cả thi ca và cả những khoa học
về con người cũng chỉ là những
cố gắng của con người để hiểu
rõ hơn về lịch sử con người
PHẦN MỘT
HÁT TRONG TRÍ NHỚ
muốn bắt chước các loài chim, tôi
hát trong trí nhớ, tôi hát về mùa thu, tôi
hát về nỗi buồn của dế, hát về những
chiếc lá cuối mùa, hát về ngọn gió thổi
qua vùng ảo ảnh, vừa đi tìm đồng
điệu, tôi vừa hát, bài hành ca của tôi
là những khúc hát đi tìm đồng
điệu của tôi,
một,
khi nói với những chiếc lá ,
em biết không
khi tôi trò chuyện với những chiếc lá trong vườn thì những cơn gió phương bấc đang thổi về
lạnh buốt
bầu trời như cũng đang không vui vì mùa đông đến hơi đột ngột
những cơn nắng bỏng thịt da chưa kịp lùi xa gió mùa phương bấc đã ập tới
chẳng ai lường hết việc mưa nắng cho nên mỗi sinh linh bé nhỏ trong trời đất phải liệu sức mình để biết lúc nào nên ngưng những cuộc vui
tôi nói với những chiếc lá đang phe phảy trên các cành phượng vĩ và các cành cây ô ma trong vườn
đám phượng vĩ đang vui vì hoa mùa hè vẫn nở chưa hết và đám ô ma thì đang kết nụ
anh bảo ai là bé nhỏ
đám phượng vĩ và đám cây ô ma có vẻ không bằng lòng khi nghe tôi gọi những hiện hữu trong trời đất là sinh linh bé nhỏ
tôi nói mùa đông đã đến những hoa phượng đang thắm đỏ sẽ tàn và không chừng gió phương bấc sẽ làm rụng hết những nụ ô ma vừa mới nhú khi đêm
chớ đem bất cứ thứ hình ảnh mất mát nào xen vào cuộc đời đang tươi đẹp của chúng tôi
cả đám phượng vĩ cả đám ô ma đều nói
tôi nói mất mát là cũng thuộc về sự hiện hữu
ở nơi màu thắm đỏ của phượng vĩ và màu xanh mát ô ma là chẳng có niềm bi quan nào
cả đám phượng vĩ và cả đám ô ma đều nói
tôi lại mang thứ nỗi buồn vốn có trong tôi tiếp tục cuộc hành trình đi tìm đồng điệu của tôi
em biết không
cũng mới hôm qua lũ chim bồ chao cũng xua đuổi tôi ra khỏi khu rừng cây lũ chúng đang ca hót khu rừng cây trên dãy núi ở phía nam làng tôi
hai,
khi trò chuyện với lũ chim,
tuy có xua đuổi tôi ra khỏi khu rừng để chúng tự do ca hát, nhưng lũ chim bô chao lại gọi tôi là khách hào hoa, nếu là kẻ khác sẽ giận dữ ném đất đá vào chúng tôi thậm chí đem cung tên hay súng đạn để sát hại chúng tôi, nhưng anh thì trước những lời xua đuổi, vẫn vui vẻ bước đi, bỡi anh là khách hào hoa, đám chim bô chao vói theo tôi, và một hai tôi phải quay lại để chuyện trò với bọn chúng, dường lũ chim nhìn thấy nỗi buồn vốn có trong tôi, nên khi tôi quay lại, bọn chúng liền vây quanh tôi, vỗ tay hát, chớ để nỗi buồn nào đọng lại trong ta, bài hát tôi nghe tựa lời nguyện cầu, tôi nói con người vốn là loài giống khi cất tiếng khóc chào đời là bắt đầu biết buồn, cứ tưởng lũ chim sợ lây lan những điều không hay, vừa nghe tôi nói về nỗi buồn cố hữu của con người, lũ chúng lập tức bỏ tôi lại một mình, kéo hết về phía khu rừng trước mặt, và thoáng cái, không biết bao nhiêu là chim bô chao, dường khắp nơi trên mặt đất kéo về, chúng vây quanh tôi, và bắt đầu hát, chớ để cho bất cứ nỗi buồn nào đọng lại trong ta, tôi nghe bài hát tựa lời nguyện cầu, có thể nói hôm qua là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi, tôi buồn vì loài giống con người có khi lại không bằng lũ chim bô chao,
ba,
cuốn sử truyền miệng,
tôi hẹn về cùng em giữa mùa xuân, nhưng suốt cả mùa xuân tôi đã nằm lại trong rừng, không phải chim bô chao, mà lũ chim thắc thỏm đã giữ chân tôi, lũ chim thắc thỏm cũng có nỗi buồn trong lòng giống như tôi, chim nói cũng chẳng biết đợi chờ điều gì nhưng cứ thấy thắc thỏm trong lòng, tôi nói cả đời tôi cũng cứ thắc thỏm đợi chờ một điều gì đó, lũ chim thắc thỏm reo lên, rằng chúng đã gặp được kẻ đồng điệu, hãy ở lại với chúng tôi thôi, lũ chúng cứ nhao lên, tôi nói đã ở trọn một mùa xuân rồi còn gì, nhưng chúng nói là tôi hãy ở lại suốt đời kia, tôi nói nếu như thế thì lịch sử của loài người sẽ chép rằng có kẻ đã đi ngược quá trình tiến hóa của loài giống con người, lũ chúng cứ nhao lên hỏi tiến hóa là sao, ngược tiến hóa là sao, tôi nói tiến hóa là từ chim tiến tới người, còn ngược tiến hóa là từ người trở lại với chim, lũ chúng cười vang núi rừng, rồi hỏi tôi lịch sử là sao, tôi nói là chép lại những gì đã qua để về sau còn biết được, a ha con người quả là loài giống đa đoan, lũ chúng lại nhao lên, rằng gió bão làm rụng hết lá trên rừng nhưng gió bão đâu biết mình làm rụng hết lá rừng, lũ chúng nói lúc thấy vui thì hát, lúc buồn thì thôi, chẳng cần nhớ lúc nào là buồn lúc nào là vui, tôi hỏi có phải chim hát những bài hát tổ tiên của loài chim đã hát, lũ chúng bảo là phải, tôi nói thế chim thắc thỏm cũng có lịch sử của loài giống mình, những kẻ sinh ra sau hát lại những bài hát của những kẻ sinh ra trước, cứ thế truyền lại cho tới hôm nay, đấy là cuốn sử truyền miệng, hôm ấy lũ chim thắc thỏm rất vui, mang cuốn sử truyền miệng của loài giống mình đi khoe với hết thảy các loài chim trên dãy núi trước làng tôi, đến cuối mùa xuân tôi vẫn chưa về cùng em, vì cứ thấy thắc thỏm trong lòng là em có chờ tôi hay không,
bốn,
kẻ đánh cắp cuộc chuyện trò,
kẻ nghe lén cuộc chuyện trò giữa tôi và chim thắc thỏm đã đem lời tôi và lời chim chế biến thành sách lịch sử của những loài chim
kẻ ấy chép thành sách rồi đem phân phát cho hết thảy lũ chim trên dãy núi trước làng tôi
lũ chim con mới nở nhao lên khen sách đẹp
chúng rất vui vì bỗng dưng có kẻ mang đồ chơi đến cho lũ chúng
nhưng lũ quạ thấy sách chép tổ tiên của mình biết hát thì lấy làm lạ
đi hỏi người chép sách
nếu như tổ tiên chúng tôi biết hát thì làm sao ngày nay lũ chúng tôi lại không biết hát
kẻ làm ra sách nói một ngày nào các anh sẽ nhớ lại những bài hát của tổ tiên
và sẽ hát được
lũ quạ hỏi đến bao giờ thì lũ chúng mới nhớ lại được những bài hát của tổ tiên của chúng
nhưng người chép sách đã bỏ trốn xuống núi tự bao giờ
tôi cũng chẳng thấy có nỗi buồn nào thêm vào nỗi buồn vốn có trong tôi
bỡi cách đây không lâu cũng có kẻ lấy cắp lửa trời đã nguội từ mấy triệu năm trước đem đi đóng gói đề là lửa mới làm mang đi rao bán khắp nơi
còn lũ diều hâu thì hầu như ngày nào cũng đánh cắp tự do của lũ gà đang bươi chải kiếm ăn trong khu vườn nhà tôi
có kẻ đánh cắp lời tôi và lời của chim cũng chẳng phải là chuyện mới lạ
nghe chuyện
lũ chim thắc thỏm kéo đến gặp tôi vào một chiều mùa hạ
tôi bảo chúng hãy quay về thôi bỡi chẳng thể sửa được quá khứ
lũ chúng bảo tôi quả là khách hào hoa
năm,
hạt bụi hay là khách hào hoa,
cuối cùng rồi tôi cũng đã gặp em, xin chào hạt bụi, em mừng rỡ gọi tên tôi theo lối gọi bấy lâu, bấy lâu tôi vẫn muốn em nghĩ người yêu em cũng chỉ là chút hiện hữu nhỏ nhoi trong trời đất, cuối cùng rồi tôi và em cũng trở thành cát bụi hư vô, xin chào em, tôi cũng vui mừng sau hơn một mùa xuân mới được gặp em, tôi nói suốt một mùa xuân trên dãy núi trước làng, tôi đã nghe được những khúc hát ai đó đã hát lên tự những trăm triệu năm trước, tôi đã gặp được một quá trình tiến hóa từ người đến chim có nghĩa là tôi đã ngược về tự những trăm triệu năm trước, và đã nhìn thấy hình hài kẻ đánh cắp lửa trời tự những trăm triệu năm trước, tôi nói sau một mùa xuân tôi đã có một cái tên mới lũ chim bô chao tặng tôi, khách hào hoa, tôi là hạt bụi hay là khách hào hoa, em cũng nhắc lại, hạt bụi hay là khách hào hoa, tôi hẹn em sau chuyến đi ấy thì sẽ nói cho em hiểu tất cả, lại chia tay em vào một chiều mùa hạ, tôi vẫn mang theo cùng với nỗi buồn vốn có trong lòng tên gọi lũ chim bô chao đã tặng tôi, là khách hào hoa, và một hôm khách hào hoa lạc vào nơi những cô gái đang sửa soạn trình diễn sắc đẹp của mình trước thế giới, tôi có thấy giật mình, không phải giật mình vì những thân xác đầy quyến rủ của các cô gái đã làm bừng dậy ngọn lửa dục tình trong tôi, thật ra khi tôi quay ra ngọn lửa ấy cũng tan đi, tôi giật mình vì bỗng nhớ đến ngọn lửa hận thù cũng đang bùng lên ở những miền đất dường chẳng có cách gì dập tắt nổi
sáu,
những hòn đất biết nói và những hòn đất không biết nói,
giờ đây tôi chỉ còn mỗi việc đi tìm đồng điệu, vừa đi tìm đồng điệu tôi vừa hát, vẫn mang theo cái tên lũ chim bô chao tặng tôi, khách hào hoa, bài hát của tôi là bài hành ca đi tìm đồng điệu, bài hành ca của một khách hào hoa,
vào một hôm nắng làm cháy cả bầu trời tháng sáu, lũ chuồn chuồn, hóa thân của những vị thần thất sủng, có phải thế không tôi cũng chẳng biết, bỗng kéo về trên bầu trời làng tôi, cách bay tận trời mây của chúng khiến cho làng tôi có thêm nhiều người trở thành người của chủ nghĩa đa thần cổ kính, các vị thần coi chuyện nắng mưa báo tin chẳng lành đấy, vào cái hôm cả làng lo lắng cơn hạn hán kéo dài, đất bỗng chào hỏi tôi, xin chào kẻ hào hoa, tôi hỏi làm sao lại biết tên tôi, đất nói, ngoài những kẻ có quyền thế đối với đất, thì hết thảy là những kẻ hào hoa,
chẳng phải kẻ dễ nhận sự ngợi khen của kẻ khác, tôi phải nói cho đất hiểu do đâu tôi lại có tên là khách hào hoa, tôi phải nói cho đất biết tôi chỉ là khách hào hoa, chứ chẳng phải kẻ hào hoa, cái tên lũ bô chao tặng cho hôm bị lũ chúng đuổi ra khỏi khu rừng trên dãy núi trước làng,
lũ chuồn chuồn bỗng từng bầy sà xuống đầu tôi, như thể đang thay đổi nội dung thông điệp về mưa nắng, ở làng tôi người ta tin chuồn chuồn bay cao thì nắng bay thấp thì mưa, hãy đi đi lũ rao tin thất thiệt, đất bỗng thét lên, nếu người làng tôi vì hoạn nạn triền miên phải tự an ủi bằng niềm tin thần thánh, thì đất làng tôi từ lâu đã ra khỏi thứ chủ nghĩa đa thần cổ kính, hãy đi đi lũ trá hình thần thánh, tôi thấy đất cứ gồng mình lên thét, những kẽ nứt cứ lan ra lan ra như sắp xé nát hình hài của đất, một thứ hình hài khổ đau dị dạng đang diễn ra dưới ánh mặt trời tháng sáu, đất cứ gồng mình lên, giận dữ, và bắt đầu nói,
ta có trước cả lũ rong rêu bọt nước, có trước cả cá cả chim, có trước cả lũ khủng long tàn bạo, hết thảy đều coi ta như cha mẹ muôn loài, chỉ trừ con người, những kẻ còn sinh ra sau cả ếch nhái, con người là sinh ra sau cả ếch nhái, nhưng con người lại coi ta như thứ của cải của trời, chỉ việc thò tay vào lấy, những tháng năm có vua, con người gọi ta là đất của vua, nhưng những tháng năm không còn vua, con người lại nói ta thuộc về quyền của hết thảy mọi người, những hòn đất biết nói thì thét lên, hỡi lũ người giả dối, làm sao đất lại cùng lúc thuộc về mọi người, những hòn đất không biết nói thì chỉ lặng thinh đem lòng khinh bỉ, ta biết là con người đã lừa dối ta, con người lại đi lừa dối cả những kẻ sinh ra trước mình, những khái niệm về đất là có thể thuộc mọi người, nhưng để sinh lúa khoai thì đất tựa xương thịt con người, xương thịt là thuộc về con người đang mang xương thịt, còn đất là thuộc về ai đang cầm cây cày bước đi trên đất, ta biết những kẻ ngông cuồng đang lừa dối cả ta, lừa dối cả đồng loại, những kẻ ngông cuồng đang ngày đêm xé nát thịt da ta,
thì ra đất cũng có nỗi buồn vốn có trong lòng, giống như tôi, kề từ hôm lũ chuồn chuồn bỗng kéo về làng tôi, thì tôi bắt đầu coi đất như kẻ đồng điệu của mình.
