Những đứa con thất thủ của đất [5]

Johann Korec/ Áo 

 

 

5/ tôi đặt tuổi thơ tôi vào cái bầy đàn người ông Thông Thống lập ra dưới chân núi Mun như một cách cột chặt mãi mãi cảm xúc của tôi vào một hệ thống tri thức bao giờ cũng thuần khiết như đất đai đồng làng, cái hệ thống tri thức sinh ra từ tri thức trong vắt của một người chưa có mấy kinh nghiệm để tồn tại trên đời, nhưng cái phần thật của nó, cái phần chính kiến của nó lại tỏa sáng tận những trăm năm sau, thì, đêm, cứ nằm lắng nghe thử làm sao lại không nghe thấy trong nhận thức nhận định có tính tiền nghiệm, rằng, phải có một sự thể như thế mới có sự hình thành thế giới chứ, tự dưng, lại có một người không lo chuyện của mình, lại đường hoàng đứng ra lo chuyện của kẻ khác, là hình ảnh ông Thông Thống đó, nó là nền tảng của một niềm cảm xúc không có biên giới, cảm xúc bầy đàn, sự thể hướng đến kẻ khác là thứ cảm xúc vị tha, miền đất các hệ tư tưởng cao sang [của các tôn giáo, của các nhà minh triết…] ra sức khai phá, tôi cứ mường tượng mãi về một sự thể vô cùng chấn động, là, bỗng, một hôm người ta nhìn thấy một bầy đàn người, già có trẻ có, người nào cũng mang thứ tâm trạng khẩn thiết của những người đi mở đất dắt díu nhau đi trên mảnh đất trải dài dưới chân núi Mun, ngọn núi tuổi thơ tôi tốn bao công sức nghĩ ngợi về nó, bỡi cái ngọn núi, nhân chứng của một cuộc lập quốc, tôi cứ ra ngồi ở hiên hè là nhìn thấy, giữa cái vùng trũng heo hút của nhân gian bỗng nổi lên một vùng cây cối xanh tươi, ngồi ở hiên hè, mùa đông, tôi nhìn thấy những đám mây đen như những con ngựa bất kham chạy nhảy bất kể ở trên đầu đám cây cối ấy, mùa hạ, tôi nhìn thấy nắng mặt trời như những con rắn lửa cứ quấn quit mãi đám cây cối ấy như thể không chịu buông tha, khi thấy mọi thứ xảy ra ở đấy  không biết vì sao lòng tôi cứ thấy bơ vơ thế nào ấy, ngồi ở hiên hè nhà tôi mà nhìn dãy núi Mun cứ giống một tấm phên dựng  bằng cây cối, tự dưng ở đó lại có một tấm phên dựng như vậy, ồ cả trong sự nghiệp viết lách của mình tôi luôn gọi dãy núi ấy là tấm bình phong vô thể trời đất đã ban tặng riêng cho đất quê tôi, bấy giờ làng Cù tôi nghèo lắm, sáng ra, người lớn uống nước trắng, đi cày, bọn trẻ nít chúng tôi tụ tập lại, chạy nhảy nô đùa  cho quên đi chuyện sau một đêm dài thức dậy đầu óc cứ nghĩ đến chuyện giờ thì ăn thứ gì, bấy giờ, lúa gạo người làng tôi lấy được  ở đồng làng chưa đủ cho hai bữa trưa chiều làm sao có bữa sáng, tôi thì, thường sáng ra thì ngồi ở hiên hè để nhìn núi Mun, đó là người bạn lớn của tuổi thơ tôi, người bạn bao giờ cũng nghiêm cẩn chứ không phải như đám bạn cùng lứa  ở trong làng  nhiều lúc cãi vả nhau đánh nhau đến lỗ đầu mẻ tráng, tôi ngồi nhìn người bạn nghiêm cẩn của tôi, và tưởng tượng ra đủ mọi thứ chuyện, trong đó có chuyện bà Tiên ở trên núi Voi Nằm mang khoai lang nướng và bánh tráng nướng đến tặng tôi,           

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
9.30 AM   6.1. 2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]