Một cách cắt nghĩa quá khứ

                                               

                                          …coi minh triết như cốt ở cái năng lực duy trì
                                                 một cuộc hội thoại, tức là nhìn con người như
                                                 là kẻ khởi xướng những miêu tả mới mẻ hơn
                                                 là nhìn con người như là kẻ hy vọng mình có
                                                 khả năng miêu tả một cách chính xác.
                                                 Richard Rorty
                                                                                                            

                                                                                 

Với anh Tám Thuốc, khái niệm tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ   (một khái niệm sống được cô đọng thành một phương ngữ) coi như đã chết, và

được chôn cất từ lâu. Và nếu là thời công xã nguyên thủy thì người ta đã xẻ thịt anh, cũng từ lâu. Tất nhiên, chị Tám Thuốc bấy nhiêu bận hằm hè muốn xẻ anh ra nghìn mảnh, nhưng rồi rốt cuộc, cũng chẳng làm được. Này mẹ thằng Khế, cứ nghĩ đến anh Hai Sử làng mình hồi ấy, là sẽ thấy Tám Thuốc này là kẻ thế nào. Đấy là câu anh Tám vẫn hâm đi hâm lại với chị Tám. Thằng Khế là con trai đầu. Theo quan điểm anh Tám, công việc hệ trọng nhất của muôn loài trong trời đất là lưu giữ loài giống của mình. Sao lại sợ nuôi con không nổi? Chẳng lẽ con người là thua các con vật đẻ cùng lúc đến hằng chục đứa con? Tìm một cái tên sang trọng cho con là chuyện khó khăn của những tầng lớp sang trọng. Còn với anh là quá dễ. Ở cái làng Cù của anh người ta trồng đến hằng mấy chục loài cây ăn quả. Cho nên anh có đẻ mấy chục đứa cũng đủ tên để đặt cho con. Nhưng vì sao khế lại được ưu tiên trong chuyện này? Có người hỏi. Và anh đáp, cũng như việc gặp mẹ thằng Khế, nó là chuyện ngẫu nhiên vậy thôi. Ngẫu nhiên mà có được một người phụ nữ làm việc ruộng đồng chẳng kém đàn ông. Có nghĩa trước đấy anh có tham gia chuyện cày bừa, nhưng từ khi có chị Tám, anh đã giao hẳn cho chị. Cũng như ngẫu nhiên mà anh sinh được thằng con trai đầu. Có nghĩa thằng Khế được mười tuổi đầu là anh chính thức có trong tay một tay cày bừa nữa. Mẹ nó, với lũ thằng Khế thằng Chanh … phải nghe cho kỹ. Trước khi mở sách của thánh hiền ra, bao giờ anh cũng dặn. Đêm, khi mọi việc trong nhà xong yên ( dọn dẹp nồi niêu bát đũa, giặt giũ áo quần và sửa soạn chỗ ngủ cho con…) là chị Tám và lũ thằng Khế thằng Chanh … phải ngồi lại để anh đọc sách thánh hiền cho mà nghe. Khó khăn chớ vật nài oán hối. Dù nhà có thiếu thốn, thì mẹ thằng Khế với lũ các con cũng chớ oán trách ai. Anh giảng. Về mặt sách vở thì trong làng có kẻ bảo anh là cũ kỹ. Giữa thời buổi có bao nhiêu sách tân thư về giáo dục không đọc, lại đi đọc một cổ thư như thế. Người khác bài bác, anh chỉ lắng nghe để mà có kinh nghiệm đối phó với chị Tám, mỗi khi bị chị bài bác. Tất nhiên là về mặt sách vở anh đã thuyết phục chị Tám với lũ con anh một cách tuyệt đối. Có nghĩa mỗi lần mở cuốn Gia Huấn Ca ra là cả nhà há mỏ ra nghe. Thương người tất tả ngược xuôi, thương người lỡ bước, thương người bơ vơ… Nó, cái cuốn sách nôm na có vẻ rất hợp với trình độ chữ nghĩa của anh, cuốn sách tương truyền là của ông Nguyễn Trải, là nằm chung với mớ giây tờ ruộng đất ông bà để lại anh vẫn cất giữ như một thứ gia bảo. Ngẫu nhiên mà trông thấy sách. Và cũng ngẫu nhiên mà   trở thành kẻ giảng sách cho vợ con. Nhưng ngày nào cha thằng Khế còn không chịu đi cày bừa như bao người khác, thì người trong làng vẫn còn coi là kẻ lười nhác. Xẻ thịt anh không nổi, chị quay sang nghiền anh cách   ấy. Ai nói Tám Thuốc này là lười nhác? Anh vặn. Và lại đem chuyện anh Hai Sử hồi ấy ra mà nói . Hồi ấy thì người ta cho rằng anh Hai Sử là kẻ chẳng bình thường, có người còn bảo là điên khùng, anh Hai khùng. Nhưng phải nói là đầu óc của anh là giống như một cuốn từ điển. Ông tằng tổ nhà nọ là chết vào ngày ấy, tháng ấy. Ông cao của nhà kia là chết vào tháng ấy, ngày ấy. Có nghĩa anh nhớ hết thảy các ngày giỗ kỵ của hết thảy các nhà ở làng Cù và các nhà ở mấy làng bên. Như vậy là ngày nào anh Hai Sử cũng phải đi ăn giỗ. Cũng đơn giản thôi. Tạt qua rào nhà ai đó để bẻ mấy cành hoa dâm bụt, hoặc ghé vô ngôi chùa trong làng để xin mấy nhánh hoa điệp. Có hai ba cái đám giỗ trong ngày thì cũng chỉ mỗi một bó hoa đó thôi. Mang hoa đến, đặt lên bàn thờ của gia chủ, lạy, ăn uống xong, lại vái mấy vái, và mang hoa đi. Cuộc vãn lai của anh cũng đều đặn như cuộc vãn lai bốn mùa của trời đất. Một kẻ biết yêu thương đồng loại. Bao giờ anh Tám Thuốc cũng kết thúc bằng câu ấy sau khi nhắc chuyện anh Hai Sử cho chị Tám nghe. Và để cho chị thấy anh cũng yêu thương đồng loại chẳng kém anh Hai Sử hồi ấy, anh Tám lại quần áo chỉnh tề để ra đi. Coi chừng là thằng nhỏ bị sốt phát ban. Anh sờ đầu thằng nhỏ nhà ấy, thấy nóng rực ở lòng bàn tay của mình, nên nghi là sốt phát ban. Trông nặng nề thế, không chừng là đẻ nội đêm nay. Thấy bụng dạ lệch ệch của chị vợ anh nhà bên, anh nhắc nhở. Đẻ với đau là hai việc luôn xảy ra trong cuộc tồn sinh. Cho nên lúc đến   nhà ai thì việc đầu tiên của anh là chú ý đến hai việc đó. Nếu như anh Hai Sử hồi ấy thể hiện lòng yêu thương đồng loại bằng việc đến dự hết thảy những đám kỵ những người đã chết, thì anh Tám Thuốc bằng việc ngày nào cũng đến thăm những người còn sống ở trong làng. Ai dám bảo kẻ đang chia xẻ hết thảy những nỗi lo của hết thảy những người