bảy,
sự phiền nhiễu của lũ chim áo đen,
cứ tưởng việc lời nói bị đánh cắp sẽ rơi vào lãng quên
nhưng vào một hôm
tôi đang trên đường đến miền đất đang bùng lên ngọn lửa hận thù
lũ quạ đã đón đường tôi
xin chào khách hào hoa
thì ra lũ chúng đã cất công tìm hỏi về tôi
chúng chào hỏi tôi với cái tên lũ chim bô chao đã tặng tôi,
biết giống loài chim có bộ áo màu đen sang trọng là lắm lời
tôi liền vào chuyện
có phải các bạn muốn hỏi về cuốn sách lịch sử của các loài chim
lũ quạ lẽ ra phải vui khi tôi tỏ ra hiểu được nỗi niềm của chúng
nhưng không phải
những kẻ làm ra sách là những kẻ hèn hạ nhất trong những kẻ hèn hạ
lũ quạ bắt đầu nguyền rủa kẻ đã đánh cắp lời nói của tôi và lời nói của chim thắc thỏm để chế biến thành sử sách giả về các loài chim,
tôi biết nỗi tức giận khiến cho người ta trở nên bạo liệt
lũ quạ lại là loài giống chẳng sợ xác người
tôi nhìn lên bầu trời tháng bảy
như đang có dòng sông ngầu đục chảy qua bầu trời tháng bảy
và như có ai đang nói ở trong tôi
giọng nói của kẻ đã chết
rằng con người là đang hận thù nhau
các sinh linh nơi mặt đất là đang hận thù nhau
tôi thấy như xác ai đó đang trôi trên dòng sông ngầu đục trên bầu trời tháng bảy
nhưng các bạn cũng nên hiểu mọi sự là do lời nói tôi đã nói ra
tôi nói với lũ quạ như để làm nhẹ bớt tội lỗi của kẻ đã chế biến ra sách giả
và cứ tưởng là lũ chúng hết tức giận
nhưng không phải
lũ chúng lại nguyền rủa loài người bằng những lời độc địa nhất
bấy giờ ngọn lửa hận thù giữa con người với con người là đang bùng lên ở gần đó
cứ sợ lũ chim lắm lời lại biết thêm một chuyện không hay nữa của con người nên tôi phải nói dối với lũ chúng
rằng tôi sẽ bắt kẻ làm sách giả tạ tội với tổ tiên của chúng,
tám,
câu chuyện buồn của dế
có những lời lẽ khiến người ta phải khóc
và có những lời lẽ khiến người ta phải bật cười
nhưng những lời lẽ của dế làm tôi cảm thấy buồn,
những đám mây trên bầu trời trên đầu tôi và những dòng sông đang chảy đâu hay biết nơi mặt đất có kẻ đang đi tìm,
xin chào kẻ đang khao khát những khái niệm mới về sự thật
và đang khao khát nghe được những tiếng nói chân thành của các vị thần cổ xưa
xin chào một ngày bình yên nơi mặt đất thân yêu
tôi nghe như có tiếng dế vang lên từ những gò đồi gần đó,
dường ở chỗ các bạn đang xảy ra điều gì to tát
tôi nói,
những gò đồi bỗng rơi vào lặng lẽ
chỉ còn nghe thấy có tiếng gió thổi qua những đám cỏ khô héo,
hay mùa hè này đã làm thay đổi những cung bậc trong tiếng hát của các bạn
tôi nói,
nhưng thay đổi vốn là việc làm của tạo tác
và chẳng có thay đổi nào là tuân theo ý muốn của ta
giữa vẻ man dại của những gò đồi bỗng vang lên những lời của dế,
cứ tưởng sẽ không còn được nghe những tiếng hát chân thành của các bạn
tôi nói,
không phải hát mà nói
cũng chẳng phải nói mà là lên tiếng
lên tiếng cho kẻ khác biết là có sự hiện hữu ít oi của dế
những đám mây lang thang trên bầu trời thì chẳng việc gì
nhưng những dòng sông đang chảy qua mặt đất luôn gây nên nỗi sợ hãi đối với chúng tôi
dế nói,
tôi nói là mình đã nhìn thấy được những khái niệm mới về sự thật
nhưng những tiếng nói chân thành của các vị thần cổ xưa thì sẽ không đời nào nghe thấy,
cổ xưa cũng chỉ là thứ khái niệm chẳng còn mới mẻ
bỡi trên dòng chảy của mỗi dòng sông là có cả cái cổ xưa và có cả cái chưa cổ xưa hay sẽ cổ xưa
vào mỗi sáng tinh mơ khi chưa có sự phiền tạp nào nơi mặt đất khuấy động trong lòng thì ta sẽ nghe được tiếng nói chân thành của những vị thần xưa cũ
dế nói,
tôi nói là mình đã nhìn thấy được những khái niệm mới mẻ về sự thật
nhưng sự hiện hữu ít oi đâu phải dành riêng cho loài giống nào nơi mặt đất,
khách hào hoa của loài chim hãy là khách hào hoa của dế
hãy mãi là khách hào hoa của sự hiện hữu ít oi của dế
bỡi khi nước các con sông tràn lên mặt đất thì sự hiện hữu ít oi của dế cũng sẽ trở thành hư vô
dế nói,
tôi nói câu chuyện của dế chỉ làm đầy thêm nỗi buồn ở trong tôi,
chín,
ám ảnh mùa thu,
tôi hát giữa mùa thu
sự sầu muộn hay nhớ nhung cũng chỉ là những biểu hiện quá ít oi của dòng chảy tồn tại đầy xác những nỗi buồn và niềm vui
sao lại đi hát giữa mùa thu
gió nói
tôi nói mùa thu hay bất cứ mùa nào cũng chỉ là dấu vết của thời gian
khi mùa thu đã qua thì hết thảy những chiếc lá gió thu làm rơi rụng cũng chỉ còn là hình ảnh mơ hồ trong trí nhớ trời đất
tôi nói hát là để cho lãng quên hết những mơ hồ
nhưng gió nói làm sao có thể lãng quên khi những ngọn gió thu bắt đầu thổi lại làm dấy lên nỗi nhớ nhung trong lòng những kẻ đang yêu
tôi đã đi qua những mùa thu
và đã hát giữa những nhớ nhung của những chiếc lá
có lẽ những chiếc lá sắp rơi rụng giữa gió thu lại nhớ đến những chiếc lá rụng trong mùa thu trước
tôi hát thật nhiều giữa mùa thu
nhưng chửa thấy vơi đi chút nào nỗi buồn ở trong tôi
mười,
tôi lại hát về em,
tôi biết là em vẫn chăm chú nghe tôi hát
người con gái của dáng vẻ vô biên lại đi chăm chú nghe những lời quá ít oi của tôi
kẻ đang muốn nói thật nhiều về thế giới nhưng vẫn chưa nói được
chưa kể đến những nghĩ ngợi của em
những nghĩ ngợi giữa một sáng mùa thu có cơn gió ảm đạm thổi nhầm vào những ước mơ trong sáng trong em những ước mơ về một mặt đất bình yên
chưa kể đến những nghĩ ngợi mang tầm vóc lớn lao
chỉ mỗi việc em đứng ở nơi thật xa nơi tôi đứng để nghe tôi hát đã là một dáng vẻ vô biên
tôi biết là em vẫn chăm chú nghe tôi nói về câu chuyện đi tìm đồng điệu giữa một thế giới nhiêu khê
có một sáng mùa thu có người con gái của dáng vẻ vô biên gõ cửa nhà tôi trong lúc tôi đang trên đường đi tìm đồng điệu
thế giới thì thật rộng lón
và tôi thì thật có lỗi với em
nói em là đồng điệu của tôi
thì cũng như nói em là người tôi yêu giữa một thế giới rộng lớn và nhiêu khê
có một chiều mùa thu tôi đứng ở một nơi thật cao nơi mặt đất để hát về em
nơi tôi đứng thì cao hơn cả những nơi cao nhất so với mực nước biển
nhưng tiếng hát của tôi thì có vẻ như chẳng đến được chỗ em bỡi những ngọn khói lam chiều là cứ từng lúc cuộn lên bầu trời buồn bã
tôi có phần lo lắng trước viễn cảnh không mấy tốt đẹp nên cứ giương mắt nhìn
thì ra chẳng phải khói lam chiều
mà là những ngọn lửa hận thù đang bốc lên ở những miền đất con người đang thù hận nhau
ghi chú một,
tôi đã lạc đến con sông ấy,
tôi lạc đến dòng sông ngả chảy lên trời ngả chảy qua những ngọn đồi trọc, còn đang phân vân nên lội qua ngả nào để đến nơi tôi muốn đến, thì người con gái ấy cập thuyền vào bờ nơi tôi đang đứng, ông vẫn đang đi tìm đồng điệu, cô gái nói, tôi hỏi làm sao lại biết là tôi đang đi tìm đồng điệu, thiếu nữ liền đưa tay cho tôi nắm, hãy xuống thuyền rồi trò chuyện, như mang cả vẻ u tịch của một miền sông nước, lập tức tôi đọc thấy trong mắt thiếu nữ niềm u uẩn không dễ nhận biết, ngày ngày em vẫn qua lại trên con sông này và vẫn nghe ông hát, tôi ngạc nhiên vô cùng vì bấy lâu tôi vẫn hát trong trí nhớ của mình, nhưng làm sao em lại nhìn thấy được những gì ở trong lòng tôi, tôi nói trong niềm xúc động, hát trong trí nhớ lại là tiếng hát vang đi xa nhất, người con gái nói, tôi nói là liệu em có giúp tôi sang sông được không, em biết là ông đang muốn đến nơi có kẻ đã đợi ông tự những trăm năm trước, cô gái nói khiến tôi thấy lo hơn là mừng, nếu là đưa đò trên sông thì cũng chỉ biết nơi lui tới của một số khách thân quen, đằng này, tôi là kẻ mới gặp lần đầu, tôi còn đang rất phân vân có nên để cho một người chưa hề quen biết giúp mình hay không thì cô gái đã lên tiếng, ông đừng lo, từ rất lâu, những khúc hát của ông đã khiến cho em thấy yêu con sông này hơn, nhưng là bấy lâu vẫn đưa đò trên con sông này, tôi bạo dạn hỏi, cô gái lắc đầu, xưa em là kỷ nữ của vua, người làm ra được thi ca thì đưa em hát, như đang có một thứ sắc màu huyễn hoặc choàng lên sông nước, tôi nghe thấy giữa chốn cố đô diễm lệ tiếng trống điểm canh, sức thanh bình còn đang ấp ủ những giấc mơ như không hồi kết của con người, và ở nơi ngồi viết chiếu chỉ của vua, người con gái ấy thì hát, còn vua thì như đang ngoi ngớp giữa dòng thi ca của muôn thuở, nhưng tại vì đâu em không còn là ca kỷ, tôi buột hỏi khi nhìn thấy như đang có một vì vua đặt tay lên bờ vai người ca nữ, hát với ai bây giờ, các vì vua ngày nay ít có ai nghĩ đến chuyện thi ca, người chỉ vui thú chiến tranh, đánh nhau để trục lợi, người chỉ nghĩ đến việc làm giàu, cho nên em phải đi đưa đò trên sông, cô gái nói, như sắp khóc, tôi cứ muốn làm như vì vua thuở ấy là đặt tay lên bờ vai thiếu nữ để nói, hỡi người đồng điệu, hãy về với tôi đi, tôi sẽ làm ra thi ca, và em thì hát, nhưng tôi chẳng dám hành động như mình nghĩ, giữa lúc tôi cảm thấy vô cùng lúng túng, quả tình, cho đến lúc ấy tôi cảm thấy có một tình yêu cao sang diễn ra ở trong lòng, tôi đã yêu cô gái ấy thật, giữa lúc tôi còn đang vô cùng lúng túng, chẳng biết phải nói gì thêm, cô gái bỗng nắm lấy bàn tay tôi đặt lên ngực mình, ông có nghe thấy không, những khúc hát của ông vẫn còn làm cho tim em xôn xao mực ấy, cô gái nói, rồi cho thuyền cập phía bờ bên kia, tôi hỏi từ nơi đây có thể đến được nơi tôi muốn đến hay không, ông đi bất cứ đường nào cũng đến được nơi ông muốn đến, cô gái nói, và cho thuyền rẽ về ngả lên trời,
mười một,
những chàng trai buồn tẻ,
rồi tôi cũng đến được nơi tôi muốn đến
những chàng trai da ngăm đen đã chờ tôi ở đó
những chàng trai tuy buồn tẻ nhưng lại thông hiểu các thứ tiếng nói trên các châu lục
ở quê tôi chỉ loài chim ấp muỗi là thông hiểu các thứ tiếng nói các châu lục, bỡi đám con chúng sinh ra là phải đi kiếm ăn khắp thế giới
đám con chúng vừa sinh ra là liền được dạy dỗ thông hiểu các thứ tiếng nói trên các châu lục
làm như thể tôi đã hẹn bọn họ tự những trăm năm trước
nỗi nhớ nhung là rất cần an ủi
cuối cùng thì anh cũng đã đến
những chàng trai buồn tẻ bắt đầu nói
và tôi cũng bắt đầu nhìn thấy những rừng cây, những bụi rậm, ao hồ, sông, thác, rừng đen, rừng đen…lũ chim trời vừa lượn lờ trên bầu trời xanh thâm, vừa hát, một thứ màu đen bi thảm như đang xâm chiếm nghĩ ngợi của tôi, dẫu trí tuệ con người có phác vẽ được những nét huy hoàng, những con đường dẫn đến miền đất mới, gương mặt thế giới lấp lánh giữa những buổi bình minh có những ánh mắt nhìn thấu đường đi mặt trăng mặt trời, nhưng những huy hoàng là chẳng thể làm lành lại những vết thương trên lưng đám ngựa hoang đã được mang đến miền đất mới để thồ vàng, thồ kim cương, thồ những tham vọng của bọn nhà giàu, đám ngựa hoang còn sống sót đã chết gìà tự những trăm năm trước là những chàng trai buồn tẻ đã hẹn gặp tôi
nhưng những chàng trai buồn tẻ nói tháng năm vẫn là thứ dấu tích hằn sâu trong trí nhớ, chúng tôi đi khi lũ vịt trời còn đang vui đùa trên những hồ nước thêng thang, và những người con gái thì bước ra khỏi những bụi rậm nắm lấy bàn tay chúng tôi như thể đấy là lần cuối được nắm lấy bàn tay của người mình yêu, và như thể là có lời mách bảo của tổ tiên chúng tôi, những mách bảo chỉ còn có thể nhìn thấy qua những chiếc mặt nạ đầy sắc màu u uẩn, như nghe được những lời mách bảo của tổ tiên về việc giữ gìn nòi giống, chúng tôi vội vã ôm lấy những người con gái vừa bước ra khỏi những bụi rậm để làm tình ngay trên thứ mặt đất như đang mang trong mình thứ màu đen buồn thảm
bầu trời như đang âm ỉ chứa một thứ thông điệp mới nào đó về mưa nắng, tận phía mờ xa của quá khứ, những kẻ đã chết vẫn thư thả gác tay lên niềm vĩnh cửu, rừng đen, rừng đen…đâu đó như đang vang lên tiếng hát của lũ vịt trời, rốt cuộc thì tôi cũng chẳng có thứ gì để đem ra an ủi những chàng trai buồn tẻ, nhưng những năm sau đó thì tôi đã gặp lại bọn họ, những chàng trai vẫn buồn, bọn họ đã đưa tôi đi gặp hết thảy những người đã chết, đấy là lúc những khúc hát trong trí nhớ tôi đã trở thành thi ca chép trên giấy
mười hai,
khi dòng sông đã cạn,
tôi trở lại dòng sông người kỷ nữ chèo đò đã đưa tôi sang ngày ấy
sở dĩ có quyết định ấy là vì cứ thấy nhớ đôi mắt u hoài của người con gái đang mang trong mình trái tim xao động
tôi biết trong cuộc hành trình đi tìm đồng điệu của mình tôi đã thêm được một cuộc tình
nàng thao thức những khúc hát trong trí nhớ tôi còn tôi thì thao thức vì trái tim thao thức của nàng
cứ tưởng là bị lạc đường vì dòng sông tôi vừa trở lại đó không còn giống với dòng sông ngày ấy
chẳng thấy con nước trên sông
chỉ còn là một dòng sông khô cạn
xin chào hạt bụi
những người trồng sắn ở lòng sông khô cạn chào tôi
tôi hỏi làm sao lại biết tên tôi
những người trồng sắn nói ở nơi ấy trừ những kẻ quyền thế còn hết thảy đều là hạt bụi
nếu là lúc khác tôi sẽ trò chuyện với bọn họ thật nhiều vì cứ thấy cảm động trước một mảnh nhân gian lận đận
bấy giờ là tôi đang lo bị lạc đường
đang nôn nóng gặp lại người kỷ nữ tôi yêu
tôi lập tức mô tả cảnh dòng sông có người kỷ nữ chèo đò và hỏi đường đến nơi ấy
những người trồng sắn chợt im lặng làm như thể là tôi đã chạm vào một thứ đau buồn nào đó của bọn họ
nhưng cuối cùng tôi cũng đã rõ mọi sự
nàng vốn là hết thảy nỗi khổ nhân gian hiện thân thành kỷ nữ khi không còn những bậc minh quân làm ra được thi ca thì ngày ngày chèo thuyền chở bớt nỗi đau khổ lên trời
cho đến lúc không còn chở nổi thì dòng sông cũng khô cạn
những người trồng sắn nói vẻ không vui
nhưng giờ thì người con gái ấy ở đâu
tôi nóng lòng hỏi
vào cái ngày con sông cạn hết nước
một đám mây trắng từ lòng sông cạn bay lên trời ai cũng nói kỷ nữ đã ra đi
những người trồng sắn nói có vẻ không vui
nhưng là đi đâu
tôi lại nôn nóng hỏi
lại hòa lại vào nhân gian không chừng
những người trồng sắn nói vẻ không vui
mười ba,
tôi lại mơ về thuở hoàng kim,
tôi đi dưới vòm trời huyễn hoặc
huyễn hoặc trong cách thức tồn tại của dòng sông
huyễn hoặc trong cách thức tồn tại của con người
ở nơi những ngọn đồi trọc
vừa trông thấy tôi lũ nai ngấu nghiến nhai những khúc hát
và tôi chỉ thoáng nhìn đã nhận ra những khúc hát của mình
dòng sông khô cạn vẫn trôi đi dưới vòm trời huyễn hoặc
những ngọn đồi trọc vẫn im lìm
lũ nai vẫn im lìm như đang cố thủ trong nỗi sợ hãi của những kẻ đánh cắp lời ca của kẻ khác
tôi lại nghĩ đến những ngày nắng thiêu đốt dòng sông
thiêu đốt con đò kỷ nữ
thiêu đốt những ngọn đồi trọc
và lũ nai trên những ngọn đồi trọc thay vì ăn lá cây rừng phải ngấu nghiến nhai những khúc hát vang lên từ con đò của kỷ nữ
tôi nghĩ đến những ngày nắng cháy
và khẽ hát lên mấy khúc trong trí nhớ mình
lũ nai ùa đến vây lấy tôi
hóa ra bấy lâu lũ chúng tôi đã tiêu phí không biết bao nhiêu là tiếng hát của khách hào hoa
lũ nai nói
rưng rưng
và tôi thì cũng thấy rưng rưng
thật ra những gì diễn ra cũng chỉ là giấc mơ
tôi mơ về một thời hoàng kim xa lắc để may ra có vơi đi nỗi buồn trong tôi
mười bốn,
ai khóc vào những ngày có mưa,
cơn mưa mùa hạ bất thường cầm chân tôi ở căn nhà lá trong khu rừng tôi chưa hề quen
người giữ rừng là một ông già rất già mới thoáng nhìn đã biết là ông cũng có nỗi buồn như tôi
ở trong rừng một mình thế này thì buồn lắm
tôi nói
nhưng ông bảo không phải buồn vì một mình
có lẽ do cơn mưa đột ngột rừng mùa hạ về đêm chẳng mấy mát mẻ
cả ông già giữ rừng cả tôi đều phải cỡi trần cho đỡ bức
cuộc trò chuyện tới nửa khuya thì ông già giữ rừng nói thật với tôi ông là thần coi giữ khu rừng ấy tự mấy trăm năm qua
tôi rất mừng vì ở trong rừng với thần coi rừng thì chẳng còn sợ chi
những cơn mưa mùa hạ bất thường vẫn tiếp tục đổ xuống khu rừng tôi chưa hề quen
