Những đứa con thất thủ của đất [12]

 

 

Markus Lüpertz/Đức

 

 

 

12/  tôi đang nói về tình cảnh thiếu vải mặc của làng, khi đã hình thành vùng kháng chiến chống lại người Pháp thực dân thì có nghĩa đã tách khỏi mọi sinh hoạt xã hội của thứ xứ sở thuộc địa trước đấy, trong chuyện này, có một sự đứt quãng rất lớn trong đời sống vật chất hằng ngày, không còn mang đôi giày, đội chiếc mũ  hay bận thứ vải áo của xứ sở thuộc địa nữa, ví dụ thế, bấy giờ, làng chẳng còn có quan hệ nào với các miền đất còn thuộc chính quyền thuộc địa của người Pháp ngoài những thương gia lén lút mạo hiểm mua các thứ vải bô và thuốc men ở vùng còn thuộc Pháp  về bán lại cho dân các vùng kháng chiến, ‘‘đầu phồng đá lửa, ruột chửa ka ki’’ đó là cách tóm tắt về những mạo hiểm trong việc buôn bán hầu hết là do phụ nữ đảm trách, phụ nữ phải chải tóc theo kiểu phồng to lên để dấu đá lửa họp quẹt vào trong tóc, và phải giả đang có thai để độn vải ka ki vào trong bụng áo, bấy giờ một thước vải trăn đầm [của đảo Java thì phải] có gía trị ngang với năm vuông thóc, và một thước vải ka ki của Pháp có giá trị ngnag với bảy vuông thóc, có nghĩa, muốn có áo mặc phải bới đi chén cơm ăn, chưa đến nỗi phải ở trần đi cày, nhưng quả thật là rất khó khăn trong chuyện vải mặc, chẳng phải thằng Cam Sành mười tuổi là tôi lúc ấy cả ngày dầm mưa đêm không còn quần thay phải ngủ truồng đó sao, mặc áo quần, và ngay ngáy lo áo quần bị rách, phải có một nền kinh tế tự túc tự cấp là nhu cầu sống còn của làng lúc bấy giờ, và cha tôi đã đi đầu trong việc tự làm ra vải mặc, cái bước đi đầu tiên ấy nó chông chênh lắm, tháng năm, cả đồng làng được gieo giống lúa trì như thường năm, chỉ trừ khoảnh ruộng nhà tôi là gieo hạt bông vải, đôi chim chiền chiện vẫn đang sống vui vẻ trong ngôi nhà cỏ trên  khoảnh ruộng nhà tôi, con mái đẻ đái xong ngày ngày nằm ấp trứng, con cồ đi kiếm mồi ngày ngày đi về  thật thảnh thơi, cái lũ chim trời ấy chúng làm như thể chẳng để ý chi chuyện ngày ngày cha tôi ra ngồi ở bờ ruộng, chờ, đất đai có chịu ở lại với con người hay không, tôi nói đất đai có chịu ở lại với con người hay không là nói đất đai có chìu theo ý con người hay không, đất đồng làng tôi chịu với cây lúa trì, nhưng có chịu với cây bông vải hay không thì chưa ai biết, cha tôi đang bước đi trên con đường cam go, con đường độc đạo, hoặc là bước tiếp, hoặc ngã xuống [việc trồng bông vải mà thất bại thì chết đói chứ còn gì nữa] mẹ tôi thì ngày đêm thở vắn thở dài, cuộc nhân sinh có lúc nó làm cho con người lao đao như vậy, ông Hai Sách đang đánh cược với trời đó, người làng nói về cha tôi vậy đó, ở trong làng , cha tôi là người làng duy nhất vừa đi cày vừa đọc sách nên mọi  người gọi ông với tình cảm quí trọng như vậy, sáng  nào cha tôi cũng ra ngồi ở bờ ruộng nhìn cái cảnh khắp đồng làng lên xanh chỉ trừ mỗi khoảnh ruộng nhà tôi, bấy giờ, việc hạt bông vải mọc chậm hơn hạt lúa trì còn  là điều bí mật đối với mọi người, tháng năm, những cơn gió tây nam thổi qua dãy Trường Sơn mang lại cái nóng hầm hập, hằng trăm năm qua tổ tiên tôi đã chọn cây lúa trì để sống với thứ đất đai cằn cổi và khi hậu nóng bức như vậy, cây lúa trì là vậy, còn cây bông vải thì sao, đó là câu hỏi chưa có câu trả lời trong nhận thức của cha tôi, cái lỗ hổng ấy dày vò tâm trí cha tôi, nhưng điều phải xảy ra đã xảy ra, hôm hạt bông vải mọc xanh trên khoảnh ruộng nhà, mẹ tôi mừng đến rơi nước mắt, nhưng  cha tôi có vẻ như trở nên trầm tĩnh hơn, củng chưa chắc là đất đai chịu ở lại với con người,  ông nói,  

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
9.30 AM  23.1.2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]