trong làng là lười nhác? Anh Tám tự hỏi. Và cảm thấy tự hào. Hoan hô cha. Lũ em gái thằng Khế đang cấy dặm với mẹ, thấy anh Tám xuất hiện nơi bờ ruộng, thì hô váng lên. Chỗ kia là còn trống đấy mẹ thằng Khế. Đứng ở trên bờ, anh vừa gọi chị Tám, vừa ném một hòn sỏi về phía giữa ruộng, nơi lúa đã chết, để lại một vạt đất trống. Chắc là chị cũng nghe phấn khởi trong lòng, nên đã vội ngước người lên, nhoẻn cười với anh (phấn khởi là vì không phải anh Tám đã quên hẳn chuyện ruộng đồng) Cũng như anh Hai Sử hồi ấy, ngày nào là anh Tám Thuốc cũng có mặt ở nhà người này nhà người nọ trong làng, hết thăm hỏi về tình hình nuôi heo nuôi gà, là xoay sang chuyện ruộng đồng, nghe nói năm này chính phủ cho lai tạo tới mấy giống lúa mới phải không? có phải là ở trên muốn nhà nông bọn mình chuyển ba vụ sang hai vụ một năm ? Ai dám bảo rằng Tám Thuốc đã quên chuyện ruộng đồng? Khi đã nói ra mấy tiếng nhà nông bọn mình là anh Tám vẫn còn khẳng định ở trong lòng rằng mình là anh dân cày. Chỉ có điều, giờ đã có chị Tám giỏi việc ruộng đồng, đã có thằng Khế, thằng con trai đầu của anh, cũng giỏi việc ruộng đồng, thì cứ để cho anh ngày ngày lo chuyện đời sống tinh thần. Nói cho mẹ thằng Khế hay, đã là con người thì không   phải chỉ có ăn cơm với mặc áo. Phải nói cái cuốn sách nói là của ông Nguyễn Trải là vị cứu tinh của đời anh. Có nó anh mới nói được những lời như thế với chị Tám. Có nó anh mới thấy được cái chỗ lớn lao của anh Hai Sử, đâu có dễ gì để thấy được sự gọi là yêu thương đồng loại …Nhưng ngày nào cha thằng Khế còn không chịu đi cày bừa như những người khác, thì người làng vẫn còn cho là   ăn bám vợ con. Chị Tám nghiền anh theo cách này thì anh chỉ im. Nói lười nhác thì còn được coi như một thứ trừu tượng, còn có ngõ cãi. Nhưng nói ăn bám vợ con là nói cụ thể, làm sao cãi được. Anh biết vợ con anh là cái guồng máy làm ra cơm áo cho nhà anh. Cho nên về chuyện ăn bám vợ con thì anh không được nói lời nào, tức không được bào chữa, bỡi nếu nói ra thì có thể làm cho chị Tám tức giận, mà chị Tám tức giận thì cái guồng máy làm ra cơm áo ngưng hoạt động, cả nhà anh sẽ chết. Vậy mà cuối cùng anh cũng tìm được cách để bào chữa. Là nhằm vào chỗ người làng chẳng có quyền gì đối với anh trong chuyện cơm áo (đây chẳng phải thời công xã nguyên thủy, nên người làng chẳng thể đem anh ra mà xẻ thịt) Là nhằm vào chỗ thiếu chặt chẽ của chị Tám. Mà cũng chẳng phải là thiếu chặt chẽ. Cái cách nghiền xẻ của chị là dùng lời lẽ nhẹ nhàng, và thay vì nói thẳng đấy là ý kiến của chị, lại bảo đấy là lời người khác. Anh đã len vào chỗ tế nhị của chị để mà vặn chị. Ngoài mẹ thằng Khế, ai là kẻ dám nói Tám Thuốc này ăn bám vợ con, nói nghe nào? Như vậy là chị Tám phải mặc nhiên coi đấy là ý kiến kẻ khác, chứ không phải của mình, phải mặc nhiên thừa nhận là chẳng trách móc gì anh. Có nghĩa cái guồng máy làm ra cơm áo của nhà