nhưng tới lúc này chẳng phải là mưa mà là cách thức tồn tại bất thường đã giữ chân tôi
trên đường đi tìm đồng điệu tôi chưa hề gặp ai lại vừa là con người vừa là một vị thần
khu rừng tôi chưa hề quen bỗng trở nên vô cùng quyến rủ
những hôm có mưa rừng rả rích
ông già giữ rừng vào rừng làm công việc từ sáng sớm
nằm một mình trong căn nhà lá giữa rừng tôi có cảm tưởng đã thoát khỏi thế giới con người đầy bất trắc
nhưng tiếng khóc ở trong rừng lại kéo tôi trở lại với thực tại
vào những hôm có mưa rừng rả rích tôi lại nghe thấy tiếng khóc trong rừng nhưng chưa bao giờ nghe ông già giữ rừng trở về vào lúc cuối ngày nói về tiếng khóc
cho đến hôm sáng ra thấy ông không vào rừng như thường lệ
hỏi mới biết là ông đã quá già không còn được làm công việc giữ rừng
niềm lo sợ của ta là không còn được làm thần coi giữ khu rừng này
vào một hôm trời không mưa ông già giữ rừng nói với tôi và khóc rưng rức
nửa khuya hôm ấy tôi thức giấc không còn thấy ông trong căn nhà lá
có một điều thật buồn là hình ảnh ông già giữ rừng cứ ám ảnh tôi
và tôi lại băn khoăn tự hỏi ai đã khóc vào những ngày có mưa
ông già giữ rừng khóc
hay vị thần coi rừng không còn được làm thần khóc
tôi không biết
chỉ thấy buồn hơn
mười lăm,
những cảnh giới của tồn tại,
tôi lại lang thang suốt ngày trong khu rừng mình chưa hề quen biết
làm như thể không phải ông già giữ rừng mà là tôi đang luyến tiếc niềm vinh quang vừa mất
( khi một sinh linh bé nhỏ của loài giống con người đạt đến cảnh giới của một vị thần chẳng phải còn hơn cả niềm vinh quang là gì )
vào những ngày không có mưa tôi vẫn nghe như có ai đó đang khóc ở trong rừng
mảnh đất chưa hề quen biết bỗng trở nên vô cùng quyến rủ đối với tôi
cuối cùng tôi quyết định sẽ lưu lại khu rừng đó cho đến khi khám phá được vẻ bí ẩn của nó
tôi dự định là sẽ ngủ nghỉ ở căn nhà lá của ông già giữ rừng cho đến hết mùa hạ
nhưng khi quay lại thì thấy đã có chủ mới
người giữ rừng vừa được cử tới là một chàng trai rất trẻ nhưng mới thoáng nhìn đã biết là anh ta cũng có nỗi buồn như tôi
xin chào vị khách đầu tiên của tôi
chàng trai như không dấu được nỗi buồn chẳng hợp lúc bỡi khách đến nhà lại tỏ không vui
tôi nói là tôi đã đến đây tự lúc còn người tiền nhiệm của anh ta
đấy là kẻ đã gắn bó với khu rừng này tự mấy trăm năm qua
nghe tôi nói về người giữ rừng đã ra đi chàng trai có tròn mắt nhìn tôi nhưng chẳng có lời nào
tôi nghĩ là anh ta lại nghĩ có sự lầm lẫn nào đó của tôi về một kẻ giữ rừng sống đến mấy trăm năm
nhưng vị khách đầu tiên của tôi có thể lưu lại chơi ít hôm nữa được không
chàng trai nói
thấy anh ta đã tỏ thân thiện với tôi nên bảo là mình sẽ ở lại cho đến cuối mùa hạ
những cơn mưa mùa hạ bất thường lại đổ xuống
hằng ngày khi người giữ rừng tuổi trẻ vào rừng làm công việc của anh ta
tôi cũng đi lang thang trong rừng
lại nghe như có ai khóc vào lúc có mưa
tiếng khóc còn ai oán hơn cả tiếng khóc của ông già giữ rừng ngày trước
cuối cùng tôi cũng khám phá được vẻ bí ẩn của khu rừng
nơi chốn khi đêm xuống có vẻ như biến khỏi mặt đất sáng ra lại đủ cả những yếu tố của sự sống lại là nơi người ta có thể tìm thấy cả hạnh phúc lẫn đau khổ
cuối cùng tôi cũng đã hiểu nơi đó như một thách thức đối với con người
ở đó ông già giữ rừng đã đạt đến cảnh giới của các vị thần
nhưng chàng trai trẻ lại thấy như chốn lưu đày
mười sáu,
những ví dụ về niềm hạnh phúc,
những ví dụ về niềm hạnh phúc thì không nhiều lắm
nhưng vẫn có thể nhìn thấy
đám cây lâu niên ở khu rừng ấy nói với tôi chúng chỉ cảm thấy hạnh phúc khi giông bão làm gãy đổ hết những cành con đeo bám trên mình chúng
tôi có phần sợ hãi khi thấy nền luân lý của cây như đang mang trong mình yếu tố tàn nhẫn
thì chẳng phải khi chẳng còn bị ràng buộc bỡi bất cứ những gì làm ta khổ sở đau đớn là hạnh phúc hay sao
đám cây lâu niên nói khiến tôi cứ nghĩ đến một thứ triết học về hạnh phúc con người chưa kịp phát hiện
rừng mùa hạ như đang tỏ ra hào phóng với khách hào hoa
tôi đi giữa những bóng lá mát rượi và tiếng chim thánh thót
lũ chim là đang ca ngợi về bầu trời mùa hạ
tuy có nói hơi quá lời nhưng đấy là bầu trời mùa hạ
này đã bao giờ các bạn nghe ai nói về một bầu trời lộng lẫy huy hoàng đầy nắng chói hay chưa
đám cỏ gai có vẻ cay cú khi nghe lũ chim ngợi ca bầu trời mùa hạ lộng lẫy huy hoàng
tôi biết nếu như không có ý kiến của đám cỏ gai thì lũ chim là đang sống trong niềm hạnh phúc
những ví dụ về niềm hạnh phúc không nhiều lắm nhưng vẫn có thể tìm thấy được
đến lúc này thì chẳng phải vẻ bí ẩn của khu rừng mà những cung bậc đầy sức lôi cuốn của tồn tại giữ chân tôi
trên đầu tôi bấy giờ là một bầu trời cao rộng đến mức vượt khỏi mọi trí tưởng của con người, nắng chói chang như có bàn tay ai đang hứng thú rải xuống nhân gian, và dưới chân tôi là một mặt đất bình yên, nhưng ai biết trong lòng nó là đang hình thành những chương trình tạo tác to lớn, thì chẳng phải những chuyển mình của đất là đã gây nên những niềm hạnh phúc cùng nỗi cay đắng vô bờ trong suốt hành trình hình thành thế giới, nhưng đấy là chuyện cũ, và giờ đây là tôi đang dẫm lên lớp lá cây rừng, dẫm lên sự yên ả, rừng cây là luôn tạo nên sự hào phóng cho gương mặt của đất, thì chẳng phải bên dưới gương mặt của đất đầy vẻ hào phóng ấy là một thế giới đầy bí ẩn của những sinh vật chỉ nghe thấy những cuộc chuyện trò khiêm tốn hay những bước chân âm thầm của chúng, và một cuộc sống khác đầy tính cách lãng tử, cũng chẳng kém phần bí ẩn, cuộc sống của những giống loài được ân sủng luôn ở phía bên trên gương mặt của đất, cuộc sống ở trên cao
sự phóng túng của tồn tại là vượt lên trên hết thảy những cảnh giới của phóng túng
tôi cũng chẳng biết như thế là đã đạt tới niềm hạnh phúc hay chưa
nhưng đến hôm cơn gió lớn bất ngờ thổi lại phá nát đám cây lâu niên
hết thảy những cành nhánh đều gãy đổ
tôi buồn bã đứng nhìn cảnh hoang tàn và tự nói với mình rằng đây chẳng phải là một ví dụ về niềm hạnh phúc
mười bảy,
tiếng dế buồn khiến tôi cứ thấy nhớ em,
khi tôi rời khỏi khu rừng đầy vẻ quyến rủ ấy thì đã bước sang mùa đông, mùa đông rả rích tiếng dế buồn khiến tôi cứ thấy nhớ em, nhớ đến người con gái của dáng vẻ vô biên, thì mới hôm qua , em nhắn gửi qua bầu trời nhiều mây, rằng em đã đến một nơi rất xa, rất xa, tôi lập tức hình dung ra bước chân người con gái của dáng vẻ vô biên, những bước chân giữa những khoảnh đời xa lạ, em đi giữa hun hút những tham vọng của những thế lực chẳng mấy sáng sủa đến tự những vùng trời chẳng mấy sáng sủa, tôi lập tức hình dung ra cái thế giới mang màu sắc tro than, thế giới của những tham muốn tàn bạo, những đám mây tàn bạo kéo qua bầu trời thế kỷ che khuất cả những nụ cười ít oi của đám ốc sên nơi khe suối, rừng thức dậy sau lời gào thét của đá, treo lơ lửng giữa thinh không là những lời gào thét thô thiển của đá, hãy trả lại cho ta những ngày tháng bình yên nơi bờ suối, buổi sáng lũ nai uống xong nắng sớm trên dòng suối liền rỉ tai ta rằng một ngàn lần nhờ có ta, những bờ đá, mới có dòng suối ngọt bốn mùa, buổi chiều, khi trời sắp tắt nắng, lũ cua đá nhát gan thầm thì cùng ta những lời âu yếm tích tụ qua suốt nghìn năm tiến hóa của giống loài của chúng, những lời gào thét chân thành của đá đã làm rơi nước mắt lũ sói vẫn được coi như loài giống vô cảm ở trên rừng, hãy trả lại đi hỡi những thế lực đen tối của thời đại, lũ sói vô cảm cũng gào lên, thì cũng mới hôm qua, khi thấy em nhắn gửi qua bầu trời nhiều mây, tôi đã lập tức hình dung ra cái thế giới màu tro than, gần như vô cảm, đang đe dọa bước chân người con gái của dáng vẻ vô biên
mười tám,
khi tôi trò chuyện với dòng sông,
các cô gái giặt áo trên sông có vẻ không muốn trò chuyện với tôi vì biết trong lòng tôi đã có người con gái của dáng vẻ vô biên
tôi nói những đám mây đen từ phương bắc đang kéo tới thế nào trời cũng đổ mưa nên chỉ muốn hỏi cách thức sang sông trước khi mưa đổ xuống
tôi nói và đứng chờ dưới bầu trời có những đám mây đen có vẻ còn lưỡng lự sao đó nên vẫn chưa thấy đổ mưa
sao không đi hỏi kẻ đang giữ ở trong lòng lại đi hỏi bọn em
các cô gái giặt áo trên sông nói xong lời ấy liền gửi đến tôi những nụ cười
như thể để nói cho biết đấy cũng chỉ là cách thức để tỏ giận hờn
cô gái đưa tôi sang sông nói trời sắp đổ mưa nhưng áo giặt vẫn chưa xong
những cô gái còn lại vói theo
rằng phải giữ lấy thân vì có kẻ đang muốn hớp hồn tôi
cô gái đưa tôi sang sông nhìn tôi cười
tôi cũng cười bảo tôi chẳng sợ hớp hồn mà chỉ sợ không còn được gặp lại
em
khi tôi trò chuyện với dòng sông thì các cô gái giặt áo trên sông đã về cả
nhưng trong mắt tôi vẫn cứ thấp thoáng những đôi tay mềm mại giặt áo trên sông
tôi muốn trở lại để trò chuyện cho các cô gái giặt áo thõa lòng về việc sao trong lòng tôi lại có hình bóng người con gái của dáng vẻ vô biên
nhưng dòng sông nói đã quay lại thì chẳng thể sang sông vì trời sắp đổ mưa lớn
tôi hỏi có khi nào trời đổ mưa lớn nhưng vẫn sang sông được không
nước trên sông cũng tựa dòng lịch sử của con người
không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra
dòng sông nói
mười chín,
em cũng hát trong trí nhớ như tôi,
những rác rưởi vẫn còn thật nhiều trên dòng sông cuộc sống, nhưng tôi vẫn thấy yêu ghê gớm cuộc đời có những người con gái giặt áo trên sông rất dễ mủi lòng và những ngày thật buồn tưởng không còn sống nổi bỗng có người đến tìm hỏi tôi có phải kẻ hôm nào đã trò chuyện với người kỷ nữ chèo đò trên sông
những đồng điệu của tôi vẫn còn chìm khuất giữa thế giới tựa giấc mơ hết mực lạ lùng đến nỗi những nghìn năm sau vẫn chưa hết ngạc nhiên, nhưng người kỷ nữ chèo đò trên sông thì đã trở lại với tôi
em cũng hát trong trí nhớ như tôi
sông nước đã cạn chừ
mây bay
mỗi mình bơi thuyền giữa các vì sao cô độc chừ
bối rối
nghìn năm trong chớp mắt mong mỏi
tôi nói tôi cũng mong mỏi đợi em suốt những nghìn năm qua, tôi đợi em giữa tiếng vỗ chân rậm rực của lũ chim đa tình, suốt những nghìn năm qua lũ chim đa tình vẫn cứ cất cánh bay về miền chưa bao giờ có, và tôi thì vẫn mong mỏi chờ em giữa những ngày những đêm các vị thần tuy thất sủng nhưng vẫn cứ luyến nhớ chốn nhân gian phiền toái, mỗi lần nghe bước chân e ngại của những vị thần thất sủng tôi lại cứ muốn gào to lên, sao dòng sông ngả chảy lên trời ngả chảy qua những ngọn đồi trọc lại cạn để cho em phải chèo thuyền giữa các vì sao cô độc
em cũng hát trong trí nhớ như tôi
ai mỏi mòn trông nơi bầu trời cô liêu chừ
dòng sông trôi nước mắt nghìn thu
ghi chú hai,
trí nhớ tôi không còn chứa nổi bài hành ca,
vào một ngày gió mưa rét buốt, lũ chim cu đã đón đường tôi, dường hết thảy lũ chim cu trên mặt đất đã kéo đến đón đường tôi, hết thảy các bạn hãy đến đây thôi, tôi có hơi bức xúc trong lòng nên đã gào lên, và vội vã cởi mũ áo ra để làm mái che mưa, thì chẳng phải lũ chúng đang chịu rét mướt hay sao, nhưng chẳng phải là lũ chim cần nơi tránh mưa gió, lũ chúng cứ nhìn tôi, lắc đầu, như thể đang muốn nói điều gì rất cấp bách nhưng không nói được, đến lúc đó tôi mới phát hiện ra lũ chim con nào cũng đang ngậm chặc một vật chi, chúng chẳng thể nói ra lời vì hết thảy những chiếc mỏ nhỏ nhắn của chúng là đang ngậm thứ vật thể gì có vẻ lớn lắm, hay là các bạn đã tìm thấy được niềm bí ẩn của thế giới, thì tôi cũng chỉ nói bâng quơ, nhưng hóa ra lại là chuyện thật, lũ chim liền vây lấy tôi, và tôi thì chìa đôi lòng bàn tay ra như thể để đón lấy thứ tặng vật bất ngờ, lũ chim cứ từng con một đến trước tôi, lặng lẽ nhả vào đôi lòng bàn tay tôi những khúc hát, mưa làm lã chã những khúc hát, có cả những bi ca, tình ca, có cả những hoan ca, uẩn ca, những khúc hát là vẫn còn nguyên niềm thao thức, tôi có hơi hoảng khi nhận ra đó là những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi, nhưng cũng liền hiểu ra là tôi đã không còn nhớ nổi hết chúng, những bài hành ca đã tràn ra bên ngoài trí nhớ tôi, rơi trên các nẻo đường tôi đã đi qua, và lũ chim cu đã nhặt được đem trả lại tôi, một ngàn lần cám ơn các bạn, tôi nói với lũ chim, và muốn khóc vì cảm động, cho đến khi lũ chúng đã đi cả tôi mới chợt nhớ lại, thì ra ký ức của tôi cũng chỉ là một phần rất nhỏ của ký ức loài giống con người vẫn ăm ắp những yêu thương, căm giận, những buồn vui, sợ hãi… tích tụ suốt hành trình tiến tới con người trong cuộc tiến hóa đầy hiểm nguy
PHẦN HAI
THI CA VÀ GIẤY BÚT
như thế là tôi phải chép lên giấy những khúc
hát của tôi,
bài hành ca của tôi là những khúc hát đi
tìm đồng điệu của tôi, người cai quản việc
giấy bút của xứ sở nói khi những khúc hát
đã chép lên giấy thì trở thành thi ca, như
thế là bài hành ca của tôi lại nhập
vào dòng thi ca xứ sở, và tôi thì
bắt đầu cuộc tìm kiếm đồng điệu của
tôi ở
miền đất tổ tiên con người đã từ đó bước
ra, nơi mặt trời thiêu đốt đất đai thành
những hoang mạc mênh mông với những
cánh rừng nhiệt đới dày đặc cây cối,
những chàng
trai buồn tẻ từng gặp tôi trước đó đã dẫn
tôi đi thăm hết thảy những người đã chết
trong những khu rừng đen,và đưa tôi đi trở
lại con đường đám ngựa hoang thuở ấy
đã đi, có nghĩa, tôi đã băng qua biển cả để
đến miền đất người ta gọi là thế giới mới,
những người có giọng nói màu đỏ ở rừng
Amazon nói tôi là khách hào hoa
hai mươi
tôi bỗng nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn của loài giống con người,
những đồng điệu của tôi vẫn còn chìm khuất giữa một thế giới vừa thân thiện vừa xa lạ, xa lạ đến nỗi nhiều khi tôi cứ nghĩ không phải mình đã sinh ra từ đó, khi nghĩ đến cái thế giới vừa thân thiện vừa xa lạ tôi cứ thấy nhớ đến miền đất sự hiểu biết của con người nói là cái nôi của loài người, nơi vùi lấp những mảnh xương tàn của một người con gái đã nằm xuống tự buổi thanh xuân, người con gái được coi là tổ tiên con người, sự thân thiện của con người đối với tổ tiên đã khiến cho con người nhìn thấy được cả gương mặt, nhìn thấy được cả hình hài cốt cách và cả cái tên Lucy của người con gái được coi là tổ tiên con người đã nằm xuống giữa thế giới vừa thân thiện vừa xa lạ tự những nghìn năm trước
hay người kỷ nữ chèo đò trên sông ngày nào cũng đã trở về nơi có người con gái tổ tiên con người đã nằm xuống tự buổi thanh xuân, tôi nghĩ, và lao về miền đất có những hoang mạc mênh mông và những cánh rừng dày đặc cây lá, nơi tổ tiên con người đã từ đó bước ra, tôi lao về phía châu Phi đen
nếu siêu lục địa Pangie không rã ra thành nhiều mảnh trôi về phương bắc có trôi về phương nam có, rã ra rồi lại nhập lại, nếu không có cuộc giang hồ trôi nổi có vẻ ngẫu nhiên kỳ tuyệt ấy thì có châu Phi đen ngày nay hay không, tôi không biết, và nếu như không có miền đất ngày nay gọi là châu Phi đen nằm phơi mình bên dưới đường đi của mặt trời như một cách đánh cắp lửa trời , nếu không có cuộc phiêu lưu lãng mạn nhưng đầy sức thuyết phục ấy, thì tổ tiên loài người có thể bước ra từ một nơi chốn khác hay không, tôi không biết, có bao nhiêu nơi chốn nằm dưới đường đi của mặt trời sao không là cái nôi loài người, hay là con người vẫn chưa nhìn thấy hết tổ tiên mình, tôi không biết
hay người con gái của dáng vẻ vô biên và những người con gái giặt áo trên sông rất dễ mủi lòng là cũng đang đi về phía những hoang mạc đi về phía những cánh rừng dày đặc cây cối của châu Phi đen để tìm đồng điệu như tôi
hai mươi mốt,
homo…homo…
trong cuốn lịch sử loài người là
có cả những thành tựu cao quí
nhất và có cả những hành động ghê
tởm nhất
LỊCH SỬ VĂN MINH NHÂN LOẠI-UNESCO
1.
