngây ngô, nhưng thật ra, hết thảy những thứ sức mạnh hắc ám như thế cũng chìm nghỉm vào thứ cấu trúc to lớn của cuộc đối đầu đương đại, cuộc đối đầu với tự nhiên, và cuộc đối đầu giữa con người với nhau, mùa đông đang bày ra hết thảy tính cách bất thường của nó, hệ quả của trái đất không còn giữ được những tính nết nguyên sơ của mình, đang mưa tầm tã  bỗng gió mây chuyển đi hết, nắng lại diễn ra, sự trục trặc thời tiết cứ như thứ phép màu đã đến lúc hết thời, có thoắt mưa thoắt nắng đấy, nhưng cũng chẳng làm cho ai sợ, nhưng dù gì, người ta cũng phải nghĩ đến điều, rằng, bây giờ thì chẳng còn mưa thuận gió hòa, người ta chợt cảm thấy nhói lên trong cảm xúc bỡi lúc bấy giờ xứ sở như đang bị nhấn chìm vào cuộc tráo trở, buổi sáng, ngang qua khu nhà cao tầng của một đại gia nổi tiếng thành phố, ví dụ thế, thật ra là chỉ đi giữa cái bóng của nó, nhưng cứ có cảm tưởng là đang rơi vào một thứ cạm bẩy nào đó, chuyện không còn mưa thuận gió hòa lại liên quan tới tâm thế con người thời đại, buổi chiều, nơi bến cảng, con tàu nào đó sắp ra khơi, chuyện vẫn bình thường vậy, nhưng tiếng còi tàu hụ lúc sắp  ra khơi lại làm cho người nghe cảm thấy như có cảnh biệt ly xảy đâu đó, có vẻ như không gì cản nổi tâm thế bất an của thành phố khi mùa đông  bày ra hết thảy sự bất thường của nó, hệ quả của trái đất đã bị dày vò quá sức bỡi con người đương đại, chúng tôi ra công viên thành phố cốt để đầu óc thư thả, nhưng rồi cũng chẳng thấy thư thả chút nào, loại bỏ những nghịch lý để đi đến tính thống nhất của sự vật  có nghĩa là sao nhỉ, Ngàn chợt lên tiếng, thông điệp mùa đông của ngài thị trưởng vẫn ám ảnh chúng tôi…’’loại bỏ những nghịch lý tức loại bỏ kẻ thù của chúng ta là tạo được sự thống nhất trong cuộc chuyển biến đi lên của xứ sở, giữa mùa đông ảm đạm bỗng lóe lên thứ ánh sáng không phải từ phía mặt trời, mà từ trái tim và khối óc của ngài thị trưởng chúng ta, người đang cống hiến đời mình cho quê hương xứ sở, giữa lúc những khủng hoảng kinh tế xã hội diễn ra khắp thế giới, thì nhà kỷ trị tài ba của chúng ta lại nghĩ ra được phương thức phát triển xã hội, khi loại bỏ được kẻ thù, mọi thứ trở thành thể thống nhất thì chẳng phải xứ sở trở nên thịnh vượng là gì’’,  tờ Tiếng Nói Của Cuộc Sống, tờ báo được coi là chuyên san kinh tế lón nhất thành phố đã diễn giải thế nào là loại bỏ những nghịch lý để đi đến tính thống nhất của sự vật, điều cốt tử trong thông điệp mùa đông của ngài thị trưởng, và hết lời ca ngợi trí tuệ của ông, nhưng loại bỏ yếu tố nghịch lý có phải là loại bỏ những ý kiến đối lập trong đời sống xã hội, tức triệt tiêu hình ảnh dòng chảy của dòng sông trong triết học về chuyển động  của Heraclitus của nước Hy Lạp cổ đại,  Ngàn hỏi tôi, thật ra thì nàng biết khi hỏi tôi cũng là tự hỏi mình, điều làm cho chúng tôi phải nghĩ ngợi:  những nghĩ ngợi của chúng tôi bấy nay có phải là những yếu tố nghịch lý hay không, thông điệp mùa đông của ngài thị trưởng như thể cú đánh phủ đầu lên nhận thức của chúng tôi,  

 

