Những ghi chú

 


tranh Otto Mueller-Đức

 

 

mà những cuộc tình chép trong Cổ Quái Tinh Hoa cũng rất lạ, về người con gái ấy tôi thấy sách chỉ chép mỗi chữ Bân, nàng Bân, tên gọi một kiểu rét buốt ở phương bắc, làng Cù tôi không có rét nàng Bân,  mượn tên một thứ giá rét ở chốn khác để đặt tên cho người con gái ấy quả có ẩn ý sâu xa nào đó khiến tôi luôn cảm thấy hâm mộ, sách chép như vầy: ‘‘có người còn nói nàng Bân sinh ra từ hư vô, nhưng đấy lại là chuyện khác, chuyện ai cũng biết là một sáng mùa hè ông từ đình làng thức dậy thấy có một bé gái nằm ngủ chỗ gốc cây muồng trên sân đình làng, tháng tư, hoa muồng rụng gần ngập người đứa bé, thứ duyên do nào ai biết, lại mở ra cuộc gặp giữa những khúc đoạn lưu ly, nhưng chắc là  do chuyện này nên có người mới bảo nàng Bân là sinh ra từ hoa, nhưng sinh ra từ hư vô hay từ hoa lại là những chuyện khác, ông từ đình làng như người cha nuôi nấng nàng thành người, cho nàng ăn học thành kẻ thông thạo sử sách, ông chết, nàng gìn giữ ngôi nhà tranh vách đất, gia sản duy nhất của ông, ban ngày nàng làm lụng ở ngoài đồng làng, ông từ đình làng chẳng có ruộng đất chi, nên nàng phải ra đồng làng làm công việc của những nhà khác để kiếm gạo nấu, đêm đóng cửa khóc cha, có người hỏi như thế là thế nào, đáp, như thề là để báo hiếu, chính nàng cũng không biết là mình từ đâu đến, nên khi nghe người làng nói nàng sinh ra từ hư vô, hay sinh ra từ hoa, nàng cứ cho là chuyện thật, và ngay cả cái buổi sáng ở sân đình làng, nghe ông từ đình làng gọi, dậy đi  Bân, nàng vùng dậy, và cho đến lúc ấy nàng mới biết mình tên Bân, thật lâu sau, ông từ đình làng, người cha đã nuôi nấng nàng khôn lớn bảo nàng không hiểu sao lúc bấy giờ ông cứ nghĩ nàng tên Bân, thì nàng cũng cứ cho đó là chuyện thật, nàng khóc ông từ đình làng với tình cảm chân thành của một đứa con gái khóc cha mình, bỡi nàng vẫn hiểu một cách đơn giản người nuôi nấng nàng từ tấm bé chính là cha nàng, có người hỏi khóc như thế là đã đủ để báo hiếu chưa, đáp, không đời nào đủ, bỡi công ơn cha mẹ là không gì sánh nổi, có điều lạ là, tuy được nuôi nấng và lớn lên trong cảnh nghèo khó như vậy, nàng lại có dáng vẻ của người con gái quí phái, bấy giờ, ở trong làng, nàng như thể đóa hoa lạ đầy hương sắc, nói thế nào nhỉ, nàng đẹp một cách xa lạ, cứ như thể nàng tiên ngủ quên trong rừng, ngưới làng khuân về, đã tỉnh giấc, nhưng cái cách đi đứng nói năng như thể vẫn còn ở trong mơ, bác từ mất sớm, em sống một mình như vậy chắc là buồn lắm, có chàng trai trong làng thấy yêu nàng, hỏi thử, đáp, em cũng không biết nữa, nàng nói trong bộ dạng như một nhà triết học giả vờ làm một người bình thường để nói ra những lời giản dị, những lời có gì đấy rất thật, rất ngây thơ, nhưng cũng rất âm vang, nhưng em có chịu đựng nổi hay không, thấy nàng làm lụng vất vả ngoài đồng làng, có chàng trai làng thấy thương nàng, kiểu thấy thương một đóa phù dung bị ngập trong nắng gió, hỏi thử, nàng bảo như vậy là cùng chung khổ với mọi người, ồ, vào thời các vị thần còn mù mờ chưa xác định được cách làm sao cho nhân gian không còn đau khổ [chứ gì nữa, nếu không phải vậy thì tại sao có nàng Bân không còn biết quê hương gốc gác của mình] thì chỉ mỗi ông từ đình làng nhỏ nhoi lại thấy trước rồi ra sẽ có được một người con gái của làng còn quí hơn vàng bạc, người đã vực một đứa bé lạc loài dậy, và ngay phút đầu tiên ấy ông cũng không hiểu sao lại gọi đứa bé lạc loài là Bân, phải rồi, nàng có tên là nàng Bân, cứ cho đó là sự bí ẩn của cuộc sống, và cuộc tình diễn ra sau đó cũng thuộc sự bí ẩn của cuộc sống, đấy là thời con người quan niệm tình yêu không phải là thứ phải ra sức tìm kiếm, cứ thủng thỉnh bước giữa trần gian muôn nẻo này rồi một hôm sẽ gặp, các chàng trai  trong làng đều rung động trước vẻ đẹp có vẻ thần thành của nàng, nhưng hết thảy đều trung thành với cái triết lý cứ thủng thỉnh bước sẽ gặp, có nghĩa, rốt cuộc, chẳng có chàng trai làng nào gầy dựng được một cuộc tình cùng nàng Bân, rồi có chuyện lạ xảy ra trong làng, sau một ngày làm lụng ở đồng làng, nàng Bân lại ra ngồi ở đầu làng ngóng nghìn về phía trời xa, chuyện gần như một nhịp điệu của của cuộc sống, cứ chiều ra nơi đầu làng thì sẽ thấy nàng Bân ngồi chờ ai đó, cứ tưởng chỉ có vậy thôi, nhưng không phải,  nàng Bân cứ tiều tụy người đi, rồi bỏ ăn, bỏ ngủ, rồi chết, người làng phát hiện thấy nàng Bân chết trong lúc còn cầm trong tay sách Những Khúc Thức Kỳ Hồ, ai cũng biết đấy là sách viết về chàng tuổi trẻ, người anh hùng trong trận chiến chống lại bọn quái thú để bảo vệ trần gian, cuốn sách lúc còn sống, ông từ đình làng thường đem ra kể cho bọn trai trẻ nghe, kẹp ở giữa sách là thư nàng Bân gủi cho người anh hùng ấy: chàng Nhụ yêu thương của em, dẫu núi có mòn sông có cạn em cũng chờ chàng’’

 

sách Những Khúc Thức Kỳ Hồ còn lưu giữ trong hồ sơ gia phả của làng, tôi lại thử đọc lại một đoạn: ‘‘chàng Nhụ nói với bọn quái thú, tức bọn nửa người nửa thú, tức bọn mình người nhưng đầu là đấu trâu, đầu bò, hay đầu ngựa, hay đầu chó, rằng, trời đã lỡ sinh ra bọn mi như vậy thì bọn mi cũng phải biết thân biết phận của mình, lập tức, bọn chúng la ầm lên, rồi kéo nhau đi lập bè lập đảng, bày ra thuyết nọ thuyết kia, làm khổ nhân gian một lúc lâu’’, nhưng tôi thì vẫn thích nhất là câu này : ‘‘sau khi trừ xong bọn quái thú, chàng Nhụ cỡi một con chuồn chuồn bay về phương nam’’

 

giã 10 AM  17.3.2021
trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG GHI CHÚ