những nhà chép sử nói châu Phi đen nằm giữa những hoang mạc Sahara ở phía bắc và Kalahari ở phía nam, nhưng tôi thì nghĩ hết cả dãi dất gòm vô khối những hoang mạc vô khối những rừng rậm vô khối những sông hồ ghềnh thác bốn bề đều giáp biển ấy là châu Phi đen theo nghĩa phóng túng nhất của từ này, châu Phi đen với tôi là tất cả những trắc trở
2.
khi nghĩ đến những trắc trở là tôi đang đứng nhìn hồ nước Tanganyika mênh mông, có cả những người Burundi, những người Congo, cả những người Tanzania và Dambia đang đánh cá trên hồ, bỡi hồ Tanganyika là trải dài trên những đất nước ấy, không phải sự trắc trở là nằm trong những cơn mưa đổ xuống hồ, cũng chẳng phải là nằm trên con sông Luataba mang nước hồ vào sông Congo, mà là nằm ở sự thù nghịch thỉnh thoảng lại xảy ra giữa những người đánh cá trên hồ vốn là láng giềng thân thiết, ở châu Phi đen cái gì cũng có thể trở nên thân thiết và cái gì cũng có thể trở nên thù nghịch, nhưng lũ vịt trời ở hồ Tanganyika thì vẫn luôn ca hát, homo…homo…, trong lúc tôi nghĩ về sự thù nghịch hay xảy ra ở châu Phi đen thì lũ vịt trời ở hồ Tanganyika vẫn hát bài hát tổ tiên chúng để lại, bài hát về sự ra đời của loài giống con người trên đất châu Phi đen
3.
nơi tôi đang đứng nghe lũ vịt trời hát là thuộc đất nước Tazania, bỡi hồ Tanganyika là trải dài theo biên giới phía tây của đất nước ấy, những người đánh cá nói tiếng Swahili nói tôi là khách hào hoa, tôi hỏi là đến từ Kenya hay từ Mozambique, bỡi ở những đất nước ấy là người ta đều nói tiếng Swahili thuộc ngôn ngữ Bantu, bọn họ im, cười, và chỉ tay về phía ngọn núi Kilimanjaro cao hơn 5000 mét đang sừng sững mỗi mình giữa trời chiều lặng lẽ, tôi biết bọn họ là người Tazania, và bắt đầu nhìn thấy như ngọn núi lửa Kilimanjaro bắt đầu tuôn ra những dòng dung nham nóng bỏng, cuồn cuộn những dòng dung nham nóng bỏng, những trăm năm trời mây nghi ngút lửa khói, rồi bỗng lặng đi dưới những cơn mưa thế kỷ, rồi đồng cỏ xavan hiện ra, rồi con người hiện ra, homo…homo…tôi lại nghe lũ vịt trời trên hồ Tanganyika hát bài ngợi ca loài giống con người
4.
và tôi lại nghe như có những ai đó đang bước đi trên tro bùn núi lửa, những bước chân âm thầm lặng lẽ như thể để thông báo cho đất trời biết là đang diễn ra một cuộc sinh tồn chưa hề thấy nơi mặt đất, cuộc sinh tồn là bao gòm cả một quá trình bí ẩn, cà việc bắt đầu cả việc triển nở là đều bí ẩn, sự sống là diễn ra tự những nghìn triệu năm trước, nhưng lại chờ cho đến khi giá băng tràn mọi nẻo, chờ cho đến khi dòng sông cuộc sống có sự trắc trở, cuộc sinh tồn kỳ lạ ấy mới chịu bước ra khỏi bụi bặm thời gian, phủi đi giá băng lạnh lẽo để bước đi trên những ngổn ngang được để lại từ những thiên niên kỷ trước, giá băng, nỗi sợ hãi, và cái chết, tôi nghe như có những ai đó đang bước đi trên phế tích của thời gian, và đang nói vào tai tôi những lời tâm phúc, rằng tôi đang tìm được đồng điệu, những đồng điệu của ngươi là đang mang trong mình thứ ký ức nghìn tầng lớp của loài giống con người, những chiều buồn ngấu nghiến nhai cơn đói sau một ngày giành giựt chí chết những thức ăn dư thừa trên đồng cỏ xavan, lũ thú ngang ngược bao giờ cũng là kẻ chiến thắng, đêm, ôm nhau nhảy múa dưới ánh trăng lạnh lẽo cho quên đi những tủi nhục cay đắng của cuộc xâu xé có vẻ bất tận, những căm giận điên cuồng là chẳng thể quên, cuộc sinh tồn cũng có nghĩa là cuộc nghìn năm buồn tẻ, không phải ai đó đang nói với tôi những lời tâm phúc, mà là tôi đang nhớ lại câu chuyện con người đương đại đã nhìn thấy được dấu vết của tổ tiên mình, chỉ có ba người, chứ không phải nhiều người, hai người lớn và một em bé gần hai triệu năm trước đã bước đi trên tro bùn núi lửa ở Laetoli, Tanzania, những dấu chân của tổ tiên con người đã để lại trên đất châu Phi đen
5.
khi tôi rời khỏi hồ Tanganyika thì màn đêm đã phủ xuống đất nước Tazania, tiếng hát của lũ vịt trời trên hồ Tanganyika như vẫn còn nguyên trong cảm xúc của tôi, homo…homo…con người…con người…là tôi đang đi về nơi có dấu vết con người tự buổi mới bắt đầu lịch sử của cuộc nghìn năm buồn tẻ, là tôi đang đi về phía hẻm núi Olduvai, đi về phía hoang vu tiền sử, đi về phía những biến động khôn cùng của mặt đất những nghìn triệu năm trước, trong lúc nghĩ về những biến động khôn cùng của nghìn triệu năm trước là tôi đang bước đi trên thung lung giãn nứt Đông Phi, Rift Valley Đông Phi, tôi bước đi trên sự giãn nứt và cứ nghe như đất dưới chân mình rung rinh, trong lúc cảm thấy đất dưới chân mình rung rinh là tôi đang nghĩ về những dòng dung nham cuồn cuộn tuôn ra từ những ngọn núi lửa mọc lên từ sự giãn nứt của đất, và nước và gió cứ tuôn vào, những lớp địa tầng muôn vẻ là cứ tiếp tục hình thành trên những dòng dung nham bi thảm, và sự bất an của đất lại chen vào khiến cho hết thảy những tầng tầng lớp lớp là được nâng lên, và con sông tiền sử lại ngang ngược cắt ngang qua làm bày ra hết thảy những gì đã bị thời gian vùi lấp, olduvai…olduvai..tôi nghe như có tiếng hát từ đại hồ Victory vọng lại, tiếng hát của những người Kenya đang bủa lưới đêm, giữa tiếng hát mơ hồ của những người đánh cá đêm, tôi nhìn thấy những hài cốt của tổ tiên con người và những chiếc riều làm bằng đá thạch anh như đang bày ra trên hẻm núi định mệnh Olduvai
6.
tôi cũng khẽ hát Olduvai…Olduvai…và nhìn thấy những xiêm y lả lướt giữa trời đêm, những vũ nữ ngực trần áo xiêm lả lướt là đang nhảy múa điên cuồng giữa những vì sao, bày tỏ niềm bi thiết của trần gian bằng nhảy múa cũng chỉ là cách thức để cho dòng lịch sử gập ghình khúc khuỷu của mình ngấm vào cỏ cây, ngấm vào sương tuyết, tôi cứ khẽ hát Oduvai…Olduvai…và nhìn thấy như cả châu Phi đen đang nhảy múa điên cuồng giữa bầu trời đêm
7.
đêm , tôi nằm dưới bóng núi Kilimanjaro nghĩ về những chiếc riều bằng đá thạch anh, nghĩ về nền văn hóa sơ nguyên của loài giống của mình, niềm vui sướng là đang dâng lên trong lòng tôi, vào khoảng nửa đêm thì thấy nhà truyền giáo người Đức, ông Johann Rebmann, từ trên đỉnh Kilimanjaro băng xuống chỗ tôi, xin chào khách hào hoa, ông nói, xin chào nhà thám hiểm của thời đại, tôi nói, ta đang băng qua bình nguyên Tsvo thì bắt gặp Kilimanjaro như nàng công chúa đang say ngủ, lập tức ta khao khát muốn biết những gì đang xảy ra trên ngọn núi ngàn năm tuyết phủ, và ta đã phải trải qua bao nhiêu cảnh quan khí hậu, những cánh rừng nhiệt đới ken dày cây lá, những đầm lầy muỗi vắt, những đồng cỏ mênh mông, những bãi đá hoang vu với những loài địa y lạ lẫm, là ta đã leo lên núi Kilimanjaro, ông Johann nói, và trao cho tôi bản ghi chép về mái nhà hùng vĩ của châu Phi đen, ta đã nhìn thấy được một tặng vật khác thường trời đất đã đem ban tặng cho loài giống con người, ông Johann nói, và băng về phía những trăm năm trước
8.
thật ra thì những kỳ vĩ khác thường như đã được sắp đặt từ lâu, từ sáu mươi triệu năm trước các lục địa Loxia ở phía bắc và Gôngvara ở phía nam vốn tách ra từ lục địa nguyên thủy Pangie lại vừa tiến lại gần nhau vừa tan vỡ ra thành những mảng nhỏ trôi dạt tứ phương, những mảng nhỏ Arap, Nubia, Somali vỡ ra từ lục địa Gôngvara là đã tạo ra một dáng vẻ kỳ vĩ khác thường, thung lũng giãn nứt Đông Phi là một dáng vẻ kỳ vĩ khác thường của châu Phi đen, từ đó là núi lửa phun trào, từ đó là những dòng dung nham ngày đêm không ngớt phủ lên những khe nứt định mệnh như thể muốn xóa đi dấu vết của thời gian, đêm tôi nằm dưới bóng núi Kilimanjaro cũng có nghĩa là nằm trên vết nứt của thời gian, vị nữ thần cai quản vết nứt Đông Phi có lẽ đã đợi tôi từ rất lâu, vừa sáng tinh mơ đã đến gặp tôi, xin chào người đến tự phương đông của những đồng lúa xanh tươi, nghe cách chào hỏi tôi nghĩ nữ thần cũng gốc ruộng đồng như tôi, em vốn sống ở bình nguyên Tsvo, nhưng vị thần coi ngó vết nứt Đông Phi không chịu nổi cảnh ngày nào cũng nhìn thấy những dòng dung nham tuôn ra từ ngọn núi Kilimanjaro, buồn quá, bỏ đi biệt tích, từ đó em phải vừa làm công việc cai quản đồng ruộng Tsvo vừa làm công việc coi ngó vết nứt Đông Phi, từ giọng nói, ánh nhìn, cho đến những cử động tay chân là thuộc về một bộ tộc châu Phi nguyên mẫu, tôi như bị cướp mất hồn vía bỡi thứ vẻ đẹp cổ xưa kỳ lạ, bấy giờ thì mắt tôi vẫn đăm nhìn đôi bầu vú nữ thần được phủ bằng một lớp lưới nhung tơ, nhưng cả hình hài thân xác tôi thì như đang tan chảy thành nước, một thứ niềm vui như tàn phá được cả thế giới là đang diễn ra trong cuộc gặp gỡ có vẻ định mệnh, có đời nào tôi lại đi nghĩ mình sẽ gặp được một vị nữ thần xinh đẹp trên đất châu Phi đen, chắc là người đến từ phương đông xa xôi cũng nhận ra em là con gái của bộ tộc Maasai cổ xưa,
cuối cùng thì vị nữ thần xinh đẹp của tôi cũng thừa nhận mình là thuộc về vẻ đẹp xưa cũ
9.
thật ra bấy giờ tôi cũng không dám chắc đấy là vị nữ thần coi ngó vết nứt Đông Phi hay là người con gái của một bộ tộc Maasai nào đó được cử đến đón tôi, bỡi theo tôi biết người Maasai ở châu Phi đen rất hiếu khách, bấy giờ là tôi vẫn không rời mắt khỏi đôi bầu vú căng đầy của nữ thần, vừa say đắm nhìn thứ vẻ đẹp có sức dẫn dắt đến cõi nguyên sơ tạo tác, vừa hình dung ra những cảnh trí của cuộc du cư lãng tử, cuộc sống của người Maasai là cuộc du cư lãng tử, mới hôm trước nhìn thấy những lều trại mọc lên nơi nơi đồng cỏ dưới chân sơn nguyên Ethiopia, qua hôm sau đã biến mất hết, cuộc sống của người Maasai là luôn chảy theo nhịp chảy trong huyết quản của mình, ngày, bọn họ cùng đàn gia súc trên đường dong ruổi, đêm, lũ cừu dê ngủ nghỉ, còn bọn họ thì ôm nhau nhảy múa, như có một thứ mời gọi kỳ bí của tiền sử, tôi khẽ hát homo…homo… và ôm lấy thân thể vị nữ thần xinh đẹp của mình bắt đầu bước theo những nhịp điệu điên cuồng đang ồ ạt hình thành trong cảm xúc của tôi, xưa nay em vẫn thích nhảy múa thế này, vị nữ thần xinh đẹp của tôi nói, và áp sát đôi bầu vú vào ngực tôi, bấy giờ thì tôi nghe thấy như có cả mùi cây lá có cả mùi ghềnh thác đang tỏa ra từ nơi cơ thể cường tráng của người con gái của bộ tộc Maasai, bấy giờ là tôi chẳng còn đủ sức để phân biệt đâu là thần đâu là người, tôi cứ ôm chặt lấy người con gái Maasai, hôn lên môi hôn lên mắt nàng, sáng hôm ấy là chúng tôi ôm nhau nhảy múa như điên dưới bóng núi Kilimanjaro
hai mươi hai,
những chuyến đi định mệnh,
định mệnh cả trong cách chọn lựa
lúc ra đi và cả cách thức ra đi…
1.
tôi muốn nói về tổ tiên con người với những lời thành thật của kẻ hậu thế vốn mang tiếng là thuộc về văn minh đương đại, nền văn minh tựa hồ được tạo dựng bỡi những giấc mơ chứ chẳng phải bỡi chính bàn tay con người, tôi muốn nói về tổ tiên tôi với cách thức nói năng của đám cháu con còn biết quá ít về tổ tiên mình, tôi cứ mường tượng những cánh đồng cỏ xavan mênh mông giá rét tổ tiên tôi từ đó lặng lẽ bước vào lịch sử,
thứ lịch sử được làm ra tự những ngày tổ tiên tôi vừa đứng lên giữa giá rét đã làm tốn thật nhiều trí não và công sức những nhà chép sử chân tình, vào một ngày không lấy gì làm vui của thế kỷ, tôi chợt nhìn thấy những giọt nước mắt vui sướng của những kẻ đi tìm hài cốt tổ tiên, những giọt nước mắt vui sướng của những nhà khảo cổ học đã nhỏ xuống châu Phi đen,
2.
