lâm thượng địa chí [những tin tức về một ngôi làng]-những cơn mưa cũ

 

Đối với tuổi thơ của tôi thì ngôi làng của tôi là thế giới thu nhỏ và những nhân loại bất hạnh là cha mẹ tôi và anh Hai Lực của tôi. Nhưng đấy chỉ là khi đã có vốn liếng kiến thức để nhìn lại cuộc đời mình. Còn bấy giờ, chuỗi ngày tuổi thơ, hết thảy những gì diễn ra chung quanh, làng xóm tôi, gia đình cha mẹ anh em tôi, như một cuộc hòa âm kỳ diệu, hết thảy như đang quyện vào nhau, con người và đất đai, con người và con người, tôi không hiểu hết, nhưng thấy rất vui, cuộc sống như những gì rất lạ, nhưng vô cùng quyến rủ, những cánh đồng cày nhộn nhịp tiếng bò, tiếng người, mùi thơm của đất, mùi thơm của cỏ, những cơn mưa bất chợt đổ xuống xóm làng, lũ chim chóc cứ bay đi bay về xóm làng. Có thể là trong lòng tôi vui nên nhìn mọi người đều vui. Ngay những ngày thiếu khó, nhà tôi ăn cháo ăn khoai thay cơm, tôi cũng thấy rất vui. Mưa. Những cơn mưa mùa đông hạn chế đến mức tối đa sự dịch chuyển của con người. Tôi theo con bò cái đẻ ra gò thổ mộ của làng. Con bò gặm cỏ trong mưa. Còn tôi thì ngồi thụp xuống bên trong cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi. Tự nhiên tôi có một ngôi nhà ở giữa mưa. Chiếc nón lá đội đầu của tôi là mái che ngôi nhà. Còn cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi là phần còn lại của toàn bộ ngôi nhà. Ngồi trong ngôi nhà ở giữa mưa tôi cứ tưởng là mình đang bình yên. Thật ra thì không phải thế. Vào những tháng năm đói khó, cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi gắn liền với cuộc sống của nhà tôi. Thế giới là những cơ may. Và cái cơ may ấy đã diễn ra ở một miền quê heo hút. Hãy cứ thử tưởng tượng, lúc bấy giờ, ở các nơi trên mặt đất, mùa đông người ta ra đường bằng các phương tiện xe cộ, nếu là đi bộ thì mặc  áo tơi mưa bằng các thứ vải đi mưa, trong khi đó ở quê tôi, mùa đông ra đường, người ta mặc cái áo mưa chằm bằng lá núi như bộ lông của một con chim đại bàng. Tôi cứ muốn diễn tả như thế nào để cho hết thảy mọi người đều có thể hình dung cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi ở quê tôi. Năm ngày một phiên chợ huyện. Cứ hết năm ngày thì anh Hai Lực tôi lại gánh gánh áo tơi mưa  chằm bằng lá núi đi chợ huyện. Khi quay về thì có cả gạo nấu, cả mắm, cá. Từ quê tôi xuống chợ huyện khoảng mươi cây số. Về sau, khi tôi đã có thể cùng anh tôi gánh áo tơi mưa đi chợ huyện, tôi mới hình dung ra, vào mùa đông, cuộc sống của nhà tôi là gắn liền với những cơn mưa và những cái tơi mưa chằm bằng lá núi. Trời hết mưa, nhà ta cũng hết gạo nấu. Từ lâu, mẹ tôi cũng đã tổng kết về cuộc sống về mùa đông của nhà tôi. Cái cơ may của thế giới là có một miền đất vào mùa đông người ta ra đường còn chịu mặc cái áo tơi mưa làm bằng lá núi. Vào những ngày mùa đông, cha mẹ tôi cặm cụi ngồi chằm từng tấm áo đi mưa. Kết những chiếc lá núi to lớn và không thấm nước thành từng tấm thì gọi là chằm. Lá núi là do anh Hai Lực tôi đi lấy ở vùng rừng núi phía nam làng. Những ngày không đi chợ huyện, anh tôi lại vào rừng. Mùa đông năm ấy, phiên chợ huyện nào anh Hai Lực tôi cũng gánh áo tơi mưa quay về. Tôi thì cha tôi đã đặt cách cho việc chăm sóc con bò cái đẻ. Trời mưa. Tôi lừa con bò cái đẻ ra gò thổ mộ của làng. Con bò gặm cỏ trong mưa. Còn tôi thì ngồi trong ngôi nhà làm bằng áo tơi mưa và cứ thấy thắc mắc trong lòng là tại sao đến lúc ấy thì người ta không còn mua áo tơi mưa làm bằng lá núi của anh Hai Lực tôi. Tôi cứ muốn diễn tả thế nào để cho mọi người đều có thể hình dung cảnh tôi ngồi trong căn nhà lá giữa mưa để nghĩ ngợi về cái lý do tại sao người ta không còn mua áo tơi mưa của nhà tôi, thứ vật thể cho đến lúc viết địa chí của làng vẫn cứ thấy lấp lánh trong ký ức tôi: Cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi. Rồi bấy giờ con bò cái đẻ đã làm tôi bối rối. Nó trở dạ đẻ trong mưa. Con bò cứ nằm dài ra trong mưa, thở hổn hển. Sáng ấy, trời mưa to, ngoài tôi ra, chẳng có đứa nào trong làng lùa bò ra gò thổ mộ của làng. Tôi chưa kịp kêu la cầu cứu thì con bò cái đã sinh con xong.  Con nghé con vùng chạy trong mưa. Thì chẳng phải tôi đã nhường ngôi nhà bằng áo tơi mưa cho con nghé đó sao. Vừa dứt mưa là tôi liền lấy áo tơi mưa của mình làm tả cho con nghé. Tôi ẵm con nghé chạy trước. Con bò cái lúc thúc chạy theo sau. Trưa ấy, cả nhà tôi ăn khoai mì luộc. Con bò cái đẻ uống nước cám. Còn con nghé con bú mẹ. Tôi vẫn nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt cha mẹ tôi và anh Hai Lực tôi. Chẳng lẽ cha mẹ tôi và anh trai tôi lúc bấy giờ đã đến được một thứ bến bờ nào đó ở bên ngoài mọi nỗi bất hạnh.

Giã 16PM 8.8.2017

Leave a Reply

Your email address will not be published.