Đã đăng Ở miền đất ấy [1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20][21][22][23][24][25][26][27]
28/Tôi và Liêu đi hang Gió. Một ngày cuối thu. Tới hôm ấy tôi mới chịu đi hang Gió, vì lần nào tôi cũng đòi đi hang T’rớt. Con ma Xoát ở hang T’rớt vẫn ám ảnh tôi.
Nếu hang T’rớt là nơi lưu giữ tai ương, thì hang Gió là chốn để chiêm ngưỡng nền văn minh quá khứ của một dân tộc.
Đường lên hang Gió lội suối Riềng ba lượt, lội suối Mung năm lượt. Ông Khơn bảo vua Đưng phải chọn nơi hiểm trở thế này để lập nước. Liêu nói, lúc qua khỏi suối Mung. Tôi hỏi Liêu đi hang Gió được mấy lần rồi. Liêu nói một lần đi với bà Dên, hồi Liêu tròn mười tám tuổi, một lần đi với ông Khơn, sau khi đã nghe ông kể xong sử Giót. Ở núi Đưng, con gái tới tuổi mười tám đi hang Gió để lấy may. Liêu nói. Tôi hỏi lấy may là sao. Liêu bảo lúc đến nơi sẽ nói cho nghe. Có thể nói đấy là hang động trời không chỉ dành cho những kẻ có đầu óc trị nước. Con suối Mung một hồi ngoằn ngoèo qua sườn núi Đưng, tới đây, bỗng khoét vào vách núi làm nên hang động như thể để tạm dừng chân trước khi uốn lượn về hạ nguồn. Dưới mắt nhà địa chất, đấy là hiện tượng kas tơ hiếm khi thấy xảy ra ở Trường Sơn. Còn với nhà điêu khắc thì đấy là loại kiến trúc vượt ngoài khả năng tạo tác của con người. Từ màu sắc đến hình thể, đến gió và nước, bố cục của hang động là kết quả của niềm ngẫu hứng của trời đất. Trước đến đây, tôi cũng đã nghe Liêu kể những đoạn sử Giót nói về hang Gió. Đ’Lung lấy củi đốt thành than, rồi lấy than đốt cho sắt chảy thành các công cụ. Hang Gió là lò luyện sắt, nơi làm nên nền văn minh núi Đưng. Sử Giót nói người Xoát dẫm nát ruộng nương của người núi Đưng, phá tan tành cung pơ tan của vua Đưng, nhưng chẳng biết có lò nấu sắt ở hang Gió. Tìm ra mỏ sắt là công của Đ’Lung, người đã được vua Đưng sai đi tìm của quí ở nơi lòng đất. Còn việc đặt lò nấu sắt ở hang Gió là thuộc đầu óc trị nước của vua Đưng. Tôi cứ đứng tần ngần ở cử vào hang động. Không phải không dám bước vào, mà vì không thể vượt qua phút giây đối mặt với dấu tích của một quá khứ oanh liệt. Hết thảy những gì thuộc xưa cũ, được gọi là lịch sử quá khứ, dường đang ngưng đọng lại nơi trang sách trời kỳ tuyệt ấy. Liêu nói hôm đi với bà Dên nắng cũng âm u như hôm ấy, còn lần đi với ông Khơn thì trời mưa rất to, suối Mung đầy nước, phải leo qua mười hai con dốc trên núi Đưng, để tới hang Gió. Ông Khơn muốn em phải leo dốc như thế. Liêu nói. Và đưa tôi vào hang động. Có tiếng nước chảy đâu đó vẳng lại những âm thanh mơ hồ. Ông Khơn nói có một ngả suối ngầm chảy ở bên dưới, nên hang Gió không đời nào bị ngập nước, mưa hay nắng, Đ’Lung với H’Mia vẫn nấu sắt. Liêu nói. Tôi hỏi lò nấu sắt đặt ở đâu. Liêu nói chuyện này thì không nghe ông Khơn nói. Và Liêu nói không phải ông Khơn nói, mà là sử Giót nói, rằng vua Đưng đã đích thân đến đây coi việc rèn dáo mác, bấy giờ người Xoát đã đánh chiếm nhiều nước trên thế gian, vua Đưng muốn nước mình phải lo trước, nước có bao nhiêu đàn ông con trai thì rèn bấy nhiêu dáo mác, đàn ông con trai sẽ mang dáo mác, cỡi ngựa cỡi voi ra trận, đàn bà con gái đánh trống, ở núi Đưng nhà nào cũng có trống phất bằng da voi, vua Đưng giảng cho mọi người nghe phép hành binh, nhưng ông Nư Năng bảo sở dĩ người ta chết là vì máu chảy quá nhiều, mà người Xoát thì không có ống máu, bấy giờ Đ’Lung đã tìm được chất gặp lửa thì cháy, nên ông Khơ Năng hiến kế cho vua Đưng là làm cho thật nhiều tên lửa để giết người Xoát, có ống máu hay không gặp lửa cũng cháy, người anh hùng núi Đưng là M’Din liền thét to lên là người núi Đưng sẽ chiến thắng, vợ chồng D’Lung và H’Mia lại ngồi suốt ngày trong hang Gió để để nấu sắt rèn dao mác, cả nước của vua Đưng sắp sửa vào trận, chỉ mỗi ông Nư Năng là nghĩ khác. Ông Nư Năng đang nghĩ về giống người không có ống máu. Tôi nghe có tiếng gì vang lên ở cuối hang động như có ai đang gõ lên vách núi. Là tiếng nước đấy. Liêu nói. Nhưng sau đó thì sao. Tôi buột hỏi, vì chợt nghĩ đến sự lụi tàn của một nền văn minh, tựa có nhát dao cắt làm đôi dòng lịch sử, trước đó là biết cả thuật luyện kim, biết cả khoa thiên văn, khoa nông học, còn sau đó là lớp hậu duệ cũng làm lúa nước, nhưng những lưỡi cày lưỡi cuốc là do kẻ khác làm ra, sáng thức dậy thấy có mưa mới biết là trời mưa, tôi muốn hỏi điều gì đã xảy ra, do cuộc chiến chống người Xoát, hay là do một điều bí ẩn nào đó của tự nhiên hay của lịch sử, đã làm tắt lịm những sáng chói của một thời. Nhưng Liêu lại tưởng tôi muốn hỏi chuyện đôi vợ chồng Đ’Lung và H’Mia. Sau đó thì cả hai người đều ra trận, người Xoát làm cho máu của hai người chảy nhiều quá, nhưng không chết, hai người liền dìu nhau trở về hang Gió, Đ’Lung hát cho H’Mia nghe, và H’Mia hát cho Đ’Lung nghe, khi yêu nhau người ta không thể rời nhau, phải ông anh. Liêu chợt ngưng kể về Đ’Lung và H’Mia, hỏi tôi, rồi cất tiếng hát.
Cho đến khi máu ngừng chảy trong thân thể em, thì em cũng không muốn rời xa anh.
Tôi hỏi có phải đấy là bài hát H’Mia hát cho Đ’Lung nghe hay không. Liêu chỉ im lặng nhìn tôi. Ở cuối hang động như có ai lại gõ lên vách núi. Hơ Mia hát cho Đ’Lung? Hay Liêu hát cho chính mình?