hóa thạch Kanam là một ví dụ cảm động trong trăm ngàn ví dụ cảm động về công cuộc tìm kiếm hình dáng tổ tiên con người, vào một ngày của năm trăm nghìn năm trước một người đã nằm xuống ở ven hồ Victoria thuộc đất nước Kenya, một tiền homo sapien đã nằm xuống, và mãi năm trăm nghìn năm sau, vào một ngày của thế kỷ trước, một nhà khảo cổ học người Anh, ông Louis Lesky, mới tìm thấy hài cốt kẻ ấy trong cuộc tìm kiếm gian nan của mình ở Kanam thuộc đất nước Kenya, nhưng đấy cũng chỉ là một chiếc xương hàm dưới của tổ tiên tôi, chỉ là hóa thạch của một chiếc xương hàm, cuộc hội ngộ thật cảm động giữa tổ tiên tôi và nhà chép sử chân tình, lập tức những cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra trên thế giới giữa những nhà khảo cổ học và địa chất học nhằm tìm kiếm một giải đáp nghiêm cẩn cho câu hỏi có phải đó là di cốt của tổ tiên con người,
3.
và Ol Orgessailie , ai đã nằm xuống Ol Orgessailie hằng triệu năm trước, tôi cứ mường tượng về một Ol Orgessailie triệu năm trước, dãi đất phương nam của đất nước Kenya nằm trong vết nứt Đông Phi, tôi cứ mường tượng về những biến cố lớn lao triệu năm trước ở Ol Orgessailie, một hồ nước lớn đang khô cạn, sự hiện diện của những dòng sông, và sự phun trào của núi lửa, vào một ngày của những năm bốn mươi của thế kỷ trước, nhà khảo cổ học người Anh, Louis Leaky, đã nhìn thấy trong lớp trầm tích ở lưu vực Ol Orgessailie những chiếc rìu đá cầm tay thuộc nền văn hóa Acheulean với đoán định chủ nhân của nó là con người đứng thẳng, sự đoán định kéo dài cho đến hơn nửa thế kỷ sau, vào một ngày những năm mười của thế kỷ này, lần đầu tiên ở Ol Orgessailie, nhà khảo cổ học Rick Potts của viện bảo tàng Smithsonia đã tìm thấy được di cốt của người đứng thẳng, cũng chỉ là những mẫu hóa thạch ít oi, một mảnh xương thái dương cùng với một mảnh xương trán, tổ tiên tôi đã nằm xuống trong tro tàn núi lửa Suswa triệu năm trước, và chỉ để lại nửa nhúm xương khô, những con người đứng thẳng đã sống ở đồng cỏ xavan ở Ol Orgessailie nhưng lại chết ở những vùng núi cao , nơi bọn họ có thể khai thác đá để tạo ra một nền công nghệ chế tác những chiếc rìu đá cầm tay nổi tiếng người đời sau gọi là nền văn hóa Acheulen của châu Phi đen,
4.
Và Kanjera lại là một phát hiện có vẻ lãng tử kỳ hồ nhưng không phải là không có sức thuyết phục, Kanjera là nằm trên bờ nam vịnh Winam của hồ Victoria thơ mộng của đất nước Kenya, tổ tiên tôi đã nằm xuống nơi vịnh hồ thơ mộng từ hai triệu năm trước, hai triệu năm lắng nghe những cuộc chuyện trò của những người đánh cá trên sông nước đại hồ, những câu chuyện về xung đột màu da, về sự buôn bán nô lệ và về sự chém giết nhau vô cớ trên đất châu Phi đen, chẳng ai biết tổ tiên tôi đã nằm xuống ở đó, cho đến những năm tám mươi của thế kỷ trước mới có một cuộc tìm kiếm di cốt con người ở đó, và mãi đến đầu thế kỷ này mới có cuộc tìm kiếm thứ hai do Ritt Potts đề xướng, sau khi khai quật được các mảnh hộp sọ người, các hóa thạch động vật và các công cụ đá ở Kanjera, những nhà khảo cổ học của viện Smithsonian đã đi đến kết luận những thứ đó là bằng chứng về một một giai đoạn quan trọng trong cuộc tiến hóa của con người, thời con người tạo ra các nền công nghệ đá, thời có sự kéo dài của đôi chân và sự thích nghi với môi trường nóng, hết thảy những biến cố ấy là bằng chứng về sinh hoạt sớm nhất của họ người đứng thẳng trong môi trường đồng cỏ, có nghĩa, từ hai triệu năm trước ở Kanjera, tổ tiên tôi, những người đứng thẳng, cầm trong tay những công cụ đá thuộc nền văn hóa Oldowam và đi lại trên đồng cỏ xavan
5.
những khu rừng nhiệt đới bao phủ vùng xích đạo châu Phi đen cứ nới rộng ra và thu hẹp lại theo các đợt băng kỳ ở bắc bán cầu
cho đến một hôm của bảy triệu năm trước
vết nứt Đông Phi xuất hiện nâng cao phần đất phía đông hơn hai nghìn mét khí hậu biến đổi và đồng cỏ xavan hiện ra
nhưng nếu không có đồng cỏ xavan hiện ra ở châu Phi đen thì có sự xuất hiện của con người đứng thẳng hay không
tôi không biết
và nếu đấy là sự cố ý của tạo tác
thì chuyện xuất hiện đồng cỏ xavan ở châu Phi đen có phải là tặng vật của trời đất dành riêng cho loài giống con người
tôi không biết
nhưng khi nghĩ về những điều đó tôi không thể không vừa thấy vui vừa thấy buồn cười
tôi vui vì nếu không có chuyện con người đứng thẳng xuất hiện ở đồng cỏ Đông phi (nếu như đó là chuyện thật) thì sẽ không có ông cao ông cố tôi không có cha tôi có nghĩa là không có tôi
nhưng khi tôi sống giữa thế giới con người nơi mặt đất thì những nghĩ ngợi của tôi thêm vô cùng rối rắm
bỗng hậu duệ những con chuột chù nhỏ bé đứng thẳng lên nơi mặt đất gây sự với cả mặt trời mặt trăng gây sự với cả đất đai
gây sự với cả núi sông rừng biển
và tạo ra không biết nhiêu là nền văn minh
tôi không biết các loài giống khác có thấy khiếp sợ về câu chuyện ấy hay không
nhưng quả tình sự hiện hữu của con người nơi mặt đất là vô cùng kỳ vĩ và vô cùng kỳ dị
và điều kỳ dị nhất là con người nơi mặt đất vẫn đeo đuổi việc giết hại nhau
giết hại nhau theo đủ cách
và giết hại nhau trong suốt quá trình lịch sử của mình
tôi không thể không buồn cười vì cứ nghĩ đây là trò chơi của tạo tác
con người là nhân vật kỳ cục trong một vở kịch kỳ cục tạo tác đã âm thầm dựng lên nơi mặt đất để làm vui thế giới
6.
những thứ bóng tối ghê rợn là vẫn còn diễn ra dưới ánh mặt trời đương đại
nhưng dẫu gì thì con người cũng đã cố xua đuổi chúng tự những ngày đầu của lịch sử
lửa
khi tìm thấy lửa là lúc con người tiền sử quyết xua đuổi bóng tối ra khỏi cuộc sống của mình
có một cách nói khác về cách thức tìm ra lửa của người tiền sử là thần Promethe đã đánh cắp lửa trời đem tặng cho con người
và có phải đây cũng là trò chơi của tạo tác
cho đến lúc tôi viết ra những điều này thì các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy dấu vết của lửa thuộc thời kỳ đầu con người đứng thẳng bước đi trên đất châu Phi đen
là trò chơi của tạo tác
hay con người vẫn chưa nhìn thấy hết những bí mật của tổ tiên vẫn còn dấu kỹ trong đất
tôi không biết
nhưng chưa tìm thấy dấu vết của lửa trong buổi ban đầu của những người đứng thẳng có nghĩa khi bước ra khỏi châu Phi đen để tìm kiếm nơi cư trú mới
khi đêm đến
tổ tiên tôi ngoảnh lại nhìn thấy miền đất cũ của mình vẫn chìm trong tăm tối
7.
tôi giả định về một cuộc ra khỏi châu Phi đen của những người đứng thẳng và đón đợi họ ở eo biển Gibranta, tôi đoán thế nào bọn họ cũng vượt qua eo biển này để bước lên bán đảo Iberich, bấy giờ là đang băng kỳ Minden, kỳ băng giá thứ hai trong bốn kỳ băng giá điển hình ở Anpo, châu Âu, băng tuyết nối liền mũi Maroki của châu Phi đen với đất Tây Ban Nha của bán đảo Iberich, tuy giá buốt nhưng tôi vẫn giữ được sự thư thả của kẻ đi tìm đồng điệu, bài hành ca của tôi là những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi, và giờ đây đồng điệu của tôi là những người đứng thẳng đang đi tìm nơi cư trú mới, tôi chờ, đêm tiền sử như thể chỉ toàn những trắc trở và những khao khát, tôi khao khát được nhìn thấy những gương mặt tổ tiên lần đầu tiên rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, tôi khao khát được bước vào thứ thời khắc của sự dịch chuyển mang tính lịch sử, thì chẳng phải nếu không có dịch chuyển thì sẽ không có thế giới hay sao, đêm băng tuyết như thể cứ bày ra trước tôi thứ kỳ vĩ và kỳ bí nhất trong những kỳ vĩ và kỳ bí của trời đất, giá buốt bấy giờ tựa hồ một thứ màu đen vô cùng tận, thứ sắc màu chỉ khiến cho con người ta nghĩ đến sự hủy diệt, trong thứ tâm trạng chưa bao giờ trải qua, tôi chợt nghe như có tiếng hát của người kỷ nữ cheo đò trên sông thuở ấy, tiếng hát buồn thảng thốt, thì ra là lũ sếu Địa Trung Hải buông lời thở than khi không còn thấy biển, và khoảnh khắc ấy đã đến, xin chào những người đi tìm đất mới, tôi cất lời chào hỏi thật to, khi trông thấy những con người đứng thẳng dềng dàng tiến vế phía tôi, chưa có lời nói, nhưng chẳng biết là đã có ý nghĩ hay chưa, các vị tổ tiên tôi chỉ im, và khi vượt qua tôi người nào cũng khẽ chạm vào tôi, nhờ thứ ánh sáng phản chiếu từ tuyết trắng, tôi đã nhìn thấy được những nụ cười nở trên môi tổ tiên tôi, tôi biết là họ đang vui, còn tôi thì như nhận được ngọn lửa tiền sử ấm áp vừa mới được tổ tiên truyền cho, tôi nhắm chặt mắt để giữ niềm hạnh phúc kỳ bí, và khi mở mắt ra thì những con người đứng thẳng đã khuất mất trong thứ màu đêm vô tận, chẳng hiểu sao tôi lại thấy buồn vì cứ nghĩ chuyến đi ấy của tổ tiên tôi như một thứ định mệnh khắc nghiệt.
8.
Tôi băng qua Địa Trung Hải, băng qua băng giá, lẽ ra phải cảm thấy rét mướt bời bời, đằng này đã không thấy lạnh mà cứ nghe như người tôi đang nóng bừng lên trong nỗi hân hoan khó tả, có lẽ là tôi mới vừa trải qua thứ thời khắc trọng đại nhất trong đời mình, thì đã bao giờ tôi được nhìn thấy tổ tiên mình đang trên đường đi tìm nơi cư trú mới, cho dù có nghĩ ngợi rất nhiều về những ngày sắp tới đối với những con người vừa mới rời khỏi cái nôi của mình, tôi vẫn cứ thấy hân hoan, lũ sếu luyến tiếc biển cả chốc chốc lại vút qua bầu trời trên đầu tôi buông lời sầu não, dường có tiếng nước chảy ở bên dưới lớp băng tuyết dưới chân tôi, tôi thử cố lắng nghe, và chợt hiểu là mình đang dừng chân nơi con sông Nill chảy ra biển Giữa, lửa, và tôi đã nhìn thấy được những ngọn lửa diệu kỳ lóe lên trong bầu trời đêm tiền sử, trên các đỉnh núi Atlat, Anpo, Hymalaya, Roches và Ande đều có lửa, những ngọn lửa vụt hiện vụt mất, nhưng tôi biết là tổ tiên tôi đã rời các đồng cỏ ở châu Phi đen để đi gầy dựng một thế giới đông vui hơn, và lần này thì không phải là thứ cảm giác nhớ nhung, tôi đã nghe thấy tiếng hát của người kỷ nữ ngày ấy, sông nước đã cạn chừ, em đi…, nhưng bây giờ thì em đi đâu, tôi hỏi, nàng im, ôm chặt lấy người tôi như thể để truyền cho tôi thứ cảm xúc yêu thương, em đã cùng tổ tiên chúng ta đi tìm nơi cư trú mới, nàng nói, tôi vui sướng vô ngần vì người tôi yêu đã chọn được một cuộc hành trình mang tính lịch sử, tình yêu em dành cho ông đang ngược về phía cổ xưa, nàng hôn tôi, và nói như để thay lời từ biệt
9.
cuộc chuyện trò giữa tôi và thần Promethe mang tính triết học hơn là lịch sử (con trai của nữ thần Themis bảo là ông ta phải đến gặp tôi bỡi tôi là khách hào hoa)
rốt cuộc thì người ta cũng phải tháo bỏ xiềng xích cho ngài
đem lửa lại cho con người đâu phải là điều tội lỗi
nhưng chẳng biết vì đâu người ta không tìm thấy dấu tích của lửa trong buổi đầu tổ tiên tôi sống ở các đồng cỏ châu Phi đen
nói Promethe đem lửa lại cho con người chỉ là một cách nói ẩn dụ
thực ra ngọn lửa trần gian của loài người là bắt đầu từ trong lòng loài giống con người lũ các người
thưa như thế lửa cũng là một thứ định mệnh
nếu châu Phi đen là cái nôi của loài người thì những chuyến đi định mệnh là bắt đầu từ đó
định mệnh cả trong cách chọn lựa lúc ra đi và cả cách thức ra đi
và ngay cả việc tôi đi tìm đồng điệu của tôi ở châu Phi đen cũng là định mệnh
bỡi chỉ thoáng nghĩ người kỷ nữ chèo đò trên sông đang đi về phía châu Phi đen là tôi cũng lao về châu Phi đen
(tôi nghĩ và chẳng dám nói ra với thần Promethe)
hai mươi ba,
tặng vật của trời,
tư duy và ngôn ngữ, thứ năng lực kỳ dị
đã phát động được cả tình yêu, cả sự
thù nghịch, phát động được cả hòa bình
và cả những cuộc chém giết nhau trong
suốt lịch sử con người,
1.
tôi cứ mường tượng về những ngày tổ tiên tôi lặng lẽ sống giữa đất trời, tiếng gió rú trên ngàn, tiếng đổ ầm của băng tuyết, và lời thì thầm của cây lá mùa xuân, hết thảy là đều có tiếng nói riêng, tiếng nói của gió của mưa, tiếng nói của hoa lá, của muông chim, chỉ tổ tiên tôi, những người đứng thẳng, là chưa có, vẫn lặng lẽ đi lại dưới bầu trời tiền sử, tôi cứ mường tượng một ngày, người hái lượm trở về trong buổi chiều hôm, cả hang động ùa ra, nỗi mừng vui của kẻ tìm được thức ăn trở về, nỗi mừng vui của người sắp được nhận thức ăn, là đều được làm bằng lặng lẽ
2.
cứ thế, những đương đầu với giá rét, những nhọc nhằn trong các cuộc săn đuổi con thú hoang, đêm lại giương mắt chờ những tai họa bất ngờ lũ mãnh thú mang tới, cứ thế, những hình ảnh ngoại vật ấy cứ tích lũy đâu đó trong tổ tiên tôi, cái cũ, cái mới, cái còn nhìn thấy được, cái không còn nhìn thấy được, hết thảy chúng ẩn nấp đâu đó trong tổ tiên tôi, thỉnh thoảng lại hiện ra như thể là đang xảy ra, cứ thế, hết thảy những thứ như thế, tự bao giờ, lại kết tụ lại, nối kết lại thành thứ năng lực, mãi mấy ngàn năm sau, hay mấy triệu năm sau mới biết đấy là trí nhớ, là trí não, thứ năng lực gọi là trí nhớ là trí não bằng một cách nào đó lại gọi được tên thứ sự vật đã được nối kết bằng những hình ảnh từng được tích lũy ở trong nó, và cho đến một hôm, người hái lượm trở về, khi sắp bước vào nơi cư trú của mình, bỗng thốt gọi lên, hãy kéo hết ra đây, người hái lượm trở về bỗng nói ra được những điều đang diễn ra trong trí não, nói ra được cái được gọi là tiếng nói con người, cứ thế, cái được gọi là trí nhớ là trí não cứ tiếp tục sinh ra tiếng nói và sinh ra nghĩ ngợi, thì tôi cũng chỉ mường tượng về cách sinh ra ngôn ngữ và tư duy của tổ tiên tôi
3.