anh vẫn chạy bình thường. Nhưng cho đến cái hôm cúng đầy tháng, đặt tên cho thằng Út xong yên, đêm, anh vào giường chị Tám, cốt để làm tăng thêm niềm yêu thương của chị đối với anh, chứ chẳng có ý muốn đẻ đái gì nữa, anh đã   đặt cho thằng nhỏ cái tên Út là có ý quyết chẳng đẻ   nữa, cả trai lẫn gái là bảy đứa còn đẻ gì nữa, mục đích của anh trong sáng thế, nhưng là do chị Tám hiểu lầm, nên đã nổ ra một cuộc chiến, nói nổ ra cuộc chiến là để cho câu chuyện đêm ấy thêm phần long trọng, chứ thật ra là chỉ mỗi chị nghiền xẻ anh. Đây là cái máy đẻ, có phải không cha thằng Khế? Chị hỏi. Và đẩy anh khỏi giường. Thằng Út khóc. Và chị Tám vội dỗ dành con. Vừa dỗ thằng bé, chị vừa nghiền xẻ anh. Vừa lo chuyện ruộng nương ngoài đồng, vừa lo chuyện heo gà ở   nhà, lại còn chửa đẻ nữa, thì chỉ còn có nước chết mà thôi. Nói chị nghiền xẻ anh là cách nói cho cuộc nhân sinh thêm phần phong phú, chứ thật ra đấy không phải là nghiền xẻ, mà là một thứ hơi thở của nhân sinh. Chính là cái hơi thở này đã làm cho anh thấy yêu thương chị Tám hơn bao giờ, và   muốn chị cũng hiểu anh hơn bao giờ. Đêm ấy là anh Tám đem chị Sáu Sớm ra mà nói. Hồi ấy thì người làng coi chị Sáu là người phụ nữ có đầu óc không bình thường, có kẻ còn bảo là điên khùng, chị Sáu khùng. Mồ côi cha mẹ lúc hai tuổi. Chị Sáu không chết mà trưởng thành được là nhờ sự bảo bọc của người làng. Cho nên, mọi   người trong làng đều được chị coi là người thân. Cấy, gặt, gánh phân ra ruộng, đội lúa giống đi ngâm, đi đắp đập, khai mương, ẵm em, chăn bò…Chị làm được tất những thứ công việc được liệt kê trong cái danh mục công việc ở làng Cù. Ngày ấy là chị nhổ cỏ lúa giúp cho nhà ấy, đêm ngủ lại ở nhà ấy. Ngày ấy là sang nấu nướng giúp cho vợ ông ấy đang ở cữ. Đêm mà được ăn nằm với một người đàn ông con trai nào đó, thì sáng ra là chị đi khoe với hết thảy người làng, làm như thể là mình sắp sinh cho làng xóm mình một đứa trẻ. Một kẻ khác thường, không phải ai yêu thương đồng loại cũng làm được như chị . Lúc anh Tám nói câu này, chị Tám ngồi bật dậy trên giường. Thằng Út đã ngủ say. Cha thằng Khế là đương nói chị Sáu Sớm làng mình hồi ấy? Tự nãy giờ   mẹ thằng Khế không nghe Tám Thuốc này nói hay sao? Nghe, chớ sao không, chỉ có điều chưa hiểu khác thường là sao? Là chị Sáu Sớm làm được, nhưng bao nhiêu người không làm được, là do trời không cho chị đẻ, chứ lòng chị thì bao la, ai cũng thấy, về khoản làm cho làng xóm đông vui thì Tám Thuốc này quả là hơn hẳn chị Sáu Sớm, cứ thử hỏi mẹ thằng Khế, nếu không có Tám Thuốc này thì mẹ nó có đẻ được chừng ấy không? Lúc anh Tám nói câu này, dường như chị Tám rưng rưng muốn khóc.

Đến đây ai nấy đều rõ cách làm của anh Tám Thuốc: Để biện minh cho hiện tại của mình thì cứ việc đưa ra một cách cắt nghĩa quá khứ theo cách của mình.

 

Mùa thu 2008

 

 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.