ở miền đất ấy [ 26]


Đã đăng Ở miền đất ấy
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20][21][22][23][24][25]

 

26/Cây gió vẫn là giống cây trời có tầm quan trọng trong suy nghĩ ông Lâm. Ông và Lình đi rừng về lúc đêm. Buổi sáng sớm, lúc tôi đến lâm trường Núi Đưng thì thầy trò ông đang làm đất để ươm hạt gió. Tôi với thằng Lình là mới từ cõi chết trở về. Ông Lâm nói như để khoe với tôi về chuyến đi rừng đầy kỳ tích của mình. Cõi chết ông nói đây là vùng giáp ranh nước Lào. Do nói được hầu hết các thứ tiếng của các dân tộc ít người ở mạn tây Trường Sơn, nên mỗi lần đi rừng ông Lâm lại dẫn Lình theo như một người thông dịch. Cũng nhờ thằng Lình, thầy trò tôi mới có thể trở về  với chừng ấy hạt gió trong tay. Ông Lâm nói, và chỉ cho tôi xem những bao hạt gió còn thấm đẫm hương rừng. Và khi cả ba chúng tôi đã yên vị ở phòng giám đốc, câu chuyện cổ tích đời nay mới được trình bày một cách mạch lạc.

Đứng ở làng trông lên thì thấy có con suối từ trên núi đổ xuống. Núi không cao,  nhưng rừng cây thì rậm. Là mùa khô, nên dòng chảy của con suối chỉ còn nhìn thấy như một dải lụa hẹp thoắt ẩn thoắt hiện giữa đám cây rừng. Cây thần là mọc ở chỗ đầu nguồn con suối đó. Và chỉ có mỗi đường lên đó là men theo lòng suối. Theo lời truyền, cây thần không cành, không lá, ngày đêm tỏa hương thơm. Rồi một hôm, một lũ người lạ đã kéo lên núi, đốn ngã cây thần. Cây thần đổ rồi thì lũ người ấy chết cả. Sau đó thì cây thần con lại mọc lên, thay chỗ cho cây thần mẹ. Cũng cao to, cũng không cành lá, và ngày đêm tỏa ngát hương thơm. Rồi một đám người lạ lại kéo lên núi để đốn cây thần. Rồi khi cây thần đổ, bọn chúng cũng chết cả. Năm tháng cứ trôi đi. Những thế hệ cây thần cứ tiếp nối nhau mọc lên chỗ đầu nguồn con suối đó. Những thế hệ con người cũng tiếp nối nhau lên núi để đốn cây thần. Và cũng tiếp tục ngã xuống khi cây thần bị đốn ngã. Nguyên nhân của cái chết chưa bao giờ được tiết lộ. Nhưng chính cái chết thì được bày ra. Có nghĩa, thịt da của những người chết thì rữa mục vào đất, nhưng xương cốt lại được con nước suối đẩy dần về phía hạ nguồn, người làng nay nhặt một khúc xương tay, mai nhặt một khúc xương chân hay chiếc sọ, đem dồn lại chỗ bờ suối ở chân núi, cho đến một lúc nào đó thì cái đống xương cốt đó được gọi là Mả Xương. Rồi cứ vào mùa xuân người làng lại mang lễ vật lên núi cầu xin thần linh xá tội cho những người đã phạm đến cây thần. Vong hồn ông tổ bảy đời của ông Lâm lập tức mách bảo ông cây thần chính là cây gió đã thành trầm. Cứ theo truyền thuyết mà suy thì bao nhiêu thế hệ cây gió đã thành trầm. Và thị dục con người thì không cho phép bất cứ người nào lại có thể một mình hưởng trọn thứ của rừng vô giá kia. Cho nên cứ mỗi lần nhìn thấy trầm hương nơi đầu nguồn con suối đó, thì chuyện chém giết lại xảy ra. Có bao nhiêu người nhìn thấy thì có bấy nhiêu người ngã xuống. Và cũng ngay lần đầu nghe truyền thuyết đó, ông Lâm đã lập tức nghĩ ra cách tự xưng là nhà thần học để được người làng đưa đến chiêm ngưỡng cây thần. Khi đã xác định đó chính là cây gió, con cháu của cây gió đã thành trầm trong truyền thuyết, ông Lâm không thể không nói cho dân làng hiểu về loài cây rừng quí hiếm ấy, và về những cái chết đã trở thành truyền thuyết. Và thế là, lập tức đám dân làng đã thay truyền thuyết ấy bằng một truyền thuyết khác có vẻ mới mẻ hơn. Nói cách khác là bọn họ đã sáng chế ra được một kiểu chết, khác với kiểu chết trong truyền thuyết, nhưng cũng không kém vẻ huyền bí. Và thế là, trong lần thứ hai trở lại ngôi làng đó, thầy trò ông Lâm đã phải vất vả trong việc giải mã truyền thuyết, và thiếu chút nữa thì thầy trò mất mạng. Trở lại lần này là để nhặt hạt gió khô. Lần đầu đến đó cách đó một năm thì cây gió không có hoa. Ông Lâm đoán thế nào mùa sau cây gió cũng ra hoa, và có quả. Sau một ngày đêm trèo đèo lội suối, vừa đến chỗ Mả Xương ở chân núi là thầy trò ông thẳng lên chỗ cây gió. Quả như ông Lâm dự đoán, hạt gió khô rụng đầy gốc. Với chừng ấy hạt gió là ông đã có thể tạo ra một lượng cây giống để cung cấp cho  cả  nước. Ông tính là phải ghé vào ngôi làng giáp ranh nước Lào ấy để nói cho dân làng biết, chính họ, những người từng gìn giữ cây thần, đã tham gia vào việc làm giàu đất nước. Nhưng khi xuống núi, thầy trò ông vừa mới rời cây thần đâu mấy bước thì cái bẩy giết người bằng cành cây đã lập tức khởi động. Như thế gọi là có đến mà không có về. Một kiểu chết không kém vẻ huyền bí là thế. Chính nhờ Lình am hiểu thứ bẩy giết người này nên thầy trò đã thoát chết. Không có Lình thì chắc chắn vị giám đốc lâm trường đã lặng lẽ nằm xuống y như những người đã nằm xuống trong truyền thuyết năm xưa.

Câu chuyện cổ tích đời nay được đồ đệ ông Lâm kết thúc bằng cái kết mang tinh thần hiệp sĩ :

Lần đi rừng nào chú Lâm cũng dặn dò, nếu rủi chú ấy chết, thì thằng Lình này phải đi tìm chính phủ, có khó mấy cũng phải tìm cho bằng được, để nói cho chính phủ  hay,  nếu cả nước mà trồng cây gió thì sẽ giàu to, vì đây là việc lớn, nên nếu chú ấy chết, thì nhất định thằng Lình này phải đích thân đi gặp chính phủ.

Đi lâm trường Núi Đưng lần ấy là để dò xét Lình, coi thử có quả anh ta đã làm những điều như ông Din hiệu trưởng nghi ngờ hay không. Gặp Lình rồi, thì tôi cho là trời sinh anh ta không phải để làm khổ kẻ khác.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.