chỉ nghe mấy tiếng Sahara là người ta nghĩ ngay đến châu Phi đen
Sahara một ngày thu như sắp có mưa
tôi lại thấy nhớ những cô gái giặt áo trên sông rất dễ mủi lòng
ông vừa mới từ phương đông đến
những người chăn cừu ở hoang mạc Sahara hỏi khi trông thấy tôi
tôi hỏi làm sao mà biết
bọn họ bảo chỉ nhìn ánh mắt có nhiều nỗi hoài nghi ở nơi tôi thì rõ
tôi không có lời thanh minh nào về những nhận xét của những người chăn cừu gốc Berber
chỉ nói nỗi hoài nghi nơi nào lại chẳng có
bọn họ cười chỉ tay về phương bắc và bắt đầu nói về tổ tiên người Berber của mình
nhờ hoài nghi sự không bền vững của trần gian mà vua Masinissa đã thành lập được vương quốc Numidia tiền thân của đất nước Algieria
và nhờ hoài nghi mà vị tướng Tarik đã đánh chiếm được Hispania ở bán đảo Iberich thời trung cổ
tôi không dám nói gì thêm vì biết Berber là dân tộc hiếu thắng (Tarik đã thống lãnh bảy nghìn người Berber tiến đánh Hispania, tên ông đã được đục vào một ngọn núi đá ở bờ biển bán đảo Iberich nơi quân đội ông sẽ đổ bộ lên, người Berber gọi là núi Tarik, gebel al Tarik, về sau người Âu đọc thành gibranta, eo biển Gibranta )
4.
tôi lên cao nguyên Tassili N’Ajjer theo sự hướng dẫn của những người chăn cừu ở hoang mạc Sahara
những dáng vẻ kỳ bí của Tassili N’Ajjer lập tức quyến rủ tôi
Tassili N’Ajjer còn có ngĩa là cao nguyên thăm thẳm
độ cao một nghìn một trăm năm mươi mét là đường trần thăm thẳm
mùa thu ở Tassili N’Ajjer có vẻ gì như những trang tiền sử đang mở ra giữa thời đương đại
tôi cứ đứng nhìn ốc đảo Sahel lộng lẫy gữa sa mạc và chợt nghe như có ai đó đang nói ở trong tôi
thì ngươi cứ thử xem có phải thứ năng lực gọi là ngôn ngữ và trí tuệ của tổ tiên ngươi đã để lại những dấu vết kỳ vĩ ở những hang động sa thạch kỳ vĩ trên cao nguyên
không có ai
chỉ là ký ức của tôi đã lên tiếng trong tôi
Tassili A’jjer là chốn thiên đường giữa sa mạc
thứ thiên đường làm bằng núi lửa và núi đá sa thạch và những cỏ cây kỳ lạ như được tạo tác đem bày biện cho đẹp thêm các hẻm núi và các thung lủng nơi cao nguyên
nhưng Tassili A’jjer là bằng chứng minh xác nhất để nói rằng, vào một ngày nào đó của những nghìn năm trước, tổ tiên tôi đã sở hữu được thứ năng lực chỉ có ở loài giống con người, bằng trí tuệ và ngôn ngữ đã sở hữu được, tổ tiên tôi đã nói ra trong những tranh vẽ và bản khắc nơi hang động Tassili A’jjer vê những biến đổi khí hậu về sự di trú của các loài động vật và về cuộc tiến hóa của con người trong vùng hoang mạc Sahara tám nghìn năm trước
mãi khi xuống khỏi cao nguyên Tassili A’jjer tôi mới nhìn thấy dáng con đại bàng Aquila của Sahara đang lướt qua bầu trời hoang mạc
tôi lại cứ đứng ngẩn ngơ nhìn dáng cây tùng Địa Trung Hải nơi ốc đảo Sahel đang lẫn vào màu xám của buổi chiều thu buồn nơi hoang mạc Sahara
5.
bài hành ca của tôi là những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi
và giờ đây đồng điệu của tôi đang chờ tôi ở hoang mạc Kalahari
và khi tôi sang sông Limpopo thì hoang mạc Kalahari đã vào đêm, trời đêm mùa đông như được tăng thêm vẻ huyễn hoặc bỡi những cuộc dịch chuyển li kỳ của lũ thú hoang trên hoang mạc, đêm tựa thứ thời gian dành riêng cho chúng, đâu đây như có tiếng chân đuổi nhau của lũ sư tử rừng Bosswana, lũ thú hiếu chiến dường cả đời dành cho những cuộc tranh đoạt con mồi trên hoang mạc, và từ phía sơn nguyên Drakenberg như đang vọng lại tiếng gầm rú của lũ thú háu đói, và trên bầu trời trên đầu tôi lũ chim đa tình đang rậm rực vỗ cánh bay vào những cuộc truy đuổi bạn tình, giữa thứ âm vang hỗn tạp của đêm hoang mạc tôi cứ mường tượng về thuở những cư dân nông nghiệp và chăn thả ở phương bắc tràn qua sông Limpopo tạo nên cuộc sống đa chủng ở nơi miền đất phương nam cằn cỗi của châu Phi đen
buổi sáng
những người chăn gia súc trên hoang mạc có vẻ không hài lòng khi tôi gọi họ là những người San thân thiết
ở đây chỉ có Brushman
những người chăn gia súc nói
và bỏ đi
tôi giật mình nhớ lại những gì tôi đã biết
thì ra lịch sử đã để lại rất nhiều tên gọi cho người bản địa của hoang mạc Kalahari
là Kung
hay là San
hay là Brushman, là Basarwa
nhưng San có nghĩa là người ngoài cuộc
và Basarwa là không gì cả
xin chào những người Bruhman thân thiết
tôi đã đi tìm lại bọn họ và cất tiếng chào hỏi
Brushman hay Kung đều có nghĩa là những cư dân đầu tiên nơi hoang mạc Kalahari, những người đã để lại sáu nghìn bức tranh và ba mươi lăm nghìn hình ảnh nơi hang động Drakenberg, Nam Phi, những nghệ thuật trên đá mô tả cuộc sống những người đứng thẳng thời tiền sử ở đất phương nam cằn cỗi của châu Phi đen
6.
và Akakus Mesak Settafet Tadrart ở Lybia
và Dhambalin ở Somalie
và Appolo 11 ở Namibia
và còn nhiều khác nữa trên đất châu Phi đen
những văn bản nghệ thuật trên đá
dấu vết của thứ năng lực kỳ dị của con người
tư duy và ngôn ngữ
thứ năng lực kỳ dị đã phát động được cả tình yêu cả sự thù nghịch
phát động được cả hòa bình và cả những cuộc chém giết nhau trong suốt lịch sử con người
7.
tôi lại quyết định ngược về phương bắc
ngược về phía vùng Sừng châu Phi đen
người ta nói Ethiopia và Somalia là những đất nước sở hữu sớm nhất những đền đài lăng tẩm sở hữu sớm nhất những kim tự tháp hùng vĩ chứ chẳng phải Ai Cập nơi có những công trình lăng tháp cổ sơ
tôi đi
và chỉ nhìn thấy trong tâm tưởng dấu tích của những trường thành lăng mộ
dẫu diễn ra nơi đâu thì dấu tích trí tuệ của tổ tiên tôi vẫn là nguồn cảm hứng vô biên đối với kẻ đang đi tìm đồng điệu
Ethopia và Somalia vẫn còn ngổn ngang thế sự ( vẫn chưa im được tiếng súng và vẫn còn chết chóc và đói khát )
nhưng cứ giả như chẳng nghe thấy
giả như chẳng nhìn thấy
tôi cứ cho hết vào ngoặc những ngổn ngang ấy và thẳng đến Lass Gaa’l
ngoại ô Hargeisa lặng lẽ với những hang động kỳ tuyệt
sự kỳ tuyệt tựa sự thách thức của tổ tiên tôi
năm ngàn năm vẫn còn nguyên màu sắc của một vùng đất
Somalia…Somalia…
tôi cứ thầm đọc tên gọi của một vùng đất
những con thú hoang chẳng còn ai biết tên tuổi
và những con bò trong tranh mặc áo nghi lễ
nghệ thuật là niềm tin vào sức tiếp cận trời đất của con người
con người với trời đất là một
nghệ thuật với tôn giáo là một
tôi cứ sững sờ trước những tuyệt phẩm trên đá
dường chẳng thể nói ra được điều gì
nhưng lại có thể nói ra tất cả
tôi cứ ngẩn ngơ trước một bích họa như có người con gái đang đăm mắt nhìn trời
là đang nguyện cầu
hay đang chờ đợi
hay tình yêu cũng là tín ngưỡng
tôn hôn lên hình ảnh người con gái của dáng ve vô biên
hôn lên ngôn ngữ và trí tuệ của tổ tiên tôi
và ra đi
hai mươi bốn,
những cuộc khai sáng định mệnh,
có người nói khi con người đã lấy lên khỏi
mặt đất thứ gọi là sắt thì nhân loại bắt đầu
bước vào thứ lịch sử đầy bi kịch
1.
và thứ năng lực kỳ bí của tổ tiên tôi
sau văn minh đá
vẫn tiếp tục nói ra những nền văn sáng giá khác
văn minh đồng thau
văn minh sắt…
tôi mường tượng một ngày tiền sử
lũ chim rừng ca hát còn tổ tiên tôi thì mãi mê săn đuổi con thú hoang
rừng tiền sử tựa chốn sinh cơ lập nghiệp trời đất dành riêng cho muôn loài
trùng điệp lũ phù du ngã xuống
trùng điệp rừng cây thay lá
dường chẳng hay biết gì cả
chẳng hay biết có ngày mai có hôm qua
tổ tiên tôi cứ sáng ra là lặng lẽ theo đuổi con thú hoang lặng lẽ nhặt trái cây rừng
lịch sử với tổ tiên tôi là săn đuổi và hái lượm
cho đến hôm bọn họ bỗng la toáng lên có cái mầm cây đang nhú lên trên mặt đất
chuyện của nghìn triệu năm qua
nhưng vơi tổ tiên tôi là mới
tôi mường tượng một ngày tiền sử tổ tiên tôi la toáng lên là bọn họ đã nhìn thấy sự thật
rằng trái rừng rụng xuống sẽ mọc lên thành cây khác
2.
tôi mường tượng một ngày tiền sử
con nai con thẫn thờ giữa chiều hôm lạc mẹ
đám lá rừng động lòng rơi
mặc kệ những chiều buồn con chim lạc bạn tình xao xác
mặc kệ cuộc tồn sinh bốn phía
tồn tại đối với tổ tiên tôi là những cuộc săn đuổi thức ăn
cho đến một hôm bọn họ la toáng lên là đã nhìn thấy con nai con chui ra khỏi lòng mẹ
lần đầu tiên chứng kiến cuộc sinh nở giữa cuộc phù sinh của con thú hoang
tổ tiên tôi đã khóc vì vui sướng
3.
có lẽ cuộc khai sáng bắt đầu từ việc chọc lỗ và gieo hạt
tổ tiên tôi giờ đây đã trở thành người chủ của những đám lúa ngô được gieo trồng bằng cách chọc lỗ và gieo hạt
và trở thành người chủ của đám gia súc vốn là những con vật có cuộc sống hoang dã trên rừng
cuộc khai sáng của tổ tiên tôi cũng lặng lẽ như cái mầm cây vươn lên khỏi đất
cũng lặng lẽ như con vật nuôi lặng lẽ sinh con
cho đến hôm làm ra được cây cày gỗ
con bò bắt đầu kéo cây cày trên ruộng
thì người đời sau nói là tổ tiên tôi đã bước vào cuộc văn minh trồng trọt
nhưng đến khi tổ tiên tôi thay được cái lưỡi cày gỗ bằng cái lưỡi cày sắt thì bắt đầu có chuyện có cái xe chạy bằng bánh sắt để chở những vũ khí bằng sắt trong những cuộc chém giết nhau giữa các xứ sở
4.
không có văn minh sắt thì không có văn minh đương đại
nhưng có người nói
khi con người đã lấy lên khỏi mặt đất thứ gọi là sắt thì coi như nhân loại bắt đầu bước vào thứ lịch sử đầy bi kịch
trong cuộc hành trình đi tìm đồng điệu của tôi
không ít khi tôi lại rơi vào những nghĩ ngợi ngu xuẩn nếu không nói là điên rồ
là cần chi ngựa xe trên trời dưới biển
cứ để tôi và em lãng đãng đi về giữa cỏ cây mây nước
ghi chú ba,
khi con cháu những kẻ ra đi đã trở lại châu Phi đen,
tổ tiên tôi đã rời khỏi châu Phi đen những nghìn năm trước
và những nghìn năm sau con cháu bọn họ lại trở lại châu Phi đen
cũng với thứ di sản thể chất là khung xương vững chắc của giống người đứng thẳng và bộ não to lớn không loài nào sánh kịp
và với di sản tinh thần là thứ năng lực kỳ vĩ của ngôn ngữ và trí óc
nhưng dường lịch sử đã trang bị thêm cho bọn họ sự kiêu căng và tàn nhẫn cùng với một hệ thống trí tuệ và ngôn ngữ mới được đặt nền tảng trên sự giả dối
thì chẳng phải việc lấn chiếm của các tôn giáo, việc thực thi các thứ chủ nghĩa đế quốc chủ nghĩa phân biệt màu da trong nhiều thế kỷ ở châu Phi đen là tột đỉnh của kiêu căng tàn nhẫn và giả dối hay sao…
hai mươi lăm,
những ví dụ lịch sử bi thiết,
mùa thu ở khúc quanh một dòng dòng sông
buồn như khúc quanh lịch sử đầy máu của một
dân tộc có nhiều nỗi niềm…
1.
vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên, châu Phi đen dưới mắt sử gia Herodotus chỉ là miền đất nằm dọc hai bên bờ sông Nill chạy về phía nam hơi song song với biển Đỏ và ngoặc về phía tây dọc theo biên giới các nước Libya, Angieria
với Herodotus, phía nam sông Nil chỉ là hoang mạc, không người ở
thật ra thì nhà lữ hành Hy Lạp chỉ kể lại câu chuyện của một chuyến đi xa gặp những người lùn Pygmees cho rằng mình là dân tộc cổ nhất ở châu Phi đen
còn nhà thám hiểm Karl Mauch, hồi thế kỷ mười chín, cũng giống với nhiều người châu Âu khác, khi đứng trước những di tích đá khổng lồ ở Dimbabwe thì kêu lên rằng một nền văn minh như thế là chẳng thể được xây dựng bỡi tổ tiên tôi ở châu Phi đen
tôi sang sông Dambedi chiêm ngưỡng đất nước Zimbabwe, chiêm ngưỡng những tòa nhà bằng đá, bỡi Zimbabwe còn có nghĩa là những tòa nhà bằng đá, trong lúc chiêm ngưỡng những tàn tích của những công trình nghệ thuật của tổ tiên, tôi cứ nghĩ về sự kiêu căng của đám con cháu những người đứng thẳng đã rời khỏi châu Phi đen thuở ấy
và Ghana, đế quốc của vùng Gò châu Phi đen, trải dài nơi thượng nguồn con sông Niger, người A rập nói đến nó như nói đến một vùng đất vàng, vàng từ Senegal thượng và Ashanti được các thương nhân A Rập chuyển tới Địa Trung Hải theo các lộ trình xuyên Sahara hay xuyên Ai Cập
và Ethiopia, nơi sản sinh chiếc cày chìa vôi và một nền nông nghiệp trù mật, Ethiopia là một thế giới độc đáo, là ốc đảo Ky tô giáo trong đại dương Hồi giáo, là đất nước duy nhất ở châu Phi đen không bị hồi giáo hóa, nhưng bị thiên chúa giáo hóa tự những năm ba trăm sau công nguyên, và còn nhiều khác nữa, những nền văn minh tổ tiên tôi gầy dựng vẫn còn vùi lấp nơi miền đất huyền bí nằm giữa các hoang mạc Sahara và Kalahari
2.
nhưng thế giới bên ngoài biết được châu Phi đen lại nhờ vào những cuộc xâm lấn của đám con cháu những người đứng thẳng đã rời khỏi châu Phi đen thuở ấy
tôi sang sông Dambedi chiêm ngưỡng đất nước của những công trình cự thạch cổ kính và và nghĩ về những cuộc thâm nhập từ phía Ấn Độ Dương của Hồi giáo A rập, chiều Đông Phi buồn tựa thuở các vị thần cổ sơ bị xua đuổi ra khỏi chốn nghìn năm kính tín, hãy ra khỏi đây thôi hỡi các vị thần già cỗi, tôi nghe như có tiếng gươm khua và tiếng thét vang đâu đó của đám đồ đệ Mohamed, và bán đảo A Rập và Ba Tư một bên và Đông Phi một bên, tự thế kỷ thứ bảy sau công nguyên, đám đồ đệ Mahomed đã tràn vào Mogadiscio, Sotala, tràn vào Mesinde, Momnasa, Brava và Zanzibar để lập các thương điếm luôn nhộn nhịp với những cuộc bán buôn nô lệ và vàng, và dường như những mỏ vàng là nằm trên cao nguyên Matabele giữa hai con sông Dambedi và Limpopo, sắt và bông từ phía Ấn Độ chở đến đó bằng thuyền buồm theo những đợt gió mùa, và nô lệ và vàng thì chở đi từ đó
Matabele…Matabele…tôi cứ khẽ lập đi lập lại tên cái cao nguyên định mệnh nằm giữa hai con sông định mệnh, bỡi lẽ trong sự dồn nén của đất đai trong một cuộc tạo sơn định mệnh nào đó, nếu không có hai con sông Dambedi và Limpopo thì cũng không có cao nguyên Matabele, và cũng sẽ không có chuyện những người San hay người Bantu ở quanh đó bị bắt làm nô lệ đào vàng và đưa đi bán ở những nơi khác
- kể từ lúc mang gươm đi chiếm đất cho đến lúc đặt chân lên phía bắc châu Phi đen, Hồi giáo A Rập đã trải qua bảy tám năm chinh chiến, tôi lại ngược về phương bắc, băng qua ốc đảo Sahel, băng qua hoang mạc Sahara, đến các nước Tunisia, Algieria, để nghe kể những câu chuyện chinh chiến thuở xưa
những người berber ở Tunisia nói tôi là khách hào hoa, còn tôi thì cứ mường tượng về cuộc đổ quân của Hồi giáo A Rập, từ dãi Gaza ở Palestin, Ars ibn As đem quân chiếm Pelusium, Memphis rồi tiến về Alexandria, Ai Cập với bốn ngàn dinh thự và cung điện, bốn trăm nhà tắm công cộng, bốn trăm rạp hát, tất cả đều thuộc về tay Ars, sông Nill đỏ máu người châu Phi đen, nhưng một đạo quân Hồi giáo khác, gồm bốn vạn lính, tiến vào sa mạc phía nam sông Nill, chiếm Barca và áp sát Carthage, viên chỉ huy cắm ngọn giáo lên cát, ra lệnh cất trại, dựng một thị trấn nhỏ khoảng năm trăm dặm về phía nam nước Tunisia, thị trấn Kairoum, có nghĩa là chỗ nghỉ ngơi, có nghĩa là cuộc hành binh chiếm đất vẫn còn tiếp tục
4.
