hóa ra sách Cổ Quái Tinh Hoa còn lưu giữ trong hồ sơ gia phả của làng tôi là cuốn sách chứa quá lớn [ đại tàng thư] ở đó là chẳng thiếu thứ gì, từ cái cách người làng đi chôn một con bò cày say sắn chết đột ngột đến việc ông vua của nước ăn nằm với gái góa trong làng dẫn đến cái án tử hằng trăm người làng vì đã vô tình nhìn thấy việc ái ân của vua, tôi như thể kẻ lạc đường đã tìm thấy ngõ cũ, bỗng nghe thấy những tiếng nói của người xưa, cả cái quá khứ dài dằng dặc của người làng tôi là được chép ở trong đó, mà bút pháp của sách lại là cuộc phá vỡ toàn bộ những tiêu chí kinh điển từng ràng buộc con người trong trước tác, bác Bốn Mịch, ông từ đình làng, người giữ hồ sơ gia phả của làng, đọc Cổ Quái Tinh Hoa đến nghỉn bận, thuộc từng ngõ ngách của từng câu chuyện, nhưng là ai lại biết cả chuyện tự thời cổ hỷ cổ lai vậy chứ, thời dân làng ta còn bận khố, không biết cày, chỉ biết cuốc, bác Bốn Mịch nói, tôi nói đây không phải sách sử do người chuyên chép sử viết, mà do các bậc tiền nhân của làng muốn con cháu ngày sau biết cha ông mình đã sống ra sao nên đã cùng nhau làm ra sách, cứ mỗi thời các vị lại thêm vào một ít về việc của làng, lâu ngày thành ra cuốn sách lớn chúng ta có trong tay, tôi giải thích, người giữ sách có vẻ thông suốt về công trình tập thể của một cuốn sách cổ, nhưng bất ngờ bác Bốn Mịch bảo tôi, rằng, ông đọc sách và cứ thấy dấy lên trong lòng thứ cảm tưởng những điều nói trong sách như thể các sấm ngôn về họa mất nước, ồ, cái đám pháp quan ấy là đầy tội lỗi, chính là câu nói bác Bốn Mịch bất ngờ buột ra ấy khiến tôi có ham muốn táo bạo là chú giải tòan bộ ý đồ [thông điệp] các bậc tiền nhân của làng gửi gắm trong sách, về đám pháp quan, tôi đọc thấy có mấy chỗ như vầy:
‘’mùa thu năm Bính Tuất vua kinh lý phương nam, cũng chỉ là ghé vào làng để nghỉ chân và tiếp tục ra đi, nhưng trưởng làng là kẻ muốn mượn vua để gây thanh thế cho mình, liền sai người làm cỗ thết đãi vua, thấy làng bình yên, nên ta cũng mừng, trong bữa tiệc, vua nói, trưởng làng liền quì: muôn tâu bệ hạ, thấy vậy nhưng không phải vậy, trong làng vẫn còn nhiều kẻ cứng đầu cứng cổ không muốn tuân theo phép nước, cầu xin bệ hạ ban cho mấy pháp quan để lo việc an định của làng, nhà ngươi cứ tiến cử đi, vua nói, trưởng làng liền tiến cử hai người, một là em trai ruột thịt và một là em trai của vợ, vua chuẩn y, và tiếp tục lên đường kinh lý, từ đó trưởng làng đã dùng pháp quan để buộc tội những dân làng hắn không ưa, trước sau đã giết chết mấy chục mạng người làng’’
‘‘mùa đông, tháng chạp, năm Mậu Tý, người làng Cù đứng lên chống lại đám người Phù Lỗ giả dạng thầy thuốc đi cứu người kéo vào làng Cù đào giun đất, săn bắt rắn, chuột… nói là để chế thuốc trị bệnh cứu người nhưng thật ra là để làm hỏng đất đai cho dân làng thiếu đói, vua sợ làng Cù làm mích lòng Phù Lỗ là nước đang bảo trợ ngôi vua của mình, bèn sai quan tư mã đi thảo phạt, nửa vạn quân triều cùng hai vạn quân điều động từ các miền biên ải tiến chiếm làng Cù trong đêm trừ tịch, toàn bộ dân chúng làng Cù bị bắt giam vào ngục, một pháp đình đã được mở ngay tại làng Cù, hai trăm pháp quan được điều động từ Đại pháp đình ở kinh và từ các Pháp đình các địa phương đến làng Cù để tham gia việc xét xử, chủ tòa là quan chủ Đại pháp đình ở kinh vốn là kẻ giữ ngựa nhờ chăm sóc đám ngựa của vua chu đáo [ngựa chiến, ngựa đua, ngựa cỡi dạo chơi…] nên được vua cho làm quan chủ Đại pháp đình, hãy đưa hết đám dân phản nghịch đến đây, quan chủ tòa lệnh, lập tức, cứ năm binh triều thì dẫn một người làng Cù đến hầu tòa, lũ các người đã biết tội của mình chưa, quan chủ tòa hỏi, vào cái khúc sử ấy thì trưởng làng là người đứng về phía dân làng đã đứng lên nói lớn: lần này thì quan trên đã bắt nhầm người rồi, chống lại bọn xâm lược đất nước là có công lớn đó, quan chủ tòa có vẻ tức giận lắm, liền đứng lên tuyên án: cố ý sát hại những thầy thuốc làm công việc cứu người là bất nhân bất nghĩa phải chết, để làm gương cho những nơi khác, quan chủ tòa đã cho treo cổ bảy mươi hai người dân làng Cù’’, ở dưới đoạn này thì có chú thích như vầy: ‘‘cái họa pháp quan thật ra là một điềm triệu mất nước, bỡi sau đó thì người Phù Lỗ tràn vào xứ sở, ở đâu cũng thấy có người Phù Lỗ, tiệm ăn của người Phù Lỗ, tiệm vải của người Phù Lỗ, nhà chứa đĩ điếm của người Phù Lỗ, thâm chí là những công trình thờ phượng thần thánh kiểu người Phù Lỗ đã được dựng lên ngay ở kinh nơi vua đang ngự’’…tôi đọc, và không dám nhắc lại trong sách địa chí của làng vì biết đấy là cái vết nhơ trong lịch sử làng tôi
giã 10.30 AM 13.3.2021
trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG GHI CHÚ