Những đứa con thất thủ của đất [8]


Walaa Dakak/Syrie

 

 

 

8/không phải là ăn mừng thời có vua quan vừa mới  đổ đâu, ở làng tôi, sự sụp đổ của một triều đại dường chẳng ảnh hưởng mấy đến bác Bảy Trụ lúc nào cũng  ngay ngáy lo lúa trên đồng làng bị mất, hay chú Bốn Ninh cứ sợ con bò cái của nhà mình bị nâng, không chửa đẻ được, sự thất thủ của ngưới cầm cày có vẻ chắng dính dáng chi đến những biến động chính trường, tháng ba, tu hú kêu váng xóm làng, làng ăn mừng cái hầm heo [bẩy heo] của ông Tám Phấn ở chân núi Voi Nằm thắng lớn: một con heo rừng gần hai tạ đã sập bẩy, trời đất ơi, đám trẻ con chúng tôi cứ ôm nhau la hét khắp các đường làng, nó là thế này, những thứ của cải như khi ai đó săn được một con nai trên rừng, hay bẩy được một con thú rừng, thì những thứ đó nó là lộc trời [của trời ban cho con người] thì phải đem chia cho hết thảy người làng, được chứ sao không, người ta có thể biến một việc đơn giản là họp nhau lại để thịt một con heo rừng thành ra một  ngày hội lớn, nền văn hiến trong cõi cần lao nó là thế đó, do nỗi buồn thì nhiều, thất thủ thì nhiều, cho nên, có dịp là cứ vui cái đã, đang mất mùa, đói lên đói xuống, nhưng tết đến cứ vui cái đã, ví dụ thế, cái chủ nghĩa hiện sinh của mấy ông Tây nó tiềm ẩn trong cuộc cần lao thế đó, từ sáng sớm, khi nghe tìn ông Tám Phấn bẩy được heo rừng, cả làng xôn xao, bữa nay không ra đồng làng, bữa nay chẳng chợ quán gì hết, bữa nay không đi núi Mun, nghỉ hết,  ông hương kiểm Giao thôi việc làng rồi, nhưng vẫn còn thói quen làng có việc chi thì lo đi đánh trống làng trước hết, sau đó một chút, đình làng mới bị đập phá, còn lúc đó đình làng tôi vẫn còn nguyên, cái tiếng trống làng nó vang dội làm sao, nghe tiếng trống làng, đám trẻ nít chúng tôi  thấy vui như điên, nghe có heo rừng sập bẩy, ông hương mục Tần vẫn còn quen cái cách của một ông hương mục làng, ba chân bốn cẳng chạy sang nhà chú Bảy Tôn hối mài dao, hóa ra ông thợ thiến heo kiêm mổ heo ấy đã mài sao tự lúc vừa nghe tin ông Tám Phấn bẩy được heo, loáng cái, hết thảy người làng đã tề tựu đông đủ ở đình làng, người mang chén bát, người mang nồi niêu, người mang rau, củi, ông Cứ, cựu lý trưởng của làng, đã nốc rượu ngay khi nghe tin heo rừng đã sập bẩy heo của ông Tám Phấn, say, ông Cứ mỗi nách cặp một chai rượu, chân thằng chân xiêng tất tả đến đình làng, thời thực dân phong kiến, thời có vua quan, đổ rồi, ông Cứ say là say trong tư cách của một dân làng đi tham gia ngày hội của làng, khi làm việc làng, Cứ này chỉ  mỗi tội là hay lui tới chỗ mấy con mẹ góa chồng ở trong làng, giọng của ông lý Cứ đã trầm xuống đến mức hết cỡ, khi say, người ta rất thật lòng, có thể đó là dịp để cho một chức sắc của làng vừa thất thủ ở chốn quan trường thổ lộ tâm tư, cái bộ dạng ông lý trưởng Cứ lúc bấy giờ là của một người đang tuổi về già vừa buồn bã mình không còn là kẻ đứng đầu trong làng nữa vừa thấy nhớ cái thời còn đi cày của mình, khổ, mà như có cái gì đó đang diễn ra ở trong làng, một cuộc tụ tập, keo sơn, ông biết, mình có ngã xuống thì đã có người sẵn sàng đỡ mình lên, ở làng tôi hết thảy là như vậy đó, tám tuổi là phải cầm cày, sau đó, nhà nào khá giả lắm mới ráng cho con cái học chữ, ai học cao lắm, chữ nho cũng chỉ viết được tới hàng sáu [mỗi trang giấy viết được sáu hàng] như ông lý trưởng Cứ cũng chỉ viết được tới hàng sáu, nói học chữ nho bỡi đó là loại chữ của nền văn hóa nho giáo ở bên Tàu, các ông lý Cứ, hương kiểm Giao, hương mục Tần đều đã học chữ nho, có chữ mới được làm việc làng chứ, nhưng mới học chữ nho chừng ấy thì đã biết gì về nho giáo đâu, cho nên những ông ấy, trong người, vẫn còn rặt thứ văn hiến làng Cù, tức văn hiến của những người cầm cày, nghe con heo rừng rống lên một tiếng [khi bị chú Bảy Tôn thọc cổ] đám trẻ nít chúng tôi bèn rời khỏi ông lý trưởng Cứ bấy giờ đang nằm dài trên sân đình có vẻ như đang cố trò chuyện với đám trẻ nít chúng tôi, đi xem người ta chế biến các thứ món ăn, cái món thịt heo rừng xáo chuối cây nó cứ như một thứ chi tiết văn minh, thịt con thú rừng nhiệt đới cộng với giống cây thực vật thân mềm nhiệt đới để cho ra cái món ăn nó đậm chất bầy đàn sao đó, buổi trưa, ở sân đình làng, người làng tôi trải chiếu ngồi thành hàng dài dưới cái nắng tháng ba đang cưu mang thứ nóng bức mùa hạ để ăn mừng cái bẩy heo của ông Tám Phấn thắng lớn, cái bầy đàn người làng tôi  lúc bấy giờ cách cái bầy đàn người thời ông tổ của làng, ông Thống Thống, cũng tới mấy trăm năm, nhưng cái cách bà cụ Nhiêu sớt xáo chuối cho ông lý Cứ có thể nó đã đạt tới cảnh giới bầy đàn thời ông Thông Thống, một thứ tình cảm cộng đồng bền bĩ giữa cuộc nắng mưa, con người thì luôn lo sợ thất thủ trước thiên nhiên, ăn thêm chút nữa thầy lý, bà cụ Nhiêu sớt món xáo chuối vào chén ông Cứ,  nói, cứ gọi  Hai Cứ được rồi chị Hai Nhiêu, chỗ trong làng cả mà, ông lý trưởng Cứ nói, nước mắt chảy ra, tôi đang cố gắng làm cho ký ức tuổi thơ tôi trở nên rõ ràng hơn, ngôn ngữ hiện đại cũng có thể giúp cho những hiện thực như vậy được phô bày ra hết bộ dạng của nó,  

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
10.30 AM   13.1.2022
[trong tiểu thuyết đang viết : NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]