tôi cứ mường tượng dải đất từ sông Indus, kéo dài đến Đại Tây Dương, trải qua Ấn Độ, Ba Tư, trải qua Mesopotamie, Antolia, đến Bắc Phi, Tây Ban Nha, dải đất bao la Hồi giáo A Rập có được là nhờ cắm cây gươm xuống đất và thét, “hoặc theo ta hoặc là chết”, thứ chiến lợi phẩm đầu tiên của cuộc lấn chiếm là đất đai, nhưng chiến lợi phẩm có tính cách quyết định sự chiến thắng là số tù binh bắt được từ phía thua cuộc, dẫu hồi giáo Syria, hồi giáo Bagdad, hay hồi giáo Bắc Phi, hay hồi giáo Tây Ban Nha, tù binh thu được từ các nước thua trận đều là chiến lợi phẩm quan trọng hàng đầu, đối với Hồi giáo A Rập, tù binh có nghĩa là nô lệ, bổ sung vào hậu cung các ông vua Hồi là những nữ nôlệ châu Phi đen biết ca hát và nhảy múa, bổ sung vào các binh đội ở Syria, Bagdad là những nô lệ trai tráng biết cầm súng và xung trận theo mệnh lệnh các ông vua Hồi khát máu, công cuộc chinh phục của Hồi giáo A Rập là vô cùng to lớn, các nhà thơ Hồi giáo thay nhau ca ngợi chiến công, ca ngợi thượng đế, ca ngợi rượu và phụ nữ, em cứ chất đầy tội lỗi đi bao nhiêu cũng được, từ Abu Nuway đến Omar Khayyam, các triết gia Hồi giáo thay nhau nói về vũ trụ, nhân sinh, thay nhau ca ngợi Plato, Aritote,
từ Ghazali đến Averroes, văn minh Hồi giáo là vô cùng rực rỡ, nhưng cũng là tàn nhẫn vào bậc nhất, nền văn minh được gầy dựng trên máu kẻ thua cuộc, và dường như, nhiều nhất là máu của châu Phi đen
5.
tôi lại ngược về nam, sang sông Volta, đến Ghana trên bờ biển Gold Cotes để nhìn lại pháo đài São Jorge da Mina người Bồ Đào Nha thiết lập hồi thế kỷ mười lăm trong công cuộc khám phá châu Phi đen của bọn họ, con cháu những người đứng thẳng đến từ phía mặt trời lặn đã để lại nơi đây cả sự ngỡ ngàng lẫn kinh sợ, bỡi sau cuộc đón tiếp những người khách châu Âu ấy là cả một chuỗi năm tháng khổ đau của châu Phi đen
6.
bản tường trình lên vua Bồ Đào Nha João II của thủy thủ Bartolomeu Dias ghi rõ, tháng tám 1487 khởi hành từ cửa sông Tagus ở Lisbon, trước khi vượt qua cửa sông Congo, thủy thủ đoàn vào pháo đài São Jorge da Mina để lấy thêm lương thực, mồng hai tháng mười hai, thuyền chạm vào bờ Angola và bờ của đất nước Nambia cằn cỗi, mồng tám tháng mười hai, thuyền cập vào vịnh Walis Bay, rồi tiếp tục đi về phía nam dọc theo bờ Namaqualand, sau khi qua khỏi những đoạn bờ khắc nghiệt, thuyền cập vào vịnh Elizabeth Bay, mồng sáu tháng giêng 1488 thì nhìn thấy rặn Serra dos Resi ở phía bắc Cedabeg, qua khỏi Serra dos Resi thì gặp những cơn gió mạnh, suốt mười ba ngày không nhìn thấy đất liền, thủy thủ đòn bỗng nhìn thấy mũi Cap of Good Hope, việc phát hiện ra mũi Hảo Vọng, Cape of Good Hope (sau sáu tháng lênh lênh trên Đại Tây Dương của Bartolomeu) đã biến giấc mộng tìm vàng của vua Bồ Đào Nha João II thành hiện thực, nhưng đấy cũng chỉ là bước khởi đầu cho giấc mộng tham tàn của đám con cháu những người đứng thẳng ở phía mặt trời lặn
7.
và São Jorge da Mina là biểu tượng của sự kiêu căng và tàn nhẫn, khi nghĩ đến điều này là tôi đang đứng trên đất nước Ghana, đứng ở nơi khúc quanh của con sông Niger, khúc quanh của một lịch sử bền bĩ dài lâu, bỡi Ghana còn có nghĩa là “chiến binh của nhà vua”, chiến binh của đế quốc vùng vàng, như người A Rập từng nói, nhưng những chiến binh của vua thuở ấy đã gục xuống trước những kẻ có thuốc súng và áo giáp đến từ châu Âu
vào đầu năm 1482, theo lệnh vua Bồ Đào Nha João II, một đoàn thám hiểm gòm mười chiếc tàu rời Lisbon dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Diogo de Azambuja, mang theo một đội quân 600 người đàn ông ( được hổ trợ bỡi 100 thợ xây và thợ mộc ) cùng những vật liệu là đá chạm khắc, thạch cao và vôi, nhiêm vụ của bọn họ là xây dựng một pháo đài nơi bờ biển Gold Cost, Ghana, cứ điểm quân sự đầu tiên ở nam Sahara của châu Âu, đấy là tất cả sự tích của São Jorge da Mina về sau còn được gọi là Elmina, mỏ vàng, vì thực ra pháo đài được dựng lên bằng thuốc súng và áo giáp chỉ nhằm bảo vệ đám con cháu những người đứng thẳng đi săn nô lệ và vàng châu Phi đen
8.
những người Ashanti chăn gia súc ở Ghana hỏi tôi có biết gì về Elmina hay không
tôi nói mình có đọc sách và biết vào năm 1637 người Hà Lan chiếm pháo đài Elmina của người Bồ Đào Nha và biến thành nơi nhốt nô lệ châu Phi đen trước khi đưa đi châu Mỹ, cứ để cho đói khát đến kiệt sức là cách thức chống lại sự nổi dậy của nô lệ châu Phi đen, tôi nói là tôi cũng biết vào cuối thế kỷ mười chín thì người Anh mua lại pháo đài từ tay người Hà Lan và cũng dùng làm nơi chứa nô lệ châu Phi đen, và tôi nói là tôi cũng biết vào những thế kỷ mười bảy mười tám và mười chín thì hằng năm có khoảng ba chục nghìn nô lệ châu Phi đen từ Elmina đưa đi Tân thế giới
tôi sang sông Volta vào một chiều mùa thu
mùa thu ở khúc quanh của một dòng sông buồn như khúc quanh lịch sử đầy máu của một dân tộc có nhiều nỗi niềm
hai mươi sáu,
nát nhừ châu Phi đen,
những giọt nước mắt của đất cũng
nhiều như những giọt nước mắt của người
1.
ở chương đoạn này có tiếng súng và máu
bài hành ca của tôi là những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi
và giờ đây đồng điệu của tôi là những người châu Phi đen đã gục xuống trước họng súng của những kẻ vong thân
chúng tựa như những chiếc xe há mồm chờ chực nuốt những gì có thể
con sâu cái kiến không còn là những trở ngại trong việc tiêu hóa
chúng nuốt luôn con sâu cái kiến đeo bám nơi rừng cây
sự tàn nhẫn hình thành tự những tháng năm không còn nhớ mình là con người hay chiếc xe há mồm
chúng là những chiếc xe há mồm nuốt hết rừng cây và đất đai sông núi châu Phi đen
người phụ nữ bantu của châu Phi đen chết tự lúc đi đào vàng ở châu Mỹ nói với tôi là chị đã trông thấy những chiếc xe há mồm ở nơi đó
sau khi nuốt hết trinh tiết và sức lực của chị và của những đồng đội nô lệ của chị chúng cán lên người chị và những đồng đội chị như cán lên một con giun
chúng là những chiếc xe há mồm băng những rừng cây của châu Phi đen và châu Mỹ làm ngã đổ hết những nền văn minh cổ kính
2.
người ta nói việc con người đi xâm chiếm đất đai của người khác là chủ nghĩa thực dân
cách nói mang hình dáng triết học nhưng dường như chưa diễn tả hết nội dung bi thương của câu chuyện
thực ra chúng là những chiếc xe há mồm chờ chực nuốt những gì có thể
khi nhìn thấy những chiếc mặt nạ bằng đồng tổ tiên người Ashanti để lại ở rừng Tây Phi
và nhìn thấy các cô gái người brushman nhảy múa như điên ở hoang mạc kalahari
lũ xe há mồm không dám tiến vào nội địa
chỉ loanh quanh ngoài rìa châu Phi đen
và dựng lên những pháo đài dọc bờ Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương
são Elmina, são Tom, são…
những cái thương điếm có kê súng đại bác có những cái tên giống như cánh con kên kên chuyên ăn xác người ở hoang mạc Sahara
những chiếc xe há mồm tranh nhau săn nô lệ
tranh nhau cày xới mặt đất để tìm vàng
kim cương
và tranh nhau thiết lập chủ quyền ở các vùng bờ biển
bỡi từ đó chúng sẽ tùy tiện tuyên bố chủ quyền đến vùng đất bên trong
dường như ngày nào chúng cũng tông húc nhau
súng nổ
và người chết
người chết thì nhiều
nhưng lũ kên kên và lũ ruồi nhặng thì chẳng còn có cơ hội để ăn xác chết
bỡi những chiếc xe há mồm cày xới mặt đất cả ngày lẫn đêm
thời gian châu Phi đen là sự cày xới của những chiếc xe há mồm
3.
những người bantu chăn cừu ở đồng cỏ Sudan nói năm 1885 là năm định mệnh của tổ tiên bọn họ
tôi vội mở cổ thư thì thấy trước đó cũng hội nghị Berlin 1878 để kiềm chế nhau trong việc chia đất ở bán đảo Bankan
còn lần này thì kiềm chế nhau trong chuyện chia đất châu Phi đen
đám con cháu những người đứng thẳng ở phía mặt trời lặn đã tự thiết lập cho mình những luật lệ ăn chia
và tự thiết lập cho mình một tấm bản đồ mới châu Phi đen tựa một cánh đồng có những thửa ruộng nhỏ đủ các hình dạng vuông có bình hành có tam giác có
năm mươi quốc gia trên một tấm bản đồ
chẳng trí nhớ nào nhớ nổi một tấm bản đồ đè lên hằng nghìn nền văn hóa
4.
đằng sau khu rừng cây là những hờn căm
những sợ hãi
đau thương
và niềm hy vọng
những thứ ấy
từ thế kỷ này sang thế kỷ khác
cứ rơi vãi lên mặt đất
mọc lên thành những rừng cây khác
và đằng sau chúng là những hờn căm
những đau thương và sợ hãi còn mới tinh khôi
cứ thế
thế giới là một khu rừng thâm u bí hiểm
và lịch sử tựa cuộc khai hoang không bao giờ có kết cuộc
và lũ mãnh thú bao giờ cũng là kẻ chiến thắng ở trên rừng
5.
chủ nghĩa thực dân của đám con cháu những người đứng thẳng làm nát hết đất đai châu Phi đen
và để lại nơi đó một thứ chủ nghĩa khác
thứ chủ nghĩa vô luân nhất trong lịch sử con người, chủ nghĩa phân biệt màu da, làm mất mát không biết bao nhiêu linh hồn người dân bản địa vốn hồn nhiên như cây cỏ
6.
những chàng trai buồn tẻ từng gặp tôi trước đó lại đưa tôi đi thăm hết thảy những người người đã chết trong những khu rừng dày đặt cây lá ở châu Phi đen
đào cạn vàng ở châu Phi đen lũ người có thuốc súng và áo giáp lại đưa bọn chúng tôi sang đào vàng bên châu Mỹ
những chàng trai buồn tẻ nói
và đưa tôi đi lại con đường bọn họ đã đi
có nghĩa
tôi đã băng qua biển cả đến miền đất ngày ấy đám con cháu những người đứng thẳng cũng chia nhau để trị như chia nhau để trị ở châu Phi đen
buổi chiều đặt chân lên rừng Amazon nghe tiếng đàn gỗ và tiếng hát những người da đỏ bản xứ
tôi cảm thấy buồn
và lạnh
ghi chú bốn,
tôi lại xóa hết những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi,
người coi giữ giấy bút của xứ sở nói những khúc hát của tôi là những lời nói thật làm đau lòng cả trần gian, nên đã lệnh cho tôi phải đốt đi, tôi đốt hết những gì đã ghi được trên giấy, và lại quay lại hát trong trí nhớ, bài hành ca của tôi giờ đây chỉ là những gì giữ lại trong trí nhớ, nhưng người coi giữ giấy bút của xứ sở lại đến gặp tôi bảo đó cũng là những lời nói thật, phải xóa hết đi, tôi lại phải xóa hết những gì vừa ghi được trong trí nhớ, và tiếp tục đi tìm đồng điệu của tôi trong nỗi buồn khôn tả…
PHẦN BA
CHỮ NGHĨA LƯU VONG
giờ đây tôi không còn có quyền
ghi lên giấy,
cũng không còn có
quyền giữ trong trí nhớ,
nên tôi phải gửi đi phía mặt trời
lặn, gửi đi phía mặt trời
mọc, và gửi lên
trời những khúc hát đi tìm đồng điệu
của tôi, bài hành ca của tôi giờ
đây là những chữ nghĩa lưu lạc trong
bốn phương trời
hai mươi bảy,
tôi ca ngợi tổ tiên tôi,
tự buổi Người chưa biết mình sở hữu sự thông tuệ
thì Người đã bắt đầu cuộc tìm kiếm chân lý, cuộc
tìm kiếm lạ lùng nhất trong những cuộc tìm kiếm
trong lịch sử của tồn tại, dường chẳng bao giờ kết thúc
1.
bài hành ca của tôi là những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi
và giờ đây đồng điệu của tôi là tổ tiên tôi
những người đứng thẳng từng bước đi trong đêm trường tiền sử
ngọn lửa trí tuệ còn ẩn nấp đâu đó thật xa thật xa trong tổ tiên tôi
chỉ thấy những cỗ tiệc đầu người diễn ra trong đêm trường tăm tối
tôi đã nhìn thấy tổ tiên tôi ăn thịt đồng loại mình
Người ăn thịt đồng loại mình như ăn thịt con mang ăn thịt con voi ma mút hay ăn trái cây rừng
như con hổ trên rừng không hề hay biết là mình đang ăn thịt con mang ăn thịt con voi ma mút
Người cũng không hề hay biết là mình đang ăn thịt đồng loại mình
sau một ngày săn đuổi đồng loại
con mồi thuộc một họ người nào đấy mà Người không hề hay biết
buổi chiều Người mang thức ăn về và cả hang động ùa ra
và giữa đêm trường tăm tối
Người cùng với những người thân thuộc của Người không hề có chút mưu toan nào không hề có chút thâm thù nào
cùng nhau ăn thịt đồng loại mình
cả văn minh lẫn man rợ thuở ấy là đều hồn nhiên như cây cỏ
2.
buổi chưa có ngọn lửa của trí tuệ Người cũng hồn nhiên như mây trên trời
tôi mường tượng một ngày mùa thu
Người ngồi nhìn đám lá hồn nhiên rụng khỏi cành cây và những đám mây trên trời thì chẳng tỏ chút luyến tiếc nào khi không còn nhìn thấy bầu trời mùa hạ trong sáng
chẳng biết đã có chút ý nghĩ nào hay chưa
tôi chỉ thấy Người thản nhiên ngồi nhìn sự đổi thay của tạo vật
tôi cứ mường tượng một sáng mùa thu Người cũng chẳng có chút ý nghĩ nào về cuộc săn đuổi sắp tới
tôi nhìn thấy Người vào một sáng mùa thu có những đám mây trên bầu trời buồn và đám lá rừng thì đang tuân theo qui luật tàn rữa
chẳng hề thấy Người buồn khi nhìn thấy sự tàn rữa của lá và vẻ buồn của bầu trời
và cũng chẳng hề thấy Người vui khi Người đứng lên cầm cây lao đuổi theo con mồi vừa mới lao qua trước mặt Người
tôi cũng biết là Người chẳng hề biết
có thể con mồi Người đang đuổi theo lại là con vật đồng loại của Người
là thuộc một nhánh khác của họ người của Người
tôi cũng biết là Người cũng chẳng hề hay biết mấy nghìn năm sau đám con cháu Người
chúng ăn thịt đồng loại mình
và chúng biết là mình ăn thịt đồng loại của mình
3.