 

nhưng cú đánh phủ đầu ghê gớm hơn là cái chết của nhà trường sinh học Z và nhà cổ vật  học X, cái chết, trên đại thể, cũng chỉ là hạn mục trong danh mục về những cách thế tồn tại của con người, là cái kết thúc thứ chương trình hành động của mỗi con người không phải do chính con người đề ra, chỗ nhân sinh kỳ cục này các nhà triết học gọi là bi kịch, tức chỉ còn có khóc, ngoài khóc, cũng có thể chép thành văn chương, gọi là bi kịch, bi ca, hay thán ca, hay cái chết của các nhà trường sinh học và cổ vật học là bi kịch của thời  đại, chúng tôi không biết, chỉ có thể mường tượng được tài năng của một người cả đời chỉ muốn đi tìm chỗ bắt đầu của thế giới coi thử nó là cái gì, có lần, người ấy đã hô hoán ngay trước tôi và Ngàn, rằng, đó là hư vô, nhưng rồi gương mặt ông bỗng tái nhợt đi như thể có nỗi hoảng hốt nào đó thâm nhập vào ý thức ông, rồi ông chỉ lắc đầu, khoác tay ra hiệu, và nói, giọng nói buồn như thể một kẻ sắp chết, không phải vậy đâu, các bạn ạ, người ấy là nhà cổ vật học X của chúng ta, và chúng tôi cũng chỉ có thể mường tượng được tài năng của một người nữa, nhà trường sinh học Z, người coi thế giới là niềm vui lớn, khoái lạc theo ông là một phạm trù vĩ đại, mục đích tối hậu của mỗi đời người, chúng tôi vẫn có thể mường tượng cảnh ông trèo lên chốn cao nhất nơi mặt đất để nói cho mọi người biết, rằng,  thế giới này là đáng sống biết bao, người luôn bất đồng với nhà cổ vật học X trong cách nhìn thế giới , như lửa với nước, nhưng vẫn luôn gặp nhau, trò chuyện và cãi vã, một đằng là cái hư không muốn nhận chìm thế giới, một đằng là niềm khoái lạc đầy ắp đất trời, đừng nói với ta con thiêu thân đang vui sướng lao vào chỗ chết, có lần, chúng tôi nhìn thấy nhà trường sinh học Z hét vào mặt nhà cổ vật học X như thế, nhưng đấy chỉ là sự bất đồng trong học thuật, những tranh luận học thuật, chẳng phải thói thù địch hèn hạ , nhưng tại sao người ta lại sát hại cùng lúc hai nhà học thuật vốn bất đồng trong cách nhìn thế giới, chúng tôi không biết, những ngày mùa đông nơi ngôi nhà giữa rừng thông cứ như một đoạn khúc năm tháng để cho những vấn nạn về cuộc sống lắng đọng trong chúng tôi, như cứ nghe thấy lời gào thét, vậy thì có thể tiếp tục bước trên con đường ấy hay không, con đường con người đã đắp lên tự buổi vừa mới nhìn thấy có bóng mây, đã đắp lên, rồi phá đi, rồi  lại đắp lại, tự buổi vừa nhìn thấy có mây bay ở trên trời con người đã bước đi trên đó, hạnh phúc, đau khổ, và điên dại ở trên đó, chúng tôi  không thể rời bỏ cuộc hành trình đi tìm cái có thể,  nhưng hình ảnh cái chết của các nhà học thuật cứ ám ảnh tôi và Ngàn, có phải là bọn họ muốn loại bỏ bớt đi những cách nhìn thế giới hay không, nhưng bọn họ là ai, những chuyện như vậy có xảy ra với mình không nhỉ, tôi nghĩ ngợi, không dám chia xẻ ý nghĩ khủng khiếp ấy với Ngàn, nhưng tôi biết là Ngàn cũng đang nghĩ ngợi như tôi, thật ra là chúng tôi đang chờ đợi một điều gì đấy sẽ xảy đến với mình, điều gì thì chúng tôi đâu biết, rốt cuộc  thì trong cõi trần gian  hung hiểm này, cuộc tình của chúng tôi cũng chỉ là câu chuyện ngụ ngôn,

 

giã,
tháng 4.2020
tháng 6. 2020