Những đứa con thất thủ của đất [7]

 

Jon Serl [Mỹ 1894-1993]

 

 

7/về sau, các thứ biến cố lịch sử có làm cho đám trẻ chúng tôi tan tác, có đứa chết vì bom đạn chiến tranh, có đứa phiêu bạt xứ khác để kiếm sống, có đứa trở thành loại người cặn bã của xã hội, có đứa không biết làm cách sao đã leo lên được ngôi cao trong xã hội, còn lúc bấy giờ, đám trẻ chúng tôi là một thứ bầy đàn trong vắt cứ chụm lại nhau mà sống ở bên dưới thứ thời tiết như thể chỉ dành cho những cuộc bay của lũ chim trời, bấy giờ, như thể cái nhân sinh quan tuổi thơ [*] đẹp như nắng mùa thu ấy đã làm cho chúng tôi quên hết mọi trắc trở, làng tôi nghèo, thời nào cũng gặp nhiều trắc trở, nhưng với tuổi thơ của chúng tôi hồi ấy thì như có vẻ kệ nó, chuyện kinh tế đói no, chuyện chính trị chính em, hay chuyện thời cuộc thế giới, nó là chuyện của người lớn, làng mình sắp ăn kỳ yên rồi đó, chúng tôi bàn tán nhau, kỳ yên là cúng cầu an ở đình làng, làng mình ăn kỳ yên không làm thịt con bò cũng làm thịt con heo chứ, làng mình, thứ từ vựng đặc chủng ấy thường là để mở đầu cho những câu chuyện vui, dường, bấy giờ, với chúng tôi, chỉ có những chuyện vui, làng mình sắp ăn kỳ yên to lắm đấy, đám trẻ chúng tôi lại nhào nháo lên, tôi nhớ kỳ tế thần mùa xuân năm ấy to lắm [tế thần làng vào mùa xuân thì gọi là xuân kỳ, tế thần làng vào mùa thu thì gọi là thu tế/ mỗi năm có hai bận cúng ở đình làng vậy đó] mùa xuân hoa cỏ may nở trắng trên các bờ ruộng đồng làng, không hiểu sao năm ấy mới giữa tháng hai âm lịch lũ cò trắng lại kéo về đồng làng tôi đông thế, hay là có sự mách bảo nào đó trong cuộc chuyển động của tự nhiên, có một vì thần nào đó đã nói gì đó với lũ cò trắng chăng, tôi không biết, ruộng đồng làng tôi đã cày vỡ xong [tháng giêng cày vỡ ruộng ra/tháng hai trồng đậu/ tháng ba trồng cà/đồng dao ở quê tôi] lũ cò đậu trắng đất cày, tôi nhớ sau đó, nhích tới một chút nữa là tới thời kháng chiến, còn lúc bấy giờ là cuối thời có vua quan, chú Bảy Huấn của làng tôi đi đánh trận ở cực nam, mang cây súng lục ngang hông, trở về làng, quì xuống bờ ruộng, bắn một phát, lũ cò bay trối chết, một con ngã chết trên đồng làng, năm ấy, cũng vào giữa tháng hai âm lịch lũ cò trắng cũng kéo về đồng làng tôi đông như thế, còn lúc bấy giờ, lúc sắp cúng mùa xuân ở đình làng, đám trẻ chúng tôi tụ tập nhau, đứng ở cuối đồng làng để nhìn lũ cò, cái biển cò trắng to lớn ấy đang trải ra trong vẻ hoang sơ của nó, con này đang rúc đầu vào cánh, rỉa, con kia ngẩng đầu nhìn trời đất và thử chớp cánh bay, cuộc chuyển động có tính bản năng nó là những động thái thể hiện sức sống mãnh liệt của loài, nhưng tất cả những động thái ấy, cuộc chuyển động bất ngờ tạo nên thứ hình ảnh của sóng trên cánh đồng cày, lại chảy theo hướng khác trong cách nhìn thế giới của đám trẻ chúng tôi, ô lũ cò sắp múa bài ‘‘vòng qua eo nín thở’’ của bà Tiên trên núi Voi Nằm đó, đám trẻ chúng tôi nhảy lên, reo, eo nín thở là cái hẻm núi vòng quanh ngọn Thủ Đường trong dãy núi Mun, trong sự nghiệp viết lách của tôi, đám cò trắng đậu trên đồng làng, cái kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ ấy như thể thứ dấu vết lận đận của hoàn vũ,

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
10.30 AM   8.1.2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]