nhưng Người là thứ suối nguồn chảy về tự buổi nguyên sơ, tự buổi rong rêu bằng bặt lửa nguyên sơ thì Người đã có ở đó, Người ở đó trong niềm bí mật tạo tác, cho đến trời đất cũng chẳng hề hay biết là Người đã có ở đó, bỡi trời đất cũng như Người chỉ là những hạt bụi trong bốn cõi trần ai, và rong rêu hát khúc hành ca đi tới, những dặm dài tiến hóa là cuộc chơi vô cùng phong lưu và kỳ thú của tạo tác, vào một đêm âm u bất thức, sáng ra thấy mình đã bước ra khỏi rong rêu, không còn là rong rêu mà là hóa thân của tạo tác, nghe gãy khúc ân tình hóa ra là lũ cá quẫy đuôi trong mênh mông vô định, một ngày dài hơn nụ cười tăm tối, nào ai hay biết vào một ngày của chuỗi thời gian vô tận lại diễn ra cuộc thoát xác, tạo tác lại hóa thân, và lần hóa thân này lại gọi là cuộc ngập ngừng tiếc nuối, đi hay ở, cội nguồn của những hoài nghi dai dẳng suốt cuộc trường kỳ tiến hóa, nhưng nếu không có cuộc ngập ngừng tiếc nuối, nếu không có câu chuyện hoài nghi của loài lưỡng thê, lên bờ hay ở lại, thì chẳng có gì hết, nước và cạn, chân lý và không phải là chân lý, là bắt đầu từ đó, trong cuộc ân tình nước lửa bỗng thấy có loài chuột chù nhỏ bé ngấp nghé bên dưới bước chân tàn bạo của lũ bò sát cổ sơ, Người là cội nguồn của tiếng hát ca và tiếng kêu khóc của hôm nay, nhưng Người chẳng hề hay biết là mình sẽ có mặt trong suốt cuộc trường kỳ tiến hóa, Người cũng chẳng hề hoài nghi về sự hiện diện của mình, cũng chẳng hề thắc mắc sao lại tiến đến hình hài con chuột chù nấp dưới chân lũ bò sát, tiến đến hình hài của Người, mà không tiến đến những hình hài khác, một bờ đá câm lặng nghìn năm nơi bờ suối, Người là cội nguồn của hôm nay, nhưng Người chẳng hề hay biết đám con cháu của Người ngày hôm nay đã bày ra bao nhiêu trò chơi thế kỷ
4.
sự thông tuệ của Người là thuộc về nguyên sơ vô thức, Người chẳng hề hay biết là mình sở hữu sự thông tuệ ngay tự buổi Người là homo, tự buổi Người là con người, cũng giống như đất chẳng hề hay biết ngay tự buổi khai thiên lập địa đã có thứ khả năng làm cho hạt nảy mầm và làm cho cây đâm chồi nảy lộc, Người sở hữu sự thông tuệ cũng vô thức như đất sở hữu thứ năng lực nuôi dưỡng hoa trái, tôi cứ mường tượng về một thuở mù tăm, con nhạn chưa biết kêu sương, Người đã lừng lững đứng lên giữa giá buốt, tuy chưa có lời nào, chỉ lặng lẽ bước đi giữa giá buốt, nhưng tôi cứ mường tượng Người như một vị thần đang vội vã băng qua giá buốt cho kịp tuyên bố cho thế giới biết chân lý của tồn tại, có nghĩa, tự buổi Người chưa biết mình sở hữu sự thông tuệ thì Người đã bắt đầu cuộc tìm kiếm chân lý, cuộc tìm kiếm lạ lùng nhất trong những cuộc tìm kiếm trong lịch sử của tồn tại, dường chẳng bao giờ kết thúc, tôi cứ mường tượng thuở Người chưa tìm được lửa, để thể hiện những khác thường đang diễn ra trong lòng, có thể Người chưa rõ đấy là cơn giận dữ hay là niềm yêu thương, thì ánh mắt của Người tựa cánh cửa của cảm xúc mở ra với đất trời bốn phía, cũng có thể là Người bật thốt ra bằng thứ ngôn ngữ của đôi tay, tôi cứ mường tượng thuở Người trò chuyện với thế giới bằng đôi tay, ta sẽ khám phá những bí mật của ngươi, Người vung đôi tay nói với đám cây cao trên rừng trái đầy cành nhưng Người vói chẳng tới, và chính là đôi tay ấy của Người đã tạo ra chiếc rìu đá đốn ngã chúng
5.
và dường như tự buổi ấy Người trò chuyện được với muông thú, tôi cứ mường tượng một ngày giá băng bỗng tan biến hết, tuyết trên các đỉnh núi đã biến thành những con suối chảy về sông biển, đồng cỏ xavan nói rộng về phương bắc, và lũ muông thú hớn hở bước ra khỏi những nơi trú ẩn để tận hưởng thứ ấm áp đất trời bỗng dưng mang đến cho chúng, tôi mường tượng là Người cũng rất vui, thư thả bước trên đồng cỏ xavan thi thoảng Người lại ngước nhìn trời, nắng ấm thời băng tan như đang đổ xô đến với muôn loài nơi mặt đất, xin chào vị chúa tể trần gian, lũ nai trên rừng vây lấy Người, thốt lên những lời chân thành, và lũ chim khi trông thấy Người đang tận hưởng sự đổi thay của trời đất trong tay không nửa thước cung tên thì ập đến, vây lấy Người, lần đầu tiên chúng ca ngợi Người là người hiền, hoan hô người hiền, lũ chim cùng cất cao tiếng hát về Người, tôi thấy Người cả ngày trò chuyện cùng lũ muông thú trên rừng bằng ánh mắt vui tươi và nụ cười rạng rỡ
hai mươi tám,
và tôi nhìn thấy gương mặt đám con cháu của tổ tiên tôi,
rốt cuộc thì đám con cháu những người đứng
thẳng đã bày ra những cuộc xiếc rừng mang
màu sắc tro than
1.
tôi muốn nói về bầy đàn
xã hội sơ khai của loài giống con người
bầy đàn như cuộc quần hôn lưu truyền loài giống
bầy đàn như cách thức chống chọi với những thế lực tự nhiên
chống chọi với thế lực những loài giống khác
bầy đàn như phương thức săn đuổi miếng ăn
phương thức kiếm sống
nhưng sau những thành quả tạo được trong cuộc tồn sinh
con người buổi sơ khai cũng cần có những phút giây
tiếp cận những ý nghĩ siêu vượt
và bầy đàn trở nên thứ quần thể siêu nhập vào cái đẹp
theo nghĩa rộng nhất
thời gian nuôi dưỡng trí tuệ con người
và chẳng ai rõ vào lúc nào đó
bằng cách gì đó
và có quả đúng là thế hay không
kẻ được coi như tài giỏi nhất bước lên ở hàng đầu quần thể
là tù trưởng
là tộc trưởng
là vua
là hoàng đế
thời gian làm nảy sinh quá nhiều tên gọi những kẻ đứng đầu quần thể
kết cuộc được coi như hậu quả lạ lùng của nỗi sợ hãi
và cũng chẳng ai rõ vào lúc nào đó trong quá khứ
hết thảy các thứ quần thể bày ra
thành cuộc diễn xuất hoàn chỉnh trên mặt đất
bầy đàn thành ca đàn
những kẻ đứng đầu các bầy đàn bắt đầu bước lên sân khấu lớn
diễn xuất đồng nghĩa với lịch sử
và dường như giả dối và vô sỉ trở nên thời thượng trong
cách thế tồn tại của các giáo trưởng các ca trưởng các gánh hát lớn đương đại
2.
rốt cuộc thì đám con cháu những người đứng thằng giàu có ở phía mặt trời lặn và ở phía mặt trời mọc lại bày ra những trò chơi thế kỷ
bày ra cách toàn cầu hóa
thế giới hóa
bày ra cách đưa đến khắp nơi trên mặt đất những gương lượt vải bô đường bột chúng làm ra được
cả ngày đêm chúng luôn hô hào thế giới phải thế giới hóa cho đến tận con tôm con tép
những cuộc mặc cả dùng dằng quanh năm suốt tháng trong việc bước vô phiên chợ thế giới hóa là để cho trò chơi thế kỷ của chúng tăng thêm vẻ kỳ bí
luôn nói là thế giới hóa
nhưng luôn xảy chuyện nhà ngươi chẳng bao giờ bước vô được cuộc chơi bỡi nhà ngươi đã làm mích lòng ta
chúng nói với những đối thủ của chúng
3.
tôi nằm giữa những tháng năm trắng muốt
không nửa lời thở than của lũ chim
bị truy đuổi khỏi các cuộc cháy rừng
không mỗi tiếng kêu trầm thống của
đám thú sắp bị tuyệt chủng
không mỗi nụ cười của đám sinh vật non
đang hăm hở bước vào cuộc tồn sinh
không chút nuối tiếc lưỡng lự của của đám lưỡng thê khi thay đổi hình hài
sau những ngàn năm bại trận
lũ khủng long chẳng có lời trần tình nào khi loài giống mình
bỗng hóa thành đồ chơi của con trẻ
trắng muốt đất trời
trắng muốt nhân gian
đám trẻ sơ sinh chẳng còn muốn cất tiếng khóc khi tự dưng
những người lớn đem ném chúng khỏi cuộc sống
kẻ đánh bom liều chết chẳng chút nghĩ ngợi
về những xác chết sau khi bom nổ
lời chân thành chẳng còn tích sự chi trong các cuộc luận đàm giữa
các tù trưởng tộc trưởng các bộ tộc
giữa các giáo trưởng ca trưởng các gánh hát lớn
các kinh sách trị nước chẳng còn ích lợi chi
khi cái chau mày hay cười mỉm
của một vị nguyên thủ quốc gia làm cháy rụi năm bảy đất nước
tôi vẫn nằm yên
nghĩ ngợi về những trang sử sẽ được loài người chép ra
trong những tháng năm trắng muốt
4.
rốt cuộc thì đám con cháu những người đứng thẳng đã bày ra những cuộc xiếc rừng mang màu sắc tro than
những cuộc xiếc được trình diễn theo ngôn ngữ của văn minh đương đại nhưng thực ra chúng mang trong mình những huyễn hoặc man rợ và kỳ bí theo cách tồn tại của những khu rừng nguyên thủy chưa có nửa bước chân người
xiếc rừng …xiếc rừng
người ta vẫn nói đến nó như một thứ tai họa thế kỷ
khi nghe ai đó nói là sẽ đem bom đạn trút lên đầu ai đó để bảo vệ những thứ có vẻ vẫn còn xa lạ nơi mặt đất
là sự tự do hay nhân quyền nhân phẩm
rốt cuộc thì đám người giàu có ở phía mặt trời lặn và ở phía mặt trời mọc vẫn luôn làm chủ những trò chơi thế kỷ
5.
tôi trông thấy lịch sử cỡi con chiến mã mình đầy máu
chạy ngang qua bầu trời nhiều mây
người thiếu phụ mở cửa
ngóng trông vị thần
đêm đêm vẫn đến
ái ân giống như cách thức lãng quên
niềm mong đợi
vậy thì tại sao lại còn nghe tiếng nhạc ngựa
giữa lúc chiến trận đã xảy ra
tự những những trăm năm trước
tôi chép ra đây
cả con chiến mã mình đầy máu
cả câu hỏi của thiếu phụ
và nghe như ở phía bên kia bầu trời nhiều mây
có ai đó đang hỏi về
một điều gì đó
và ở phía bên này bầu trời nhiều mây
thì dường như là
đang diễn ra rất nhiều cuộc ái ân
giữa những người thiếu phụ và các vị thần
6.
rốt cuộc thì đám con cháu những người đứng thẳng không còn nhớ mình là con cháu những người đứng thẳng từng bước đi trong đêm dài tiền sử
nếu ai đó nói
bọn họ là vong ân
hay bọn họ là vong thân
thì cũng chẳng phải là điều lạ
7.
tôi thức dậy cùng lũ ếch nhái trên đồng làng
tựa hồ bị chìm ngập trong cuộc hội tụ âm vang của trời đất
a
lũ chúng đang nói về loài giống mình bằng những lời cao ngạo
rằng
trước cả những con thú đầu tiên hằng triệu triệu năm
tổ tiên lũ chúng đã nghĩ ra được những bài ca về đất
rằng ngay cả con cháu con thú đầu tiên
loài giống biết làm ra đôi cánh thần kỳ có tên là khoa học
đến triệu triệu năm sau
cũng chẳng thể hiểu một cách tường tận
nước là gì
đất là gì
rằng
tại vì đâu con nòng nọc tổ tiên lũ chúng
lại đứt đuôi
và có một thời
tại vì đâu đám vật trên cạn lại muốn quay về với nước
tôi muốn bảo lũ chúng hãy im đi những lời cao ngạo
nhưng dường như mặt đất này là nơi chốn để chúng ca hát
dường lũ chúng đang hát về nỗi khổ ải của đất
rằng
một ngàn lần không
nếu không có loài giống con người
đất chỉ là nơi thử thách sự sinh tồn
rằng
cái giống vật biết làm ra đôi cánh thần kỳ
vẫn sống nhờ có đất
nhưng một ngàn lần không
nếu không có loài giống con người
thì đất chỉ là nơi để cho lần đầu tiên tổ tiên lũ chúng lấy làm nơi nương tụa
tôi hỏi
vậy loài giống con người đã làm những điều chi cho đất khổ ải
nhưng lũ con cháu đám nòng nọc đứt đuôi
dường chẳng muốn đáp lời tôi
nơi những khu rừng quyết khổng lồ
triệu triệu năm trước
tổ tiên của chúng ta
thảnh thơi đi
thảnh thơi về
giữa đất và nước…
trong cuộc hội tụ âm vang của trời đất
tôi đã chuyển dịch được ra tiếng người lời ca của lũ ếch nhái
8.
rốt cuộc thì đám con cháu những người đứng thẳng ở nơi xứ sở tôi vẫn không ngớt lời ngợi ca tổ tiên và ngợi ca nòi giống
bọn họ cũ cả trong cách mặc áo cho con và cả trong cách nói cho người khác hiểu thế nào là chân lý lịch sử
có nghĩa là còn cũ hơn cả thời tổ tiên tôi chưa bước vào thời đồ đá
là cũ
nhưng bọn họ lại có cách giả dối theo kiểu của kẻ hạ tiện
nên luôn nói được chuyện làm mới xứ sở
rốt cuộc thế giới vẫn chưa vui
9.
rốt cuộc lũ ngông cuồng của thế kỷ vẫn dẫm lên nơi cư trú của những kẻ
đến tự ngày con người mới biết dùng lửa xua đuổi sự ngu muội ra khỏi ngôn ngữ con người
trong cuộc trốn chạy cuộc cưỡng hiếp của thế kỷ
em một mình băng qua những lời hô hét vô sỉ
băng qua giá buốt của những thuyết lý đã bị cạo sạch hết những lời cao nhã
nơi ngả vào các thôn xóm
lũ chúng đã ngăn không cho đám bò gặm cỏ quay về chuồng cũ
không cho lũ chim chiều bay về khu rừng cũ
không cho lũ dế hát những bài ca của đất
nơi ngả vào các thành phố
lũ chúng đã cho dựng lên những bức tượng mang hình dáng
của bạo tàn
trong cuộc trốn chạy cuộc cưỡng hiếp của thế kỷ
tôi đã nhìn thấy em một mình nơi bờ sông ấy
nước trên sông đang chảy
còn em thì đương hát về số phận con người
giữa dòng chảy kỳ dị của năm tháng
dường như lũ ngông cuồng của thế kỷ đương tàn phá nhan sắc của tiếng nói con người
10.
và tôi mang thơ vá trời
em nhìn vào chữ nghĩa
mắt bão
những con sóng cuốn sạch những vần điệu lởm chởm
tôi đem thơ đổi sự thật
em chạm vào
đoạn
khúc
những thiên thạch
lạnh ngắt niềm cảm hứng
hai mươi chín,
một khoảng lặng trong ký ức,
đấy là nơi đáng tin
hay đáng ngờ…
tôi lại lội ngược ký ức của mình để trở về thuở mới gặp em
bỗng người con gái chưa hề quen
(chưa hề biết mặt và cũng chưa hề biết tên
có khi em là người kỷ nữ chèo đò trên sông
có khi em lại là cô gái giặt áo trên sông rất dễ mủi lòng )
lại nói với tôi những lời thân thiết
những nghìn năm trước những kẻ yêu nhau vẫn thường hay nói với nhau
em
người con gái của dáng vẻ vô biên (*)
lại ghi vào ký ức của tôi
trang nhật ký mang hình thù của thế kỷ u buồn
ghi chú cuối cùng,
chữ nghĩa của tôi là hơi thở của những đồng điệu của tôi,
cuối cùng thì những đồng điệu của tôi cũng đã tìm thấy những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi
cả những khúc hát trong trí nhớ đã bị tôi xóa đi
cả những khúc hát ghi trên giấy đã bị tôi đốt đi
bọn họ mang đến cho tôi
nhưng tôi không còn nhận ra chữ nghĩa của tôi
những gì bị đốt đi hay xóa đi thường là những thứ đã đi vào ký ức nhiều người
bọn họ nói
tôi nói lịch sử đã làm xói mòn trí nhớ tôi
nhưng bọn họ bảo những khúc hát đi tìm đồng điệu của tôi là còn nguyên hơi thở những người đứng thẳng đã tìm ra lửa và bước đi trên mặt đất thân yêu
Giã,
tháng 9/2013
tháng 12/2013