Một khúc tiêu tương

Scott Bergey/Canadian

 

 

lần này thì ghềnh Thạc đã tặng cho tôi và Ngàn một chút lận đận, buổi sáng, từ chuyến đánh cá đêm về lại thành phố, theo đề nghị của chúng tôi, người chủ thuyền, ông bạn hàng xóm của chúng tôi, đã cập thuyền vào nơi đây, nhớ đừng để lũ chim làm lạc đường đấy, người chủ thuyền nói, vẫy chào chúng tôi, quay thuyền trở ra khơi để về bến đậu, là ông ta nói về lũ chim ở ghềnh Thạc đấy, chuyện kể rằng, người đi mở đất chần chừ đứng nhìn cảnh trời biển bao la, định bỏ đi, nhưng nghe lũ chim yến đương làm tổ ở ghềnh Thạc nói đây là chốn để qui về, thì quyết định ở lại, từ đó, nơi mảnh đất như cái nắm tay người vươn ra biển, là cuộc chung đụng giữa người và chim, nhưng lần này không phải chúng tôi muốn quay lại với lũ chim, đã từ lâu những khúc mắc giữa con người và các bạn ấy, đám chim yến làm tổ ở ghềnh Thạc, đã được giải quyết xong yên, rằng, các bạn ấy làm tổ sinh con, lũ con các bạn ấy nuôi, còn tổ thì tặng cho con người làm thức ăn [tổ chim yến là thức ăn quí tộc đấy nhé], một thứ khế ước có tính chất tiên nghiệm, chúng tôi nói về mối quan hệ hơi dị thường giữa con người và chim trong lúc nằm dài trên đám đá cổ ở ghềnh Thạc, có lúc con người ta cũng có thể nằm lên cổ sơ mà nghĩ ngợi nhỉ, giang sơn chừ, gõ lên đá, một khúc vô thường, hay mọi con sông đều đổ ra biển, đấy là cái cảnh chúng tôi nằm ngửa người, mắt nhìn lên trần hang động, những giọt nước đang rỉ ra từ những cái vú đá, và dưới lưng là đám đá cuội, sự dừng chân có thể là lần cuối trong cuộc hải hồ, chuyện là ở đó, thủy triều đập vào ghềnh đá kéo ra biển đám đá núi vừa bị vỡ, rồi cũng theo con nước thủy triều đám đá núi vừa bị vỡ lại quay lại ghềnh đá, ai mà biết có bao nhiêu tháng năm như thế, có thể là được tính bằng thiên niên kỷ, để cho biển bào mòn đám đá núi cho đến khi chúng chẳng còn hình dạng buổi ban đầu thì mực biển bỗng hạ xuống, mặt đất lại hiện ra một gương mặt của thời gian, đám đá cuội nhẵn bóng đầy sắc màu ở đây là sự thách thức đối với nhận thức con người, vậy thì, tại vì sao chúng lại có mặt ở đây mà không phải là nơi khác, bỗng chúng tôi đều ngồi bật dậy thoát ra khỏi cuộc tưởng tượng như thể để thanh lọc bớt những nghĩ ngợi mệt nhoài về cuộc sống đương đại khi cả tôi lẫn Ngàn lúc vươn tay lên đám đá cổ đã chạm phải những hòn than đủ cỡ, chứng tích của bếp đun, lại một thách thức nữa đối với nhận thức con người, vậy thì , tại vì sao lại có những hòn than bếp lẫn lộn với đá cuội ở đây, giang sơn chừ, gõ lên đá, một khúc tiêu tương, hay, tự bao giờ, ai đã qua đây, nướng con vật biển để ăn, vỏ hến vỏ sò còn đó, hòn than còn đó, rồi như thể có sự thôi thúc trong tôi và Ngàn, những kẻ đang đi tìm cái có thể, chúng tôi cùng quì lên đám vật thể cổ sơ, cứ cho là niềm vui đang biến thành thánh lễ, bỡi bấy giờ, trong cuộc tương tư của mình, bầy đàn người từng nướng sò hến ở đây để ăn đang vẫy chào chúng tôi, những cái vẫy tay theo phong cách cổ sơ,

 

 

[trong Chỉ trên mép âm thanh]