nuối tiếc và lãng quên [2]

lũ chó đá ở đền Các Vua trông thấy tôi thì sủa váng lên, có dừng lại nơi này cũng chỉ vì trên đường đến hoàng cung tôi phải ngang qua ngôi đền các vì vua đã khuất này, cũng chẳng biết là lũ chó sủa tôi hay là sủa chiếc áo khất sĩ tôi đang mặc trên người, lũ chúng có vẻ gì đấy như đang rơi vào nỗi sợ hãi bất thường, hay là chúng đã nhìn thấy những ý nghĩ trong tôi, những ý nghĩ mơ hồ và có phần phóng túng về ngôi đền tôi còn biết quá ít, quả tình chưa có sử liệu nào chép về các vị với một phương pháp sử nghiêm túc, tôi biết được rất ít về các vị là nhờ vào những bài viết có tính thông tin báo chí, và phần lớn là nhờ vào những tư liệu truyền miệng, bỗng ngài đứng lên hô hét, hỡi các loài hoa hãy nở ngát hương, và hỡi các ruộng đồng hãy cho thật nhiều lúa khoai, bỗng ngài từ rừng bần rừng đước bước ra, người còn bám đầy muỗi vắt, hỡi anh em ruột thịt hãy cùng tiến về phía trước, ngài luôn là kẻ đi đầu trong công cuộc kiến quốc, bỗng ngài từ tăm tối bước ra, ngài là ánh đuốc cháy rực giữa cuộc bể dâu, và còn nhiều nữa, một thứ lịch sử truyền miệng mang sắc thái đương đại, chứ không cổ điển như thời chưa có chữ viết, một thứ lịch sử đầy kịch tính, thi tính, triết tính, khiến tôi cảm thấy rối rắm, vậy thì điều gì đã xảy ra trong quá khứ đất nước tôi, nhưng lũ chó đá ở đền Các Vua lại sủa váng lên khi nghe tiếng hát của ông già mù, ông già nghệ sĩ mù ngồi tựa lưng vào một trong những con chó đá, vỗ trống, hát, như thế là lũ chó dị ứng với cả tiếng ca và tiếng trống của người nghệ sĩ mù chứ chẳng phải chỉ dị ứng với mỗi mình tôi, cũng chẳng biết ông lão đã đến đó tự lúc nào, vì khi thử dừng lại nơi này tôi đã nhìn thấy ông ngồi tựa chó đá mà ngủ, một người mù vừa tỉnh ngủ khiến cho lũ chó bất an,  sao lũ chó ở đền Các Vua lại nhạy cảm đến thế nhỉ, mặc lũ chúng sủa, ông lão cứ vỗ trống, hát,

 

“…như gấm cuộn, như lụa giăng, cỏ rừng, hoa suối, hoặc màu biếc đung đưa, hoặc màu hồng rực rỡ, xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ”

 

tôi hỏi có phải là ông đang hát trong Thanh Hư Động Ký của ông nghè Nhị Khê hay không, không đáp, ông lão vẫn vỗ trống hát,

 

“…trong vũ trụ, tạo hóa bày ra những cách như thế để chờ đợi người cũng nhiều…như thế là suối nguồn được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch”

 

nhưng tiền bối là người từ nơi khác đến hay là người ở kinh thành này, tôi hỏi, và cứ cảm thấy như sắp được nghe điều gì hệ trọng, thưa ngài, kẻ hèn này đến từ kinh thành này nhưng là kinh thành những trăm năm trước, ông già nghệ sĩ mù đáp với lầm tưởng tôi là kẻ quyền cao chức trọng ở chốn kinh thành, một kinh thành như gấm cuộn hay như lụa giăng, một kinh thành trong sạch đến cả vết xe ngựa trên đường, tôi như nhìn thấy được thứ ký ức đẹp như hoa gấm nơi người nghệ sĩ hát rong, nhưng ở cái tiệm ăn ấy lại là một giang sơn khác, chốn tụ tập của những nhà chép sử truyền miệng, bọn họ đang nói về đủ thứ chuyện ở kinh thành, đĩ điếm, trộm cắp, lũ con gái lại thích đi làm ca nhi, bọn thầy thuốc đồi trụy thì sống bằng đồng tiền mua bán nội tạng của những người nghèo, tôi tạt vào tiệm ăn ấy để ăn bát phở cho đỡ đói trước khi tìm cách thâm nhập vào hoàng cung, đám thực khách lập tức dồn mắt về phía tôi, một khất sĩ để tóc dài, ăn mặn, khiến kẻ khác phải chủ ý là phải, nhưng ai cấm bọn họ nghĩ rằng ngày nay trên thế giới có sự thay đổi trong các tôn giáo lớn, tôi vừa ăn vội bát phở vừa nghĩ ra một giả thuyết về sự biến đổi để tự trấn an mình, kinh thành như đang giấu trong mình  cả những hoàn thiện cổ kính lẫn những cung đàn lỡ nhịp.

Leave a Reply

Your email address will not be published.